Thứ Tư, 26 tháng 6, 2019

PHẦN 2: Nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Cộng hòa dân chủ Đức

„Sexueller Kindermissbrauch passte nicht ins Bild des sozialistischen Vorzeigestaates".
Xâm hại tình dục trẻ em là chuyện không phù hợp với bức tranh của một nhà nước xã hội chủ nghĩa gương mẫu.
„Auch in den Familien regierte das Schweigen. Nach außen muss das Bild der heilen sozialistischen Familie gewahrt werden".
Ngay trong gia đình, sự im lặng cũng ngự trị. Hình ảnh bề ngoài của một gia đình xã hội chủ nghĩa lành mạnh cần được bảo vệ.
*
Xâm hại tình dục trẻ em ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức (gọi tắt là DDR) từng là một đề tài cấm kỵ mà người dân trong nước không ai được phép nói đến. Những đứa trẻ bị xâm hại tình dục trở thành nạn nhân không lối thoát của một hệ thống bạo lực khép kín. Hai mươi tám năm sau khi bức tường bị sụp đổ, chỉ một số ít những nạn nhân từng bị xâm hại (dưới sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội) mới đủ can đảm lên tiếng tố cáo. Số đông các nạn nhân khác vẫn tiếp tục sống trong sự im lặng đọa đày và nỗi sợ hãi khốn cùng.

Ngày 10 tháng 6 năm 2017, Ủy ban thanh tra độc lập về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ở DDR - do các giáo sư trường đại học và các tiến sĩ xã hội học, tâm lý học điều hành - đã công bố kết quả nghiên cứu về nạn xâm hại tình dục trẻ em ở DDR. Bản tường trình dài hơn 100 trang, bao gồm những thông tin, chứng cứ, biên bản, văn bản các phiên điều trần cũng như lời tố cáo của nạn nhân. Công trình điều tra của Ủy ban đã phơi bày một sự thật kinh hoàng: nạn xâm hại tình dục trẻ em ở DDR không là những trường hợp phạm tội riêng lẽ, nó là cả một mảng tội phạm mang tính hệ thống và có tổ chức. Bên dưới tấm màn chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt và lành mạnh, những tên tội phạm tình dục trẻ em đã được bao che dung dưỡng. Trong khi đó, những đứa trẻ nạn nhân bị bịt miệng đẩy vào bóng tối. Mọi sự phản kháng của nạn nhân đều bị bẽ gãy bằng bạo lực và người ta dạy cho chúng hiểu „thế nào là sự im lặng ngoan ngoãn“.
Xâm hại tình dục trẻ em bắt đầu từ trong bóng tối ghê rợn của gia đình. Những đứa trẻ trong những gia đình mang bộ mặt tử tế, hạnh phúc bị chính cha ruột xâm hại với sự đồng lõa của mẹ ruột, sự bao che của nhân viên hội chăm sóc trẻ em, sự trợ giúp của cảnh sát… Như các trường hợp: Rita B, Tatjana R, Eva T, Uta T… bị chính cha ruột xâm hại nhiều năm. Những thành viên trong gia đình dưới áp lực của các tổ chức xã hội và đoàn thể, họ chấp nhận quy luật im lặng để giữ gìn bộ mặt văn hoá của một gia đình xã hội chủ nghĩa, theo đúng điều lệ của Bộ luật gia đình.
Khi Rita B cầu cứu người mẹ, chính người mẹ này đã đóng cửa phòng để mặc cho chồng mình xâm hại con gái. Khi Rita tố cáo cha với nhân viên hội bảo vệ trẻ em, chính hội bảo vệ trẻ em đã buộc tội cô nói dối. Khi Rita bỏ nhà trốn đi, cô bị cảnh sát hỏi cung và đưa vào trại giáo huấn. Ở trại giáo huấn, hằng đêm cô bị nhân viên trại và các thành viên trại cưỡng hiếp. Không chấp nhận thực tế đồi bại, Rita tiếp tục hành động phản kháng, tố cáo đích danh hiệu trưởng, người đã tham gia cưỡng hiếp cô. Rita bị kết tội nói láo và bị nhốt vào xà lim. Trong xà lim, Rita không chỉ bị cưỡng hiếp mà còn bị bạo hành. Sau hai năm bị giam cầm, „đứa con gái ngoan cố“ suy sụp hoàn toàn. Khi được trả về gia đình, mọi sự phản kháng của Rita đã bị bẻ gục. Ở tuổi mười bốn, Rita trở thành cái xác mục rỗng. Cánh cửa gia đình xã hội chủ nghĩa gương mẫu vừa khép lại, trong bóng tối người cha tiếp tục cưỡng hiếp con gái ruột vừa mãn hạn tù đày.
Nora Krauel là một trường hợp của trẻ bị bỏ rơi và bị xâm hại. Mẹ cô bị bắt bỏ tù vì tội không tham gia bầu cử. Cha cô bị bỏ tù vì tội tìm cách trốn sang Tây Đức. Vì không còn người nuôi dưỡng, Nora phải đến ở nhà cậu ruột. Người cậu này là nhân viên của Bộ An Ninh (Stasi), hắn đã lợi dụng ngay cơ hội để cưỡng hiếp cháu gái. Nora báo cáo sự việc cho Sở thanh thiếu niên và trốn khỏi nhà. Đó là sai lầm mà Nora phải nhận lấy hậu quả khủng khiếp. Nhân viên Stasi nhanh chóng tìm ra Nora đang lẩn trốn ở Berlin, họ bắt cô đưa đi bệnh viện phụ khoa (thực chất là trại hành xác phụ nữ). Nora bị chuyển từ bệnh viện này sang trại giáo huấn khác, liên tục bị xâm hại, cưỡng bức, hành hung bằng nhiều hình thức kể cả bị trói chân tay, bị biến thành đối tượng thử nghiệm các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Ronald F là trường hợp „hạt giống đỏ“ bị xâm hại tình dục. Ông nội của Ronald là quan chức trong Đảng Cộng Sản. Cha của Ronald thuộc tầng lớp công nhân ưu tú, thường xuyên rao giảng cho con cái những điều tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mười hai tuổi Ronald sớm giác ngộ và chọn con đường cống hiến cho tổ quốc. Ronald đăng ký chương trình huấn nghiệp ba năm để được tôi luyện thành người công nhân ngành đường sắt quang vinh. Suốt ba năm thực tập làm nhân viên kiểm soát vé xe lửa, Ronald liên tục bị người điều hành chương trình hướng nghiệp cưỡng dâm, bạo hành. Mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, tủi nhục đã hủy diệt lòng tin của Ronald ở tuổi mười hai.
Xâm hại tình dục trẻ em ở DDR nằm ở mọi tầng lớp, nhưng đối tượng chính vẫn là con em các gia đình thường dân, các trẻ em không gia đình, các trẻ em sống trong trại nuôi dưỡng thanh thiếu niên hay là trại giáo huấn. Thủ phạm bao gồm nhiều đối tượng, từ chính cha mẹ của đứa trẻ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, nhân viên trại nuôi dưỡng trẻ, y tá bác sĩ, cho đến bạn bè cùng trường, cùng trại. Tất cả đều là người quen của nạn nhân. Trong một xã hội công an dày đặt, kiểm soát mọi hoạt động của người dân, nạn tấn công tình dục lại ít xảy ra từ những đối tượng xa lạ. DDR khi đó mang bộ mặt của một xã hội không có tội ác, không có bạo lực đường phố và không có tệ nạn mại dâm - mãi dâm.
Chỉ sau khi bức tường sụp đổ, người ta mới biết, mại dâm trẻ em được thực hiện ngay trong gia đình, ngay trong vòng quen biết. Đó là trường hợp của Anna A. Không những bị cha ruột xâm hại, Anna còn bị mẹ bán cho khách. Cô bị mẹ nhốt dưới hầm nhà cho khách quen mua dâm. Cô bị mẹ chở bằng xe hơi đi bán dâm khắp nơi trong thành phố. Thường thì người mẹ để con gái lại trong xe cho khách xâm hại rồi quay lại lấy tiền. Có lúc, khách là chỗ quen biết, hắn mua dâm trên xe rồi chở cô bé đi bán tiếp chỗ khác.
Như tất cả những nạn nhân nhỏ tuổi khác, Anna bị buộc phải giữ im lặng và tuân phục. Những đứa trẻ phản kháng, tìm cách lột cái mặt nạ đạo đức gương mẫu của một gia đình xã hội chủ nghĩa, đều bị đưa vào trại giáo huấn.
Ở DDR có khoảng hơn 600 trại giáo huấn và nuôi dưỡng trẻ em. Chúng có nhiều tên gọi. Những cái tên tưởng như là mang tính giáo dục hay hướng nghiệp: Trại trẻ em bình thường, Trại trẻ em đặc biệt, Trại luân chuyển, Trại thanh thiếu niên, Phân xưởng thanh thiếu niên… Thực chất đây là một sự phân loại dựa trên tính kỷ luật nghiêm khắc và mức độ bạo lực của trại: từ cách ly, giáo huấn đến giam cầm, trừng trị, hành hùng, cưỡng hiếp. Trẻ em bị phân loại đưa vào trại nào là dựa trên mức độ cứng đầu, mức độ phản kháng, mức độ đào thoát... của mỗi đứa. Ở các trại này, trẻ em bị buộc phải lao động, rèn luyện kỷ luật, trau dồi những kiến thức bắt buộc, học cách phục tòng và giữ im lặng, chịu đựng bạo lực và xâm hại. Như trong những nhà tù khắc nghiệt bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, trẻ em vi phạm điều lệ trại sẽ chịu giam trong xà lim từ 2 đến 12 ngày.
Chính quyền Đông Đức dưới áp lực của khối XHCN, bằng mọi giá phải vượt qua người anh em Tây Đức. Nhưng trên thực tế Đông Đức thua Tây Đức về mọi phương diện: công nghiệp, kỹ nghệ, kinh tế, giáo dục, y khoa, thể thao… Cái mà Đông Đức có thể rầm rộ phô diễn chỉ là một bộ mặt xã hội lành mạnh, đạo đức với những gia đình hạnh phúc, những con người hạnh phúc. Bộ luật gia đình của DDR, vgl.§3, Satz1, quy định: „Nhiệm vụ của người làm cha mẹ là phải nuôi dạy nên những đứa trẻ mạnh khỏe vui tươi, có năng lực ở mọi phương diện, tích cực xây dựng xã hội chủ nghĩa“. Và nhiệm vụ này luôn phải đi đôi với „sự tin tưởng hợp tác với các tổ chức xã hội và nhà nước“. Các tổ chức xã hội và nhà nước này cũng có nhiệm vụ song phương là tước đoạt mọi quyền riêng tư của một gia đình, giám sát chặt chẽ những biểu hiện chống đối, cưỡng bức các thành viên trong gia đình phục tùng mọi chủ trương của nhà nước.
Cho đến khi bức tường sụp đổ, sự thật kinh khủng về tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em có hệ thống, có tổ chức ở DDR mới được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên con số những nạn nhân muốn lên tiếng và có khả năng lên tiếng vẫn là quá ít ỏi. Phần lớn số nạn nhân bị xâm hại tình dục một thời gian dài đều rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng, mà chính bản thân họ không còn tin tưởng vào bất kỳ một thứ công lý nào. Nghiện ngập, ma túy, thất học, thất nghiệp, khủng hoảng tâm lý, rối loạn kỹ năng sống, mất nhận thức, trầm cảm, điên loạn… là số phận của những nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục trong suốt một thời gian dài, kèm theo những tổn thương về thể xác: suy giảm thị lực, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, suy yếu nội tạng, tổn thương bộ phận sinh dục, vô sinh… Họ cần được giúp đỡ để sống tiếp quãng đời bi thảm còn lại. Sự giúp đỡ dồi dào của nhà nước Đức thống nhất dành cho các nạn nhân DDR có thể kể ra: điều kiện tiếp cận hồ sơ cá nhân, chương trình dạy nghề, các chế độ điều trị y tế và tâm lý, tiền bồi thường, tiền cân bằng thiệt hại, chính sách về hưu sớm… Tuy nhiên các nạn nhân đều cho rằng, không có sự trợ giúp xã hội nào, sự bồi thường vật chất nào có thể đem lại cho họ phần đời đã mất. Cho nên, cái họ cần hiện nay là một hỗ trợ về pháp lý để họ thực sự được công nhận là nạn nhân của một chế độ, được minh oan và trả lại giá trị nhân phẩm.
Nhưng, Bộ luật hình sự cứng ngắt, hệ thống giấy tờ bị cho là quan liêu của nhà nước Đức thống nhất đã không thể trả lại nhân phẩm cho nạn nhân, khi mà nó không đưa được những tên tội phạm ra trước vành móng ngựa.
Điều § 176 Bộ luật hình sự Đức quy định: thời hạn truy tố tội xâm hại tình dục trẻ em là 10 năm, sau 10 năm nạn nhân mất quyền khởi kiện và nghi phạm cũng được miễn truy tố. Chính kẽ hở này đã để lọt lưới gần như toàn bộ những tên tội phạm xâm hại trẻ em ở DDR. Bên cạnh đó, những nạn nhân vào thời điểm bị hại còn quá nhỏ tuổi, sau một thời gian dài bị khủng hoảng tâm lý và suy nhược thần kinh, lời khai của họ thường bị tòa án đánh giá là thiếu tin cậy. Không nhân chứng, không bằng chứng, không có giám định pháp y… nghĩa là không có cả sự hỗ trợ của pháp lý.
„Chính chúng tôi mới là những người chịu bản án tù chung thân của số phận, còn bọn tội phạm thì không sao cả.“ Trích lời Nicole R, một nạn nhân của nạn xâm hại tình dục trẻ em tại DDR.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét