Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần Kết

(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)

*

 

Sài Gòn mùa hoa mai vàng. Chiến dịch vận động tranh cử đang diễn ra sôi nổi ở các quận huyện. Xuân an bình tự do về trong ánh mắt trẻ thơ long lanh, trong nụ cười rạng rỡ của các cụ già.

Đảng Thanh Niên Tự Do dựng diễn đàn thảo luận với cử tri trên công viên Khải Định. Lá cờ màu chàm tung bay phần phật trong gió xuân. Cánh chim hiên ngang chao lượn giữa vùng trời bao la là biểu tượng của Đảng Thanh Niên Tự Do. Họ cần thêm sự ủng hộ cử tri đất Sài Gòn để chiếm được phần lớn số ghế ở Nghị viện liên bang. Những người ủng hộ họ không chỉ là những thanh niên tuổi mười tám, lần đầu tiên cầm lá phiếu dân chủ trên tay, không chỉ là những sinh viên vừa bước chân vào trường đại học, không chỉ là các công nhân trẻ từng ngày đổ mồ hôi trong những khu công nghiệp sầm uất. Họ còn hy vọng có được lá phiếu của những người đã qua một thời tuổi trẻ khao khát tự do.

Diễn giả là một người đàn ông lục tuần quắc thước, mặc đồ vest đen.

“Giữa mùa xuân an bình này, chúng tôi mong đồng bào đừng quên một phần máu thịt của chúng ta còn chìm trong nỗi thống khổ ngút ngàn, đừng quên một phần non sông gấm vóc đang bị tàn phá huỷ diệt. Tình hình vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở các đặc khu. Cho đến bây giờ, những tội ác này vẫn nằm ngoài khả năng can thiệp và thương thảo của nhà nước Việt Nam. Đảng Thanh Niên Tự Do ngoài những hoạt động kinh tế, xã hội, y tế, đối ngoại và từ thiện vẫn có nhiệm vụ chính là tranh đấu chống lại những sai phạm đi ngược công ước quốc tế về nhân quyền và bảo vệ thiên nhiên. Buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi muốn trình bày với quý đồng bào vấn đề tranh đấu cho các đặc khu ở Việt Nam, những khó khăn, cố gắng và thành công của chúng tôi. Ứng cử viên của Đảng Thanh Niên Tự Do là một trong những nhân chứng hiếm hoi thoát ra khỏi đặc khu Phong Thổ. Từ mười năm lăm năm nay, anh liên tục tranh đấu để đòi quyền thanh tra, kiểm soát các vùng đất mà gần năm mươi năm trước, chính quyền cũ đã bán rẻ hoặc cho Trung Quốc thuê mượn dài hạn. Chúng tôi xin giới thiệu, tiến sĩ Hchuk, chuyên gia kinh tế đối ngoại liên bang.”

Thạc bước lên diễn đàn giữa những tràng vỗ tay. Bao giờ những tiếng vỗ tay này cũng gợi nhớ tiếng súng liên thanh vang lên trong rừng tre, nó luôn đưa Thạc trở về nơi chốn cũ. Gió thổi qua những hàng me đường Cộng Hòa, buông rơi những chiếc là vàng cuối đông còn sót lại. Thạc đưa tay lên, nhìn cái đồng hồ cũ kỹ. Nó tróc lở và rỉ sét. Kim chỉ 20 giờ 05. Từ mười lăm năm nay, Thạc vẫn đeo nó. Từ mười lăm năm nay thời khắc vẫn dừng lại như vậy. Thạc nhìn xuống đám đông, xúc động nói:

“Kính thưa quý đồng bào! Tôi đến từ Phong Thổ. Tôi sanh ra ở đấy. Ông bà tôi, cha mẹ tôi, người yêu tôi, bạn bè tôi đã vĩnh viễn nằm lại đặc khu. Nhưng tôi mất liên lạc với Phong Thổ từ mười lăm năm nay. Chỉ qua những hình ảnh chụp trên vệ tinh, tôi mới biết, Phong Thổ đã từng bị hủy diệt, đã từng cháy rụi và sụp đổ. Khi đấy, tôi vừa trốn thoát ra được vùng tự do. Hiện nay người Trung Quốc đang xây dựng ở Phong Thổ một khu công nghiệp mới, chuyên sản xuất các loại hóa chất quốc phòng và hóa chất công nghiệp cung cấp cho cả Hoa Lục. Lượng chất thải mà các chuyên gia đo được từ đoạn sông Sìn Thà đổ ra từ Phong Thổ đã vượt quá xa mức độ cho phép, nó đạt đến ngưỡng vô cùng độc hại…”

Thạc dừng lại một thoáng, lắng nghe gió về xào xạc những hàng me.

“… Những vận động kiên trì của chúng tôi đã đạt được kết quả khả quan đầu tiên. Ngày 01 tháng Ba này, đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc được phép đến Phong Thổ để có những đánh giá sơ bộ về tình hình nhân quyền và mức độ tàn phá môi trường. Tôi cũng được phép có mặt trong đoàn thanh tra. Vâng, tôi sẽ về lại Phong Thổ.”

*

Cơn mưa xuân đêm qua làm dậy lên mùi đất, mùi lá non. Chân trời tím ngát còn chưa thức giấc bình minh. Buổi sớm mù sương ở xứ Huế cổ kính lãng đãng khói nhang trầm, thoang thoảng hương ngọc lan. Hàng quán đã lục đục mở cửa, dọn ghế, xếp bàn. Nhà sư bước thong thả trên lề phố, cắm từng nén nhang trước mỗi cửa nhà, gửi đến mỗi gia đình trong thôn xóm lời nguyện cầu bình an.

“A di đà Phật.”

Tiếng chào buổi sáng hiền lương vang lên khe khẽ. Những người dậy sớm đã quen với hình ảnh chiếc áo nâu sòng. Nhưng không ai biết sư thầy tên gì. Hơn mười năm trước, thầy về đây nương nhờ cửa Phật, lặng lẽ làm công việc chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ tàn tật. Cũng không ai biết thầy từ đâu đến. Mỗi sáng tinh mơ nhà tu trẻ cúi đầu đi trên những con đường làng, thầm lặng cắm xuống những nén nhang.

Tiếng chuông chùa sớm ngân lên trong rừng thông. Thầy ngước mắt nhìn về phương Bắc. Gió núi đưa hương đại ngàn xuôi Nam, mang theo lời thở than uẩn ức.

“A di đà Phật. Cầu mong oan linh siêu thoát.”

Đêm qua Nen mơ thấy Thạc quay về lại Phong Thổ. Ba thằng con trai ngồi trên bờ đá nhìn xuống những khoảng ruộng bậc thang lấp xấp bên dưới triền núi. Tia nắng cuối cùng vừa tắt trên nương cải vàng, để lại bóng chiều xám nhạt nhòa. Mân đưa chung rượu màu đỏ lên môi, rưng rưng nước mắt.

“Vì sự sống và cái chết của ba đứa mình.”

*

Thầy Bâng dạo quanh bờ hồ ngắm hoa đào buổi sớm. Mùa xuân về lạnh lẽo giữa bầu không khí tưng bừng nhộn nhịp. Trên đại lộ giăng đầy bảng hiệu sặc sỡ, xe cộ nối đuôi nhau như mắc cửi. Sức sống hừng hực của thành phố đang muốn vỡ òa ra. Nó càn quét, đẩy lùi đám người vọng cổ vào những xó xỉnh nhỏ bé của loài côn trùng cô độc. Thầy Bâng thu mình lại trong nỗi nhớ nhung xa vắng. Tờ báo mới treo bên đường đập vào mắt thầy như ngọn đèn pha vừa lóe lên trong đêm tối. Thầy mua một tờ báo, hối hả tìm một băng ghế trống trong công viên.

Những ngón tay của thầy run run chạm lên trang giấy nhật trình. Khuôn mặt chữ điền ngang tàng của Chu Lệnh Khang nằm ngay trang chính.

“Phiến quân Trung Tân Phục Quốc của Khổng Tiết đã chiếm được bốn tỉnh thành phía Tây Bắc, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời ở Tân Cương, Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên. Quân nổi dậy đang trên đường băng qua Thiểm Tây, Hà Bắc tấn công vào Bắc Kinh, thế mạnh như vũ bão.”

Thầy Bâng mở điện thoại. Mẩu tin nhắn ngắn ngủi hiện ra.

“Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, tướng quân Từ Yến đã hiên ngang ngã xuống trên chiến trường Thiểm Tây. Chu Lệnh Khang và Hứa Ngải Kỳ."

Thầy Bâng lặng người đi, giữa lúc binh lửa này, Chu Lệnh Khang vẫn nhớ đến những người bạn cũ. Thầy lưỡng lự một chút rồi gõ vào điện thoại những dòng chữ tiếng Hoa:

“Thằng Cún chuẩn bị tốt nghiệp đại học Y Khoa Quốc Gia, hiện đang thực tập ở bệnh viện An Dân. Nó cao 1 mét 78, nặng 65 ký. Chân mang giày số 45. Mong anh và cô Hứa Ngải Kỳ bảo trọng.”

*

Thằng Cún ngồi ở tầng năm, trong chung cư của sinh viên Y nội trú. Tô mì tôm trước mặt nó đã nguội lạnh, bắt đầu bốc mùi hăng hăng.

Các sinh viên vừa qua một ngày làm việc với chuyên gia liên bang. Ca phẫu thuật cuối cùng mất hơn một giờ, mổ tách những khối u ruột già. Những hình ảnh thối rữa, những phần cơ thể máu me bị cắt bỏ gắn chặt trong đầu thằng Cún, giờ đây lại hiện ra. Nó nhắm mắt lại suy nghĩ miên man, quá trình hoại tử đưa đến cái chết này phải có nguồn gốc. Cả nhóm chuyên gia đều biết rằng, chỉ cần chặn đứng được tiến trình thối rữa là bệnh nhân được cứu sống, nhưng rồi họ chỉ có thể làm công việc đơn thuần nhất là cắt bỏ.

Những khối ung thư mọc rễ bò đi trong cơ thể người bệnh như những bóng ma di chuyển chậm chạp trên tường. Từ ba năm nay, đêm nào nó cũng đi một mình vào nhà xác tìm tòi, xục xạo. Thằng Cún tin rằng, cái chết chỉ là một trạng thái khác của sự sống. Nhưng rồi, nó không thể tìm ra dấu vết sự sống trong những cái tử thi lạnh lẽo. Họ đã vĩnh viễn ra đi, không bao giờ có thể quay lại. Nó vật vã ngày đêm cố tìm lời giải đáp, bao giờ suy nghĩ của nó cũng trôi dạt về một vùng đất bí ẩn. Thằng Cún nhớ đến một người. Ông ta đã đi con đường trái ngược với khoa học, ông ta đã có một cách nào đấy phục hồi các tế bào chết. Sự hủy hoại trong chính cơ thể nó đã được một phép màu chặn đứng và tái sinh.

Mười lăm năm nay, thằng Cún nung nấu ý định quay lại Phong Thổ tìm lại ân nhân, nhưng ước mơ của nó cứ mờ mịt. Hôm qua nó được tin, chú Thạc đang chuẩn bị cùng đoàn thanh tra của Liên Hiệp Quốc quay lại Phong Thổ.

Nó thẫn thờ mở hộc tủ trong góc phòng ra. Giữa những món đồ chơi trẻ em cũ kỹ, sứt mẻ là chiếc ống tre dài hơn một gang tay. Đôi mắt thằng Cún từ từ xám xịt lại, long lanh như hai hòn bi chai.

Ngọn đèn điện trong gian phòng chập chờn rồi tắt phụt. Trong bóng ngày tàn nhập nhoạng, thằng Cún thận trọng trải tấm da lên bàn. Hình ảnh núi rừng Phong Thổ chậm chạp hiện ra. Những chiếc bóng ma vật vờ đi lại trong gian phòng có mùi mì tôm hủy hoại. Lão Què chống gậy đứng trên lưng chừng núi, chỉ tay về Khe Đá.

“Ông đã mang kho báu giấu vào đấy.”

Thằng Cún thì thào vào khoảng không tan loãng:

“Cháu không cần kho báu. Khe Đá chắc cũng đã bị bọn chúng san thành bình địa rồi. Cháu chỉ muốn biết, làm cách nào ông cứu được cháu. Làm cách nào để phục hồi những tế bào hoại tử. Làm cách nào để chặn đứng căn bệnh ung thư.”

Gió núi tràn qua thành phố thổi bay những cánh hoa đào rữa nát.

*

Berlin, 01. 07. 2020

Lưu Thủy Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét