Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Ngày con mất Ba

Trang chủ để tang cha 3 tháng, tạm ngưng đăng bài vở và không liên lạc thư từ.
Đau buồn báo tin cùng bạn đọc.
Thu Phương - Lưu Thủy Hương


Khi con trở về, Ba đã ra đi. Không còn chiếc bóng gầy gò đứng đợi con bên thềm, đôi mắt vời vợi yêu thương. Chỉ có linh cữu của Ba sừng sững giữa nhà, nghi ngút khói hương.

Khi đó, con tưởng rằng, nỗi đau khổ lớn nhất của đời mình là phải quỳ trước linh cữu của Ba, mà không ngờ rằng, đó chưa phải là tận cùng của nỗi đau. Dù gì, hình hài Ba cũng còn đây, để con còn được chạm tay vào mặt gỗ lạnh tanh mà gọi "Ba ơi".

Con quỳ bên thềm đưa tiễn Ba. Lễ động quan không kèn không trống, thầm lặng trang nghiêm như những ngày cuối đời từ bi hỷ xả của Ba. Bà con họ hàng, bạn bè thân hữu, chòm xóm xa gần, những thế hệ học sinh, các cháu công nhân lặng lẽ đứng trong vườn nhà, chia sẻ ân tình giờ phút biệt ly. Có ai biết, khu vườn này từ thuở ban sơ, tự tay Ba đo từng tấc đất, đóng từng cái cọc sắt, giăng từng sợi dây kẽm? Có ai biết, mỗi góc vườn, mỗi tấc đất thấm mặn mồ hôi của Ba, in bóng bàn tay Ba? Một ngàn mái đầu thân quen tiễn biệt Ba đó, Ba có nhận ra mọi người không? Hay Ba đang lưu luyến nhìn lại căn nhà lá xiêu vẹo ngày xưa, cánh cửa tre lỏng lẻo chưa buộc xong, cái lò rượu đắp đất sau hè đang sôi quá lửa, mấy chuồng chim hoàng yến ríu rít đòi ăn? Con quỳ bên thềm mơ hồ nhìn thấy những khuôn mặt trang nghiêm, những ánh mắt cảm thương của bà con thân bằng quyến thuộc, nhưng con không thực sự nhận ra ai. Con đành thất lễ với mọi người, trước nỗi đau này mọi nghi lễ xã giao đều vô nghĩa. Những người đàn ông áo đen đưa linh cữu Ba ra sân. Ba ở trong đó, bất động giữa sáu tấm gỗ dày. Ba ở trong đó, cả một cuộc đời ngay thẳng trung kiên, giờ đã xuôi tay. Ai đập hương đèn chát chúa phía sau. Ai nỡ đập hương đèn tống tiễn Ba đi. Con đổ gục xuống thềm, kinh hãi biết rằng, đây không phải là giấc mơ. Đây là giờ phút Ba phải ra khỏi nhà và vĩnh viễn đi xa.

Con dìu em đi theo xe tang, trên con đường mỗi buổi chiều Ba lọc cọc đạp xe chở mật mía về nhà. Trên con đường, mỗi ngày Ba gò lưng tải xi rô sắt đi bỏ mối. Trên con đường, mỗi khi tắt bóng hoàng hôn, Ba đứng lo lắng chờ con đi học về. Mà con thì hay ham chơi, luôn đạp xe về rất trễ. Bao giờ Ba cũng đứng ở đầu ngõ, rạng rỡ tươi cười khi nhận ra bộ mặt hoảng hốt nhễ nhại mồ hôi của con. Không một tiếng trách móc, không một lời răn đe, chỉ có nụ cười yêu thương làm con ân hận mãi.

Con dìu em theo xe tang. Nó cúi gục đầu, đôi mắt thất thần sưng đỏ. Nó không còn nước mắt để tiễn Ba đi. Nước mắt đau buồn của nó đã đổ tràn từ hôm mùng một Tết, khi phải đưa Ba vào nhà thương. Nước mắt tuyệt vọng của nó đã cạn kiệt khi phải tiễn Ba vào phòng hồi sức. Con cũng không khóc. Hai mươi lăm năm xa quê, con đã khóc triền miên trong nỗi ám ảnh phải trở về thắt khăn tang mà không được một lần gặp mặt Ba. Hai mươi lăm năm tha phương con sợ hãi ngày trở về tang thương này, Ba ơi, con đã khóc cạn nước mắt.

Con ngồi bên em trên xe nhà đòn. Nó thẫn thờ cúi gục đầu vì đã cạn hết sức lực. Con cũng không còn đủ sức để ngẩng đầu lên. Bao giờ Ba cũng mong, mấy đứa con gái của Ba luôn biết ngẩng cao đầu mà đi về phía trước. Nhưng Ba ơi, không ai trên đời này có thể bước lên xe đòn, ngồi bên linh cữu cha mình mà còn biết nghĩ đến bản thân. Tụi con chỉ hoảng sợ nghĩ đến một điều, con đường này tiễn Ba đi vào cõi biệt ly. Con đường này, tụi con đưa Ba đi mà không thể đưa Ba về. Cát bụi bay từng lớp mịt mùng. Đưa bàn tay lên, ngỡ một phần thân xác mình cũng sẽ hòa tan vào cát bụi.

Con ngồi bên em nghe tiếng bánh xe nặng nề lăn. Bánh xe lăn trên con đường ngày nào Ba cần mẫn chở từng đứa cháu đến trường. Con chắc chắn sẽ nhận ra bóng dáng Ba, giữa biển người trùng điệp. Ba với mái tóc cắt ngắn và bộ áo quần thầy giáo thanh bạch gọn gàng. Đứa nhỏ ngồi sau lưng Ba có mái tóc sặc sỡ đầy nơ bươm bướm. Giọng nói trẻ thơ trong trẻo của nó ươm nắng trên những hàng cây. "Ông Ngoại ơi, sao con chuột lại thương con mèo nhiều vậy?"

Con để lạc em trong dòng người rải hoa đưa tiễn Ba. Bàn tay con giữ chặt nắm đất, không sao đủ sức thả xuống huyệt phần. Ba nằm dưới đó, tình cốt nhục thiêng liêng, nắm đất này vùi lấp mãi mãi hình hài Ba. Nắm đất này chia rẽ vĩnh viễn hai cõi âm dương. Nắm đất trong tay con mang nặng nghìn thu. Ba ơi, con ngỡ rằng, con đã đi đến tận cùng nỗi đau, khi tự tay mình phải rải đất chôn Ba.

Con để Ba lại trên mảnh đất quê hương yêu thương, rồi khăn gói ra đi. Tình ái quốc thiêng liêng bây giờ còn mang cả hình bóng của Ba, ước nguyện của Ba. Máy bay cất cánh rời phi đạo giữa bóng chiều hoàng hôn. Bên ngoài khung cửa sổ, thành phố nhập nhoạng lên đèn. Thành phố có những con đường Ba dắt con bước đi lẫm chẫm, có những ngôi trường vang tiếng giảng bài của Ba, có mái ấm yêu thương nâng niu con cả một tuổi thơ. Trong tận cùng nỗi nhớ thương, con tuyệt vọng hiểu ra rằng, ngày con trở về sẽ không còn bóng Ba đứng đợi bên thềm, nụ cười vời vợi yêu thương. Trong tận cùng nỗi đớn đau, con hiểu rằng, con đã vĩnh viễn mất Ba.

Berlin, tháng 3 - 2016
Thu Phương - Lưu Thủy Hương

Cả "trường" đều cắt tóc ngắn. Tóc của Ba gương mẫu nhất. 14 tháng 6 -1972

Bộ đồ thầy giáo của Ba, gần suốt 60 năm
Ba chụp hình cho mấy đứa
Ngôi trường nhiều kỷ niệm thân thương của Ba, tháng 9 -1970

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét