Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Ở Đông Nam Á, sự nghi ngại vaccine Trung Quốc ngày càng tăng

Khẩu hiệu: "Loại vaccine tốt nhất là loại hiện có sẵn" đã hết thời ở Indonesia, sau khi hơn 130 nhân viên y tế tiêm vaccine Trung Quốc vẫn tử vong do bệnh Covid-19. Tuy nhiên ở Hồng Kông (và Việt Nam), khẩu hiệu này vẫn sống mãi trong sự nghiệp của Triệu Đà.

Các nước Đông Nam Á tiêm vaccine Trung Quốc (virus bất hoạt), rồi phải hớt hải tiêm thêm vaccine của Âu-Mỹ. Tuy nhiên, theo báo “Neue Zürcher Zeitung” cho đến bây giờ vẫn chưa có nghiên cứu nào về tiêm kết hợp giữa vaccine virus bất hoạt với vaccine vector virus hay mRNA. Những nước tiêm vaccine Trung Quốc trong cơn hốt hoảng chỉ làm liều, tự biến mình thành vật thí nghiệm cho Trung Quốc.
Trong khi đó, ở châu Âu, tiêm kết hợp vaccine vector (AstraZeneca) với vaccine mRNA (BioNTech, Moderna) không phải là chuyện mới mẻ gì. Đại học Y Innsbruck (Áo) cho biết, theo kinh nghiệm đã có từ trước dịch covid, các loại vaccine vector luôn có hiệu quả tốt hơn nếu ở lần thứ hai tiêm loại vaccine khác. Châu Âu sử dụng phương án tiêm kết hợp này là dựa vào hiểu biết khoa học đã có sẵn.
*
Giới thiệu bài báo của Neue Zürcher Zeitung, tờ báo truyền thống lâu đời của đất nước Thụy Sĩ.
VTP-LTH dịch từ nguyên bản:
*
💥Ở Đông Nam Á, sự nghi ngại vaccine Trung Quốc ngày càng tăng
Mathias Peer, Bangkok
22.07.2021
Các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đang trải qua làn sóng corona khốc liệt nhất của họ. Trong bối cảnh số lượng ca nhiễm ngày càng gia tăng nhanh chóng, giờ đây các quốc gia này đang từ bỏ vaccine của Trung Quốc.
Những nghi ngờ về vaccine từ Trung Quốc đang biến thành sự thật ở Thái Lan. Trước làn sóng ca nhiễm tồi tệ nhất mà đất nước phải trải qua kể từ đầu đại dịch, chính quyền Bangkok đang thay đổi chiến lược tiêm chủng. Kể từ hôm thứ Hai, những người Thái Lan đã tiêm một liều vaccine Trung Quốc Sinovac được tiêm thêm liều thứ hai với AstraZeneca. Nhưng sự kết hợp kiểu này cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu. Các cơ quan y tế của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á hy vọng rằng sự pha trộn sẽ có hiệu quả tốt hơn so với chỉ tiêm Sinovac.
Cho đến nay, công ty dược phẩm Bắc Kinh đã xuất khẩu vaccine sang hơn bốn mươi quốc gia, là cơ sở của các chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước châu Á. Nhưng các báo cáo về ca nhiễm ở những người đã được tiêm phòng đầy đủ và thậm chí hàng loạt trường hợp tử vong đã làm sứt mẻ danh tiếng của vaccine Trung Quốc. Chính quyền Thái Lan không lẻ loi khi ra quyết định phản đối: Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á cũng đang xa lánh Sinovac.
⚡Kỷ lục ca nhiễm mới
Những mối lo ngại đang gia tăng trong tình cảnh cuộc khủng hoảng Corona trở nên tồi tệ một cách rõ rệt. Con số ca nhiễm gần đây đã đạt mức cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Lần đầu tiên Thái Lan ghi nhận hơn 11.000 ca nhiễm trong một ngày - trong cả năm 2020, cả nước chỉ có 7.000 ca được xác nhận. Việt Nam, một trong những quốc gia thành công nhất trong việc chống lại đại dịch từ nhiều tháng, đã báo cáo gần 6.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Malaysia và Myanmar cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn bao giờ hết.
Tại Indonesia, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên gần 60.000 ca, với hơn 1.000 ca tử vong - quốc gia này đã trở thành tâm dịch của toàn cầu. Cho đến nay, Indonesia là một trong những nước chủ lực đón nhận hàng của Sinovac. Cách đây vài tuần, chuyến máy bay vận tải với 7 container lạnh đã đến đảo quốc Đông Nam Á, gồm 14 triệu liều Sinovac. Tổng cộng, cho đến nay, Sinovac đã cung cấp cho dân Indonesia nguyên liệu của hơn 100 triệu liều vaccine, để công ty nhà nước địa phương Bio Farma chế biến.
Tuy nhiên, gần đây những lo ngại về hiệu quả của vaccine đã tăng lên: kể từ đầu tháng 6, theo dữ liệu từ tổ chức độc lập Lapor Covid-19, hơn 130 nhân viên y tế đã tử vong do hậu quả của bệnh Covid-19 - mặc dù phần lớn trong số họ đã được tiêm đầy đủ vaccine Sinovac. Một số bệnh viện báo cáo rằng hàng trăm nhân viên mắc bệnh Covid-19 mặc dù đã được tiêm phòng. "Nhiều bác sĩ và nhân viên y tế được tiêm hai liều vaccine đã bị các triệu chứng từ trung bình đến nặng, thậm chí đã tử vong", phó giám đốc hiệp hội y tế Indonesia IMA tố cáo trước quốc hội ở Jakarta.
Nhà chức trách Indonesia đã tiếp thu những lời chỉ trích: Kể từ tuần trước, các nhân viên y tế đã được tiêm vaccine Sinovac hai lần đều được tiêm tăng cường bằng vaccine mRNA từ nhà sản xuất Moderna của Mỹ. Điều này được coi là cần thiết nhưng lại là một bước thụt lùi nghiêm trọng đối với chiến dịch tiêm chủng, vốn đang tiến triển rất chậm: cho đến nay, chỉ có 6% trong số 273 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ. Do đó, quốc gia này tiếp tục không có khả năng tự vệ trước làn sóng nhiễm bệnh do biến thể delta của coronavirus.
⚡Tổng thống Indonesia muốn giảm bớt lo ngại
Tổng thống Joko Widodo đã cố gắng xua tan sự hoang mang đang ngày càng tăng trong dân chúng đối với Sinovac: "Loại vaccine tốt nhất chống lại Covid-19 là loại hiện có sẵn", ông nói hôm thứ Hai. Thông điệp rất rõ ràng: một loại vaccine có thể kém hiệu quả hơn các sản phẩm cạnh tranh vẫn tốt hơn là không có. Tuy nói vậy, chính phủ Jakarta lại tìm kiếm giải pháp thay thế: Vaccine từ các nhà sản xuất Biontech và Pfizer sẽ sớm được nhập khẩu.
Ở quốc gia láng giềng Malaysia cũng vậy, những người có trách nhiệm đang tìm kiếm các giải pháp thay thế Sinovac. Tuần trước, Bộ Y tế Kuala Lumpur đã thông báo rằng, sau khi các kho dự trữ hiện có được sử dụng hết, họ sẽ không dùng Sinovac nữa. Phần dân số chưa được chủng ngừa trước đây sẽ được nhận vaccine Pfizer.
Sinovac - nhà sản xuất vaccine Covid-19 quan trọng nhất của Trung Quốc - với những thành công trên thương trường cho đến nay đang hứng lấy nguy cơ nghiêm trọng. Theo nhà cung cấp dữ liệu y tế Airfinity, có hơn 940 triệu liều vaccine Sinovac đã được cung cấp trên toàn thế giới. Không có loại vaccine nào khác hiện đang được sử dụng rộng rãi như vậy. Sinovac rõ ràng đang đi trước Sinopharm, nhà xuất khẩu vaccine lớn thứ hai của Trung Quốc. Các quốc gia mới nổi của châu Á đã đến với nhà sản xuất Trung Quốc vì trong những tháng vừa qua Sinovac là một trong số ít các công ty có thể cung ứng một số lượng lớn vaccine.
⚡Sự thụt lùi đối với chính sách ngoại giao tiêm chủng của Bắc Kinh
Sự dè dặt lộ liễu của các quốc gia Đông Nam Á đối với vaccine «made in China» là một đòn giáng trả vào chính sách ngoại giao tiêm chủng của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc muốn nâng cao uy tín của mình với các quốc gia bằng chiêu bài cung cấp vaccine và cuối cùng là lôi kéo họ về phía Trung Quốc trong các vấn đề chính trị.
Từ đó các quốc gia này phải sử dụng một loại vaccine có hiệu quả so sánh kém cỏi, theo dữ liệu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố khi vaccine Sinovac được phê duyệt khẩn cấp vào đầu tháng 6: Sinovac chỉ bảo vệ được 51% những người được tiêm chủng chống lại tình trạng bệnh có triệu chứng. Tình trạng bệnh nghiêm trọng được cho là đã được ngăn ngừa 100% trong nhóm được kiểm tra.
Thực tế là những trường hợp tử vong vẫn xảy ra ở những người được tiêm chủng đầy đủ do liên quan đến chủng đột biến. Nhưng WHO vẫn chưa công bố bất kỳ số liệu nào về hiệu quả của Sinovac đối với biến thể Delta. Cũng có những dấu hiệu cho thấy khả năng bảo vệ do Sinovac cung cấp giảm đáng kể theo thời gian. Một nghiên cứu được công bố ở Thái Lan vào tuần trước cho thấy số lượng kháng thể do Sinovac tạo ra giảm đi một nửa sau 40 ngày ở những người được tiêm chủng đầy đủ. Một nghiên cứu ở Hồng Kông đã chỉ ra rằng tiêm chủng bằng Sinovac tạo ra ít kháng thể hơn mười lần so với tiêm chủng mRNA. Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu Ben Cowling vẫn cho là nên tiêm vaccine Sinovac nếu đó là lựa chọn duy nhất.
Nhưng quốc gia như Thái Lan không đủ sức để từ bỏ hoàn toàn Sinovac. Chính quyền Bangkok ban đầu dự định dựa vào số vaccine AstraZeneca sản xuất trong nước. Việc sản xuất lại bắt đầu quá muộn - và số liều được giao ít hơn nhiều so với lời hứa ban đầu của chính phủ. Thái Lan cũng chậm trễ trong việc đặt hàng vaccine mRNA như một giải pháp thay thế: Một hợp đồng đầu tiên về việc cung cấp 20 triệu liều Pfizer chỉ mới được ký vào thứ Ba tuần này.
*
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét