Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần 3: Ngày thứ Ba cuối cùng - 10 giờ

(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)
*

Cập Ngôn lái xe vào giấu ở một lùm cây rậm rạp. Điện thoại của hắn báo tin hai cuộc gọi nhỡ của Tống Chính Thao. Rất ít khi Thao liên lạc trực tiếp với cấp dưới. Công tác của Cập Ngôn thường chỉ do Hà Hãn Mưu hay Tiểu Bá Thỉ chỉ đạo. Hai cuộc gọi liên tục của khu trưởng ngay buổi sáng hôm nay, chứng tỏ một sự việc bất thường. Cập Ngôn đoán, âm mưu đào thoát của hắn đã bại lộ. Chuyện giả bệnh dịch tả để về làng chắc đã bị bên bệnh viện phát giác, vì Cập Ngôn không hề ghé qua xin khám sơ cứu. Con đường quay trở lại của hắn đã không còn nữa. Cập Ngôn biết rõ Tống Chính Thao trừng phạt kẻ phản bội ra sao. Sẽ không có cái chết êm thấm ở bệnh viện Trung Ương mà là màn hành hình trên núi cho diều quạ xâu xé.

Hắn lắc đầu xua đi hình ảnh khủng khiếp, kiên quyết ra lệnh:

“Tất cả vào rừng.”

Chu Lệnh Khang gật đầu nhưng vẫn đứng lì tại chỗ. Hắn nhã nhặn đề nghị:

“Anh chia vũ khí ra được không? Tôi sẽ đi tập hậu.”

Khuôn mặt đăm chiêu lo lắng của Cập Ngôn thoắt chốc đã chuyển sang độc ác:

“Tao không cần thứ chó chết như mày.” Hắn quay sang hai cận vệ ra lệnh. “Lâm Sản, đi tập hậu. Tương Mã Đình, mày canh chừng thằng này cho tao. Nó có động thái gì thì cứ bắn bỏ.“

Cập Ngôn nói xong thì kéo Từ Yến vạch lá rừng tiến về phía trước.

Chu Lệnh Khang lẳng lặng xốc lại ba lô, hắn không nói gì thêm. Linh tính kỳ lạ báo cho Khang biết, chuyến đi này còn rất dài, không nên tốn sức vô ích. Hắn không sợ gì bọn phục binh bên dưới. Một mình Chu Lệnh Khang, đầu trần tay không, vẫn dư sức vượt vòng vây. Một trăm thằng phục binh vũ trang tận răng cũng không đủ sức cản đường tướng cướp Khổng Tiết. Nhưng Khang sợ những bãi mìn dày đặc vùng biên giới. Chính Dị Quán cũng không thoát chết, dù rằng trong nhóm của hắn có một tay tội phạm rất rành về đạn mìn và chất nổ.

Ở Phong Thổ chỉ có bốn người nắm giữ sơ đồ những bãi mìn, Tống Chính Thao, Tiểu Bá Thỉ, Hà Hãn Mưu và Cập Ngôn. Nhưng ba người đầu chỉ có khái niệm trên giấy. Cập Ngôn là người duy nhất biết rõ từng bãi mìn trên địa hình thực tế. Trước khi về làm trung đội trưởng lực lượng miền tây bắc, Cập Ngôn phụ trách ban an ninh chuyên giám sát và thực hiện các kế hoạch xây dựng căn cứ biên phòng bao vây toàn Phong Thổ. Hắn có thể thong dong vượt qua tất cả các tuyến đường biên giới mà không cần nhìn bản đồ.

Khi chia tay, Dị Quán có nói với Chu Lệnh Khang:

“Nếu em sa vào bãi mìn thì đại ca tìm đường khác mà đi.”

“Đường nào?”

“Đường băng qua rừng Quỷ Tiên Mộc vào Khe Đá. Đấy là con đường duy nhất không có bãi mìn.”

“Tại sao Tống Chính Thao để trống con đường này?”

“Vì chưa ai thoát ra khỏi rừng Quỷ Tiên Mộc. Họ không trở lại Phong Thổ mà cũng không ra được bên ngoài. Bạn bè bên trong, thân nhân bên ngoài, không một ai biết được tin tức của họ.”

“Có chuyện gì xảy ra ở đấy?”

“Không biết nổi. Em sống ở đây đã gần 4 năm, lăn lộn trong đội Đập Đá, nghe người Làng Hạ nói nhiều về rừng Quỷ Tiên Mộc. Họ bảo, qua khỏi rừng Quỷ Tiên Mộc là Khe Đá, nhưng có lẽ chưa ai qua được rừng Quỷ Tiên Mộc. Những người đi về hướng đấy không bao giờ trở về. Họ như biến mất vào thế giới khác. Bởi vậy mà người Làng Hạ không bao giờ dám bén mảng đến đây. Lính biên phòng cũng chỉ canh gác dọc theo bãi Đá Khèn chứ không tiến công vào rừng.”

Chu Lệnh Khang đăm chiêu suy nghĩ một lúc rồi chậm rãi hỏi:

“Vậy sao mày bảo tao đi ngõ rừng Quỷ Tiên Mộc?”

Dị Quán trịnh trọng đáp:

“Vì em tin là đại ca sẽ vượt qua. Đại ca là người duy nhất ở Phong Thổ có thể đi bằng con đường này.”

Giờ đây Chu Lệnh Khang đứng ngay bờ rừng Quỷ Tiên Mộc. Hắn ngước lên nhìn mặt trời lần cuối, nhanh chóng định vị phương hướng những ngọn núi rồi lẳng lặng bước theo Cập Ngôn. Chu Lệnh Khang đoán, Cập Ngôn lớn lên ở Phong Thổ, hắn không lạ gì những lời đồn đãi về rừng quỷ. Nhưng hắn đóng quân ở khu vực này, quen thuộc từng gốc cây tảng đá, chắc chắn hắn sẽ tìm được đường băng qua rừng.

Cập Ngôn dự định sẽ dẫn đoàn men theo bìa rừng, để tránh chạm trán trực tiếp với phục binh. Từ rừng Quỷ Tiên Mộc họ sẽ tìm cách tiến sát thung lũng. Vượt qua bãi mìn thung lũng khoảng một ki lô mét sẽ là lãnh địa của Vương Hòa Hòa. Đoạn đường bộ ước lượng khoảng mười lăm cây số. Với tốc độ di chuyển trung bình 5 km/h, khi mặt trời đứng bóng là bọn họ có thể đến Đằng Xung.

Trong rừng Quỷ Tiên Mộc tối tăm và lạnh lẽo bất thường. Vừa bước qua tàn cây đầu tiên, bầu không khí rét mướt đã đột ngột chụp xuống. Từ Yến là người đầu tiên hắt hơi. Âm thanh nhỏ xíu lan đi, đập vào từng chiếc lá nhỏ, rồi lại lan đi. Như sóng truyền tin, thật là quái đản. Chu Lệnh Khang lo lắng đảo mắt nhìn quanh. Ngoài những tiếng động do bọn hắn gây ra, sự yên lặng ở đây rất là kỳ dị. Chu Lệnh Khang đã từng có năm năm ẩn náu trong rừng, hắn biết rõ bầu không khí thiên nhiên dưới những tàn lá xanh ra sao, tiếng chim ríu rít, tiếng vượn hú, tiếng nai tác, tiếng sói tru, tiếng rái cá làm tổ và cả tiếng nước suối chảy róc rách. Sự yên lặng tĩnh mịch ở đây thật là bất thường. Khang lại đảo mắt nhìn quanh. Cái tổ kiến dưới gốc cây cổ thụ mang hình dáng một người nằm chết. Cứ như có một thây người ở đấy bị kiến đùn lên thành gò. Đất đỏ tuơi màu máu.

Cảm giác bất an làm những giác quan của Chu Lệnh Khang bị khích thích cao độ. Máu nóng đổ dồn lên mặt, chạy xuống tay chân, bất kể nhiệt độ lạnh lẽo đang bao trùm. Những tế bào trong cơ thể Khang bắt đầu khởi động, chuẩn bị chống lại hiểm nguy.

Từ Yến lại tiếp tục hắt hơi. Những chiếc lá run lên như sóng lan. Nước sương đọng trên cao theo kẽ lá rơi xuống như bụi mù. Cập Ngôn vội vã cởi áo khoác cho tình nhân, lo lắng hỏi:

“Có sao không, em? Ở đây lạnh quá.”

Tiếng nói của hắn vang lên giữa vùng không gian trống rỗng làm mọi người giật mình. Từ Yến thì thào:

“Quái lạ. Sao ở đây yên ắng thế.”

Cả bọn bất giác nhìn nhau sợ hãi. Giữa lúc đấy, tiếng trẻ con khóc ai oán vang lên sau cánh rừng tĩnh mịch. Tiếng khóc của nó hóa thành tiếng ằng ặc ghê rợn rồi đột ngột ngưng ngang như vừa bị ai bóp cổ. Cả bọn sởn da gà, bất chợt xích lại gần nhau. Lâm Sản run run hỏi nhỏ:

"Tiếng gì thế?"

Khuôn mặt hắn tái nhợt, mồ hôi vã ra trên sóng mũi. Lâm Sản sanh ra ở Phong Thổ, khi còn nhỏ hắn từng nghe hàng trăm lần những câu chuyện rùng rợn về rừng Quỷ Tiên Mộc. Bây giờ ở giữa rừng, những lời đồn đãi ma quái lại quay về ám ảnh Lâm Sản.

Cập Ngôn hung hăng bảo:

“Đấy là tiếng sói tru. Bọn mày chú ý. Sẵn sàng khai hỏa.”

Hắn rút súng ngắn, lên cò, thận trọng men giữa đám lá rừng tiến về phía trước. Từ Yến lùi lại, đi ngay sau Cập Ngôn. Tương Mã Đình đi sát bên Chu Lệnh Khang cũng mở khóa an toàn, đặt ngón trỏ lên cò súng. Những tiếng bước chân là âm thanh duy nhất vang lên trong rừng rậm. Hứa Ngải Kỳ bất chợt quay sang nhìn Chu Lệnh Khang. Ánh mắt của ả lộ vẻ hoang mang bất thường. Kỳ kín đáo đưa tám ngón tay lên ra hiệu. Chu Lệnh Khang lắc đầu, đưa chín ngón tay. Có chín người đang di chuyển trong khu rừng này. Ngoài tiếng bước chân của sáu người trong nhóm của họ, còn có tiếng bước chân mơ hồ của ba người khác.

Chu Lệnh Khang đảo mắt nhìn quanh. Những cây quỷ tiên mộc già hàng trăm tuổi, gốc to đến hai, ba người ôm. Vỏ cây sần sùi long ra từng mảng như da rắn. Bên dưới gốc cây, dương sỉ và bụi rậm đan vào nhau chằng chịt. Bên trên, những tán lá dày mù mịt, xõa từng cụm bóng đen âm u và bí hiểm. Thi thoảng mới có khoảng trống trên tầng cao, từ đấy ánh sáng mặt trời yếu ớt rọi xuống. Bầu không khí bí hiểm nơi này không hứa hẹn một điều gì tốt lành. Chu Lệnh Khang nhìn sang Hứa Ngải Kỳ gật đầu ra hiệu. Cả hai cố gắng nhấc chân, nhẹ nhàng rảo bước. Thình thịch, thình thịch. Những tiếng động mơ hồ vẫn đuổi theo những nhịp chân. Thình thịch, thình thịch. Từng nhịp bước như tiếng búa gõ vào màng tang. Những cái lỗ tai bắt đầu ù đi.

Khi đấy, một mùi hương kỳ dị lan tỏa trong không khí. Thoạt đầu chỉ thoang thoảng, rồi đậm đặc dần. Nó ngòn ngọt như mùi chuối mật chín, chua chua như mùi chanh tươi, lại hăng hắc như mùi ngải cứu.

Hứa Ngải Kỳ bắt đầu nhận ra điều bất thường. Đám lá khô dưới chân họ như đang chuyển động. Mặt đất chao đảo, đong đưa. Khuôn mặt Hứa Ngải Kỳ tái mét, ả thì thào gọi:

"Cập Ngôn!"

Cập Ngôn quay lại nhìn theo ngón tay trỏ của Kỳ. Dưới lùm cây um tùm là một cái ổ kiến khác. Nó cũng mang hình dáng người nằm, đất đỏ như máu đùn lên thành ụ. Cái hình người nhấp nhô, rồi bắt đầu chuyển động. Cập Ngôn là dân sống trong rừng, lẽ dĩ nhiên hắn là người đầu tiên phát hiện ra những tín hiệu bất thường, nhưng hắn vẫn lì lợm dẫn cả bọn tiến về phía trước. Bọn chúng không còn đường lui.

Giữa lúc đấy tiếng trẻ con lại ai oán vang lên sau cánh rừng, hóa thành tiếng ằng ặc ghê rợn rồi đột ngột ngưng ngang.

Lâm Sản kêu lên khiếp hãi:

"Đại ca, đấy không phải là tiếng sói."

Trẻ con nào mà khóc giữa rừng Quỷ Tiên Mộc. Khuôn mặt hắn bị sự sợ hãi khích thích giờ đã chuyển sang trắng nhợt, mồ hôi đổ ra dầm dề. Lâm Sản và Tuơng Mã Đình áp sát vào nhau, rê nòng súng vào những lùm cây. Chỉ cần một chuyển động nhỏ sau tàn lá là bọn chúng nã đạn.

Đám lá khô trên mặt đất bắt đầu cuộn lên những đợt sóng nhỏ. Lá cây và dây leo trên cao cũng xì xào rung chuyển. Hứa Ngải Kỳ hoảng sợ hét lên:

“Chuyện gì thế?”

Ổ kiến dưới gốc cây dâng cao dần lên rồi chuyển động về phía đám người. Lâm Sản lắp bắp hoảng loạn:

"Dừng lại. Không thì tao bắn."

Nhưng cái hình người kỳ dị vẫn không dừng lại, nó nhúc nhích, nhấp nhô. Lâm Sản la lên một tiếng rồi bóp cò. Loạt đạn hung hãn phóng vào ổ kiến bắn tung tóe. Hình người nằm trên lá hiện ra cái thây ma chỉ còn xương trắng. Một đàn kiến đỏ từ đấy túa ra, lao về Lâm Sản. Mùi hương báo động của chúng lan đi khắp cánh rừng. Từ Yến vừa nhìn thấy cảnh tượng khinh hoàng đấy, lập tức phóng chạy. Cập Ngôn cũng hét lên khiếp đảm:

“Chạy!”

Hắn đuổi theo Từ Yến. Chu Lệnh Khang, Hứa Ngải Kỳ, Tương Mã Đình cũng cuống cuống chạy theo.

Lâm Sản vẫn đứng như trời trồng, trố mắt nhìn xác người đã bị kiến ăn nham nhở. Tán cây trên đầu hắn giờ đã nhuộm thành màu đỏ, nặng trĩu. Mùi hương đậm đặc trong không gian làm hắn tê liệt cảm xúc. Từ những cụm dây thường xuân, đàn kiến đầu đạn thả mình rơi xuống lộp bộp. Bất chợt Lâm Sản rú lên:

“Cập Ngôn. Tao trúng đạn rồi.”

Cơn đau khủng khiếp xuyên qua bả vai Lâm Sản như một phát đạn xoáy. Hắn ôm vai lảo đảo chạy, cả người quặn thắt đi vì đau đớn. Phát đạn thứ hai rơi vào cổ Lâm Sản. Hắn hét lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống. Trước cái chết cận kề, hắn cố tiếp tục bò đi, há miệng kêu gào:

“Cập Ngôn. Tương Mã Đình.”

Những con kiến đầu đạn từ trong lá khô ào ạt xông đến. Mỗi con to bằng hai đốt ngón tay, mình đỏ bầm, đầy lông lá. Chúng đói khát nhe bộ kìm cứng ngắt bập vào da thịt thằng người. Độc tố thấm vào bắp cơ liền gây cơn co rút đau ghê rợn. Lâm Sản vùng vẫy gào thét trên mặt đất một lúc rồi lịm đi, co quắp lại. Những con kiến hung dữ chui vào miệng, chui vào tai, chui vào mũi hắn. Màu đỏ chết chóc tràn lên, phủ kín.

Cập Ngôn và Tương Mã Đình nghe tiếng Lâm Sản gọi thảm thiết nhưng chẳng đứa nào dám dừng chân. Đám lá khô phía sau lưng chúng vẫn cuồn cuộn tiến đến. Những chùm dây thường xuân, hoa bia trên đầu cũng đong đưa múa may. Cả bọn băng qua những lùm cây bụi chạy bán sống bán chết. Nhiều bờ đá, thân cây cổ thụ đổ ngán ngang đường thoát thân làm họ thêm vất vả, trong khi đàn kiến cứ tăng dần tốc độ.

Hứa Ngải Kỳ là người đầu tiên kiệt sức, ả tụt lại phía sau, gọi qua hơi thở:

“Chu Lệnh Khang.”

Chu Lệnh Khang chậm lại một nhịp chân, hắn nắm lấy bàn tay đang với ra của Hứa Ngải Kỳ kéo mạnh về phía mình.

“Giữ nhịp thở.” Chu Lệnh Khang la lên kéo Hứa Ngải Kỳ cùng chạy. Ngang thân cây đổ, hắn đẩy Hứa Ngải Kỳ leo lên rồi lấy hết sức nhảy qua, vừa lúc đàn kiến trong thân cây mục cũng túa ra. Kiến, khắp nơi nhung nhúc kiến. Cả cuộc đời Khang vào sanh ra tử không biết bao nhiêu lần, hơn lúc nào hết, hắn tin là cái chết đang cận kề. Đàn kiến từ tàn cây phía trước đã thả thòng lọng xuống đón lõng bọn chúng. Những chùm dây thường xuân hóa màu đỏ chết chóc. Đàn kiến từ những lùm cây bụi cũng đổ ra tìm cách bám lên con mồi. Từng nhánh cây chìa ra bàn tay tử thần lổm nhổm kiến.

Tương Mã Đình đang chạy bỗng hét lên một tiếng. Một con kiến từ nhánh cây bụi đã bám được sáu cái chân móng vuốt lên ống tay áo của hắn. Nó bò xuống cổ tay, bập đôi kìm sắc lên phần thịt người. Vết cắn đau tóe lửa như đạn bắn xuyên qua. Tương Mã Đình lảo đảo, chực đổ nhào. Làn sóng lá khô phía sau cuồn cuộn tiến gần đến. Chu Lệnh Khang và Hứa Ngải Kỳ cùng hét lên, cố vượt qua Tương Mã Đình.

Cập Ngôn nghe la thì quay phắt lại. Hắn chạy ngược về phía Tuơng Mã Đình, giật chốt lựu đạn ném liền hai quả ra sau lưng tên lính cận vệ. Giữa làn khói cay xè, Cập Ngôn xốc vai Tương Mã Đình gào lên:

“Theo tao.”

Nước mắt nước mũi ràn rụa, hai đứa dìu nhau chạy. Đàn kiến bị hơi lưu đạn cay chặn lại, chỉ còn lác đác đuổi theo với tốc độ chậm chạp. Khói độc bốc lên mau chóng làm những con kiến trên cao cũng lộp bộp rơi xuống. Mùi hương báo động của kiến bị mùi a xê tôn của lưu đạn đẩy dạt đi. Đàn kiến mất phương hướng trở nên chậm chạp. Chiếc bóng của Từ Yến thấp thoáng sau những lùm tre rừng rậm rạp rồi mất hút. Phía đấy những tàn lá đang sáng lên khác thường.

Cả bốn người vẫn không dám giảm tốc độ, cố dìu nhau chạy về hướng Từ Yến. Đám kiến chưa bị hơi cay từ phía sau lại tràn lên phía trước, chúng tiếp tục đuổi theo.

Cánh rừng càng lúc càng sáng hơn. Khi họ ra đến khoảng không gian le lói nắng, một con suối rộng thênh thang hiện ra. Đoạn này đầy gềnh đá, nước chảy xiết sủi bọt trắng xóa. Không cần biết nông sâu ra sao, cả bọn cuống cuồng nhảy xuống suối, bơi như điên sang bờ bên kia. Làn nước lạnh như cắt làm Tương Mã Đình đỡ đau phần nào, nhưng cánh tay trái của hắn đã bị liệt, đầu óc váng vất chao đảo. Tương Mã Đình chỉ muốn thả mình cho giòng nước cuốn đi. Bờ suối phía sau lưng họ bắt đầu nhuộm màu đỏ. Kiến tràn lên từng mảng trên bãi đá cuội. Một vài con hung hãn lao xuống nước liền bị dòng suối cuốn phăng đi. Cập Ngôn la to:

"Cố lên. Tuơng Mã Đình, chúng ta thoát rồi."

Tương Mã Đình lắp bắp:

"Em hết sức rồi, đại ca."

Ngôn xốc vai Đình kéo qua dòng suối, cả hai thở tồ tồ như trâu nước. Những bước chân Đình loạng choạng đạp lên lớp đá cuội, miệng gã méo xệch đi xùi bọt trắng.

Một giọng cười trong trẻo bỗng vang lên từ bờ đá trước mặt:

"Cố lên Tương Mã Đình. Bên này yên lành và ấm áp lắm."

Cả bốn người giật mình nhìn lên. Từ Yến đang đứng phơi nắng trên tảng đá, đưa tay vẫy. Cập Ngôn mừng rỡ, rối rít la lên:

"Làm sao em thoát được?"

Từ Yến nhìn xuống nói dửng dưng:

"Thì em chạy. Còn một người nữa đâu?"

Cập Ngôn thở ra:

"Toi mạng rồi."

Hứa Ngải Kỳ vừa lên được mép đá cuội là đảo mắt nhìn quanh. Bờ bên này thực sự là một thế giới khác. Đàn bướm trắng lượn lờ bên những cụm hoa chuối rừng, hoa đăng tiêu rực rỡ. Tiếng chim ríu rít trong những lùm cây. Mặt trời trên cao rọi xuống mặt nước những chùm nắng óng ả. Hứa Ngải Kỳ thở ra:

"Chúng ta thoát rồi."

Chu Lệnh Khang không nói gì, chỉ thấy lo âu. Khu rừng này có những hiểm họa khủng khiếp không một ai biết trước nổi. Chu lệnh Khang không đoán được, sẽ còn chuyện gì xảy ra. Gã vừa khám phá ra những con ếch phi tiêu màu vàng sặc sỡ nằm giấu mình sau những bụi thủy sinh. Đây là mới loài sinh vật chứa chất độc khủng khiếp nhất. Chỉ cần sờ tay vào nó là toi mạng. Một con ếch phi tiêu dài chưa bằng ngón tay út lại có đủ chất độc để giết chết hai mươi người. Chu Lệnh Khang lặng lẽ bỏ ra bờ đá trống trải, tránh xa những lùm cây bụi um tùm.

Tương Mã Đình vừa lội ra khỏi mép nước thì nằm vật ra đất, bắt đầu lăn lộn rên la.

Cập Ngôn để mặc Tương Mã Đình nằm đấy, hắn hối hả lội vào những lùm cây thủy sinh và môn nước rồi lùng sục cả những hốc đá. Sau mươi phút bươi quào, tìm kiếm, Cập Ngôn nhổ theo hai nắm lá cây. Miệng nhai, tay vò, hắn đắp chỗ lá thuốc lên tay Tương Mã Đình, xé áo buột chặt lại. Vết thuơng do kiến đốt đã lan rộng khắp cổ tay, trở nên đỏ ối. Tương Mã Đình nghiến răng trào nước mắt ra. Cập Ngôn vò nốt chỗ lá còn lại nhét vào miệng Đình. Hắn vật vã một lúc rồi ngấm thuốc nằm yên. Khi đấy Cập Ngôn mới đăm chiêu nhìn bóng mặt trời lên trên đỉnh đầu. Bọn chúng đã chạy quá xa về hướng tây, đâm vào giữa rừng già. Từ đây không biết đi lối nào để trở lại thung lũng qua núi Nèng Pha. Dòng suối này chảy về đâu? Ở Phong Thổ có quá nhiều những con suối rừng như thế này. Chúng lớn lên từ những cơn mưa rồi biến mất khi nắng hạn kéo dài.

Chu Lệnh Khang thận trọng lần ra bờ suối rửa mặt. Nước lạnh làm hắn thấy sảng khoái. Từ đây nhìn lên tảng đá nơi Từ Yến ngồi chỉ khoảng độ vài ba mét. Dáng áo tím của ả phơi lên nền trời đẹp như một đóa hoa diên vĩ.

Chu lệnh Khang ngắm nhìn Từ Yến, thầm hỏi: "Người phụ nữ này thực sự là ai?"

Cho đến sáng nay, hắn vẫn nghĩ về cô ta như một loại gái điếm của lầu Liễu Liên, một loại đàn em không bén gót Hứa Ngải Kỳ. Cách ăn mặc hở hang khiêu gợi không hợp hoàn cảnh của Từ Yến, cũng tạo cảm giác ả là loại gái làng chơi rẻ tiền. Không ngờ cách hành xử của Từ Yến giữa lúc nguy hiểm thật khác thường. Bây giờ nhớ lại, Chu Lệnh Khang mới nhận ra, Từ Yến không hề mất bình tĩnh. Giữa lúc mọi người đang khiếp hãi, Yến vẫn mau chóng nhận ra hướng rừng sáng để tìm lối thoát thân. Cả cái cách Từ Yến vượt qua chướng ngại vật cũng thật chuyên nghiệp. Ả phóng cao đúng tầm, nhảy xa đúng cự ly, không thừa một cen ti mét, uyển chuyển như một con báo. Loại tội phạm như thế nào mới được huấn luyện chuyên nghiệp như vậy. Cũng như Chu Lệnh Khang, Hứa Ngải Kỳ và nhiều phạm nhân chạy án ở Phong Thổ, Từ Yến chắc chắn chỉ là cái tên giả.

Sau lần vượt ngục bất thành ở nhà tù Thâm Quyến, Chu Lệnh Khang đâm nể phục Hứa Ngải Kỳ. Cô ta là người phụ nữ bản lãnh nhất mà Khang tiếp xúc. Nhưng Hứa Ngải Kỳ chỉ bản lãnh, mưu mô và tàn ác, so với Từ Yến, Kỳ thiếu hẳn sự chuyên nghiệp và sự rèn luyện. Từ Yến không chỉ vượt xa Hứa Ngải Kỳ, cô ta hơn hẳn những người đàn ông ở đây.

Nếu không xảy ra sự cố trong rừng Quỷ Tiên Mộc, Chu Lệnh Khang sẽ chẳng nghi ngờ gì Từ Yến. Kiểu hóa trang của Hứa Ngải Kỳ là một phuơng thức hành động chuyên nghiệp mà lại thiếu chuyên nghiệp. Kiểu ăn mặc lẳng lơ rẻ tiền, kiểu khiêu gợi ngu dốt của Từ Yến mới là chiếc bẫy vô hại mà cực kỳ nguy hiểm.

Từ Yến cảm nhận ngay cái nhìn của Chu Lệnh Khang, ả mềm mại quay sang, nở một nụ cười. Như một cánh đồng cỏ êm đềm hiện ra, nụ cười của Từ Yến thật ngây thơ thanh khiết. Chu Lệnh Khang cũng bất giác mỉm cười đáp trả.

Khi Từ Yến từ trên bờ đá bước ngang sang chỗ hắn, chiếc áo lụa màu tím của ả vẫn còn chưa khô hẳn. Nó mềm mại phủ lên một thân hình rắn chắc tuyệt mỹ. Trong một thoáng chốc cực kỳ ngắn ngủi, Chu Lệnh Khang nhận ra dưới làn vải, một chiếc bóng sắc chạy dọc theo cổ tay Từ Yến. Hắn ngạc nhiên thầm nghĩ: “Thật là thú vị, cô ta có cả dao găm trong cổ tay áo.”

Tương Mã Đình thiếp đi mười lăm phút thì bắt đầu tỉnh lại, mồ hôi túa ra trên người hắn vàng khè, có mùi chua loét. Lá cây rừng đã đẩy bớt chất độc trong thân thể hắn ra ngoài. Tương Mã Đình bò dậy, lần ra bờ suối. Cập Ngôn vội vã chạy đến.

“Nước đây.”

Hắn đưa cho Đình bi đoong nước. Tương Mã Đình nhìn Cập Ngôn đầy biết ơn rồi ngửa cổ uống ừng ực. Cập Ngôn lục ba lô, lo lắng tìm thức ăn. Hắn tưởng chuyến đi thuận tiện nên cũng chỉ mang theo một ít lương khô cầm chừng. Không ngờ toàn bộ số thức ăn nằm trong hành lý của Lâm Sản, bây giờ chắc đã nằm trong bụng kiến.

Chu Lệnh Khang và Hứa Ngải Kỳ cũng tự động mở ba lô mang theo. Họ dự đoán chuyến đi có nhiều bất trắc nên mang theo lương thực đủ cho hai ngày.

Vừa lúc đấy tiếng trẻ khóc ngằn ngặt lại vang lên. Lần này, tiếng khóc ở rất gần.

Cập Ngôn dỏng tay lắng nghe rồi đứng bật dậy, hắn bảo Tương Mã Đình:

"Mày bảo vệ Yến, sẵn sàng nã đạn." Rồi hắn quay sang Chu Lệnh Khang. "Mày theo tao."

Chu Lệnh Khang vội vã tìm một khúc cây lớn làm vũ khí. Cả hai vạch những bụi môn rừng mọc ven bờ suối, tiến về phía có tiếng khóc. Những cây môn ở đây to lớn dị thường. Lá rộng bằng chiếc dù, cao hơn đầu người, che kín mặt đất. Bên dưới tán môn, không khí vô cùng ẩm thấp. Mặt đất sình lầy nhão nhoét phủ một thảm thực vật xanh um. Cập Ngôn cầm súng ngắn đi sau. Chu Lệnh Khang cầm gậy lom khom đi trước, cố nhìn thật kỹ những chỗ hắn đặt chân lên. Cảm giác bất an cứ bám theo hắn, như có trăm ngàn con quái vật giết người đang chuẩn bị xông ra.

Phía sau rừng môn, những tảng đá chập chùng hoa chuối đỏ bỗng hiện ra. Đá chất chồng lên nhau tạo ra nhiều khe hở hiểm trở. Nhiều nơi dây thường xuân bò xuống phủ kín.

Cập Ngôn nhét súng ngắn vào thắt lưng. Hắn lên đạn khẩu ZH-05, khoát tay ra hiệu cho Chu Lệnh Khang tiến lên khu vực mõm đá. Khi đấy, tiếng khóc lại vang lên phía sau đám lưới thường xuân bên mé trái. Nó chỉ là một tiếng "hơ" nhỏ rồi tắt nghẹn. Cập Ngôn lao đến núp sau một tảng đá. Chu Lệnh Khang cũng chọn cho mình một chỗ ẩn náu.

Cập Ngôn ria nòng súng về hướng tiếng khóc, la lên:

“Ai trong đấy? Bước ra ngay.”

Không gian vẫn im ắng nặng nề. Cập Ngôn lại la lên:

“Bước ra chưa? Tao ném lưu đạn vào đấy.”

Một giọng đàn ông vang lên sợ hãi:

“Xin đừng bắn. Chúng tôi có phụ nữ và trẻ em.”

Cập Ngôn quát:

“Để tay lên đầu, bước ra.”

Từ sau hốc đá có dây leo che kín, một người đàn ông chậm chạp bước ra. Anh ta chỉ đưa một tay lên đầu, cánh tay kia treo ngang ngực. Khuôn mặt người đàn ông bầm tím như bị đánh. Phía sau, một người phụ nữ bồng theo đứa con nhỏ và một thằng bé khoảng sáu tuổi. Cả bốn người nép vào nhau ra vẻ hoảng sợ. Cập Ngôn ngạc nhiên hỏi:

“Các người là ai?”

Người đàn ông trả lời:

“Chúng tôi là dân Làng Hạ. Xin ông tha cho.”

“Chúng mày vượt biên à?”

Người đàn bà rưng rưng nước mắt lên tiếng:

“Xin các ông tha cho, chúng tôi chỉ chạy trốn.”

Cập Ngôn khoát tay:

“Đi theo tao.”

Hắn dẫn cả gia đình người Làng Hạ về lại bên bờ suối cũ, lòng thấy khó chịu. Giết bọn này hoặc bẩn tay hoặc tốn đạn, thả chúng đi thì hiểm họa không lường.

Hứa Ngải Kỳ và Từ Yến thấy Cập Ngôn dẫn đoàn người lếch thếch quay lại thì chỉ tò mò nhìn, chứ không hỏi gì. Bộ dạng đói khổ, ốm yếu của gia đình này cũng đã nói lên, họ là dân nghèo trong làng.

Tương Mã Đình thì ngạc nhiên hỏi:

“Bọn mày làm cách nào thoát được lũ kiến?”

Người đàn ông ngơ ngác hỏi lại:

“Kiến nào ạ?”

Tương Mã Đình vừa qua khỏi cơn đau, mình mẩy còn nóng nảy đau nhức lắm. Hắn tức giận gầm gừ:

“Mày hỏi đểu tao đấy à?”

Cặp mắt hắn lóe lên hung tợn. Thằng bé sáu tuổi đang đứng nép mình bên bố nó bỗng nhếch môi cười như chó sói. Nó bắt gặp ánh mắt hung tợn của Tương Mã Đình, đôi mắt nó xám ngắt lại. Người đàn bà lập tức phát hiện ra, chị vội vã với tay kéo nó úp mặt vào bụng chị. Giọng người mẹ thì thầm du dương như ru con ngủ:

“Cún đừng sợ. Họ không làm gì bố đâu. Cún đừng sợ nhé.”

Thằng Cún đứng im lìm, rúc đầu vào bụng mẹ.

Thái độ của mẹ con thằng Cún không thoát khỏi tầm quan sát của Chu Lệnh Khang. Từ lúc gặp họ trong khe đá hắn đã lấy làm lạ. Thằng Cún bé tí thế, làm cách nào nó vác cả cái túi to cho gia đình, đi suốt một đoạn đường dài. Bố nó có lẽ bị gãy tay, phải treo tay trước ngực, dáng đi lảo đảo như người đang đau. Khuôn mặt bị ai đánh bầm dập vẫn còn sưng tấy lên. Mẹ nó bồng thằng em khoảng một tuổi cũng lê từng bước đi mệt nhọc. Làm cách nào để bọn người ốm yếu này bám sát theo bọn chúng suốt một đoạn đường nguy hiểm, mà vẫn an toàn.

Tương Mã Đình căm ghét bảo Cập Ngôn:

“Xử chúng cho rảnh nợ.”

Cập Ngôn gật đầu. Thằng Cún bỗng rời bụng mẹ quay phắt lại. Môi nó giận dữ nhếch như chó sói. Cặp mắt nó xám ngắt lại. Thầy Bâng và cô Cấn nước mắt chảy ròng ròng, họ quàng tay ôm chặt lấy thằng Cún. Cả ba người đều run lẩy bẩy. Cập Ngôn cầm súng lên bảo vợ chồng thầy Bâng:

“Đi, bọn bây ra bờ suối.”

Chu Lệnh Khang vẫn nhìn đăm đăm thằng bé, hắn đột ngột lên tiếng:

“Cập Ngôn. Tha cho họ.”

Câu nói của Khang như cú đấm, tống thẳng vào mặt Cập Ngôn. Hắn quay phắt lại nhìn Chu Lệnh Khang bằng cặp mắt vằn đỏ:

“Tao bắn mày trước, thằng chó.”

Chu Lệnh Khang cười nhạt:

“Nếu họ biết đường vào đây thì họ phải biết đường ra.”

Cập Ngôn giật mình, hắn suy nghĩ rồi quay sang thầy Bâng:

“Mày có biết đường ra không?”

Thầy Bâng sợ hãi lắc đầu. Chu Lệnh Khang tiến lại gần thằng Cún. Hắn ngồi xổm xuống trước mặt thằng bé, từ tốn gọi tên:

“Cún này. Cháu có biết đường ra không?”

Thằng Cún nhìn thẳng vào mắt Khang rồi lễ phép trả lời:

“Cháu biết.”

“Cháu có thể dắt bọn chú đi cùng không?”

Thằng Cún vui vẻ trả lời:

“Vâng, ạ.”

Thằng Puốn bỗng nhiên khóc thét lên. Cô Cấn sợ hãi dúi đầu nó vào ngực, nhưng nó vùng vẫy dữ dội, miệng kêu lên những tiếng ằng ặc. Thầy Bâng khiếp hãi phân bua:

“Nó chỉ đói thôi. Xin các ông tha cho. Từ sáng đến giờ nó chưa ăn gì.”

Hứa Ngải Kỳ buột miệng hỏi:

“Các người đi từ hôm nào?”

Thầy Bâng trả lời:

“Chúng tôi đi từ chiều hôm qua. Chỉ kịp mang theo vài củ khoai và ba quả trứng. Đến sáng nay thì chẳng còn gì.”

Chu lệnh Khang bắt gặp ánh mắt Hứa Ngải Kỳ. Cả hai cùng thắc mắc, làm sao trong nửa ngày mà gia đình này có thể vượt được đoạn đường dài từ Làng Hạ ra biên giới.

Cập Ngôn dường như không quan tâm đến tình tiết kỳ lạ đấy, hắn cười độc ác:

“Không còn thức ăn thì để nó lại.”

Cô Cấn hét lên, siết chặt thằng Puốn vào lòng. Chu Lệnh Khang im lặng móc ba lô lấy ra hai ổ bánh mì. Hắn đưa cho thầy Bâng mà không nói lời nào. Thầy Bâng ứa nước mắt chấp tay lạy tạ Chu lệnh Khang, miệng lẩm bẩm thật nhỏ:

“Nếu còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên ơn anh.”

Cập Ngôn căm tức nhìn Chu Lệnh Khang, nhưng cố nén cơn giận, hằn học ra lệnh:

“Lên đường. Thằng nhỏ, mày đi trước với tao.”

*

Tiểu Bá Thỉ mang câu hỏi giận dữ của Lư Tố Nga theo lên núi, lòng cứ thắc mắc bực dọc. Những tình tiết mâu thuẫn trong đêm án mạng bỗng quay trở lại như ám ảnh. Nhưng Tiểu Bá Thỉ vốn là kẻ ít tình cảm, giết người không gớm tay nên chỉ qua một đoạn dốc núi là hắn bắt đầu quên đi.

Phía sau, Lư Khả vẫn bám theo từng bước chắc nịch. Đoạn đường ban đầu là rừng cây cổ thụ rễ đâm tua tủa, họ cứ lấy tay chân đu bám rễ mà vượt qua. Vừa ra khỏi rừng cây, một khoảng màu đỏ ghê rợn hiện ra trong tầm mắt. Tiểu Bá Thỉ ngỡ ngàng kêu lên:

“Cái quái gì bên trên thế nhỉ.”

Từ đoạn này, đá vôi trơn tuột, nhưng họ vẫn bám được vào lùm bụi mọc theo kẽ đá để leo lên. Chỉ những đoạn gặp vách đá dốc đứng cản đường, Tiểu Bá Thỉ mới phải giúp Lư Khả, nhưng xem ra, ở tuổi gần bảy mươi lão ta vẫn không gặp nhiều khó khăn.

Dòng chảy màu đỏ càng lúc càng gần, cho đến khi Tiểu Bá Thỉ nhận ra, đấy là những cụm cây trà đang mùa nở hoa dày đặc. Sắc hoa đỏ thẫm thật lạ lùng. Lư Khả theo sau, cũng nhận ra những cụm hoa trà, lão thở hắt ra khoái trá:

“Quả đúng là hoa trà. Có đến ba mươi mét. Hay ho thật. Cụ cố Lư Hán cao tay thật.”

Lão biết, hoa này do cụ cố Lư Hán trồng. Ban đầu Lư Hán chỉ rải vài hột giống xuống đất đánh dấu, chờ ngày quay lại tìm. Nhưng thời cuộc thay đổi, Lư Hán đành bỏ dở giấc mộng nam tiến. Cách đây ba mươi năm, khi Lư Khả mới sang Phong Thổ, những cụm hoa trà này cũng còn ít ỏi lắm nên lão không thể nào tìm ra giữa những dãy núi trùng điệp. Theo thời gian hoa trà mọc lan ra mép đá. Hạt rụng xuống trôi dần theo triền dốc rồi mọc lên cây, tạo thành một dọc dài trên triền núi. Đến mùa xuân hoa nở ra như vệt máu chảy. Cách đây hai năm, vào mùa xuân Lư Khả tình cờ phát hiện ra dòng chảy đỏ ối, nhưng lão cũng không chắc có phải là hoa trà của cụ cố hay không. Nó chỉ hiện ra trong khoảng hai tuần rồi biến mất. Nhiều lần trong năm đấy lão trở lại vùng này tìm đường lên nhưng đều bị gỗ đá chận lối. Lư Khả đi loanh quanh như lạc vào bát quái trận đồ mà rừng cây trà lạc dấu ở nơi đâu.

Bây giờ là mùa xuân, hoa trà hiển lộ không lẫn đi đâu được, lại có Tiểu Bá Thỉ dẫn đường nên Lư Khả mới lên đến tận nơi. Lão sung sướng bảo Tiểu Bá Thỉ:

“Theo tao lên đầu nguồn.”

Tiểu Bá Thỉ xem đồng hồ, mười giờ hai mươi lăm. Hóa ra đoạn đường lên khó khăn hơn hắn ước lượng. Thỉ bảo:

“Bác xem gì thì xem, mười phút nữa cháu phải xuống núi.”

Lư Khả không nói gì mà hung hăng bám những cụm cây trà leo lên. Phía đầu nguồn của dòng hoa là một vùng đất bằng phẳng, khá rộng lớn nằm men theo vách đá vôi trắng dốc đứng. Xa xa giữa núi rừng trùng điệp, dòng sông Sìn Thà như dải lụa bạc len lỏi qua thung lũng xanh đổ về xuôi. Ở trên này hoa trà mọc tràn lan như tấm thảm đỏ tạo ra bức tranh có sức tuơng phản thật dữ dội. Có khoảng bốn cây trà cổ thụ mọc túm tụm cao trên ba mét, gốc to bằng bắp chân người, hoa trổ kín như phủ lụa điều. Tiểu Bá Thỉ nhìn quanh khoan khoái hít lấy một hơi gió thoáng đãng.

Lư Khả không quan tâm gì đến khung cảnh xung quanh, lão đang loay hoay bước tới bước lui đếm dấu chân rất kỳ quặc. Tấm áo màu đen của Lư Khả thoắt ẩn thoắt hiện giữa rừng hoa trà. Nắng bắt đầu lên gay gắt, đuổi dần bầu khí lạnh trên núi. Tiểu Bá Thỉ tuy sốt ruột nhưng cũng không dám nói gì, chỉ ngồi xuống đất kiên nhẫn chờ đợi. Không rõ Lư Khả tìm kiếm cái gì trên này mà cả vùng núi vang lên tiếng cuốc đất, chặt cây.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét