Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Một cuốn sách Bestseller về ngành Pháp Y


Từ năm 2007, Professor Tsoko là giám đốc viện Pháp Y Charité (Berlin), nhưng công việc của ông không gói gọn trong chuyên ngành y khoa và pháp lý. Tsoko còn là người yêu thích và tích cực hỗ trợ cho ngành văn chương và điện ảnh. Ông là đồng tác giả của nhiều cuốn sách Krimi - Thriller như:
Zerbrochen, Zesetz, Zerschunden (với Andreas Gösling)
Abgeschnitten (với Sebastian Fitzek)...
Sách nghiên cứu xã hội: Deutschland misshandelt seine Kinder (với Sakia Guddat*)
Là cố vấn cho nhiều cuốn thriller: Der Totenzeichner, Todeswächter (Veit Etzold)
Và là tác giả cuốn sách mới nhất đang nằm trên kệ sách Spiegel Bestseller: Sind Tote immer leichenblass?

Sind Tote immer leichenblass? (Có phải xác chết luôn trắng bệch?) là cuốn sách đầu tiên của một chuyên gia Pháp Y hàng đầu Châu Âu viết về những nhầm lẫn thường gặp của văn chương và điện ảnh về lĩnh vực Pháp Y. Tôi cầm cuốn sách trên tay, nhận ra cái tên quen thuộc Michael Tsokos, biết là nó có giá trị hoàn hảo về mặt y khoa và pháp lý, nhưng tôi lưỡng lự đắn đo mãi rồi mới quyết định mua.
Tiểu thuyết của Tsokos thường rất khó đọc, nó không chỉ quá rùng rợn, nó còn quá thật. "80 Prozent der Geschichte sind real." 80 phần trăm của câu chuyện là sự thật, Tsoko quả quyết với báo chí. Sự thật nhiều như vậy tác phẩm chẳng còn chỗ nào cho độc giả thở và thả trí tưởng tượng của mình bay đi. Câu chữ tình tiết đập chan chát lên mắt, lên não bộ - tra vấn - suy nghĩ - mổ xẻ - phân tích... tất cả đều rất lạnh lùng, tàn khốc và chuyên nghiệp.
Der Totenzeichner của Veit Etzold (do Tsoko tư vấn) là một ví dụ. Cuốn thriller hạng nặng gần như là horror này chỉ dành cho người có thần kinh bằng thép hay máu lạnh. Tôi đọc nó rất khó khăn, nhiều lúc thấy ghê tởm, đôi khi tự hỏi: "Nhà văn viết ra những thứ kinh khủng này để làm gì?" Nhưng tôi vẫn phải đọc, vì công việc của tôi là "đọc" và bổ xung kiến thức. Đây lại là một cuốn sách viết rất tường tận về công việc của các thanh tra và cảnh sát hình sự Berlin, nên không thể không đọc qua.
Tiểu thuyết đã khó đọc. Sách y khoa pháp lý liệu có nặng nề hơn?
Nặng nề. Rất nặng nề. Nhưng nó chứa đựng những thông tin mà một nhà văn bình thường không thể có được, nó chỉ ra 40 sai lầm và ngộ nhận mà văn chương (hay điện ảnh) thường mắc phải. Có thể kể qua một số chương:
- Sai lầm thứ 3: Thân nhân đến nhận diện người chết ở viện Pháp Y.
- Sai lầm thứ 8: Người ta có thể chết do tự bóp cổ **
- Sai lầm thứ 14: Tử thi sau khi khám nghiệm nằm cả ngày trên bàn phẫu thuật.
- Sai lầm thứ 31: Sau khi chết móng và tóc vẫn tiếp tục mọc.
v...v...
Thành ngữ tiếng Việt có câu: "Mặt trắng bệch như xác chết." Tsoko cho rằng thông thường xác chết chẳng hề trắng bệch, nhưng trong một số trường hợp ít ỏi xác chết quả thật trắng bệch, và ông có những lý giải sinh học cho từng trường hợp.
Tôi mua cuốn sách Có phải xác chết luôn trắng bệch? sau khi đã viết xong tiểu thuyết Bờ Bên Kia và gửi đi đăng, đọc nó rồi thì ngẩn ra... cười. Nếu tôi có nó sớm hơn thì một số đoạn trong Bờ Bên Kia đã được viết khác đi đôi chút. Theo tiết lộ chuyên ngành của Prof. Tsoko, tôi mắc phải một số sai lầm nhỏ trong trong Bờ Bên Kia, nhưng đó chỉ là những sai lầm về tình tiết không đáng phải sửa chữa. Bờ Bên Kia vẫn là cuốn sách đáng giá vì công sức tôi đầu tư cho nó suốt 6 năm nay.
Văn Việt vừa cho đăng Chương 7: Ánh mắt tử thi. Đây là chương tốn nhiều công sức và căng thẳng nhất trong quá trình viết. Tôi có lợi thế hơn các bạn đồng nghiệp trong nước là khả năng ngoại ngữ (cái này cũng rất hạn chế) và điều kiện tìm tòi tài liệu. Nhưng những lợi thế này thực ra cũng chỉ chung chung. Các nhà văn trong nước rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... Thư viện đại học Y Khoa chắc cũng chẳng hẹp hòi gì mà không tạo điều kiện cho nhà văn tham khảo tài liệu...
Dù vậy, tôi vẫn muốn chia sẻ với các bạn may mắn và thuận lợi của mình. Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ cố thu xếp thời gian tìm cách dịch lại (hay thuật lại***) cuốn sách Có phải xác chết luôn trắng bệch? của Michael Tsoko. Như vậy, bạn nào muốn viết krimi hay thriller sẽ có thêm thông tin. Những vấn đề y khoa nằm ngoài phạm vi cuốn sách này, tôi có thể tìm giúp bạn tài liệu và dịch ra tiếng Việt cho bạn. Liên lạc: luuthuyhuong@gmx.net
(Viết đến đây tự thấy mình thày lay, thời gian không có mà còn ham làm chuyện bao đồng).
Hiện nay cũng có nhiều video trên mạng, chỉ cần gõ lên google "autopsie" (autopsy) hay "obduktion" (obduction) là tìm ra. Nhưng tôi thành thật khuyên bạn, chỉ nên xem khi thực sự phải tìm hiểu. Nó kinh khủng lắm. Nó hủy diệt phần thơ mộng cần thiết trong tâm hồn của một nhà văn.

____________________
* Tôi đọc qua một số sách mới biết được Guddat là họ thời con gái, tên tác giả hiện nay là Saskia Etzold. Cô này là bác sĩ Pháp Y (Berlin), vợ của nhà văn Veit Etzold
** Nguyên văn: Mann/Frau kann sich selbst erwürgen. Chắc chắn Prof. Tsoko không nói đến ngành Pháp Y Việt Nam. Ở VN, người chết trong đồn công an tự làm mọi thứ (tự đánh đập, tự ngã, tự treo cổ, tự cho điện giật...) Nếu Prof. Tsoko về làm việc ở VN, bảo đảm sau một tháng ông cũng tự làm gì đó trong đồn CA.
*** Vì lý do bản quyền và thời gian hạn hẹp: tốt nhất chỉ nên thuật lại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét