Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Em Tôi - Trần Thị Thu


Năm 1972, Ba Mẹ tôi cùng các thầy cô giáo (chủ yếu là các thầy cô trường Trung Học Thủ Đức, ngày nay là TH Nguyễn Hữu Huân) thành lập tủ sách Nến Hồng, chuyên viết truyện thiếu nhi. Sau năm 1975, tủ sách Nến Hồng bị tịch thu, bị thất lạc, bị cấm phổ biến. Gia đình chỉ giữ lại được một cuốn duy nhất của Mẹ. Đó là cuốn Em Tôi, tác giả Trần Thị Thu. Tuổi thơ của chị em tôi lớn lên bằng cuốn truyện này và những tập bản thảo ố vàng của Ba Mẹ. Bạn bè đến nhà đọc truyện, chia sẻ, rồi ôm nhau khóc sụt sùi.
Chiến tranh đã từng đi qua tuổi thơ của chúng ta cùng với những mất mát, nhưng cái mãi mãi còn lại vẫn là tình yêu thương.
Giới thiệu với độc giả cuốn sách "Em Tôi". Ba tôi đã cặm cụi đánh máy lại nó trong những năm tháng tuổi già để giữ gìn cho con cháu một kỷ niệm.

*

Kính gởi Quí Vị Phụ huynh.
Thưa Quí Vị,
Chúng tôi là một nhóm anh chị em được Quí vị giao phó trách nhiệm dạy dỗ con em Quí Vị. Trách nhiệm đó thực là nặng nề và quan trọng. Thế mà những bài giảng thuyết giáo khoa của chúng tôi chỉ quí là đem lại cho các em những kiến thức hơn là chuẩn bị cho các em trở thành những người sẵn sàng thay thế những người lớn chúng ta để gánh vác mảnh giang sơn tơi tả nầy.
Trước trách nhiệm đó, chúng tôi thường đau khổ vì thấy khả năng mình quá ít. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ dám chối từ sự ủy thác của Quí Vị. Vì vậy lương tâm chúng tôi thường nhắc nhở rằng mỗi khi có dịp giúp ích cho tinh thần các em thì hãy cố mà thực hiện với hết sức mình.
Dịp lớn không biết bao giờ chúng tôi mới gặp. Còn dịp nhỏ thì chúng tôi đang thực hiện đây với các tập truyện thiếu nhi.
Sở dĩ chúng tôi quyết định khởi công với các tập truyện nầy vì chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhiều phụ hunh học sinh trong những ngày rảnh rỗi. Trong các cuộc tiếp xúc nầy, chúng tôi đã được nghe những lời phàn nàn rằng mỗi khi gặp các em đọc tiểu thuyết hoặc đọc truyện, Quí Vị không yên tâm tí nào vì không rõ nội dung và tư tưởng trong các sách đó ra sao. Công việc làm ăn bận rộn không còn dành thì giờ để Quí Vị kiểm soát sách báo cho con em; mà cấm các em đọc sách báo là làm ngược lại bổn phận của cha anh.
Chúng tôi xin nhận lãnh sự phàn nàn đó và xin nhận rằng mình đã thiếu trách nhiệm trong việc cung cấp sách giải trí cho các em. Chúng tôi cố gắng, và phải cố gắng đem đến cho các em một số sách, vừa làm cho các em ưa thích, vừa khỏi làm mất thì giờ kiểm duyệt của Quí Vị.
Việc nầy nói ra thì dễ nhưng khi bắt tay vào mới thấy khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi nguyện hết sức mình làm tròn lời hứa vừa rồi đối với Quí Vị.
Kính chào Qúi Vị.
Nhóm giáo chức nhà văn
NẾN HỒNG
*
**
Mến gởi các em Thiếu nhi.
Các em thân mến,
Những lần bắt gặp các em mang một đôi loại sách nội dung có hại vào lớp học và cười khúc khích với nhau, thầy cô các em không biết làm gì khác hơn là tịch thu xé bỏ rồi đôi khi phạt thêm một roi đòn hay một cấm túc. Chúng tôi ai cũng biết rằng đọc sách giải trí là một điều hay, miễn là đừng đọc trong lúc thầy cô giảng bài. Nhưng đọc sách chưa được người lớn chọn lựa thì có thể hại nhiều đến đầu óc còn non dại của các em. Chúng tôi cũng nhận rằng, trước hơn ai hết, thầy cô phải có trách nhiệm chọn lựa sách đọc cho các em.
Do đó, chúng tôi nhất định cố gắng mang đến cho các em những tập sách mang nhản hiệu Sách Thiếu Nhi Nến Hồng. Những sách nầy do chính anh chị em nhà giáo chúng tôi sáng tác. Nhưng chúng tôi cũng rất vui mừng nếu các em viết được và gởi cho chúng tôi những tác phẩm của các em. Trong số những bài luận văn mà các em làm trong lớp để góp cho chúng tôi chấm, có những bài bút pháp rất vững vàng. Chúng tôi mong muốn các em sử dụng bút pháp đó trong các truyện thiếu nhi mà chúng tôi sẽ in ra cho nhiều người đọc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhắc thêm rằng, tất cả những tác phẩm của các em phải qua sự duyệt xét về nội dung một cách kỹ lưỡng vì chúng tôi đã nhận lãnh trách nhiệm về những hậu quả mà những tác phẩn nầy có thể gây cho tinh thần trong trắng của các em.
Ngoài loại sách thiếu nhi đặc biệt dành cho các em, Nến Hồng cũng sẽ xuất bản những tác phẩm dành cho người lớn với mục đích là phụng sự văn hóa. Các em vẫn có thể đọc những tác phẩm nầy nếu muốn. Tuy nhiên, khi gặp những sách nào của Nến Hồng có đề “Thiếu nhi không nên đọc” thì các em hãy nghe lời chúng tôi. Không phải những cuốn sách đó bậy bạ, nhưng vì nội dung hoặc quá khó, có thể làm mệt óc các em, hoặc phải mổ xẻ những vấn đề thuộc về đời sống hay tư tưởng, có thể gây ngộ nhận trong sự suy nghĩ ở lứa tuổi các em.
Cuối cùng, chúng tôi mong thường xuyên nhận được nhiều thư từ của các em để biết cảm tưởng cùng các đề nghị của các em.
Thân ái
Nhóm giáo chức nhà văn
Nến Hồng


*
**
EM TÔI
tác giả Trần Thị Thu


Làm sao quên được những gương mặt khả ái trong “em tôi”. Đó là những đóa hoa rực rỡ không bị tàn héo vì hận thù, ly loạn. Quả thật, những ước muốn cao cả của dân tộc vẫn còn thể hiện được qua tinh thần phấn đấu bền bỉ và kiên nhẫn của từng con dân một, trong đó có thiếu nhi.
Sơn Nam, nhà văn, nhà Nam Bộ học


Hai đứa xách cặp về, vừa đi vừa cãi nhau chí chóe. Vào đến phòng, chúng liệng cặp đánh “phạch” xuống nền nhà, chạy vào bếp. Thằng anh vòng tay định thưa mẹ; thằng em chồm tới níu áo, hất thằng anh qua một bên:
– Tiến thưa trước, anh thưa sau.
Nó vòng tay cúi đầu, giọng nghiêm trang:
– Thưa mẹ, con đi học về.
Thằng anh trợn mắt tức giận. Nó chưa kịp phản ứng thì mẹ đã quay lại, xoa đầu hai đứa, ôn tồn:
– Giỏi, lại thau nước rửa tay đi rồi mẹ cho ăn.
Nói xong, mẹ lật cái tô úp cái dĩa trên bàn. Hai miếng ổi đã gọt vỏ, trắng nõn nà, trông thực ngon lành, chất ngọt như đang ứa ra từ lớp thịt xốp. Hai đứa trông thấy cười toe.
Cơn giận của thằng lớn tiêu tan ngay. Thực ra, nếu không có miếng ổi ngon lành thì nó cũng hết giận ngay từ khi mẹ nó quay lại mỉm cười hay lúc bàn tay dịu dàng của mẹ xoa nhẹ trên mái tóc móng lừa của nó.
Đối với nó, không có gì đẹp và dịu dàng bàn bàn tay của mẹ.
Mẹ là hình ảnh có thực của những bà tiên nhiều phép và hiền lành trong các chuyện cổ tích mà nó thích nghe hằng ngày. Nhờ tưởng tượng bà tiên qua hình ảnh của mẹ, nên những chuyện nầy trở nên thực sống động. Bà tiên đi đứng, ban phép lành cho trẻ em, đồng nghĩa với mẹ đang sống trong nhà và săn sóc anh em chúng nó. Mắt bà tiên là đôi mắt đen của mẹ, gương mặt bà tiên trắng tinh là gương mặt với làn da mịn màng của mẹ. Nó thường say sưa nghe người lớn kể chuyện và sống trong khung cảnh thần tiên của câu chuyện, vì khung cảnh nầy y hệt căn nhà nhỏ bé của gia đình nó.
Hết giận là nó trở lại vui vẻ, lấy lại nét liếng thoắng thông thường của nó. Hai anh em nhận quà của mẹ, chạy lên phòng khách, chui xuống gầm bàn, ăn ngon lành.
Nhai xong miếng ổi cuối cùng, hai đứa lồm cồm chui ra định tìm trò chơi thì chị Lan vừa đi học về. Bước vào nhà, mắt chưa quen với ánh sáng im mát bên trong, tương phản với ánh sáng chói chang bên ngoài, chị chưa kịp nhìn rõ mọi vật thì vấp trúng cái cặp ở cửa ra vào. Chị cúi xuống lượm, miệng càu nhàu:
– Hai đứa tụi bây lúc nào cũng quăng đồ bừa bãi, không thứ tự gì cả.
Chị nói xong, xách ba cái cặp thẳng vào buồng. Tiếng càu nhàu nầy của chị, hai đứa nghe quen quá rồi, hầu như là nghe mỗi ngày, trừ ngày chúa nhật, ngày nghỉ học của cả ba chị em.
Nghe tiếng càu nhàu, thằng lớn chẳng thấy khó chịu chút nào vì nó biết chị Lan không hề giận khi càu nhàu như thế. Do đó, nó giữ y nguyên tật bừa bãi hằng ngày. Mới có mười lăm phút kể từ khi hai anh em đi học trở về mà giữa nhà đã đầy đồ chơi. Mấy cái hộp quẹt trống không nằm rải rác từ chân đi–văng đến tủ, cái cuộn chỉ lăn chầm chậm vào chân bàn, chiếc đầu máy xe lửa hư nằm ngửa chổng năm chiếc bánh, ngay chính giữa cửa ra vào. Giấy vụn rắc khắp nơi.
Tuy mang ra đủ thứ đồ chơi như thế, hai anh em chưa tìm được trò nào lý thú. Thằng lớn chán, bỏ xuống bếp, rót nước uống. Nó không lên nhà nữa mà đứng dựa vào chiếc lu to, một tay gãi đầu, một tay kín đáo thọc vào khuấy trên mặt nước một cách thích thú.
Chị Lan đang cúi đầu lặt rau với mẹ. Mái tóc đen của chị buông thỏng xuống lưng che khuất gần hết bờ vai tròn trịa. Nó thấy chị thật dễ thương. Nó biết chị học giỏi lắm. Năm ngoái, chị đậu vào trường trung học Gia Long. Từ đó, tháng nào chị cũng mang bảng danh dự về đưa ba. Ban đêm, chị thường dạy cho nó hiểu thêm những bài học khó trong lớp. Đúng ra là nó thích ngồi bên chị, vừa hiểu thêm bài lại vừa được nghe hơi thở ấm áp của chị tỏa ra trên trang giấy học trò.
Nhưng ngồi học với chị một lát thôi thì được, học lâu chán lắm. Thường thường, khi nó dợm đứng dậy thì chị kéo nó xuống. Có khi chị nổi giận, cung tay cốc vào đầu nó. Nắm tay chị đưa thật cao nhưng khi hạ xuống thì yếu xìu, như phủi bụi trên tóc. Nó chẳng sợ chị chút nào.
Tuy nhiên, đôi khi nó cũng phải dòm chừng chị khi nó làm việc gì có vẻ bậy bạ và lén lút. Bây giờ, nó đang làm cái việc lén lút đó. Bàn tay nó đưa đi đưa lại một cách khoan khoái. Nước mát lạnh thấm qua làn da, nước mát lạnh lùa qua kẽ tay êm ái.
Bỗng nó khẽ giật mình vì tay nó chạm vào một bàn tay khác. Nó quay lui thì thấy thằng Tiến, em nó, đang đứng sau lưng tự bao giờ. Thằng bé lấn ra trước, thọc cả hai tay vào lu nước, khuấy một cách hăng hái. Thằng anh đẩy tay thằng em sang một bên để dành chỗ. Tiến cự nự hất mạnh tay làm nước văng lên tung tóe.
Nghe tiếng động, chị Lan quay lui, hai đứa vội dang ra. Chị đứng ngay dậy, giận giữ:
– Trời đất ơi, sao tụi bây thọc tay vô lu nước uống?
Thằng anh vội vàng lảng lên nhà trên, trong khi Tiến chạy lại chùi tay lia lịa vào áo của chị. Chị đưa cả hai tay lên, tưởng sẽ giáng xuống một chưởng. Nhưng tay chị không hạ xuống, mặc cho thằng bé lau đến khô tay.
Mẹ ngẩng lên nhìn, mắng:
– Tiến, con ẩu lắm. Khăn đằng kia sao không lau?
Thằng Tiến cười hì hì. Thế là mẹ chỉ rầy Tiến về việc lau vào áo chị Lan mà quên tội thọc tay vào lu nước uống.
Tiến vẫn tiếp tục cười hì hì. Tiến biết trong nhà mẹ cưng Tiến nhất. Chị Lan và ba cũng vậy. Tuy thế Tiến vẫn ngoan, cái ngoan có pha ít nhiều nghịch ngợm. Tiến thương cả nhà kể cả anh Thắng, dù đôi khi hai anh em cũng có giành đồ chơi, cãi nhau ỏm tỏi. Có lần thằng anh nổi giận đánh thằng em một bợp tai. Thằng anh thường tỏ ra xấu tánh, thường chèm ép Tiến để dành phần hơn. Tiến luôn luôn chịu thua nhưng vẫn tức lắm.
Một hôm, bị anh đánh đau, Tiến chờ ba về mét:
– Ba, anh Thắng đánh con.
– Đánh hồi nào?
– Hồi sáng.
– Sao vậy?
– Dế ảnh đá thua dế thằng Thành bị bắt xác. Ảnh bảo con đưa dế của con cho ảnh trả thù. Con không đưa, ảnh đánh con.
Tiến mếu máo, nghiêng đầu cho ba thấy miếng băng keo còn mới tinh. Thực là một buổi chiều rủi ro cho nó. Nó hối hận đã đấm em một thoi khá nặng làm thằng Tiến ngã xuống, đầu va vào một hòn đá.
Ba nổi giận đi tìm một cây roi. Nó ríu ríu bò lên nằm sấp trên đi–văng. Ba đét vào mông nó hai roi. Nó đau nhói chồm lên mà không dám tránh đòn. Nó khóc òa van xin. Ba chưa tha vẫn nhịp roi trên mông, miệng giải thích dài dòng. Nó vâng dạ luôn miệng nhưng không để ý đến lời ba nói, mà lại để ý đến thằng Tiến đang nép mình bên tủ, sợ hãi nhìn con roi nhúc nhích trong tay ba nó.
Ba đét thêm hai roi nữa rồi bảo nó đứng dậy và bỏ vào phòng đọc báo. Tiến mon men lại gần anh. Thằng Thắng biết nhưng ngảnh mặt ngồi im mà khóc. Hồi lâu, nó nghe có bàn tay nhỏ và mềm khe khẽ nắm lấy tay nó. Nó hất bàn tay đó đi và bước lại bàn ngồi vào ghế.
Mặt Tiến buồn thiu. Nó chui xuống gầm tủ lấy hộp dế đặt trước mặt anh. Thắng vẫn ngồi yên. Tiến lại chui xuống giường lấy cuộn chỉ, loay hoay mở hộc tủ lấy cái bông vụ, lục cặp lấy hộp viết chì màu đặt cả lên bàn. Tiến tiếp tục mang nhiều thứ lên nữa cho đến khi mặt bàn giống như một gian hàng triển lãm với đủ thứ tạp nhạp vừa đồ chơi con nít, vừa đồ dùng người lớn như bàn chải đánh giày của ba, cái hộp son của mẹ, cái kẹp tóc màu đỏ của chị Lan.
Nó phì cười và hai anh em giảng hòa. Từ đó, không bao giờ Tiến mét ba nữa. Thằng anh cũng tránh ăn hiếp nhất là tránh nặng tay với em, giận lắm cũng chỉ cự nự mà thôi.
Hai anh em tỏ ra thương nhau hơn, ít khi rời nhau ra. Chúng chơi chung, ăn chung và ngủ chung. Chúng cũng đi học chung ở cùng một trường tiểu học, thằng anh học lớp nhì, thằng em mới lớp vào lớp năm.
Trong những câu chuyện kể lại, Tiến tỏ vẻ phục cô giáo lắm. Tuy nhiên, Tiến cũng phục chị Lan vì chị Lan thường chỉ cho anh Thắng làm bài. Có lần, chị Lan đang giảng bài cho anh Thắng, nó chăm chú nhìn chị hồi lâu rồi vụt hỏi to:
– Chị Lan có giỏi bằng cô của em không, hả chị Lan?
Chị Lan cười, đưa hai tay áp vào hai má bầu bầu của nó, cười:
– Cô em giỏi hơn chị nhiều lắm.
Tiến cúi đầu chớp hai mắt, mặt lộ vẻ hài lòng. Nghĩ cũng tức cười, nó biết rõ chị Lan đang học lớp bảy thì làm sao bằng cô giáo được. Nhưng mẹ thì chắc giỏi hơn cô giáo vì mẹ dạy trường chị Lan. Có lần nó hỏi y như đã hỏi chị Lan thì mẹ cũng trả lời:
– Cô giỏi hơn mẹ.
– Vậy sao mẹ dạy trường chị Lan? Trường đó học trò lớn hơn trường con mà.
Mẹ vuốt má nó, vừa cười vừa đáp.
– Thầy cô phải giỏi mới dạy được lớp nhỏ. Học trò nhỏ khó dạy hơn học trò lớn.
Nó tin lời mẹ nhưng thấy mẹ hơn cô giáo ở nhiều điểm khác. Thí dụ, mẹ đẹp hơn cô giáo, mẹ giống bà tiên hơn cô giáo.
Nó sực nhớ đến ba nên hỏi mẹ:
– Ba với mẹ, ai giỏi hơn?
– Ba giỏi hơn.
– Sao ba không đi dạy?
– Ba mắc làm việc khác.
– Ba làm gì hả mẹ?
– Ba làm ở bộ Kinh tế.
À, nó chợt hiểu. Ba làm ở bộ Kinh tế thành ra một ngày đi tới hai buổi. Mẹ dạy học nên chỉ đến trường buổi chiều thôi. Buổi sáng, mẹ đi chợ nấu cơm trưa. Buổi chiều, vắng mẹ, chị Lan trông nhà, giặt áo quần, nấu cơm chiều.
Trong khi chị nấu cơm, hai đứa bày trò chơi với nhau. Có khi hai đứa rủ nhau lén chị chạy chơi trong xóm, hay đến nhà mấy đứa bạn chơi. Mẹ dặn không được ra đường lớn, xe cán chết nên hai đứa chỉ quanh quẩn trong các ngõ hẻm gần nhà.
Chúng thường không đi xa, vì hễ đến năm giờ rưỡi ba tan sở là phải dông về. Không phải sợ ba rầy la mà dông về để kịp nhảy tót lên xe, ba rú máy chở đi chơi. Ngồi trên xe ba thì tuyệt. Ba chạy nhanh, qua mặt các loại xe, chỉ thua xe hơi mà thôi. Ba chạy, khi thì đường nầy, khi thì đường kia. Có hôm ra bờ sông xem mấy chiếc tàu to lớn. Có hôm đi xa lộ, dừng xuống uống nước trong một lều tranh nho nhỏ ven đường.
Trong khi đi chơi, ba hỏi hai đứa đủ chuyện. Hai đứa tranh nhau trả lời. Ba hỏi hôm nay học được mấy điểm, hỏi cô giáo mấy tuổi, sáng nay mặc áo màu gì…
Thắng còn nhớ rõ, có hôm ba hỏi câu nầy trước mặt mẹ. Thắng chưa kịp trả lời thì mẹ quay qua nhéo ba một cái thực mạnh nơi vai:
– Ông già sinh giặc!
Ba nhảy nhỏm, miệng cười ha hả. Mẹ và chị Lan cũng cười. Hai đứa không hiểu gì cũng cười theo.
Không khí trong nhà thực là vui. Vì vậy, Thắng thích cái nhà Thắng lắm, dù căn nhà không sang trọng bằng nhà con Huệ, không nhiều đồ như nhà thằng Cảnh ở đầu đường.
Nhà Thắng chỉ là một căn phố nhỏ trong hẻm hẹp giữa một xóm nghèo. Nhà lợp ngói và có trần bằng giấy cứng. Vách tường quét sơn màu xanh lợt, nền nhà lót gạch bông đỏ trắng, được lau thật sạch hằng ngày.
Thắng còn nhớ mẹ kể với mấy chị em:
– Hồi mới lấy nhau, ba mẹ nghèo lắm. Dành dụm trong năm năm trường mới mua được căn nhà nầy. Lúc dọn về đây, con nầy mới hai tuổi, chưa kịp mang đồ đạc vô thì nó chạy trước xuống bếp, đái một vũng.
Mẹ vừa nói vừa cốc nhẹ vào đầu chị Lan. Hai anh em lăn ra giường mà cười. Ba buông tờ báo xuống nhìn mẹ âu yếm, còn chị Lan đỏ mặt dúi đầu vào tay mẹ.
Những giờ vui như thế nầy thường xảy ra vào buổi tối khi cơm nước xong xuôi. Hai đứa thích nghe mẹ kể chuyện nhưng ít khi được dịp may như thế. Ban ngày, không bao giờ mẹ rảnh, còn buổi tối, mẹ thường chấm bài. Ba thì có vẻ rảnh rỗi hơn, nhưng ba thích đọc báo hay cắm cúi trên những trang sách. Lâu lâu ba cũng kể chuyện. Chuyện của Ba hay hơn nhưng không hiểu tại sao hai đứa thích nghe mẹ kể hơn ba.
Tối nào không được nghe chuyện, hai đứa bày trò chơi với nhau. Cho đến lúc không còn chơi được nữa thì rủ nhau vào giường ôm nhau ngủ. Tiến hay nằm sấp. Tay thằng Thắng gác qua lưng em, lòng bàn tay thường đặt trên cục thịt thừa trên lưng của Tiến. Cục thịt thừa chỉ bằng hòn bi con nít, ban ngày không ai thấy được vì khuất dưới làn vải áo của em. Tiến có nhiều đặc điểm trong đó phải kể cục thịt thừa kỳ cục ấy.

*


Còn vài hôm nữa, Tết đến rồi. Những ngày nầy, Thắng thường nghe người lớn than vãn. Ai cũng bảo sợ Tết. Nhưng rồi ai cũng rộn rịp sắm sửa, nhà nào cũng chưng dọn tưng bừng. Thắng thường nghe người lớn bảo ghét ồn ào và ưa thanh tịnh. Nhưng rồi nhà nào cũng mua ít nhất một phong pháo để đốt đì đùng.
Người lớn thực khó hiểu. Nghe họ nói một đằng rồi họ làm một nẻo. Bọn con nít như Thắng giản dị hơn. Nó mong Tết từng ngày thì nó không bao giờ dấu diếm lòng mong đợi đó.
Nó sung sướng thật tình trong ngày lễ tất niên của lớp nó. Sau lễ nầy, nó dắt em đi về, túi đầy hột dưa và kẹo, chân nhảy nhót, lòng vui rộn rã. Nghĩ đến những ngày sau đó không phải đến trường, hai anh em khoái chí vừa cười đùa vừa rảo bước trên đường về.
Chúa nhật rồi, ba quét vôi và sơn cửa nẻo nên nhà trông mới hẳn ra. Nó thấy ba tài thiệt, ba làm cái gì cũng hay cũng khéo. Tuần trước, ba đóng một cái kệ để sách thực đẹp. Hôm qua ba mang về cái đèn ống rồi tự tay gắn vào trần nhà. Vì vậy, tối đến, nhà nó sáng trưng, không thua nhà bác Sáu ở sát bên. Dưới ánh đèn rực rỡ đó, bày thứ gì ra chơi với em nó cũng thấy thích thú. Nó phục tài ba nó vô cùng.
Ba còn bảo chiều nay mua về một bộ lư đồng, chiều mai ba mua về một cành mai cắm vào cái độc bình to mà bà Sáu đem cho mấy tháng trước. Chưa bao giời nó thấy nhà nó sắm tết nhiều như năm nay.
Cũng chưa bao giờ nó thấy Tết vui như Tết nầy. Mới chiều ba mươi mà pháo đã nổ khắp nơi, chỗ nầy lẹt đẹt, chỗ khác đì đùng. Đường đi rắc đầy xác pháo đỏ, không khí nực mùi thuốc pháo nồng.
Tối ba mươi, anh em nó xúng xính trong bộ quần áo mới may. Cái túi đã bắt đầu phồng lên những tờ bạc lì xì. Mẹ hứa tối nay cho hai anh em thức khuya để đón giao thừa. Nhưng nó không thấy được giờ phút thiêng liêng đó vì đã ngủ quên từ mười giờ tối.
Ngày mồng một còn thích hơn ngày trước. Đâu đâu, người ta cũng vui chơi. Anh em nó chạy rong khắp xóm, lâu lâu chạy về gặp bạn bè của ba mẹ đến thăm là thêm tiền lì xì. Suốt ngày, nó không ngồi yên một phút, thế mà tối lại, nó không mỏi mệt tí nào.
Ba lôi trong ngăn tủ ra một bàn bầu cua trải trên đi–văng rồi đích thân làm cái để cả nhà xúm xít đặt tiền. Anh em nó chơi thật mê say, cho đến khi mí mắt nặng trĩu không còn gượng được nữa. Em Tiến đã bỏ cuộc từ nửa giờ rồi; em đang ngủ say, đầu đặt trên chân mẹ.
Nó quơ vội tiền nhét vào túi rồi phóng vào giường. Nó nghe tiếng cười vui vẻ của ba mẹ đuổi theo sau lưng.
Tiếng cười, tiếng nói xa dần, mờ dần, nó nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.
Giấc ngủ trẻ thơ thật êm ái, có nhiều mộng lành. Lúc nó đang mơ chạy nhảy trong sân trường thì cánh tay bị giật mạnh. Nó bị lôi ra mép giường và lăn xuống đất. Nó tỉnh ngủ lập tức vì tai nghe tiếng nổ liên hồi. Nó vùng dậy, giọng hớn hở:
– Ba đốt pháo hả chị Lan?
Nó không nghe tiếng trả lời. Nhà tối om. Nó hơi ngạc nhiên rồi cảm thấy rờn rợn.
Tiếng nổ bên ngoài không giống tiếng pháo của đêm rồi. Trong âm thanh hỗn độn, nó nghe từng loạt nổ đều dòn tan. Thỉnh thoảng có tiếng nổ thực to làm rung cánh cửa.
Bỗng có tiếng thằng Tiến khóc ré lên. Một bàn tay vội bụm miệng nó lại. Mẹ quát khẽ qua hơi thở hổn hển:
– Nín đi con, khóc lớn họ nghe họ vô bắn chết hết.
Nghe mẹ quát, tim Thắng bắt đầu đập loạn đả, tay chân run lẩy bẩy. Thằng Tiến cũng sợ hãi nín thinh. Cả nhà nằm trên nền gạch, không ai dám cựa mình. Chỉ có chiếc đồng hồ là có vẻ thản nhiên. Nó ngân nga ba tiếng đều đặn. Mấy con muỗi bay vo ve sát bên tai. Chúng đáp vào mặt, vào tay chân chực hút máu.
Thắng trở mình đưa tay đuổi muỗi. Bây giờ nó mới biết nằm gọn trong lòng ba. Ba âu yếm nắm chặt bàn tay nó đưa lên môi. Trong đêm tối nó thấy tay ba ướt đẫm mồ hôi mặc dù trời khuya lành lạnh. Mẹ nhỏm dậy, từ từ kéo chiếu trên giường xuống, lom khom trải trên nền gạch và mọi người sờ soạn đặt mình lên trên.
Có một lúc tiếng súng thưa dần rồi chỉ còn vọng lại xa xa.
Tiếng tí tách của chiếc đồng hồ bắt đầu nghe rõ dần. Mẹ hỏi ba nho nhỏ:
– Đánh nhau hả anh?
– Chắc vậy.
Thằng Tiến vụt hỏi to:
– Lính bắn súng hả ba?
– Suỵt, nói nhỏ vậy. Ừ, lính bắn súng.
– Cái gì hồi nãy nổ to vậy ba?
– Chắc là lựu đạn.
Thắng lên tiếng cãi lại:
– Súng đại bác bắn đó. Lựu đạn nổ nhỏ hơn đại bác, con nghe người ta nói như vậy.
– Suỵt, im đi.
Mẹ quát khẽ vì bà vừa nghe tiếng chân đang chạy bên ngoài, mỗi lúc một nhiều. Một tiếng nổ to làm rung rinh đồ đạc, rồi những loạt súng rộ lên. Trong những loạt nổ đều, có những tiếng đạn chát chúa, nghe như tiếng búa thép đập vào đe. Những tia chớp lóe lên, chui vào khe cửa soi sáng đồ vật trong nhà.
Tiếng súng hơi thưa một lúc rồi lại nổ dòn. Cơn sợ của thằng Thắng giảm dần, nó bắt đầu cảm thấy hơi thích thú, và nghĩ đến cảnh bắn nhau trên màn bạc. Nó chú ý lắng nghe những tiếng nổ và hơi ngạc nhiên nghe được tiếng người xôn xao ở xóm trong.
Nó thấy ba hơi nhỏm dậy rồi vùng ngồi thẳng lên, giọng hốt hoảng:
– Chết rồi, cháy nhà em ơi!
Nó cũng nhỏm dậy theo, nhìn ra phía trước. Xuyên qua khung cửa lá sách, nó thấy bên ngoài ửng đỏ. Mẹ vội kéo tay nó nằm xuống, đầu gối lên tóc mẹ. Trong hơi thở dồn dập của mẹ, nó nghe tiếng lầm thầm khấn nguyện.
Ánh sáng đỏ bên ngoài càng lúc càng rõ hơn. Bóng ba ngồi đen thui in rõ trên bức vách màu hồng. Trong tiếng súng nổ đinh tai, có tiếng nổ lép bép, tiếng la hét xôn xao nghe rợn người.
Mẹ nhìn bóng ba mếu máo:
– Làm sao bây giờ, anh?
– Em mở tủ lấy tiền đi. Anh cho áo quần vô bao. Lan, con xuống hốt mớ gạo vô giỏ. Đi lom khom nghe con, đừng đứng thẳng lưng.
Mẹ ấn mạnh vào vai Thắng, ngầm bảo nằm yên rồi nhỏm dậy theo ba. Lập tức, nó nghe tiếng mở tủ lách cách.
Chị Lan rút chốt của cửa bếp và mở mạnh ra. Ánh sáng rực đỏ xuyên qua sàn nước lùa vào dễ sợ. Xuyên qua khung cửa, Thắng thấy cái bóng gầy gầy của chị Lan đi lom khom trông thực tội nghiệp.
Thằng Tiến ngóc đầu dậy dòm. Sợ em nhỏm dậy nên Thắng lết lại gần, kéo em nằm xuống, thoa lưng em cho thằng bé đỡ sợ, bàn tay Thắng qua lại nhiều lần trên khối thịt thừa mềm mại và quen thuộc.
Chị Lan chạy vội trở lên, tay xách chiếc giỏ mà mẹ dùng đi chợ hằng ngày. Ba và mẹ cũng đã trở lại ngồi trên chiếu. Mẹ hỏi, giọng nho nhỏ sợ sệt:
– Hình như lửa cháy gần đến mình rồi phải không anh?
Ba hổn hển trả lời:
– Ừ, có lẽ cháy đến khoảng nhà ông Túc rồi.
Mẹ hốt hoảng:
– Vậy thì nguy rồi, mở cửa ra chạy đi anh.
– Khoan, súng bắn gần quá. Chắc đánh nhau ngoài đường lớn. Có lẽ họ tấn công vô đồn của trung đoàn.
Nghe ba nói, Thắng bỗng sực nhớ ở ngoài đường hẻm, bên kia đường là cái đồn lớn. Trên vọng gác luôn luôn có người lính ôm súng ngồi vẩn vơ. Đêm nay, chắc người lính ghì súng bóp cò đã tay.
Tiếng lửa lép bép nghe đã rất rõ ràng; tiếng người tru tréo, níu kéo nhau chạy, tiếng trẻ con la khóc, tiếng đàn bà hét như điên cuồng.
– Thôi chạy đi em.
Ba nhỏm dậy thì một loạt đạn bắn tung mái ngói, mảnh vở loảng xoảng trên trần nhà. Cả nhà nằm lăn xuống đất nín thở. Bên ngoài im lặng một chốc ngắn rồi tiếng kêu khóc lại nổi lên to hơn.
Ba mẹ lại nhỏm dậy vì lửa cháy đến gần kề. Hơi nóng đã bắt đầu xông vào, đồ vật hiện rõ trong màu đỏ chóe.
– Nguy rồi, chạy đi em, chạy đi các con.
Ba mở tung cửa, rồi quay lại ôm xốc em Tiến. Mẹ và chị nắm lấy tay thằng Thắng lôi ra cửa. Thiên hạ, tay bồng tay bế chạy tán loạn. Đàn ông mặt mày hớt hải, tay ôm những gói to tướng, vai còn cõng thêm một đứa trẻ con. Đàn bà tóc tai rũ rượi, mặt đầm đìa nước mắt, tay xách giỏ, tay kéo con mà miệng không ngừng la hét chửi rủa. Mấy đứa bé còn thảm thương hơn nữa, đứa thì chạy theo cha mẹ, đứa thì trì lại, ngồi bệt giữa đường. Chúng đua nhau la, không đứa nào chịu kém đứa nào.
Vế phía xóm trong, lửa cháy ngất trời. Những ngọn lửa đỏ nhảy múa trên những mái nhà.
Những cột khói to phun phì phì từ những khung cửa rồi biến thành cột lửa vụt bắn lên cao. Gió thổi mạnh từng cơn, lùa hơi nóng rát da vào đoàn người làm cho sự hỗn độn càng thêm hỗn độn. Họ chạy loạn xạ, chen lấn, càn lên nhau mà chạy. Lửa cháy phía sau thì tràn về phía trước, lửa cháy bên nầy thì ào ào tràn về bên kia.
Nhiều người chúi nhủi quăng cả bao bị, chưa kịp nhỏm dậy thì đã bị người sau đạp nằm dài trên mặt đất. Có người chạy loạn mà còn dắt cả chiếc xe hai bánh. Xe bị thân người làm nghẽn không đi tới được. Người ta xô đẩy phía sau làm xe ngã xuống, đè vào chân những người bên cạnh. Những người phía sau ào tới vấp vào xe, té dồn cục, la hét chửi rủa inh tai.
Gia đình Thắng bị lôi cuốn trong thác người hỗn loạn đó. Con đường hẻm đầy người, sáng rực dưới ánh lửa đỏ lòm. Đường thẳng tắp nằm giữa hai dãy nhà phố như con kinh giữa hai bờ thẳng đứng. Người người chạy về một hướng như dòng nước chảy cuồn cuộn trong kinh.
Phía sau lửa cháy rần rần; phía trước, chiếc đồn xám xịt hiện ra lập lòe trong lửa. Cái vách tường cao nghều nghệu như chắn lấy con đường. Vọng gác đứng sừng sững ở trên đầu tường như lom lom dòm xuống đoàn người.
Gia đình Thắng đã chạy ra đến đầu ngõ. Mọi người bị dồn cứng tại đây vì chiến trận đang diễn ra ác liệt dài theo đường lộ. Đạn bay véo véo trên đầu, đạn đập vào và xuyên thủng mái tôn, đạn bắn vỡ mái ngói. Những mảnh vôi gạch vụn rớt tung tóe vào đầu đoàn người chạy loạn. Những thây người nằm thẳng cẳng hai bên vệ đường, vài ba cái xác co quắp trên hè phố. Những viên đạn lửa vạch những lằn sáng lên không trung. Nhiều viên vút bay trên mặt đường như những tia chớp. Tiếng súng nổ đinh tai nhức óc. Lại thêm tiếng phi cơ gầm thét, xoáy mạnh vào màng nhĩ.
Chiếc máy bay oanh kích vút qua vút lại nhiều lần trên đầu, kèm theo những loạt súng dòn tan. Một loạt đạn không biết từ đâu bắn vãi vào xóm, đạn bay sát rạt trện đầu, đập ào ào vào vách, vào cửa, vào mọi thứ nơi hai dãy nhà trong hẻm. Mọi người mọp xuống bò càng trên mặt đất.
Rồi họ lại nhỏm dậy, lao xao, nhốn nháo như một bầy gà con bị dí vào một góc tường. Vài người nhắm mắt chạy đại ra đường lộ, phóng mình về dãy phố bên kia đường, ở cuối bờ tường đồn lính. Có người thoát được, biến vào hè phố. Nhưng có người gục ngã, quằn quại trên mặt lộ. Trông thấy cảnh hãi hùng đó, không còn ai dám xông ra đường nữa. Một số người quay lui, xông vào các nhà đầu hẻm, chạy tuột suốt căn nhà, cố sức đập vỡ vách tường chắn bếp. Nhiều người vội chui qua cái lỗ hổng nhỏ hẹp, lại chạy suốt căn nhà để qua hẻm khác. Nhiều người ùa theo mà chẳng thèm biết cái hẻm khác có an toàn hơn hẻm nầy không. Nhưng cũng nhờ đó, trong hẻm đã bớt người, nhiều gói đồ rớt lại, chiếc xe gắn máy nắm ngang lộ rõ trên mặt đất gồ ghề.
Chiếc máy bay bỏ đi đâu một lúc rồi quay trở lại. Nó xé không khí, rú như quỷ gào. Nó lướt qua một vòng giữa tiếng tạch đùng rồi chúi xuống bờ tường trước mặt. Khi nó vừa ngóc đầu lên thì một vừng lửa rực lên bên trong đồn, liền theo sau là một tiếng nổ long trời lở đất, đất cát chụp vào đám người hoảng loạn. Đám người tạt hẳn vào hẻm, nhưng không vào sâu được được vì những cột lửa đỏ bốc lên cuồn cuộn.
Những lưỡi lửa to lớn liếm từ mái nhà nầy sang mái nhà nọ. Thằng Thắng nom rõ nhà bà Sáu đỏ rực, và lửa đang bắt sang nhà nó. Trong phút chốc, nó nghĩ đến cái bàn mà chị em nó ngồi học mỗi đêm, cái đi–văng mà ba nó thường nằm đọc báo, cái máy may mà mẹ thường ngồi cắm cúi hằng giờ, cái giường mà anh em nó hằng đêm ôm nhau ngủ. Những món quen thuộc đó từ bao năm nay đã chứng kiến những ngày sung sướng của gia đình nó. Nó nghĩ đến những cuốn tập mà nó đã chép bài, những món đồ chơi mà nó đã chia nhau với em Tiến. Nó nghĩ đến cái nhà mà mẹ bảo đã để dành tiền để mua lúc chị Lan vừa lên hai tuổi.
Thôi rồi, những thứ thân yên đó, không bao giờ nó còn trông thấy nữa. Vĩnh viễn chúng mất đi rồi…
Mắt nó đang mờ lệ thì tai nó bỗng nghe thắng Tiến thét lên:
– Cái kèn của con, lửa cháy cái kèn của con.
Vừa la, Tiến vừa búng mạnh hai chân thoát ra khỏi hai cánh tay run rẩy của ba, phóng người về phía căn nhà cháy, trong khi súng vẫn nổ dòn, tiếng phi cơ vẫn xé bầu trời. Nó nghe tiếng gọi thất thanh cùng lúc của ba mẹ và chị Lan. Không chút do dự, nó bật dậy phóng theo bóng đứa em.
Chỉ được vài bước, tai nó bỗng bung lên, đầu óc long ra. Nó cảm thấy bị hất tung lên sau một tiếng nổ. Nó thấy không khí dồn mạnh lại rồi dãn dần ra, nó cảm thấy mình nhẹ nhàng bay bổng lên trời rồi rơi là đà trong một vùng trắng xóa. Nó không thấy mình chạm mặt đất mà lơ lửng, lững lờ một cách lạ lùng. Rồi hình như nó không bay đi đâu hết, đầu óc nó lan man trống rỗng. Nó không còn để ý gì nữa, không còn nghe thấy gì nữa cả.

*


Nó mở mắt ra thấy bóng trắng lờ mờ. Nó sực nhớ lại và tưởng đang bay trong vùng trắng xóa vừa rồi. Nó cố nhướng mắt nhìn kỹ và nhận ra cái vùng trắng xóa đó là cái trần nhà. Chiếc quạt máy ba cánh đứng yên, mấy chùm tơ nhện lửng lơ ở kẽ vách. Nó ngóc đầu dậy để nhìn nhưng đau nhói ở bụng nên đành buông mình nằm yên. Một lát sau, sờ tay lên bụng, nó nhận ra vòng băng rất chặt. Nó khẽ nhúc nhích chân thì biết có một cái mền nặng đè lên.
Nó bậm môi nghiêng đầu sang một bên và hoảng hồn thấy những chiếc giường nằm thành dãy đến cuối gian phòng rộng lớn. Giường nào cũng có người nằm. Có người nằm cả dưới nền nhà. Thấp thoáng ngoài cửa cũng có người nằm. Người nào cũng mang băng trắng xóa, người thì băng ở đầu, ở ngực, kẻ thì ở tay chân. Hình như năm ngoái nó có theo mẹ đến chỗ nầy một lần để thăm ai đó. Thôi đúng rồi, đây là một nhà thương.
Nó cố nhịn đau, ngóc đầu cao, nhìn quanh quất để tìm ba mẹ, chị Lan và em Tiến. Nó chỉ thấy toàn người lạ, đa số mặt mày nom dễ sợ. Nó nằm xuống, khóc rưng rức hồi lâu rồi thiếp đi trong giấc ngủ.
Không biết nó ngủ được bao lâu mới thức dậy. Nó chưa tỉnh hẳn và nghe có người nói chuyện nho nhỏ sát bên giường. Một bàn tay nhè nhẹ cầm lấy bàn tay nó. Nó bỗng hớn hở, gọi to:
– Ba mẹ.
Mở choàng mắt, nó xấu hổ thấy một người đàn ông lạ đứng ngay trước mặt. Ông mặc áo dài trắng tinh. Mặt ông trắng trẻo, tóc hớt cao, đôi mắt hiền từ nhìn nó sau cặp kính cận thị.
Thấy nó mở to mắt kinh ngạc, ông nhìn nó mỉm cười. Nụ cười làm nó bớt sợ, cảm thấy hơi yên tâm. Ông vói gỡ tấm bảng ở đầu giường, lẩm bẩm đọc một tràng dài thứ tiếng gì đó nó không hiểu. Ông quay lui hỏi một cô cũng mặc áo trắng đang đứng sau lưng:
– Ngất lâu chưa? Có tỉnh dậy lúc nào không?
– Thưa bác sĩ, sáng nay hình như có tỉnh dậy, đâu khoảng chín giờ.
– Đem vô hồi nào?
– Thưa, hồi sáu giờ sáng, hình như bị thương khoảng bốn giờ sáng.
– Nghĩa là ngất đi trong năm tiếng đồng hồ.
Ông đưa ngón tay khẽ ấn vào mí mắt dưới của nó kéo nhẹ xuống, nói nhỏ:
– Mất máu hơi nhiều.
Ông móc viết ghi trên một cuốn sổ, quay sang cô y tá:
– Chưa cần sang máu. Ngân hàng huyết của mình sắp cạn rồi, số còn lại dành cho những người rất nặng. Cô cho bé một bình huyết thanh có đường.
Ông kéo mền xoa lớp băng trên bụng của Thắng.
Cô y tá vội nói:
– Phòng giải phẫu xem kỹ rồi, không còn miểng bên trong
– Tốt lắm, thay băng mỗi ngày.
Ông kéo mền trở lại, vuốt nhẹ trán nó và bước sang giường bên cạnh. Cô y tá lẽo đẽo xách sổ theo sau.
Nó không hiểu hết mấy lời đối thoại vừa rồi. Tuy nhiên nó hiểu rằng đang bị thương ở bụng và đang nằm trong bệnh viện. Nó tập trung ý nghĩ và dần dần nhớ lại đêm kinh hoàng. Lửa cháy, súng nổ, em Tiến chạy, nó chạy theo, một tiếng nổ to, nó bay vào đám mây trắng… Nó không thấy sợ khi nằm giữa những người bị thương; nhưng nó nhớ ba mẹ, nhớ chị, nhớ em, nghe cồn cào trong bụng. Những giọt nước mắt chảy ra, lăn dài xuống gối.
Nó lắng tai, nhận ra tiếng súng còn nổ xa xa, khi rõ, khi không. Còn những tiếng nổ đì đùng thì vang dội, có khi làm rung cả tấm sắt ở đầu giường.
Nó không đoán ra bệnh viện nầy ở tại đâu. Bốn bề im lặng, không nghe tiếng xe chạy bên ngoài, nhưng thỉnh thoảng có tiếng rú ghê rợn của xe hồng thập tự và tiếng xe thắng gấp trên mặt đường. Bên ngoài hành lang có bóng người khiêng băng ca đi qua vội vã. Nó mong đợi ba mẹ chị em nó đến, nhưng nó không muốn người thân của nó nằm trên đó cho họ khiêng đi.
Nó đã bớt đau ở bụng, chỉ còn thấy ê ẩm trong lớp băng dày cộm. Vết thương không hành hạ nhưng nó cảm thấy bực dọc nặng nề trong không khí nồng nực mùi thuốc nhà thương.
Nó phải sống nhiều ngày trong không khí đó. Mấy cô y tá người nào trông cũng có vẻ lạnh lùng. Họ đến săn sóc nó một cách gọn gàng và vội vã. Mấy hôm đầu, họ nâng nó dậy cho ăn. Bàn tay họ mềm nhưng sao cử chỉ của họ không có chút gì dịu dàng êm ái như bàn tay mẹ nó. Nó ao ước có mẹ và chị Lan ở đây để làm thay cho những người y tá. Chưa bao giờ nó thấy mình ao ước một điều gì mãnh liệt như lúc nầy.
Nhiều khi nó muốn mở miệng hỏi cô y tá về ba mẹ chị em nó, nhưng khi nhìn tới đôi mắt đen dưới đôi mày kẻ đậm và cong vút, lời nói của nó cứ thập thò trong cổ họng.
Trong tất cả những người săn sóc nó ở đây, nó chỉ thích ông áo trắng mà người ta gọi là bác sĩ. Chỉ có ông mỉm cười khi đứng gần nó. Bàn tay ông to và cứng như bàn tay ba. Nhưng khi bàn tay nầy chạm vào da mặt nó thì nghe như có hơi ấm trong đó tỏa ra.
Ông có đeo một ống cao su đỏ vòng qua cổ. Thỉnh thoảng, ông nhét hai đầu ống vào hai lỗ tai, vạch áo nó ra và ấn một núm tròn nhiều lần khắp nơi trên ngực nó.
Nó rất thích nụ cười hiền hậu của ông, hao hao giống nụ cười của ba. Nhìn mặt nó, gần như luôn luôn ông mỉm cười, nụ cười trên khuôn mặt bơ phờ mệt nhọc, mái tóc thì rối tơi bời trên vầng trán rộng. Cặp mắt ông trở nên lờ đờ, khi nhìn vào tấm bảng đầu giường thì đôi mày nhíu lại. Nó cảm thấy sờ sợ nhưng thương ông hơn.
Nó ước muốn ông ngồi lâu với nó để chuyện trò nhưng ông không bao giờ dừng lại cho lâu. Ông quay lưng đi nhanh như khi đến. Nó mong ông trở lại buổi trưa, buổi chiều hay buổi tối, nhưng ông chỉ trở lại đúng giờ vào buổi sáng rồi biến mất cho đến sáng hôm sau. Luôn luôn nó dự định hỏi ông về ba mẹ nhưng chưa bao giờ nó nói thành lời.
Ngoài ông ra, nó không còn biết hỏi ai nữa. Người đàn bà nằm giường sát nó thì im ỉm cả ngày. Đầu bà ta bịt kín mít trong đống băng to tướng. Khi nào thấy bà mở mắt, nó lại nghe tiếng rên ri rỉ của bà. Những tiếng rên nầy nghe thực quen tai vì luôn luôn nổi lên khe khẽ khắp phòng, khi thì ở cửa ra vào, khi thì ở nơi giường cuối, khi thì ở bên cửa sổ, có khi sát bên trên đầu nó. Về đêm, lúc thức giấc trong canh khuya, những tiếng rên làm nó lạnh mình, tóc như dựng cả lên. May mà đèn trong phòng để sáng choang suốt đêm.
Không khí ở đây thực nặng nề khó chịu. Suốt ngày, im lặng ngột ngạt, chỉ có buổi xế, một giờ trước buổi cơm chiều là tưng bừng náo nhiệt. Tiếng ồn ào vang lên ngoài xa tiến lại dần dần. Rồi nhiều người ào vào phòng, tay xách giỏ, tay kẹp ổ bánh mì. Họ chia nhau đến các giường hỏi thăm ríu rít. Nó ngạc nhiên nghe những tiếng kể lể, những tiếng khóc sụt sùi.
Hôm đầu tiên, một bà già đi ngang qua giường nó, dừng lại ngập ngừng:
– Không ai thăm cháu hết à?
Nó nhìn bà, lắc đầu.
Bà nói tiếp:
– Tội nghiệp không. Sao cháu không nhắn về nhà? Nhà thương nầy giỏi nhưng khó lắm, thân nhân chỉ được thăm mỗi ngày một lần và không được ở lại. Rồi người nhà cháu sẽ tìm được cháu ở đây thôi. Đừng buồn.
Nói xong bà bỏ đi; bây giờ thì nó hiểu mấy người nầy vào thăm những người bị thương như nó. Tim nó bỗng đập rộn rã. Chắc chắn ba mẹ, chị Lan, em Tiến sẽ vào thăm nó trong đám người nầy. Ý nghĩ đó làm cho nó sướng run lên. Nó muốn tung mền vùng dậy đi tìm, nhưng mấy lớp băng nơi bụng giữ chặt nó vào giường.
Nó nghiêng mình hướng ra cửa, nhìn chăm từng người một bước qua. Nó mong, nó đợi, nó chờ. Thời gian kéo dài nhùng nhằng nhủng nhẳng cho đến khi chuông reo vang trước trại. Mọi người lần lượt đứng lên bước ra cửa, chậm chạp nặng nề khác hẳn lúc đến. Căn phòng vắng vẻ dần dần, những tiếng rên rỉ bắt đầu nghe rõ trở lại. Nó buông mình xuống giường bưng mặt khóc nức nở. Tiếng khóc thảm thiết lẫn với tiếng nghẹn ngào:
– Ba mẹ ơi, chị Lan ơi, em Tiến ơi.
Nước mắt chảy qua thái dương, tràn vào tai, nghe lành lạnh. Nó chưa tới tuổi để hiểu và chấp nhận nỗi bi thảm của sự cô đơn nhưng nó biết khổ sở khi thấy rằng trong căn phòng rộng lớn nầy, chỉ một mình nó không được người thăm viếng. Càng nghĩ càng tủi thân, nước mắt cứ tiếp tục tràn ra ướt gối.
Nó nằm bất động cho đến lúc một người đàn ông luống tuổi mang cơm đến, lắc vai nó bảo ăn. Nó gượng dậy cố ăn được vài miếng rồi buông muỗng xuống chiếc mâm nhựa có nhiều ngăn, ngã người xuống nhắm mắt, tiếp tục nghĩ đến gia đình.
Người đàn ông già trở lại thu dọn, nhìn chiếc mâm rồi nhìn nó với vẻ thương hại. Ông định kêu nó nhưng nghĩ sao ông lại lắc đầu thu vội chiếc mâm rồi quay quả bước đi.
Khoảng trời nho nhỏ bên kia khung cửa sổ dần dần ngả sang màu tím. Màn đêm lặng lẽ buông xuống, nó cũng lặng lẽ đi vào giấc ngủ với những giấc mộng êm hiền. Trong giấc mộng, bao giờ nó cũng thấy mình còn đi học, còn trở về gặp mẹ và chị Lan làm thức ăn trong bếp, còn thấy ba đi làm về, còn dắt tay em Tiến chạy rong trong các ngõ nhỏ.
Giấc ngủ qua một đêm dài làm cho nó nguôi ngoai bớt nỗi tủi cực của ngày qua. Sự tươi mát lại hiện ra trong nét mặt thơ ngây, trên làn da xanh xao, trên đôi môi nhợt nhạt, trong đôi mắt buồn tênh của nó.
Ánh sáng dịu dàng từ các khung cửa sổ tràn vào căn phòng đầy giường la liệt. Nó cảm thấy thoải mái nên nghểnh cổ lên dòm chung quanh. Nhiều người đã thức dậy. Họ mở mắt yên lặng nhìn lên trần nhà hay làm những cử động tay chân một cách chậm chạp nặng nề.
Người ta cũng đến săn sóc vết thương như ngày hôm qua. Nó không để ý đến những việc có vẻ quen thuộc đó vì nó mong cho buổi sang qua nhanh. Nó nôn nóng chờ giờ thăm nuôi đến, lòng hi vọng tràn trề. Nó lẩm bẩm sắp sẵn những lời sẽ nói với ba mẹ, với chị Lan, em Tiến. Nó sẽ hỏi đủ thứ chuyện bên ngoài, nó sẽ đòi mẹ mua cho gói kẹo chua, đòi ba mua cam ngọt như những lần nó nằm dưỡng bệnh ở nhà.
Nó hồi hộp lắng nghe tiếng động ngoài kia. Nó khắc khoải chờ mong những bước chân rộn rịp bước vào phòng nó. Nó sung sướng nghĩ đến lúc mẹ ôm chầm lấy nó còn ba thì nhìn nó mỉm cười.
Nhưng rồi cũng như ngày hôm trước, vẫn những người tấp nập vào phòng, vẫn tiếng hỏi thăm tíu tít của người bên cạnh và nó vẫn mỏi mắt chờ đợi người thân của nó.
Ngày lại qua ngày; cũng những buổi sáng hi vọng tràn vào với ánh sáng ban mai, những buổi chiều hồi hộp và những tiếng chuông reo trong tiếng khóc nghẹn ngào.
Vết thương ở bụng dần dần lành miệng. Hơn mười ngày tĩnh dưỡng, nó đã đi lại được trong phòng. Nó đã có thể bước ra vịn vào thành cửa sổ nhìn cuộc đời nhộn nhịp bên ngoài. Tiếng súng từ nhiều ngày qua không còn vọng lại nữa. Tiếng xe cộ ngoài phố ngày một rõ hơn. Nó cũng thường bước ra hành lang để trông ngóng, nhưng đây đó chỉ có những bệnh nhân rên rỉ trên những chiếc băng ca san sát.
Đã mấy lần người ta hỏi địa chỉ và tên ba mẹ, nó đã nói rõ cho họ rồi và chờ mong họ cho nó biết một điều gì đó, nhưng sự im lặng cứ kéo dài mỗi ngày làm cho nó đau đớn hơn thôi. Có lần, nó hỏi thẳng bác sĩ và cô y tá về ba mẹ nó thì người ta chỉ lặng lẽ lắc đầu. Họ cũng cho nó vài câu an ủi ngọt ngào nhưng điều đó chỉ làm cho nó buồn khổ thêm.
Đêm nay, nó thức giấc giữa khuya và không làm sao ngủ lại được. Đèn trong phòng sáng choang. Mấy cánh cửa đóng im ỉm nhưng nó biết bên ngoài còn tối vì chưa có tiếng xe cộ vọng vào. Có tiếng rên khe khẽ ngoài hành lang. Nhớ đến ba mẹ chị em, nó lại nằm khóc rưng rức. Hồi lâu, nó ngóc đầu nhìn ra cửa, ánh mắt sáng lên, miệng lẩm bẩm:
– Mai trốn về tìm ba mẹ, chị Lan, em Tiến. Có lẽ gia đình không biết mình đang nằm ở nhà thương nầy.
Ý nghĩ càng lúc càng mãnh liệt. Nó nằm trở lại, không khóc nữa mà mong trời mau sáng. Dự định trốn nhà thương để tìm gặp gia đình làm cho tấm lòng trẻ thơ của nó trở nên phơi phới nên ngủ thiếp đi.
Khi nó thức dậy, trời đã bắt đầu sáng rõ. Tiếng xe cộ ngoài phố vọng vào thúc giục nó bước vội xuống giường, rón rén ra khỏi cửa. Nó nhìn trước, nhìn sau sợ có người bắt gặp. Trên suốt dãy hành lang, không có ai ngoài những bệnh nhân phần nhiều đang ngon giấc. Mãi ở dãy phòng xa có một bóng áo trắng đi qua. Nó cúi mặt bước nhanh về phía cổng. Bác gác cổng ngồi ngủ gà ngủ gật. Nó nhẹ nhàng kéo cánh cửa nhỏ và lách ra ngoài.
Bầu trời trải rộng thênh thang trước mặt, gió sớm phe phẩy trên làn da của nó.
Còn sớm nên xe cộ lưa thưa trên đường phố. Trước mặt nó, ngôi chợ đồ sộ trông quen thuộc. Phố xá hai bên giúp nó nhớ lại đã nhiều lần đến đây. Đúng vậy, nó đã nhiều lần qua đây khi ngồi trên xe ba nó. Bây giờ, nó đứng đây một mình, cảm thấy cái gì cũng trở nên to lớn mênh mông.
Nó rảo chân băng qua đường mà không dám quay đầu nhìn lại cái nơi đã nuôi sống nó mười mấy ngày rồi. Nó định được hướng về nhà không mấy khó khăn. Nó cúi đầu bước nhanh, không dám nhìn tận mặt người đi đường. Nó mường tượng sau lưng nó có người đuổi tới để bắt nó trở lại nhà thương. Nó muốn chạy nhưng chân nó run run, nhiều khi muốn sụm bên vệ đường. Hơi thở nó dồn dập; nó cảm thấy mệt nhọc hơn cả sau một buổi chạy nhảy trong sân trường.
Qua một khúc quanh, nó dừng lại rồi ngồi bệt xuống bậc thềm của một cửa hàng còn đóng kín. Nó mệt nhọc dựa đầu vào cửa sắt, chân mỏi nhừ mà lòng vui sướng vì viễn cảnh tốt đẹp. Vài phút nữa thôi, chỉ vài phút nữa thôi nó sẽ về đến căn nhà thân yêu của nó. Mười mấy ngày rồi chắc ba mẹ chạy cuống cuồng tìm nó. Chị Lan có lẽ đã khóc sưng cả mắt rồi. Nó sẽ nhảy xổ vào lòng chị, nó sẽ trườn sang gục đầu vào ngực mẹ rồi nhảy lên hót vào cổ của ba. Em Tiến chắc sẽ đứng ngẩn ngơ ra nhìn nó. Mấy hôm rồi, nó nằm bệnh viện chắc em buồn lắm vì không có người để chơi.
Nó ngồi yên tưởng tượng, đôi mắt sáng long lanh; nụ cười mười mấy ngày rồi biến mất, nay nở lại trên môi.
Một tiếng két khô khan làm nó giật mình. Cánh cửa sắt sau lưng bị kéo mạnh. Nó chưa kịp đứng dậy thì một cái mặt thiệt bự ló ra nhìn nó một cách ngạc nhiên. Nó nghe từ cái mặt bự đó một giọng nói ồ ề:
– Ê nhỏ, làm gì ngồi đây, tính ăn cắp hả?
Nó hoảng hốt, quên cả mệt, đứng dậy bước nhanh. Nó tiếp tục nghĩ đến gia đình nên không còn để ý đến đôi chân yếu đuối nữa.
Nắng sớm đã bắt đầu nhuộm vàng những ngọn cây bên đường. Nắng chiếu vào những vách tường cao, rải rác có nhiều chỗ lủng vì vết đạn. Nhiều mái ngói loang lổ những chỗ vỡ. Nó không để ý đến những chi tiết đó, vì nó nghĩ đến hạnh phúc mà nó sắp tìm được. Nó lại muốn chạy nhanh trên những con đường quen thuộc dẫn về nhà.
Càng đến gần nhà, dấu vết chiến tranh càng rõ ràng hơn, nó đã bắt đầu nhìn thấy rõ ràng, tim nó bỗng nhiên đập dồn dập, ở cổ có cái gì đó vướng vào nghèn nghẹn. Kia rồi, bức tường của cái đồn lính sập xuống một khoảng to, vôi tróc ra từng mảng, gạch ló ra lỗ chỗ, cục đỏ cục đen. Đây rồi, con đường dẫn vào nhà nó phủ gạch đá ngổn ngang. Mấy căn phố đầu ngõ còn đứng sừng sững nhưng sứt mẻ, loang lổ vết đạn. Mấy khung cửa gỗ, cái bị phá toang, cái còn đóng im ỉm nhưng mặt bị chém nát, trơ lỗ thủng đen thui giữa những xơ gỗ mọc tua tủa chung quanh.
Nó đứng ngẩn ngơ ở đầu ngõ nhìn vào trong xóm. Một vùng hoang tàn rộng lớn ngổn ngang những đống ngói vụn, những bức tường nám đen. Nhiều nơi, gạch ngói đã được thu dọn thành đống gọn gàng, những tấm tôn cong queo đã được chồng chất trên mặt đất loang lổ.
Nó nhìn xuống chân nó và cố gắng nhận diện con đường mà mỗi ngày đi học nó bước lên. Lần lần, nó nhớ lại nơi nầy nó đã chứng kiến những giờ phút kinh hoàng. Chính nơi nầy nó nhìn thấy nhà nó bốc cháy. Em Tiến la lên, vụt chạy, nó đuổi theo và bị hất tung lên trời.
Trong cổ nó bật lên tiếng rên khe khẽ:
– Ba ơi, mẹ ơi!
Đôi chân nó tự nhiên bước tới, đưa cái xác không hồn của nó vào ngõ hẹp. Không biết cái gì đã xui nó tìm ra được cái nền của căn phố mà ba mẹ nó đã mua được sau năm năm trời dành dụm. Nó không hình dung được cái gì cả trong đống đen thui lù lù trước mặt.
– Cái bàn đâu rồi, cái tủ đâu rồi? Ba đâu rồi, mẹ đâu rồi? Chị Lan, em Tiến…
Mắt nó mở tròn xoe, miệng láp nháp như một thằng điên. Lâu lắm nó mới quay đầu nhìn sang bên cạnh. Trên nền nhà bà Sáu, có cái chòi nho nhỏ do mấy miếng tôn chụm lại, trông giống như cái chòi của mọi da đỏ trong mấy cuốn truyện mà nó đọc trước đây.
Giữa kẽ hở của hai miếng tôn, một cái đầu bù xù ló ra nhìn nó. Rồi cả một thân người ăn mặc đen thui chui ra, tiến về phía nó. Nó nhận ra là bà Sáu nhưng nó vẫn đứng yên như khúc gỗ bị trồng cứng vào đất. Bà Sáu nheo mắt nhìn nó một chốc rồi nhảy lại ôm chầm lấy nó. Chân nó sụm xuống dưới sức nặng của bà. Nó ngồi bệt xuống nền xi măng và thoáng nhớ xưa kia là bệ cửa ra vào.
Nó cảm thấy đầu và vai bị níu chặt, sát bên tai có tiếng khóc ồ ồ. Giọng khóc của bà Sáu nghe khác giọng của bà trước kia. Bây giờ, cái giọng khàn khàn nên tiếng khóc nghe như tiếng rống. Xen trong tiếng rống đó, nó mơ hồ nghe bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
– Thằng Thắng đây mà, trời ơi là trời. Ba má cháu, con Lan chết rồi. Bác trai với thằng Hai của bác cũng bỏ bác đi luôn. Trời đất ơi, sao không đem tôi đi theo họ hả trời?
Nó đã ngồi dậy ngay ngắn. Nó nhìn bà sửng sốt không hiểu bà nói gì. Bà phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần nó mới bắt đầu hiểu lờ mờ. Mắt nó vẫn ráo hoảnh. Nó cứ tưởng bà kể chuyện của người nào khác.
Bỗng nhiên nó mở miệng hỏi bà:
– Em Tiến đi chơi đâu?
– Bác không thấy xác nó đâu hết. Chắc họ đem nó đi chôn chỗ khác rồi.
– Đi chơi sao chôn?
Bà không trả lời, nằm lăn ra khóc ồ ồ. Khóc đã, bà đứng dậy kéo áo lau mắt rồi chui vào chòi nằm nhẹp luôn trong đó.
Nó đứng dậy dòm quanh dòm quất. Rải rác đây đó vài người đang lum khum cào hốt. Ngoài đầu ngõ, một người đàn ông bước ra khỏi căn nhà lủng lỗ chỗ. Ông chăm chú nhìn nó miệng lẩm bẩm:
– Đứa nào in như là con thầy Đạt, Tội nghiệp chưa!
Ông bước nhanh lại, cầm tay nó lôi đi. Nó nhận ra bác Tám Bình. Nó nói khe khẽ:
– Thưa bác.
Nó bị lôi tuột vào nhà rồi bị đặt ngồi trên ghế. Bác gọi vọng xuống bếp:
– Mình ơi, con thầy Đạt về đây nè.
Một người đàn bà te te phóng lên, vừa chạy vừa hỏi tíu tít, không đợi người khác trả lời. Bà nhảy xổ lại vuốt đầu, vuốt vai nó, hỏi vội vàng:
– Cháu đi đâu hổm rày?
Bà nhắc lại lần thứ hai nó mới đáp:
– Cháu nằm nhà thương.
– Tội không. Ba má cháu chết rồi, cháu biết chưa?
Nó lắc đầu. Bà lại nói:
– Tội nghiệp chưa.
Bà tiếp tục nói, giọng kể lể, trôi chảy như học thuộc lòng:
– Tối bữa đó, hai bác vừa chạy vô nhà thì đạn trái phá, hay hỏa tiễn gì đó không biết, rớt trúng vô giữa đám đông. Bác bất tỉnh nhơn sự, tưởng chết luôn rồi chớ. Bác trai thì không hề gì. Đợi im tiếng súng, ông ló ra nhìn thì thấy người nằm la liệt. Nhiều người bò, nhiều người nằm rên, nhiều người nằm yên. Sáu giờ sáng, bên kia họ rút đi hết. Xe hồng thập tự lại chở mấy người bị thương đi, còn để mấy người chết lại đó. Bác trai mầy thiệt gan. Ổng quơ tất cả chiếu trong nhà ra đắp mấy người chết rồi vô kéo bác chạy ra đường. Bác nhắm mắt chạy chớ có dám dòm đâu. Ổng nói thấy rõ có mười hai người chết, trong đó có ba má cháu nè, chị Lan cháu nè, ông Sáu Thị nè… Ối ối!
Nó nghe giọng nói bà xa dần, bóng đen ập vào mắt nó. Văng vẳng có tiếng bác Tám Bình la vợ và có tiếng la trời. Nó mơ mơ màng màng một lúc rồi cảm thấy mát lạnh trên mặt. Nó mở mắt ra thì thấy bác Tám Bình lum khum lau mặt nó bằng khăn ướt. Hơi mát làm cho nó dễ chịu.
Thấy nó tỉnh dậy, bác mừng rỡ. Bác ấn nhẹ vào vai nó, giọng ôn tồn:
– Cháu nằm nghỉ cho khỏe. Để bác đi kiếm y tá lại chích cho một mũi thuốc khỏe.
Ông nói to xuống bếp:
– Nó dậy rồi mình nè. Cho nó ly sữa nóng đi mình.
Tiếng dạ dưới bếp vọng lên chưa dứt thì bác đã ra khỏi cửa.
Một lúc sau, bác gái mang ly sữa nóng đặt trên bàn, giọng nhỏ nhẹ:
– Cháu nằm nghỉ, đợi một lát sữa nguội thì uống. Bác chạy ra mua miếng thịt về nấu cháo, lát khỏe cháu ăn.
Bà nói xong vào buồng quơ vội chiếc nón lá rồi tất tả ra đường.
Nhìn căn nhà trống trơn đầy vết đạn, nó bỗng lạnh người. Nó vùng dậy, khệnh khạng bước ra cửa. Nó đi ngược vào hẻm, băng qua xóm trơ trụi đen thui.
Từng cơn gió thổi tung bụi mù mịt, cuốn cả vào tai vào mặt nó. Mặt trời lên cao, ánh nắng đã bắt đầu thiêu đốt trần gian.
Nó chậm rãi bước đi như một cái máy. Hết xóm hoang tàn thì đến một con đường. Băng qua con đường lại vào một ngõ hẻm dẫn vào xóm khác. Cứ thế, nó lầm lũi đi. Nhiều khi mệt quá, nó ngồi xuống dưới một mái hiên hay một gốc cây để tránh nắng. Sau một hồi thở dốc, nó lại đứng dậy bước đi. Những con đường hình như mỗi lúc một thêm xa lạ. Tuy nhiên, nó không để ý đến điều đó. Nó đang bận nghĩ đến gia đình.
Ba mẹ thì chắc chết rồi. Chị Lan cũng chết rồi. Nó hiểu rằng chết là đi luôn. Ba không còn trở về chở nó đi chơi mỗi buổi chiều tan sở. Mẹ không còn bao giờ về may áo cho nó mặc, nấu cơm cho nó ăn. Chị Lan không bao giờ còn trở lại để đêm đêm chỉ nó làm bài. Họ đi rồi, đi mất vĩnh viễn rồi. Thôi, nó không còn được trông thấy những người thân yêu quay quần dưới ánh đèn điện sáng choang. Bây giờ thân nó trơ trọi một mình, chung quanh toàn là người xa lạ.
Nó định bụng trở về nhà thương để sống với những người suốt ngày đêm rên rỉ. Bốn bức tường vàng nhợt nhạt của phòng bệnh sẽ thay cho căn nhà thân yêu đã cháy. Nó lại sẽ chống tay trên bệ cửa sổ để ngắm bầu trời của những người lành mạnh ngoài kia. Mỗi buổi chiều, họ sẽ rộn rịp bước vào mang theo những lời han hỏi trong những tiếng cười. Nó sẽ thôi nhìn ra cửa để mong chờ, vì ba, mẹ, chị Lan chết rồi không bao giờ đến nữa.
Còn em Tiến? Nó nhớ bà Sáu bảo em cũng chết rồi nhưng không tìm được xác. Ngay cả bác Tám Bình cũng không thấy em đâu cả.
Không, em chua chết đâu. Em chạy nhanh lắm mà, làm sao chết được. Nó phải đi tìm em nó. Mấy hôm nay vắng nó, chắc em buồn lắm. Nó phải đi tìm em nó. Nhất định nó phải đi tìm cho được em nó.
Thế là nó cứ thẳng đường trước mặt đi tìm. Đôi khi nó cũng quẹo sang phải hay trái không một tí do dự như đang đi trên những con đường thân thuộc. Mặt trời đã đứng đỉnh đầu. Cái nắng của mùa xuân miền nhiệt đới như những ngọn lửa đỏ táp vào da thịt. Mặt nó mồ hôi nhễ nhại. Mồ hôi quyện bụi đường cùng tro bụi, trét lên mặt nó một lớp xam xám bóng lưỡng. Đôi má nó cóp vào sau những ngày điều trị vết thương. Tuy nhiên đôi mắt nó vẫn giữ được nét thông minh của đứa học trò giỏi. Đôi mắt lúc nào cũng mở to thao láo, nhìn chăm mọi vật trên đường, chẳng biết nhìn để làm gì.
Người đi đường qua lại nhiều kế bên nhưng có lẽ không ai để ý đến đứa bé lâm vào hoàn cảnh con chim lạc đàn, trong cái buổi mà chiến tranh vừa mới quét qua như cơn lốc bạo tàn. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe thắng gấp lại để nhường lối nó đi. Những người lái xe cầu nhầu hoặc nhấn kèn inh ỏi rồi vụt phóng chạy đi ngay.
Ánh nắng dần dần trở nên chênh chếch. Nó vẫn bước đi mà bụng càng lúc càng cồn cào. Môi nó khô như sắp nứt nẻ. Nó thèm một thức ăn lỏng cho vào miệng. Nó không biết làm sao để có thức ăn đó. Nhưng bây giờ phải tìm em nó trước vì em đang mong đợi nó. Rồi nó sẽ tìm thức ăn, rồi chia hai, nó sẽ dành phần lớn hơn cho em.
Nó muốn đi tới thực nhanh, nhưng vì sao tim nó lại đập dữ dội, đầu nó choáng váng, chân nó run như hai cây sậy trước gió. Nó phải dừng lại vì cảm thấy mệt quá chừng. Trời đang nắng chang chang bỗng sập tối lại. Nó lảo đảo bước sang một bên cho khỏi ngã. Bỗng nó thấy ngay trước mặt cái thềm nhà nó. Cánh cửa màu xanh lục của nhà nó hé mở. Cánh cửa đột nhiên xoay tròn. Nó vội bước nhanh vào nhà nhưng chân nó vấp vào bậc thềm và sụm xuống. Nó chụp vào cánh cửa nhưng tay nó không bám được vào, đầu nó đánh binh xuống đất. Nó định gọi to cho mẹ ra ẵm nó vào. Mà sao nó không kêu to được. Môi nó mấp máy, trong hơi thở khó khăn, giọng nó thều thào nghe nhỏ xíu và xa xăm:
– Mẹ, mẹ ơi, ẵm con lên.
Có tiếng la ồn ào và nhiều tiếng chân chạy lại. Có hai bàn tay luồn dưới lưng nó và nâng bổng nó lên, đặt trên một mặt gỗ cứng láng ô. Nó tiếp tục mơ màng nhận ra được nhiều tiếng nói ồn ào bên tai, tựa như những khi đầu óc nó chập chờn đi vào giấc ngủ. Ngực nó nặng như có người đè lên đó, tuy nhiên nó cảm thấy dễ chịu dần dần trong thế nằm sải tay chân.
Những tiếng nói càng lúc càng rõ ràng hơn. Nó bắt đầu hiểu lõm bõm lời qua tiếng lại. Không có giọng đàn ông, chỉ có tiếng đàn bà con nít. Những giọng nói lạ hoắc, không phải giọng của mẹ, của chị Lan. Thôi phải rồi, mẹ và chị Lan chết rồi, còn đâu nữa mà ẵm nó. Nhà nầy của ai chứ đâu phải nhà của nó. Nhà nó cháy rồi, bây giờ chỉ còn cái nền trơ trụi với đống gạch ngói đen thui. Nó không dám mở mắt ra, sợ gặp người lạ. Nó không biết họ hiền hay dữ. Dù hiền hay dữ thì bây giờ nó cũng chẳng muốn gặp họ chút nào.
Có bàn tay vén áo nó lên xoa bóp, da nó nóng bừng lên một cách dễ chịu, mũi nó ngửi được mùi dầu nồng nực. Có bàn tay đập vào vai nó, có bàn tay giựt tóc nó. Nó nghe một giọng đàn bà thực to sát bên tai.
– Bé ơi bé. Ba hồn chín vía con về đây ăn cơm ăn cá. Bé ơi bé, dậy đi con.
Giọng nói nhỏ lại vả kéo dài:
– Khổ chưa, con cái nhà ai thời buổi nầy mà đi lạc vậy nè.
Nó định nhắm mắt nằm yên mặc cho ai đó kêu gào. Nhưng bụng nó trở lại cồn cào. Thỉnh thoảng bụng lại quặn thắt đau. Mồ hôi tươm ra trên trán.
Nó vụt mở mắt ra, hơi khó chịu vì ánh sáng chói lòa. Nó nhìn thấy một bà có lẽ già hơn mẹ một ít, mập hơn và da đen hơn. Kế bên bà là một em gái nhỏ bằng em Tiến. Sau lưng bà, một anh lớn cỡ chị Lan.
Thấy nó mở mắt cả ba người đều mừng rỡ. Nó nhìn họ, giọng thều thào:
– Con đói, đói bụng.
Bà vội đứng dậy, bước nhanh vào trong. Đứa con gái lẽo đẽo theo sau. Anh con trai bước lại gần nó hỏi:
– Em ở đâu? Ba má em là ai?
Nó mấp máy môi muốn trả lời nhưng nói không ra tiếng. Ngực nó yếu xìu còn cổ họng thì khô quéo lại. Thấy thế, anh con trai im lặng không hỏi nữa.
Người đàn bà từ phía trong tất tả đi ra, tay cầm ly sữa ấm. Bà múc sữa đổ vào miệng nó từng muỗn nhỏ. Dòng sữa ngọt ngào chảy qua cuống họng, xuống mơn man chiếc dạ dày lép xẹp của nó.
Anh con trai dùng khăn ướt lau tay, lau mặt cho nó. Làn da xanh xao rám nắng hiện rõ trên khuôn mặt sáng láng của nó.
Người đàn bà nhìn mặt nó đăm đăm rồi nhỏ nhẹ hỏi nó:
– Em ở đâu mà đi lạc tới đây?
Nó trả lời, giọng đứt quảng:
– Nhà con cháy rồi, con đi tìm em con.
– Ba má em đâu?
– Dạ chết rồi, chị Lan cũng chết rồi.
Bà sửng sốt vì xúc động:
– Chết rồi sao? Tội nghiệp dữ hôn. Mà chết lâu chưa?
Nó thấy nghẹn ở cổ. Nó nuốt nước bọt, chớp nhanh mí mắt nhiều lần. Nó cố gắng nói câu trả lời:
– Chết bữa tết.
Không dằn được nữa, nó khóc òa. Nó khóc mùi mẫn, khóc say sưa như từ lâu chưa hề được khóc. Nước mắt của người đàn bà cũng chảy dài xuống má. Hai đứa con đứng nhìn một cách sững sờ.
Nước mắt làm nó nguôi ngoai dần dần. Gần suốt buổi chiều hôm đó, nó kể chuyện cho mọi người nghe. Nhiều lần người đàn bà lấy khăn lau nước mắt. Hai đứa trẻ mỗi lúc một xích lại gần nó hơn. Khi nó ngưng câu chuyện, bàn tay nó đã nằm gọn trong tay người con trai, không biết tự bao giờ.

*


danh giay Từ đó nó ở luôn trong nhà nầy. Nó vâng lời kêu người đàn bà bằng dì Tư, người con trai bằng anh Mận và đứa con gái bằng em Hường. Kể cả nó, gia đình bây giờ gồm bốn người.
Bốn người sống một căn phố lợp lá dừa, vách bằng ván cũ kỹ, lớp sơn xanh sẫm chỗ tróc, chỗ mòn trơ ra lớp gỗ mốc xì. Nhà chia làm hai gian nhỏ và một bếp hẹp phía sau. Vách bếp có một cửa nhỏ thông ra một con rạch quanh năm nước đen ngòm hôi hám.
Buổi sang, dì Tư gánh xôi ra chợ bán, em Hường lò tò theo sau. Anh Mận xách thùng đánh giày đi sau dì vài phút. Mấy hôm đầu, ở nhà một mình nó buồn quá. Nó nằm nhớ ba mẹ, chị em, khóc rấm rức. Khóc đã, nó ra ngồi trên bệ cửa nhìn người qua lại, hoặc ra sau cửa bếp nhìn dòng nước đen mang theo từng mảng rác rến trôi lờ đờ trên mặt nước.
Buổi chiều thì đỡ buồn hơn. Dì Tư và em Hường ở nhà, chỉ có anh Mận xách thùng ra đi lúc bốn giờ chiều và trở về sau tám giờ đêm. Cả nhà đều tỏ vẻ thương nó. Dì Tư đi chợ về thường cho nó trái ổi hay vài cây kẹo. Anh Mận thường đem về, khi thì lon nước ngọt, khi thì vài hòn bi chai. Em Hường cũng rất thảo ăn với nó. Món gì em cũng chia hai, dành cho nó phần lớn hơn.
Một buổi tối, dì Tư may một miếng vải đen bằng ngón tay và cặm cụi khâu vào ngực áo nó. Nó ngạc nhiên, đợi dì khâu xong mới hỏi:
– Đeo cái nầy làm chi vậy dì?
Dì vuốt đầu nó, giọng buồn buồn:
– Con cái có hiếu phải để tang cha mẹ.
Nó nhìn dì, mắt rưng rưng. Từ đó, đêm đêm, nhớ cha mẹ nó khóc và nâng miếng vải đen lên hôn. Ban ngày, một mình tựa cửa, nó thường áp bàn tay vào ngực, đè mạnh miếng vải đen sát vào làn da của nó.
Một buổi chiều, nó xuống bếp, đứng sau lưng dì một lúc rồi ngập ngừng lên tiếng:
– Dì Tư.
Dì quay lại thấy vẻ mặt non choẹt của nó thực nghiêm trang nên hỏi:
– Gì đó con?
Nó ngập ngừng:
– Dì cho con… Dì may cho con thêm một miếng vải để tang nữa.
Dì ngạc nhiên:
– Chi vậy con?
– Con để tang cho chị Lan.
Giọng nó lạc hẳn đi. Nó nhìn dì với vẻ van xin, hai dòng nước mắt ứa ra khỏi khóe.
Dì cười mà nước mắt lưng tròng:
– Để tang cho chị Lan chung với ba má con trong đó luôn. Một miếng đủ rồi.
Nó yên lòng. Từ ngày đó, mỗi khi nhớ đến chị Lan dạy nó học, nhớ chị cúi lượm cái cặp của nó lúc đi học về, nó đều nâng miếng vải lên hôn.
Những ngày như thế kéo dài thực êm đềm. Da nó dần dần trở lại hồng hào. Hàng xóm đã được nghe tiếng cười dòn của nó trong những chiều oi ả, đã được nhìn thấy nó bày trò chơi với em Hường dưới ánh sáng vàng vọt về đêm của chiếc đèn dầu hỏa.
Buổi sáng, nó vẫn đứng tựa cửa, mắt không còn ngẩn ngơ như lúc mới đến mà nhìn ngược, nhìn xuôi để đợi bóng dì và em Hường xuất hiện ở đầu hẻm. Ban đêm, nó ngồi chơi với em Hường, mắt thỉnh thoảng trông ra cửa đợi anh Mận bước vào. Anh Mận hay cho nó quà. Anh lại kể chuyện rất hay. Suốt ngày anh la cà ở các quán hay trong các công viên thành phố nên anh có lắm chuyện để kể cho nó và em Hường nghe. Nó thèm muốn được như anh.
Một hôm, nó đánh bạo nói với dì Tư:
– Dì Tư, mai cho con đi theo anh Mận nghe dì Tư.
Dì cười, và nó không ngờ dì chấp thuận một cách nhanh chóng. Nó mừng rơn, nhảy tưng tưng, như trước kia mỗi khi được mẹ bảo thay áo quần đi xem hát. Đêm đó, nó không ngủ được thẳng giấc. Nó mở mắt tỉnh táo lúc trời còn khuya. Anh Mận nằm co người, quay lưng về phía nó, ngáy đều đều.
Lâu lắm mới có tiếng xe bò lọc cọc trên đường khá xa. Nó nằm lắng nghe thành phố trở mình thức dậy từ từ. Nó tưởng tượng đến bao chuyện thích thú ngoài kia trong chuyến đi đầu tiên của nó vào sáng nay. Nó sẽ nhìn thấy nhiều người, nhìn thấy lại phố xá, cùng những con đường mà ba nó đã chở hai anh em đi qua trước đây. Nó sẽ trở lại thăm cái nhà thương đã cứu sống nó. Nó cũng sẽ trở lại thăm…
Tim nó bỗng nhói đau khi nghĩ đến xóm cũ của những ngày hạnh phúc. Con đường hẻm thân yêu nằm giữa hai dãy nhà san sát. Căn phố nhỏ bé nhưng sạch sẽ tươi mát, một động tiên của nó trong thời xa xăm.
– Ba mẹ ơi, chị Lan, em Tiến ơi!
Nó gọi lầm thầm trong miệng nhiều lần. Mỗi tiếng kêu như một mũi kim nhọn cắm vào tim nó. Em Tiến nhất định còn sống trong thành phố. Em sống ở đâu? Em có về nhà không? Chắc chắn là không. Nhà còn đâu nữa mà về. Người ta chứ không phải là con giun con dế mà có thể chui nằm dưới đống gạch ngói vụn đen thui kia.
Anh Mận sẽ dẫn nó đi thực nhiều nơi như anh đã kể. Nó sẽ nhìn vào từng căn phố để tìm em nó. Nó sẽ nhìn vào mặt từng đứa học trò, nó sẽ leo vào mỗi chiếc xe hơi, nó sẽ không bỏ sót bất cứ gốc cây nào bên vệ đường…
– Em Tiến ơi, em ở đâu, anh đi tìm em, em ơi!
Nó tiếp tục rên rỉ lầm thầm lúc đêm đã tàn.
Trong buồng, có tiếng diêm quẹt rồi ánh sáng bừng lên. Dì Tư lê dép lẹp xẹp xuống bếp sửa soạn gánh xôi. Xôi dì đã nấu tự đầu hôm, bây giờ hâm nóng lại rồi đem đi bán.
Anh Mận trở mình rồi từ từ ngồi dậy. Nó bật dậy theo. Ánh sáng nhợt nhạt buổi sớm mai đã chui vào khe ván hở. Nó nhanh nhẹn rửa mắt, ăn xôi rồi hối thúc anh Mận ra đi. Dì Tư cho nó năm mươi đồng. Dì căn dặn anh Mận nhiều lần, bảo phải coi chừng nó. Nó tức cười dì vì nó cảm thấy mình lớn hơn là dì tưởng. Nhưng nó không giận dì mà thấy thương dì hơn.
Bị nó hối quá, hôm nay anh Mận phá lệ ra đi trước dì và em Hường. Khi hai anh em ra đến đường, dì còn nói vói theo:
– Nhớ đi cẩn thận kẻo xe cộ nghe không. Đi gần anh kẻo bị lạc nghe Thắng. Dòm chừng em nghe Mận. Nhớ về sớm ăn cơm nghe.
Anh Mận không trả lời dì mà cầu nhầu:
– Giờ nầy ai đã đi chơi đâu mà đánh giày.
Nghe anh cầu nhầu, nó góp ý:
– Mình đánh giày cho mấy người đi làm đó anh.
Mận phì cười:
– Họ đi đến sở nhanh như bị ma đuổi. Chận họ lại xin đánh giày, họ đá cho lộn mèo.
Nó cũng cười theo lời anh. Lần đầu tiên, nó cảm thấy mình thật là gà mờ. Đi bên nó, anh Mận có vẻ là người lớn lắm dù nó biết rõ anh chỉ hơn nó có ba tuổi, nghĩa là mới mười ba thôi.
Tướng anh trông bậm trợn. Tay chân to, da ngâm đen, đầu tóc hớt rất ngắn gần như trọc.
Anh mặc áo vải xanh nhà binh, quần xà lỏn đen bạc màu. Cái thùng đựng dụng cụ đánh giày làm bằng gỗ lên nước bóng đen, nhìn thấy màu thùng là đủ nể rồi. Nó chứng minh sự thâm niên trong nghề của anh. Bọn trẻ cùng nghề thích và nể anh, kể cả những thằng lớn hơn anh vài tuổi. Tướng anh thô kệch nhưng tính lại hiền lành và hay nhường nhịn. Đi gần anh, nó cảm thấy được che chở.
Thực ra, bước ra đường, nó cảm thấy khó chịu chứ không được vui sướng như lúc còn ở nhà. Xưa kia, khi đi học, mẹ luôn mặc áo quần đẹp cho nó, chân lại được mang đôi dép da vàng. Bây giờ, trên mình nó khoác chiếc áo xanh bạc màu, rộng thùng thình của anh Mận. Đôi bàn chân trần của nó giẫm trên cát bụi của lề đường. Bọn học trò quần xanh áo trắng tinh lũ lượt đến trường. Nhìn chúng, nó thấy tủi thân.
Được một điều là trẻ con chóng quen với mọi nếp sống. Nó dần dần lấy lại được sự vui vẻ hồn nhiên. Nó theo anh trên những con đường dài hun hút, dừng chân khi anh bước vào quán nước, ngớ ngẩn đứng chờ khi anh lui cui chà bóng đôi giày của một du khách nhàn hạ trên ghế công viên. Nó thường chăm chỉ nhìn anh làm việc, đôi tay quen nghề của anh thoăn thoắt làm cho nó nể phục anh hơn. Nó cảm thấy thích thú và một nỗi ước ao bắt đầu khe khẽ len vào lòng nó.
Một hai ngày đầu, được đi và được xem anh làm việc, nó quên bẵng việc đi tìm em Tiến. Tối về mệt mỏi, đặt lưng xuống ván, nó ngủ say sưa. Một đêm, trong giấc ngủ, nó nằm mơ thấy cùng em tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Tỉnh giấc ra, nó nghe lòng xót xa vô kể. Khuôn mặt phinh phính của em lại hiện ra rõ ràng trong đầu óc. Nó nhớ những lần cùng em chơi đùa. Nó thèm khát mãnh liệt được nắm lấy bàn tay mum múp của em, được nằm ôm em mà ngủ, được đặt bàn tay lên khối thịt thừa mềm mại trên lưng em. Nó khát khao được nhìn sâu vào đôi mắt xinh như hai hạt ngọc, được hôn vào đôi má phinh phính rồi nhìn cái miệng cười vô cùng xinh đẹp của em. Em Tiến ơi!
Tay nó chờn vờn như muốn níu em lại từ khoảng không gian sâu thẳm của đêm khuya. Không gian thì trống rỗng, nó thả rơi bàn tay xuống ngực, đè lên miếng băng tang..

*


Một ngày mới lại đến với khí trời se lạnh của buổi bình minh. Trong xóm ngoại ô nghèo nàn, những con người lam lũ lại ra đi, chui vào lòng đô thị để tìm cái sống hằng ngày.
Sáng nay, nó theo anh Mận với chủ đích hẳn hòi. Nó nhìn sâu vào những căn nhà hun hút, nó nghểnh cổ trông qua hàng rào của những biệt thự bên đường. Nó nhìn chăm vào những đứa trẻ đi học. Nó nhìn vòng quanh những gốc cây xù xì đen đủi. Càng lúc nó càng nhận ra sự khó khăn khi tìm một đứa em trong khối người đông như thác lũ, trong thành phố rộng như mặt đại dương. Tuy nhiên, nó luôn luôn xua đuổi sự chán nản và cố gắng nuôi cái hi vọng mỏng manh trong lòng. Tình thương em không lúc nào thôi đốt cháy tâm can nó. Ôi, tình huynh đệ của trẻ thơ!
Trong khi vẫn để tâm tìm kiếm, nó cũng không quên quan sát thực kỹ việc làm của anh Mận. Nó theo dõi cách mở thùng, lấy ra chiếc bàn chải, cái khăn nỉ, hộp xi–ra… Nó để ý cách nâng nhẹ nhàng bàn chân mang giày của khách đặt lên nắp thùng, cách chà sạch bụi, cách bôi xi–ra, cách đánh cho đôi giày trở nên bóng lưỡng.
Một hôm, trong buổi cơm trưa, nó buông đũa xuống, nhìn dì Tư và nói với giọng thực trịnh trọng:
– Dì Tư, con biết đánh giày như anh Mận rồi.
Dì cười, như đoán được ý nó:
– Con mới mười tuổi đánh giày sao được.
– Con đánh được mà, dì coi đây.
Nó nhảy phóc xuống ghế, moi dưới gầm đi–văng ra một chiếc giày cũ mà nó đã lén lượm trong một đống rác nào đó. Nó mở thùng anh Mận, lôi đồ nghề ra, hăng hái chà chà, chải chải, thoa thoa lia lịa. Cả nhà ngừng ăn, xem nó biểu diễn. Chiếc giày tệ quá, da nứt nẻ cả, nên nó chà một hồi, rất đúng cách mà mặt giày, đen thì có đen, nhưng vẫn xù xì như da cóc. Mồ hôi nó lấm tấm trên trán, nhìn cái công trình không thể hoàn tất như ý muốn, nó chán nản, muốn khóc.
Dì Tư rời ghế, âu yếm đến cầm tay nó, gỡ những món đồ nghề ra, dìu nó vào ghế. Nó cúi gầm mặt, đinh ninh cả nhà sẽ chế nhạo. Nhưng không, ai cũng cười vui vẻ như thường, đôi mắt em Hường vẫn long lanh nhìn nó, nửa thán phục, nửa thương yêu.
Anh Mận húp một miếng canh, co chân lên gãi sồn sột, quay sang nói với dì Tư:
– Nó đánh được đó má, tuy tay còn hơi yếu. Lại gặp chiếc giày vứt đi thì khó mà láng như giày đang mang được.
Nghe anh Mận nói, nó mừng rỡ, và cho rằng cuộc biểu diễn đã thành công. Nó ngửng mặt, quay sang dì, giọng ấp úng:
– Dì cho con đi tập đánh giày với anh Mận nghe dì.
Dì cười một cách hiền lành:
– Dì thương con còn nhỏ quá. Nhưng nếu muốn thì con cứ đi. Mận, ngày mai con sắm cho em một cái thùng như của con rồi cho nó đi theo để học việc.
Nó sung sướng vì một lần nữa, dì chấp thuận lời cầu xin của nó một cách dễ dàng. Từ hai tháng nay, dì chưa từ chối nó một điều gì cả. Nó thích dì ở điểm nầy lắm.
Sáng hôm sau, anh Mận dắt nó đi sớm đến nhà một thằng bạn đồng nghiệp xin cái thùng cũ vứt trong xó bếp. Anh xin đinh đóng thêm cho chắc rồi đi mua những dụng cụ mới toanh.
Những ngày kế tiếp, nó tập vào nghề với những ông khách ăn mặc không sang trọng mà anh Mận đoán là dễ tánh. Lần đầu, nó còn hơi luống cuống. Qua vài lần, công việc trở nên trôi chảy. Lúc đưa tay nhận món tiền đầu tiên do công sức mình làm ra, nó xúc động lắm. Nó đưa tiền cho anh Mận giữ nhưng anh lại nhét vào túi nó. Suốt ngày, nó nhẩm đi nhẩm lại số tiền kiếm được, bỗng dưng thấy mình lớn hẳn lên.
Về đến nhà, nó quăng thùng gỗ xuống chân bàn, phóng ngay vào bếp. Chẳng nói chẳng rằng, nó móc tiền nhét vội vào túi của dì Tư. Nó nhảy tưng tưng lên nhà trên, lôi con Hường ra cửa. Một lát hai đứa trở về, vừa đi vừa gặm cà rem.
Sau hai tháng tập tành với anh Mận, nó được anh cho đi riêng một mình. Dì Tư đã mua cho nó mấy cái áo ca–rô, vài cái quần cụt mới để thay đổi. Đầu nó lại thêm chiếc nón lưỡi trai, chân lẹp xẹp đôi dép Nhật. Đi lẫn vào đám học trò, trông nó không khác chi bọn chúng. Chỉ có da mặt nó sạm đen vì nắng và thay vì xách cặp, tay nó lủng lẳng chiếc thùng gỗ cũ mèm. Tóc nó hớt ngắn ngủn giống anh Mận chứ không còn chải rẽ như trước kia. Nhờ thế, gương mặt bầu bầu của nó càng hiện ra rõ rệt. Gương mặt thật đẹp và dễ thương, nhất là cặp mắt tròn và đen lay láy. Cặp mắt y như mắt của mẹ mà ngày xưa nó thường chiêm ngưỡng một cách thích thú khi tưởng tượng đôi mắt của mẹ giống như của những bà tiên trong các chuyện hoang đường.
Bây giờ mẹ đã thành tiên thực rồi. Bà “tiên mẹ” không đến với nó trong khoảng ban ngày có nhiều bụi bặm, mà thỉnh thoảng về với nó trong canh khuya vắng vẻ.
Nó cũng hình dung chị Lan là cô “tiên chị” với mái tóc đen huyền y như của chị Lan lúc còn sống. Có điều khác là hai bên hông cô “tiên chị” mọc ra hai cái cánh với những chiếc lông dài trắng phau, màu trắng của loài thiên nga cao cổ.
Còn ba thì sao? Nhất định ba phải trờ thành ông “tiên ba”. Nhưng hình dáng ông “tiên ba” thế nào, nó cố gắng nhưng không vẻ ra được một cách ổn thỏa trong trí tưởng tượng thơ ngây của nó. Ba không thể giống được mấy ông tiên trong các truyện cổ tích. Mấy ông nầy luôn luôn có râu dài bạc phơ, còn cằm ba thì bao giờ cũng cạo sạch bóng nhẵn nhụi. Cũng không có ông tiên nào ngậm ống vố. Mà nếu không có ống vố phì phèo thuốc là nơi miệng thì không làm sao là ba được.
Thế thì ba chẳng thành tiên hay sao? Không thể được. Trong cõi cao sang kia, quê hương mới của chị Lan và mẹ, ắt phải có ba trong đó. Như thế thì ba có thể là anh chàng đánh xe chở bà tiên đi dạo. Anh chàng nầy không cần thiết phải có râu dài. Ồ không được, vì nếu đúng vậy thì tội nghiệp cho ba lắm. Ba phải là ông “tiên ba” ngồi kế bên bà “tiên mẹ” chứ.
Nó chậc lưỡi hai cái liền. Phải chi trước đây, ba có râu dài và đừng ngậm ống vố thì dễ sắp đặt biết bao.
Đầu óc nó thường loay hoay tổ chức thế giới thần tiên cho những người thân yêu của nó. Và đó là những giờ phút mà nó cảm thấy hạnh phúc nhất trong ngày.
Càng ngày, nó càng thấy vui vẻ hơn trong công việc. Tuy nhỏ mà nó kiếm tiền khá hơn nhiều đứa. Ít có người nào nỡ chối từ khi chạm phải cái nhìn thơ ngây và lời mời lễ phép của nó. Số tiền mà mỗi người khách cho nó cũng thường nhiều hơn những đứa khác.
Có một điều lạ là nếu ai theo dõi, ắt sẽ thấy không bao giờ nó trở lại cái xóm nghèo nàn để thăm lại cái thiên đường xưa kia của nó, mặc dầu bây giờ đường đi nước bước trong thành phố nó rành như nắm trong bàn tay. Nhiều khi nó cũng bị thúc đẩy trở lại thăm. Sự thúc đẩy mãnh liệt ghê gớm như một ma lực, nhưng hình ảnh đống gạch ngói vụn đen thui làm nó sợ hãi. Trong các chuyện cổ tích, không có gì kinh khiếp như đống gạch ngói nầy, kể cả những sản phẩm ghê gớm nhất của các bà phù thủy gian ác.
Thực ra bây giờ, cái đống đen thui đó không còn nữa. Nguyên cả cái thiên đường xưa kia của gia đình nó cũng không còn vết tích. Khu đất hoang tàn được ủi đi bằng phẳng. Máy móc, công nhân rộn rịp trên đó từ sáng đến chiều. Người ta đang xây cất một chúng cư.
Nó chưa biết được sự biến đổi đó, cho nên ý muốn được trở về thăm chốn cũ luôn luôn vật lộn với nỗi sợ hãi lạ lùng trong lòng nó. Một lần, không hiểu vì vô tình hay vì bị thúc đẩy do sự ham muốn nằm trong tiềm thức, chân nó lần bước trên con đường dẫn về xóm cũ. Chợt nhìn thấy xa xa vọng gác cao lêu nghêu của đồn lính, nó vội dừng chân lại, nước mắt tuôn ra không làm sao ngăn lại được. Nó vội quay lui, đi nhanh như chạy trốn. Do đó, không bao giờ nó nhìn thấy cái chúng cư vĩ đại nhưng thô kệch ngự trị trên thiên đường nhỏ bé của một thời xa xăm.
Nó lẫn vào đám đông trở lại trung tâm thành phố. Nó làm việc siêng năng, chăm chỉ, kiếm từng đồng tiền mang về giao trọn cho dì Tư. Dạo nầy dì buôn bán có lời khá, hai bữa ăn hằng ngày luôn có thịt cá tươi.
Tiền của nó đưa về, dì bảo dì bỏ ống dành làm vốn cho nó sau nầy. Nó không hiểu làm vốn thì có lợi gì, nhưng hễ hôm nào làm được nhiều tiền, về nhà bụm trong hai bàn tay nhỏ bé, đưa cả cho dì là nó thấy vui trong bụng.
Dì thường ước mơ để dành cho đủ số tiền, sang một sạp vải ngoài chợ để cho ba đứa được đi học. Anh Mận sẽ đi học nghề còn nó và em Hường sẽ đi học chữ. Nghe dì nói thế, mỗi đêm khi chui vào mùng, nó lâm khâm khấn nguyện cha mẹ, chị Lan phò hộ cho dì. Xong, nó kéo miếng vải tang lên hôn rồi ngủ đến sáng.
Càng được hạnh phúc, nó càng nhớ đến em Tiến nhiều hơn. Mười mấy tháng rồi, nhiều đôi dép dưới chân nó đã mòn vì lê trên đường phố. Nó đã nhìn vào hàng nghìn căn nhà, đã quan sát mặt mũi những đứa bé đến hàng vạn lần. Thế mà em nó vẫn biền biệt nơi nào. Nó cũng mô tả hình dạng em nó để nhờ mấy thằng bạn cùng nghề tìm giùm.
Một hôm thằng Ký Sún nói với nó:
– Bữa hổm, về thăm bà con, tao có gặp một thằng nhỏ giống em mày ở Mỹ tho.
Giật nẩy mình, nó nắm lấy tay thằng Ký:
– Mày gặp em tao hồi nào, ở đâu?
– Không biết có phải chắc là em mày không, nhưng tao thấy rất giống cái đứa mà mày thường nói với tao. Tao gặp nó ở quán Thanh Thủy, trên bờ sông.
– Nó làm gì trong quán đó?
– Móc túi, bị bắt!
Nghe nói, máu nó dồn lên đầu làm cho mặt nó nóng bừng. Nó trừng mắt nhìn thằng bạn, tay nắm lại, định đấm vào mặt cái thằng đáng ghét. Nhưng rồi nó nhịn được, bản tính nó trước kia đã hiền lành, ngày nay còn hiền lành hơn nữa.
Tuy nhịn nhưng nó không thể tha thứ thằng khỉ nhỏ nầy được. Nó dám nói em Tiến móc túi thì nó quả là thằng mất dạy. Nó còn nhớ kỹ thầy cô nó, ba mẹ nó bảo rằng ăn cắp là một tội ghê gớm. Phạm tội đó thì không phải chỉ bị đánh đòn thôi đâu mà bị bắt trói lại, cho vào nhà giam tối om và ăn cơm với muối cục. Kẻ cắp là những đứa hết sức đốn mạt và đáng bị trừng trị như vậy.
Thế mà thằng Ký dám nói em nó ăn cắp. Bây giờ nó mới nhận ra tướng thằng đó trông thực là đểu cáng. Mặt thì loắt choắt, tay chân ốm tong như cây sậy; cái miệng, mỗi khi cười thì trình bày cho mọi người thấy hai cái lợi mất gần hết răng.
Thế mà không hiểu tại sao trước đây nó lại thích chơi với cái thằng sún răng đó. Bây giờ nó ghét cay, ghét đắng; thương sao được cái thằng bảo em nó móc túi bị bắt bỏ tù.
Từ đó nó không dám nhờ ai khác tìm giùm em. Nó làm công việc đó âm thầm, đơn độc với lòng kiên nhẫn vô biên. Nó thường thích la cà ở các trường tiểu học lúc sắp vào học và giờ tan trường. Trong bộ quần xanh áo trắng, nhiều đứa nom xa giống em nó. Có đứa có dáng đi sau lưng giống y thằng Tiến. Đến khi chạy đến nhìn mặt thì nó thất vọng ê chề.
Một hôm, đang lom khom đánh bóng đôi giày cho khách trong một tiệm “cắc chú” ở góc đường, nó nhác thấy một đứa đi te te về hướng bờ sông, tim nó bỗng đập rộn rã. Thằng bé không khác em nó chút nào, tuy có lớn hơn em nó đôi chút. Lớn hơn là phải vì đã trải qua mười mấy tháng rồi mà. Nó muốn chạy theo thằng bé nhưng khổ nỗi, đôi giày của khách mới đánh xong có một chiếc. Nó cầm miếng nỉ chà vội vàng chiếc còn lại, rồi giật cái thùng pha chạy ra cửa, không kịp lấy tiền của khách.
Thằng bé không thấy đâu nữa, chắc chưa đi xa. Nó rướn mình tới, phóng qua đường. Bỗng nó nghe tiếng hét hốt hoảng của ai đó. Lập tức nó bị tông té nhào. Một chiếc xe đạp cũng ngã xuống cạnh nó. Gã đàn ông lái xe chuồi xuống mặt đường nhưng đứng dậy được ngay. Nó cũng gượng dậy nghe đau buốt ở chân. Gã đàn ông dìu nó vào vệ đường. Người ta bu lại mỗi lúc một đông. Nó nắn nhẹ đầu gối bị đau, nhìn kỹ thấy chỉ xây xát nhẹ mà thôi. Nó biết vết thương chẳng hề gì.
Nó nghe người ta bàn tán, phê bình ỏm tỏi:
– Tại thằng nhỏ qua đường ẩu, không chịu nhìn trước nhìn sau.
– Nhưng xe thằng chả thắng không ăn mới gây tai nạn.
– Kêu lính lại làm ăng-kết rôi bắt bồi thường.
– Phải, trước hết bắt chả đem thằng nhỏ đi nhà thương rọi kiếng, chả phải chịu chi phí.
Nó đứng dậy, chẳng cần bồi thường, cũng chẳng cần phân xử phải quấy. Nó cần đi liền, chạy về hướng bờ sông. Thằng bé giống em nó vừa đi về phía đó, chắc chưa xa lắm đâu.
Nó bước tới, chân còn khá đau nhưng đi được. Đám đông rẽ ra. Nhiều người nói to vào tai nó, bảo ngồi yên để chờ xe chở đi nhà thương. Nói vậy nhưng không ai đưa tay ra cản. Nó qua đường trong khi đám đông dần dần giải tán.
Gã đàn ông dựng xe dậy, dắt xe đuổi theo. Đến bên nó, gã nói:
– Em có đau không, tôi chở em đi nhà thương nghe?
Nó quay lại lắc đầu:
– Không sao, con đi được, đầu gối chỉ trầy sơ thôi, không hề gì.
Gã tiếp tục năn nỉ:
– Tôi chở đi khám, tôi chịu tiền hết, em khỏi lo.
Nó lại lắc đầu, miệng cười thật tươi:
– Con hết đau rồi, ông về nhà đi.
Nói xong nó quày quả bước nhanh. Gã đàn ông dừng lại, ngẩn ngơ nhìn nó bước xa dần trong dáng đi cà nhắc.
Đường phố về chiều, xe cộ người đi nhộn nhịp. Nó đã ra đến bờ sông, ngơ ngác nhìn quanh nhìn quất. Mặt sông lấp lánh dưới ánh nắng nghiêng nghiêng. Vài chiếc xuồng đuôi tôm xình xịch chạy, rẽ mặt nước thành hình chữ V mỗi lúc một lan rộng ra. Nó nhìn quanh một lần nữa, cảm thấy thất vọng nên lững thững xách thùng về nhà sớm hơn mọi bữa.

*


Mới đó mà gần tròn hai năm rồi kể từ khi nó mất gia đình. Năm sắp hết, Tết sắp đến, thiên hạ bắt đều đi mua sắm tưng bừng. Dạo nầy các bà, các ông, các thầy, các cô đi chơi đông nên nó làm được nhiều tiền. Đêm nào nó cũng về nhà thực khuya. Buổi chiều phải ăn một dĩa cơm tấm hay một khúc bánh mì thịt nguội để tiếp tục làm đêm.
Về khuya đã có gió lành lạnh thổi lồng vào cổ áo. Qua các con đường tối tăm, nó thường ngước nhìn những vì sao trên trời để tưởng tượng cảnh thần tiên trên đó. Ba mẹ đã ở trong thế giới cao sang đó gần hai năm rồi. Hằng đêm chắc ba mẹ đều nhìn xuống thấy nó lủi thủi đi về qua những ngõ vắng.
Còn chị Lan nữa. Vì sao sáng nhất trước mặt chắc là mắt của chị Lan. Chị cũng đang nhìn nó đăm đăm. Nó bước tới thì mắt chị cũng di chuyển theo. Đôi lúc, mắt chị khuất trên vòm lá me um tùm rồi lại hiện ra nhìn nó, nhấp nháy, trong sáng và hiền lành.
Vài hôm nữa, đúng cái ngày mà hai năm trước ba mẹ và chị từ biệt nó để lên Thiên đường, nó sẽ mua đồ về làm đám giỗ cho thực to. Năm ngoái dì Tư lo chuyện đó. Năm nay, nó muốn chính tay nó làm. Hôm qua, dì Tư bảo nó nên mãn tang đi. Dì nói:
– Con để tang hai năm thì đủ báo hiếu rồi. Hôm nào đám giỗ xong, con gỡ vải tang ra đốt bỏ.
– Không, con không đốt, con để tang hoài tới lớn, tới khi con chết mới thôi.
Lần đầu tiên nó cãi lại lời dì nhưng trong giọng nói ngây thơ đó không có chút gì bướng bỉnh. Dì cười một cách dễ dãi như tính tình mộc mạc của dì.
Hôm nay là hai mươi tám Tết, nhưng ngày mai là ngày cuối cùng của năm cũ nên nó sẽ nghỉ việc; dì Tư, anh Mận cũng ở nhà. Năm nay nhà dì Tư không còn quá túng thiếu như những năm trước nữa nên sắm Tết ra vẻ lắm.
Suốt ngày nay, ngày cuối cùng làm việc của năm Canh Tuất, nó kiếm được gần bảy trăm đồng. Hôm qua được năm trăm rưỡi nó giữ cả, không đưa cho dì Tư mà dự định sắm sửa làm đám giỗ. Nó rất nôn nao nên mới hơn tám giớ tối, nó quyết định ngưng công việc để đi mua hàng.
Nó mua ngay một gói mứt, một gói quả hồng khô, một gói thuốc hút hiệu “bảy mươi chín” để nhồi vào ống vố. Nó còn nhớ rõ chị Lan thích ăn hồng khô, còn gói thuốc, dĩ nhiên để ba phì phèo. Mẹ thì không biết thích ăn cái gì. Lúc mẹ còn sống, nó không bao giờ nghe mẹ nói thích món ăn nào đó. Mấy món thực ngon miệng mà nó tưởng ai cũng thích thì mẹ đem chia cả cho nó và em Tiến, đôi khi cả chị Lan nữa.
Suy nghĩ hồi lâu, nó quyết định mua cho mẹ một ký táo Tàu loại thượng hạng. Họ nói thứ nầy là của Trung hoa lục địa sản xuất, đem qua đây theo ngả Hồng kông nên rất quý và mắc tiền. Nó nhìn số tiền niêm yết, nhẩm tính một ký đáng giá hơn tiền đánh bóng ba chục đôi giày. Người bán hàng thấy nó là thằng bé đánh giày nên nói rằng thứ nầy chỉ dành riêng cho nhà giàu ăn mà thôi. Nó bảo cân rồi móc tiền ra trả ngay vì nghĩ thầm: “Mẹ là tiên, mẹ sang trọng gấp trăm lần nhà giàu.”
Một tay xách thùng, một tay ôm gói quà, nó sung sướng về nhà.
Đường phố có đèn đường sáng trưng còn trong ngõ hẻm dẫn về nhà thì không có đèn đường, nhà nhà lại có thói quen đóng cửa sớm nên cả năm, vào đêm không trăng, đường tối om, phải mò mẫm mà đi. Đêm nay thì có khác. Vì bước vào những ngày tết Nguyên đán, hầu hết mọi nhà bắt chước nhau treo một ngọn đèn dầu gọi là “đèn bão” trước cửa nên con đường hẻm sáng lờ mờ.
Vào con hẻm được một quãng khá dài, nó biết đã gần đến nhà. Nó dừng lại nghỉ một chút, đổi gói quà qua tay kia cho đỡ mỏi. Nó nhớ lại cách đây hai năm, lần đầu tiên nó đi trên con đường nầy rồi té xỉu vào nhà dì Tư để được sống êm ấm với dì, anh Mận và em Hường. Có lẽ ba mẹ và chị Lan đã xui khiến nó đến đây và gởi cho dì Tư nuôi nó. Nhưng sao ba mẹ và chị Lan không dẫn em Tiến đến nhà dì luôn, nó biết dì sẵn lòng nhận lãnh dù dì rất nghèo. Nếu có em Tiến sống chung thì vui lắm. Chắc chắn em cũng thương em Hường như nó vậy. Hai đứa có lẽ rất hợp tính nhau. Em Hường không thích bắn bi nhưng ưa đá dế. Nhất là nhảy dây và chơi cò cò thì em Hường hay tuyệt.
Nó hơi hối hận quên mua quà Tết cho em Hường. Nhưng nó tự an ủi ngay:
– Bữa nào mồng một Tết, mình xin tiền dì, nói anh Mận dẫn hai đứa đi xem xi–nê.
Nó sẽ ngồi gần em Hường để giải thích cho em nghe như ngày xưa ba nó đã giải thích cho nó vậy. Nó hít mạnh khí lạnh về đêm, lòng vui rộn rã, miệng cười một mình trong đêm vắng. Nó sắp về đến nhà rồi.
Thình lình nó giật mình vì tiếng la chói lói từ phía đường lớn có nhiều phố xá:
– Bớ làng xóm, thắng ăn cắp, bắt nó, bớ làng xóm.
Tiếp theo là tiếng huyên náo nổi lên. Thắng dừng lại quay lui nhìn. Cái ngõ hẹp vắng teo. Xa xa, nó thấy bóng lờ mờ của một thằng bé cắm đầu chạy về phía nó. Đúng là thằng ăn cắp rồi. Có lẽ bị đuổi nên nó chạy từ ngoài đường lớn vào đây để thoát thân. Sau lưng nó không thấy ai đuổi theo. Có lẽ nó đã quăng vật ăn cắp trở lại rồi.
Mặc kệ, quân nầy phải bắt giao cho cảnh sát mới được. Nó thấy trong lòng bùng lên ngọn lửa “nghĩa hiệp cứu đời”. Tội ăn cắp là một tội lớn. Phải ở tù, ăn cơm với muối cục. Ngày xưa thầy cô và ba mẹ đã dạy như thế. Gần đây, dì Tư cũng nói như thế khi kể chuyện người ta bắt được thằng móc túi ngoài chợ. Dì đã nhấn mạnh rằng ăn cắp là quân làm hại, người lương thiện ai cũng có bổn phận trừ khử bằng cách bắt giao cho cảnh sát. Dì bảo cái người tóm được thằng móc túi hôm đó là người “nghĩa hiệp cứu đời”.
Thắng núp vội vào một hiên nhà, đặt nhẹ gói quà xuống đất, lom khom xách thùng gỗ, sẵn sàng chờ đợi. Thằng ăn cắp chạy đến vừa tầm. Thắng quăng thùng đánh giày vào chân, thằng bé vấp phải té nhủi xuống đường.
Thắng phóng ra, nhào lên mình thằng bé. Thằng nầy lật ngửa ra, hai tay bấu vào mặt nó. Nó cỡi lên bụng, giằng hai tay thằng bé xuống đất. Trong phút chốc, mặt hai đứa sát nhau.
Thình lình, mặt đất như sụp xuống, bầu trời quay cuồng. Nó trợn mắt hả miệng nhìn sững mặt thằng bé. Thằng nầy giựt tay ra được, bấu vào mặt nó, đẩy mạnh nó ra để thoát. Nó không tránh vì không thấy đau đớn gì cả. Nó giang hai tay ôm xóc thằng bé đậy, thọc nhanh bàn tay vào lưng áo hắn. Tay nó chạm phải khối thịt mềm mềm nhô lên rõ rệt trên da lưng láng mướt mồ hôi.
Nó thét lên:
– Trời ơi, em tôi!
Nó dùng hết sức xốc thằng bé lên vai, phóng nhạy như điên. Chiếc thùng gỗ nằm chổng gọng trên đường; gói quà bao giấy nhựt trình nằm lờ mờ trong bóng tối hàng hiên.
Thằng bé búng hai chân lia lịa như người đang tập bơi, hai tay chụp vào lưng nó xé toang vạt áo sau lưng. Hai tay nó như hai gọng kềm siết chặt, chân thoăn thoắt chạy về nhà.
Trong con hẻm, có vài nhà mở hé cửa, có người nhìn theo một cách ngạc nhiên. Nó sợ có người nhảy ra cản lại. Nhưng không sao, nó đã đến nhà. May quá, cửa nhà khép hờ. Nó tông cho cánh cửa mở rộng ra, nhảy vào nhà, vật thắng bé lên đi–văng. Thằng bé biết không còn kháng cự được nữa nên buông tay, mắt nhắm nghiền, một dòng máu đỏ ri rỉ chảy ra ướt trán. Nó quỳ xuống ôm em, gào thét trong tiếng khóc:
– Em Tiến, em Tiến, anh của em đây nè.
Thằng bé mở mắt ra nhìn ngơ ngác, không thấy bóng ông cảnh sát nên yên tâm. Nó giương mắt nhìn thằng Thắng rồi chống tay ngồi dậy, nói nho nhỏ:
– Nhà nào đây? Anh Thắng hả? Anh Thắng chết rồi mà.
– Không, anh Thắng của em đây, em Tiến.
Nó ôm đầu thằng bé vào ngực, dúi mũi vào tóc em. Thằng bé giang hai tay ôm chặt lấy nó. Nó thấy đầu em nó rung rung. Nó biết em nó đang khóc nức nở.
Dì Tư trong buồng hấp tấp chạy ra:
– Gì đó bây, cái gì đó bây?
Dì đứng khựng lại há hốc nhìn hai đứa rẻ ôm nhau. Miệng dì từ từ méo xệch lại. Dì gỡ tay thằng Tiến ra, nhìn vào mặt nó, mếu máo:
– Thằng Tiến đây hả con? Trời đất quỷ thần ơi, con kiếm ở đâu ra vậy nè?
Dì nói tiếp, không đợi ai trả lời:
– Ba má con sống khôn thác thiêng dẫn em nó về đây rồi nè. Trời đất quỷ thần ơi, sao máu me không vậy nè?
Dì chạy vội xuống bếp lấy khăn ướt lau mặt, lau trán cho em. Mặt thằng Tiến đã sạch sẽ, nét thông minh hiện lên nơi đôi mắt đang ngạc nhiên nhìn quanh nhà, rồi nhìn dì đang lục tìm món gì đó trên kệ, nhìn em Hường đang đứng xớ rớ ở cửa buồng.
Khi nhìn đến anh, đôi mắt nó mất vẻ ngạc nhiên mà chớp lia lịa, miệng hơi nhếch, không biết là sắp khóc hay cười. Nó hỏi nho nhỏ:
– Ba mẹ, chị Lan đâu anh?
– Chết từ bữa đó rồi em.
Thằng Tiến vụt khóc òa. Nó lại ôm em vào lòng khóc theo. Tay nó xoa nhẹ vào lưng em và dừng lại trên khối thịt thừa, khối thịt mềm mềm thân yêu mà nó đã nhớ nhung hằng giờ, hằng phút tự bao nhiêu năm tháng rồi.
Dì Tư ngồi vào đi-văng, nâng đầu em nó dậy để xức thuốc vào vết thương trên trán. Nó nhìn chăm chăm vào mắt em rồi hỏi:
– Hai năm nay em ở đâu?
Thằng bé vụt ngồi thẳng dậy, mắt láo liêng sợ hãi. Nó cầm tay em, giọng nói dịu dàng:
– Đừng sợ, nhà mình đây mà. Không ai vô đây được đâu. Sao em đi ăn cắp vậy?
– Chú Ba Thú biểu em.
– Chú Ba Thú nào?
– Chú Ba Thú ở đằng kia kìa.
Nó đưa tay ra chỉ. Nhưng nhìn thấy tấm vách ván trước mặt, nó bỏ tay xuống. Dì Tư nhìn nó, nhỏ nhẹ:
– Hồi xóm bị cháy, con đi đâu?
Mắt nó đột nhiên có vẻ xa xôi:
– Con té xuống, con bỏ chạy.
– Con chạy đi ngả nào?
– Con chạy vô nhà họ. Họ đập lủng vách, con chạy theo họ.
– Rồi con chạy đi đâu nữa.
Nó ngập ngừng, cố moi lại ký ức một cách khó nhọc:
– Con chạy theo họ. Tới sáng, con nằm ngủ trước nhà họ.
Thằng Thắng sốt ruột hỏi xen vào:
– Rồi em có trở về nhà không?
– Lính đông lắm, em sợ không dám về. Họ bắn nhau, súng nổ dữ quá, em sợ em chạy.
– Em chạy đi đâu? Ai cho em ăn?
– Thím Sáu.
– Thím Sáu nào?
Nó lại ngập ngừng không giải thích được. Dì Tư lại lên tiếng:
– Thím Sáu có quen con không?
– Bây giờ quen, hồi đó không quen. Thím dẫn con về nhà rồi đem đi Mỹ tho. Con đòi về ba mẹ, thím nói vài hôm nữa cho về. Con tính trốn đi, thím trói con lại. Thím cho con ăn kẹo rồi biểu con đi móc túi người ta đem tiền về cho thím.
Thằng Thắng rướn người lên:
– Làm sao em biết móc túi?
– Thím Sáu chỉ cách, biểu em móc thử túi của hai người lớn trong nhà mấy lần rồi cho em đi.
– Em đi một mình hay đi với ai?
– Đi một mình.
– Thì em cứ đi nhưng đừng móc túi người ta.
Tiến lắc đầu:
– Thím không cho ăn cơm mà còn đánh bằng roi mây nữa. Bữa nào được nhiều tiền, thím cho ăn bánh, cà rem đủ thứ. Bữa nào không có, thím bắt ăn cơm với muối.
Dì Tư tỏ vẻ chú ý nhiều hơn:
– Có khi nào con bị bắt không?
Nó cúi đầu, nói nho nhỏ với vẻ sợ sệt:
– Dạ có bị bắt ở quán Thanh Thủy.
Thắng giật mình hỏi dồn:
– Quán Thanh thủy ở bờ sông hả.
Thằng Tiến gật đầu. Anh nó hỏi tiếp:
– Rồi làm sao được thả ra?
– Cái ông nhà giàu, thắt cà-vạt bảnh lắm xin cho em ra. Ổng là bạn của thím Sáu. Em được ở nhà chừng một tháng rồi thím đưa em lên đây ở với chú Ba Thú.
– Chú cũng biểu em đi móc túi?
– Dạ, chú cũng chỉ em cách ăn cắp đồ nữa. Có mấy đứa nữa cũng ở chung nhà với em.
Cả nhà đang theo dõi câu chuyện thì anh Mận đi làm về, bước vào nhà. Dì Tư chỉ đứa bé, nói đó là em Tiến, anh sửng sốt để rơi thùng gỗ đánh cộp xuống đất. Anh chạy đến cầm tay em mà nước mắt chảy quanh tròng. Thắng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nó thấy anh khóc.
Dì Tư đốt thêm một ngọn đèn nữa rồi dọn cơm ra. Ba anh em xúm lại ăn ngon lành.
Giữa bữa cơm, Thắng bỗng buông đũa đứng dậy nói to:
– Thôi chết rồi, cái gói và thùng đánh giày.
Dì ngạc nhiên:
– Cái gói gì, ở đâu?
– Gặp em Tiến, con vác nó về, bỏ quên gói mứt và trái cây con mua về làm đám giỗ ba má và chị Lan.
Nó dợm chạy ra cửa thì dì níu lại:
– Thôi khuya rồi con. Biết còn ngoài đó không. Dì có mua đủ rồi. Để dì đi lấy con xem.
– Còn thùng đánh giày nữa. Mất rồi ra Tết lấy gì mà đi đánh.
Dì bỗng quay lại nhìn nó cười to:
– Thằng Tiến về chộn rộn làm tao quên, bây giờ mới nhớ.
Dì xua tay, miệng vẫn cười:
– Bỏ đi con, bỏ thùng đánh giày đi con.
Dì quay lại anh Mận và em Tiến, giọng trịnh trọng:
– Mấy đứa bây nghe đây nè. Hồi chiều tao thương lượng, sang xong cái sạp vải rồi. Ra Tết tụi bây đi học hết nghe không? Bốn đứa đi học hết.
Câu nói chấm dứt trong tiếng cười sung sướng của dì. Dì bỗng quay lại nắm tay Thắng. Giọng dì trở nên xúc động:
– Anh Mận nói mỗi đêm nghe con khấn vái ba má cho dì sang được sạp vải. Bây giờ ba má con cho rồi đó. Dì dồn cả tiền mồ hôi nước mắt của con vô đó luôn. Năm mới ráng học nghe con.
Tự nhiên Thắng gục đầu vào vai dì khóc thút thít. Nó bỗng nghĩ đến mẹ và phảng phất nghe mùi thơm kỳ diệu đã gây cho nó bao nhiêu là nhung nhớ tự hai năm dài đằng đẵng vừa qua.

*


Ban ngày, anh Mận học nghề ở tiệm sửa xe gắn máy Hiếu Thành, ban đêm anh đi học ở trường Bách khoa. Ba đứa kia đều vào trường tiểu học cộng đồng, cách nhà non một cây số. Dì Tư đến kể lể sự tình với ông hiệu trưởng. Ông bằng lòng cho vào học ngang giữa niên khóa. Hàng xóm bảo phải tốn tiền mới xin vào được. Nhưng, chẳng những không tốn một đồng nào mà còn được ông hiệu trưởng cho hai mươi cuốn tập mới toanh.
Em Hường, em Tiến được vào lớp một, nó lớp bốn. Lớp bốn là lớp nhì trước đây vài năm. Nó học buổi sáng, hai đứa nhỏ học buổi chiều. Đêm, dưới ánh đèn dầu hỏa, ba đứa châu đầu học ê a.
Thắng học với cô giáo. Cô trắng, đẹp và mảnh khảnh, hơi giống mẹ nó. Một hai tháng đầu, nó học kém, cô thường săn sóc và khuyến khích nó. Cô tỏ ra thương nó lắm, có lẽ vì ông hiệu trưởng đã kể sơ qua chuyện bất hạnh của nó cho cô nghe. Tháng sau cùng, nó học giỏi, nhảy lên đứng hạng sáu trong lớp nên được cô khen hoài.
Cuối năm, nó được lãnh phần thưởng đặc biệt với mười cuốn tập, một hộp viết chì màu và mười thước vải. Ngày phát thưởng có dì Tư đi dự. Lúc đưa tay nhận cái gói màu xanh từ tay ông hiệu trưởng, nó nhìn xuống hàng ghế phụ huynh thấy mắt dì rưng rưng.
Xong lễ, dì đến gặp cô, ngập ngừng hồi lâu mới nói được tiếng cám ơn. Khi chào về, dì mời cô khi nào rảnh ghé chơi. Cô mỉm cười gật đầu, nụ cười cô thực đẹp.
Nó không dè cô đến ngay vào sáng hôm sau. Dì đi bán chưa về. Anh Mận còn học nghề ngoài tiệm. Hai em dắt nhau đi chơi. Chỉ mình nó ở nhà tiếp cô.
Cô ngồi vào chiếc bàn vừa để học vừa để ăn cơm của nhà nó. Thấy nó đứng xớ rớ, cô bảo nó ngồi trước mặt cô.
Cô nhìn quanh căn nhà nghèo nàn rồi dịu dàng bảo:
– Thầy hiệu trưởng có kể cho cô nghe chuyện nhà của em. Cô muốn em kể cho cô nghe rõ hơn.
Thấy nó đỏ mặt lúng túng, cô khẽ chồm tới trước cầm tay nó, giọng ngọt ngào:
– Em kể đi, nhớ đâu nói đó. Chỗ nào kể không rõ thì cô hỏi lại.
– Dạ, hồi đó, em ở với ba má, chị Lan và em Tiến…
Nó không ngờ, sau câu mở đầu, nó kể một hơi xuôi rót, không sót một đoạn nào. Cô ngồi chăm chỉ nghe, lúc thì gục gặc đầu, lúc thì cảm động, nước mắt lưng tròng.
Khi nó dứt lời, cô nhìn nó, giọng bùi ngùi:
– Tội nghiệp em.
Mắt cô bỗng sáng lên:
– Cô viết chuyện của em in sách thiếu nhi nhé. Em bằng lòng không?
Nó ngạc nhiên và thực bối rối trước đề nghị lạ lùng của cô. Cô nhắc lại một cách sốt sắng:
– Em bằng lòng nghe?
– Nhưng viết chuyện của em, tụi bạn biết chúng nó cười chết,
– Sao lại cười. Chúng nó biết rõ thì sẽ thương em chứ. Hơn nữa, cô muốn nhấn mạnh tình người đáng quý trong câu chuyện của em. Điều đó sẽ có tác dụng giáo dục rất tốt đối với thiếu nhi. Bằng lòng em nhé.
Nó ngượng nghịu gật đầu. Cô cười thực tươi, vẻ mặt rất hài lòng. Nó ngập ngừng hỏi cô:
– Mà cô đặt tên là chuyện gì hả cô?
– Em muốn đặt tên gì?
Mắt nó bỗng mơ màng. Nó nghĩ đến em Tiến, đến nỗi đau khổ nhớ nhung trong suốt hai năm xa cách. Nó muốn mọi người nhìn thấy gương mặt dễ thương của đứa em mà nó vừa tìm lại được. Nó mỉm cười nói với cô:
– Đặt tên “em tôi” được không cô?
– Hay lắm, “em tôi”.
Trông mặt nó sung sướng, cô cảm động suýt khóc. Cô đứng dậy, dịu dàng cầm tay nó, giọng vui vẻ:
– Chiều nay cô đi nhà thờ và sẽ dành nguyên một buổi để cầu nguyện cho em. Em muốn cô cầu nguyện cho em điều gì nào?
Nó cúi đầu nhìn tà áo dài trắng của cô, nói nho nhỏ:
– Cô cầu nguyện cho em ở hoài với dì Tư.
Cô gật đầu, hôn vào trán nó bước ra cửa. Một ngọn gió thổi thốc vào làm tà áo trắng của cô tung bay phất phới; nó nhìn và nghĩ đến đôi cánh của thiên thần.

Trần Thị Thu


Tủ sách thiếu nhi Nến Hồng,
(Của một nhóm giáo chức nhà văn miền Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét