Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Sống giữa xác chết



Mai vang 1.jpg
***
- Thriller -

Cơn ác mộng bắt đầu khi Lân quyết định giấu xác thằng nhỏ đánh giày vô tủ áo quần.
Thật ra, tôi chẳng lạ lùng gì chuyện giết người và phi tang xác chết. Báo chí đăng đầy, như cơm bữa. Ở nơi nào có hoa hậu thì ở nơi đó có án mạng. Đọc riết rồi quen. Đọc quen rồi ghiền. Càng giết dã man càng gây cảm xúc mạnh. Khoái nhất là những bài báo có kèm theo hình ảnh minh hoạ. Một vài vũng máu đen. Một cái chân người chết tái ngắt ló ra sau tấm chiếu. Tờ báo tôi vừa đọc sáng nay trên máy bay đưa tin cô nữ sinh hoa hậu bị người yêu hãm hiếp rồi chặt ra từng khúc. Báo đăng chi tiết tới độ tôi bỗng cảm thấy nghẹt thở vì bị thằng cuồng dâm bóp cổ. Mấy ngón tay tôi đau rêm như đang bị nó cắt ra từng đốt. Tôi nhìn qua người khách kế bên, ông ta cũng đang đọc bài báo đó. Khuôn mặt người đàn ông đờ đẫn trong nỗi sợ hãi khoái trá. Cặp mắt có hai cái mí sưng bụp và mọng đỏ ngước lên nhìn tôi. “Tất cả chúng ta đều có thể trở thành kẻ giết người.” Tôi rùng mình như bị bắt quả tang. “Hay trở thành kẻ bị giết.”
Ở nơi nào có hoa hậu thì ở nơi đó có án mạng. Căn phòng này cũng không ngoại lệ, một hoa hậu và một xác chết. Nếu kể thêm cho đúng giọng điệu câu khách của báo Công An, thì sẽ có thêm một đại gia và một chiến sĩ cách mạng lão thành.
Thằng nhỏ nằm đó, cạnh chân bàn, quấn kín trong tấm mền nỉ trắng. Loại mền khách sạn dành cho những phòng có máy lạnh. Máu đỏ trên đầu nó đang thấm ra một vùng bằng trái táo. Tôi nói tới trái táo tây của nàng Bạch Tuyết, chứ không phải trái táo ta nhỏ bằng trái chanh, hay trái táo tàu nhỏ bằng đốt ngón tay.
Chị cả của Lân ngồi co rút nơi góc salon, cặp mắt trong veo như búp-bê ngước lên lỗ thông hơi trên trần nhà. Từ đó, tiếng máy lạnh rì rì vọng ra, xăng xái chạy trước kịch bản, thổi vô phòng mùi xác chết hăng hăng. Khi mà cái xác mới tinh còn chưa kịp bốc mùi tử khí. Thằng nhỏ vừa bị chị Trung lỡ tay xô ngã, đầu đập vô cạnh bàn. Người nó còn mềm oặt khi Lân xốc lên. Lân nhăn mặt nói:
“Em phụ anh đưa nó về phòng mình.”
Trời, làm gì có phương hướng giải quyết tiêu cực kiểu này. Tôi khoái đọc báo Công An, khoái theo dõi những vụ án mạng. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi khoái nhúng tay vô những vụ giết người. Những người làm báo chuyên nghiệp cũng nắm chắc điều đó. Độc giả chỉ đọc báo tìm cảm giác mạnh chứ không giết người. Lời nói của người đàn ông trên máy bay thoảng qua tai tôi, bây giờ, nó lại giống như giọng đe doạ của Lân. “Hay trở thành kẻ bị giết.” Bất giác tôi lùi lại nửa bước.
“Anh không thể đưa nó về phòng mình. Đây là án mạng, anh phải báo công an.”
Lân kê đầu gối đỡ ngang vai thằng nhỏ. Bộ mặt gã co rút, tím ngắt lại như trái cà dái dê héo.
“Ngu vừa thôi chứ. Chuyện này đổ bể ra, gia đình mình sẽ gặp trăm ngàn thứ phiền phức. Báo chí. Công an. Bác sĩ. Dư luận... Dù gì nó cũng chết rồi, chẳng ai cứu sống được. Chị Trung chỉ lỡ tay xô ngã.”
Đừng quên cái chữ “ngu” này, nghen. Những vụ hạ nhục nhân phẩm như vầy đều phải ghi sổ đen để khi nào có dịp là thanh toán sòng phẳng. Tạm thời đành phải chịu lép đã. Tôi đổi giọng líu ríu, yếu như con cuốn chiếu:
“Thì... híc... mình báo với công an là... híc... lỡ tay.”
“Ngu vừa thôi chứ. Ai mà tin. Một thằng nhỏ đánh giày nửa đêm vô phòng bà già đi dép nhựa, rồi bị xô té bể đầu. Họ sẽ làm lớn chuyện để gia đình mình khánh tận, chứ loại gian manh cùng đinh này đầy đường, có mất đi một đứa cũng chẳng việc gì.”
Khuôn mặt Lân bây giờ trắng bệch ra vì căng thẳng, vì cố gắng quá sức, vì nói quá nhiều. Da mặt Lân giãn ra tới độ chỉ cần dí cái móng tay lên là nổ banh một phát. Tôi nắm chặt hai bàn tay của mình trong túi áo ngủ, chặt tới độ những cái móng đâm sâu vô lớp da và những khớp xương lồi hết lên. Tôi lại càng tin chắc là nếu tôi xỉa tay mình vô mặt Lân lúc này, mặt gã sẽ nổ banh. Mười một giờ đêm. Đốm máu trên đầu thằng nhỏ đã loang lớn bằng bàn tay, chỗ đó ướt đẫm. Máu như sắp trào ra, thấm sang ống tay áo pyjama trắng của Lân. Suy nghĩ loé sáng trong cái đầu mà Lân luôn nguyền rủa là ngu ngốc.
“Nó còn sống. Chắc là nó vẫn còn sống. Anh coi kìa, máu đang chảy ra.”
Chị Trung ngồi đờ đẫn ở ghế salon bỗng đứng bật dậy, lanh lợi tỉnh táo như chưa từng điên. Chị rờ tay vô cạnh bàn rồi cúi xuống bên cái xác thằng nhỏ. Bàn tay khô cứng thọc nhanh vô lớp mền trắng giống như xẻng xúc đất. Khuôn mặt lạnh lẽo bỗng nở nụ cười kỳ quái. Người chưa quen nhìn thấy nụ cười này là dựng đứng tóc gáy. Đôi môi chị mỏng lét vàng khè mở ra, mấp máy:
“Nó chết rồi. Lúc ngã xuống, nó giật nảy người hai bận rồi chết.” Chị Trung nói tới đó thì thưỡn ngực lên, nảy hai cái thiệt là dung tục. “Để chị giúp em khiêng xác nó đi.”
Những chuyện như vầy báo chí chẳng bao giờ tưởng tượng ra nổi để mà đăng. Chỉ có người trong cuộc mới biết phải đối phó ra sao. Tôi im lặng. Chị Trung nhấc phần chân thằng nhỏ lên, thô bạo tới độ cái mền tuột ra để lộ hai bàn chân trần gầy đét. Tôi nhìn sững bàn chân có mấy cái ngón trắng bệch bám đầy bùn đất bỗng nghẹn thở, buồn nôn. Không phải tôi sợ thấy xác chết, mà bàn chân thằng nhỏ làm tôi nhớ tới thằng Út. Mỗi buổi tối, nó leo lên giường ngủ cũng với hai bàn chân nhỏ xíu lem luốc như vầy. Tôi phải bám vô tường mới đứng vững được.
“Nè... anh không thể mang nó về phòng mình. Bên đó làm gì có chỗ.”
Lân lôi xềnh xệch thằng nhỏ ra cửa, hai gót chân trần của nó kéo lê trên mặt thảm. Gã nói qua hơi thở giận dữ:
“Nhét nó vô tủ áo quần. Được chưa? Nó chỉ nằm đêm nay, ngày mai sẽ có người đưa đi.”
Tôi thèm đấm một cái hết ga vô bộ mặt căng bóng của Lân. Nếu ai bảo vợ đánh chồng là hỗn láo, là vô đạo đức, thì tôi sẽ cười ré lên. Hôn nhân giữa đại gia và hoa hậu, làm gì có theo một công thức đạo đức nào. Loại hôn nhân như mì ăn liền, ăn sống cũng được mà trụng nước sôi cũng được.
Thằng nhỏ bị chị em Lân bẻ gập lại, nhét vô tủ áo quần. Bàn chân nó thò ra khỏi mép cửa, cứ như đang cố sức bước ra ngoài. Lân đưa mũi giày lên, hất luôn cái chân vô tủ. Tôi ghê tởm nhìn đôi giày nâu vàng bóng loáng của Lân. Đôi giày da kiểu Anh, Charles Tyrwhitt, Lân đặt mua trên đường Đồng Khởi với giá hai mươi triệu. Lân cẩn thận chùi đầu mũi giày lên mép mền nỉ rồi kéo tà áo dài màu cẩm thạch của tôi choàng qua nửa cái xác. Trời Đất, cái áo dài tôi mặc trong show diễn “Tấm lòng vàng cho trẻ em đường phố” vào ngày quốc tế thiếu nhi. Cánh cửa kêu kèn kẹt khi nghiến qua góc mền, từ từ khép lại giam kín thằng nhỏ trong góc tối.
Lân tìm được ở đâu cuộn băng keo lớn. Hai chị em hì hụi dán chặt cánh cửa kéo, cứ như họ sợ thằng nhỏ tìm cách đẩy cửa chui ra. Sống lưng tôi ớn lạnh như có ai xát nước đá lên. Hay là thằng nhỏ chưa chết.
Đêm trôi đi chậm chạp trong niềm ám ảnh day dứt. Cái tủ áo quần chỉ nằm cách giường tôi có hai bước chân. Thằng nhỏ nằm trong đó, hy vọng là đã chết. Tôi hoang mang uống gần hết chai rượu đỏ, rồi thiếp đi trong cơn mê. Đâu đó, giữa bốn bức tường đen mịt, tiếng hét hãi hùng điên loạn của chị Trung chạy quanh quẩn mà không sao thoát ra được thế giới bên ngoài. “Truy lùng... gom hết vô một chỗ... xử lý.”
Tiếng động kỳ dị từ tủ áo quần vọng ra làm tôi choàng tỉnh.
“Nè. Anh có nghe thấy gì không? Thằng nhỏ còn sống.”
Ánh trăng chuồi qua mép màn cửa, rọi lên khuôn mặt Lân một khoảng trắng nhợt nhạt. Gã nhăn nhó như kẻ đột tử trong cơn đau đớn cùng cực. Lớp da mặt ban ngày luôn căng bóng của Lân bây giờ bèo nhèo, u sần như tấm giẻ lau nhà mục nát, vón cục. Tôi quan sát khuôn mặt luôn xa lạ đó, lại nhớ tới bộ phim mà tôi bị ám ảnh, The Lord of the Rings. Không ai biết được tuổi thật của Lân, kể cả bầu Huấn, người hoan hỉ giới thiệu tôi cho đại gia Đoàn Vĩnh Lân. Tôi cũng không hề có ý định tìm hiểu tuổi tác của Lân trên giấy tờ. Ai đã từng lăn lộn bò lết trong giới showbiz cũng biết, giấy tờ chẳng là cái cùi loi gì. Vài trăm đô, hay một bữa nhậu giá bèo, là có tên mới, ngày tháng năm sanh mới. Chỉ có một sự thật không sao mua được bằng tiền. Bộ mặt căng bóng trơ lì như xác chết của Lân mỗi khi cúi xuống hôn tôi, luôn làm cho tôi khiếp sợ và ghê tởm.
Bàn tay tôi vừa định đặt lên vai Lân bỗng ghê tởm rụt lại. Tôi nói như báo tin dù biết, gã chẳng hề nghe được gì trong giấc ngủ mê muội:
“Lân, em phải gọi bác sĩ.”
Thoáng tiếng thằng nhỏ thở khò khè sau cánh cửa tủ. Hình như nó thiếu không khí. Hình như nó đang bị chôn sống giữa bốn lớp gỗ dán kín băng keo. Tôi nhớ tới lúc đầu hôm gặp nó trước cửa khách sạn, khi lẻn ra bên ngoài vài phút hóng gió. Buổi ăn tối với chị em Lân trong nhà hàng làm tôi ngộp thở. Những người khách già nua tàn tật, nửa điên nửa tỉnh, nói nói cười cười. Tôi thấy họ giống như đám ma đói bên những mâm thức ăn ngồn ngộn. Đôi môi vàng khè của chị Trung ngấu nghiến những khoanh thịt bò chưa chín tới còn tươm máu đỏ. Bộ móng tay đen đủi cào bới lên dĩa cơm trắng. Tôi nhắm mắt lại, quay mặt nhìn ra cửa sổ, nơi có chùm hoa sứ trắng đong đưa. Lẽ ra tôi vẫn có thể ở lại thêm vài phút, nhìn hoa sứ trắng để uống hết chai rượu Long Wood California. Nhưng lão già ngồi bên chị Trung đổ rượu tràn lan qua cửa miệng làm tôi thấy màu đỏ của wine trở nên nhớp nhúa. Năm nào chị em Lân cũng về lại đây dự đại lễ. Giới showbiz rỉ tai nhau tin đồn: ba người vợ trước của Lân theo hầu hạ chị chồng dịp này đều gặp tai nạn mà chết bất đắc kỳ tử. Một cô bị xe lửa cán ngang cổ. Một cô té từ lầu cao xuống, cọc sắt xuyên qua lưng. Một cô bị bọn trấn lột bổ cuốc vô sau đầu. Tôi mỉm cười tự tin chấp nhận lời cầu hôn của Lân.
Thằng nhỏ đánh giày đột ngột bước ra khỏi gốc cây sứ bên cửa khách sạn. Nó tới cạnh tôi, nói bằng một giọng rỉ rả, ẩm ướt mưa phùn:
“Chị ơi, chị đánh giày không?”
Tôi không thích cái giọng mềm nhão như người sắp chết của nó, nhưng cái bóng gầy gò nách theo thùng đạn tróc lở móp méo mang vẻ nhẫn nhục quen thuộc làm tôi nhớ tới má, cứ vẹo lưng như vậy, tha thúng bánh tét đi khắp hang cùng ngõ hẻm. Cả buổi chiều nay, nó bám theo tôi và chị em Lân cũng chỉ để hỏi câu này. Hình nó không tìm được khách. Hình như nó đói và lạnh. Hai bả vai nhô lên như báng xương rồng khô dưới lớp áo xỉn màu đất. Không biết trời xui đất khiến kiểu gì mà tôi lại đưa tay vuốt mái tóc bù xù của nó:
“Chị không đánh giày. Nhỏ cầm ít tiền đi ăn tối nghen.”
Nó rùng mình khi bàn tay tôi chạm lên tóc. Cả thân hình nó chao đảo cứ như là sắp té, miệng lại lảm nhảm:
“Chị đẹp như hoa hậu.”
Tôi tức cười nói:
“Thưởng thêm cho lời khen của nhỏ một tô bún bò.”
Nó phân vân vuốt tờ giấy hai trăm ngàn đồng giữa mấy cái ngón đóng đầy đất đen. Giọng nó run run:
“Mới nhìn qua, biết chị là người tốt. Nhưng sao chị đi chung với họ, lại ở trong khách sạn này?”
Hoá ra thằng nhỏ biết nhiều chuyện hơn tôi tưởng.
“Khách sạn này có gì không hay?”
Ánh mắt nó tối sầm lại:
“Khách sạn này có thắp đèn. Ban đêm chị đừng bước ra khỏi phòng. Cũng đừng cho ai vô phòng. Ở trong đó, khoá chặt cửa lại, chờ trời sáng.”
Không chờ tôi kịp tiêu thụ hết những lời cảnh cáo khủng khiếp, nó nhét tờ tiền giấy vô túi áo, nói luôn:
“Cái này em giữ làm kỷ niệm. Có ăn uống gì đâu mà chị cho tiền.”
“Mà, nè em. Cái khách sạn này có gì...”
Nó nhảy lùi lại một bước, biến mất sau gốc cây.
Cho tới khi nó chết, tôi vẫn không hiểu được, câu chuyện bên cây sứ nằm ở mức độ nào của sự tỉnh táo, sau khi uống hết ba ly rượu đỏ. Tờ tiền giấy hai trăm ngàn vẫn còn nằm ngay ngắn trong bóp của tôi.
*
Tôi bò dậy, cố giữ mình tránh xa cái tủ, tránh xa thân thể bất động của Lân, lần mò ra phòng khách tìm máy điện thoại. Đường dây nối xuống quầy tiếp tân chỉ có những tiếng rét rét như dế kêu. Tôi quay máy nhiều lần, bỗng rồi ngớ ngẩn nhận ra, căn phòng này mất điện từ khi nào. Đốm đèn đỏ góc tivi không cháy. Đồng hồ điện tử của tôi đặt trên bàn nước cũng tắt ngấm. Chỉ có ánh sáng trăng lạnh lẽo soi qua khung cửa. Mà mùa cuối tháng âm lịch thì không thể có trăng. Tiếng rên rỉ, cọt kẹt vọng ra từ phòng ngủ, như là đau đớn, như là hăm doạ, không rõ của Lân hay của thằng nhỏ kia.
Tôi mang giày, khoác áo lạnh lần ra hành lang. Bên ngoài cũng tối thui như trong rạp chiếu phim. Phía xa, cuối hành lang thoáng chút ánh sáng leo lét. Tôi phân vân không biết có nên rút chìa khoá cửa mang theo, vì tôi sợ khi trở về sẽ không vô được phòng. Lân ngủ rất say. Gã sẽ hoá hung tợn nếu bị đánh thức trước khi trời sáng. Nhưng nếu rút chìa khoá ra khỏi ổ công tắc điện thì phòng sẽ bị ngắt điện luôn. Như vậy cũng làm Lân nổi cơn thịnh nộ nếu bất chợt thức dậy trong bóng tối.
Cánh cửa phòng bên cạnh bỗng bật mở. Bóng đen thình lình hiện ra trước mặt tôi, nụ cười ngây độn tối tăm. Dẫu nhận ra bà chị chồng điên điên tỉnh tỉnh, tôi vẫn hốt hoảng sảy tay. Cánh cửa phòng đóng sập lại sau lưng. Chị Trung khoác tấm áo mưa dài ướt đẫm như vừa từ bên ngoài trở về. Tôi ái ngại hỏi:
“Ủa, chị đi đâu giờ này?...”
Chị chồng tôi đứng bên ngạch cửa nhìn sững vào bóng đêm, lắng nghe động tĩnh. Nhưng chị không thấy tôi, không nghe tôi nói. Xa xa có tiếng pháo nổ đì đùng, lác đác vọng về. Chị vuốt mái tóc đẫm nước, nở nụ cười ghê rợn rồi bước thụt lùi vô phòng. Cánh cửa phòng 214 đóng sập lại. Một tiếng “cốp” cộc cằn vang lên, không rõ là tiếng kéo ổ khoá hay tiếng va chạm kim loại gì đó.
Tôi đứng ngẩn ngơ trước cửa phòng, nhớ tới lời thằng nhỏ đánh giày. “Ban đêm chị đừng bước chân ra ngoài”. Bây giờ mới nhớ tới nó thì đã quá muộn. Cánh cửa phòng tôi đã khoá kín. Chìa khoá còn gắn trong ổ công tắc điện. Thằng nhỏ đánh giày bị thương nằm trong tủ chờ chết.
Tôi lần theo vách tường xuống đại sảnh. Cô gái cỡ tuổi tôi, ngồi bên quầy tiếp tân. Cô mặc áo dài trắng, cắm cúi đan len bên ngọn đèn dầu leo lét. Cuộn len màu tím rất to nằm trên bàn giấy. Cái áo, hay cái khăn gì đó chỉ mới đan được khoảng một gang tay. Hai que kim loại nhọn hoắc đâm xiên xẹo liên tục vô nhau rất khít khao. Tôi chưa thấy ai đan len bao giờ. Ở quê tôi, không ai cần áo len. Mà tôi cũng tưởng thời buổi này ngoài siêu thị cái gì cũng có, không còn ai phải tự đan áo. Thành ra hình ảnh người thiếu nữ ngồi đan len dưới ánh đèn dầu trông rất cũ kỹ và xa lạ. Nó lạc điệu như tấm hình Marilyn Monroe với cái xu-chiêng thô cứng bự chảng mà bầu Huấn treo trong phòng tập nhảy. Không biết bầu Huấn thấy đẹp chỗ nào, chứ tôi thấy bà hột mít đó quê mùa và thô kệch kinh khủng. Cô gái ngước mắt lên nhìn tôi. Cặp mắt không có tròng đen, trắng dã ghê rợn. Tôi đang nghĩ tới cái xu-chiêng của Marilyn bỗng giật mình, la lên thất thanh. Nhưng rồi cô ta chớp chớp cặp mắt đen tuyền:
“Chị cần gì?”
Suýt nữa tôi tát vô mặt mình một cái, cho tỉnh ngủ. Rõ ràng cô này có hai tròng mắt đen rất to. Tôi nói như trách móc:
“Chị ngồi đan ở đây cả đêm à? Tôi gọi điện thoại xuống mấy lần mà không được.”
Khuôn mặt xanh xao nở nụ cười tối đen. Tôi lại trợn mắt nhìn. Hình như cái miệng tối tăm đó không có răng. Nhưng bây giờ cô ta đã có răng. Ánh đèn dầu soi lên hàm răng đều tăm tắp:
“Cúp điện từ hai ngày nay, mất hết liên lạc với Sài Gòn.”
Tôi tưởng mình nghe lầm, lại định vỗ hai cái lên lỗ tai. Buổi chiều, khi tôi tới đây, khách sạn vẫn có điện bình thường. Tôi còn nhớ rõ, hành lý của tôi được chuyển lên tầng trên bằng thang máy. Trước lúc đi ngủ tôi còn coi tivi show diễn thời trang nhàm chán của bầu Huấn. Anh ta đang cố tìm cách đưa Mai Lý vô thay thế vị trí số một của tôi. Chuyện mất liên lạc với Sài Gòn cũng là bịa đặt. Chuyến bay từ Sài Gòn ra đây chưa tới một giờ và chỉ gặp trở ngại nhỏ khi lạc vô vùng bão xoáy. Lúc đó Lân đã cười đểu cáng và lên giọng doạ dẫm. “Tụi mình sẽ lạc vô vùng địa ngục và chỉ có một đứa quay trở lại.” Tôi khó chịu ngắt lời gã. “Mình ra đó để ăn tết, anh đừng nói những lời xui xẻo khó nghe như vậy.” Nhưng Lân vẫn tiếp tục cười đe doạ, gã không bao giờ quên được ý nghĩ phải hành hạ tôi, phải làm cho tôi sợ hãi. “Ừ, ăn tết. Một cái tết chết chóc.”
Tôi phân vân nói với cô tiếp tân. Một cô tiếp tân có đủ răng và mắt.
“Tôi cần một bác sĩ.”
Cô tiếp tân lại tiếp tục bằng một giọng lạc lõng:
“Họ ở bên bệnh viện tiểu khu. Nhiều người chết và bị thương quá. Một số phòng của khách sạn này cũng được trưng dụng để chứa xác vô thừa nhận.”
Tôi bắt đầu mất bình tĩnh, có cái gì không bình thường ở đây. Hoặc là tôi mơ ngủ. Hoặc cô gái này điên. Tôi tì tay lên cạnh gỗ xơ xước. Dĩa mứt tết trước mặt tôi mốc đen gớm ghiếc đến độ tôi thấy nó giống như dĩa thèo lèo cứt chuột. Chẳng hiểu khách sạn năm sao này đón khách kiểu gì mà chưa tới tết mứt đã mốc meo. Tôi lên giọng bực tức:
“Tôi cần một bác sĩ, có người bị thương nặng trên phòng, máu ra nhiều lắm.”
Cô tiếp tân che tấm len màu tím lên mặt, nói như đóng kịch:
“Sao mà bị thương? Trúng đạn hay pháo? Sao mà nhiều người chết như vậy? Bác sĩ Alois vừa đi ra bên ngoài, chị có thể đuổi theo anh ấy. Trước khi trời sáng.”
Tại sao lại trước khi trời sáng? Chẳng lẽ ông bác sĩ này chỉ làm việc ca đêm? Tôi hít một hơi, đi về cửa chính. Bên ngoài tối đen, trời đã ngưng mưa nhưng không khí vẫn còn ẩm ướt và dày đặc sương. Cây sứ trắng đậm ngát hương đêm. Tôi bước ngang qua chỗ đầu hôm gặp thằng nhỏ đánh giày. Cảm giác có ai quan sát làm tôi giật mình quay lại. Gốc cây trắng sần sùi hiện ra mờ ảo trong màn sương. Chiếc bóng cô gái tiếp tân cũng khuất lấp dưới ánh đèn dầu tù mù. Gió đưa mùi nhang trầm kỳ bí đêm cuối năm, đưa mùi thuốc pháo khô khốc. Một tiếng nổ bất chợt xé toạc màn đêm. Ánh sáng vụt cháy đỏ ở góc trời. Tôi sững lại một giây rồi quyết định chạy về hướng đó.
*
Thành phố ban đêm bị thu hẹp lại. Những mái nhà cổ kính té sấp vô nhau. Những con đường bị vọp bẻ co rút cong quẹo. Không một bóng người, vắng lặng ghê hồn. Mấy hương án đặt trước bình phong âm ỉ cháy, toả những đốm sáng lập loè. Tôi chạy loanh quanh hơn một giờ đồng hồ mà không biết con đường nào dẫn về cái chỗ mang tên kỳ cục “bệnh viện tiểu khu”. Cả con đường quay về khách sạn tôi cũng không tìm lại được. Những tấm bảng tên đường cũ kỹ, gần như mục nát, nằm vắt ngang trên cột gỗ khẳng khiu. Tôi bỗng có liên tưởng khó chịu, mấy tấm bảng tên đường này như những cây thánh giá trên nấm mộ xưa cũ bỏ hoang.
Tôi tạt vô dãy hàng quán còn mở cửa bên đường. Ánh đèn dầu leo lét soi lên những bộ bàn ghế xếp ngay ngắn. Nhiều bàn còn nguyên chén đũa và thức ăn thừa đã mốc meo. Tôi hắng giọng để đừng run, rụt rè cất tiếng gọi:
“Có ai ở đây không? Xin lỗi! Có ai ở đây không?”
Từ trong những bức tường gỗ cũ kỹ vọng lại tiếng kêu lạc lõng của tôi, “... ai ở đây không...” Mấy câu đối đỏ treo trên tường phất phơ chuyển động, cũng phát ra tiếng nói u uẩn, “...ai ở đây...” Tôi bước qua cửa, lúng túng phân trần:
“Tôi chỉ hỏi đường. Tôi chỉ đi tìm bác sĩ. Bác sĩ tên... Alois gì đó.”
Tiếng cười nhỏ phía sau lưng làm tôi dựng tóc gáy.
“Cô nên trở về phòng và khoá cửa lại.”
Gã đàn ông đứng bên quầy rượu từ bao giờ, nhìn tôi cười chế giễu. Ánh đèn dầu vàng vọt soi lên mái tóc màu mật ong, soi lên chiếc sống mũi thẳng. Tấm áo sơ-mi trắng trễ nải để hở một khoảng ngực vạm vỡ và đôi cánh tay trần gân guốc. Gã đẹp trai và phóng túng, như diễn viên trong một bộ phim cao bồi, giữa một quán rượu cũ kỹ miền Viễn Tây. Tim tôi thắt nhẹ lại, hơi thở bị dồn lại nơi đó và ấm dần lên. Một cảm giác êm đềm tràn tới, ngọt dịu đến độ tôi ngỡ mình đã quen gã từ một kiếp nào đó. Tôi cúi đầu xuống, cố nói thật êm ái. Tôi biết mình có đôi hàng mi dày mượt và cái chóp mũi rất đẹp. Những tấm hình mẫu tôi chụp đều ăn ảnh trong tư thế cúi đầu này.
“Hi, chào anh.”
Gã đàn ông đáp lại bằng một giọng vừa ấm áp vừa giễu cợt, làm tim tôi thắt lại một lần nữa:
“Hi, chào em. Tôi có thể giúp gì được cho em?”
“Em đi tìm bác sĩ, có người bị thương trong phòng. Máu ra nhiều lắm.”
“Đó chỉ là một cơn ác mộng.”
Tôi ngẩng phắt đầu lên, mở to mắt nhìn gã:
“Cơn ác mộng nào chứ? Anh là ai?”
“Tôi là người em đi tìm. Bác sĩ Alois.”
Đầu óc tôi bỗng đâm ra ngớ ngẩn như lúc gặp cô gái ở quầy tiếp tân. Tôi không sao kết nối được những chuyện lạ lùng đang chồng chéo lên nhau. Một cô tiếp tân chỉ báo cho khách những tin kinh dị. Một căn phố đêm hoang vắng không bóng người. Một bác sĩ nghe tin người bị thương lại dửng dưng bảo là giấc mơ.
“Cái này không phải là giấc mơ. Em đang tỉnh táo mà.”
Tiếng bác sĩ Alois lại vang lên ấm áp, nhưng đã thôi giễu cợt:
“Em về đi, cứ đi thẳng. Hết con đường này là khách sạn. Đừng bao giờ trở lại đây nữa.”
“Nhưng còn một thằng nhỏ bị thương, đang nằm... trong tủ. Anh phải đi với em tới đó.”
Lẽ ra tôi phải nói “em không muốn rời xa anh”, bình thường tôi vẫn có thể nói lưu loát câu này với mọi đối tượng ưng ý. Nhưng không hiểu sao, ánh mắt Alois làm tôi chao đảo dữ dội, và trong phút bối rối tôi lại nhắc tới thằng nhỏ đánh giày. Có vẻ như Alois biết điều đó, ánh mắt gã dừng lại rất lâu trên môi tôi. Bỗng nhiên gã thở dài, quay mặt đi:
“Tôi chẳng thể làm được gì. Tôi với Rai đang bị giam cầm trong hàng núi công việc và khó khăn. Không thuốc men, không điện nước và không cả sự quan tâm của chính quyền cố quốc. Thôi, em về đi. Buổi tối nhớ khoá kín cửa phòng.”
*
Tôi trở về khách sạn khi ánh mặt trời vừa toả một vùng ráng đỏ trên những mái nhà cao tầng. Tôi đứng ngơ ngẩn dưới lòng đường, đưa mắt nhìn mãi vùng sáng ban mai. Lần đầu tiên tôi nghĩ về một ngày mới, bằng một cảm xúc xôn xao.
Lân mở cửa phòng khi tôi bấm chuông. Khuôn mặt căng thẳng của Lân đang giấu dưới lớp xà bông cạo râu trắng. Gã dọ dẫm hỏi:
“Em vừa đi đâu về?”
Câu hỏi làm tôi an tâm, Lân không biết cả đêm tôi bỏ ra khỏi phòng. Tôi cười gượng gạo:
“Em đi dạo mát một chút.”
Nhưng rồi không cưỡng nổi sự sợ hãi, tôi đưa mắt nhìn về phía tủ treo áo quần. Miệng tôi há ra, khô khốc và đắng nghét. Những lớp băng keo dán trên mép cửa đã bị ai gỡ đi.
“Thằng nhỏ... thằng nhỏ đâu?”
Lân cười tàn nhẫn:
“Thằng nhỏ nào? À, à... nó chết rồi.”
Tôi ngồi sụp xuống mép giường, nước mắt bỗng trào ra nhoè nhoẹt. Rất ít khi nào tôi khóc. Những điều hư thật lẫn lộn trong đêm và vụ án mạng tàn khốc này làm tôi hoang mang kiệt quệ. Cả đêm tôi chạy đi tìm bác sĩ cho nó, chẳng hiểu sao lại ngớ ngẩn trở về một mình. Bây giờ nó chết rồi. Chắc là chết vì thiếu không khí. Tiếng Lân thoang thoảng vọng tới. Chị Trung ở phòng bên cũng sang từ bao giờ, đang cùng Lân thì thào bàn tính chuyện gì đó. Tai tôi như đang cố tình chống đối lại mọi tiếng động. Nó ù đi cho tới lúc tôi bị Lân nắm vai giật mạnh. Giọng Lân vang lên tức tối:
“Em nghe chưa? Không khóc lóc nữa. Anh có việc phải đi gấp. Em ở lại đây chăm sóc chị cẩn thận. Không được rời khỏi phòng ban đêm.”
Lân biết gì về những chuyện xảy ra ban đêm. Sao gã cũng dặn tôi y hệt thằng nhỏ đánh giày và bác sĩ Alois. Tôi chưa kịp tìm hiểu thêm, Lân đã hối hả ra đi. Chị Trung ngồi ở góc phòng, cặp mắt trong veo nhìn chăm chăm về phía cửa tủ áo quần. Cái miệng vàng khè lẩm bẩm không ngừng, nào là đấu tranh tư tưởng, nào là kiểm điểm nội tâm. Hình như chị trò chuyện với cả thằng nhỏ chết trong tủ. Không phải lần đầu tiên tôi chán ghét cảnh phải ở chung nhà với chị, nghe chị lảm nhảm liên hồi. Cặp mắt trong veo, hàm răng thưa và cái trán hói nhăn nheo, chị Trung giống thằng loạn óc Gollum. Xấu xí, độc ác và điên khùng. Người ta cần gì sống cả trăm năm để rồi bị biến dạng gớm ghiếc như vậy.
Buổi sáng bên ngoài tràn qua khung cửa mang theo tiếng rao hàng rộn rã.
“Bánh bột lọc đây. Bánh nậm, bánh lá...”
Tôi lần ra cửa sổ. Con phố bên dưới tấp nập người và xe cộ.
*
Buổi chiều, Lân vẫn chưa liên lạc lại. Tôi gọi điện thoại, gửi tin nhiều lần nhưng không có hồi âm.
Tôi không muốn ở trong phòng một mình với cái tủ áo quần có xác thằng nhỏ. Sau buổi ăn chiều với chị Trung, tôi đưa chị ấy về phòng rồi mang máy chụp hình đi lang thang ra phố. Mặc kệ lời dặn dò của Lân, tôi không thể ở cả ngày bên người chị chồng điên loạn đầy bất trắc. Dẫu cuộc hôn nhân này là một bản giao kèo, đem tự do đổi lấy tiền bạc, thì tôi vẫn có thể dứt bỏ bản giao kèo đó mà trở về cuộc sống lang bang túng thiếu của mình.
Trời mưa những hạt nhỏ li ti rồi chợt hửng nắng. Bộ áo đầm tôi đang mặc là áo dạ tiệc của tối hôm qua. Nó hơi hở hang và không hợp với thời tiết nóng lạnh thất thường này. Nhưng tôi chỉ có hai bộ đồ để mặc. Đám áo quần khác hiện treo trong tủ, nơi thằng nhỏ bị giam cầm. Ý nghĩ phải mặc bộ đồ bốc mùi xác chết làm tôi nổi da gà. Mấy gian hàng mốt thời trang màu sắc sặc sỡ như mời chào. Tôi ghé qua mua hai cái quần jean và ba cái áo thun dài tay màu neon. Mấy cô bán hàng vóc dáng nhỏ như con nít, cứ xúm xít giới thiệu hết thứ này tới thứ kia. Nhưng tôi ngán quá, mua áo quần về rồi cũng không biết treo ở đâu. Dù chiều nay Lân có quay lại đem xác thằng đánh giày đi, tôi cũng nhất quyết không sử dụng cái tủ đó.
Tôi thả bộ qua mấy con đường nhỏ trồng bằng lăng. Thành phố ban ngày đã mất đi vẻ bí ẩn, xiêu vẹo của ban đêm. Nó như hàm răng xô lệch, cái sâu đen, cái mạ vàng. Nhà này thụt vô, nhà kia ló ra, mới cũ lẫn lộn. Tôi đành đi vòng qua khu công viên chụp vài tấm hình hoa sứ trắng, mấy cội mai vàng. Vài chàng trai ga-lăng bám theo bấm máy giúp, cứ nhìn tôi trâng tráo. “Em đẹp như hoa hậu.”
Tôi chẳng thấy phiền hà gì mấy lời tán tỉnh qua đường. Ngày nào còn được khen là còn mừng ngày đó. Tôi vui vẻ để chút thời gian làm dáng cho mấy kiểu chụp cận cảnh, chút thời gian tán dóc với một anh tóc dài ngang vai. Trên đường về lại khách sạn, tôi la cà ghé vô hàng ghế đá bên lề để xem lại hình trong máy. Tôi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi trong khi chờ Lân về dọn sạch phòng. Màn hình hiện ra mấy tấm mới chụp. Trời nắng tốt nhưng nụ cười người mẫu bệ rạc như xe máy hết xăng. Tôi bấm tới khoảng tấm hình thứ mười, thì giật mình, suýt nữa làm rớt luôn cái máy. Bên dưới những tấm hình tôi mới chụp, là hình thằng nhỏ đánh giày. Nó nằm co ro bên chân bàn, hai cổ tay bị cột chặt bằng dây điện. Cặp mắt nó đã dại đi nhưng vẫn còn đọng quầng nước mắt đau đớn.
Tôi nín thở kiểm tra lại toàn bộ hình ảnh. Chỉ có một tấm hình duy nhất của thằng nhỏ lạc vô máy. Tôi mở lớn vị trí hai bàn tay. Sự thật khủng khiếp hiện ra. Hai bàn tay thằng nhỏ tím bầm vì những lằn dây điện, mà chắc là đã bị cột rất lâu trước khi bị tử thương ở đầu. Nó không hề bị chị Trung lỡ tay xô té.
Mặt trời lặn dần sau những dãy mái nhà. Đốm đèn đỏ trên máy chụp hình phụt tắt. Những ngọn đèn diện bên đường cũng biến mất. Thành phố chìm dần trong vùng xám ảm đạm. Tôi ôm chặt máy chụp hình chạy nhanh về khách sạn.
Quầy tiếp tân vắng lặng, chỉ có cô gái áo dài trắng ngồi cắm cúi đan len. Tôi hỏi gấp:
“Phòng 215. Có ai ghé qua hỏi chìa khoá không?”
Cô tiếp tân không ngừng tay đan:
“Không. Họ vừa ghé qua, lùng kiếm bác sĩ Alois và bác sĩ Rai.”
Tôi phóng chạy lên cầu thang. Hành lang bên trên đã cúp điện tối thui. Tôi quay lại quầy tiếp tân, hỏi xin cây đèn dầu. Cô gái áo trắng thờ ơ chỉ vô cây đèn duy nhất trên bàn. Tôi không khách sáo, cầm luôn cây đèn lên cầu thang. Nhìn lại phía sau, cái bóng trắng đã biến đi trong vùng tối. Ánh đèn dầu leo lét soi dọc con đường hành lang. Tôi rón rén bước qua phòng chị Trung, chậm rãi mở cửa bước vô phòng mình.
Cửa sổ đóng kín nên không khí trong phòng rất nóng và ẩm. Máy điều hoà nhiệt độ do rút chìa khoá ra nên đã ngưng chạy. Cánh cửa tủ áo quần vẫn đóng im ỉm. Khi tôi đẩy, nó chuyển động chậm chạp vì kẹt phải mép mền nỉ. Cái xác thằng nhỏ hiện ra trong vùng sáng vàng vọt. Nó ngồi co quắp lại. Mái tóc ủ rũ ló ra trên mép nỉ, gục giữa hai đầu gối. Tôi không thấy vết thương trên đầu. Vết thương nằm ở phần bên kia, chìm trong bóng tối.
Tim tôi bỗng thắt lại vì thương xót. Trong tư thế ngồi co quắp, nó nhỏ xíu và ốm yếu như con mèo. Tôi chắp tay đưa lên khấn nó:
“Em tha lỗi cho chị.”
Tôi lần tay theo mép mền nỉ, tìm cách mở vòng vải quấn quanh bụng thằng nhỏ. Cái xác bây giờ đông cứng. Nó như khối đá bị kẹt giữa bốn lớp gỗ. Phải vất vả lắm, tôi mới nới rộng được một khoảng mền. Mồ hôi chảy dài từng dòng trên sống lưng. Hai bàn tay thằng nhỏ từ từ hiện ra. Chúng bị cột chặt bằng dây điện thoại.
Có tiếng động bên ngoài. Tiếng mở cửa bên phòng chị Trung. Tôi hốt hoảng đẩy cánh cửa tủ lại. Lần này nó chạy êm ru vì không kẹt trúng góc mền. Tiếng chân dừng trước cửa phòng tôi. Hình như là có nhiều người ở đó. Tiếng đập cửa gấp gáp. Tôi lo sợ chạy ra phía cửa sổ. Bên ngoài cũng có người. Trong bóng đêm xám ngắt, tôi nhận ra những bóng người đứng lố nhố dưới đường. Họ hăm hở chỉ tay lên phòng tôi. Ánh trăng từ nơi nào đổ xuống, soi lên những khuôn mặt ma đói nhăn nheo.
Tôi lùi lại, giật mình nhận ra cái bóng đen thui của mình in trên vách. Cây đèn dầu bên tủ áo quần soi một vùng sáng giữa căn phòng. Tiếng đập cửa bên ngoài trở nên hung hãn. Hình như có kẻ nào dộng báng súng lên cửa, như trong những bộ phim sát thủ. Tôi đoán, đoạn phim tiếp theo sẽ là màn bắn nát ổ khoá. Tôi chạy tới, thổi tắt cây đèn. Cảm giác đầu tiên là hoảng hốt, khi mình đột ngột rơi vào vùng tối đen. Tiếng ai bất chợt hét lên giận dữ. Ngoài hành lang, có cái gì vừa rơi vỡ trên nền nhà. Xa xa, tiếng pháo đì đùng kỳ quặc lại vọng về.
Những tiếng động bên ngoài nhỏ dần. Tôi đoán, họ đã bỏ đi vì không tìm ra nguồn ánh sáng.
Tôi ngồi lọt thỏm trong bóng tối. Hai hàm răng tôi đánh lập cập vô nhau. Cả thân hình cũng run lên từng hồi, vì lạnh, vì sợ. Lần mò chắp nối những chuyện xảy ra, tâm trí tôi bị cuốn chặt vô hình ảnh thằng nhỏ bị trói hai tay.
Ai đã lấy máy của tôi để chụp hình xác chết? Chụp để làm gì?
*
Bên ngoài cửa sổ đã trở nên im ắng. Những cái bóng đen ghê rợn đã biến đi đằng nào. Tôi lần ra cửa, cố lắng nghe động tĩnh. Vẫn là một sự im lặng đầy đe doạ. Tôi nhớ tới lời căn dặn của thằng nhỏ đánh giày và Alois. Rõ ràng, họ biết có sự nguy hiểm nào đó trong bóng đêm. Nó bao vây và đeo đuổi tôi. Nó hiện diện ngay bên ngoài căn phòng này. Tôi không ngừng nghĩ tới Alois, nghĩ tới khuôn mặt rắn rỏi và giọng nói ấm áp của anh. Giờ đây, giữa thành phố chìm trong ác mộng cùng những con người mang tội ác khủng khiếp, tôi chẳng còn biết bám víu vô đâu.
Tôi lẩn quẩn trong phòng tới nửa đêm thì thay quần jean và quyết định đi ra ngoài. Đầu tiên, tôi núp sau tấm màn cửa sổ, ném cái gối qua ban-công. Cái gối trắng chao đảo một chút trong gió rồi đáp xuống lề đường. Nó hiện ra trong bóng đêm như một đốm sáng mờ nhạt. Tôi chờ năm phút, không thấy có gì khác lạ thì rón rén mở cửa chính, ló đầu ra hành lang.
Bên ngoài hành lang tối om om, nhưng vẫn không có tiếng động hay mùi vị gì khác thường. Tôi khấn thằng nhỏ đánh giày vài câu cho đỡ sợ, rồi cầm chìa khoá đóng nhẹ cửa lại. Mấy ngón chân tôi rón rén nhón đi qua cửa phòng chị Trung. Suy nghĩ của tôi một thoáng dừng lại nơi Lân. Không biết cả ngày nay gã biến đi đằng nào.
Quầy tiếp tân tối thui vì mất cây đèn dầu. Hình như cả khách sạn này chỉ có một cây đèn dầu. Tôi nhìn vô vùng tối tĩnh lặng nơi cô gái áo dài trắng vẫn ngồi đan len. Cô ta không còn ở đó. Một cảm giác khủng khiếp tràn qua suy nghĩ tôi. Ánh đèn. Phải rồi ánh đèn dầu vàng vọt. Nó phải có một ma lực nào đó. Nếu nó không kêu gọi hiểm hoạ thì nó đánh dấu vị trí hiểm hoạ. Bởi vậy mà thằng nhỏ đánh giày mới nói: “Khách sạn này có thắp đèn.”
Tôi không dám chần chừ, bước vội ra bên ngoài. Giờ đây nguy hiểm đã có mặt khắp nơi, chỉ còn chạy đua với thời gian. Tôi cắm đầu chạy dọc theo con phố đầy hàng quán, nhưng vắng tanh. Mùi hương trầm uẩn ức đuổi theo tôi mãi. Tôi nhận ra quán rượu, nơi tôi gặp Alois. Căn quán vẫn bừa bộn như tối hôm qua. Những dĩa thức ăn dang dở mốc meo. Những ly rượu rạn nứt nằm nghiêng ngả. Tôi không dám cất tiếng gọi. Mọi tiếng động lúc này đều làm tôi sợ hãi. Tôi lần mò bước vô quán, bỗng ớn lạnh nhận ra ở đây cũng có một ngọn đèn dầu leo lét. Hai mí mắt tôi giật mạnh khi nhìn lên vách tường gỗ. Tấm lịch treo tường in ngày 30 tháng 1 năm 1968.
Tôi rón rén lùi lại, bước qua gian quán bên cạnh. Cũng một ngọn đèn leo lét. Cũng tờ lịch treo trên tường ghi ngày 30 tháng 1 năm 1968. Cảm giác kinh hoàng xộc tới dựng đứng lớp da gà. Đây là khu phố chết. Những tấm bảng chỉ đường mục rữa như bia mộ. Những quán hàng hoang vắng chìm trong mốc thời gian cũ kỹ. Tôi nghĩ tới đó thì không ngăn được nỗi bất an khủng khiếp. Ở trong góc tối tăm nào đó, những con mắt bí ẩn đang lặng lẽ quan sát tôi. Cảm giác đó càng lúc càng lớn mạnh, đến độ tôi cứ tưởng, những cái mụt ruồi trên thân thể tôi cũng nhảy vọt ra khỏi lớp áo quần. Có người nào đó phía sau đang quan sát tôi. Ánh mắt sắc lạnh vừa lướt qua bờ vai làm tôi bất chợt co rúm cả người. Rồi không kiềm chế được nữa, tôi quay phắt lại nhìn vô bóng tối.
Bác sĩ Alois đứng lặng lẽ bên góc đường.
Tôi phóng ào tới bên anh, suýt nữa thì oà lên khóc. Dường như Alois cũng mừng rỡ vì gặp lại tôi, khuôn mặt mệt mỏi của anh sáng lên trong chốc lát.
“Lạy Chúa. Em quay lại đây làm gì, hả cô bé?”
“Em đi tìm anh. Họ có ghé qua khách sạn lùng bắt anh. Họ cũng tới đó để bắt em. Thằng nhỏ đánh giày chết rồi. Hai tay nó bị cột chặt bằng dây điện.”
Alois dịu dàng kéo tôi lại gần:
“Họ sẽ tiếp tục cuộc săn lùng cho tới khi giết chết được tôi và Rai. Nhưng họ sẽ không giết được em, em thuộc về một thế giới khác. Một thế giới vẫn còn có ngày mai.”
“Họ là ai?”
Alois lắc đầu, bàn tay anh chạm nhẹ lên tóc tôi, dừng lại ở đó rất lâu. Giọng Alois tràn ngập một nỗi niềm tiếc nuối:
“Em không nên ở lại đây. Sẽ không có sự thật nào dành cho người chết. Hãy rời khỏi thành phố này, ngay khi mặt trời mọc.”
Tôi không rõ Alois đang nói tới cái sự thật nào, thế giới nào, ngày mai nào. Điều đó có gì là quan trọng. Tôi đã gặp lại anh và ở bên anh, tôi thấy bình an. Tôi nói với Alois điều đó, nhưng Alois vẫn lặp đi lặp lại bằng một giọng cương quyết:
“Tôi không thể làm được gì cho em. Tôi chỉ có thể đưa em về tới cổng khách sạn. Và em phải hứa với tôi, ngay khi trời sáng phải tìm cách rời bỏ thành phố bất hạnh này. Ngày mai đã là thời hạn cuối cùng.”
Tôi ngơ ngẩn nghĩ: ngày mai nào? Ngày mai của tôi hay ngày mai của mấy tấm lịch treo trong quán? Bàn tay tôi lần mò tìm nắm bàn tay Alois, nhưng dường như anh hoảng hốt rụt lại. Không, chắc là tôi lầm. Chẳng có người đàn ông nào hoảng hốt khi bị một người phụ nữ đẹp nắm tay. Alois dẫn tôi đi qua con đường rất hẹp, đôi lúc phải thót bụng lại mới lách qua được hai bờ tường. Không biết bằng cách nào, Alois cũng lách được thân hình vạm vỡ mà đi qua. Con đường dẫn qua một cánh đồng cát trắng, lồi lõm những hố sâu. Tôi vừa buồn ngủ, vừa mệt mỏi, cứ bám theo cái áo sơ-mi trắng mà bước. Có lúc tôi cũng lơ mơ tự hỏi, mình có nên tin con người này không. Nhưng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Khi gần sáng, hai đứa mới về tới con đường dẫn vô khách sạn. Alois lùi lại để tôi lách qua hàng bông giấy rậm rạp. Giọng anh vang lên gấp gáp:
“Hãy về khách sạn thu xếp hành lý và đi ngay khỏi đây.”
Tôi quay lại trả lời Alois, nhưng anh đã không còn ở phía sau. Cảm giác bị bỏ rơi làm tôi tủi thân và hơi tự ái.
Tôi đi thẳng một mạch ngang qua quầy tiếp tân. Cội mai kiểng sáng nay bùng nở vàng rực. Tôi xốn xang nghĩ tới ngày mai là mùng một tết. Tờ lịch trên tường ghi ngày 9 tháng 2 năm 2013.
Cô tiếp tân mặc áo veston trắng nhìn tôi cười rạng rỡ.
*
Sau bữa ăn trưa, tôi định về phòng ngủ một giấc. Đã hai ngày tôi không hề chợp mắt. Giờ đây, cơn buồn ngủ kéo tới hung hãn làm tôi chỉ còn muốn lăn quay ra giường. Nếu thằng nhỏ đánh giày có chui ra khỏi tủ, tôi cũng cứ ngủ. Lời dặn khẩn thiết của Alois thoáng qua trong đầu, nhưng tôi quyết định ở lại chờ Lân. Giữa tôi và gã còn một hợp đồng chưa thanh toán xong.
Chị Trung biến đi đâu, không thấy có mặt trong bữa ăn. Tôi cũng không muốn đi tìm. Ánh mắt Gollum trong veo của chị chỉ gợi lại những điều bất trắc và kinh khiếp. Cũng không có tin tức gì của Lân. Tôi đoán gã chưa tìm được người chịu làm công việc phi tang xác chết. Lân là người cả quyết. Nếu đã nói gì, gã sẽ làm cho được. Nếu không tìm được người, chắc chắn gã sẽ quay lại và tự mang cái xác đi.
Tôi bước qua khúc quanh hành lang dẫn về phòng. Hình ảnh cánh cửa phòng tôi bị mở toang làm tôi suýt la rú lên. Chiếc xe đẩy dọn vệ sinh nằm ngay trên hành lang. Tôi quên là những người làm phòng cũng có chìa khoá, và họ có thể vô phòng khi tôi đi vắng.
Tôi đứng sững trên lối đi, không biết nên chạy về phòng ngăn họ lại, hay trốn đi trước khi bị họ phát hiện. Chị làm phòng khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi bước ra. Chị không thấy tôi, nhưng tôi thấy chị. Tôi thấy khuôn mặt bình thản thờ ơ của chị. Và tôi thở hắt ra một tiếng như ho khan.
“Chị. Chị mới bắt đầu dọn à?”
Chị nhân viên khoảng độ trên ba mươi tuổi, thân hình mập mạp, khuôn mặt hiền lành chất phát. Chị tròn mắt nhìn tôi đầy thiện cảm:
“Choa, cô đẹp như hoa hậu. Tôi dọn gần xong rồi, đang làm tới phòng ngủ. Mấy cái áo thun cô bỏ bên ngoài tôi cũng treo luôn vô tủ, cho gọn gàng...”
Như có ai đấm một cú vô ngực, suýt nữa tôi té nhào xuống đất. Tôi phóng tới bên cánh cửa phòng ngủ, bủn rủn nhìn vô. Cửa tủ áo quần mở toang hoang. Tiếng chị nhân viên nói như xin lỗi:
“Ủa, sao vậy? Có gì không vừa ý? Đồ đạc còn nguyên mà, tôi chỉ treo hai cái áo vô tủ.”
“Thằng nhỏ. Thằng nhỏ đâu?”
Tôi nhìn vô cái tủ trống trơn bên dưới. Tà áo dài cẩm thạch của tôi buông xuống thõng thượt.
“Thằng nhỏ nào? Thằng con cô hả? Làm gì có ở đây. Lúc tôi vô phòng...”
Tôi lập cập dúi tờ tiền hai trăm ngàn vô tay chị, nói như hết hơi:
“Không, không. Có thằng nhỏ hứa mang báo lên. Tôi mệt quá, muốn ngủ chút xíu. Chị cầm tiền...”
Chị nhân viên định nói gì thêm, chắc là hỏi chuyện bao giờ quay lại dọn phòng, nhưng tôi đã đẩy chị ra ngoài và đóng sập cửa lại. Cảm giác bây giờ không phải là khủng khiếp hay sợ hãi. Tôi chỉ mệt mỏi cùng cực.
Chắc Lân đã về đưa xác thằng nhỏ đi. Tôi bỗng nôn nao nhớ tới tấm hình nó bị trói hai tay. Không rõ ai đã chụp hình nó. Tôi tìm cái giỏ xách tay nằm lăn lóc trong góc nhà. Nó đã được chị dọn phòng đặt ngay ngắn lên ghế salon. Máy chụp hình nằm trong đó từ tối hôm qua. Tôi bấm nút ON, màn hình nhấp nháy sáng.
Tấm hình trắng đen đầu tiên đập vô mắt, làm tôi muốn tắt thở.
Lân nằm co quắp bên lề đường, thân hình cháy loang lổ. Da mặt Lân bị phỏng, căng phồng lên, nhiều chỗ nám đen. Nhưng tôi vẫn nhận ra gã, bởi nụ cười đau đớn quen thuộc trong giấc ngủ. Không rõ vì sao khi kề cận cái chết, gã lại cười. Tôi run run bấm lại máy. Toàn bộ hình ảnh của tôi trong máy đã bị xoá sạch, chỉ có duy nhất một tấm hình Lân nằm chết cháy.
Ai đó đã kiểm tra hình ảnh của tôi. Ai đó đã dùng máy của tôi để chụp thi thể Lân. Có kẻ nào đó đã bám theo tôi và giết chết Lân. Tôi bỗng nhớ tới lời nói của Lân trên máy bay: “Chúng ta sẽ lạc vô vùng địa ngục và chỉ có một đứa quay trở lại.” Rõ ràng gã biết trước những điều kinh khiếp sẽ xảy ra. Tôi cười rú lên như điên như dại, như vừa đánh rơi cục đá tảng chặn ngang lồng ngực. Tôi cười tới sặc cả nước mũi. Kẻ không quay trở lại là Lân. Chắc gã không ngờ tới điều đó.
*
Tôi ngủ thiếp đi bốn giờ đồng hồ, ngủ say như vừa thoát hết nợ nần.
Khi tôi tỉnh lại, trời đã về chiều. Tôi nghĩ tới cái chết bất ngờ của Lân, nghĩ tới ngày mai không có gã, nghĩ tới cái may mắn của mình, nghĩ tới chuyện gặp luật sư để truy cứu quyền thừa kế, nghĩ tới những chương trình ca nhạc thời trang hoành tráng mà tôi sẽ dàn dựng trong năm mới... Câu hỏi ban chiều bỗng đột ngột quay lại, đập vô đầu tôi như nhát búa tạ. Ai đem xác thằng nhỏ ra khỏi phòng, khi Lân đã chết? Ai đã dùng máy của tôi để ghi lại hình ảnh thảm khốc của Lân? Tại sao? Để làm gì? Chị dọn phòng là ai? Thằng nhỏ đáng giày là ai? Alois là ai?
Tôi vùng dậy, mở ipad tìm tin tức. Chỉ là cầu may, tôi chẳng có điều gì để bám víu vô. Thông tin đầu tiên trên google dành cho dữ kiện “bác sĩ alois” là khoảng 12800 kết quả. Trong đó ba người được thường xuyên nhắc đến là, bác sĩ Alois Alzheimer, bác sĩ Alois Altekoester, bác sĩ Alois Karlbauer. Tôi gõ thêm dữ kiện kết nối “năm 1968”. Google báo 2830 kết quả. Thông tin của đường link đầu tiên hiện ra trên màn hình. Tôi choáng váng đọc qua hàng chữ:
“Sáu tuần lễ sau đó, thi thể của các bác sĩ Alois Altekoester, Raimund Discher, Horst-Guenther Krainick, và bà vợ của bác sĩ Krainick là Elisabeth, đã được tìm thấy tại các nấm mồ lộ thiên mà họ đã bị buộc phải tự đào lấy cho chính mình.”
Bác sĩ Raimund. Có phải người thường được Alois gọi là Rai?
Có tiếng động nhỏ phía sau lưng. Tôi rùng mình sởn tóc gáy. Hình như có kẻ nào đó đang hiện diện trong phòng. Tôi cố không nghĩ đến nó, bây giờ đã quá muộn màng để bỏ chạy. Tay tôi bấm nhanh lên những đường links, cố gắng đọc lướt qua đám thông tin hỗn độn để tìm ra một sự thật khả dĩ.
“Các hố cách khoảng nhau. Một hố có khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, nào là nằm, nào là ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạc trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ, họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng.”
“Rồi thì nhiều ngôi mộ tập thể khổng lồ của phụ nữ và trẻ em được tìm thấy. Hầu hết đều bị đập vỡ đầu cho đến chết, một số thì bị chôn sống; quý vị có thể nhận biết điều này từ các bàn tay được cắt, đánh bóng và sơn móng thật đẹp đẽ của các phụ nữ cố gắng cào bới để chui ra khỏi các nơi họ bị chôn sống.”
Bên ngoài trời đã sẫm màu. Bước chân người nào đó lết tới gần bên tôi. Hơi thở hôi hám như xác chết của nó toả lên gáy tôi một vùng lạnh lẽo. Hình như nó cũng đang cúi xuống đọc những điều kinh khiếp trên màn hình. Giữa lúc đó, màn hình phụt tắt. Căn phòng mất điện, đột ngột chìm trong bóng tối. Sợi dây mỏng tanh vội vã choàng qua cổ tôi, bị mất phương hướng, trượt xuống phần vai. Tôi nhấc ipad lên, dùng hết sức lực quật mạnh về phía sau.
*
Tiếng chị Trung hét lên rùng rợn. Bị cú quật của tôi chém vô giữa mặt, mụ ta té nhào xuống đất. Trong bóng tối nhập nhoạng của ngày tàn, khuôn mặt bằng đất rạn ra từng mảng, kêu răng rắc. Bàn tay khẳng khiu vẫn hung hãn vươn tới, chộp trúng vô cổ chân tôi. Tôi trở nhanh người, dẫm mạnh bàn chân còn lại lên cánh tay con quái vật rồi phóng chạy ra cửa. Tiếng mụ đàn bà hét lên kinh khiếp như đe doạ, như báo động. Bóng đêm đổ xuống thành phố mang theo tội ác.
Tôi chạy dọc con đường cũ dẫn ra khu hàng quán. Sương đêm đậm đặc đến độ không thấy cả những hàng cây ven đường. Sương đọng ướt tóc, ướt lông mày, ướt cả lông mi. Mùi hương khói, mùi thuốc pháo, mùi nguy hiểm bao trùm không gian. Trong màn sương mờ đục, dãy hàng quán đang bốc cháy ngùn ngụt dần hiện ra. Khác với những đêm trước chìm trong im lặng, lần này tôi nghe từ trong chốn xa xăm nào đó tiếng đạn pháo, tiếng người la hét. Những âm thanh cứ rõ dần và càng lúc càng trở nên náo loạn. Mặt đất quanh tôi rung chuyển như có hàng nghìn con người từ dưới đất bò lên.
Tiếng la hét dữ tợn, tiếng gào khóc kinh khiếp vọng tới từ bốn phía. Tôi không còn biết chạy đi đâu, chỉ đứng bám vô gốc cây trong nỗi sợ hãi hoảng loạn. Bàn tay ai giật mạnh khuỷu tay tôi. Giọng nói gấp gáp của Alois vang lên:
“Đi theo tôi.”
Tôi nắm chặt lấy bàn tay Alois để anh đừng biến đi. Hai đứa đâm vô màn sương trắng chạy vào con đường nhỏ bên trái. Tiếng động phía sau cứ nhỏ dần rồi mất hút. Chúng tôi chạy ra tới cánh đồng cát, rồi đi chậm lại. Ruồi bay từng đàn lơ lửng như những mảng sương xám. Mấy cái hố sâu cách khoảng nhau làm tôi rợn người nghĩ tới những hình ảnh tìm được trên google. Có bao nhiêu phần sự thật trong đám thông tin mạng hỗn độn đó. Dưới kia, trong những cái hố đen ngòm, từng bàn tay phụ nữ có những cái móng sơn bóng đẹp đẽ đang cố gắng đào bới để chui ra khỏi mặt đất. Cảm giác buồn nôn đặc sệt dâng lên trong cổ họng. Bất giác bàn tay tôi lại tìm nắm lấy bàn tay Alois. Anh hiện ra gần gũi và ấm áp. Tôi chạm ngón tay mình lên vùng sáng mong manh của mái tóc vàng. Tóc Alois ướt đẫm sương đêm. Tôi nghẹn ngào thì thầm:
“Alois, bây giờ em đã biết anh là ai.”
Khuôn mặt Alois chìm trong màn sương mờ mịt.
“Vậy em có biết mình là ai không?”
Tôi oà lên khóc. Cảm giác quen thuộc trong lần đầu gặp gỡ Alois bỗng trỗi dậy, giờ đây tôi muốn tin là từ kiếp nào tôi đã quen anh. Alois đưa ngón tay lên, thận trọng chạm vào mắt tôi, kéo dài theo những giọt nước mắt lăn trên má. Giọng nói của anh mang nỗi đau thăm thẳm:
“Quá khứ của anh cũng chỉ là những mảnh vỡ từng ngày bị người ta nghiền nát. Em đừng khóc nữa. Mình nên chia tay nhau ở đây.”
“Tại sao lại chia tay? Anh phải đi cùng em ra khỏi thành phố ma quỷ này.”
“Anh không thể. Linh hồn của anh đã bị họ giam giữ trong vùng vô minh.”
Tôi mở to mắt nhìn Alois, cố hiểu được những điều rắc rối đó qua nét mặt nhạt nhoà sương trắng. Nhưng tôi không thể tìm được điều gì ngoài một khoảng cách lạnh lùng. Tôi không có kiến thức về những điều bí ẩn gọi là linh hồn và quá khứ. Một cô hoa hậu hai mươi hai tuổi với thâm niên sáu năm lăn lóc trong làng showbiz biết được nhiều chuyện kỳ lạ, biết được những trò cầu hồn bói toán, lên đồng lên cốt, nhưng lại mù tịt chuyện linh hồn. Tôi đành lắc đầu bỏ qua những câu nói phức tạp của Alois:
“Mặc kệ chuyện linh hồn...”
Anh giật mình như bị đánh trúng. Tôi căng thẳng lựa lời nói tiếp:
“Em chẳng cần tới cái gọi là linh hồn hay... quá khứ hay... vô minh. Hãy đi cùng với em.”
Trong màn sương nhạt nhoà, đôi mắt nâu sẫm của anh hiện ra long lanh. Sương đọng từng hạt nhỏ li ti trên hàng mi dày. Tôi bỗng khao khát được đặt môi mình lên đôi mắt đầy đam mê đó. Tôi yêu anh. Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, yêu từ một kiếp nào đó. Chẳng có gì xấu hổ, nếu lúc này tôi nói với anh tình cảm của mình. Nhưng một cái gì rất êm đềm sâu thẳm, như một điều bí ẩn kỳ diệu, ngần ngại níu giữ lời nói của tôi lại. Tôi thận trọng đưa bàn tay của Alois lên. Ánh sao huyễn hoặc soi lên những vết thâm tím kinh hoàng ở cổ tay. Cũng như thằng nhỏ đánh giày, thân thể Alois mang dấu vết của sự thật ghê rợn. Nước mắt tôi nhỏ lên cổ tay chàng. Bất chợt Alois ôm tôi vô lòng, tiếng nói nghẹn đi trong nỗi niềm day dứt:
“Anh yêu em. Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên và thầm mong em đừng quay lại nơi này.”
Tôi áp mặt mình lên ngực Alois lắng nghe vùng tĩnh lặng, không nhịp đập của thân thể anh. Cảm giác bình an kéo tới, như cuộc đời tôi chưa từng có sáu năm bị vùi dập bên lề những cuộc vui, như không hề có mối hiểm nguy đang rình mò trong bóng đêm. Tôi nghĩ đến vòng tay che chở của người đàn ông đang ôm ấp mình. Tôi nghĩ đến đôi mắt màu nâu sẫm ấm áp như có lửa của Alois. Nghĩ đến đôi môi của anh.
Tiếng súng liên thanh bắn một tràng dài bên kia cánh đồng cát. Chó trong làng sủa rộ lên từng hồi hoảng loạn. Alois chỉ tay về hướng có tiếng súng, run giọng như khóc:
“Bên đó là bệnh viện tiểu khu. Chắc họ đã bắt được Rai.”
Tôi lo lắng kéo tay Alois:
“Chúng ta đi thôi.”
“Họ đã bao vây khắp nơi. Nhưng em chỉ cần qua sông là thoát.”
Tôi muốn hỏi Alois: tại sao chỉ một mình tôi qua sông? Chẳng lẽ anh muốn quay lại tìm Rai? Nhưng Alois đã đưa tay lên miệng suỵt nhỏ. Anh kéo tôi đi vô một con đường ruộng lầy lội. Mặt đất cứ thấp dần và không khí trở nên ẩm ướt. Thình lình có tiếng đạn lên rôm rốp. Tiếng ai hét lên lanh lảnh mà nếu tôi không lầm, đó là tiếng mụ chị chồng hung ác. Mụ ta đã bám theo dấu vết của tôi, đuổi tới tận nơi.
Sương lúc này đã tan, nhưng trời vẫn tối đen mịt mùng. Chúng tôi nương theo bóng tối vượt qua cánh đồng xâm xấp nước. Thình lình, bầu trời sáng loá lên như muốn nổ tung. Một khối lửa rất to vụt cháy bùng trên cao, toả một vùng sáng đỏ ối, rồi nó nhỏ dần, đong đưa lơ lửng giữa bầu trời. Cánh đồng chìm ngập trong vùng sáng màu cam ma quái. Những cụm cây, gò đất bây giờ hiện ra mờ ảo như những bóng ma. Tôi chưa hề nhìn thấy cảnh tượng nào khủng khiếp như vậy. Tiếng Alois thì thầm bên tai:
“Hoả châu.”
Alois đẩy người tôi cúi rạp xuống. Hai đứa gần như bò đi trên mặt đất đầy sình và rơm rạ. Cái bóng mụ Trung mặc áo mưa đen, tóc tai ướt rũ rượi, lăm lăm súng đứng trên gò đất. Năm người bên cạnh, mặc bà ba đen, đội nón vải, không rõ đàn ông hay đàn bà. Họ ở gần tới độ tôi tưởng như nghe được tiếng thở nghèn nghẹt của họ. Suýt nữa thì tôi phóng chạy. Nhưng Alois kéo tôi lại. Hai đứa lách qua lùm cây, tuột vô một khoảng trống tròn nhỏ sâu hun hút, mà tôi đoán là cống thoát nước.
Bước chân người dẫm ngay trên đầu tôi. Đất rơi xuống từng cục nhỏ. Tôi nhắm mắt lại, ép chặt vô lòng Alois. Mụ Trung bên trên ra lệnh:
“Lục soát. Tìm cho ra nhân chứng.”
Đất vỡ từng mảng phía sau lưng. Tiếng giậm thình thịch lan đi như búa đập từng nhát vô màng tang tôi. Thình lình một cơn đau xé thịt ập tới. Bả vai tôi như bị đốt cháy. Tôi há miệng ra hét lên.
Tiếng hét của tôi bị giữ lại trên bờ môi. Nụ hôn của Alois tìm đến như sóng cuốn. Đôi môi anh khô ấm và thoảng mùi của đất. Tôi lịm đi trong cơn đau xé thịt và nỗi đam mê dào dạt. Bàn tay Alois lần trên vai tôi, đè mạnh ở một chỗ nào đó. Một nửa thân người tôi tê dại. Cảm giác đau đớn dịu đi, chỉ còn đôi môi anh đầm ấm và ngọt ngào vô tận. Tôi nằm tê dại trong lòng anh, cho tới lúc đám người trên đầu bỏ đi.
Alois xé tấm áo sơ-mi trắng, băng bó vết thương trên vai tôi. Khi đó tôi mới biết, vai phải của tôi bị lưỡi lê xuyên trúng, hình như khá sâu. Máu thấm ướt một khoảng trên vai, chảy từng dòng xuống ngực. Tôi gần như lả đi, tay chân mềm nhũn, yếu ớt vô cùng. Alois siết chặt mối vải cuối cùng, cúi xuống bên tai tôi, thì thầm:
“Cô bé, chúng ta phải đi thôi.”
Anh bế xốc tôi qua cánh đồng. Đâu đó tiếng sóng nưóc rì rào vọng lại. Bầu trời trên cao đen thẫm mịt mùng. Tôi áp môi mình lên bộ ngực trần vạm vỡ và thiếp đi.
Tôi tỉnh lại, khi những tiếng la náo loạn từ nơi nào vọng tới. Tiếng của mụ Trung. Tiếng đạn bắn. Tiếng sóng nước xô rào rào. Tôi chống cánh tay trái ngồi dậy, mới biết mình đang nằm trên con thuyền nhỏ. Alois ngồi ở đuôi thuyền đang ra sức chèo. Cuối chân trời hiện ra một màu sáng hồng. Những cái bóng trên bờ giương súng, chỉ chỏ về hướng chúng tôi. Một loạt đạn vang lên hung tợn. Nước quanh thuyền bị bắn toé lên từng cụm.
Alois quát nhỏ:
“Nằm xuống, nằm sát xuống thuyền.”
Súng trên bờ vẫn tiếp tục gào lên những âm thanh chết chóc. Giọng mụ Trung lại vang lên the thé giữa tiếng nổ:
“Bắn. Không để đứa nào thoát khỏi đây.”
Alois nói gấp qua hơi thở:
“Nếu anh có chuyện gì. Em phải cố chèo sang bên kia bờ.”
Những múi thịt trên vai anh cuồn cuộn đẩy thuyền đi. Thình lình thân người Alois chao đảo. Cặp mắt anh mở lớn nhìn sững về phía chân trời. Tôi nhổm dậy, lao về phía anh và hét lên:
“Đừng. Alois. Đừng.”
Alois té sấp qua mạn thuyền rồi rơi xuống nước. Bàn tay tôi chuồi tới chỉ nắm hụt vào khoảng không. Con thuyền chòng chành dữ dội, nước tràn ào ào qua mạn. Tôi thò tay xuống mặt nước gào lên, gọi tên Alois. Đạn vẫn bắn từng hồi tung toé xung quanh, nhưng ý nghĩ phải chia tay anh vĩnh viễn làm tôi liều lĩnh.
Mái tóc đẫm nước của Alois bỗng lềnh bềnh ngoi lên bên mạn thuyền. Trên khuôn mặt xanh xao là nụ cười buồn bã, tuyệt vọng:
“Em chèo đi. Bên kia bờ là cuộc sống.”
Máu loang một vùng đỏ bên dưới cổ anh. Tôi bật khóc, đưa tay muốn giữ khuôn mặt Alois lại. Nhưng bàn tay trái của tôi chỉ vừa đủ ôm lấy một bên má của anh. Trong ánh bình minh nhập nhoạng, khuôn mặt Alois hiện ra gần gũi yêu thương hơn bao giờ hết. Tôi cúi xuống, đau đớn đặt môi mình lên môi anh:
“Đừng xa em.”
Tiếng tên sát thủ vọng tới như lệnh tử hình:
“Nhằm thẳng vào đầu nó.”
Tôi hét lên, giật cánh tay bị thương ra khỏi vòng băng. Hai tay tôi choàng xuống nước, kéo đôi vai Alois sát vô mạn thuyền. Thân hình Alois bỗng giật nảy lên rồi nặng nề chìm xuống. Hình ảnh cuối cùng tôi còn giữ được là khuôn mặt yêu thương bị biến dạng nhạt nhoà trong dòng nước đỏ.
Hừng đông phủ lên dòng sông một vùng sáng thê lương. Bóng đen cầm súng của mụ Trung lùi dần về chốn xa xăm. Nụ cười hả hê thoả mãn để lại trên gò đất một khoảng vàng nhờ nhợ.
Tôi cúi đầu xuống, đặt môi mình lên mặt nước ngầu đục thì thầm:
“Alois. Mùa xuân sang năm em sẽ trở lại nơi này tìm anh.”
Tháng 2 - 2013
Lưu Thuỷ Hương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét