![]() |
*** |
Hãy
mở cánh cửa sổ căn phòng bạn
ra để hơi nóng mùa khô đồi
Thủ Đức tràn vào.
Nắng
đổ trao trảo ngoài cơi, nắng tướt
lên hiên nhà, nắng đọng trên
ngạch cửa, nắng đốt da người
khô ran ran. Những hàng cây mệt phờ
rũ áo, cỏ triền đồi cháy
trắng hoang ma. Trời Thủ Đức đang
lên cơn sốt giữa mùa hạn.
Đã
có bao giờ bạn đến Đông Hà
vào một buổi trưa nắng hạ? Cảm
giác đó cũng sẽ giống như
lúc này đây, thời gian ngừng
đọng không trôi đi làm người
ta tưởng như lạc vô cõi chết.
Từng đàn quạ bay qua sông Cam Lộ,
mùa gió Lào đốt bóng liêu
xiêu trên dòng nước cạn. Quạ
trắng trong bụi trắng áo não gọi
bên cầu Đuồi, đưa hồn sang
sông. Sang sông. Sang sông. Quạ quạ.
Quạ quạ.
Tôi
đi ngược dòng sông cạn nước,
đi ngược qua cây cầu trắng bóng
quạ, tìm về đây để bắt
đầu câu chuyện của mình, trong
chính thư phòng này, vào một
buổi trưa chuyển mùa hầm hập sốt.
Giang nói, mỗi người tự tìm cho
mình một thời khắc để quay về.
Tôi trở về từ cánh đồng mùa
gió Lào bốc cháy, đem theo hơi
nóng hừng hực lửa của miền Trung
thổi lên ngọn đồi Thủ Đức.
Nông
Lâm. Nông Lâm trong trái tim tôi. Nóng
rực lửa hè.
Tôi
bồi hồi dựng cây cuốc mòn vẹt
vô góc cửa, nước mắt bỗng
dưng muốn trào ra. Mở cánh cửa
cũ kỹ này, bước vô căn phòng
kia, tôi sẽ thấy nàng ngồi đó,
một mình giữa đám cỏ dại
và đống sách cũ bề bộn.
Nàng sẽ ngước mắt lên nhìn
tôi ngỡ ngàng, mình chờ bạn từ
lâu lắm rồi, không ngờ ta vẫn còn
gặp lại nhau. Vẫn còn gặp lại
nhau, âm hưởng đó vang lên không
chút vui mừng mà chỉ là xót
xa. Những người khác biến mất đi
đâu, họ chưa kịp đến hay sẽ
không về cùng? Tôi nhìn vô tấm
gương hoen ố trên tường chỉ
tìm lại được ba chiếc bóng.
Một bà lao công không già không
trẻ, nửa tỉnh nửa điên. Một
gã ghẻ lở đầu đặc bụng
rỗng. Và, một con mọt sách…
què chân (xin lỗi Bắc).
Tôi
ngập ngừng đưa tay vuốt mái tóc
còn cháy khét.
Hơi
nóng trong thư quán nung khê mùi sách
cũ.
Bắc
đang tìm cách phân loại mớ cỏ
dại hái trên đồi. Bắc hỏi
nhỏ điều gì, nhỏ như tiếng
thở, mong manh như tiếng cỏ đong đưa.
Tôi đến ngồi bên Bắc để
nghe nàng nói, chợt đau nhói trong
lòng, vậy mà cứ ngỡ mình đã
không còn biết đau. Cứ ngỡ, mình
sẽ không bao giờ còn gặp lại
nàng.
"Sỏi
có bao giờ nhìn thấy những cái
nốt rễ to tướng, sưng vù như
vầy chưa? Bên trong toàn chứa chất
dịch đỏ như máu. Phải chi bên
phòng vi sinh cho phép sinh viên được
tự do vô sử dụng kính hiển vi.
Bắc muốn tìm hiểu thêm về loài
vi khuẩn cố định đạm trong những
cái đốt rễ này…"
Ơ,
sao Bắc lại nói tới cỏ, tới vi
khuẩn, tới kính hiển vi. Được
rồi, vậy thì mình bắt đầu
câu chuyện từ mấy cái kính hiển
vi.
Tụi
tôi không ai biết rõ bên phòng
vi sinh trước năm 1975 có bao nhiêu cái
kính hiển vi. Sau khi cán bộ miền Bắc
vô tiếp quản, tài sản trường
cứ hao hụt dần đi, những gì lấy
đi được thì người ta tìm
cách lấy đi cả. Hiện nay trong phòng
thực tập chỉ còn trên mười
cái kính hiển vi cũ mốc. Suốt
năm năm đại học, sinh viên được
sờ mó, ghé mắt nhìn vô kính
hai lần, nhưng thường cũng phải chen
lấn nhau đến gần bẹp ruột. Cảm
giác đó thật là tuyệt vời.
Bạn cười chi hè? Không, không
phải cảm giác bẹp ruột mô. Tôi
nói tới cảm giác lần đầu
được nhìn vô kính hiển vi,
một thế giới kỳ lạ đầy màu
sắc bỗng mở ra trước mắt mình.
Tuyệt vời lắm. Nhưng cũng ngắn ngủi
lắm.
Sau
này tôi trở lại Thủ Đức, có
ghé viện nghiên cứu thăm Giang mấy
lần. Phòng thí nghiệm tân tiến
nhất miền Nam của hắn trang bị một
trăm cái kính hiển vi đời mới
nhập từ Tây Âu. Mấy cô nhân
viên xì xầm, giám đốc Giang chỉ
sử dụng kính soi mấy cọng mì
sợi, trưa nào cũng ghé qua phòng
thí nghiệm soi tới soi lui cọng mì.
Tôi đứng ngay sau lưng Giang, ứa nước
mắt gọi. "Giang, Giang…" gọi hoài
mà hắn không nghe. Âm dương cách
trở, phải không Giang?
Nóng
chi mà nóng, hơi nóng đốt ngột
cả thư phòng, nung lưng, nung gáy. Bà
lao công ngồi trả treo trên chiếc ghế
bố. Đầu bà thả vắt trên
thành ghế. Cái chổi đang tuột từ
từ ra khỏi bàn tay thon thả. Tôi
nhướng mắt nhìn nó, chờ hoài
chờ mãi… chờ một tiếng động
giải thoát tôi khỏi cơn buồn ngủ
triền miên. Cuối cùng cây chổi
mới chịu rớt "bộp" trên sàn
nhà. Tiếng động khô khốc làm
mớ tóc bù xù cháy nắng hơi
đong đưa rồi lại im lìm. Khoan đã…
Sỏi… Ở đây có một cái
gì đó không bình thường.
Hình như là… bàn tay thon thả
của bà điên. Một người đàn
bà vừa già vừa xấu lại có
bàn tay thon thả trắng trẻo. Nhưng bàn
tay đã biến mất đi đâu, chỉ
có cây chổi phủ bụi, ai để
nằm từ bao giờ trên sàn. Mọi
chuyện ở đây đều phi lý…
có lẽ vậy. Tôi há miệng ngáp
một tiếng dài mệt mỏi. Tiếng
ngáp oặt ẹo bay đi đụng vô
vách tường gỗ, dội thành một
tiếng "hời…" dài thườn
thượt.
Bắc
mỉm cười, không rõ nàng cười
chuyện gì, nhưng sao ngượng ngùng
chi lạ. Tôi cúi đầu xuống, tự
hứa sẽ không ngáp nữa. Những
hàng chữ trong giáo trình phân loại
thực vật lại đan dính vô nhau,
mắt tôi cứ ríu lại. Bạn nỏ
biết mô, bạn chẳng biết đâu.
Một
người vừa qua giấc ngủ chết chóc
dài lê thê rất lòng khó tỉnh
táo trở lại.
Bắc
cắm cúi soi chiếc kính lúp lên
những đóa hoa. Giọng Bắc dài ra
độc thoại, chìm đuối tận
phương mô. Tôi biết là Bắc
đang đi sai đường, nhưng cứ mặc
kệ, lúc này sai đúng chẳng có
nghĩa chi. Răng mà Bắc cứ bám vô
mấy cái rễ nớ? Cây ni có phải
họ đậu mô. Răng cứ buồn ngủ
dữ hè? Khoảnh khắc thức ngủ cứ
nhập nhằng níu kéo nhau. Tôi cố
nén không ngáp thêm lần nữa.
Ngồi thư viện mà ngáp hoài rõ
ràng là không tế nhị rồi. Tiếng
ngáy ngừ ngừ của bà lao công
vang lên trong góc phòng vắng. Bà
điên ni dễ ngủ chưa tề. Trưa
nóng hừng hực như ri, e mệt nhoài
thiếp đi trong chốc lát, răng mà
ngủ say tới ngáy ngừ ngừ như rứa.
Bắc…
Bắc lại tiếp tục lảm nhảm một
mình. Cái tên "Sỏi" thỉnh
thoảng được Bắc thân thiện
nhắc tới thật ra là một vật đối
thoại vô hình. Đừng có mừng
hụt. Bắc chỉ quan tâm đến đám
cây dại. Và thằng Sỏi chỉ quan
tâm đến chuyện làm sao gật đầu
theo Bắc mà không ngáy. Từ bao giờ
Bắc quan tâm tới môn phân loại
thực vật này, thật lạ, Bắc không
phải là loại con gái siêng học
đến nỗi hẹn tôi lên thư viện
giữa một buổi trưa nắng chang chang. Lần
đầu được Bắc hẹn đi học
chung, tôi mừng tới ngẩn ngơ, đó
là một sự kiện lớn nhất trong
cuộc đời ngắn ngủi của tôi.
Vậy mà… lên đây chỉ để
ngồi ngáp. Bắc chồm qua đập cuốn
sách lên vai tôi, chắc là hỏi
nhiều lần mà tôi không nghe nên
Bắc mới động thủ thô bạo như
rứa.
"Sỏi
không nghe Bắc nói gì sao? Nhờ Sỏi
giúp cho chuyện này. Bắc đã dò
suốt trong họ đậu, cả hai họ
Caesalpiniaceae
và họ Mimosaceae,
không có loài thực vật nào
tương tự. "
Tôi
cười gượng gạo.
"Làm
chi có vi khuẩn trong mấy cái đốt
rễ đó mà Bắc tìm. Mình
đoán, đó chỉ là một trạng
thái biến chứng của bộ rễ để
sống được trong điều kiện đất
xám đồi Thủ Đức. Hôm trước
ra tiệm sách cũ ngoài Thủ Đức,
tình cờ mình có thấy loài hoa
này trong một cuốn sách phân loại
thực vật. Đây là họ Papaveraceae,
một
loại anh túc có chứa chất morphin."
Bắc
giật mình, bó hoa trong tay Bắc run run. Bà
lao công ngồi phía sau cũng hơi trở
mình chồm dậy. Không… không…
chắc tôi lầm, có gì quan trọng
đâu mà thiên hạ giật mình.
Bắc hỏi.
"Họ
Papaveraceae, chứa chất morphin? Thật vậy
sao?"
"Thật
mà. Thằng Rồi hay sang chơi bên trại
nuôi đỉa cũng có kể lại. Tụi
công nhân bên đó trồng cây
này cho đỉa ăn, để tụi đỉa
bớt quậy phá. Tụi nó gọi là
cỏ huyết mỹ nhân,
nghe nói giống hoa này do chủ trại
đỉa đưa từ Afghanistan về rải
khắp đồi Thủ Đức…"
Bắc
chăm chú nhìn tôi, hỏi dồn.
"Cuốn
sách đó còn ngoài tiệm không?
Tiệm nằm chỗ nào?"
"Ơ…
làm sao Sỏi biết được. Nhưng
chắc là còn. Ai mà thèm mua mấy
loại sách đó. Tiệm nằm ngay dốc
nhà thờ."
"Chiều
nay Sỏi dẫn Bắc ra tiệm sách nghen."
Tôi
ngần ngừ gật đầu, vì không
biết làm cách nào đưa Bắc
ra thị trấn. Thường tôi chỉ lang
thang cuốc bộ ra đó, ngồi đọc
sách tới khi tiệm đóng cửa thì
lại cuốc bộ về. Bắc đau chân
chắc không đi bộ được rồi.
Hình như Bắc cũng nghĩ vậy nên
nói khéo.
"Thôi
để dịp khác. Mà Sỏi có
chắc hoa này thuộc họ anh túc không?"
Lại
hỏi nữa. Tôi lơ mơ trả lời
một câu gì đó rồi chìm vô
cơn buồn ngủ thật khủng khiếp.
Chắc hay không chắc cái gì. Cứ
ăn thử rồi biết. Một vùng cháy
đỏ hiện ra trong mắt. Thứ cỏ hoang
đó như ma như quỷ, đói khát
bò đi tràn lan trên triền đồi.
Hồi ban đầu chỉ có vài chòm
lẻ tẻ, mọc khép nép dưới
chân đồi, qua một mùa mưa lan tràn
khắp nơi. Buổi chiều công nhân
trại đỉa sang đồi cắt từng
bao tải mang về nuôi đỉa.
"Huyết
mỹ nhân". Một ngày nắng vàng, cỏ bùng
nở hoa, nhuộm cháy đỏ cả triền
đồi, rực rỡ lạ lùng. Những
đóa hoa nhỏ thanh mảnh vươn lên
lắc lư trong gió. Mùi hăng ngầy
ngật lơ lửng lan man, không bám vô
đâu, không đọng vô đâu.
Đêm đêm len lỏi vô những căn
phòng ngủ chật hẹp u ám. Tụi
tôi là những đứa đầu tiên
hớn hở tóm đám lá non mịn
cho vô nồi. Đám sinh viên đói
khát kinh niên, chỉ muốn nhét hết
mọi thứ vô dạ dày. Cái gì
đỉa ăn được thì sinh viên
cũng ăn được, ăn để mà
sống, sống để mà học cho hết
"Tư bản luận", để mà
phát triển tư duy chống lại hệ
thống tư bản, để chứng minh rằng
chế độ bất công này về sau
sẽ bị đào thải triệt tiêu.
Một điều không tránh khỏi. Một
điều gì đây? Tôi đang ở
đâu đây? Đang nói cái chi
đây? Phải rồi… đói, đói
khát kinh niên, đói khát triền
miên. Tụi vô sản đói rách,
cùng khổ, bần hàn. Những túm
lá mềm mại, đám trái xanh non
vừa bứt khỏi cành tươm sữa
trắng. Tôi với Giang nuốt miếng rau
luộc rồi ói ngược ra, hăng không
chịu nổi. Rồi lại cố nuốt, rồi
lại bò ra ói, cả đêm ngủ
say vật vờ.
Đầu
óc tôi xanh rớt món rau huyết mỹ
nhân. Trong thăm thẳm mịt mùng sương
đêm, tôi tỉnh giấc, bàng hoàng.
Cư xá cúp điện tối đen đúa.
Ánh trăng non nhợt nhạt soi qua tàn lá
liễu. Giang ở giường bên cạnh cũng
vừa lồm cồm bò dậy. Mắt nó
long lanh dại khờ trong bóng trăng. Những
thằng khác cũng lồm cồm bò dậy,
lơ ngơ đờ đẫn. Tôi đổ
vật xuống, đêm lại chìm trong
giấc mơ hồng lâu hoang hoải. Đầu
óc tôi mê loạn. Sinh viên là
những thằng bệnh hoạn, càng đói
càng mê loạn.
Thằng
Rồi đi chơi gái suốt đêm, gần
sáng mới mò về gõ cửa. Cả
phòng nằm im re, không nghe tiếng nó
đập cửa cộc cằn. Anh Bốn bò
dậy mở cửa sổ cho nó leo vô, rồi
đêm sau anh Bốn cũng đi. Họ đi
thâu đêm, ban ngày nằm vật ra
ngủ. Căn phòng tối tăm ảm đạm
thoảng thoảng mùi đàn bà mà
họ mang về. Những cơn mơ lại đờ
đẫn xanh xao.
Đêm
khoác áo thiêu thân, rã rời ảo
ảnh.
Có
lẽ… mọi người đều ghét
nói về cái đói, mọi người
coi khinh nó. Chỉ có những thằng hèn
mạt như tôi mới luôn nghĩ tới
cái đói. Đành vậy. Tôi đói
lắm. Suốt cả cuộc đời mình
chưa hề biết bữa ăn no, cả đến
khi nhắm mắt xuôi tay cũng vậy. Cái
đói vẫn dai dẳng bám theo về tận
thế giới bên kia. Chết trong khi bụng
rỗng, chết trong khi đầu óc đặc
cứng, chết mà chưa kịp thấy hệ
thống tư bản bất công bị tiêu
diệt ra sao. Ôi, ước mơ của thằng
vô sản khốn cùng, đói rách
và… ghẻ lở. Thằng người bị
nhồi sọ chết bao nhiêu lâu thì
những thứ cứng đọng trong đầu
mới tan rã?
Hai
bàn tay co quắp giấu trong túi quần
ngứa ngáy kinh khủng. Hơi nóng ủ
trong lớp vải quần đang cắn xé
những nốt mụn lở. Ráng chút đi.
Ráng không nghĩ đến bàn tay mình,
ráng quên cơn đói và ráng
đừng ngáp. Giáo trình phân loại
thực vật trôi tuột đi dần, những
hàng chữ biến mất.
Không…
đừng lạc đề. Tôi về đây
không phải để than trách gì đâu.
Tôi về đây chỉ để gặp
lại Bắc. Nhưng sao đầu óc mình
đặc cứng như vầy.
Bắc
duỗi cái chân bó bột thẳng đơ
ra phía trước. Tiếng cọt kẹt từ
khung ghế dựa làm tôi giật mình,
suýt nữa thì đập trán xuống
bàn. Tôi rút bàn tay ra khỏi túi
quần vội vàng dụi mắt. Bắc có
đôi chân dài trường túc.
Bắc và cái chân trắng cứng đờ
nhảy lóc cóc trên con đường
trải đá băng qua những quán cà
phê. Bắc là cơn ác mộng của
lũ sinh viên. Bắc là hình ảnh
của cái chết. Bắc là sự thật
về mối hiểm họa chờ chực sẵn
ở đầu cổng trường. Bắc, Bắc.
Lẽ nào…
Tôi
nhéo bắp đùi mình hai cái.
Bạn
sốt ruột lắm phải không? Bạn đang
chửi tôi lạc đề phải không?
Được rồi, để tôi ráng
tập trung kể, để tôi dẫn bạn
đi. Chuyện như vầy… Nhưng mà,
nếu bạn chán thì cứ tắt máy
đi ngủ, entry này có hay không cũng
chẳng quan trọng gì. Tôi kể ra để
cho thiên hạ buồn ngủ chơi, tôi kể
ra để thử sức chịu đựng của
người khác. Cho vui thôi mà. Đời
mình có mấy khi vui.
Đồi
Nông Lâm có đoạn đường
dốc đổ thẳng xuống xa lộ Đại
Hàn, đoạn đường giao thông
huyết mạch của thành phố, xe cộ
đông nghịt ào ào kéo qua. Khủng
khiếp nhất, ám ảnh nhất là
những cái xe tải chở gỗ, chở đá
từ công trường chạy ngang mà sinh
viên gọi là những chuyến xe hung thần.
Rừng điều, cây dại bên đường
mọc lan tràn che lấp mất tầm nhìn.
Hai con dốc cùng đổ vô một điểm
chết, ở một góc bốn mươi lăm
độ, dày đặc tàn cây và
bụi rậm. Sinh viên gọi đó là
ngã ba Tan Thương. Sinh viên miền Trung
như tụi tôi đọc "Tang" hay
"Tan" đều giống như nhau. Tôi
viết Tan theo nghĩa là tan nát, tan tành,
tan vỡ và ly tan. Nếu ai viết Tang theo
nghĩa tang tóc, tang ma thì cũng được
thôi. Tụi đâm đầu xuống dốc
Tan Thương tang tóc chết tan nát thường
là đám sinh viên năm thứ nhất.
Một cô bé ở An Giang, vừa làm
đám tiệc linh đình ở quê ăn
mừng trúng tuyển vô đại học,
vừa bịn rịn chia tay bạn bè lên
thành phố. Đúng một tuần sau, xe
đòn đưa xác cô về lại
trước cổng nhà. Bạn bè không
ai dám tới nhìn mặt, lần không
ai dám quàng vai kề má, chụp hình
chia tay. Cô nằm một mình trong hòm
dị dạng, tan nát, lẻ loi. Nỗi cô
đơn tật nguyền đó kinh khủng
lắm, thật đó, tôi biết rõ
mà.
Ngay
ngã ba có ngôi miếu cô hồn của
dân chúng lập bên lề đường.
Ngôi miếu đổ nát nằm im lìm
trong đám cỏ dại. Đó là
nơi cư ngụ năm này qua tháng nọ
của đám cô hồn sinh viên bất
cẩn, bất hạnh rồi bất thành nhân
dạng. Ban đêm về hiu quạnh não
nùng lắm. Những đứa đầu bò
lì lợm có tiếng, đi ngang qua miếu
mà cũng phải cúi đầu rảo
bước. Bãi đất hoang sau lưng lại
trống trải thê lương dưới bóng
trăng. Ban ngày nơi này là vũng
cày tập sự của sinh viên Cơ Khí
năm thứ ba. Máy kéo Valmet một trăm
mã lực, cày chảo tám tấm, dàn
phay đất sáu lưỡi… hốt bụi
thả bay mù trời. Hai năm trước
đây khoa Cơ Khí có đại tang.
Ba thằng sinh viên năm thứ nhất đổ
dốc trượt vô gầm xe chở đá,
ba thằng từ giã đời sinh viên
ngay cổng trường. Những đứa còn
sống ôm nhau khóc thảm thương tiễn
đưa linh cữu bạn về quê. Tôi
đi theo sau xe đòn, đưa họ tới
tận chân dốc. Không hề biết rằng,
bước thêm một bước nữa, rồi
tôi cũng lên xe về miền hư ảo.
Một
đêm, thằng sinh viên thần kinh nào
đi nhậu về khuya, té bờ té bụi
mần răng mà phát hiện ra tấm
bảng báo nguy. Tấm bảng rỉ sét
treo im lìm trong bụi, từ cái thuở
nào không ai hay. Hàng chữ lở tróc.
"Cẩn…
hận. Đoạn đươn… dốc ễ
gây tai nạ..." Có lẽ, thằng say nổi máu điên.
Hắn gỡ luôn tấm bảng mang về gắn
lên bức tường trước cổng cư
xá B. Phía trên tấm bảng lại
treo thêm xác một con quạ đen. Không
biết nó tìm ở đâu ra con quạ
to lớn dị thường bị xe tải cán
bẹp lép. Lông nó xám ngoét
dính tơi tả trên tấm thân nhầy
nhụa. Cái mỏ vằn vện mở ngoang
ngoác, từ đó thoát ra tiếng kêu
đau đớn cuối cùng. Quạ…….
ạ……. Con mắt bên trên vàng
khè trợn trừng, lòi ra kinh hoàng.
Thằng nghệ nhân treo quạ còn viết
thêm bên dưới tấm bảng hàng
chữ nguệch ngoạc bằng than đen. "Con
quạ này chết vì mù chữ."
Bảy
trăm đứa sinh viên sống trong cư xá
B, buổi sáng đi học ngang qua xác con
quạ đều ngoác miệng cười hô
hố. Lại nữa, có đứa lượm
than bếp, viết thêm vô bên dưới
cái xác con quạ mấy câu đùa
tục tĩu. Sinh viên là những thằng
thích đùa, càng đói càng
đùa dai. Tôi đứng nhìn con quạ,
buột miệng hỏi, cái chết ra sao. Đó
là điềm gở, con quạ cũng là
điềm gở. Mọi sự cảm thông
đều có thể kéo mình vô
bất trắc. Tôi không hề biết, khi
ấy, cái chết đã kề cận bên
mình.
Đàn
quạ trắng kéo mây qua Cam Lộ.
Về vô biên.
Sống thác vô biên.
Về vô biên.
Sống thác vô biên.
Hơi
nóng bám vô lưng, bám vô gáy.
Hơi nóng cào cấu hai lòng bàn
tay mưng mủ. Hàng ngàn con vật gian ác
đang nhe răng cắn xé giữa những kẽ
tay. Nỗi bế tắc cùng quẫn căng
dần lên. Đừng… Đừng mà.
Tôi cắn răng, quai hàm bạnh ra, mồ
hôi chảy dài theo kẽ nách. Không
nghĩ đến nó không được
sao. Tôi không biết nữa. Trời ơi,
tôi đầu hàng đây. Dưới
gầm bàn, hai bàn tay tôi vồ lấy
nhau, cà xát, xoắn xít. Những cái
mụn mủ bể toét ra. Bụp bụp…
những cái bong bóng căng đầy nước
độc, căng đầy tủi nhục. Cảm
giác sung sướng oà vỡ tràn
ngập. Ôi chao! Hoá ra cuộc đời
mình cũng có những lúc sung sướng
ngắn ngủi như ri.
Tôi
ngẩng lên nhìn Bắc cười khoan
khoái. Sướng quá.
Xác
con quạ nằm trên tường tới ngày
thứ hai thì bốc mùi hôi. Tấm
bảng bằng sắt nặng chịch tuột
xuống chân tường. Bảy trăm đứa
sinh viên, mỗi thằng một ngày ra vô
cư xá tối thiểu bốn lần. Chi vị,
hơn hai ngàn tám trăm lần. Mỗi
thằng nhăn mặt bịt mũi phun một bãi
nước miếng lên tấm bảng. Tính
ra, mỗi ngày hơn hai ngàn tám trăm
bãi nước miếng tấp vô chân
tường. Xác con quạ bắt đầu
ráo, lại càng đen đúa, lại
càng bốc mùi ghê rợn. Khoảng
chân tường bên dưới ướt
tươm tướp nước miếng sinh viên,
bắt đầu trổ rêu xanh. Thằng nghệ
nhân treo quạ tỉnh rượu từ khi mô,
hắn chẳng còn nghĩ đến việc
gỡ tác phẩm nghệ thuật của mình
xuống.
Giang
còn nhớ không hè? Phòng 5A của
tụi thằng Nhái Bầu nằm gần cổng
ra vô, cửa phòng lúc nào cũng
mở toang hoang, bỗng nhiên lại la ó
bảo, cần một khoảng không gian riêng
tư êm đềm. Thằng Nhái Bầu
trần trụi nằm trên giường, uể
oải lên giọng.
"Đứa
nào đi ngang đó? Khép dùm tao
cánh cửa phòng. Hôi thấy mẹ."
Thằng
Pháo Lép quần sà lỏn hở mông,
vò cái đầu bờm xờm, đám
gàu bay tứ tán theo tiếng than thở.
"Hôi
như quạ. Ê, đứa mô đi ngang
khép dùm tụi tau cánh cửa?"
Mùi
hôi đâu có ngán mấy thằng
làm biếng, mùi hôi cứ thong thả
đi ra đi vô. Một bầy nằm ngáp
dài cất tiếng chửi loạn xạ. Chửi
cái thằng làm biếng nào đi
ngang không đóng dùm cánh cửa.
Chửi cái thằng cà chớn nào
mang đồ thối tha về treo trên tường.
Chửi con quạ mắt đui đâm đầu
vô xe tải, gây thêm bao tai hoạ. Mà
khoan… chửi luôn dùm mấy thằng
nào nghe chửi mà không lên tiếng
chửi lại.
Thung
nghe chửi rên rỉ.
"Để
tao đóng dùm tụi nó cánh cửa."
Giang
gõ cái muỗng ăn cơm lên đầu
Thung hai cái "cóc, cóc".
"Mi
đóng cửa rồi ai mở cửa dùm
tụi nó?"
Thung
đành lặng im, nằm thở dài nghe
hàng xóm lôi tới tên mình ra
chửi. Một đứa nào đó bên
phòng 5A lớn tiếng hỏi.
"Mười
một giờ chưa hè? Hôm ni tới phiên
thằng mô đi lãnh cơm trưa?"
Mấy
đứa khác thở phào, khoan khoái.
"Ừa,
đứa mô đi lãnh cơm? Đi ra nhớ
khép cửa luôn."
Sinh
viên phòng 5A và cả cư xá chịu
đựng trò đùa dai của con quạ
đến ngày thứ tám, không khí
hình như đã nguôi ngoai. Vậy đó,
biết kiên nhẫn biết chịu đựng,
chuyện gì rồi cũng êm. Đến
ngày thứ chín, cả trường náo
nức chuẩn bị đại hội đoàn
thanh niên cộng sản, toàn thể các
cư xá rầm rộ phát động
phong trào.
"Thực
hiện nếp sống văn minh – Cư xá
sạch đẹp".
Ban
quản lý cư xá B, khi đó, bỗng
dưng, phát hiện ra xác con quạ khô
đép trên tường. Xác nó
được gỡ xuống an táng ngoài
bãi rác. Những hàng chữ đen đúa
trên tường và vũng nước miếng
tập thể được chùi rửa sạch
sẽ. Mấy ông táo, bà táo làm
ổ lung tung ngoài hành lang cũng được
sinh viên mời về chầu trời. Khẩu
hiệu
được
cắt dán treo khắp nơi.
"Văn
minh – Lịch sự
– Tế nhị"
Chiến
dịch rộn ràng lắm, như đám
cưới vậy. Phòng 5A được phân
công, đem treo tấm bảng báo nguy về
đúng vị trí cũ. Tụi ni sẵn
có tư thù với con quạ, nên căm
ghét nhét luôn tấm bảng rỉ sét
xuống gầm giường. Coi như trả thù
những ngày bị đày đọa? Bầu
không khí trật tự, nguyên tắc
lại được thiết lập. Hình ảnh
con quạ thích đùa mau lẹ dễ dãi
lùi vô dĩ vãng.
Đám
sinh viên mới vừa nhập học lại
vui vẻ phóng xe ào ào lao xuống dốc.
Thì vậy... thôi. Đám ma là để
có dịp khóc lóc đưa tiễn
nhau.
Những
mẩu chuyện về tai nạn dần dà hoá
thành chuyện tiếu
lâm. Thung mượn xe đạp anh Bốn
không được bèn nghĩ cách trả
thù. Nó hầm hầm qua cư xá nữ
xin trực ban cho gặp chị Mẫn. Vừa thấy
bóng chị Mẫn ở đầu cầu
thang, Thung vò tai bứt tóc khóc rống
lên.
"Chị
Mẫn ơi, anh Bốn bị xe tông chết dí
ngoài dốc Tan Thương. Xe tải cán
ngang... phần dưới bụng."
Chị
Mẫn hét lên hãi hùng, nhảy té
ba bậc tam cấp, rách môi khâu ba mũi.
Ba ngày không ăn. Ba ngày không nói.
Ba ngày không hôn. Anh Bốn giận quá
chửi luôn.
"Phải
cẩn thận chớ. Lần sau nghe tin anh bị
xe đụng, em cứ thủng thẳng mà
đi."
Anh
Bốn phóng xe ẩu hơn bất cứ đứa
sinh viên năm thứ nhất nào. Mỗi
chiều thứ sáu, anh cưỡi chiếc xe
đạp màu vàng đâm bạt mạng
ra hướng Bình Triệu để kịp
đón chuyến xe đò về quê.
Tôi sợ chết lắm, cả đời chưa
biết sung sướng là gì, nếu phải
chết ngang thì oan ức quá. Có nhắc
nhở anh Bốn thì anh lại cười khà
khà.
"
Bà già tao coi bói rồi. Mạng tao lớn
lắm, không xe nào đụng chết nổi."
Thầy
bói nói vậy mà không sai, anh Bốn
ra trường nhờ thân thế gia đình
chị Mẫn mà làm tới chức cán
bộ tỉnh, chỉ đi xe hơi. Buổi sáng
xe đưa đi họp, buổi chiều xe bí
mật chở đi chỗ khác. Đi đâu
anh Bốn hè? Cái thằng hay nhắc anh
cẩn thận lại không thọ. Ngày ra
chuẩn bị ra trường, xe tải đá
tông nó bẹp xác ngay dốc Tan Thương.
Bạn bè kéo về đốt cho nén
nhang đưa tiễn, khi đó mới biết
họ thương mình. Đồi Thủ Đức
nắng như đổ lửa. Hồn ma về
lại Đông Hà, theo đàn quạ
trắng sang sông. Nhưng đó là
chuyện sau này...
Một
ngày thứ bảy, nắng vàng rợp
triền đồi. Cả đám sinh viên
hân hoan sánh vai nhau về hội trường
lớn tham dự đại hội đoàn
trường. Mọi thứ đều mới, áo
quần mới giặt, tóc mới gội, niềm
tin mới được chà rửa. Tấm
huy hiệu đoàn mới tìm ra, giương
cao ngọn cờ trên ngực áo. Cũng
đành, cái chết không mãi là
nỗi ám ảnh. Người ta chỉ nên
sống để nhìn về tương lai,
sống để ca ngợi và hy vọng. Ờ
vậy mà, vừa qua kỳ đại hội
đoàn, vừa hô vang xong khẩu hiệu,
đùng một cái, Bắc bị tai nạn.
May làm sao, tai nạn mà không chết.
Nhưng kinh khủng lắm. Chiếc xe đạp
và cây cuốc chim bị tám cái
bánh xe tải đá khổng lồ càn
qua bẹp dúm. Tên lái xe bỏ trốn
mất, cũng chẳng ai bỏ công tìm.
Hoa huyết mỹ nhân phủ đỏ quanh chỗ
Bắc nằm. Chẳng ai biết, Bắc hái
thứ cỏ ma này làm chi, chất cả
một đống lùm xùm lên xe. Vào
đúng ngày sinh nhật thứ mười
tám. Hay vào đúng ngày này ba
mươi năm trước là sinh nhật
thứ mười mươi tám.
Tiếng
bánh xe tải nghiến rít xuyên thủng
màng nhĩ tôi. Giang hốt hoảng nắm
áo tôi, kéo chạy băng băng ra đầu
dốc, băng qua đồng cỏ dại um tùm.
Xác Bắc văng ra bên đường,
nằm yên đó, bất động. Khuôn
mặt trắng bệch vô hồn phủ đầy
hoa huyết mỹ nhân. Tôi với Giang vác
Bắc chạy ra trạm y tế, vừa chạy
vừa gào khóc. Bắc nằm trên vai
Giang bỗng mở mắt gọi, ba ơi.
Bạn
à! Bởi vậy mà từ hôm đó
Giang hay đi chơi chung với Bắc, Giang hay chăm
sóc Bắc, chọc cho Bắc cười. Tình
cảm bạn bè chỉ giới hạn vậy
thôi. Còn tôi, cũng hay nghĩ về
Bắc, nhưng là một thứ tình cảm
khác. Nó vô vọng lắm.
Bắc
trở lại trường, mỗi ngày chống
nạn lóc cóc lên giảng đường.
Chiếc bóng què quặt vô tình
trở thành tấm biển báo nguy cho bạn
bè. Cả trường kể về tai nạn
của Bắc, kể về những tai nạn thảm
khốc trước đó. Kể đi kể
lại, nỗi sợ hãi lại bao trùm
dốc Tan Thương. Tụi tôi lại chìm
vô những ngày ám ảnh hoang mang.
Bắc
không đọc sách nữa sao? Bắc đã
muốn về chưa? Bắc chăm chú nhìn
vô góc tường tối trước mặt.
Bộ mặt xanh xao cắt ngang khoảng không
gian nửa tối nửa sáng. Bàn tay Bắc
chống hai bên má. Mái tóc dài
hất ngược về phía sau làm cái
mũi xinh xắn của Bắc nhỉnh lên.
Bắc thường hay ngồi như vậy nhìn
hoài vô khoảng không mông lung, lúc
này, nhìn Bắc giống một đứa
con nít bướng bỉnh hơn là một
cô gái đăm chiêu. Giang chắc đang
ngủ vùi trong phòng ký túc xá.
Nó lắc đầu ngao ngán nhìn tôi
ôm tập đi học. Tôi thèm học
quá, thèm ngửi mùi sách, thèm
nhìn những cuốn sách xếp ngay ngắn
trên kệ. Và cũng vì một lý
do khác nữa, không nói bạn cũng
hiểu mà.
Mắt
tôi ríu lại, mà miệng cứ muốn
hả ra ngáp hoài. Tôi ngồi lơ mơ
bên mép vùng lơ lửng, mắt khép
dần.
Bắc
rủ tôi về. Hai cái nạng gỗ khua
lọc cọc trên hành lang lót đá.
Tôi ngượng ngùng đi tuột lại
một khoảng phía sau. Chắc những người
con gái đẹp như Bắc không bao giờ
muốn đi cạnh một thằng xấu xí
ghẻ lở như tôi. Nhưng Bắc dừng
lại chờ, nụ cười nàng thân
thiện dịu dàng làm sao. Tôi rụt
rè bước lên cạnh Bắc, tôi
đã đi suốt một đoạn đường
dài để trở về đây, để
có được một buổi chiều được
sóng bước bên nàng. Bắc đi
chậm lắm, nàng tự bám thành
cầu thang nhảy lóc cóc, mồi hôi
rướm trên trán. Chắc lại đau.
Tôi giấu tiếng thở dài, đút
sâu hơn bàn tay vô túi quần.
Không. Không. Tôi không dám đưa
tay cho Bắc đâu. Không dám thật
mà, cuộc đời đừng ép tôi.
Dù phải chết thêm lần nữa, tôi
cũng không thể chìa bàn tay ghẻ
lở ra cho nàng. Một đám sinh viên
tan học trố mắt nhìn Bắc. Thầy
Long "gà công nghiệp" đi ngược
chiều, cũng nhìn Bắc ái ngại.
Thầy Long dạy môn gà công nghiệp.
Sinh viên trong trường vẫn quen gọi thầy
cô theo chuyên môn, nhiều khi bậy bạ
thật tức cười. Cô Hà sâu
bệnh, thầy Hải cà chua, cô Thuỷ
ốc bưu, thầy Hoàn tinh bò… Thầy
Long gà vừa đắc cử chức bí
thư đoàn trường trong kỳ đại
hội đoàn vừa rồi. Thầy chặn
đường tụi tôi, đưa tay xoa đầu
Bắc. Thầy nói thật lớn.
"Con
nhỏ bị xe đụng đây phải
không? Phải cẩn thận, phải cẩn
thận chứ. An toàn là bạn, tai nạn
là thù."
Hai
đứa lễ phép chào thầy. Mặt
Bắc đỏ ửng, chắc vì mắc cỡ,
chắc vì cảm động. Tôi thấy
buồn buồn. Răng Bắc tin người như
rứa. Răng thầy phải vuốt tóc Bắc.
Răng thầy phải nói oang oang. Bắc không
phải là con nít. Hai đứa tôi
cũng đâu có bị điếc. Có
phải tai nạn khi mô cũng do bất cẩn
mà ra? Tôi với thầy, kẻ chết
người sống, ai đủ tư cách
biện chứng vấn đề đó?
Bắc
lại chẳng để ý mấy điều
như vậy, lan man nói sang chuyện khác.
"Sỏi
nè. Bắc đã chép xong phần bài
giảng mấy hôm nghỉ bệnh. Đối
chiếu với phần chép của Duyên,
bạn thiếu nhiều chỗ. Bên tập
Duyên cũng thiếu lung tung."
"Mấy
hôm đó trời nóng quá, cả
lớp thi nhau ngủ gục mà."
Bắc
cười nho nhỏ. Chẳng ai lạ gì
chuyện sinh viên ngủ trên giảng đường.
"Mình
đã chép bổ xung bên cạnh cho Sỏi
và Duyên những phần thiếu."
Bắc
không thông minh sáng láng như Duyên,
nhưng Bắc cẩn thận tới độ chi
li. Bạn biết không, tai nạn như con quỷ
cái ranh ma đồng bóng, nó lẩn
trốn ở chỗ mô chỉ thỉnh thoảng
nhảy ra vồ đại một đứa. Và
một ngày nắng loà mắt nó nhảy
ra từ trong bóng tối của những hàng
dương liễu hăm hở vồ lấy tôi.
Chiếc xe tải đá lao ầm ầm xuống
dốc, tiếng bánh xe rít trên con đường
nhựa nóng rát. Suy nghĩ cuối cùng
khi đó là "Bắc", chia sẻ với
Bắc cảm giác kinh hoàng phải đối
diện với cái chết. Những cái
bánh xe khổng lồ nghiến lên thân
thể mình, tiếng gọi yêu thương
chưa kịp thoát trên môi. Vĩnh biệt
bạn bè. Vĩnh biệt đồi Nông
Lâm.
Duyên
ơi! Nhờ Duyên hát tặng thằng Sỏi
một bài, như là đưa tiễn.
Những ngày chia xa biền biệt, mình
nhớ các bạn lắm. Nhớ Bắc. Nhớ
Giang. Nhớ thằng Thung. Nhớ thằng Lũ.
Nhớ tiếng hát của Duyên.
Được đăng bởi Sỏi, vào lúc...
Được đăng bởi Sỏi, vào lúc...
5 nhận xét:
Duyên:
Sỏi
ơi, chuyện ngày xưa nhắc lại thêm
đau lòng.
Phú:
Gửi
các bạn một số thông tin về đời
sống sinh viên hiện nay ở đồi Thủ
Đức.
Trí:
Cái
"cơ chế phức tạp" này là
cái thứ khốn nạn gì mà ngang
nhiên đe doạ mạng sống của thế
hệ này qua thế hệ khác? Thằng
chó đẻ nào đẻ ra nó?
Admin:
Cẩn
thận! Cẩn thận!
Không
chửi rủa, không quá khích, không
xúi dục bạo động.
Diễn
đàn của chúng ta đang bị theo dõi
và tấn công. Từ nhiều ngày nay
ban quản trị phải tìm cách đối
phó với những chương trình lạ
xâm nhập. Dự đoán, trong thời
gian sắp tới sẽ phải đóng cửa
diễn đàn trong nhiều ngày.
Bạn
nào thấy không an toàn xin cứ rút
lui.
Phú:
Mình
vừa về lại đồi Nông Lâm,
định chụp hình vài khóm hoa
huyết mỹ nhân gửi tặng các bạn
ở xa. Nhưng đồi Nông Lâm bây
giờ… ôi thôi, bát nháo, dơ
bẩn, xô bồ, chẳng còn chút gì
lãng mạn của ngày xưa. Hoa cỏ
chẳng thấy đâu, chỉ thấy nhà
cửa ngổn ngang, rác rưởi với xà
bần.
Mình
lên mạng tìm, nhưng không thấy
loài hoa nào tên huyết mỹ nhân,
chỉ có loài hoa tên ngu mỹ nhân,
cũng thuộc họ anh túc, cũng giống
như loài hoa đỏ của đồi Nông
Lâm xưa. Có lẽ, dạo đó bọn
mình đọc chệch tên đi. Có
một truyền thuyết rất lãng mạn:
cỏ ngu mỹ nhân nguồn gốc từ Cai
Hạ, là nơi Ngu Cơ tự vẫn trong đêm
biệt ly đối ẩm cùng Hạng Vũ.
Chỗ máu bà đổ xuống mọc
lên một thứ cỏ hễ có rót
rượu gần bên thì cỏ múa lả
lướt như hình bóng nàng Ngu Cơ.
Người ta gọi cỏ ấy là ngu
mỹ nhân thảo.
Vô
blog của Loan mỹ nhân tìm được
mấy tấm hình ngu mỹ nhân, gửi
các bạn xem cho vui. Vài giây thư
giãn.

He
he! Thằng mập nào đang mơ mộng hái
hoa đây? Thằng Lũ phải không?

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét