Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Mùa corona nói chuyện dịch hạch

Đăng trên F: 24.02.2020
*
Mười một thành phố ở Lombardei – Ý bị phong tỏa.
Giải bóng đá vô địch quốc gia Ý bị hủy bỏ.
Hội chợ quốc tế ở Frankfurt – Đức bị hủy bỏ.
Áo chận đứng chuyến xe lửa từ Ý sang Đức.
Pháp và Đức ban lệnh kiểm dịch: tất cả người Trung Quốc đến từ Vũ Hán đều bị giam cách ly.
Hy Lạp cấm du học sinh sang Ý, kiểm tra nghiêm ngặt những chuyến phà giữa Ý và Hy Lạp.
Những chuyến bay từ Ý sang Đức đều bị cô lập.
Ủy ban liên minh Châu Âu chi 230 triệu Euro cho chương trình chống dịch.
Các thành viên EU ở Brüssel yêu cầu đóng cửa biên giới.


Trong khi chính quyền các nước Châu Á tỏ ra chậm chạp và quan liêu trong việc ngăn ngừa dịch bệnh thì chính quyền các nước Châu Âu lại đồng loạt mở chiến dịch quy mô và rất quyết liệt nhằm chặn đứng corona. Họ bình tĩnh và hung hăng chứ không hề hoảng loạn. Với kinh nghiệm chiến đấu chống lại căn bệnh dịch hạch từ thời Trung Cổ, họ hiểu rất rõ, cách ly người nhiễm bệnh là cơ may dập tắt dịch, phong tỏa vùng nhiễm bệnh là vấn đề sinh tử.
Nói về bệnh dịch hạch ở Châu Âu.
Một trong những ghi nhận thảm khốc nhất trong lịch sử y học thế giới là đại dịch hạch ở thế kỉ 14 (từ năm 1348 - 1351). Nạn dịch mang tên Tử Thần Đen này đã cướp đi sinh mạng của 25 triệu người, khoảng 30-50% dân số châu Âu thời bấy giờ. Nhiều ngôi làng bị xóa sổ hoàn toàn.
Vào giữa thế kỷ 14, khi châu Âu còn đang trong đêm dài Trung Cổ, trình độ khoa học, y học của con người còn đang hết sức sơ khai, đại dịch Tử Thần Đen đã hoành hành tàn khốc, khiến người dân vô cùng hoang mang sợ hãi. Tử Thần Đen có tốc độ lây lan cực nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao (từ 30 - 75%) làm cho giới cầm quyền và các bác sĩ không còn đủ thời gian để tìm hiểu bản chất của đại dịch. Họ thậm chí đã quay sang giả thiết rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên, động đất hoặc những người vô thần gây ra.
Dịch hạch là do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Loại vi khuẩn này được đặt theo tên của nhà nghiên cứu sinh học người Pháp - Thụy Sĩ Alexandre Yersin, người đã khám phá ra nó. Vi khuẩn Yersinia pestis ký sinh trong loài gặm nhấm hoang dã, nơi chúng sống với số lượng và mật độ lớn. Bệnh dịch hạch ở người phát sinh khi loài gặm nhấm trong môi trường sống của con người, thường là chuột đen, bị nhiễm bệnh.
Thông thường, 10-14 ngày trước khi bệnh dịch hạch giết chết gần hết đàn chuột bị nhiễm bệnh thì đám bọ chét tập trung lại ở những con chuột sắp chết. Sau ba ngày nhịn ăn, bọ chét sẽ tấn công sang con người. Từ vị trí vết cắn, bệnh lây lan đến một hạch bạch huyết, sưng lên tạo thành bọt khí đau đớn, thường gặp nhất ở háng, trên đùi, ở nách hoặc trên cổ. Do đó có tên là bệnh dịch hạch.
Thời gian ủ bệnh 3-5 ngày. Bệnh lan truyền từ những con chuột ra cộng đồng người mất trung bình 23 ngày cho đến khi người bệnh đầu tiên chết.
Dịch bệnh lây lan từ những con chuột này sang đàn chuột khác trong địa phương và truyền sang cư dân theo cách tương tự. Phải mất một thời gian để mọi người nhận ra rằng một dịch bệnh khủng khiếp đã bùng phát và các nhà sử học có thể ghi nhận được điều này. Thời gian cũng khác nhau: ở nông thôn mất khoảng 40 ngày để nhận ra; ở thị trấn với vài nghìn dân là 6-7 tuần; tại các thành phố hơn 10.000 cư dân là khoảng 7 tuần và trong một vài đô thị với hơn 100.000 dân thì nhiều nhất là 8 tuần.
Vi khuẩn bệnh dịch hạch có thể thoát ra khỏi bọt khí và theo dòng máu mang đến phổi và gây ra một biến thể của bệnh dịch hạch lây lan từ những giọt nước bị nhiễm khi bệnh nhân ho (bệnh dịch hạch viêm phổi).
Hàng loạt những tác phẩm văn chương lớn ở Châu Âu đã mô tả lại thời kỳ kinh hoàng của Tử Thần Đen. Dịch Hạch - La peste của Albert Camus, Làng Dịch Hạch - Das Pestdorf của Deana Zinßmeister, Romeo Julia của William Shakespeare, Người Thầy Thuốc - The Physician của Noah Gordon. Angélique, Marquise des anges, của Anne Golon, Mặt nạ tử thần đỏ - The Masque of the Red Death của Edgar Poe… Nói về bệnh dịch hạch, ngày nay người ta có thể hình dung những ngôi làng bị phong tỏa, những căn nhà bị đánh dấu chữ thập, những hầm mộ tập thể phủ kín vôi bột, và những ngọn lửa hung tàn thiêu sống cả một vùng dịch bệnh.
Sau đại dịch mang tên Tử Thần Đen tại Châu Âu, ở thế kỷ 19 và 20 dịch hạch chuyển hướng sang Trung Quốc. Cơn dịch khổng lồ bắt đầu ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào năm 1855, lây lan và giết chết hơn 12 triệu người Trung Quốc và Ấn Độ.
Ở thế kỷ 21, Châu Âu đã thoát khỏi nạn dịch hạch thì Trung Quốc vẫn phải vất vả đối phó và che giấu sự thật.
Tháng 8 năm 2009, hành phố Ziketan, huyện Xinghai thuộc quận tự trị Tây Tạng Hải Nam, tỉnh Thanh Hải (Tây Bắc Trung Quốc) dịch hạch phát tán gây ra bệnh viêm phổi làm ba người chết, mười người bị lây nhiễm.
Tháng 7 năm 2014, thành phố Yumen, Trung Quốc bị phong toả và 151 người bị cách ly sau khi một người đàn ông chết vì bệnh dịch hạch.
Mới nhất, tháng 11 năm 2019 vừa qua, Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ bùng nổ bệnh dịch hạch. Cư dân mạng viết: “Bên chúng tôi thực sự là khu vực bệnh dịch hạch nghiêm trọng, tôi cảm thấy bản thân sống trong sợ hãi!” “Chúng tôi cách Hóa Đức khoảng nửa giờ đi đường, làm sao tôi không hoảng loạn?”
Trước các cáo buộc của WHO, Trung Tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc cho biết đã tìm kiếm những cá nhân có nguy cơ nhiễm dịch hạch và thực hiện biện pháp ngăn ngừa cũng như chữa bệnh. Nhiều bệnh viện cũng đang theo dõi những bệnh nhân có triệu chứng của bệnh. Nhưng theo Tân Hoa Xã, số lượng chuột tại khu vực Nội Mông đã tăng lên đáng kể do hạn hán kéo dài vì biến đổi khí hậu.
Tháng 1 năm 2020, đại dịch corona bùng nổ, đẩy lùi nghi vấn đại dịch hạch ở Trung Quốc vào bóng tối. Chính quyền Trung Quốc phải lo tập trung vào trò chơi trốn tìm mới.
*
Link:  https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/633412760794482

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét