Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Trả lời phỏng vấn trên Văn Việt

Người Việt – một câu hỏi lớn

Năm 2020 mở ra với một biến cố chấn động: cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm của lực lượng vũ trang Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1. Nó đã giết chết người nông dân/cựu binh Lê Đình Kình, khi cụ đang ở trong nhà mình.
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu? Đâu là con đường đúng để cả trăm triệu người Việt tự cứu lấy mình?
Văn Việt xin mời các anh chị tham gia cuộc trò chuyện về Người Việt, như cách giúp chúng ta nhìn/hiểu rõ hơn về chính mình, để có được lựa chọn đúng đắn/phù hợp cho đất nước, dân tộc trong tương lai.
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải những câu trả lời đã nhận được.
Dưới đây là trả lời của nhà văn Lưu Thủy Hương, hiện sống ở Cộng hòa Liên bang Đức.
(Từ các câu hỏi gợi ý của Văn Việt:
-Ký ức tuổi thơ nào đã ảnh hưởng lên cuộc đời của anh/chị?
-Ngày nhỏ anh/chị có mơ lớn lên sẽ làm gì? Ở tuổi thành niên, anh/chị đã thực hiện được bao nhiêu % mong muốn? Con người hiện nay của anh/chị khác biệt với hình ảnh mong muốn ra sao, cả về mặt cá nhân và mặt xã hội? Anh/chị có muốn “thay đổi” gì trong những việc đã làm?
-Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì, theo anh/chị? Nó đã chuyển biến thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn?
-Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc?
-Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?
-Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt?”.


 
Câu hỏi: Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt?
 
-Mỗi dân tộc trên thế giới đều có những tính cách hay và tính cách dở. Người Việt cũng vậy, họ cũng có nhiều tính cách hay mà cũng có nhiều tính cách dở. Họ siêng năng khi cần phải siêng năng. Họ thông minh khi phải phát huy sáng kiến. Họ cần kiệm khi không có nhiều tiền. Họ dũng cảm khi phải tấn công người yếu kém. Họ ngoan ngoãn khi bị bịt mắt xỏ mũi. Họ im lặng khi cần phải lên tiếng. Họ lên tiếng khi thấy mình giống mọi người. Họ lạc quan vui vẻ trước mọi hiểm họa. Họ tuyệt vọng thống khổ vì một trận đá banh. Cái hay nhất cũng có thể là cái dở nhất, và ngược lại, cái dở nhất cũng có thể hô biến thành cái hay nhất.
Nhưng theo tôi, tính cách hiện đại, thú vị và lạ kỳ nhất của người Việt ngày nay là họ có thể sống và nhận thức hoàn toàn bằng bản năng. Cái bản năng đó, một nửa côn trùng, một nửa thú vật.
*Bản năng côn trùng là gì?
Một con nhện có thể bằng bản năng dệt ra chiếc lưới bắt ruồi thật tinh xảo. Chiếc lưới rập khuôn bất biến này đủ nuôi cuộc đời nó sung túc. Một đàn kiến có thể bằng bản năng xây dựng nên một tổ kiến khổng lồ với một tổ chức xã hội quy mô và hoàn hảo. Trong cái tổ đó, trật tự và công việc được phân chia rõ ràng, được thực hiện không hề sai lệch. Nhà côn trùng học Henri Fabre cho rằng: “Bản năng thì bẩm sinh và bất di bất dịch, nó hoàn hảo trong các đường lối bất biến đã vạch sẵn cho nó, nhưng nó trở nên ngu xuẩn khi phải bước ra khỏi con đường quen thuộc hay phải đối phó với một tác động bất thường (Souvenirs Entomologiques / Entomologische Erinnerungen).
Trẻ sơ sinh chưa phát triển trí óc sống bằng bản năng. Người điên dại, đánh mất tài sản tri thức, cũng sống bằng bản năng. Kẻ đần độn, bẩm sinh không có tài sản tri thức, cũng sống bằng bản năng. Con người trưởng thành, có nhận thức cũng dễ rơi vào cuộc sống bằng bản năng, và bản năng quyết định một phần quan trọng sự phát triển nội tâm tính bản ngã của họ trong xu hướng duy trì và phát triển tham sân si hỉ nộ ái ố. Sống bằng bản năng hay sống bằng tri thức không hề là một sự tình cờ, nó luôn là ý thức của một con người và luôn được củng cố trong suốt quá trình sống.
Một người sống bằng bản năng có thể thành công (hay thành công vượt trội) trong chính môi trường quen thuộc và thuận lợi. Cũng như con nhện hay đàn kiến, họ có thể xây dựng hoàn hảo cái lưới, cái tổ của họ. Họ hùng hục trong việc xây dựng đời sống riêng tư và họ sống an nhàn sung túc trong giới hạn riêng tư đó. Nhưng con nhện sẽ không bao giờ biết đến việc xây tổ kiến, cũng như đàn kiến sẽ không bao giờ quan tâm đến chuyện gì xảy ra với cái lưới nhện treo lơ lửng trên đầu nó.
Con nhện và con kiến không thể nào xây dựng được một xã hội hoàn hảo cho mọi loài cùng sống chung, ngược lại, trên phương diện mưu sinh, chúng sẵn sàng dùng sức mạnh để tiêu diệt lẫn nhau. Ở đây, thiếu hẳn mối quan hệ xã hội mà tồn tại một bản năng căn bản nhất của loài vật là giết chóc để sinh tồn. Con nhện sẽ giết chết con kiến, nếu con kiến lạc vào cái lưới của nó. Đàn kiến khi đói, sẽ tấn công lên tổ nhện, ăn thịt cả nhện mẹ lẫn nhện con. Cả hai đều vô tri vô giác như nhau, cả hai đều cố thủ trong phương pháp sinh tồn cổ điển chỉ để phục vụ bản thân và bảo vệ dòng giống. Sự vô tri của chúng từ chối mọi sự thay đổi hay thử nghiệm – và bản năng sẽ xúi giục chúng giết nhau trong những tranh chấp quyền lợi hay vì nhu cầu sống.
Ở loài thú vật, bản năng giết chóc phát triển còn hung bạo hơn côn trùng, mãnh liệt hơn côn trùng. Nó tạo ra những cuộc tàn sát đẫm máu giữa các con thú khác loài, thậm chí, cảnh máu đổ đầu rơi giữa các con thú trong cùng một loài, cùng một huyết tộc, cùng một bào thai.
Vì, bản năng không bao giờ xây dựng nên một xã hội đại đồng và sự cảm thông. Loài côn trùng, loài thú vật không biết đến sự cảm thông. Bản năng côn trùng và bản năng thú vật chỉ để phục vụ cá nhân hay bầy đàn.
*Bầy đàn là gì?
Friedrich Wilhelm Nietzsche – ông tổ của chủ nghĩa Hiện sinh, người mở đường cho thuyết Phân tâm học của Freud – là người đầu tiên đưa ra khái niệm bầy đàn (Herde).
Nietzsche thường tự mô tả mình như một kẻ vô đạo đức (vì đạo đức chỉ là một ảo ảnh), từ tâm thế đó ông chĩa nghi vấn vào mọi giá trị, chân lý, niềm tin trong cuộc sống (kể cả Thượng Đế). Nietzsche tấn công vào đám đông suy nhược, gọi đó là bầy đàn. Đối với Nietzsche, tập tính bầy đàn là một thứ phản đạo lý, vì nó nhân danh đạo lý mà đẻ ra cái tồi tệ là giai cấp. Có hai thứ giai cấp được duy trì trong bầy đàn là giai cấp thống trị và giai cấp nô lệ.
Kẻ thống trị (những con đầu đàn) thì luôn mang đủ mọi đức tính quý báu: đẹp đẽ, mạnh mẽ, tài năng, thông thái, đức độ…, những thứ xấu xa chỉ là nhỏ nhặt, không đáng kể (như hắn có thói quen hút thuốc lá). Từ đó, trong bầy đàn đẻ ra căn bệnh sùng bái cá nhân. Sùng bái một cách mù quáng và điên rồ.
Kẻ nô lệ trong xã hội bầy đàn là những con thú bị giam cầm trong cái chuồng đạo lý. Họ có cùng khuôn mặt, cùng giọng điệu, cùng suy nghĩ và họ ngoan ngoãn tuân thủ theo quy luật bị trị và đạo đức nô lệ. Trong cái chuồng đó, những kẻ có ý chí cũng không thể thoát ra được, vì chính những kẻ nô lệ cùng bị giam cầm tự kiềm hãm nhau, đè nén nhau, tố giác nhau, triệt tiêu ý chí của nhau. Đấu trường đau thương này chỉ dành cho bọn nô lệ, nó không bao giờ hướng vào mục tiêu xóa bỏ chế độ thống trị và tiêu diệt kẻ thống trị. Nó kéo dài theo năm tháng, tạo ra một lương tâm tồi tệ bên trong bầy đàn và một mặc cảm khiếp nhược khi hướng ra thế giới bên ngoài (Genealogie der Moral).
Tính bầy đàn cũng được Nietzsche đề cập trong khuynh hướng chống lại chủ nghĩa xã hội: “Lý tưởng xã hội chủ nghĩa là sự suy thoái hoàn toàn của con người trong một bầy thú vật hoàn hảo” (Jenseits von Gut und Böse). Khi người ta từ chối giá trị tự do, bán rẻ thiên chức làm người thì người ta tự động rơi xuống hàng súc vật, mặc nhiên chấp nhận sự giam cầm, sự ngược đãi. Đừng biện minh cho cái gọi là chủ nghĩa xã hội trong một xã hội có hai mệnh đề rõ rệt: kẻ thống trị và kẻ nô lệ. Hãy nhìn đúng bản chất hướng nội của nó là sự chiếm đoạt, cưỡng bức, đàn áp, khai thác vô độ lượng của kẻ mạnh và sự chấp nhận, cam chịu, câm lặng, khốn nạn, khốn cùng, đồng hành với sự tự bào chữa, tự huyễn hoặc của kẻ yếu thế.
Nietzsche cho rằng, những kẻ luôn cầu an hay cam phận, bằng lòng và mãn nguyện với những uớc lệ tiêu cực của xã hội, chỉ là những kẻ hành xử và phục tùng theo bản năng bầy đàn.
*Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu bản năng “Phải bước ra khỏi con đường quen thuộc hay phải đối phó với một tác động bất thường?” (Henri Fabre)?
Nếu bị kẻ mạnh tấn công, con nhện sẽ sẵn sàng chịu chết. Nếu bị kẻ mạnh xâm lược, đàn kiến sẽ di tản khỏi nơi cư trú. Những con kiến chống đối sẽ chết thảm hại dưới gót giày xâm lược. Nếu thiên nhiên bị hủy hoại, tất cả cùng cam chịu cái chết. Nói như Fabre, trong trường hợp này, “bản năng sẽ trở nên ngu xuẩn”, nó bất lực trước mọi sự thay đổi ngoài phạm vi của thói quen. Bản năng không thể tạo ra xu hướng liên kết, hỗ trợ hay hoàn thiện môi trường sống, ngõ hầu tìm ra một phương thức sinh tồn thích hợp với cái mới hay cái khác.
*Tại sao những kẻ sống bằng bản năng luôn sợ hãi quá khứ, luôn chống lại những phân tích, đánh giá rạch ròi về quá khứ?
Bởi, bản năng thì thiếu khả năng phản tỉnh. Nó không thể quay ngược lại phía sau, đi ngược lại tiền đề để đánh giá lại tình hình hiện tại. Thời gian tiến hóa và sinh tồn không làm nảy sinh một tí ánh sáng nào trong vùng vô thức tối tăm của nó. Kinh nghiệm từ những thất bại, mất mát, thiệt thòi không dạy được nó. Vì, bản năng là vô tri. Nó chỉ nhằm vào mục đích phục vụ và thỏa mãn một thời điểm hiện tại được xem là chuẩn mực. Trong chu kỳ tiến hóa của con côn trùng, trứng-sâu-nhộng-bướm, các giai đoạn phấn đấu bằng kỹ xảo này của nó được kể là có giá trị, chỉ vì, nó được hoàn tất “vẻ vang”. Giá trị này có được từ quá khứ hay có ảnh hưởng gì đến tương lai, loài côn trùng thiếu hoàn toàn mọi lý luận.
Bản năng làm một con sâu lột xác mãnh liệt và hóa thành con bướm rực rỡ, nhưng bản năng sẽ không bao giờ nói cho nó biết về quá khứ ăn hại và một tương lai đẻ ra toàn sâu. Và, bản năng cũng không cho phép con bướm trở về tình trạng sống của con nhộng, không cho con nhộng có lại những hoạt động sinh học của con sâu, dù điều kiện bất thường trong tự nhiên có cưỡng ép nó.
Bản năng là thứ chỉ để phục vụ hiện tại mà phủ nhận quá khứ. Và, nó luôn mang lại cho hiện tại một cảm giác vinh quang.
*Nhận thức bằng bản năng là gì?
Ở đây phải nói về một đặc tính tự nhiên và vô cùng quan trọng của bản năng là sự tự vệ. Bản năng tự vệ mách bảo cho con vật (cũng như con người) sự nguy hiểm, nhờ vào đó mà chúng tồn tại. Một người nhận thức bằng bản năng là một người phó mặc cho bản năng tự vệ tạo rào chắn kiểm duyệt và tìm cách ngăn chận thông tin. Bản năng sẽ tự động chia thông tin ra làm hai loại: thông tin nguy hiểm và thông tin an toàn.
Khi bản năng mách bảo rằng, thông tin nguy hiểm là thông tin của bọn phản động, luận điệu của bọn dân chủ, những thứ dính líu đến chính trị, mấy tài liệu về chiến tranh, các yêu cầu làm sáng tỏ quá khứ…, thì bản năng cũng tự động lập rào cản chống lại thông tin nguy hiểm. Sau những tấm rào cản kiên cố, người ta không cần đọc qua một chữ, không cần hiểu hết một câu mà vẫn có thể kiên cường khẳng định, đó là tin xấu, tin độc hại, tin phản động.
Ở một khía cạnh khác, khi bản năng bật đèn xanh báo thông tin an toàn, người ta sẽ dễ dãi mở cánh cửa nhận thức cho thông tin tràn vào vô tội vạ. Những thông tin an toàn mặc nhiên trở thành kiến thức, tư tưởng, vốn sống của một con người mà không qua bất kỳ một sự sàng lọc nào của ý thức.
Ví dụ thứ nhất: Cô bạn người Việt của tôi, bốn mươi tuổi, tốt nghiệp đại học, làm việc ở một công ty nước ngoài tại Việt Nam. Cô chỉ đọc những thứ an toàn là báo quốc doanh và mấy bài triết lý sến sẩm trên mạng, như “Hãy học cách chấp nhận buông bỏ và sống bình thản”, “Phụ nữ chỉ cần một người chồng tốt và mái nhà bình yên cho con”, “Hôn nhân vợ chồng muốn lâu dài phải trải qua bảy giai đoạn”… Có lần cô đăng một bài ca ngợi lối sống của người nước ngoài. Đại khái là họ biết sống chậm, một ngày họ dành thời gian để chợp mắt, nghỉ ngơi ba lần. Tôi có ý kiến: “Bài này chắc của người Việt viết? Công việc ở nước ngoài rất khó cho người ta thu xếp để nghỉ ngơi ba lần trong ngày, nếu có, chỉ là thiểu số”. Cô bạn trả lời: “Sao chị lại bảo là bài viết của người Việt? Chị không thấy những tấm hình đăng trong bài đều là hình người ngoại quốc hay sao?”. Tôi thấy chứ. Đó là những tấm hình minh họa được lượm lặt hay vay mượn đâu đó trên mạng, một ông Tây ngủ gật trước ti vi và một bà đầm ngồi thiu thiu nhắm mắt trong vườn hoa. Comment của cô bạn nhận được rất nhiều like. Tôi im ngay, ngưng tranh luận. Ở đây không hề là vấn đề đúng hay sai để tranh luận, mà là, cách suy luận dễ dãi của một người khá trẻ, trình độ đại học. Nó cho thấy cô ở giai đoạn sơ khai của sự nhận thức. Như một con vật, cô chỉ sử dụng giác quan (ở đây là thị giác) tác động lên sự vật nhằm nắm bắt sự vật đó. Tôi gọi đó là lối nhận thức bằng bản năng.
*Vì sao rất khó tranh luận với một người có nhận thức bằng bản năng?
Bởi vì bản năng thì cực đoan, nó luôn cố thủ trong cái phương pháp sinh tồn bất di bất dịch của nó, như một lẽ sống còn. Con nhện sẽ không bao giờ thử nghiệm cách xây một tổ kiến. Con kiến sẽ không tìm cách tồn tại ngoài quy luật sống khuôn mẫu của bầy đàn. “Trông đợi sâu bọ thay đổi những điểm cốt yếu trong kỹ xảo sinh tồn của nó là mong đợi đứa trẻ đổi cách bú” (Henri Fabre).
Trước sự kích thích, con gián sẽ chui trốn vào một góc tối, con ong sẽ nhả nọc độc châm chích, con bọ xít sẽ xịt nước đái vào đối phương. Con người có bản năng côn trùng cũng vậy, khi không muốn tiếp cận ý kiến của người khác, họ sẽ giở trò block, sẽ tuôn ra những lời chửi rủa độc địa, sẽ thải ra những thứ khai rình, hôi thối.
Khác với côn trùng, con người có bản năng thú vật rất thích tranh luận. Họ hung hãn lao vào cuộc cắn xé, ở đó, họ hy vọng sức mạnh thô bạo (hay đê tiện) của ngôn ngữ sẽ chiến thắng.
Ví dụ thứ nhì: Bà hàng xóm người Đức của tôi, sáu mươi lăm tuổi, từng là thư ký quèn xếp giấy trong văn phòng, hiện nghỉ hưu. Có lần, tôi trò chuyện với bà về đời sống, công việc ở Berlin và dẫn tin của báo chí: “Tỉ lệ thất nghiệp của nước Đức đang giảm ở mức kỷ lục, từ năm 2005 là 11,7%, đến năm 2019 chỉ còn là 5%”. Bà hàng xóm của tôi trả lời: “Tỉ lệ thất nghiệp giảm không chỉ do kinh tế phát triển hay nhu cầu lao động tăng, mà còn phụ thuộc một phần vào chính sách giáo dục và đào tạo. Nhiều người không có trong danh sách thất nghiệp nữa, vì họ được sở lao động bố trí cho đi học một thứ gì đó. Họ có công việc nhưng họ không có thu nhập”. Cũng như ví dụ thứ nhất, ở đây không là vấn đề đúng hay sai để tranh luận, mà là, cách tiếp cận thông tin của một người Đức thường cho thấy họ có một lối nhận thức bằng tri thức.
*Tri thức là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về tri thức, nhưng vẫn không có một định nghĩa nào về tri thức được tất cả mọi người chấp nhận. Càng lý giải dài dòng từ tri thức thì vấn đề càng trở nên rối rắm.
Trong tiếng Hán Việt, cả Tri và Thức đều có nghĩa là biết và nhận biết.
Theo Wikipedia, tri thức (tiếng Anh: knowledge) bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục.
Édouard Claparède định nghĩa, tri thức là một thích ứng tinh thần vào những trường hợp mới (Jean Plaget, Psychologie der Intelligenz).
Henri Bergson giải thích, tri thức là một khả năng chế tạo, nó đối lập với bản năng và trực giác. Tri thức xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người vào thời kỳ các vũ khí đầu tiên, các dụng cụ đầu tiên được chế tạo (Schöpferische Evolution).
Tôi tạm cho rằng, tri thức là sự vận động trên bề mặt ý thức để dẫn đến một giá trị tư tưởng. Người có nhận thức bằng tri thức sẽ nắm bắt sự vật qua cách khái quát, tổng hợp, biện chứng, phán đoán và suy luận, từ đó đi sâu vào bản chất của sự vật, tạo lập một tư tưởng hay một nhận định độc lập.
* 
Câu hỏi: Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì?
-Là ý thức rõ bản năng côn trùng hay bản năng thú vật trong mỗi con người, để tìm cách bồi dưỡng hay chế ngự nó.
Tôi nói “bồi dưỡng” là vì tự bản năng không có nghĩa là xấu. Như đã kể trên, bản năng sẽ rất hoàn hảo trong các điều kiện sinh tồn thuận lợi. Trong môi trường bị đàn áp, bị kiểm duyệt gắt gao, thì bản năng tự vệ còn giúp cho người ta tồn tại.
Nhưng, một xã hội mà trong đó mọi cuộc sống và nhận thức đều lệ thuộc vào bản năng, sẽ dễ sản sinh ra một thế hệ nửa côn trùng, nửa thú vật. Chúng có thể cam phận làm con mọt sách, hay sống chui rúc như con giun, con gián, con bọ. Chúng có thể thành công trong việc vun vén cá nhân, nhưng hoàn toàn thất bại khi bước ra thế giới bên ngoài. Chúng có thể từ chối làm người trưởng thành, hành xử ngớ ngẩn như trẻ đang còn bú. Nguy hiểm hơn nữa, chúng có thể đặc biệt hung tợn, sinh tồn bằng bản năng chiếm đoạt và giết chóc. Đối với những kẻ mang bản năng thú vật, luật lệ nằm trong nanh vuốt của kẻ mạnh, gọi là luật rừng.
* 
Câu hỏi: Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn?
-Phát triển tối đa thông tin đa chiều để chống lại lối nhận thức bằng bản năng. Buộc người Việt phải đối diện với một lượng thông tin phong phú. Buộc họ phải có một sự vận động trên bề mặt ý thức để tạo ra một giá trị tư tưởng riêng biệt. Buộc họ phải nhận thức được giá trị: mỗi con người là một nhân vị tự do.
Chúng ta tự do trong mọi lựa chọn về tư duy, lý tưởng, đạo lý, và chúng ta tự do trong mọi đường hướng tiếp cận thông tin.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét