Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Thế hệ hậu chiến truy nhận nhau


Tôi đăng lại bài viết của chị Trang Đài ở đây để nghiêm túc tự nhắc mình: còn một việc chưa làm, còn một lời hứa chưa thực hiện, còn một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành. Và cũng để trân trọng cảm ơn chị Trang Đài: tình bạn xa mặt mà không cách lòng.
Chuyện không mới nhưng vẫn lạ, tại sao các bạn văn cứ nghĩ tôi là người miền Bắc.

LTH
Trangđài Glasssey-Trầnguyễn

Mồ Côi cảm thọ Mồ Côi: Thế hệ hậu chiến truy nhận nhau

Dự hay không dự?
Đầu tháng 12, 2014. Tôi mới vượt cạn. Hai mẹ con sém chết vì thằng bé muốn tự mình ‘xuất cung,’ không thèm chờ mẹ rặn, đã đạp mạnh tới bể tử cung. Xe cứu thương chở vào đến phòng cấp cứu thì tôi nói ngay, “OR, please!” (Operation Room – Xin cho tôi vào phòng mổ ngay!) dù cả tháng trước ngày sinh, tôi đã đi bộ mỗi ngày hơn một tiếng để mong có thể sanh tự nhiên không cần phải mổ như hai lần trước. Người tính không bằng trời tính. Tôi đã tận nhân lực, nhưng cũng sẵn lòng theo thiên mệnh vì biết mình... không có chọn lựa khác.
Suốt mùa thu 2014, trong những tháng cuối cùng ì ạch với cái thai khá lớn, tôi đã chuẩn bị bài nói cho chương trình Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam (VHMN) do hai tờ báo mạng Tiền Vệ và Da Màu kết hợp với hai tờ nhật báo Người Việt và Việt Báo tổ chức vào đầu tháng 12, 2014. Đã mang thai lần thứ tư, mà chưa lần nào khổ vầy. Mới tháng thứ hai thì tôi đã bị khó thở, vì có thai dạ trên, cái thai cấn vào bẹ sườn, đứng/nằm/ngồi/đi/thở đều đau. Vì vậy, gần đến ngày Hội Thảo, tuy đã dành thời gian suy nghĩ về bài nói của mình cho cuộc hội thảo và phát triển chủ đề sâu và rộng hơn so với chủ đề tôi gởi cho Nhà văn Nguyễn Hưng Quốc hồi đầu năm 2014, nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng với sự chuẩn bị của mình. Phần vì bị thai hành, cơ thể không lúc nào hoàn toàn dễ chịu để nghĩ cho thấu ý. Phần vì phải lo cho hai con nhỏ, nên tôi cảm thấy mình luôn bị phân tâm, đầu óc không được yên tĩnh để ‘sống toàn phần’ với bài soạn của mình. Sau khi sanh, đầu óc mê man, người đau khắp, lại mất nhiều máu nên hay bị chóng mặt. Tôi lưỡng lự: nên tham gia, hay xin lỗi Ban Tổ Chức?Những sinh hoạt văn chương như vầy vốn ít ỏi, nên tôi quyết tâm đi tiếp. Tôi rất mang ơn Ban Tổ Chức đã thực hiện chương trình Hội Thảo, và cho phép tôi tham gia.

Ngày Hội Thảo đã đến. Đầu tôi còn đầy thuốc mê. Lại vật vờ thiếu ngủ vì chăm sóc bé sơ sinh cả ngày đêm. Tôi cố viết xong bài nói của mình, không kịp đọc lại, thì nhờ chồng chở ra phố Moran. Tôi bấm bụng nhờ Mẹ tôi ở nhà trông ba đứa bé. Chăm sóc cho em bé mới sanh đã mệt. Mẹ tôi còn phải lo cho hai anh chàng rất hiếu động nữa. Nhưng tôi chưa lái xe được, đành phải nhờ chồng đưa đi.
Cũng như khi dự những sinh hoạt chữ nghĩa khác, vừa vào phòng hội thì tôi bắt đầu... run. Toàn những vị lớn hơn tôi, và cũng sinh hoạt chữ nghĩa nhiều thời gian hơn tôi (một là vì họ đã về hưu và có nhiều thời gian để viết lách hơn; hoặc là vì công việc hằng ngày của họ là viết lách, và họ đã viết rất nhiều năm). Chắc không có ai có con nhỏ như tôi, và nhất là mới vừa sanh chưa đủ tháng như tôi. Run thì run. Nói thì cứ vẫn phải nói. Dù sao, tôi được ‘thiên vị’ (chắc vì là người nhỏ tuổi nhất tham gia Hội Thảo), là người ‘bao chót’ chương trình. Đã vậy, sau Hội Thảo, tôi lại được thiên vị lần nữa. Nhà văn Đặng Thơ Thơ đã cho đăng bài nói của tôi trên Da Màu. Chị nói, “Trang Đài ơi, bài của em đã lên mạng, "mở hàng" cho chuyên đề Văn Học Miền Nam. Cám ơn em lắm, chị vừa đọc lại lần nữa và đã nghe nhạc rap.”
Sau phần trình bày của tôi, nhiều vị đã đặt câu hỏi và đưa ra những nhận xét đáng quý. Dù não của tôi đang ở tình trạng nửa tỉnh nửa mê, tôi cũng cố gắng trả lời các câu hỏi, và có lẽ ý tưởng và khả năng diễn đạt của tôi cũng đang trong tình trạng ‘hậu sản.’ Tôi cảm kích những ý kiến và câu hỏi mà cử toạ đưa ra, mà tôi xin trình bày trong một bài khác. Sau Hội Thảo, tôi có một ngạc nhiên, là phản hồi của một người từ phương xa, tận Berlin, và trước đó là miền Bắc Việt Nam. Sau khi đăng bài của tôi lên Da Màu, nhà văn Đặng Thơ Thơ báo tin, “Trang Đài ơi, em đọc thư của nhà văn Lưu Thủy Hương viết sau khi đọc tham luận của em nhé. Nếu có thể thì em viết trả lời cho LTH, Da Màu đang mở Bàn Tròn về "Hậu Hội Thảo." Chúc em năm mới thành công rực rỡ trong dự án nghiên cứu và gia đình vui khỏe, đầm ấm.”
Cảm thọ Mồ Côi
Nghe Chị Thơ Thơ rủ rê, tôi hưởng ứng ngay, dù biết sức mình còn yếu, “Cám ơn Chị báo tin. Em vẫn còn thừa mệt thiếu giờ nên không lên các trang thường xuyên. Em sẽ đọc phản hồi và trả lời cho LTH. Rất cảm kích sự trao đổi của tất cả mọi phía. Bàn tròn Hậu hội thảo là ý kiến tuyệt vời!” Khi đăng ý kiến của Nhà văn Lưu Thuỷ Hương, Toà Soạn Da Màu đã có lời dẫn:
Ý kiến dưới đây của nhà văn Lưu Thủy Hương cho bài tham luận 40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế Hệ Hậu Chiến Khước Từ Thân Phận Mồ Côi của Trangđài Glassey-Trầnguyễn nên được xem như một lời chứng cá nhân cùng nỗ lực khai phá sự kết nối giữa Văn Học Miền Nam với các khuynh hướng sáng tác trong và ngoài nước Việt Nam sau 1975. Nếu nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong bài nhận định của ông khuyến khích những nghiên cứu ngược thời gian về cuộc đối thoại “ngầm” giữa Văn Học Miền Nam và Văn Học Miền Bắc trong thời chiến như “một trong những phương cách thiết yếu để đẩy tới cuộc đối thoại giữa văn học trong nước và văn học hải ngoại hôm nay,” thì Lưu Thủy Hương cụ thể hơn trong cách đặt câu hỏi với Trangđài Glassey-Trầnguyễn: “Ngoài sự ảnh hưởng trực tiếp của nền Văn Học Miền Nam tới nền văn học hải ngoại hiện nay, những nhà văn, nhà thơ ‘hưởng trọn một nền giáo dục XHCN’ như Đỗ Phước Tiến, Lynh Bacardi, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Lý Đợi v.v… có  mang chút ảnh hưởng nào của dòng Văn Học Miền Nam trước 1975 không?” Đây là  “câu hỏi bạc triệu.” Nếu chúng ta khai phá tận cùng câu hỏi này, liệu chúng ta có thể thúc đẩy một cuộc đối thoại tích cực và đa nguyên giữa văn học trong nước và văn học hải ngoại hiện nay, hay chúng ta sẽ thấy rõ hơn những thất bại của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và những hậu quả đã và đang xảy ra cho những người cầm bút đối lập trong nước?
Đây là tâm thư của Nhà văn Lưu Thuỷ Hương,
Thưa chị Trang Đài,
Tôi đọc bài tham luận của chị với cảm giác rất thú vị. Chúng ta cùng sanh ra trên một mảnh đất, trôi dạt về hai phương trời, rồi cùng chảy về một dòng sông. Nhưng chị khác tôi ở chỗ, chị là nhà nghiên cứu, chị hiểu rõ cái dòng sông ấy, hiểu cội nguồn, hiểu những khúc quanh, hiểu những con người đang tắm trên dòng sông (hay bỏ mình dưới dòng nước), hiểu cả những tấm lòng thầm lặng tải nước về sông. Tôi không hiểu nhiều về nó, cũng không biết nhiều nó, tôi chỉ mang trong mình một ý thức, tôi sanh ra và từng uống nước trên dòng sông đó.
Chị cho phép tôi, hỏi chị một vài điều. Chị có nghiên cứu vấn đề: VHMN trước 75 tiếp tục có ảnh hưởng thế nào đối với thế hệ cầm bút sau 75, ở Việt Nam? Hay do bị huỷ diệt mà nó mất đi tất cả ảnh hưởng?
“Tôi cho rằng tuy chúng ta chưa có những nghiên cứu để đưa ra mối liên hệ giữa nền văn học miền Nam và giới sáng tác thuộc thế hệ hậu chiến, nhưng chắc chắn có những sợi tơ vô hình nối kết một nền văn học thất thủ đã đặt nền tảng cho đời sống chữ nghĩa của người Việt hải ngoại,” (trích)
Và, chữ “chúng tôi” nhiều lần chị dùng trong bài, dường như chỉ nhằm vào thế hệ cầm bút lớn lên ở Hải Ngoại mà chị có cơ hội tiếp xúc? Còn thế hệ hậu chiến trưởng thành ở miền Nam, sinh sống ở miền Nam, hưởng trọn một nền giáo dục XHCN? Những nhà văn, nhà thơ hậu chiến mang tư tưởng tự do như Đỗ Phước Tiến, Lynh Bacardi, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quốc Chánh, Bùi Chát, Lý Đợi… có là đối tượng nghiên cứu của chị không? Họ có mang chút ảnh hưởng nào của dòng VHMN trước 75 không?
Tôi hiện không sinh sống ở VN, nhưng tôi trưởng thành ở đó, hưởng “nguyên si” một nền giáo dục XHCN. Cha mẹ tôi là nhà văn trước 75, nhưng bản thân tôi (tuyệt đối) chẳng biết gì về dòng văn học này. Chẳng biết Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Bắc Sơn là ai. Tôi chỉ biết Nguyễn Đình Thi, Anh Đức, Tố Hữu… Cha mẹ tôi phần vất vả lo chuyện cơm áo, phần sợ con mình không giống như cô giáo muốn nên cũng đành để nguyên như vậy. Sau này, qua Đức, khi tập tễnh viết văn được 2 năm, viết rặt giọng hiện thực XHCN, tình cờ đọc truyện “Cũng Đành” của Dương Nghiễm Mậu, tôi choáng váng như bị gõ búa vô đầu. Thức tỉnh. Từ đó tôi tự học. Tôi không học y nguyên cách hành văn của Dương Nghiễm Mậu, nhưng tôi học cách tự mở đường, cách khai phá tâm thức, cách vận động tư tưởng tự do và ý thức hiện sinh của ông ấy. Có lúc từng gặp khó khăn, tôi tìm tới những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu để xem cách ông ấy giải quyết vấn đề ra sao. Tôi định đi tiếp con đường mà Dương Nghiễm Mậu đã mở ra cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng chính ý thức tự do đã kéo tôi vào một con đường khác, một vùng đất khác. Dù vậy, bây giờ tôi vẫn cảm khái nói rằng, tôi là thế hệ hậu sinh của Dương Nghiễm Mậu, tôi là đứa con của dòng VHMN (trong tư tưởng, trong ý thức). Người ta có thể đốt cháy cả dãy Trường Sơn, nhưng không thể giết hết một thế hệ hậu sinh, phải không chị?
Chỗ này tôi viết hơi mạnh tay, vì nghe anh Vương Trí Nhàn than một câu rất dễ mến: “Nay là lúc chúng ta cùng nên gạt những cảm xúc bi lụy ấy đi.” (http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhn-mot-hoi-thao-ve-van-hoc-mien-nam/. Bi luỵ gì đâu, anh Nhàn ơi. Vẫn có những người viết về hiện tại, viết cho tương lai để cảm ơn một quá khứ.
Nếu có dịp, mong chị tạo một bàn tròn cho nhóm văn sĩ trưởng thành trong lòng… “nhân dân” thảo luận với nhau. Nghen, chị. Mỗi “chúng tôi” sẽ có tiếng nói riêng.
Thân mến,
Lưu Thủy Hương
Tôi đọc tâm thư của Lưu Thuỷ Hương với sự trân trọng, với lòng biết ơn, với hưng phấn từ một dòng văn đẹp, với xúc động chất ngất từ những tâm tình gởi gắm trong mỗi chữ mỗi câu. Bức thư đã làm tôi choáng ngợp, như một đứa con mồ côi gặp được anh chị em ruột đã bốn chục năm thất lạc.
Tôi hồi âm cho một người tôi chưa hề gặp, không biết là gái hay trai, không biết chút gì về người đó ngoài một số bài viết trên Da Màu và phản hồi của người đó về bài nói của tôi. Nhưng tôi viết, như viết cho một người rất thân quen tự thưở nào. Gọi là gì bây giờ? Gọi là bạn vậy. Sau khi cho con bú, 3:33 sáng 28.12.2014, tôi nối Tình Mồ Côi từ Quận Cam qua Berlin, từ miền Nam ra miền Bắc:
Xin mến chào, và chân thành cảm ơn những câu hỏi mẫn cảm và tâm tình bao dung của Lưu Thuỷ Hương (xin phép viết tắt là LTH trong phần còn lại).
LTH đề nghị tôi tạo một bàn tròn cho văn sĩ ‘nhân dân.’ Ý kiến tuyệt vời. Chính LTH đã làm điều này, với bức thư của bạn, trên mảnh đất Da Màu. Và như đã trả lời cho Black Racoon, “Tôi tin là nếu có một tác giả khác viết về đề tài từ một góc nhìn khác, black raccoon cũng sẽ cảm thông vì ông vốn là một người đọc đầy thiện chí.” Nên tôi rất mong có những tác giả khác viết về đề tài này qua những góc nhìn khác. Rất cảm kích những trao đổi từ mọi phía.
Tư tưởng tự do không thuộc về một nền văn học nào, mà thuộc về nhân loại. “Câu hỏi bạc triệu” của LTH – tự nó đã là câu trả lời. Nhà văn Mai Thảo nói đến hành trình chung về miền đất tự do của nhân loại (xin xem trích dẫn trong bài) trên hoàn cầu mênh mông. Trên mảnh đất miền Nam, hành trình này – dù có bị gián đoạn – chắc chắn có sự nối tiếp.
Xin nói thêm về hai chữ ‘tôi’ và ‘chúng tôi’ ở trong bài. Trước hết, dù tin vào sức mạnh của cộng thể và những cuộc đấu tranh đại chúng, tôi không nghĩ là bất cứ ai có thể đại diện cho một ai khác. Vì vậy, trong phần 2, tôi nói về kinh nghiệm cá nhân, như một cách hướng tới những điểm chung của những người sinh sau cuộc chiến. Một cách định vị, để tìm một lối vào con đường vạn nẻo. Tôi của sáng hôm nay đã khác với tôi của chiều nay, nên không có một ‘tôi’ và lại càng không có một ‘chúng tôi.’ Chính qua bức thư của mình, LTH đã đưa ra một tiếng nói khác của ‘chúng tôi.’ Xin cho ‘tôi’ và cả ‘chúng tôi’ được nghe thêm.
Tôi nghĩ, nếu có một ai phát minh ra được máy ghi suy nghĩ của con người, thì đó sẽ là phát minh kỳ vĩ nhất. Suy nghĩ đi nhanh hơn vận tốc ánh sáng. Những gì chúng ta ghi lại được và tặng cho nhau (đối với tôi, viết là một hành động trao tặng, dù “…bọn bị hút sạch máu chẳng còn chút hơi thở mà vẫn xì ra được tiếng chửi thề.” LTH, “cõi lang thang,” Da Màu) chỉ là hữu hạn từ cõi vô hạn. Nên, viết là một cách chống chọi lại cái giới hạn – và ngay cả bế tắc – của chữ nghĩa. Những suy nghĩ đi từ não, truyền qua tay, vọng lên bàn phím, biến thành chữ trên màn hình đã trải qua mấy lượt đầu thai. Những điều thật sự muốn nói không bao giờ nằm hết trong những kết hợp trập trùng của 24 chữ cái.
“Văn chương chẳng phải vì kết cuộc, văn chương chỉ đặt ra vấn đề.” (LTH, “cõi lang thang,” Da Màu).
Người anh/chị/em (tới giờ, tôi vẫn không biết LTH bao nhiêu tuổi và gái hay trai) mồ côi của tôi, Lưu Thuỷ Hương, đã hồi âm, với tấm lòng rộng mở, ôm lấy dòng văn học miền Nam và thiết tha với một tương lai phía trước:
Chị Trang Đài mến, cảm ơn trả lời của chị. Từ mấy ngày nay, tôi cứ bâng khuâng vì chữ “tuyệt đối” trong phần phản hồi của mình. “Nhưng bản thân tôi (tuyệt đối) chẳng biết gì về dòng văn học này.” Trên đời này, quả thật chẳng có gì là tuyệt đối, mà cái phản hồi đó tôi viết hơi nhanh (góp ý nhỏ thôi mà). Không ngờ vài giờ sau, nó nằm nghiêm túc trên trang chính, làm tôi suýt lên cơn đau tim.
Nghĩ cho kỹ, còn có một con đường khác đưa tôi và bạn bè đến với dòng VHMN, rất sớm. Đó là con đường âm nhạc. Văn chương thì đốt được, còn âm nhạc thì đốt không cháy. Bất kỳ học sinh trung học hay sinh viên nào thời đó cũng đều biết đến thơ Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư… qua những bản nhạc Áo lụa Hà Đông, Thà như giọt mưa, Ngày xưa Hoàng Thị… Đó là dòng nhạc cấm. Nhưng vì cấm mà nó càng trở nên quyến rũ và đam mê dữ dội. Tôi vẫn còn nhớ đến nao lòng, những đêm tuổi mười tám cùng bạn bè ôm đàn ngồi hát trên sân thượng cư xá sinh viên.
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Như mua đời phất phơ
Chắc ta gần nhau chưa
Dưới bầu trời thênh thang, bạn bè tôi hát cho nhau nghe, hát rất nhỏ, hát bằng một cảm xúc khao khát yêu đương và một cảm xúc gần như là khao khát tự do. Tôi chỉ dám nói “gần như” thôi, vì thuở đó chỉ biết nói như con vẹt: “Không có gì quý hơn…” nhưng xa hơn cái không có gì đó là cái gì gì thì chẳng đứa nào nghĩ tới. Và, dù là sinh viên thời bao cấp đầu óc hỗn độn chuyện cơm áo, mắm muối, thi cử, tôi và bạn bè cũng có chút thắc mắc: những bản nhạc hiền lành đó có gì mà bị cấm, những nhà thơ trong quá khứ đó là ai, chuyện gì đã xảy ra trong quá khứ.
Quá khứ???
Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay ngược trở về hiện tại. Quá khứ tự duy trì chính nó, một cách tự động – và mang một quyền lực vô biên. Sau gần 40 năm tích cực bài trừ dòng văn học đối lập, trên quê hương VN hiện nay, ước chừng có hơn 60 triệu đồng bào và chiến sĩ ta thuộc thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Mùa thu lá rụng bay vào sân em
Chị Trang Đài mến. Vài ý nhỏ tâm sự cùng chị. Nhất định còn có những con đường tự nhiên khác nữa, từ đó mà thế hệ hậu chiến (hai miền Nam Bắc) đến với VHMN. Tôi cũng như chị, hy vọng vào những trao đổi khác. Và tôi cũng hy vọng rằng, ở một điểm dừng trong hiện tại, những thảo luận về quá khứ sẽ mở ra một con đường hướng về tương lai.
Đến đây thì cuộc truy nhận con nhà Mồ Côi của chúng tôi được sự chiếu cố và tham gia của Nam Bình:
Một số văn nghệ sĩ Miền Bắc, họ bảo cái họ có bây giờ ảnh hưởng nhiều từ văn học nghệ thuật Miền Nam. Một thực tế mà ít ai dám công khai trên văn đàn, chỉ trong trà dư tửu hậu. Hai gương mặt nổi trội Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Trọng Tạo lớn lên ở Miền Bắc đã từng ở Huế và báo sông Hương cũng không ngoại lệ.
Tôi đồng ý với Nam Bình. Không ai có thể ‘trói’ hay ‘cấm vận’ văn chương được. Một bài thơ hay tự nó có cách để đến với người đọc. Tôi tiếp lời:
Cám ơn Nam Bình đã tiết lộ bí mật miền Bắc :) cho chúng tôi. Văn chương như dòng nước – có khi chảy ngầm dưới lòng đất – nhưng luôn làm cho cuộc sống được sung mãn trên mặt đất. Và càng cấm thì người ta càng theo, càng tìm, nhất là khi nó hay. VHMN là một phần của văn học Việt Nam, nghĩa là một phần thân thể của một nền văn học nối dài từ văn học truyền khẩu cho đến văn học thành văn. Không ai có thể tách VHMN ra khỏi dân tộc Việt Nam, dù ở Nam hay ở Bắc.
Tôi vừa sinh mổ (chỉ 3 tuần trước ngày hội thảo), nên vẫn còn đang ‘bị’ bác sĩ cho dưỡng bệnh, nên có một cảm nghiệm về những nối kết liên mạch của văn chương qua tâm tình của một người được làm mẹ lần thứ tư. Tôi muốn hỏi LTH, rằng khi bạn ‘choáng váng như bị gõ búa vô đầu’ – thì bạn có cảm thấy mồ côi không? Hay nó là một cú chết để được sống, một nhận thức rung rinh não để thấy được rõ hơn – nếu không nói là được thấy với nhãn quan khác? Tôi ở Việt Nam đã biết mình ‘mồ côi’ văn học, qua Mỹ cũng thấy bị gõ búa như bạn, khi lần đầu lạc vào dòng chảy cuồn cuộn của VHMN, và dù chưa biết bơi, vẫn không sợ mình bị chìm. Như đứa bé mới chào đời, dù chưa biết tự lo cho mình, nhưng chỉ nhờ sữa mẹ mà vẫn lớn ào ào. Tôi đã nuôi con nhiều năm, mà vẫn choáng ngợp với sự thật là một đứa bé có thể lớn khôn trong suốt năm đầu (hoặc lâu hơn) chỉ nhờ sữa mẹ. Nền VHMN cũng cho tôi sự choáng ngợp tuyệt vời ấy.
Lưu Thuỷ Hương hồi âm:
Chị TGT, trước hết xin chúc mừng chị, người mẹ của bốn đứa con cùng những thành quả lớn lao trong suốt quá trình học tập và phấn đấu.
Chị hỏi tôi, cảm giác bị gõ búa vô đầu ra sao. Thưa chị, đó là “một nhận thức rung rinh não để thấy được rõ hơn” như chị diễn tả, cộng với sự đau đớn và phẫn nộ. “Không ai có thể duy trì quá khứ để đưa nó quay ngược trở về hiện tại”. Không ai có thể trả lại cho tôi những năm tháng tuổi trẻ đầy hoài bão và niềm tin. Tôi là loại người chưa bao giờ đứng ngoài lề cuộc sống, chưa từng thả nổi cuộc đời ở những ở những quán cà phê, chưa từng bó gối mong chờ một cơ hội ra nước ngoài. Ở tuổi mười tám, tôi đã biết vác cuốc đi xây dựng nông trường, dầm sương núi dãi nắng rừng, chia với người dân quê từng ngụm nước mưa, từng chén cơm khoai, nuôi dưỡng một tình yêu đồng ruộng đất đai ngút ngàn – đúng nghĩa một sinh viên Nông Nghiệp. Cho đến, những ngày tháng cuối cùng ở giảng đường đại học, lờ mờ nhận ra thứ tình yêu bị lợi dụng, loại lý tưởng giả dối, nền giáo dục bẩn thỉu… Và rồi, lưu vong. Đó là một quá trình thay đổi nhận thức khá dài trước khi bị gõ thêm một búa vô đầu, thành ra tôi không quá bất ngờ để thấy mồ côi mà chỉ thấy phẫn nộ.
Tuy nhiên, tôi rất thích chữ “mồ côi” của chị. Đúng là cách đặt vấn đề thâm thuý của một nhà nghiên cứu. Mồ côi trong ngữ cảnh mất mát, thiếu thốn nguồn dưỡng dục, chỉ là phần mở đầu cho một thảm hoạ. Chị cho phép tôi kể tiếp câu chuyện cổ tích. Kẻ chủ mưu, kẻ thủ ác, kẻ gây ra thảm hoạ mồ côi đó trở thành mụ dì ghẻ. Những đứa trẻ bị ngược đãi, bị bỏ đói, bị tước đoạt tự do và bị đầu độc…
Trở lại chuyện văn chương. Hồi nhỏ, tôi là đứa học trò dốt văn, dốt đặc dốt mù (có người thân, cô giáo và bạn bè cũ chứng giám).Trong mấy đứa con, tôi là đứa mà Mẹ tôi phải dành rất nhiều thời gian để dạy dỗ. Mỗi lần tôi đi thi môn văn là Mẹ lại thấp thỏm lo âu. Cả nhà ai cũng biết, nếu trúng đề thi bình thơ Hồ chủ tịch là tôi rớt… tòm, mặc dù tôi rất yêu thơ, và khi còn rất nhỏ đã thuộc rất nhiều thơ Đường, thơ lục bát. Nhưng mấy thứ văn thơ trong trường học tôi không thấy hay. Mẹ tôi giảng kiểu gì tôi cũng bặm môi lắc đầu, nó không hay. Mà rõ ràng là nó không hay. Làm sao có thể bịa đặt ra cho đầy hai trang giấy thơm tho, khi nó không chạm vào được tâm hồn mình. Cả hai lần thi tốt nghiệp (cấp hai và cấp ba) tôi đều trúng thơ “bác”, cả hai lần tôi đều bị điểm 3. Nhiều người sẽ cho là, chẳng có gì quan trọng, dốt văn mà giỏi toán thì vẫn sống được. Không. Con số 3 đó, sự đàn áp tư tưởng tự do đó, là một phương thức huỷ diệt ý thức phản kháng của một con người ngay từ khi còn cắp sách đến trường. Mấy mươi năm qua rồi, tôi vẫn mang trong lòng mặc cảm học dốt văn, nên rất ít tâm sự với ai chuyện viết lách. Tệ hơn nữa, mỗi khi nghe ai nhận xét tốt về tác phẩm của mình, tôi đều có cảm giác hồ nghi, hoang mang rất thảm hại. Nếu còn sống ở VN, một điều chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn, tôi sẽ không viết văn. Tôi không vô liêm sỉ đến độ có thể đứng chung trong dàn đồng ca, phấn son áo mũ loè loẹt. Tôi lại không đủ tự tin để mang vác ngòi bút tự do và ý thức phản kháng, đi một mình trên con đường đầy tai hoạ. Tôi sẽ im lặng và tránh xa văn chương. Chị có biết không? Viết đến đây, nước mắt tôi trào ra. Đau đớn và phẫn nộ.
Ngày hôm nay, bước ra diễn đàn, kêu gọi sự đối thoại với những người đồng nghiệp trong nước, tôi không ở vào vị trí của kẻ bên kia giới tuyến. Cũng như họ, tôi là một phần của thế hệ hậu chiến “trưởng thành trong lòng nhân dân”. Cũng như chị, tôi là đứa con lưu vong của dòng VHMN. Nói ra điều này, vì không muốn đặt thêm một ranh giới khác bên cạnh vô vàn ranh giới, mà để chân thành đặt một cái riêng vào một cái chung.
Tôi muốn viết nhiều cho LTH, cho những anh chị em mồ côi của tôi từ bốn mươi năm nay, nhưng tôi đã trở lại với công việc đa đoan và với trách nhiệm làm mẹ, nên chúng tôi tạm gác bút. LTH và tôi hẹn nhau sẽ có một cuộc trao đổi chính thức mùa hè 2016, vì LTH đang thai nghén tiểu thuyết đầu tay. Tôi sẽ chờ. Trong tâm tình biết ơn và cộng thông:
Cám ơn những tâm tình sâu thắm của LTH.

Khi biết mình mồ côi, cũng là lúc đi tìm (ra) gia đình. Thế hệ của chúng ta bị tước đoạt rất nhiều thứ. Khi làm mẹ, tôi mới biết, chính con cái là nguồn chữa lành cho những năm tháng mồ côi. Khi LTH tạo ra tác phẩm của mình, thì chính bạn đã đi vào vùng sáng hồi sinh. Xin trân trọng đón nhận những tâm sự buốt lòng của bạn. Chắc chắn lời vàng ngọc của bạn là cửa ngõ cho nhiều người tìm thấy chính mình và thấu hiểu chính cái riêng của họ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét