Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần 2 Đặc Khu Phong Thổ - Y tá bệnh viện Trung Ương

(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)
*

Khâm Bưu là y tá ở bệnh viện Trung Ương. Năm nay hắn hai mươi mốt tuổi. Cha hắn là Khâm Cần, bạn cùng lớp với Lư Khả thời còn ở Nghi Lương. Lẽ ra Bưu phải được nâng đỡ cho đi học nghề bác sĩ, nhưng Bưu là con trai ngoài giá thú của Khâm Cần với một phụ nữ người Làng Hạ. Mang một nửa dòng máu Nam Qua, Khâm Bưu chỉ may mắn làm công việc y tá trong bệnh viện Trung Ương, nơi chỉ có người Làng Thượng và người của chính phủ Trung Hoa đưa sang. Bưu nhìn khuôn mặt tái mét của Lư Khả, hắn vừa bốc thuốc vừa than phiền:

“Bác không được làm việc quá sức nhé.”

Lư Khả nằm trên trường kỷ cười hiền lành. Đôi mắt loài cừu ngước lên lặng lẽ quan sát những biểu hiện trên khuôn mặt Khâm Bưu. Hắn từng được Lư Khả ký giấy cho về Trung Hoa học khóa đào tạo y tế một năm. Khâm Bưu luôn mơ ước trở thành bác sĩ nhưng vì vướng vào lý lịch có mẹ là người Nam Qua, hắn chỉ được phép học đến y tá. Một nửa nhân viên y tế ở bệnh viện Trung Ương là người Làng Thượng, một nửa còn lại là người của chính phủ Trung Hoa đưa sang. Những người này có chính sách lương bổng riêng, kế hoạch làm việc riêng và không chịu sự quản lý của ủy ban.

Dạo này Khâm Bưu có vẻ xanh xao, hốc hác. Từ lúc vào khám cho Lư Khả, hắn chỉ nói đúng hai câu. Lư Khả ân cần hỏi:

“Công việc của cháu dạo này ra sao?”

Khâm Bưu thoáng giật mình:

“Bác hỏi gì cơ?”

“À, bác hỏi công việc bên bệnh viện của cháu có vất vả quá không?”

“Không, cũng thường thôi.” Khâm Bưu trả lời hấp tấp rồi ho khan mấy tiếng.

“Cảm cúm à. Để bác lấy mật ong cho cháu.”

Khâm Bưu bối rối lắc đầu:

“Không sao ạ. Cháu chỉ ho chút thôi.”

Lư Khả buồn bã nói sang chuyện khác:

“Ngày mai, bác lại lên thăm mộ con Yên Yên. Chuyện đau buồn này không thể nói ra bên ngoài mà cũng không giao cho người khác được.”

Lư Khả ngừng ngang đấy, sụt sùi khóc như đứa trẻ. Y tá Khâm Bưu lo lắng bảo:

“Ấy, bác đừng xúc động, có hại cho sức khỏe.”

Chủ tịch cố nuốt nước mắt:

“Từ dạo nó mất đi bác suy sụp hẳn. Hai lần suýt tai biến đều là hai lần nằm mơ thấy nó về. Lần này bác phải đích thân lên núi, cúng giải oan cho nó siêu thoát. Cháu mang thuốc men và dụng cụ y tế theo bác nhé.”

Khâm Bưu lo lắng gãi đầu:

“Cháu do bên bệnh viện quản lý, rất khó thu xếp nghỉ.”

Lư Khả đặt bàn tay lạnh ngắt của mình lên khuỷu tay Khâm Bưu, ngọt ngào:

“Bác sẽ ký giấy gửi sang bên bệnh viện. Bên ủy ban cần cháu hỗ trợ cho kế hoạch diệt muỗi sốt rét. Có được không, cháu?”

Khâm Bưu không dám nhìn đôi mắt cầu khẩn của chủ tịch, hắn cúi đầu vâng dạ cho qua chuyện. Bên bệnh viện Trung Ương chắc chắn sẽ không xem tấm giấy của chủ tịch đặc khu ra gì. Đám bác sĩ Trung Hoa trước mặt tỏ ra lịch sự, nhưng phía sau thường khinh bỉ gọi Tống Chính Thao là “thái thú gác cổng”, nhạo báng Lư Khả là “hoàng thượng xứ man di”.

Khâm Bưu vốn quý mến con người nhân hậu của Lư Khả, bản thân hắn cũng mang ơn Lư Khả nhiều, nên chẳng bao giờ hắn muốn nói lên sự thật. Chuyện thu xếp một buổi đi cùng Lư Khả đúng ra không khó khăn gì. Bệnh viện bây giờ cũng chẳng cần đến loại người phế thải như Khâm Bưu. Nhưng đêm nay và cả ngày mai Khâm Bưu có công việc rất hệ trọng.

Lư Khả hiền từ nhìn Khâm Bưu, rồi cất giọng vui vẻ:

“Nếu cháu không đi theo được thì cũng không sao, cháu ạ, công việc bệnh viện quan trọng hơn việc riêng đấy. Mà này, bao giờ Khâm Bưu lấy vợ, bác cho mượn nhà khách của ủy ban đấy.”

“Vâng cháu mà tìm được vợ thì cháu báo ngay cho bác.”

Khâm Bưu cười vui vẻ nhưng trong bụng lại đau khổ tuyệt vọng.

Kết quả thử máu của hắn cách đây nửa năm dương tính với HIV. Khâm Bưu là khách thường xuyên qua đêm bọn con gái lầu Liễu Liên. Thằng con trai Làng Hạ bị bọn con gái diễm lệ sang trọng ở đấy hút hết hồn vía. Bệnh viện Trung Ương nhận được báo cáo liền đẩy hắn sang làm việc ở khu nhà xác. Khâm Bưu bị xem như con chó ghẻ mang mầm bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Một mình hắn lủi thủi trong khu vực xử lý xác chết. Nhiệm vụ của Khâm Bưu ở nhà xác là đưa xác chết vào hòm lạnh. Đồng thời hắn cũng phải trông coi cả khu vực nhà hồi sức. Ở đấy, những người hấp hối và người bệnh được gây mê, truyền nước biển chờ đưa về Trung Hoa điều trị. Tất cả sẽ được đưa lên chuyến tàu vào ngày thứ ba đầu tháng. Bệnh viện Trung Ương luôn có toa riêng để chuyển hàng đi. Khâm Bưu giữ nhiệm vụ coi sóc người hấp hối, hắn phải theo tàu đến biên giới Phong Thổ để bàn giao công việc cho tuyến bên kia, rồi quay về lại.

Công việc ở nhà xác bệnh viện không nặng nhọc gì lắm, mỗi tháng Khâm Bưu chỉ phải xử lý đông lạnh khoảng mười cái xác chết và theo dõi mười ca hấp hối, đúng số lượng của Tống Chính Thao. Nhưng thời gian sau này, con số tử vong cứ tăng lên vùn vụt. Sau những vụ thảm sát, bệnh viện đẩy xuống cho hắn hàng đống xác chết. Một mình Khâm Bưu vật vã với những thân thể máu me tan nát, những khuôn mặt nhăn nhó đau đớn, những đôi mắt trắng dã trợn trừng. Những lúc Khâm Bưu nhận ra khuôn mặt biến dạng của người quen, tinh thần hắn suy sụp trầm trọng.

Cách đây một tuần, buổi sáng Khâm Bưu đến cửa nhà xác thì nghe có tiếng lục đục khác thường bên trong. Phải mất mấy phút sợ hãi, đứng như trời trồng, Bưu mới nghĩ chuyện chạy đi gọi bảo vệ. Khi hắn và hai bảo vệ mở cửa, cái xác người đứng sừng sững giữa phòng làm Bưu suýt lên cơn nhồi máu cơ tim. Đấy là một nạn nhân hấp hối, được gây mê và thở ống dưỡng khí chờ chuyến tàu ngày thứ ba. Bỗng nhiên anh ta hồi tỉnh, tự tháo ống thở, đi vật vờ trong nhà xác. Người thanh niên vừa nhìn thấy Khâm Bưu thì òa lên khóc.

Khâm Bưu nhận ra thằng em họ ở Làng Hạ, nó được chuyển vào nhà xác ngày hôm kia vì gặp tai nạn công trường đá. Mìn phá đá nổ trước khi nó kịp thoát ra ngoài. Khí nén chỉ làm nó bất tỉnh, nhưng Tống Chính Thao ra lệnh đưa toàn bộ công nhân mỏ đá bị nạn sang bệnh viện Trung Ương điều trị. Những người bị thương được gây mê, truyền huyết thanh chờ chuyển về Trung Hoa. Không hiểu vì sao nó tỉnh lại và biết Khâm Bưu làm việc ở đây.

“Khâm Bưu, cứu em với.”

Khâm Bưu ngã lăn ra bất tỉnh khi hai nhân viên bảo vệ nổ súng.

Những ngày sau đấy, Khâm Bưu sống trong cơn ác mộng, hắn phải hút bồ đà liên tục để đủ sức ở lại nhà xác. Nhiều lần hắn nghĩ đến chuyện tự vẫn nhưng rồi không nỡ để mẹ hắn ở lại một mình trên cõi đời.

Năm mẹ Khâm Bưu lên mười bảy tuổi, cô bị Khâm Cần cưỡng hiếp mà có thai, đẻ ra Khâm Bưu, đứa con trai duy nhất của nhà họ Khâm. Vợ cả của Khâm Cần chỉ sanh được hai đứa con gái. Bà ta bắt cô Nùng về làm tôi tớ, để trút cơn giận lên người phụ nữ trẻ. Cô Nùng bị đánh đập, hành hạ, phải phục dịch cho cả đại gia đình. Khâm Bưu vẫn phải học trường làng cùng với trẻ Làng Hạ. Mãi cho đến khi Lư Khả can thiệp, Khâm Bưu mới được đưa về Làng Thượng vào trung học rồi về Trung Hoa theo lớp bồi dưỡng y tá.

Cô Nùng hầu hạ cả nhà Khâm Cần cho đến lúc y qua đời thì xin phép trở về quê cũ sống với bà con thân thuộc. Lúc đầu, Khâm Bưu muốn mẹ ở lại Làng Thượng với hắn, nhưng những kỷ niệm ở Làng Thượng đối với cô Nùng quá buồn thảm. Cho nên Bưu phải về quê xây cho mẹ căn nhà ở bìa làng, một mình cô Nùng lủi thủi ra vào.

Chiều tối hôm qua, Khâm Bưu bất ngờ về làng thăm mẹ. Hắn lái xe vào đến sân, không thấy bóng dáng cô Nùng đon đả chạy ra như thường ngày. Khâm Bưu đi xuống bếp tìm, vừa đến cánh cửa tre đã ngửi được mùi thịt nướng thơm ngon. Mẹ hắn đang lui cui trở thịt, thấy bóng Khâm Bưu bước vào thì lúng túng kêu lên:

“Ôi, sao về thăm mẹ đột xuất thế, con?”

Khâm Bưu không trả lời mà suýt xoa như đứa trẻ:

“Mẹ nướng thịt thơm quá. Con đói lắm rồi.”

Cô Nùng cười ngập ngừng:

“Mẹ làm cho thằng chó một đĩa thịt đây. Con lên nhà chờ nhé.”

Khâm Bưu không đi lên nhà mà đi vào góc bếp, nơi để chén bát. Cô Nùng bỗng đứng bật dậy, dang tay chặn hắn lại rồi kêu lên hoảng hốt:

“Này, con lên nhà trên đợi đi. Mẹ xong ngay thôi.”

Khâm Bưu ngạc nhiên, không hiểu vì sao mẹ mình hốt hoảng như thế. Vừa lúc đấy, một bóng người từ sau chạn bát bước ra. Trong bóng tối của góc bếp, Khâm Bưu không kịp nhận ra ai, nên hắn lùi lại quát lên:

“Ai đấy?”

Cái bóng bước dần ra chỗ sáng, mỉm cười gượng gạo. Gã nói với Khâm Bưu bằng tiếng Hoa:

“Chào Khâm Bưu. Cậu có khỏe không?”

Khâm Bưu nhận ra Mân, bạn học cũ từ thời tiểu học ở Làng Hạ. Hai đứa đã không gặp nhau từ ngày Khâm Bưu sang Trung Hoa học y tá. Mân trưởng thành và già đi, đen đúa, khắc khổ. Mấy ngày nay lệnh truy nã Mân, Nen và Thạc được dán ở cổng ủy ban và cổng bệnh viện. Mỗi lần đi qua cổng, Khâm Bưu đều thấy xốn xang khó chịu, hắn lo sợ nghĩ đến ngày mình phải khâm liệm thân hình tan nát của ba thằng bạn xấu xố. Bây giờ Mân đứng trước mặt hắn, còn nguyên vẹn hình hài, nụ cười ngập ngừng. Khâm Bưu thở hắt ra, trả lời rành rọt bằng tiếng Nam Qua:

“Chào Mân. Lâu rồi không gặp cậu.”

Khuôn mặt Mân thoáng vẻ mừng rỡ:

“Khâm Bưu. Mình chỉ ghé thăm cô rồi đi ngay.”

Cô Nùng chùi tay lên khóe mắt:

“Cháu mang chỗ thịt này về… cho mẹ. Cô chuẩn bị xong cả rồi.”

Khâm Bưu tươi cười bảo:

“Cậu cứ ngồi đây ăn với mình, chờ tối hẳn rồi đi. Nguy hiểm lắm.”

Cô Nùng hốt hoảng đưa tay lên bụm miệng, cố giấu tiếng kêu sợ hãi. Nhưng Mân vẫn bình tĩnh:

“Cậu biết bọn mình bị truy lùng, đúng không?”

Khâm Bưu gật đầu:

“Mình chỉ thấy may là các cậu trốn được quá lâu.  Ở Phong Thổ này, chưa có kẻ nào trốn được quá năm ngày.”

Mân gật đầu buồn bã:

“Có thể ngày mai bọn mình không thoát được. Gặp lại cậu để chia tay cũng là dịp may.”

Cả hai cùng im lặng. Bên ngoài chỉ có tiếng quạ về tổ kêu não nùng. Khâm Bưu đắn đo một lúc rồi hỏi:

“Nếu có cách thoát khỏi phong Thổ, các cậu có dám thử không?”

Mân cười tuyệt vọng:

“Bọn mình sẽ thử. Nếu có một cơ hội, dĩ nhiên bọn mình sẽ thử.”

Khâm Bưu ngồi xuống bên cạnh mẹ, phụ trở những miếng thịt vừa cháy xém. Cô Nùng hấp tấp kêu:

“Ôi, mẹ sơ ý quá. Con để mẹ.”

Khâm Bưu nắm tay mẹ, nghiêm nghị nói:

“Con muốn nói chuyện với Mân. Mẹ ra ngoài canh gác nhé.”

Cô Nùng nhìn ánh mắt thống thiết của con trai, biết có chuyện hệ trọng.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét