(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch
hay sao chép lại.)
*
Buổi chiều thứ hai, thầy Bâng đang ở trong
chuồng gà, xăm xoi xác con gà mái. Nó nằm bẹp dúm ở góc chuồng, thân thể khô
đét. Những vết thương ở cổ thòi ra ghê rợn. Ống thực quản, dây thanh quản gần
như đứt toạc, lòng thòng trong đám lông bê bết máu khô. Thầy Bâng lật tới lật
lui con gà, ngoài vết thương ở cổ, không có vết thương nào khác. Chồn cáo không
ăn gà như thế này bao giờ. Mà con cáo lông đỏ chết hôm qua ở góc vườn cũng
trong tình trạng như tương tự. Thân thể nó cũng khô đét, vết thương trên cổ
toang hoác ghê rợn.
Chiều nay thầy định bắt con gà mái béo nhất
nấu cháo cho thằng Cún ăn. Cả tuần nay thằng con của thầy không chịu ăn gì làm
cả vợ chồng thầy đều lo lắng. Người nó gầy rộc đi, nước da xanh xao chuyển sang
tái mét. Cô Cún xoa nắn người nó rồi khóc:
“Cún ốm lắm. Cún phải ăn nhiều vào.”
Thằng Cún nép người vào lòng mẹ, nhắm mắt
sung sướng. Dường như nó chỉ cần những giây phút như thế. Cả ngày nó trốn trong
bếp như con chuột, chỉ chờ đến buổi chiều được ngồi nép vào lòng mẹ. Có hôm nó
rụt rè nói:
“Mẹ ấm và thơm thế.”
Cô Cấn khóc òa, ôm nó chặt hơn. Cô hôn lên
khắp khuôn mặt, khắp mái tóc của nó, vừa đau khổ, vừa sợ hãi. Mái tóc thằng Cún
không có mùi khét nắng như ngày xưa. Cả thân thể nó gần như không có mùi vị gì.
Nó nhạt nhẽo như đất khô, lạnh lẽo như thân chuối.
“Cún ăn cháo gà nhé. Mẹ nấu cháo gà cho Cún
ăn.”
Thằng Cún gật đầu không nói gì. Ánh mắt vô
hồn của nó lặng lẽ hướng về phía thằng Puốn đang ngủ ngon trong cũi. Chỉ cần thằng
Puốn thức dậy, hướng ánh mắt giận dữ về phía nó là thằng Cún sẽ thay đổi rất dễ
sợ. Ánh mắt nó sẽ xám xịt lại, đôi môi nó nhếch lên như con sói. Những khi đấy,
cô Cấn sợ hãi ghì chặt thằng Cún vào lòng. Cô dịu dàng bảo:
“Cún, đấy là em con. Con phải bảo vệ em
nhé.”
Thằng Cún lại ngoan ngoãn gật đầu. Nó rúc
vào lòng mẹ rụt rè bảo:
“Mẹ ấm và thơm là thơm.”
Cô Cấn âu yếm hôn lên tóc nó:
“Mẹ nấu nước hoa bưởi tắm cho Cún nhé?”
Thằng Cún hoảng hốt gồng người lên:
“Cún không tắm. Cún sợ nước, sợ mưa.”
Cô thở dài. “Sao thế nhỉ, ngày xưa nó vẫn
thích tắm, thích chơi dưới mưa”.
Thằng Cún sợ mưa đến nỗi, đêm có mưa nó
không ngủ được. Nó nằm thu mình vào lòng bố run lẩy bẩy.
“Cún sợ. Cún sợ lắm. Bố đừng bỏ Cún nhé.”
Thầy Bâng ôm chặt con vào lòng, ứa nước mắt.
Buổi chiều đi làm về, thầy hùng hục lợp lại
mái lá thật dày để mưa đừng dột lên chõng. Thầy nới gian bếp rộng thêm nửa mét,
chằm lại vách lá thật kín để mưa đừng tạt vào. Ngày mai thầy sẽ dời cái chuồng
gà sau vách bếp đi nơi khác. Từ ngày thằng Cún về ở đây, bầy gà khiếp hãi chỉ
còn đẻ thưa thớt. Bây giờ lại xảy ra cảnh gà chết thảm thương.
Thầy Bâng bỏ xác con gà vào túm lá chuối.
Thầy phải chôn nó trước khi cô Cấn trở về, phát hiện ra tình cảnh ghê rợn này.
Bên kia vách lá, thằng Cún dõi mắt nhìn ra. Nó lặng lẽ quan sát bố. Từng chi tiết
trên khuôn mặt bố, sự sợ hãi, sự lo lắng, sự kinh tởm đều không thoát khỏi tầm
nhìn của thằng Cún. Khuôn mặt thằng Cún bỗng già xọm đi, khô tàn như lá mục.
Thầy Bâng chôn xác con gà dưới gốc cây đào,
cạnh bên hố chôn con cáo. Nỗi ám ảnh trong đầu thầy càng lúc càng lớn, nó như
con quái vật ngấu nghiến tâm hồn thầy. Câu hỏi “thằng Cún là ai” bây giờ không
còn được đặt ra nữa, thầy biết nó là ai, nhưng thầy không biết phải làm gì.
Khi hai nhân viên công an mặc áo xanh vào đến
sân trước, thầy vẫn đứng bên nấm mồ con gà, lòng phiền muộn nghĩ đến sự trở về
kỳ quặc của thằng Cún và sự ra đi bất ngờ của Thạc.
Hai nhân viên của Tống Tăng Hoàn ôm súng đi
vào gian nhà lá ọp ẹp. Họ theo lệnh của phó ban hình sự lùng bắt gã thanh niên tên Thạc, người yêu của cô gái tên Khoan bị giết chết trên nương thuốc lá. Cả hai đều là người gốc Trung Hoa sang Phong Thổ dịnh cư. Một người có cơ bắp lực lưỡng tên là Châu Trấn Lục. Một
người béo tròn tên là Vũ Hạng. Theo thông tin của công an địa phương, chủ nhà
là thầy Bâng, giáo viên trường tiểu học Làng Hạ và cô Cấn, bảo mẫu nhà trẻ Đội
Đá. Thầy Bâng là anh của Thạc nên có thể họ biết địa điểm tiếp tế thức ăn cho
Thạc.
Căn nhà một gian nghèo nàn, đơn sơ chỉ có bộ
bàn ăn, cái giường ngủ, cái cũi trẻ và cái chạn bếp. Vài bộ áo quần cũ rách
treo trên tường. Hạng đứng lơ ngơ, không biết phải khám xét chỗ nào, trong khi
Lục bực tức co chân đá vào chiếc giường ọp ẹp. Khi đấy thầy Bâng cũng vừa trở
vào nhà, tiếng động Lục gây ra làm thầy vừa bước đến cửa đã giật mình. Thầy lùi
lại một bước, lo lắng hỏi:
“Ai đấy?“
Hai tên công an cũng giật mình, họ phóng ra
cửa hét lên:
“Đứng lại! Đưa tay lên.“
Thầy Bâng đứng như trời trồng, hai tay đưa
lên đầu. Châu Trấn Lục liền thúc súng vào bụng thầy, hung tợn gầm gừ:
“Nó đâu? Mày giấu nó ở đâu?“
Suy nghĩ đầu tiên của thầy là họ đến bắt thằng
Cún. Thầy hoảng sợ nhìn vào họng súng đen ngòm, lắp bắp:
“Xin hai ông tha cho thằng bé. Nó không có
tội gì đâu.”
Vũ Hạng vung tay đấm vào ngực thầy:
“Nó đâu?”
Thầy Bâng ngã chúi vào đám dọc mùng bên hè,
rên rỉ:
“Xin tha cho nó. Đừng bắt nó.”
Châu Trấn Lục không hỏi gì thêm, hắn đá như
điên vào người thầy Bâng. Từ ba ngày nay hắn liên tục bị Tống Tăng Hoàn chửi rủa,
hăm dọa, bây giờ bao nhiêu sự căm tức hắn đổ lên thân thể kẻ nằm dưới chân.
Trong danh sách nhân khẩu Làng Hạ không có
ai tên Thạc. Đấy là cái tên cha mẹ thầy Bâng đặt cho thằng con nuôi, năm nó lên
ba tuổi. Trên giấy khai sanh, thằng bé tên là Hchuk. Cha và mẹ nó bị Tống Chính
Thao xử tử vì tội phản loạn, chống lại chính quyền nhân dân. Khác với những tội
phạm khác bị đưa sang bệnh viện Trung Ương, vợ chồng Hchay bị treo cổ ở giữa chợ
để làm gương cho cả làng. Xác họ đung đưa ở đấy suốt bảy ngày, diều quạ kéo về
nườm nượp. Tiếng kêu man rợ của bọn ác điểu làm cả làng khiếp hãi, không còn ai
dám bước chân ra chợ. Ngày thứ bảy, cha của thầy Bâng và ba người trong làng phải
ra cửa ủy ban quỳ suốt hai giờ đồng hồ. Họ đệ đơn lên Lư Khả, xin đưa bộ xương
cốt tả tơi của hai kẻ xấu số về chôn ở nghĩa trang Làng Hạ. Nhưng họ bị lính của
Tống Chính Thao đánh dập dã man rồi đuổi về. Hai bộ xương của vợ chồng Hchay bị
Thao đem đâu, cả làng không ai biết. Nấm mồ không thi thể, không tên tuổi của
ông bà Hchay nằm trên triền đồi cô quạnh như hai đụm gò mối. Cho đến ngày Thạc
lên mười sáu tuổi, thầy Bâng dắt Thạc ra mộ cha mẹ, bảo em thắp nén hương đầu
tiên. Khi đấy, Thạc mới biết mình là con nuôi của gia đình thầy Bâng. Khi đấy,
Thạc mới biết cha mẹ ruột của mình đã chết.
Giờ đây, công an tìm ra tung tích của Thạc
thì Thạc đã trốn đi. Họ kéo sang nhà thầy Bâng, nhưng cũng chỉ để tức giận thượng
cẳng chân hạ cẳng tay.
Thầy Bâng lăn lộn dưới chân Châu Trấn Lục một
lúc thì nằm yên, máu trào ra khóe miệng. Vũ Hạng phải lôi Châu Trấn Lục lại:
“Thôi đủ rồi. Có lệnh bắt sống. Mày giết nó
là mày chịu tội thay đấy.”
Châu Trấn Lục vẫn còn thấy ngứa tay ngứa
chân lắm, hắn chưa thỏa cơn bực tức thì thằng thầy giáo ốm đói này đã bất tỉnh.
Hắn vung tay đấm vào tàn lá dọc mùng, giận dữ nói:
“Tao đi tìm cho nó chậu nước.”
Khi đấy, mé vườn sau thoảng có tiếng như là
người gọi “bố ơi”. Châu Trấn Lục giỏng tai nghe ngóng, hắn cũng không chắc là
hàng xóm hay người trong làng đi nương về. Vũ Hạng bảo:
“Mày xuống đấy lấy nước, xem tình hình luôn
thể. Tao đem thằng này vào nhà.”
Châu Trấn Lục ôm súng đi về phía gian nhà bếp.
Hắn chán nản nhìn cái chòi lá nằm trơ trọi sau vườn, chẳng có thằng điên nào giữa
ban ngày ban mặt dám trốn trong đấy. Thằng Thạc chắc chắn đã trốn lên núi.
Nhưng núi rừng Phong Thổ bao la bát ngát, bọn hắn biết đâu mà tìm, nhân viên
công an dưới quyền Tống Tăng Hoàn xưa nay chỉ kiểm soát khu vực dân cư. Hắn thấy
bực tức vì bọn lính của Hà Hãn Mưu thông thạo địa hình trên núi lại không bị
giao công tác truy lùng bọn nghi phạm.
Châu Trấn Lục trong cơn giận dữ, co chân đá
vào tấm cửa tre trước chòi bếp. Không ngờ cánh cửa tre lỏng lẻo không chịu nổi
cú đá của hắn, nó đổ sập vào bên trong. Lục hung hăng đạp lên cánh cửa, bước
vào vùng không gian nửa sáng nửa tối. Đôi mắt giận dữ của hắn đảo quanh bỗng dừng
lại ở cái chõng tre.
Một đứa trẻ khoảng sáu tuổi ngồi trên chõng
nhìn ra đăm đăm. Nó có bộ mặt trắng xanh như thân chuối.
Châu Trấn Lục chĩa súng về phía thằng bé:
“Có ai trong đây nữa không? Khai mau, không
thì tao bắn chết mày.”
Thằng bé nở nụ cười kỳ dị:
“Cháu không chết được nữa.”
Nụ cười của nó làm Châu Trấn Lục lạnh sống
lưng. Lục nghĩ nó bịnh tâm thần, nên mới bị nhốt vào đây.
“Ranh con, mày tên gì?”
“Cháu tên Cún.”
Ý nghĩ ác độc bỗng hiện ra trong đầu hắn, nếu
tra tấn thằng bé này, bố nó ắt phải khai ra. Châu Trấn Lục liền hung ác bảo:
“Đi theo tao.”
Thằng bé nhìn chăm chăm vào cặp mắt dữ tợn
của Châu Trấn Lục. Dường như nó bị hút vào đấy. Đôi mắt nó từ lúc nào hóa ra
xám ngắt. Châu Trấn Lục bỗng thấy ớn lạnh. Bầu không khí trong gian nhà bếp này
thật lạnh lẽo. Hắn giương súng hằn học bảo:
“Lại đây.”
Thằng bé rời khỏi chõng, vật vờ tiến về
phía cửa. Đôi mắt nó từ xám ngắt đã chuyển sang trong veo. Chúng như hai cái giếng
nước trên bộ mặt trắng nhợt. Bàn tay xanh lè của nó bất chợt thò ra, nắm lấy cổ
tay Lục. Bàn tay lạnh lẽo như đất.
*
Vũ Hạng ngồi trong nhà chờ mãi không thấy
Châu Trấn Lục trở lại thì bắt đầu lo lắng. Hắn đứng lên đi lòng vòng trong nhà
rồi ra cửa sau, nhìn dáo dác về phía chòi bếp. Bên ngoài im ắng lạ thường,
không có cả tiếng chó, tiếng gà, tiếng chim muông. Vũ Hạng bất giác buột miệng:
“Quái lạ. Sao im ắng thế? Chết cả rồi hay
sao?”
Thầy Bâng nằm dưới đất đang lần hồi tỉnh lại,
thầy ú ớ la lên:
“Cún ơi. Chạy đi.”
Vũ Hạng vớ cái áo cũ treo trên tường. Hắn tọng
cái áo vào miệng thầy Bâng, nhưng thầy vùng vẫy dữ dội.
“Con ơi. Chạy đi.” Thầy lôi được cái áo ra,
lại cố gắng gào lên.
“Mày muốn chết hả?”
Vũ Hạng giận dữ hét lên. Hắn tống cho thầy
một cú đấm vào giữa mặt. Đầu thầy bật vào cột nhà, thầy lại lịm đi. Hạng nhét
giẻ vào miệng nạn nhân, lấy dây phơi áo quần buộc chặt hai tay, hai chân lại.
Vẫn không thấy Châu Trấn Lục mang nước về,
Vũ Hạng sinh nghi, e rằng họ Châu đã lọt vào ổ phục kích. Hắn định gọi điện về
đồn xin tiếp viện, nhưng hắn sợ gặp Tống Tăng Hoàn. Thằng chó chết đấy sẽ cho
người xuống cắt tiết hắn trước tiên. Vũ Hạng đành cầm súng thận trọng đi vòng
ra cửa nhà trước. Hắn nấp vào lùm chuối, nhìn ra mé vườn sắn phía sau. Ở đấy yên
tĩnh một cách bất thường, chỉ có gió núi tràn về lạnh lẽo mang theo tiếng quạ
kêu ai oán. Vũ Hạng lên đạn, lần theo những bụi chuối um tùm, hắn di chuyển từng
bước chậm rãi về phía chòi bếp.
Gian chòi bếp có vẻ như mới được sửa sang lại.
Lá mái và lá tường đều mới. Nó kín đáo, khang trang và to lớn hơn những gian
chòi bếp bình thường trong vùng.
Phía sau chòi bếp là chuồng gà, từ đấy bốc
ra mùi phân, nhưng im lặng không một bóng gà. Vũ Hạng tiến đến bên cánh cửa
tre. Cánh cửa bị đổ vào phía trong như có một sự tấn công nào đấy, nhưng bên
trong tuyệt nhiên không có một tiếng động. Chắc chắn Châu Trấn Lục đã đi qua
cánh cửa bếp này. Vũ Hạng lên đạn, đứng nấp sau đống củi cất tiếng gọi:
“Châu Trấn Lục?”
Không có tiếng trả lời. Cả tiếng gà kêu
cũng không có. Vũ Hạng lại đánh giọng:
“Đây là lực lượng công an Phong Thổ. Bọn phản động
mau đầu hàng.”
Cũng chỉ là sự im lặng rợn người. Vũ Hạng
đưa tay lên thắt lưng, hét to:
“Bọn mày không lên tiếng, tao ném lựu đạn
vào.”
Khi đấy có giọng trẻ con nhỏ nhẹ cất lên:
“Cháu lên tiếng đây ạ.”
Vũ Hạng
ngạc nhiên hỏi:
“Ai ở trong đấy?”
Vẫn là giọng trẻ con:
“Cháu.”
“Mày là ai?”
“Cháu là Cún.”
Vũ Hạng giật mình. Khi thầy Bâng tỉnh lại,
thầy có gọi tên thằng Cún. Hóa ra nó ở trong bếp. Vũ Hạng hỏi:
“Mày làm gì trong đấy?”
“Cháu ngồi trên chõng.”
“Mày ra đây.”
Có tiếng động nhỏ bên trong, rồi giọng thằng
bé đã ở cạnh đống củi:
“Cháu đây ạ.”
Vũ Hạng giật thót cả người, không biết bằng
cách nào, thằng bé mới ở trong chòi giờ đã đứng trước mặt hắn. Nắng chiều rọi một
quầng xám ảm đạm trên khuôn mặt nó. Đôi mắt thật kỳ dị, nó trong trẻo vô hồn
như mảnh chai. Vũ Hạng rùng mình:
“Mày làm gì ở trong bếp?”
“Cháu vừa ăn thịt bạn của chú.”
“Mày nói cái gì thế, thằng loạn óc?” Vũ Hạng
la lên.
“Cháu vẫn còn đói ghê lắm.”
Thằng bé cười đau khổ như quỷ nhập tràng. Nụ
cười kiểu này Vũ Hạng đã từng thấy qua, nó không làm cho Vũ Hạng sợ hãi. Những
cái xác bị tra tấn trong trại giam của Tiểu Bá Thỉ, khi mang đi chôn thường có
nụ cười như thế.
Ánh mắt Vũ Hạng trở nên hung tợn, hắn chĩa
súng vào bụng thằng bé cất giọng đe dọa:
“Bạn tao đâu?”
Mắt thằng Cún bắt gặp ánh mắt hung tợn của
Vũ Hạng thì đổi màu. Chúng trở nên xám xịt như mưa giông. Thằng Cún thì thào:
“Bạn chú trong bếp.”
Vũ Hạng hét lên:
“Châu Trấn Lục?”
Thằng bé nhìn ra phía sau lưng Vũ Hạng gật
đầu ra hiệu. Thằng Đóng và thằng Củ Mì đang đứng đấy. Những đôi mắt xám ngắt.
Những cái móng tay dài như vuốt chim ưng.
*
Chiều nay cô Cấn phải qua nông trường rau
tăng ca. Khi cô địu thằng Puốn về đến nhà, trời đã nhập nhoạng tối. Gian nhà nhỏ
chìm trong bóng ngày tàn vẫn chưa lên đèn. Cô Cấn lo lắng đẩy cánh cổng tre, rảo
bước vào nhà. Bên trong vắng vẻ bất thường, cô Cấn gọi to.
“Bố nó ơi?”
Thầy Bâng nằm trong góc tối rên rỉ đáp lời.
Cái áo nhét trong miệng làm thầy không nói thành tiếng được. Cô Cấn nghe chồng
rên, hoảng hốt lao đến:
“Ôi, anh sao thế này?”
Bóng tối che nửa khuôn mặt thầy. Một nửa
kia hiện ra bầm tím, máu me bê bết. Cô Cấn để thằng Puốn xuống đất, lôi cái áo
trong miệng chồng ra. Thầy Bâng cựa người thì thào:
“Cấn cắt hộ sợi dây trói.”
Cô Cấn mò lấy con dao trên chạn bếp, lần mò
cắt dây trói. Cũng chỉ là dây rừng khô, dễ cắt. Thầy Bâng cử động cánh tay đau
nhói, mếu máo nói:
“Công an đến. Chắc họ bắt thằng Cún đi rồi.”
Cô Cấn hoảng hốt kêu lên một tiếng đau đớn.
Cô dúi thằng Puốn vào tay chồng:
“Anh ở đây, em ra bếp xem sao.”
Thầy Bâng lảo đảo chống tay đứng dậy. Ngực
thầy đau nhói, đầu óc choáng váng, nhưng thầy chỉ nghĩ đến thằng Cún. Nó vốn sợ
mưa. Thầy phải lên đồn công an báo, đừng cho thắng bé ra mưa.
“Anh đi với Cấn. Nếu chết thì chết cả nhà.”
Thầy Bâng ôm ngực đi trước, cô Cấn ôm thằng
Puốn theo sau. Gian bếp sau vườn chìm trong bóng tối lãng đãng, vẫn im ắng như
mọi ngày. Từ khi thằng Cún về đấy ở, gà qué cũng im tiếng. Thầy Bâng hoảng hốt
nhìn cánh cửa đổ sập. Thầy đoán, bọn người kia đã bắt thằng Cún đi. Cô Cấn cũng
thấy cánh cửa, cô không chịu nổi, khóc nấc lên:
“Cún ơi, con ở đâu?”
Trong gian bếp bỗng có tiếng trả lời nhỏ nhẹ
của thằng Cún:
“Con ở trên chõng.”
Cô Cấn kêu rú lên mừng rỡ, cô đẩy chồng qua
một bên, xông thẳng vào chòi bếp. Vừa qua cánh cửa đổ, cô vấp vào cái chân người.
Cả cô và thằng Puốn ngã chúi về phía trước. Mặt cô áp vào bộ mặt người đàn ông.
Khuôn mặt hắn bê bết máu, cặp mắt hắn mở to trắng dã. Cô Cấn hét lên rồi ngất
đi giữa tiếng khóc kinh hoàng của thằng Puốn.
Khi cô tỉnh lại, cô thấy mình đang nằm trên
chõng tre. Thằng Cún ngồi bên cạnh, đôi mắt nó long lanh sáng quắc trong bóng tối.
Cô Cấn thều thào hỏi:
“Bố và thằng Puốn đâu?”
Thằng Cún cúi đầu nói thật nhỏ:
“Con xin lỗi mẹ.”
“Bố đâu?” Cô Cấn sợ hãi hỏi dồn.
“Bố vào nhà với em rồi.”
“Có chuyện gì thế?”
“Bố bảo, vì con giết hai chú công an nên
nhà mình phải trốn đi gấp.”
Cô Cấn ngồi bật dậy. Trong bóng tối, hai
cái thây người to lớn vẫn còn nằm bất động trên sàn bếp. Mùi máu tanh tưởi xông
lên, suýt nữa thì cô Cấn nôn ọe. Cô không hiểu vì sao thằng Cún giết được hai
người đàn ông vạm vỡ. Chắc có chuyện nhầm lẫn gì ở đây.
“Có chuyện gì thế?” Cô Cấn lại buột miệng hỏi
như cái máy.
“Họ đánh bố. Con giết họ.” Thằng Cún sợ hãi
trả lời.
Vừa lúc đấy thầy Bâng ôm thằng Puốn bước
vào.
“Cấn tỉnh rồi à? Mình phải đi ngay.”
Cô Cấn bật khóc:
“Đi đâu? Gia đình mình liệu mà trốn được đi
đâu?”
Thầy Bâng cũng đứng nghệt ra, thầy chỉ nghĩ
đến chuyện chạy trốn. Còn trốn đi đâu thì thầy không biết nổi. Cả Phong Thổ này
dày đặc công an. Cô Cấn lại sụt sịt khóc:
“Mình chẳng ra được khỏi cổng làng. Hai thằng
bé thế này, đi được bao xa. Đằng nào cũng chết cả nhà.”
Câu nói “đằng nào cũng chết cả nhà” đập vào
tai thầy như nhát búa. Thầy buột miệng nói ra điều chôn giữ trong lòng suốt một
thời trai trẻ:
“Có một con đường ra khỏi Phong Thổ.”
“Đường nào?”
“Đường qua Khe Đá.”
Cô Cấn rùng mình, kêu lên nho nhỏ:
“Ôi, anh điên đấy à? Làm gì có Khe Đá. Đấy
chỉ là chuyện kể của già làng.”
Thằng Cún bỗng lên tiếng:
“Con biết Khe Đá ở đâu. Con vẫn thường ra đấy
chơi với thằng Đóng và thằng Củ Mì.”
Thầy Bâng không để ý đến lời thằng Cún. Nó
chỉ là đứa trẻ ăn nói linh tinh. Thầy đau khổ nắm lấy tay vợ:
“Đi cũng chết mà ở lại cũng chết. Nhưng đi
thì còn có thêm vài phút ở bên nhau.”
Cô Cấn tuyệt vọng nắm chặt tay chồng. Cô
nhìn thằng Puốn rồi nhìn thằng Cún. Nước mắt trào ra đầm đìa.
“Làm sao bây giờ?”
Thằng Cún thỏ thẻ:
“Mình đi, mẹ ạ.”
Cô Cấn nhìn chồng, lặp lại:
“Mình đi, anh ạ.”
Thầy Bân quả quyết:
“Anh đã vào gom ít thức ăn cho lũ trẻ, đã thả đàn gà ra rừng. Mình
phải lên đường ngay.”
Thằng Cún đứng dậy, đỡ lấy giỏ xách trong
tay thầy Bâng. Nó khẽ khàng sờ vào ống tay áo của mẹ:
“Cả nhà mình đi thôi. Cún đưa bố mẹ đi.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét