Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Tống Chính Thao, nhân vật người Trung Hoa đầu tiên của tôi


Hắn là nhân vật phản diện tàn ác và thủ đoạn của "Hồn Khói Mù", là bộ mặt tăm tối của chính quyền đặc khu Phong Thổ.
Khi qua phần 1 Mở Đầu, viết đến phần 2, tôi không dám nghĩ đến chuyện đưa người Trung Hoa vào làm nhân vật chính. Bởi vì viết về họ tôi phải khai thác khía cạnh tâm lý đặc thù của người Hoa, mô tả những mối quan hệ trong gia tộc người Hoa, tạo dựng không gian sống của cộng đồng người Hoa. Trong cuộc sống, tôi có rất ít mối quan hệ với người Trung Quốc hay Hoa kiều.

Một tác giả khôn ngoan vẫn có thể giải quyết vấn đề bằng cách né tránh, ở đây, tôi có thể chỉ viết về cộng đồng người Việt ở Phong Thổ. Và như vậy, thế giới người Hoa sẽ được mô tả qua cái nhìn của người Việt. Sự né tránh này hoàn toàn lương thiện và được các tác giả sử dụng rất nhiều, nhất là khi nhân vật chính được viết ở ngôi thứ nhất (tôi).
Nhưng trong văn chương, tôi ít né tránh vấn đề. Trong cuộc sống thật cũng vậy, tôi thường đi thẳng, chấp nhận vượt qua trở ngại, chấp nhận thương đau thiệt thòi. Tôi không là người khôn ngoan.
Một trong những truyện ngắn đầu tiên của tôi viết về đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, năm 2006, là khi tôi chưa hề đặt chân đến nước Thổ. Truyện ngắn “Thành Phố có hai mùa mưa nắng” được viết khi tay nghề còn rất non kém, nhưng là một dấu mốc khi tác giả đưa ngòi bút vượt qua không gian mình đang sống.
Sau này tôi có đến Thổ Nhĩ Kỳ năm, sáu lần, theo xe jeep vào tận những khu làng quê trong núi sâu. Nhưng bây giờ viết lại truyện ngắn này, chưa chắc đã hay hơn cái thời chỉ viết bằng cảm xúc và trí tưởng tượng.
Tiểu thuyết Bờ Bên Kia có một đoạn viết về Na Uy, mà tôi chưa từng đến Na Uy. Nhưng tôi có nguyên cái thư viện thành phố khổng lồ để tham khảo tài liệu, thời tiết, khí hậu, địa lý, văn hóa, thói quen, tình cảm, các loại động thực vật… của mọi vùng đất trên thế giới. Người ta có thể đi du lịch đến vùng đất đó, ăn ngủ - tắm biển - câu cá rồi về, chưa chắc có thể hiểu rõ về nó như những cuốn sách nghiên cứu. Tôi đọc sách và thả hồn tôi đi đến bất kỳ nơi mình muốn.
Văn chương là không giới hạn. Văn chương là nỗ lực tìm tòi và là khổ sai làm việc. Để viết cho được nhân vật Doktor Nguyen - bàn tay sắt của viện Pháp Y Berlin - tôi bỏ ra 5 năm tìm tài liệu Pháp Y. Những tập tài liệu chuyên ngành, nhưng video giải phẫu xác chết ghê rợn đã giúp nhân vật Doktor Nguyen ra đời. Để viết được nhân vật Moni, tiến sĩ phân tâm học - giám đốc bệnh viện tâm thần Berlin, tôi phải bỏ ra 6 năm đọc sách triết, phải tập sống trong thế giới triết mông lung với một phần điên loạn. Và rồi tôi yêu Moni biết bao nhiêu. Bà ấy đã cho tôi biết đến một thế giới nội tâm kỳ ảo khác bên ngoài cuộc sống thường nhật của con người.
Hồn Gió Mù là một thử thách khác. Những nhân vật của Hồn Gió Mù không có trong tài liệu nào. Họ là những kẻ do thời thế, do vùng đất sanh ra. Họ là bộ mặt tội ác của nhà cầm quyền đặc khu, là những tử tù giết người không gớm tay đến từ đại lục, là thế hệ trẻ người Trung Hoa sanh ra ở Việt Nam trong nghèo đói, bất công, tàn bạo. Nhưng một linh cảm vẫn bảo tôi rằng, họ không xa lạ. Họ vẫn là những con người trong hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Trung Hoa mà tôi đã từng đọc qua. Thật vậy, vốn kiến thức về văn học hiện đại Trung Hoa của tôi tương đối đầy đủ. Hơn mười tác phẩm của Mạc Ngôn, một loạt sách của Giả Bình Ao, Thiết Ngưng, Lưu Chấn Vân, Nghiêm Ca Linh, Vệ Tuệ, Khương Nhung, Cao Hành Kiện… Nếu ai hỏi, tôi thích nhất cuốn nào, câu trả lời là “Hoa vàng cố hương” của Lưu Chấn Vân. Tuyệt! Có bạn văn từng nói với tôi: “Đọc làm gì mấy thứ văn học Trung Hoa.” Không, tôi đọc nó với niềm đam mê, cũng như đọc các tác phẩm thriller Anh Mỹ. Văn học Trung Hoa là một thế giới khác với những con người và văn hóa khác. Bỏ qua thành kiến, đi tìm sự khác biệt là con đường vô cùng thú vị. Và tôi luôn cảm ơn tất cả các tác giả trên thế giới, nhờ có họ mà tôi nhìn ra cuộc sống muôn màu muôn vẻ, nhờ có họ mà con đường tập tễnh viết văn của tôi hấp dẫn lạ lùng.
Một buổi chiều tối, sau một đống công việc vất vả trong ngày, tôi ngồi trước laptop và bắt đầu những hàng chữ, với một cái tên Trung Hoa.
*
“Tống Chính Thao ngồi thừ người trước bàn giấy. Bản danh sách khai tử do hắn viết tay ngày hôm qua, gồm hai mươi mạng người, mới được kẹp vào tập hồ sơ mật. Thao có thói quen tự viết tay tất cả giấy tờ quan trọng, tự niêm phong, tự lưu trữ. Hai mươi mạng người tươi rói này sẽ được kín đáo đưa về lại Trung Quốc. Để làm gì, hắn không được phép hỏi, hắn chỉ có nhiệm vụ phải cung cấp.
“Tiên sư bọn ăn xác người.”
“Tiên sư chính phủ Hồ Lô.”
“Tiên sư cái thế giới tanh tưởi này.”
“Tiên sư đặc khu Phong Thổ.” “
“Tiên sư chúng mày. Chúng mày giết chết con gái Tống Chính Thao rồi tính giết luôn Tống Chính Thao.”
Hôm qua, chiếc xe jeep của Tống Chính Thao cán trúng bẫy chông, suýt nữa lao xuống vực. Hắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, chỉ bị gãy tay trái, dập đầu gối. Tài xế bị cành cây xóc qua cổ, đổ gục trên tay lái. Giá như hắn chết ngay thì đỡ, đằng này máu cứ chảy ra từ chỗ bị cành cây xuyên qua kêu lên những tiếng ùng ục. Người hắn thỉnh thoảng lại giật này lên. Tống Chính Thao bị nhốt trên xe cùng với cái xác dở sống dở chết suốt hai giờ đồng hồ. Khi công an kéo được Thao ra khỏi chiếc xe, hai chân hắn nhão ra như hai bó cải thối, cả người bốc mùi xú uế. Hầu như ngày nào Tống Chính Thao cũng phải dối diện với những chuyện chết chóc trong đặc khu, nhưng cái chết rùng rợn ngay bên cạnh, suýt kéo hắn theo, làm hắn mất hết hồn vía.
*
Tâm sự của Tống Chính Thao tràn lên trên bàn phím, kéo tôi đi vùn vụt. Những lời chửi rủa của hắn hình thành một thế giới hỗn độn, thú vị lạ thường. Vụ mưu sát Tống Chính Thao kéo theo những án mạng khác ở Phong Thổ, nhân vật Tống Chính Thao càng lúc càng rõ nét: bản lãnh và thâm độc. Tối hôm đó, tôi viết được khoảng ba trang về nhân vật mới của mình. Ba trang viết sau một ngày mưu sinh vất vả không là một thành công, nhưng tôi sung sướng lắm, tôi biết mình đã vượt qua được rào cản thứ nhất để tiến sâu vào thế giới nhân vật. Giờ đây sẽ không còn nhiều trở ngại, tôi có hy vọng để khai thác bất kỳ nhân vật nào, cho dù là người Hoa hay người Việt, cho dù là hiền lương hay sát nhân. Như vậy bộ mặt Phong Thổ sẽ được nhìn từ nhiều góc cạnh hơn.
Tống Chính Thao rất ác. Không như con cáo già Lư Khả, cái ác của một nhà lãnh đạo cộng sản giấu sau bộ mặt hiền lương tử tế. Tống Chính Thao là một công cụ thực thi cái ác của chế độ cộng sản. Cái ác của Tống Chính Thao nằm trong sự trừng phạt dã man, phơi bày trên xác chết của đồng loại. Sự cuồng nộ sát nhân của Tống Chính Thao bùng nổ trên bộ mặt bảnh trai, điềm tĩnh, trong lời nói lịch thiệp ngọt ngào. Lòng tham vô bờ của Tống Chính Thao hiển lộ bằng sự tận tụy, hết sức hết lòng vì công việc chung. Một ngày làm việc của Tống Chính Thao là một ngày của hàng loạt các sự kiện nóng hổi, của những âm mưu thôn tính và kế hoạch giết người. Viết về hắn là tự mở ra cho mình một thế giới sôi động và đa dạng. Muốn theo đuổi hắn cần có sức chịu đựng để khai thác cảm xúc và đè nén sự sợ hãi (cũng như căm ghét lẫn ghê sợ). Tại sao phải chịu đựng và đè nén? Là vì tôi nghĩ, một nhà văn không nên để cảm xúc thật của mình tràn lên bàn phím, không nên để sự sợ hãi, căm ghét, ghê sợ của mình bóp chết nhân vật. Họ cần phải viết về nhân vật đó bằng chính con người thật của hắn.
Đó là khả năng tác chiến của nghề cầm bút. Như một người lính, nhà văn ôm súng ra trận.
Tôi viết những dòng tâm sự này khi cuốn tiểu thuyết sắp vào hồi kết thúc. Cái ác sẽ kết thúc cuốn sách. Và tình yêu thương, ý chí tự do sẽ nở hoa trên đống tro tàn. Tôi viết để động viên bản thân mình:
Hãy cố đưa Tống Chính Thao đi đến cuối con đường chết, hãy làm cho hắn trở nên sôi động như một người đang sống.
Cố lên Lưu Thủy Hương.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét