Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Chương 30: Cô Năm blog - Đường qua Mũi Móng Chim

Chào quý bằng hữu!
Từ khi theo Nặc Tử vượt qua cánh đồng lau đỏ thì ngã cũng mất luôn liên lạc với Ảo Giới bên ngoài.
Bây giờ tới Hoả Sơn, ngã mới truy cập lại được đường vô diễn đàn cũ, kể tiếp cuộc hành trình của ngã với Nặc tử vô Chốn Manh Động.
Trước tiên ngã gửi cái bản đồ Chốn Manh Động vô đây cho quý bằng hữu coi, âu cũng là để mọi người tiện theo dõi cuộc phiêu lưu phong ba bão táp của ngã.

bando

*


Lại kể tiếp theo cái entry "Password Cánh Đồng Lau Đỏ".
Đúng một tuần trăng sau, ngã với Nặc tử chuẩn bị lên đường. Thương thế Nặc tử tuy đã bình phục tám phần, độc trùng đã tiêu tán hết, nhưng nội công vẫn còn chưa vận chuyển điều hoà. Tình hình bức bách không chần chờ được nữa nên Nặc tử vẫn quyết định khởi hành. Ngã đưa Nặc tử ra chợ Thổ Ty tìm mua hành lý. Lúc ngã hỏi lo chuyện tiền bạc thì nó xua tay:
– Bà Năm đừng lo gì. Tiền bạc đã có Đường Sơn đại gia chi trả hậu hĩnh.
Ngã nghe vậy thì lần ra bờ sông tìm ông Xảng để chia tay. Ông Xảng là người chèo đò qua thung lũng Nhiêu Khê, thường đưa ngã về Tà Không bốc thuốc cho người trong bản. Ngã đi lần này, lành ít dữ nhiều, không biết có còn trở lại đây không. Cho nên ngã nhờ ông Xảng chèo đò về Tà Không đưa mấy toa thuốc cuối cùng cho người bệnh quen của ngã ở đó.
Bây giờ là đầu tháng ba âm lịch, Thổ Ty đang giữa mùa xuân, hoa đào nở trắng xoá dọc thềm suối xanh. Hai bà cháu đeo hành lý, đứng bên nhau nhìn lại lần cuối khung cảnh êm đềm của Thổ Ty. Nặc tử an ủi ngã:
– Bà cháu mình đi thôi. Nhất định sẽ có ngày mình về lại Thổ Ty. Từ đây tới cánh đồng lau đỏ mất khoảng nửa tuần trăng. Nếu không gặp địch quân, hy vọng qua Tết Đoan Ngọ mình kết nối được vào Đông-Tây link, từ đó có thể tìm ra đường về thành Y Bêi.
Ngã không nén nổi, hồi hộp hỏi ngược lại:
– Còn nếu gặp địch quân thì sao?
Nặc tử trả lời dứt khoát:
– Thì bỏ mạng ở đó. Đường tới Chốn Manh Động mấy tháng trước đã bị phong toả rất ngặt nghèo, tình hình này lại càng nguy hiểm thập phần. Bà cháu mình cố gắng vượt qua thung lũng Đá Tai Mèo thì vào tới địa phận của Trừng Giới Trại.

*

Ngã với Nặc tử vượt triền núi phía đông theo đường dẫn qua thung lũng Chàm Trổ đi về động Hoa Sương. Càng rời xa Thổ Ty, rừng mộc miên càng thưa thớt dần, thay vô đó là loại thông già cỗi sống bám trên vách đá. Mây trên núi cao bay ngang tầm tay như sương khói, mây vắt ngang qua những tàng thông già như giăng tơ. Cửa động Hoa Sương cũng chìm đắm trong sương trắng bồng lai. Hai bà cháu men theo đường Đá Nẻ, vượt qua Hoa Sương, xuống tới lưng chừng núi. Nặc tử tìm được một hang đá nhỏ, bên ngoài dây leo chằng chịt. Loại dây leo này mùa tháng ba đơm hoa trắng như sữa lại thơm lạ lùng. Hang rộng khoảng ba thước, vô sâu năm thước thì hẹp dần, bên trong tuy tối tăm nhưng khô ráo. Hai bà cháu ở lại hang đá nghỉ ngơi một ngày dưỡng sức, chờ đêm xuống. Nặc tử nói:
– Qua đêm nay là một ngày khác. Qua cánh đồng lau đỏ là một thế giới khác.
Mặt trời vừa khuất sau chừng núi, ngã với Nặc tử lại lên đường. Qua đoạn đường đá cuội trắng dẫn xuống chân núi, quẹo sang vách đá mé bên tây, cánh đồng lau đỏ đột ngột hiện ra dưới bóng trăng. Sắc hoa lau đỏ như mào gà. Cánh đồng nằm dưới chân núi như vũng máu khổng lồ đỏ sẫm dưới ánh trăng. Nặc tử đứng sững lại, đẩy ngã nép vô vách đá, nó thì thào:
– Mình phải đi qua cánh đồng này trước khi mặt trời lên.
Ngã định hỏi, tại sao, nhưng Nặc tử đã lôi ra một sợi dây đai bản to cỡ ngón tay cái, nó nói:
– Bà Năm cột chặt sợi dây đai này ngang lưng, bám sát theo tiểu bối. Không nghe, không thấy, không phản ứng gì. Chỉ đi về phía trước. Đi càng nhanh khỏi chỗ này càng tốt.
Thấy ngã ngần ngừ, chưa hiểu hết, nó sốt ruột thì thào nói thêm:
– Cánh đồng này đầy những oan hồn. Tiểu bối cũng không rõ ai đưa bọn chúng vào đây, nhưng, cho dù kẻ chủ mưu là ai đi nữa thì mục đích của họ cũng là mượn âm binh để cản đường. Những kẻ xâm nhập đồng lau bị hồn ma bắt đi lại hoá thành hồn ma, kẻ trước người sau bị giam giữ trong đồng lau, cứ càng lúc càng đông dần, càng đói khát, càng mưu mô. Bà Năm phải bịt chặt hai tai, nhắm kín mắt lại, bươn về phía trước mà đi. Dừng lại một bước là mất mạng liền.
Ngã nghe nó nói vậy mà sởn tóc gáy. Mặt Nặc tử xanh lè dưới bóng trăng, như quỷ nhập tràng. Nó cột một đầu sợi dây đai ngang bụng, một đầu đưa cho ngã. Ngã cũng lật đật cột dây ngang bụng. Nặc tử thở dài gật đầu:
– Bây giờ, có chết cùng chết. Bà Năm cố tĩnh tâm gạt bỏ hết tạp niệm để đi qua chốn a tỳ, đừng để ma quỷ quyến rũ lôi kéo mà mất mạng. Tất cả những thứ trong đồng lau đỏ chỉ là ảo giác. Thứ ảo giác mê hoặc giết người.
Ngã gật đầu:
– Được, ta sẽ gạt bỏ hết tạp niệm, cứ thẳng bước mà đi, không nghe, không thấy, không phản ứng gì.
Nặc tử cột dây đi trước, ngã bám theo nó vạch cỏ lau tiến vô đồng. Trăng rải bóng vàng trên ngọn hoa đỏ, nhạt nhoà dần, không gian chìm trong màn sương xám lãng đãng lơ mơ. Ngã cúi đầu rảo bước, vận hết nội công kiềm chế cảm xúc.
Sương.
Sương lãng đãng.
Mông lung.
Gió thổi sương qua đồng cỏ lau.
Gió thổi hoa đào rơi bên bờ suối.
Cao Nguyên. Cao Nguyên. Bao nhiêu là oán sầu, bao nhiêu là kỷ niệm. Tiếng quạ kêu đau thương thảng thốt dưới chân đồi.
Ai đó vỗ lên vai ngã. Ngã giật mình quay lại thì nhận ra người quen. Bà già này quen. Bà già bỏm bẻm nhai trầu, nói êm ru:
– Chừng nào qua khỏi chân đèo, cô Hai đánh thức tui nghe. Qua chân đèo là tui xuống xe. Con gái tui ở thôn Dambri.
Ngã gật đầu, bồi hồi hỏi:
– Còn chàng Ngưu ở đâu?
Nước trầu đỏ thẫm ứa ra hai bên mép bà già. Bà già quẹt tay áo ngang miệng.
– Ở đằng kia.
Mộ chàng Ngưu nằm đó, thân xác chàng Ngưu nằm đó, tuổi mười chín như lộc xanh. Thân xác người thương mơn mởn tươi nguyên.
Bộp!
Đầu ngã muốn nứt ra làm đôi, đau đớn vô cùng. Tiếng Nặc tử sợ hãi la lên bên cạnh:
– Bà Năm, đó chỉ là ảo giác. Đi. Đi nhanh ra khỏi chỗ này.
Ngã bần thần chưa rõ sự tình, thân mình đã bị kéo về phía trước. Nấm mộ Ngưu lang bên đường lung linh trong vùng lau sậy. Chàng Ngưu đứng đó chảy nước mắt gọi:
– Nàng còn nhớ gì không?
Ngã đau đớn nói:
– Ngưu lang...
Nặc tử la lên:
– Bà Năm, chạy mau.
Ngã ứa nước mắt. Chàng Ngưu gạt cỏ lau xông tới, bàn tay xương xẩu nắm chặt lấy tay ngã. Ánh mắt Ngưu lang tìm gặp ánh mắt ngã, cuồn cuộn lặn vô hồn ngã. Ánh mắt người xưa chui dần vô đầu, chui dần xuống cổ, chui xuống ngực tìm tới trái tim. Một đám người phất phơ từ những cụm lau chui ra. Bà già êm ru nói:
– Mọi người lên xe hết rồi. Sao cô Hai còn chần chừ ở đây.
Chiếc xe đò sơn màu lá xanh. Đứa nhỏ này ngồi ngay trước băng ghế của ngã. Nó đòi ăn bánh ít. Má nó nói, qua hết đèo thì má lột bánh cho ăn. Bà già này ngồi hàng ghế bên cạnh, bả nhai trầu bỏm bẻm nói, tui qua đèo tới thôn Dambri ăn đám cưới con gái. Bác tài mặc áo trắng la lên:
– Chỉ còn thiếu một người. Lên xe lẹ lên. Qua khỏi đoạn đèo này là yên.
Mấy người thò đầu ra khỏi xe ngoắc. Chỉ còn thiếu một cô. Ai đó đánh mạnh vô đầu ngã, tia chớp sáng loà xẻ đôi màn đêm. Tiếng Nặc tử ngân vang như chuông chùa:
– Hiện long tại điền. Bọn ma quỷ mau thả người.
Lưỡi kiếm Nặc tử vạch lên trời sáu đường ngang. Đó là quẻ thuần càn, cương dương. Sáu đường ngang vừa vẽ lên trời liền nhập lại một biến thành con rồng vàng cuộn quẫy trên cánh đồng. Gió nổi lên ào ạt, lau trên đồng ngả nghiêng nằm rạp xuống mặt đất. Màu đỏ trên cánh đồng lau như trút hết vô mình rồng, hoa lau đỏ hoá ra trắng xoá. Những bộ mặt người nhăn nhúm, da thịt tan rữa dần dưới ánh kim long. Đám âm binh khóc la lùi lại, thoáng chốc đã biến hết vô sương mù. Ngã thét gọi chàng Ngưu, bộ mặt chàng Ngưu tan rữa như lá mục, lùi dần lại.
Nặc tử lôi dây đai kéo ngã chạy theo, hai tay nó giơ cao, chĩa ngọn kiếm sáng loá lên trời. Con rồng vàng cuộn gió ào ạt bám theo mũi kiếm của Nặc tử, đẩy dạt màu đỏ cánh đồng về hai phía bóng đêm.
Nặc tử cắm đầu như con bò mộng chạy về trước, chân cẳng ngã lúc đầu cứng đờ rồi cũng ráng cũng bươi quào chạy theo. Cánh đồng lau mỗi lúc một thưa dần. Khi ánh bình minh đầu tiên của ngày mới le lói hiện lên sau rặng núi, Nặc tử mới dừng lại thở hổn hển.
Ngã sấn lên định hỏi cho ra lẽ, đã thấy Nặc tử trợn mắt giận dữ nhìn lại:
– Bà Năm, suýt nữa thì hai bà cháu mình mất mạng.
– Chuyện gì mới được? Những người trong cánh đồng đó là ai? Tại sao có chàng Ngưu ở đó?
Nặc tử giơ tay lên trời rên rỉ:
– Làm gì có người nào trong cánh đồng đó. Toàn là ma quỷ giả dạng. Tiểu bối thấy bà Năm đứng lảm nhảm giữa đồng là đoán có chuyện không hay. May mà kịp thời lôi bà Năm đi, nếu không thì ma quỷ kéo luôn hai bà cháu xuống địa ngục.
Ngã buồn lòng không đáp, hình ảnh Ngưu lang dù là ảo giác thoáng chốc, dù là ma quỷ giả dạng, nhưng nó vẫn quay về khuấy động tâm can ngã. Nếu lúc đó không có thằng nhỏ này phá đám, thì biết đâu, một lần được nắm tay Ngưu lang dẫu là phải chết, cũng cam lòng. Ngã nghĩ tới đó thì lại ứa hai hàng nước mắt, Ngưu lang chết lâu rồi, thân xác đã thành cát bụi, nhưng không ngờ, nỗi nhớ thương vẫn sừng sững trong lòng ngã như núi đá.
Nặc tử nhìn ngã, tự nhiên đổi giọng nói:
– Ủa, sao bà Năm khóc? Hồi nãy tiểu bối đánh bà Năm hai cái đau quá phải không?
Hoá ra là nó đánh vô đầu ngã. Nỗi buồn biến thành cơn giận, ngã tức tối chửi luôn:
– Thằng nghịch tặc! Ngươi…
Ngã chửi tới đó thì cũng không biết nói gì thêm. Khi đó, ban mai đã ửng hồng trên đỉnh núi. Nặc tử bất giác quay đầu nhìn lại phía sau. Ngã cũng quay đầu lại nhìn, cánh đồng lau đỏ biến mất từ bao giờ không còn dấu vết. Ngã dụi mắt hai lần, nhìn tới nhìn lui, cũng chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Nặc tử nói:
– Cánh đồng đó thực ra là con đường dẫn vô Chốn Manh Động. Con đường dẫn này chỉ hiển thị vào ban đêm. Mình đi tiếp thôi, hai ngày nữa, qua bên kia sườn núi là Mũi Móng Chim.

*

Mũi Móng Chim nằm bên kia sườn núi, nó hiện ra trong màn sương sớm như một mũi tên khổng lồ màu cam rực rỡ. Mũi tên nổi bật giữa khoảng rừng chồi xanh rờn, chĩa thẳng vô khe núi hẹp. Nặc tử đứng trên triền núi đăm chiêu nhìn quanh. Nó giải thích:
– Từ chỗ này tới thành Y Bêi có ba đường dẫn. Con đường vượt qua triền núi phía bắc đang bị phong toả dày đặc, cứ trong khoảng một dặm đường là có đóng một chốt canh, Sùng Binh và Hắc Kỳ tuần tiễu ngày đêm. Phía bên kia núi là vùng sa mạc rộng nghìn trùng, không một bóng cây, không một ốc đảo, gọi là Nam Di Tử Mạc. Chim từ miền bắc di trú về nam bay qua sa mạc thường kiệt sức nửa đường mà bỏ xác, cho nên chiến binh blogger mới đặt tên nó là Nam Di Tử Mạc. Người trong Ảo Giới nghe nói tới Tử Mạc là nghĩ tới chết chóc tù đày. Bởi, từ khi Sùng gia vào Ảo Giới mở chiến dịch thanh trừng và khủng bố quy mô, hắn cũng xây dựng nên một nhà tù khổng lồ và kiên cố ở giữa lòng Tử Mạc, gọi thô bỉ là trại phục hồi chức phận. Người Ảo Giới đặt tên nó là Cam Ngục, nơi giam cầm và thủ tiêu những kẻ đối kháng. Khoan đã, sau này nếu bà Năm gửi chi tiết này lên mạng, nhớ viết hoa ba chữ cái CAM.
Ngã ngạc nhiên hỏi lại cho rõ:
– Tại sao phải viết hoa? Ta tưởng "cam" có nghĩa là đành lòng, như cam phận, cam tâm. Cam Ngục là nhà tù chịu đựng.
Nặc tử gật đầu:
– Bà Năm nghĩ vậy cũng được. Nhưng chữ CAM trong Ảo Giới lại mang ý nghĩa ám dụ cụ thể. Nếu Hắc Kỳ là những kẻ chuyên đốt nhà cướp của, thì CAM là bọn thám báo chuyên theo dõi và bắt người. Bởi vậy mà người trong Ảo Giới gọi đây là CAM Ngục. CAM Ngục nằm giữa tử mạc rộng bao la, núi cát trùng điệp. Tù binh dẫu có trốn ra khỏi CAM Ngục cũng không sao vượt qua được vùng tử mạc khốc hãi để về lại Ảo Giới. Có bao nhiêu hiệp khách blogger bị đưa vào đó? Bao nhiêu kẻ hoá thành xương trắng vùi trong cát sa mạc? Tội ác này là một bí mật của Sùng gia. Hiện nay, lực lượng chiến binh Ảo Giới đang đổ về Nam Di Tử Mạc, tìm cách đánh chiếm những con đường trọng yếu dẫn vào CAM Ngục. Lực lượng mạnh nhất, thiện chiến nhất là bộ lạc Người Gió, họ lập cứ địa suốt dọc dãy núi phía tây bắc, dần dà kiểm soát con đường qua Bãi Đá Lớn tiến vô Tử Mạc. Bởi vậy, Sùng Binh cũng phải tập trung phần lớn lực lượng về phía tây bắc, một phần là để đối phó với bộ lạc Người Gió, một phần khác là để chặn đường cho bọn Sói Đỏ từ phương bắc tràn xuống phương nam.
Ngã ái ngại hỏi:
– Bọn Sói Đỏ là cái giống gì? Tại sao tràn xuống phương nam?
Nặc tử rùng mình, trong đáy mắt nó lại hiện lên nỗi kinh hoàng.
– Đó là giống ác thú cực kỳ hung hãn, sức khỏe phi thường lại vô cùng khát máu. Chuyện chúng từ phương bắc tràn xuống tấn công các bộ lạc blogger phương nam là một chính sách nằm trong sự thoả hiệp song phương giữa hai nhà cầm quyền. Khuynh hướng bắc thuộc này không chỉ áp đặt cho Tại Giới. Ngay cả trong Ảo Giới, bọn Sùng Binh và Hắc Kỳ cũng ngang nhiên làm chuyện rước voi dày mồ, cấu kết với bọn sài lang ngoại bang để nhằm tàn sát và tiêu diệt phong trào chống đối của các chiến binh blogger. Tuy nhiên...
Nặc tử vén tay áo lên, chăm chú nhìn những vết thẹo khủng khiếp trên bắp tay. Nó chậm rãi nói tiếp:
– Cái họa phương bắc này tuy tàn khốc nhưng cũng chỉ để lại những vết thương ngoài da. Cái họa thối rữa trong gan ruột mình mới là hiểm họa đi đến tử vong.
Ngã gật đầu, hỏi tiếp:
– Còn con đường thứ hai thì sao?
– Đường thứ hai đi vào cứ địa của bộ lạc Người Nấm, vượt qua dãy núi Hoả Sơn phía nam. Ở đây chiến trường tàn khốc diễn ra ngày đêm, đôi lúc mở rộng ra hàng trăm dặm. Dẫu có vượt qua được cứ địa Người Nấm, qua được Hoả Diệm Sơn thì cũng đụng phải hàng hàng lớp lớp Hoả Thành do bọn Hắc kỳ xây nên. Vào tới bên trong, cạm bẫy lại bố trí dày đặc, con kiến chui qua cũng bỏ xác.
Ngã nghe tới hai chữ Hoả Thành thì kinh hãi nhớ tới lần vượt tường lửa chạy trốn vô Cõi Bất Nhất. Ngã biết chân mạng mình kỵ lửa, nên đành hỏi tiếp:
– Còn con đường thứ ba thì sao?
– Con đường thứ ba đi thẳng vô Đông-Tây link. Đây là con đường duy nhất nằm ngoài sự kiểm soát của Sùng Binh và Hắc Kỳ.
Ngã nghe Nặc tử nói vậy thì đâm nghi ngại:
– Lẽ nào tụi nó chừa ra một sinh lộ?
Nặc tử lắc đầu:
– Sao bà Năm nghĩ đó là sinh lộ? Sở dĩ Sùng gia chừa con đường này ra, vì chính hắn cũng không dám bén mảng tới đó. Đây là con đường khủng khiếp nhất, bởi vì nó đi qua lãnh địa của Trừng Giới Trại.
Ngã nghe tới tên Trừng Giới Trại thì giật mình:
– Cái tên này hình như ta đã có lần nghe qua. Trừng Giới Trại là những ai?
– Tiểu bối cũng không rõ. Chỉ biết bọn Trừng Giới Trại này vô cùng tàn ác bất lương, giết người không gớm tay, giết người không cần lý do. Bọn chúng từ đâu kéo vào Chốn Manh Động, lập cứ địa dọc bên bờ Đoạt Hồn Hà, chia quân thành hai đạo. Đạo quân Hắc Mã do Phạm Binh Tả Sứ thống lãnh, bọn này rất trẻ tuổi nhưng giết người cướp của bừa bãi vô luân. Đạo quân Bạch Ô do Âm Binh Tả Sứ thống lãnh, bọn này chuyên dùng ma thuật lại độc ác vô song. Trong giang hồ đồn rằng, quân Bạch Ô là giống quỷ nhập tràng, những hồn ma vất vưởng không siêu thoát nhập vào xác người mới chết để trở về dương thế. Bọn này chuyên tìm người hút máu để duy trì cuộc sống tạm bợ. Bởi vậy mà người trong Chốn Manh Động ai ai nghe tới tên Trại Trừng Giới cũng rụng rời kinh hãi, bất kể là quân của Sùng gia hay chiến binh blogger. Nhưng, cho tới bây giờ cũng không ai rõ bọn này tìm kiếm điều gì trong Chốn Manh Động.
Nặc tử dừng lại một chút rồi phân vân nói:
– Thật ra, lối hành hung bừa bãi đó chỉ là bộ mặt nổi của trại Trừng Giới, đứng đằng sau bọn sát nhân thảo khấu này có thể là một tổ chức rất quy củ đang toan tính chuyện lâu dài. Chúng thành lập những nông trại to lớn trù phú nằm dọc châu thổ Đoạt Hồn Hà, vận chuyển lương thực về Trừng Giới Trại để nuôi quân. Đêm đêm thao dợt chiến trận quy mô, cả trên đường bộ lẫn đường thuỷ. Những thông tin, những điều ngờ vực này đang bí mật lan truyền trong Ảo Giới, tiểu bối kể lại cho bà Năm nghe vậy thôi chứ thật hư ra sao thì không ai rõ.
Ngã thấy nó kết luận mập mờ vậy thì không chịu được:
– Ngươi nói, không ai rõ nghĩa là sao chứ? Tại sao có chuyện mà không có nhân chứng?
– Là vì, những kẻ mạo muội đi vào cứ địa trại Trừng Giới, không một ai quay trở về.
Nặc tử dừng lại một chút, sự sợ hãi kinh hoàng lại hiện ra trong ánh mắt. Nó hoang mang nói:
– Có lẽ, tiểu bối là người duy nhất đi qua trại Trừng Giới mà còn sống sót. Chuyện này… chuyện này quả có nhiều điều bí ẩn.
– Con đường nào dẫn vô cứ địa của Trừng Giới Trại?
Nặc tử chỉ tay về phía Mũi Móng Chim.
– Con đường đó, theo mũi tên màu cam kia băng qua khe núi ra tới thung lũng Đá Tai Mèo.
Ngã nhìn vô cửa thung lũng hẹp tối âm u, hai bên vách đá đen lởm chởm cao sừng sững, bỗng thấy lòng bất an vô kể. Nhưng ngã là người cõi trên, lẽ nào… ờ lẽ nào lại sợ ma quỷ. Ngã ngập ngừng nghĩ tới đó thì nhìn qua Nặc tử, trong ánh mắt nặng nề của nó đã có sự lựa chọn.
Ngã xốc cuốc lên, cố nói dứt khoát như là để động viên cả hai:
– Nặc tử! Chúng ta đi thôi.
Nặc tử gật đầu, gượng gạo lặp lại:
– Chúng ta đi thôi. Trong tử có sinh.
Hai bà cháu men theo bờ đá lần xuống cánh rừng chồi bên dưới. Đi thêm hai tiếng đồng hồ băng qua rừng, tới khoảng giữa trưa thì ra tới bờ Mũi Móng Chim. Hoá ra đó là một cánh đồng hoa thiên điểu khổng lồ, từng lớp hoa màu cam rực rỡ khoe sắc dưới ánh mặt trời. Loại thiên điểu vùng này to lớn dị thường, đứng bên bờ rừng chồi ngó qua thì thấy hoa nở rực, nhưng vô tới bên trong thì chỉ thấy lá cây rậm rạp. Nặc tử cẩn thận vạch lá đi trước, ngã bám theo sau cố không làm gãy lá cây hay để lại dấu vết gì. Bên trong rừng hoa này rất ẩm mát dễ chịu, nhưng cả ngã và Nặc tử đều không quan tâm tới chuyện đó. Thỉnh thoảng Nặc tử dừng lại, nhớn nhác quay quanh lắng nghe động tĩnh. Cũng không có tiếng động nào khác ngoài tiếng gió u u thổi từ phía hẻm núi ra.
Strelitzia reginae
Strelitzia reginae
 Càng tiến dần sâu vô Mũi Móng Chim, tiếng gió từ cửa thung lũng thổi ra càng u hiểm đe doạ. Gió tạt qua cánh đồng thiên điểu mang theo tử khí và hơi lạnh ghê người. Mấy cụm hoa bên trên lắc lư, đôi lúc ngã rạp xuống trước sức gió. Nhờ đó, ngã mới ló đầu lên nhìn qua được cánh đồng hoa, nhìn thẳng vô cửa thung lũng. Đó là một hẻm núi lớn nhưng bị kẹp giữa hai bờ núi cao nên tưởng chừng như là rất hẹp. Cây rừng mọc bám dày hai bên bờ núi, lên cao thì thưa thớt dần. Bờ núi bên trên xám ngắt, đá tai mèo trồi lên nhọn lểu lởm chởm. Khoảng giữa hẻm núi, cây rừng do sức gió không mọc nổi, tạt ra hai bên chừa ra con đường đá hẹp lơ thơ cỏ khô.
Tiếng gió từ hẻm núi tuôn ra như quỷ khóc ma gào. Ngã ớn lạnh, rùng mình mấy chập. Khi hai bà cháu ra tới đầu Mũi Móng Chim thì hẻm đá đã hiện ngay trước mắt um tùm tối tăm. Nặc tử lấy trong ba lô ra hai cặp bao tay bằng vải bố với mấy cái vớ dày. Nó lo lắng căn dặn:
– Bà Năm mang vớ với bao tay vô, cột giày cho thiệt kỹ. Khi vô tới hẻm núi, nhất thiết không được để tay chân bị cào sướt.
Ngã với Nặc tử nai nịt kỹ càng rồi từng bước thận trọng tiến ra khỏi những cụm thiên điểu. Hai bà cháu tách qua mép núi bên phải, gió từ hẻm đá thổi ra từng cơn u uẩn hằn học, đôi lúc cuốn theo bụi cát mịt mùng. Từ mép đá bên phải, hai bà cháu lần theo những gốc cây cổ thụ tiến dần vô hẻm núi. Con đường chính giữa thật ra là một bãi đá ngổn ngang lẫn với cỏ dại khô cằn. Nặc tử không băng qua bãi đá, nó dẫn ngã bám sát theo chân núi. Đám cây cổ thụ chỉ mọc ngoài cửa khe, vô tới bên trong thì thưa thớt dần. Qua một đoạn, dọc chân núi chỉ còn vài loài cây bụi xương xẩu mọc xen trên đá tai mèo. Nhưng nhờ bám vô mấy lùm bụi này mà ngã mới đạp được lên bờ đá lổn nhổn gập ghềnh mà tiến tới. Nhiều đoạn vách đá khép lại, con đường gần như bị núi nuốt mất. Có chỗ đá đổ xuống bít kín ngang đường, cây cỏ biến mất chỉ còn toàn đá là đá. Ngã với Nặc tử phải bám lên vách đá tai mèo bén nhọn mà len qua.
Ngang qua mấy cụm đá tai mèo đâm ngang từ bờ vách, bắp đùi của ngã bị cắt ngang rỉ máu, lúc đầu ngã không để ý. Tới chừng máu nóng chảy ra thấm một khoảng quần ngã mới dừng lại, kéo ống quần rách lên coi. Nặc tử bất thần quay lại, nó la lên một tiếng nhỏ nhưng đầy vẻ khiếp sợ:
– Bà Năm!
Ngã chưa kịp hiểu sự tình đã thấy Nặc tử xông tới lấy khăn quấn ngang bắp đùi ngã. Nó vội vàng hốt cát và cỏ khô đắp lên mấy giọt máu vương vãi trên đá. Từ phía thung lũng bỗng có tiếng động kỳ lạ vọng tới. Nặc tử hớt hải nhìn quanh rồi kéo ngã nhảy xuống hốc đá gần đó, tay nó quơ quào mấy bụi cây dại phủ lên đầu. Ngã chẳng hiểu sự tình gì cũng lách vô trong bụi cây, cúi đầu ngồi co ro. Tiếng động phía thung lũng vang lên ào ào, càng lúc càng to, tốc độ nhanh lạ lùng. Thoáng chốc, tiếng động đã tới gần hẻm núi, nó như là tiếng quạt gió của cái quạt khổng lồ, như là tiếng cơn giông cuồng nộ. Một cái bóng đen lướt qua bên trên hẻm núi như đám mây che kín bầu trời hẹp, đá bên vách rớt xuống rào rào cuốn theo bụi mù.
Cái bóng đen lướt qua đã lâu mà ngã với Nặc tử vẫn còn kinh hoảng ngồi co rút trong hốc đá. Một lúc sau, có tiếng Nặc tử thì thào:
– Bà Năm, chắc là nó đi luôn rồi.
Ngã thò đầu ra khỏi bụi cây sợ hãi hỏi:
– Nó... nó là ai? Có chuyện gì vậy?
Nặc tử không trả lời liền, nó loay hoay buộc lại vết thương trên chân ngã, cẩn thận không để máu rỉ ra ngoài. Khi xong xuôi, nó mới nói nhỏ:
– Bọn biên phòng của Trừng Giới Trại đánh hơi được mùi máu.
Ngã giật mình kinh khiếp hỏi:
– Có một chút máu mà sao đánh hơi được?
Nặc tử gật đầu thì thào:
– Tụi nó đánh hơi xa trăm dặm. Âm Binh Tả Sứ có ma thuật vô thường lại rất khát máu. Mình phải mau chóng ra khỏi hẻm núi này, ở đây không có đường thoát lại bị bọn biên phòng giám sát rất cẩn mật.
Khi đó ngã mới biết mình vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. May mà có cái hốc đá nhỏ cho hai bà cháu núp vô, chứ ở mấy chỗ chỉ trơ trơ đá tai mèo thì hết mong trốn thoát.
Đoạn đường đá từ chỗ này rộng dần ra, vách núi cũng thoai thoải nghiêng dần, nên hẻm núi bớt phần âm u. Lác đác trong hốc núi có thêm vài bụi cây dại mọc thò ra, nhờ màu xanh cây cỏ mà đoạn này đỡ hoang vắng thê lương. Nặc tử đi trước bỗng nhiên sững người, nó ngoắc ngã tới gần. Ngã vừa nhìn qua đã suýt la lên. Lẫn trong đám đá tai mèo là những bộ xương người trắng hếu. Không rõ những kẻ này chết khi nào mà xương cốt đã khô trắng. Càng vô gần tới thung lũng, càng có thêm những bộ xương khô và vải mục giăng rải rác. Nhiều bộ xương vẫn còn nguyên trang phục và vũ khí. Có những cái xác khô khuôn mặt nhăn nhúm càng thêm ghê rợn. Không gian nồng nặc mùi tử khí.
Hai bà cháu nép sát vô vách núi, nín thở tiến về phía trước. Thỉnh thoảng, Nặc tử lại ra dấu cho ngã nép mình vô mấy tảng đá tai mèo, nó thận trọng lần ra phía trước một đoạn rồi mới ngoắc ngã đi theo.
Thung lũng dần hiện ra hoang vắng ghê người. Lúc ở trong hẻm núi, ngã cứ mong mau thoát được ra ngoài, chừng ra tới ngoài này rồi mới biết mình lầm. Đúng như tên gọi, thung lũng Đá Tai Mèo rộng thênh thang chỉ toàn đá tai mèo lổm nhổm, không một bụi rậm, không một bóng cây, không một ghềnh đá làm chỗ ẩn náu. Ngã nhìn qua Nặc tử lo lắng dò hỏi. Nặc tử nói nhỏ:
– Phải chờ tới nhập nhoạng tối thì bắt đầu đi. Bóng đêm che giấu được mình thì che giấu được kẻ thù, nhưng cũng không còn cách nào khác.
Hai bà cháu lùi lại hẻm đá, tìm một lùm cây rậm núp vô. Mặt trời lặn dần, bên trong hẻm đá đã bắt đầu tối âm u, ánh sáng từ ngoài thung lũng hắt vô cũng đổi màu tím nhạt. Nặc tử thận trọng bò ra, ngã cũng theo nó dấn bước về bãi đá tai mèo. Trong bóng hoàng hôn tím ngắt thê lương, hai bà cháu dò dẫm tiến sát rìa thung lũng. Nằm rải rác trên cánh đồng đá tai mèo là những thân cây cổ thụ cháy đen đúa. Nhiều cây bị đào trốc gốc, đốt cháy nham nhở. Hoá ra thung lũng này từng có rất nhiều cây cối. Ai đó đã phát hoang cả một vùng, biến nơi này thành chốn hoang vu trơ trụi. Nặc tử bỗng giật mình nhìn quanh rồi hối hả đi tiếp. Hình như có kẻ nào đang theo dõi, ngã sợ toát mồ hôi, không kiềm chế được, ngã cũng quay đầu nhìn dáo dác. Nhưng đó chỉ là ảo giác. Không gian vẫn vắng lặng ghê hồn. Vắng lặng bất thường. Vắng lặng chết chóc.
Tại sao cả một vùng núi rừng rộng bạt ngàn này không có cả tiếng chim kêu?
Khi đó, trời chiều nhập nhoạng bỗng tối xầm lại. Trong vùng im lặng chết chóc bỗng nổi lên tiếng gió gào. Gió từ phía trước cuộn cát bụi ào ào tràn tới, gió đập trúng vách núi cuộn quẫy đùng đùng dọc theo triền đá. Mây đen từng giề bị gió đẩy tới bị vách núi, đọng hàng hàng lớp lớp dày đặc. Những giọt nước lạnh như băng giá, bén như dao cắt bắt đầu chém xuống mặt ngã. Rồi trời đổ mưa ào ào như trút nước. Đất trời chìm trong màu xám đen mờ mịt. Nặc tử la lên trong tiếng mưa:
– Trời giúp mình rồi. Bà Năm ơi, mau chạy qua thung lũng.
Nó vừa nói xong là ba chân bốn cẳng phóng vô màn mưa. Ngã cũng không chần chờ, thi triển khinh công đuổi theo. Mưa mờ mịt, cách hai sải chân là đã không nhận ra nhau, ngã phải vọt lên chạy song song với Nặc tử để đừng lạc. Bất thình lình bóng tối bị nứt toét ra, trong ánh sáng xanh lè của tia chớp, cái bóng Nặc tử co rúm lại rồi mờ dần đi. Ngã thét lên trong tiếng sấm hung hãn:
– Nặc tử…
Cả bầu trời bị sét băm vằm thành những khoảng xanh đỏ. Cây cổ thụ ở nơi nào phía trước vụt cháy sáng trong màn mưa. Những cây đuốc khổng lồ chìm trong bụi nước mịt mùng.
Khi mưa ngưng dần, là lúc hai bà cháu đã hớt hải thoát ra khỏi thung lũng. Trăng cũng vừa lên soi màu vàng nhạt yếu ớt trên vùng cây cỏ long lanh nước, nhưng hình ảnh khủng khiếp của những tán cây khổng lồ bốc cháy trong mưa vẫn còn ám ảnh ngã.
Áo quần tóc tai hai bà cháu ướt sũng, nhưng nhờ dương khí của giống hoàng điệt mà không thấy lạnh. Khi quần áo bắt đầu ráo, thì hai bà cháu đã vượt thêm được một khoảng đồng cỏ hoang cao lút đầu. Bờ ruộng hiện ra đột ngột, chắn ngang trước mặt, be cao quá đầu gối. Ngã dừng lại, hửi được mùi mật ngọt trong sương thì biết đó là ruộng mía cuối mùa. Nặc tử quay qua, ra dấu im lặng. Ngã bỗng giật mình nghĩ, ủa, mía này của ai. Vùng này lẽ nào có cư dân?
Nặc tử lo lắng nhìn vô bóng đêm mịt mùng rồi thì thào căn dặn ngã kéo thấp nón, quấn kín tay chân, men theo bờ ruộng, tránh đừng để lá mía cắt trúng.
– Mình đã vô tới địa phận trại Trừng Giới.
Bắp chân ngã còn nhói đau, cứ nghĩ tới chuyện hồi trưa mà sợ bị lá mía cứa chảy máu rồi đánh động bọn biên phòng. Hoá ra đám mía bạt ngàn này nhằm cản đường những kẻ đột nhập vô lãnh địa trại Trừng Giới. Qua được ruộng mía rộng thì tới rẫy khoai mì, khoai mì này khoảng bốn tháng, cao ngang tầm ngực, lá còn thưa thớt. Lúc này chuyện lách đi đã dễ dàng hơn, nhưng Nặc tử vẫn thận trọng dò dẫm. Nó lo lắng thì thào:
– Đêm nay yên ắng lạ lùng quá. Thường thì cảnh binh Trừng Giới Trại luân phiên tuần tra suốt dọc bờ sông. Cứ một giờ là thay phiên trực mới.
Ngã cũng thấy, có cái gì không bình thường, không gian vắng lặng rợn người. Không có tiếng chim khuya. Không có cả tiếng côn trùng. Chỉ có tiếng gió tràn qua cánh đồng, u u không ngớt. Ngã cũng sợ thắt ruột, nhưng đành bạo gan nói:
– Nặc tử, nếu ở đây có ổ mai phục, ta cũng không cách gì tránh được. Chuyện sống chết lúc này đã nằm ngoài ý muốn. Thôi thì cố chạy nhanh ra khỏi chỗ này.
Ngã chưa nói dứt lời đã thấy Nặc tử co cẳng phóng đi. Ngã cũng không chần chừ, liền gạt thân khoai mì đuổi theo. Khoảng nửa đêm, hai bà cháu tới được một vùng đất trũng, lau sậy ngút ngàn, thấp thoáng dưới bóng trăng mấy mái nhà tranh cô quạnh. Khi đó Nặc tử mới dừng chân lại, nó rón rén chỉ tay lên gò đất nổi.
Ngôi nhà nằm trên gò in bóng đen âm u. Tiếng tắc kè từ phía ngôi nhà đột ngột vọng ra thê lương khắc khoải.
Tắc kè. Tắc kè.

Được đăng bởi Cô Năm, vào lúc...

 

1 nhận xét:


Nặc tử:
Kể từ entry này, Ban quản trị sẽ bỏ đi chương trình gửi phản hồi. Bởi, khi các bạn đọc được những dòng chữ này, tính chất cuộc chiến đã bước qua giai đoạn khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét