Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần 3: Ngày thứ Ba cuối cùng - 20 giờ

(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)

*

Chu Lệnh Khang bồng thằng Cún chạy về hướng Khe Đá. Cảm giác bị theo dõi lại trỗi dậy, hắn dừng chân dáo dác nhìn quanh. Những mái nhà đổ nát của làng Thổ Phỉ câm lặng hiện ra trong sương chiều xẩm tối như những ngôi mộ lớn. Từ đấy những ánh mắt u uẩn dõi ra, gửi đi lời nguyền rủa. Chu Lệnh Khang tự hỏi, có bao nhiêu hồn ma quay về sống trong những căn nhà đổ nát này. Nhưng rồi hắn nhếch môi, tự nhủ: “Nếu họ mạnh hơn mình, họ đã tấn công.” Hắn không nhìn quanh nữa mà rảo bước đi về phía trước.

Chẳng mấy chốc rừng cây tất thụ đen đúa đã hiện ra trong tầm mắt.

Thằng Cún đang gục đầu trên vai Chu Lệnh Khang, nói nhỏ:

“Chú để cháu ở bờ rừng này rồi quay lại.”

Chu Lệnh Khang rùng mình nhìn bờ rừng lạnh lẽo hiu quạnh trong bóng ngày tàn. Hắn nói to để tự trấn an chính mình:

“Sao quay lại? Mình vào Khe Đá chứ. Cháu sợ à?”

Thằng Cún gật đầu:

“Cháu sợ. Trong bóng đêm họ rất dữ, chú sẽ không thoát được như lúc trưa.”

“Chú không sợ cho chú. Chú chỉ sợ cho cháu. Cảm giác buổi trưa đấy thật là… vui. Lần đầu tiên trong đời chú lo sợ cho người khác.”

Thằng Cún cọ trán vào bộ mặt râu ria tua tủa của Khang, nó thích thú nói:

“Chú Khang. Chú là người tốt.”

Khang ngỡ ngàng cười:

“Chú còn không biết làm người tốt thì phải sống như thế nào.”

Thằng Cún thở dài:

“Cháu biết đấy. Nếu còn sống, cháu cũng thích làm người tốt.”

Khang xiết chặt thằng bé vào lòng, cười sảng khoái:

“Vậy thì mình cùng sống một lần cho thật kiêu hãnh.”

“Cho thật kiêu hãnh.” Thằng Cún không rõ kiêu hãnh là gì vẫn sung sướng nhắc lại. Nó tin cậy choàng hai tay lên cổ Khang.

Sương trắng sũng nước buông dày đặc bìa rừng. Những tàn cây tất thụ chiều tối tỏa hơi độc mịt mùng cản lối như muốn bảo rằng, đã vào đến làng Thổ Phỉ thì không còn đường quay lại.

Chu Lệnh Khang bắt được hơi độc, nhảy mũi liên tục. Hắn kéo áo khoác trùm kín thằng Cún, bảo:

“Chuẩn bị nhé. Chú sẽ chạy rất nhanh đấy.”

 Bỗng dưng hắn nghe sau lưng có tiếng gọi:

“Này anh kia.”

Chu Lệnh Khang lia súng quay phắt lại.

Bên lùm gai sấu lờ mờ bóng một lão già nhỏ bé, râu tóc bạc phơ. Lão đột ngột hiện ra giữa làn sương âm u, cứ như từ dưới đất chui lên. Bộ mặt lành lặn, hiền từ của lão già sáng lên một thoáng trong bóng tối. Cặp mắt linh hoạt của người dương thế hướng về hắn ra chiều thân thiện. Khang nghĩ, thật kỳ lạ, sao trong cái làng chết này vẫn có một người sống. Hắn hạ súng cộc cằn hỏi:

“Thì ra là ông. Ông theo dõi tôi từ ngoài ruộng ngô, đúng không?”

Lão già gật đầu.

Chu Lệnh Khang sốt ruột nghe hơi thở thật mỏng của thằng Cún trên vai. Hắn cau có nói:

“May cho ông đấy. Suýt nữa thì tôi bắn rồi. Ông theo dõi tôi làm gì?”

Lão già cất giọng trong trẻo như trẻ con:

“Vì thằng bé kia.”

“Ông muốn gì ở nó?”

“Muốn nó đi theo ta. Nhanh lên thì còn kịp.”

Lão già nói xong liền quay lưng đi. Lão chống khúc cây rừng, cái chân què bước đi khập khễnh mà nhanh nhẹn vô cùng. Chu Lệnh Khang lưỡng lự suy tính nhưng hắn chẳng biết cách nào khác. Thằng Cún ngóc đầu dậy, yếu đuối bảo:

“Mình đi theo ông. Có lần cháu thấy ông ngồi trên núi.”

Chu Lệnh Khang nghe thế, không hỏi thêm nữa, vội vã bồng thằng Cún chạy theo. Hắn chạy một lúc thì vã mồ hôi. Bóng lão già vẫn lướt đi như sương gió. Khang sợ sệt la lên:

“Này, lão Què.”

Lão già bật cười khanh khách:

“Phải. Ta là lão Què.”

*

Tiếng súng đanh gọn vang lên. Thân mình Nen bị một sức mạnh đẩy về phía sau. Gã té ngửa trên đất, nhắm mắt lại, chờ cái chết tìm đến. Nhưng rồi cái chết không đến. Nen thấy mình vẫn còn sống. Những ngón tay của gã vẫn nhúc nhích được. Cẳng chân của gã đưa lên rồi nhẹ nhàng hạ xuống. Chỉ có lòng ngực bị đè nặng trĩu.

Nen ngóc đầu dậy, hắn nhận ra mái tóc bù xù khét nắng của Mân. Ánh mắt Mân nhìn lên trời đờ đẫn xa vắng.

Nen vồ lấy thằng bạn, rú lên thảm khốc:

“Mân. Mày làm sao thế này?”

Thân hình Mân đổ vật qua một bên. Trên ngực gã máu đang loang ra đỏ ối. Đôi môi tái mét của Mân gượng gạo mở nụ cười:

“Nen… giấc mơ của mày sai rồi.”

Hai bàn tay lực lưỡng của Nen nhẹ nhàng giữ lấy khuôn mặt trắng nhợt của Mân. Gã thảng thốt trách:

“Sao mày làm thế?”

Mân thều thào:

“Thằng Thạc... mày đưa nó đi.”

Thạc đã tỉnh dậy, leo khỏi va gông đá. Gã chứng kiến toàn bộ cảnh Mân lao mình đến chắn ngang tầm đạn. Cả hai thằng bạn đều ngã vật ra đất. Thạc thét lên kinh hãi:

“Mân, Nen.”

Gã điên cuồng phóng đến bên Tống Chính Thao, tung hết sức đá một cú vào đầu kẻ thù. Tống Chính Thao đổ gục trên đất. Thạc lảo đảo chạy đến bên hai người bạn, khóc òa:

“Nen ơi, mày có sao không? Mân ơi. Để tao cõng mày đi.”

Nụ cười của Mân nhẹ tênh:

“Thạc hả? Cái đồng hồ...”

Lời nói dừng lại ở đó, bảng lảng bay theo gió. Hơi thở cuối cùng cũng hiu hắt thoát đi. Tuổi hai mươi của Mân đã tan vào cát bụi. Nen sững sờ đưa những ngón tay run rẩy lên vuốt tóc bạn, vuốt ve khuôn mặt lem luốc, trầy trụa. Giữa hàng nước mắt đang trào ra nhòe nhoẹt, gã thấy Mân chạy băng qua con suối, vai vác bao thức ăn, miệng cười rạng rỡ: “Tao mang xôi lên cho bọn mày.” Mân ngồi bên bờ đá lên kế hoạch đào thoát: “Đây lại là cơ hội duy nhất của bọn mình từ hai năm nay.” Mân, hình ảnh Mân tràn ngập trong ký ức của Nen. Từ khi cha mẹ mất đi, Nen chỉ có tình thuơng của Mân và Thạc để nuôi hy vọng sống, để nung nấu tự do.

Nen run run cúi xuống chạm trán mình vào trán Mân. Đấy là lối chào riêng của ba đứa khi còn học chung ở trường tiểu học Làng Hạ. Mỗi lần húc vào như thế, bọn chúng đều cười khúc khích, “ngày mai gặp lại nhé.” Khi lớn lên rồi, mỗi buổi tối chia tay, ba đứa cũng vẫn húc đầu vào nhau thì thầm, “tự do hay là chết”. Bây giờ nước mắt Nen nhỏ xuống guơng mặt trắng bệch của Mân, gã đau đớn thì thầm:“Mân. Tự do hay là chết.”

Hai hàm răng Thạc nghiến chặt để đừng bật ra tiếng kêu gào. Gã lặng lẽ gỡ cái đồng hồ trên tay Mân, thứ đồ vật quý giá nhất mà Mân có được trong suốt cuộc đời nghèo khổ của đứa con trai Làng Hạ. Kim đồng hồ đứng lại lúc 20 giờ 05.

Thạc cũng cúi xuống, run rẩy chạm trán mình vào trán bạn.

“Mân. Tự do hay là chết”.

*

Tống Chính Thao lồm cồm bò dậy. Hình ảnh ba thằng con trai hiện ra mập mờ bên cánh rừng tre cháy đỏ. Chiếc xe jeep của hắn cũng bốc cháy ngùn ngụt. Kho báu mà hắn đuổi theo hóa ra chỉ là thùng dầu chạy máy phát điện, nó cháy hừng hực phía sau. Ngọn lửa hung tàn đang ra sức thiêu hủy mọi thứ. Cơn đau lại kéo đến làm hắn suýt ngất đi. Giữa đau đớn, thất vọng, giận dữ Thao chỉ còn một khao khát duy nhất là giết sạch bọn người ở đây. Trung đội Mãnh Long đang va chạm với đám Thái binh trong rừng tre. Hỏa lực súng trường thoạt đầu vang lên dữ dội giữa tiếng gầm rú man rợ, rồi lẹt đẹt tắt dần. Thao không rõ đám Thái binh này từ đâu đến, có vẻ như chúng chỉ sử dụng khí giới thô sơ nhưng hung hãn lạ lùng. Chẳng mấy chốc nữa, cả trung đội thiện chiến của Phong Thổ sẽ bị chúng tiêu diệt. Làng Thượng rồi cũng bị chúng xóa sổ.

Tống Chính Thao nhếch môi cười căm phẫn. Hắn đưa súng lên, nhằm vào lưng Thạc. Bọn thanh niên Phong Thổ này chưa bao giờ chịu phục tùng hắn. Hiểm họa này chưa bao giờ bị tiêu diệt tận gốc. Ngón tay Thao co lại trên cò súng, bả vai của hắn bỗng chao đi. Viên đạn bay vuột vào không trung. Một cơn đau ghê rợn xuyên thấu từ vai lên đỉnh đầu, Thao hét lên hãi hùng. Mũi tên cắm vào vai hắn, đẩy hắn ngã vật ra phía sau.

Đôi mắt của Thao lại nhòa đi.

Người phụ nữ đang tiến đến gần có khuôn mặt rất quen. Tấm áo chàm của cô ta kiêu hãnh bay phần phật trong gió. Trong thoáng chốc, Thao nhớ lại ánh mắt rực lửa căm thù của người phụ nữ khi bước lên đoạn đầu đài. Đấy là Miên, thủ lĩnh của phong trào Thanh Niên Tự Do, thủ lĩnh của những người trẻ tuổi ở Phong Thổ. Đấy là Miên, nỗi sợ hãi kinh hoàng của lực lượng an ninh dưới quyền Tống Chính Thao.

Cha mẹ Miên đều là võ sư đất Lai Châu. Cách đây ba mươi lăm năm, họ từng xuống đường chống lại chủ trương bán đất 99 năm của nhà nước. Khi Phong Thổ trở thành đặc khu của Trung Hoa, họ không theo chính sách di dân ra khỏi Phong Thổ mà vẫn ở lại, mở lớp dạy học bổ túc ban đêm, chăm sóc y tế cho người dân, vận động công nhân đấu tranh với luật lao động của chính quyền mới. Sau năm năm tranh đấu, cha mẹ Miên bị Lư Khả bắt giam và xử án tử hình, lúc đấy Miên chỉ khoảng mười tám tuổi. Cô và người yêu thành lập một lực lượng trẻ gọi là Thanh Niên Tự Do, dùng chiến thuật du kích chống lại quân đội còn non nớt của Tống Chính Thao. Miên nổi tiếng tinh thông võ nghệ, biết sử dụng tất cả các loại vũ khí và hoạt động linh hoạt thần kỳ. Đêm đêm, Miên và lực lượng Thanh Niên Tự Do tấn công vào các doanh trại ở Làng Thượng, tuyên án tử hình nhân viên công an của Tống Chính Thao rồi biến mất không dấu vết. Những hầm chông, bẫy thuốc độc của Miên rải dày đặc khắp nơi, chặn đứng các cuộc hành quân vào Làng Hạ. Cuộc đối đầu diễn ra suốt mười năm trời, đội trưởng Thanh Niên Tự Do vẫn cứ là một câu đố bí ẩn và đáng sợ. Cho đến khi bắt được Miên, Thao mới kinh ngạc biết rằng, thủ lĩnh của phong trào kháng chiến đấy lại là một người phụ nữ rất trẻ.

Ngày bước lên đoạn đầu đài, Miên và chồng vẫn kiêu hãnh ngẩng cao đầu. Lời nói ngang tàng của Miên vang vọng dưới giá treo cổ:

“Bao giờ mày giết hết người Phong Thổ thì đất Phong Thổ mới thành đất Trung Hoa.”

Vì câu nói đấy mà Thao ra lệnh treo xác vợ chồng Miên cho diều quạ xâu xé. Vì câu nói đấy mà Thao cấm dân làng không được mai táng, cầu siêu, cúng tế cho vợ chồng Miên. Hai thân hình treo trước cổng chợ bị diều quạ móc hết ruột gan, phơi dưới nắng hè, bốc mùi chết chóc. Hai bộ xương cô quạnh phơi giữa trời đất cho ruồi nhặng bu đen. Kẻ thù của hắn đã bị hành hình theo cách thảm khốc nhất. Mỗi ngày Thao chạy xe qua, hắn đều dừng xe lại, buông lời nguyền rủa độc địa, “bọn phản loạn sẽ không bao giờ siêu thoát được”.

Vì lời nguyền rủa độc địa của Thao mà oan hồn hai vợ chồng Miên bị giam cầm ở Phong Thổ.

Xuơng cốt của Miên và Hchay bị Tống Chính Thao cho xe hủ lô cán nát, ném xuống sông Sìn Thà.

Giờ đây, Miên đứng trước mặt hắn, nguyên vẹn hình hài. Ánh mắt Miên nhìn xuống Tống Chính Thao xám xịt đầy chết chóc. Hắn biết phần số của mình đến đây là chấm dứt, kẻ thù đã trở về. Bàn tay trái của Thao từ từ đưa vào túi áo khoác.

Miên rút đao ra, ngẩng mặt lên trời dõng dạc:

“Hỡi hương hồn anh em Phong Thổ - anh em người Kinh, người Thái, người Mèo - hãy về đây chứng kiến phút giây này. Thay mặt đội Thanh Niên Tự Do Phong Thổ, tôi tuyên án tử hình tên xâm lược Tống Chính Thao.”

Lưỡi đao của Miên vừa chém xuống, trên bộ mặt của Thao nở ra nụ cười hiểm độc. Những ngón tay trong túi áo cũng hắn từ từ thả lỏng ra. Trái lựu đạn bật chốt.

Một vùng khói trắng và lửa đỏ bùng lên sau tiếng nổ dữ dội. Những mảnh áo chàm rách nát tả tơi tung lên trời cao. Thạc chồm dậy hét lên hãi hùng:

“Mẹ!”

Nước mắt Thạc tuôn ra ràn rụa. Đứa trẻ lên ba, mếu máo đưa tay lên trời:

“Mẹ. Con vẫn chưa kịp nói, con thương mẹ. Con thương mẹ lắm, mẹ ơi.”

Một tiếng hú bi thảm vọng ra từ cánh rừng phía trước. Người đàn ông thúc ngựa trong bóng hoàng hôn đỏ lửa, cất tiếng gọi thống thiết:

“Miên.”

Những mảnh áo chàm chao liệng trên không trung như những cánh chim. Chúng lượn một vòng qua rừng tre. Trong bóng chiều ảm đạm, đàn chim cất tiếng kêu giã từ buồn thê lương. Hchay ngồi chết sững trên lưng ngựa, nghẹn ngào gọi theo:

“Anh sẽ tìm em. Miên ơi."

Thạc gạt nước mắt, loạng choạng đi về phía người đàn ông. Khuôn mặt này từng hiện ra trong những giấc mơ đứt quãng của Thạc. Bao giờ nó cũng đưa Thạc trở về ngôi nhà nhỏ bên bìa rừng cùng với bóng áo chàm của một người phụ nữ. Nhưng thầy Bâng nói là họ đã chết. Cha mẹ Thạc đã chết khi Thạc lên ba tuổi.

Người đàn ông cũng xuống ngựa đi về phía Thạc. Nụ cười trên môi anh ngần ngại:

“Hchuk!”

Thạc vừa nghe lại tên mình, gã rùng mình thảng thốt:

“Bố?”

Hchay rụt rè nắm lấy bàn tay Thạc. Bàn tay mềm mại, nhỏ xíu của đứa trẻ ngày xưa giờ đã cứng cáp, chai sần. Hchay đưa tay vuốt tóc Thạc. Mớ tóc cứng rối bù níu giữ những ngón tay lạnh lẽo của Hchay lại. Anh bỗng ước gì mình có thể hôn lên mái tóc mềm mại của con như ngày còn bé, có thể bồng con trên tay tung lên cao, có thể dúi đầu vào ngực con để nghe thằng bé cười nắc nẻ. Cảm giác nhớ thương trong những ngày bị giam cầm ào ạt tràn về. Những giọt nước mắt khao khát được một lần nhìn lại con lại trào ra trên khóe mắt. Nhưng căn nhà xưa đã sụp đổ. Bếp lửa ấm đã lụi tàn. Người phụ nữ yêu thương đã vĩnh viễn chia xa. Mười lăm năm là khoảng thời gian mà Hchay không thể tìm lại. Anh trở về, nhưng ngày xưa đã vĩnh viễn ra đi.

Hchay đau xót lùi lại, cố bình thản nói:

“Con với Nen đi ngay ra biên giới. Chạy dọc theo đường sắt, khoảng một giờ là đến được Ma Lù Thàng. Từ đấy đi ngược về phía Nam là vùng tự do.”

Thạc nhìn vào mắt Hchay, khẩn khoản:

“Bố đi cùng chúng con.”

Gương mặt Hchay biến dạng dưới ánh lửa rừng. Lời nguyền đã bị xóa bỏ. Oan hồn tìm về nơi siêu thoát. Cơ thể Hchay đang tan rã. Tay chân anh bắt đầu tê dại, lưỡi anh bắt đầu mềm rữa. Hchay khó nhọc nói:

“Bố thuộc về nơi này. Bố không đi cùng con được đâu.”

Nen cũng đến bên hai bố con, gã buồn bã lên tiếng:

“Tao với mày cõng thằng Mân đi.”

Hchay hướng đôi mắt mờ đục nhìn sang Nen, lắc đầu:

“Cháu để thằng Mân lại. Nó cũng đã thuộc về nơi này.”

Nen khoác vai Thạc, nhìn một lần cuối thi thể Mân. Gã lặng đi giây lát, rồi thì thầm:

“Tao cảm ơn mày, Mân.”

Thạc nghẹn ngào nói lời ly biệt:

“Mân ơi, Bưu ơi, hai đứa mày ngủ yên nhé. Bố mẹ ơi, chúng con đi.”

Hchay nhìn lần cuối những cánh rừng xanh ngát. Anh khụy chân ngã xuống, thanh thản ấp bộ mặt tan rã lên mảnh đất quê hương.

“Tự do hay là chết.”

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét