Thứ Ba, 20 tháng 12, 2016

Khủng bố ở Berlin là khủng bố


Buổi tối ngày thứ Hai (19.12.2016) lúc 20 giờ, một chiếc xe tải chở 25 tấn thép phóng vào khu chợ Giáng Sinh ở quảng trường Breitscheidplatz trung tâm thành phố Berlin gây ra thảm họa với 12 người chết, 48 người bị thương và một người Ba Lan bị bắn chết trong xe.
Nghi phạm 23 tuổi, là người tị nạn Pakistan vượt qua biên giới Áo đến Đức (Passau) vào tháng Một năm nay. Hắn bị bắt ở Siegessäule (Tượng đài chiến thắng), cách hiện trường gần 2 cây số và lập tức đưa bị về phòng điều tra. Cho đến trưa ngày 20.01, người Pakistan này vẫn kiên quyết phủ nhận tội trạng, và cảnh sát buộc phải thận trọng đính chính lại thông tin. Đối tượng không phải là kẻ xa lạ với cảnh sát, hắn từng được biết đến như một tội phạm xã hội, tuy nhiên không nằm trong danh sách những tên Hồi giáo cực đoan cần được theo dõi.
Vụ khủng bố làm chấn động cả thành phố Berlin và toàn nước Đức, nơi từng mở rộng cánh tay để đón hàng loạt người tị nạn đến từ Trung Đông. Ở đây, tôi không nói về đường lối chính trị dành cho người tị nạn của chính phủ Đức đã mở ra một cơ hội cho bọn khủng bố. Tôi nói về hành vi khủng bố của những kẻ cực đoan đã lợi dụng cơ hội tốt đẹp, tấm lòng nhân từ của người nước sở tại để tấn công thường dân vô tội, gây nên tâm lý khủng hoảng, sợ hãi, bất ổn trong toàn xã hội, gây nên cảnh đau thương chia lìa trong những gia đình người bị nạn.



Tôi sống cùng những người Berlin qua một đêm sợ hãi và đau buồn. Buổi sáng nay, trong hàng nước mắt, gia đình chúng tôi vẫn phải vào thành phố tiếp tục những công việc của ngày thường. Buổi chiều nay, con tôi vẫn phải đi qua quảng trường Breitscheidplatz, nơi mỗi buổi chiều nó vẫn đi qua, trên đường trở về nhà. Và tôi sẽ luôn lo sợ khi nghĩ đến điều đó.
Vụ thảm sát bên chân giáo đường (nhà thờ Gedächtniskirche), ngay quảng trường tượng niệm hòa bình, trên con đường hoa mộng nhất Berlin (Kurfüstendamm) vào đúng mùa giáng sinh là một thắng lợi cho phe Hồi giáo cực đoan. Nỗi bi thương giữa Mùa Vọng, trong bầu không khí yên bình trước ngày Thiên Chúa nhân từ giáng sinh, sẽ thảm khốc hơn bao giờ hết, sẽ khủng hoảng hơn bất kỳ lúc nào.
Ngày hôm nay, chợ Giáng Sinh ở Breitscheidplatz chắc chắn sẽ đóng cửa để thu dọn hiện trường, để làm thánh lễ tưởng niệm nạn nhân. Những khu chợ Giáng Sinh sầm uất khác như Gendarmenmakt, lâu đài Charlottenburg... sẽ dày đặc cảnh sát bảo vệ.
Ngày hôm nay, tôi sẽ ra trung tâm phố, không phải để mua quà Noel như dự tính, mà để đau buồn đặt hoa tưởng niệm xuống chân giáo đường.
Ngày hôm nay, cả thành phố sẽ sống trong bầu không khí khủng bố.
Ngày hôm nay, chúng ta nguyện cầu để con số tử nạn dừng lại ở mức 12 người.
Ngày hôm nay, chúng ta phải cố đứng dậy vượt qua nỗi sợ hãi mà đi tiếp.
Ngày hôm nay, nhà cầm quyền Đức phải trực tiếp đối mặt với những câu hỏi về an ninh quốc phòng và đường lối chính trị dành cho người tị nạn.
Một điều không ai trong thế giới văn minh có thể phủ nhận được:
- Khủng bố là một hành động tội ác không có một lý do nào để biện minh.
- Những tên khủng bố là tội phạm giết người cần được đưa ra xét xử.
Rất tiếc, trong những xã hội man di mọi rợ hành động khủng bố vẫn được xem là phương thức đấu tranh, là con đường phục vụ lý tưởng cách mạng, là chống ngoại bang. Những kẻ khủng bố bàn tay đẫm máu người vẫn được bọn cuồng tín tuyên dương là anh hùng, được ca ngợi là huyền thoại của cả dân tộc (hay tôn giáo).
Tôi đang nói về tội danh khủng bố ở Việt Nam.

Người Việt Nam sẽ phải giáo dục con mình ra sao, khi đứa trẻ mỗi ngày bước chân vào ngôi trường mang tên Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám? Người đọc trẻ sẽ tiếp nhận thông tin khủng bố trên thế giới ra sao khi trên những tờ báo lớn Phụ Nữ, Tuổi Trẻ, Giáo Dục, Sài Gòn Giải Phóng... họ còn bị đầu độc rằng những người như Lê Thị Thu Nguyệt, Trần Thị Minh Nguyệt, Phùng Ngọc Anh, Bảy Bê Nguyễn Thanh Xuân... là những anh hùng?
Núp sau chiêu bài đánh Mỹ, con số thương vong ghê rợn của người thường dân trong những trận đánh bom, những đợt rót pháo, những trái mìn cài đặt trên đường giao thông... không hề được thống kê rõ ràng. Hơn bốn mươi năm sau chiến tranh, số người chết trong những cuộc tấn công của "biệt động quân giải phóng miền Nam" chỉ được nêu ra đâu đó chung chung rất ít ỏi dưới cái tên "người" hay "người Việt".
"Ngày 30 tháng 3, 3 thành viên của MTDTGPMN, trong đó có Bảy Bê (một biệt động nổi tiếng) phối hợp đánh bom Tòa Sứ quán Mỹ tại đường Hàm Nghi. 22 người trong đó có 19 người Việt, 2 nhân viên Mỹ và một người Philippin bị thiệt mạng, 83 người khác bị thương" Wikipedia
"Ngày 25 tháng 6, nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trên sông Sài Gòn, nơi lính Mỹ tới ăn tiệc bị đặt bom làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 9 người Mỹ và làm hơn 50 người bị thương" Wikipedia
Thành tích giết người của các vị "Anh hùng lực lượng vũ trang" là một bí mật. Người ta chỉ biết đến họ qua những bài báo ca ngợi hùng hồn, những tấm hình ngực đeo đầy huân chương chiến công và người ta buộc phải ngồi học trong những ngôi trường mang tên kẻ khủng bố, từng ngày qua lại trên những con đường mang tên kẻ sát nhân.
Ở một nơi vừa qua trận tàn sát, tôi trở về sống cùng người dân quê hương tôi trong những năm tháng bạo loạn khủng bố, trong nỗi lo âu đêm nghe đại bác ru, trên những chuyến xe trái mìn nổ chậm và mang giải khăn sô cho một miền nước mắt. Giữa lúc này, tôi thấy mình cần lên tiếng nói kiên quyết hơn là chỉ viết những truyện ngắn hay tiểu thuyết hư cấu.
"Hãy gọi hành vi khủng bố là khủng bố!"
Mười tám giờ chiều nay, chuông thánh lễ sẽ gióng lên trên quảng trường đẫm máu. Chúng ta khóc cho người ra đi, nguyện cầu cho người ở lại sự bình an và đồng lòng nói "KHÔNG" với tội ác khủng bố.

Berlin, 20. 12. 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét