Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Tội phạm



Khi tôi vạch đám đông tiến vào thì gã vẫn còn khư khư ôm chặt cái ví da trước ngực. Đấy là loại ví da nữ to bằng nửa quyển tập, loại ví sang trọng chỉ thấy trong phim ảnh và các web quảng cáo. Vợ tôi cũng có vài ba cái như thế, nhưng cốt để khoe khoang bạn bè chứ chả dại mà nhởn nhơ cầm ra phố.
Chị bán ngô luộc, một tay nách thúng ngô, một tay kẹp chặt khuỷu tay gã thanh niên, nhanh nhảu báo cáo:
- Thằng kia đã vác ba lô chạy sang phố Đồng Bát rồi, anh ạ.
Ái chà, ghê thật, hoá ra là một vụ cướp giật có tính đồng đảng. Tôi giật lấy cái ví trong tay gã thanh niên, không ngờ gã hùng hổ níu lại. Thằng này thật quá đáng, bị bắt tại trận rồi mà còn không chịu giao nộp tang vật cho công an. Tôi quát lên:
- Cảnh cáo lần thứ nhất.
- Cảnh cáo lần thứ hai.
Đến lần thứ ba, tôi rút súng ra, bắn chỉ thiên lên trời một phát. Thực hiện đúng theo điều 22 của Pháp lệnh "Quản lý, sử dụng vũ khí". Nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Lần này thì cu cậu xanh cả mặt, chẳng còn dám kháng cự gì. Tôi hoa tay một vòng rồi giật lấy cái ví. Đám đông phấn khích ồ lên hỗ trợ:
- Đến là khiếp. Súng với chả ống.
- Lại còn múa may.
Tôi nhét tang vật thu giữ vào thắt lưng, hiên ngang ra lệnh:
- Bà con giải tán! Đã đến lúc xe công vụ tiến vào hiện trường!
Đám người vẫn đứng lì ra đấy, giương mắt nhìn háo hức. Bọn vô công rỗi nghề này chỉ chờ có dịp là tụ tập gây mất trật tự đường phố. Chẳng nhẽ cứ mỗi câu nói mình phải bắn một phát thị oai hay sao. Trong quy định nổ súng có phổ biến: "Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng." Ở đây đối tượng là cả một đám đông bát nháo thì chẳng thể nào căn cứ được. Thế nên tôi phải lấy hết sức mà hét lên:
- Này Huấn ơi, cho xe vào đi em.
Bên ngoài có tiếng xe rú máy. Có lẽ chú Huấn nghe tiếng kêu cứu của tôi nên liều mạng xông vào. Chiếc xe mô tô đâm thẳng vào đám đông buộc bọn ngoan cố phải dạt ra hai bên. Có tiếng mẹ nào la lên khiếp hãi:
- Ối thằng ranh, xéo cả lên chân bà.
Chú Huấn oai hùng thắng xe ngay trước mặt tên tội phạm. Chú gườm gườm mắt nhìn nó:
- Thằng này đấy a? Gướm mặt mày nom gian giảo thế kia.
Lúc này tôi mới có dịp nhìn lại bộ tướng nó. Đấy là một thằng thanh niên khoảng hai mươi tuổi, ốm tong teo, nước da trắng xanh. Ngữ này đích thị là dân nghiện ma tuý. Cái quần jean mới khiếp, rách ngang rách dọc lòi cả quần đùi bên trong. Tôi túm vai nó, đẩy lên yên xe sau của chú Huấn. Nó vùng vằng không chịu leo lên làm tôi cáu tiết chỉ muốn tống cho một quả vào đầu. Nhưng cấp trên vừa có chỉ thị hẳn hoi, không được dùng vũ lực nơi công cộng, nhất là những chỗ đông người như thế này. Bọn phản động cứ chờ dịp để chụp hình hay quay video. Sau đấy là tung hê lên mạng, nào là công an hành hung người dân, nào là cảnh sát giao thông đánh người. Cứ gõ vào google là thấy, có đến trăm ngàn kết quả vu khống, bôi nhọ lực lượng an ninh.
Không được, chúng ta phải khôn ngoan và biết kiềm chế. Một tay tôi xiết chặt cổ áo nó, một tay tôi nắm bên chân trái của nó, nhấc bổng thằng ranh lên yên xe. Cũng may thằng này còm cõi nhỏ con, không thì chiến sĩ ta lại mất bình tĩnh. Tôi cũng leo lên phía sau, ép thằng tội phạm vào lưng chú Huấn. Bây giờ thì nó bị kẹp cứng ở giữa, chẳng thoát đi đâu được.
Đám đông hiếu kỳ tự động giãn ra cho xe công vụ đưa hung thủ về đồn. Đoạn kết thế là quá đẹp. Sực nhớ đến cú điện thoại vừa nãy của xếp, tôi bảo chú Huấn:
- Em gọi ngay cho anh Ba, bảo bọn mình đến quán trễ nửa giờ. Thật là rách việc với cái thằng ăn cướp này.
Huấn vừa rồ ga đâm lên cầu vượt, vừa hét vào điện thoại di động:
- Anh Ba đấy à? Bọn em đang trên đường ra quán thì vướng vào vụ cướp giật. Vâng! Đang giải thằng ranh về đồn đây. Tẩn cho nó mười phút chiếu cố rồi nhốt lại. Nhanh thôi mà.
Xe ra đến đường cao tốc, thằng ranh bỗng nhiên nghẹo đầu lên vai chú Huấn. Chắc là nó say thuốc. Tôi đưa tay đấm luôn một cú vào mạng mỡ bên phải của nó. Ra tay khảo huấn ngay từ bây giờ, may ra tiết kiệm được mười phút trong đồn như chú Huấn dự trù. Thằng ăn cướp tỉnh ngủ kêu rú lên, vùng vẫy dữ dội. Tay lái của chú Huấn suýt nữa lạng vào hông chiếc xe tải cùng chiều. Tôi quát lên:
- Mày dám chống đối người thi hành công vụ, suýt nữa gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Dứt lời, tôi đấm thêm một phát vào mạng mỡ bên trái. Nó cũng lại kêu rú lên, tìm cách nhảy khỏi xe. Hai đùi tôi kẹp cứng lấy nó. Chú Huấn phía trước cũng phối hợp tấn công, bất ngờ giật cùi chỏ về phía sau. Thằng này nghiện xì ke nặng nên sức chịu đựng rất yếu. Khi bọn tôi về đến đồn, người nó đã mềm oặt ra như cải héo.
Hai giờ chiều ngày thứ sáu phòng cảnh sát hình sự vắng tanh. Tôi với chú Huấn lớn tiếng gọi chẳng thấy ai đáp lời. Hai anh em đành khiêng thằng ăn cướp vào quẳng ở góc phòng hỏi cung. Nó tìm cách ngồi dậy, ngước cặp mắt thất thần nhìn tôi rồi nhìn quanh. Bộ mặt mỏng lét xoay tới xoay lui thật đáng ghét. Đến bây giờ tôi mới hiểu, vì sao mình ghét nó. Bởi vì cái miệng hơi móm có hàm răng đều tăm tắp. Bọn tội phạm đều có răng vẩu. Tội càng nặng, răng càng vẩu ra như bàn cào. Đấy là cái tướng số, trời sanh ra hàm răng như thế để phạm pháp. Thằng này răng không vẩu mà lại đi cướp giật, rõ ràng là không vì số phận mà vì chủ ý. Cặp mắt lươn ti hí của nó lại càng để lộ sự gian xảo, có tính toán. May cho nó là tôi đang bận việc, chứ không thì tra khảo cho ra cả mật xanh mật vàng. Ngữ này không đôi co được, phải lôi roi chích điện thì mới đâu vào đấy.
Tôi với Huấn để mặc nó ngồi trong phòng, cẩn thận khoá cửa lại rồi chở nhau ra quán. Chiều thứ sáu, quán đông nườm nượp. Anh Ba, anh Năm mới sang đến tăng thứ hai nên vẫn còn sáng suốt nhận ra đàn em.
- Hai đứa mày mới nhặt được thằng nào đấy à?
- Ôi giời, kinh khiếp. Nó là loại đầu gấu ở Mỹ Đình. Em với Huấn phải mất hai giờ phối hợp chiến đấu mới khống chế được nó. Thằng đấy lại giỏi võ, miệng chửi thề tay múa mã tấu, cứ như phim hành động.
- Ở khu vực bến xe chắc là thằng Lâm Bugi à? Hay là thằng nào nữa?
Tôi ngớ người ra, quên bảo nó khai tên họ. Bây giờ mà bịa ra cái tên thì cũng dở hơi. Tôi nói lãng đi:
- Em còn giữ nguyên tang vật đây. Nó cầm đầu cả một băng cướp, giật được đồ rồi chia nhau chạy mỗi thằng một ngả.
Tôi gạt chỗ vỏ tôm nướng ra một bên, xổ cái ví lên bàn. Trước những đôi mắt thán phục, tôi lôi ra một xấp đô la xanh. Anh Năm ngồi bên cạnh bỗng choàng tỉnh:
- Thằng này cướp giật người nước ngoài, đâm ra lằng nhằng thủ tục hành chính. Dính đến bọn nước ngoài kiểu gì cũng phiền phức.
Anh giật lấy cái ví da, tự lôi ra tấm thẻ căn cước của nạn nhân.
- Seichi Kano, sanh năm 1997, quốc tịch Nhật Bản.
Tôi ghé mắt nhìn sang tấm thẻ, bỗng thấy xây xẩm. Thằng ranh trong ảnh chẳng xa lạ gì. Bộ mặt mỏng lét, cặp mắt một mí và cái miệng móm.

Berlin, 08. 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét