Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

PHẦN 3: Nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Cộng hòa nhân dân Trung Quốc

Xâm hại tình dục trẻ em ở Cộng hòa nhân dân Trung Quốc bắt nguồn từ một nền văn hóa tối tăm lạc hậu, tư tưởng khinh miệt phụ nữ, ý thức nhân phẩm yếu kém, được dung dưỡng bởi một hệ thống quan lại dâm ô thối nát. Bởi vậy mà suốt chiều dài lịch sử nước Trung Quốc, nạn xâm hại tình dục trẻ em chưa bao giờ được xem là vấn đề nghiêm trọng cần được quan tâm, phòng chống và trừng trị đích đáng.
Tại Tứ Xuyên (Sichuan), năm 2009, một quan chức nhà nước trả 6000 nhân dân tệ để mua dâm một bé gái 13 tuổi. Khi vụ việc đổ bể, hắn trơ tráo khai trước tòa: „Không biết đối tượng dưới tuổi vị thành niên“. Tòa cho hắn miễn án tù, chỉ xử phạt 5000 nhân dân tệ (khoảng 16 triệu đồng VN), thấp hơn cả số tiền mãi dâm. Đối với cảnh sát và tòa án Trung Quốc, theo Bộ luật hình sự đã có từ năm 1997 - điều 360, vấn đề này hoàn toàn hợp pháp: „Quan hệ tình dục với trẻ mại dâm không bị xem là phạm tội khi người đàn ông không biết tuổi đứa trẻ và có sự đồng thuận của đứa trẻ“. Vụ án này đã gây chấn động cả nước Trung Quốc. Như một cơn sóng dữ, những người phản đối đã tràn lên mạng xã hội trút cơn thịnh nộ. Họ gọi đây là lỗ thủng kinh khủng của luật pháp nhằm để lọt lưới những tên tội phạm có chức vụ, có tiền bạc.

Tổ chức Unicef tại Trung Quốc cho rằng, cách gọi truyền thống „trẻ em mại dâm“ cần phải được chấm dứt. Cách gọi này đã cố tình làm giảm nhẹ hành động tội ác ghê tởm của thủ phạm và là một phép khủng bố, bịt miệng nhân chứng. Khi một đứa trẻ từ một nạn nhân bị xâm hại trở thành tội phạm mại dâm, từ một nhân chứng bị xem là kẻ đồng loã, chắc chắn em sẽ chọn sự im lặng. Trên thực tế, không hề có những đứa trẻ dưới 14 tuổi ý thức và tự nguyện hành nghề mại dâm, chỉ có những đứa trẻ bị người lớn cưỡng bức, dụ dỗ vào hoạt động kinh doanh thân xác. Quan hệ tình dục với trẻ em không là một hành vi tính dục như nhiều người cố biện minh, nó chính là một hành vi bạo lực, chiếm đoạt, cưỡng bức, cho nên quan hệ tình dục với trẻ em trong bất cứ trường hợp nào đều là tội ác.
Theo Nicholas Bequelin, Tổ chức Ân xá Quốc tế, các điều luật hiện hành của Trung Quốc không phù hợp với Điều 34 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Điều 34 của Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia thành viên phải có chính sách bảo vệ trẻ em trước „mọi hình thức“ khai thác và lạm dụng tình dục. Trung Quốc là nước đã tham gia ký kết quy ước này.
Các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc lại cho rằng, nạn xâm hại tình dục trẻ em nằm trong cội rễ văn hóa Trung Quốc, từ ngàn năm nay nó di căn qua hàng trăm thế hệ, ngày nay Trung Quốc cần phải có một bộ luật nghiêm minh sát thực hơn bất kỳ quốc gia nào khác thì mới có hy vọng cắt bỏ được khối u ghê tởm đó.
Bất kể những lời cảnh báo và phong trào tranh đấu của các tổ chức bảo vệ trẻ em, các nhà hoạt động nhân quyền - Bộ luật hình sự Trung Quốc vẫn giữ nguyên định nghĩa rất hạn hẹp về tội xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, điều luật chỉ đề cập đến hành vi „một người đàn ông có quan hệ tình dục với một bé gái dưới 14 tuổi, bằng bạo lực, ép buộc hoặc bất kỳ phương tiện nào khác, mà không có sự thỏa thuận của đối tượng“. Sự khiếm khuyết của điều luật này là mối quan tâm của các tổ chức nhân quyền và bảo vệ trẻ em:
- Một “sự thỏa thuận” quan hệ tình dục của trẻ em dưới 14 tuổi là điều không được phép đặt ra.
- Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ giới hạn trong phạm vi có quan hệ tình dục mà còn là hành vi sử dụng các em vào những mục đích thỏa mãn dục tính khác như phim ảnh khiêu dâm, sờ mó, vuốt ve...
- Đối tượng bị xâm hại không chỉ là trẻ em nữ mà còn bao gồm trẻ em nam.
V... v...
Chính điều luật khuyết tật này, tồn tại từ nhiều thập kỷ, đã tạo điều kiện cho nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Trung Quốc gia tăng và bùng phát. Bên cạnh đó, sự thiếu tin tưởng vào hệ thống công lý, khuynh hướng bất hợp tác với cơ quan hành pháp của người dân càng tạo cho tội ác tiềm ẩn nguy cơ biến thành đại dịch.
Ở Trung Quốc, hầu hết nạn nhân và gia đình nạn nhân không muốn hợp tác với cảnh sát, vì bản thân đứa trẻ và gia đình đứa trẻ không hề nhận được sự bảo đảm an toàn và quyền giữ kín bí mật cá nhân từ phía chính quyền và truyền thông. Ngược lại, họ phải chịu nhiều áp lực và bất công, nếu thủ phạm là những kẻ có tiền bạc và chức quyền. Như vụ án tàn nhẫn ở Dinh Khẩu (Yingkou) tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), một bé gái 12 tuổi bị bắt cóc trong suốt sáu năm liền, nghĩa là từ 12 tuổi đến 18 tuổi. Tên tội phạm đã giam cầm và liên tục cưỡng hiếp nạn nhân, sau đó hắn bán nạn nhân cho những gã đàn ông mua dâm. Khi đường dây bắt cóc và mãi dâm trẻ em bại lộ, báo chí được phép xông vào như ruồi nhặng, truy lùng phanh phui những thông tin nhạy cảm của nạn nhân. Nhưng đến khi những kẻ mua dâm bị phanh phui thân thế - đa phần trong số họ là những cán bộ chính quyền thì vụ án lập tức bị đẩy vào bóng tối. Gia đình nạn nhân nhận được một số tiền bồi thường và bị buộc phải „biến mất“ khỏi thành phố. Luật sư bảo vệ nạn nhân bị sa thải. Báo chí bị buộc phải im lặng. Không ai được biết những cán bộ mãi dâm đó bị xử lý như thế nào.
Năm 2013, tại một ngôi làng ở Quảng Tây (Guangxi), đã diễn ra vụ xâm hại tình dục trẻ em tập thể gây xôn xao toàn quốc. Trong thời gian suốt hai năm, một cô bé 13 tuổi đã bị 10 người đàn ông trong làng liên tục xâm hại và tội ác này được cả làng che giấu. Người cha của cô bé vì không chịu nổi nhục nhã, không kiềm chế được phẫn nộ, đã đem vụ việc ra pháp luật. Trước áp lực của dư luận cả nước, 10 tên hung thủ bị tòa án Quảng Tây kết án tù vì tội cưỡng hiếp trẻ em. Tuy nhiên, sau đó nạn nhân và gia đình lại chịu sự nguyền rủa và khủng bố của dân làng. Họ buộc tội cô bé là loại đàn bà hư hỏng, đồi bại, chuyên quyến rũ đàn ông. Họ buộc tội gia đình cô bé đã làm cho những người lao động trụ cột trong gia đình họ phải chịu cảnh tù tội.
Ở các khu vực nông thôn, quan niệm phong kiến lạc hậu cực đoan đối với phụ nữ cộng với ý thức về nhân phẩm quá yếu kém của người dân, đã dẫn đến tình trạng đa số nạn nhân bị buộc phải lựa chọn sự im lặng. Theo People's Public Security University of China, số tiền bồi thường cho mỗi nạn nhân bị xâm hại chỉ vào khoảng 1000 nhân dân tệ (151 Dollar), quá ít so với thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu. Nhưng gia đình nạn nhân vẫn chấp nhận sự giàn xếp khả dĩ này vì thực sự họ cũng muốn cho qua để được sống yên ổn và họ cũng không xem chuyện xâm hại thể xác và nhân phẩm của một đứa con gái là quá quan trọng.
Tại tỉnh Hồ Nam (Hunan), làng Youxia, một thầy giáo đã cưỡng hiếp, làm bị thương và lây bệnh truyền nhiễm cho 23 nữ sinh. Cán bộ nhà trường và cán bộ phòng giáo dục biết rõ sự việc nhưng họ không hề thông báo cho cảnh sát. Tội ác này đã được những người có trách nhiệm che giấu suốt ba năm trời. 18 nữ sinh trong số 23 nữ sinh nạn nhân này thuộc thành phần trẻ bị bỏ rơi. Theo Tân Hoa Xã, nạn nhân trong các vụ bị xâm hại tình tình dục thường thuộc thành phần những đứa trẻ bị bỏ rơi. Có hơn 60 triệu trẻ bị bỏ rơi ở Trung Quốc. Cha mẹ của các em là những người lao động trôi nổi theo công việc, theo hợp đồng, từ thành phố này qua thành phố khác. Các em trở thành đối tượng không phương tự vệ cho các tổ chức mua bán trẻ em và mãi dâm trẻ em.
Cho đến tháng 11 năm 2015, khi bộ luật tố tụng hình sự mới ra đời, với nhiều cải tiến đáng kể, nâng mức án cũ từ (tối đa) 15 năm lên đến tù chung thân hay tử hình, thì quy trình điều tra, giam giữ và tố tụng vẫn như cũ, chìm trong trạng thái lem nhem luẩn quẩn và mang đầy kẽ hở. Trong một số trường hợp, nhà cầm quyền cũng áp dụng án tử hình để tạo ra bộ mặt nghiêm minh của luật pháp và lừa bịp dư luận thế giới. Như vụ tử hình Li Jishun vào năm 2015, được những tờ báo lớn trên thế giới đưa tin. Tại một ngôi làng ở Thiên Thủy (Tianshui), tỉnh Cam Túc (Gansu), từ năm 2011 đến năm 2012, tên thầy giáo tiểu học Li Jishun đã xâm hại và cưỡng hiếp 26 nữ sinh từ 4 đến 11 tuổi. Thực chất, nhưng con tốt thí này đều là thường dân. Số tội phạm có quyền lực tại Trung Quốc vẫn được luật pháp bao che và dung dưỡng.
Đến năm 2017, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, mãi dâm trẻ em, mua bán trẻ em ở Trung Quốc bùng nổ thành đại dịch, chỉ riêng trong một tháng con số đã lên đến hàng vạn. Thống kê của Tòa án nhân dân Thượng Hải cho thấy, trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Tư, đã có 60.000 vụ cáo buộc xâm phạm quyền trẻ em (trong đó bao gồm tội xâm hại tình dục, bắt cóc, bạo hành, hiếp dâm trẻ). Đó chỉ là phần nổi của tội ác, phần lớn các trường hợp phạm tội khác nằm trong bóng tối đã không được công luận biết đến. People's Public Security University of China ước tính, số vụ phạm tội nằm trong bóng tối có thể cao hơn số vụ tố cáo gấp 7 lần.
Tuy nhiên, phong trào tranh đấu chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em chỉ thực sự được ghi nhận và hỗ trợ nhờ vào sự hình thành của phong trào chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ. Tại Trung Quốc, hai vấn đề xâm hại tình dục trẻ em và tấn công tình dục phụ nữ dường như chưa bao giờ tách rời khỏi nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Bởi văn hóa truyền thống Trung Quốc không hề phân biệt phụ nữ hay trẻ em trong vấn đề tình dục. Đối với đàn ông Trung Quốc, giới nữ luôn là đối tượng phục vụ tình dục cho họ, bất kể tuổi tác.
Phong trào chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ khởi đi từ các trường trung học và đại học, do các nữ sinh „con ông cháu cha“ khởi xướng. Họ thuộc về thế hệ phụ nữ thượng lưu mới, sanh ra trong những gia đình quan chức cao cấp, lại là con gái cưng duy nhất. Với chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, những người con gái độc nhất này trở thành hạt giống đỏ, hưởng mọi sự giúp đỡ của gia đình trên con đường công danh. Một thế hệ phụ nữ thượng lưu mới ở Trung Quốc ra đời, họ được đào tạo và hỗ trợ để bước vào chính trường. Nhưng cũng có một thế hệ phụ nữ thượng lưu mới ở Trung Quốc tự nhận lấy trách nhiệm xã hội và tranh đấu.
Phong trào tranh đấu chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ ở Trung Quốc, trong môi trường giáo dục, là một cuộc chiến đầy cam go tổn thất mà các nữ sinh ở Trung Quốc phải can đảm gánh chịu. Tại 70 trường đại học trên toàn quốc, các nữ sinh thông qua các trang mạng xã hội (như Hashtag, #WoYeshi, #MeToo) để kêu gọi sự hiệp thông, chia sẻ, tương trợ cũng như tố cáo. Nhiều tội ác trong trường học bị đưa ra ánh sáng. Trong đó có cả những tội ác đã xảy ra cách đây 20 năm, như vụ nữ sinh viên Gao Yan năm 1998 tự tử, vì nhiều lần bị giáo sư cưỡng hiếp. Một thống kê cho thấy, tệ nạn xâm hại nữ sinh trong các trường đại học đã lên đến mức độ ô nhục: Trong 5000 nữ sinh tham gia khảo sát thì có đến 70% bị tấn công tình dục. Mặc dù phong trào tranh đấu của các nữ sinh trong các trường đại học chỉ diễn ra thầm lặng, ôn hoà và hết sức kiềm chế, nó vẫn bị chính quyền đàn áp dữ dội. Các trang mạng của sinh viên bị công an mạng đánh phá ráo riết. Các chia sẻ bình luận liên tục bị xoá bỏ. Các nữ sinh ủng phong trào bị nhà cầm quyền bắt giữ và cầm tù.
Chính quyền Trung Quốc công khai bày tỏ thái độ thù địch với những người hoạt động nữ quyền trong nước. Nhưng trước sự cấm đoán và đàn áp đó, phong trào đấu tranh chống tấn công tình dục nữ giới vẫn tiếp tục lan rộng khắp các trường đại học và trung học, từ làng quê đến thị thành. Các nữ sinh tiếp tục nhận được sự ủng hộ của thân nhân trong gia đình là những quan chức cao cấp trong chính phủ cũng như được sự ủng hộ của các trang mạng xã hội, các tổ chức nhân quyền thế giới.
Tháng 4. 2018, Bắc Đại (Beida) - trường đại học ưu tú nhất Trung Quốc ở Bắc Kinh - đã ra thông báo: Một ủy ban điều tra và thảo luận về vấn đề tấn công tình dục nữ giới sẽ được thành lập.
Cũng trong năm 2018, phong trào #MeToo lan rộng khắp lãnh thổ Trung Quốc đã tố cáo hàng loạt người nổi tiếng, trong đó có các học giả, các giáo sư đại học, các nhà báo và nhà hoạt động…đã có hành vi đồi bại tính dục đối với phụ nữ.
Khi đó, phong trào đấu tranh chống xâm hại tình dục trẻ em nhận được sự giúp đỡ của phong trào đấu tranh chống tấn công tình dục nữ giới, thông qua các tổ chức và các trang mạng như Girls' Protection Foundation, #MeToo đã có những bước tiến đáng kể. Một số chương trình giáo dục trẻ em chủ động chống lại nạn lạm dụng tình dục đã được đưa vào trường tiểu học (như dự án HOPE của hai sinh viên Wang Xueying và Yang Xihang).
Tháng 7 năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hàng Châu (Hangzhou) và Sở giáo dục Hàng Châu đã công bố điều luật mới tương ứng với Điều 34 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em:
- Nghiêm cấm các giáo viên thể hiện bất kỳ hành vi thân mật nào có "liên quan đến giới tính" với trẻ em, bao gồm học sinh ở trường mẫu giáo, tiểu học và trung học.
- Bất kỳ hành vi tính dục nào được thực hiện đối với trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi sẽ cấu thành tội xâm phạm tình dục, bất kể trẻ vị thành niên có đồng thuận hay không.
Theo luật mới, nhân viên nhà trường buộc phải báo cáo với ban giám hiệu nhà trường trong vòng 6 giờ sau khi nhận được thông tin của học sinh về hành vi tình dục không phù hợp. Đổi lại, ban giám hiệu phải báo cáo các trường hợp cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương trong vòng 24 giờ.
Cho đến nay, các trường học ở Hàng Châu đã có phản ứng rất tích cực với các điều luật mới. Một phát ngôn viên của trường quốc tế Hàng Châu cho biết họ sẽ làm cho các ngôi trường trong thành phố trở nên an toàn hơn, mặc dù để có được kết quả như mong muốn sẽ mất nhiều thời gian. Nhưng, "Tôi nghĩ rằng, trong một vài năm tới, sẽ có một sự thay đổi lớn“ - phát ngôn viên trường quốc tế Hàng Châu lạc quan chia sẻ.
Năm 2018, chính ngành giáo dục Trung Quốc là nơi đã đốt lên ngọn đuốc đầu tiên, soi sáng vùng bóng tối tội ác bao phủ xã hội từ hàng thập kỷ nay.
_________________
https://www.bbc.com/news/world-asia-china-23628090
https://blogs.unicef.org/…/how-the-ninth-amendment-to-the…/…
https://www.loc.gov/law/help/child-rights/china.php…
https://www.economist.com/chi…/2016/…/25/a-horror-confronted
https://edition.cnn.com/…/china-sexual-harassmen…/index.html
http://german.china.org.cn/…/2018-06/05/content_51679104.htm
https://www.zeit.de/…/china-sexuelle-belaestigung-universit…
https://www.rnz.de/…/gesellschaft_artikel,-Gesellschaft-Wie…
http://german.china.org.cn/…/2016-06/15/content_38674314.htm
https://www.welt.de/…/Schuelerinnen-vergewaltigt-Todesstraf…
https://www.hrw.org/…/world-re…/2019/country-chapters/325974

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét