Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Làng tàm thực


Làng Tàm Thực nằm tựa lưng vô chân núi Tàm Túc, phía trước kia là ruộng đá, phía sau ni là núi đá. May mà có dòng sông Tàm Ty chảy qua, bồi đắp bãi bờ Tàm Tang, để làng Tàm Thực có được nghề tơ tằm tàm tạm. Hợp tác xã tơ tằm Tàm Tạm suốt mấy năm liền là hợp tác xã tiên tiến, không rõ mần răng mà cứ tiên tiến mãi rứa. Chủ tịch Thời cười he he, ơn trên cho bao nhiêu thì cứ nhận bấy nhiêu, tội tình chi mà từ chối. Người làng Tàm Thực cũng cười hơ hơ, tội tình chi mà không cười. Bằng khen treo lủng lẳng nhiều như giấy vàng mã tháng cô hồn mà chẳng ai nghĩ tới chuyện lấy cắp mang về nhà. Chỉ có thằng Cu Con nhà chị Thuần táy máy gỡ hai tấm dán diều. Con diều giấy khen đầu to đuôi tóp bay không nổi, kéo chạy cỡ mô hắn cũng bò lẹt đẹt trên đất. Thằng Cu buồn chưa kịp khóc đã bị chủ tịch Thời bẻ roi dâu quất sưng mông. Chị Thuần đang xắt lá dâu, nghe tin thằng Cu bị lãnh đạo đánh, chị buông con dao dâu chạy hồng hộc lên hội trường kêu réo.

"Ui ui. Làng xóm ui, chủ tịch đánh chết con tui rồi."
Chủ tịch Thời ngồi bên bàn làm việc nạt lớn.
"Mụ kia lu loa cái chi. Hắn gỡ bằng khen làm diều tui mới đánh mấy phát vô mông đó."
“Quý chưa tề, treo lủng lẳng làm chi cho nhiều, răng không để con nít hắn dùng với.”
“Mụ dốt răng là dốt. Hội trường trống huơ trống hoác như ri có được mấy cái bằng khen xanh đỏ treo lủng lẳng, ngó cũng đỡ nghèo chứ răng. Không có mấy cái thứ màu mè nớ thì hội trường làng có giống cái chuồng bò không?”
Chị Thuần phủi tay ra về, răng vẫn còn tức. Răng lão nớ lại chê làng mình nghèo. Nghèo thiệt cũng không được nói ra, người ta khinh. Thầy Tri cũng đang ngồi đó, thầy khinh. Xưa nay hễ có đứa mô chê làng Tàm Thực nghèo thì phải xông vô đánh hắn đứt tơ lủng kén để mà giữ thể diện.
Chủ tịch Thời cũng tức chị Thuần không cách chi nguội nổi. Loại đàn bà mô mà già kén kẹn hom. Kén già mà kẹn trong hom thì kẹt cứng chứ sao, làm răng mà gỡ, rứa là hỏng hết lứa kén. Mụ Thuần kể như là hỏng. Chỗ chủ tịch làm việc, kiểm điểm xã viên mà mụ dám tới lu loa kiểu đó. Chủ tịch Thời ngồi co chân trên ghế, xỉa răng xoèn xoẹt, dồn hết bực tức vô hàm răng. E vẫn còn tức lắm, chủ tịch lên giọng mắng thầy Tri xa xả.
"Răng thầy ngoan cố như rứa? Đêm nớ thầy đi đâu? Không tiện ghi vô bản kiểm điểm thì nói riêng tui nghe cũng được chứ răng, có chi mà ngồi im rì rì như rứa. Mất hết cả buổi chiều của người ta."
Thầy Tri ngồi im rì rì cả buổi chiều chưa viết xong bản tự kiểm, vò đầu than.
„Tội tình lắm. Đêm nớ tui ngủ quên thiệt đó.“
„Ngủ quên là thói tắc trách, làm nghề nuôi tằm chớ khi mô mà nói chuyện ngủ quên.“
Hai nong trứng tằm Lưỡng Quảng giao cho thầy chăm sóc, đêm kia vũ hoá thành ngài bay đi mất, chỉ còn một mớ kén trắng lủng lổ treo trên hom. Đêm hôm đó thầy đi đâu? Sao không ở đó canh chừng cho ngài giao nhau lấy trứng? Ông Thời bực quá, lại xỉa răng xoèn xoẹt. Cái tật của ông là vậy, cứ ngồi xuống là móc tăm ra xỉa, vui buồn chi cũng xỉa. Thiệt tình ông cũng có quan tâm chi tới mấy mẹt trứng hữu nghị. Bày đặt chuyện, cứ như làng Tàm Thực không ai biết nuôi tằm, cứ như làng ni không có giống tằm tốt. Khổ nỗi, đó là trứng của cấp trên đưa xuống, lỡ thất thoát e cũng khó làm lơ. Nhưng đêm đó, thầy đi đâu?
Thầy Tri nhỏ giọng thì thầm.
"Ông chủ tịch nghe đây, chuyện ni nói ra cũng không ai tin nên tui không nói…"
Ông Thời lắc đầu nguầy nguậy, nạt càn. Cái thứ chi mà ngoan cố phét lác. Cái thứ chi mà già kén kẹn hom. Chẳng lạ gì mà mỗi lần nhắc tới thầy Tri, người làng Tàm Thực cứ lấm lét lọ lỗ tai nhau, thầy nớ nguy hiểm ra răng mà bị lãnh đạo đày về cái làng mạt rệp ni. Người làng không biết thầy là ai, chỉ thấy thầy là người có học, biết đọc biết viết mà bị đoạ về giữ nong đũi cho hợp tác xã là người ta sanh nghi. Người ta sợ. Ông Thời cũng sợ, nuôi ong tay áo làm răng.
Thầy Tri cũng sợ, lòng người ta gian trá, có nói sự thật ra cũng không ai tin mô. Thầy nào có ngủ quên. Sáng sớm hôm đó thầy thức dậy định chong đèn cho ngài nở, ngờ đâu đêm qua bọn hắn đã chui ra khỏi kén, phá nát nhà giống rồi trốn mất. Nong né bị cắn nát be vương vãi. Màn giăng bị xé toạt tả tơi. Chỉ có yêu quỷ mới có sức cắn phá hung hăng như rứa. Làng ni nuôi tằm truyền thống, từ xưa tới nay làm chi có chuyện con ngài phá nát nong né rồi trốn đi. Thầy có nói cũng không ai tin đâu. Để tan hoang như vầy người ta lại đổ cho thầy tội phá hoại, tội phản động. Thầy Tri thót cả ruột, mau mau thu dọn hiện trường. Ở làng Tàm Thực này, thắng lợi gom hết vô tập thể hưởng, thất bại thậm thụt đẩy qua cá nhân đeo. Bọn ngài Lưỡng Quảng hung dữ rứa, làm răng cấp trên không biết, làm răng lại đẩy bọn hắn về giam ở xó rừng ni. Hữu nghị chi mà hữu nghị, e chừng cấp trên cũng già kén kẹn hom mất rồi.
Bọn ngài hữu nghị kia trốn ra chân núi Tàm Túc, rúc sâu vô trong rừng. Bọn hắn biến thái sinh bầy sinh đàn ăn cho sạch một khoảnh núi rồi kéo xuống làng. Mùa mưa, bãi Tàm Tang đang mùa xanh lá, qua một đêm mà trơ trụi cành. Cả vườn thầu dầu tía, đồi khoai mì đêm sau cũng tiêu điều tơi tả. Dân làng hoảng sợ, nhìn lên sườn núi Tàm Túc, ui chao, xám ngoét xơ xác từ khi mô mà không ai hay. Đám dân nghèo quanh năm lo cúi đầu làm lụng, có ngẩng đầu lên khi mô mà thấy phía trên tan hoang. E là hoạ tới. E làng mình già kén kẹn hom thiệt rồi. Bãi dâu trơ trụi hết, đám tằm sản xuất của hợp tác xã không còn chi ăn, qua một ngày teo thóp lại, khô dần trên nong. Đám đàn bà hớt hải chạy ra chạy vô, chẳng vặt được cái lá dâu nào, thất kinh nhìn lứa tằm chết mòn trên nong, thất kinh nhìn đám sâu lạ hung hãn bò lổn ngổn trên nương dâu. Răng rứa hè, răng sâu lạ về phá làng kinh khiếp rứa. Ui chao, e là tiêu luôn nghề tằm tơ làng mình. Ban đêm cánh bướm bay dập dềnh ngoài cửa sổ, lượn lờ như yêu quỷ dưới bóng trăng. Mấy con ngài Lưỡng Quảng mắt đỏ lập loè tàn lửa. Làng xóm khiếp vía, chiều chưa tắt nắng đã phải đóng cửa hun khói lá tràm cay mù mịt. Thầy Tri ớn rợn nói, ngài đực ngài cái đang mùa dèo nhau.
Giữa đêm khuya khoắt tiếng cánh bướm phần phật xoắn xuýt. Phần phật. Sột soạt. Tiếng cọ sát. Tiếng trút bỏ áo quần. Cả làng bụng đói cồn cào chìm trong giấc ngủ nhập nhoạng. Những tiếng sột soạt quái quỷ chui được vào trong đầu, bám vất vưởng trong nớ, rậm rực giữa đêm khuya. Đàn ông thức dậy, đàn bà thức dậy. Quên lo, quên sợ mà rậm rực. Người người rậm rực. Nhà nhà rậm rực. Không vui sướng chi, không no đủ chi răng cứ rậm rực. Chẳng ai còn hồn vía để nhìn thấy đám trứng li ti bám vàng mặt lá. Một buổi sáng sương mù ẩm ướt, trứng đổi màu xanh lam. Những sinh vật lạ nheo nhúc bò ra ngo ngoe. Có những túm lá sâu đeo kín như bàn chải. Ban đêm, sâu ăn rỗi rào rạt như tiếng âm binh, nghiền nát cỏ cây, càn quét làng mạc. Ban ngày, sự tàn phá kinh hoàng đập vô mắt người Tàm Thực. Cây cối trụi cành trơ thốc xương. Cha ơi, mẹ ơi, cả ruộng lúa đang trổ đòng biến đâu mất. Cánh đồng hoa màu cũng biến mất. Đám cỏ dại xanh um dọc bờ sông Tàm Ty cũng biến mất, răng mà hoang tàn như ri. Dân làng ngơ ngác khóc gọi nhau. Cái đói lọ mọ bò về làng Tàm Thực. Người ta đào khoai đào đậu dưới đất lên ăn. Khoai đậu sượng non không đủ để người làng cầm hơi.
Mùa sương muối đổ, buổi sáng sớm ông Thời đói meo thức dậy, bước ra hiên nhà rồi đứng chết trân ở đó. Tiếng la hoảng hốt của ông chủ tịch đánh thức người làng. Cả làng tỉnh dậy đồng thanh la hoảng. Cha ơi, mẹ ơi, tuyết rơi kìa. Tuyết bay lờ đờ trong sương trắng, tuyết giăng đầy trên đám cây khô, tuyết đeo lủng lẳng giữa những lùm bụi xơ lá. Có ai nhìn thấy tuyết bao giờ chưa.
Thầy Tri ớn rợn nói, tằm nhả tơ làm kén. Mấy cái kén to tròn như trái cau, trắng như bông tuyết, mập mờ bay trong sương mù. Làm răng mà quái dị, sương mù ở mô đổ về bao kín làng. Cánh đồng ven bờ sông, khói đốt rạ không bay lên được. Khói đục lờ là đà kéo đi trên cỏ ướt.
Tiếng ông Thời cười ngặt ngặt trong sương. Bội thu rồi, bà con ơi. Hợp tác xã mình trúng mùa kén. Mọi người tỉnh ra, chìm trong sương mù, cười ngặt ngặt. Bội thu rồi. Cả làng mừng tíu tít kéo nhau đi trong sương trắng, những cái bóng lửng lơ bơi trong sương trắng. Cha ơi, mẹ ơi, kén to dữ ri. Chị Thuần cười ngặt ngặt vạch sương ôm thúng kén chạy về nhà. Bội thu rồi. Ông Thời ôm cây mác đứng lù lù cạnh bụi tre.
„Bọn tư hữu, muốn chết hay sao. Mang kén ra đổ tập trung ở sân hợp tác xã, mau lên. Tui báo lên cấp trên rồi. Làng mình chuyến ni e được nhận huân chương.“
Chị Thuần thắt ruột ôm thúng kén trở ra sân hợp tác. Cả làng quên đói mò suốt bờ sông, leo lên cả ngọn cây, chui rúc vô bụi rậm. Đống kén chất cao dần, cao như núi, trắng xoá. Ông Thời chia người canh gác, chờ lệnh cấp trên. Chị Thuần lén dắt mấy cái kén vô lưng quần. Mấy người đi ngang cũng lén dắt một mớ vô lưng quần. Ông Thời ôm mác xông ra quát.
"Bọn tư hữu. Mau tránh xa chỗ nớ."
Chị Thuần vặt lại.
"Phải trải kén ra, đắp ụ như rứa hư hết còn chi."
Ông Thời lại quát.
"Có muốn tui khám người mụ không? Bây chừ không tin được ai. Đợi cấp trên về đã. Cả làng không ai được tới gần."
Mọi người hậm hực ra về, nửa đêm lại mò vô sân hợp tác xã. Ông Thời sai bảo vệ đốt đuốc suốt đêm. Đứa mô ăn trộm của công thì đánh chết hắn. Bảo vệ đánh thằng Cu Con suýt chết. Chị Thuần khóc vang trời. Mấy đứa con nít nhà khác cũng bị đánh suýt chết. Cả làng khóc vang, chửi rủa ông Thời. Chửi ông Thời chán chê, họ quay sang chửi nhau. Nhà mụ tê ăn cắp được cả lu kén tằm. Nhà mẹ nớ dấu kén sau bụi chuối. Đứa mô vu oan giá hoạ gớm rứa.
Răng không khám nhà hắn thử coi.
Đứa mô bước vô nhà tau chém chết.
Người làng Tàm Thực sắp giết nhau.
Thầy Tri ớn rợn than, lòng dạ láng giềng răng mà hiểm ác rứa.
Sương mù tan dần, trời đổ nắng như nung gạch. Lãnh đạo về tới làng. Xe ô tô, xe tải kéo vô nườm nượp. Ông Thời ngồi giữa hội trường, hoa tay cười hơ hơ. Kỹ thuật mới của làng tui đó nghe. Có chỗ mô làm kinh tế thoáng được như rứa chưa. Không ai thèm nghe ông Thời nói, người ta cãi nhau chuyện khác. Đám dân làng bu kín bên ngoài, vạch phên rách nhìn vô. Đó, đó, ông đầu hói nớ là chủ tịch huyện mình. Đó, đó, mụ đeo kính nớ là bí thư huyện. Đó, đó, mệ đang nhai trầu tê là cán bộ tỉnh. Đó, đó, cha hỉ mũi xoèn xoẹt quẹt vô tay áo là trưởng công an… Cãi chi hăng dữ hè, cãi sùi bọt mép. Biết mặt hết cả, biết lòng dạ nhau. Lại đâm sợ. Chị Thuần nắm tay thầy Tri mếu máo, làm răng bây chừ, họ chia chác kiểu chi trong nớ.
Xe tải của huyện rà rà vô đám kén. Xe tải của tỉnh xông tới đón đầu. Chị Thuần la thất thanh, mấy ông mấy bà chở kén đi hết à, ruộng lúa của tui bị tằm ăn ai đền. Mấy nhà khác cũng la thất thanh, đám đậu của tui ra răng, thửa bắp của tui làm chi. Dân làng huơ dao vác cuốc xông vô rần rần. Chị Thuần xăng xái vắt con dao dâu vô lưng quần, dở nón quơ một mớ kén. Người bên cạnh cũng chống cây cuốc, giở nón xông vô. Ông kia thôi hỉ mũi, rút súng bắn „đoang đoang“ lên trời. Loạn à, đứa mô làm loạn tau bắn chết nhăn răng. Mọi người khiếp vía lùi lại. Mấy ông bà kéo nhau vô hội trường. Bảo vệ công an vây kín đống kén tằm. Người làng vác dao vác cuốc vây kín hội trường. Trời đổ lửa, nóng ngùn ngụt, người ta hăm he chia chác cả ngày chưa thông. Nắng đổ lên đống kén tằm. Cái núi trắng cao nghều nghệu lún dần xuống, bên dưới xọp lại. Một dòng nước vàng tươm ra từ đống kén. Mùi hôi khăn khẳn bay lên. Chị Thuần la thất thanh, cha mẹ ơi, kén hư hết rồi. Bà đeo kính bỏ chỗ họp chạy xốc ra bên ngoài, tồng tộc lu loa, kén hư hết còn chi. Ông Thời cũng hớt hải chạy ra. Răng hư nhanh dữ rứa, răng có mấy ngày mà hư hết ha. Ui chao ơi.
Xe cộ nườm nượp kéo đi, làng lại vắng tanh. Đống kén bốc mùi ngột ngạt, gió đưa mùi thúi bay đi khắp làng. Chị Thuần về nhà lấm lét dở nắp lu ra, ui chao là thúi. Nhà hàng xóm đi ngang bụi chuối cũng váng đầu bịt mũi than. Giống tằm chi mà thúi dữ ri. Răng trời không mưa cho đỡ nồng. Răng trời cứ nổi gió khô hanh, thổi mùi hôi bay đi khắp. Người ta không còn dám đi lên phía hội trường. Ruồi nhặng bay nghịt nghịt về phía đó, vo vo rả rả ngày đêm. Ruồi nhặng bay đi rồi lại bay về đen kín cả làng. Hai con bò kéo lăn ra chết. Mấy con heo tai mũi tím ngắt, nằm gục trong góc chuồng. Mấy đứa con nít vừa thổ vừa tả cũng lăn quay ra. Cả làng đói váng vất xanh xao. Đàn ông rục rịch khăn gói bỏ làng đi lên tỉnh. Đàn bà cắn răng khóc. Họ dứt áo đi rồi thì không về làng nữa mô. Đồng ruộng tan hoang như rứa. Nghề tơ tằm tàn lụi như ri. Còn chi mà ràng buộc nữa đâu.
Thầy Tri thơ thẩn ra bờ sông, ớn rợn phát hiện ra hai cái kén còn sót lại trên đọt cây chò. Ui chao, cao như rứa làm răng mà gỡ bỏ, để bọn hữu nghị này lại tai hoạ khôn lường. Thầy tri thở dài, lòng tham tự trong mỗi người còn lớn hơn dã tâm của kẻ khác. Hai cái kén trắng, to như trái cau, đung đưa trên cành. Thầy Tri nhẩm tính, giống ngài này thuận về đêm, e giữa khuya ni bọn hắn vũ hoá. Bọn ngài chui ra khỏi kén kiểu chi cũng rớt xuống cỏ để dèo đôi. Khuya ni thầy chờ sẵn đây, cứ thấy bọn hắn sa xuống là đập chết cả hai mà trừ hoạ.
Chị Thuần ra bờ sông, thậm thụt nhìn hai cái kén. May dữ ri, răng còn sót lại hai cái kén. Đúng là lộc trời giúp qua cơn hoạn nạn. Dòng họ nhà chị mười đời nuôi tằm, chưa có khi mô mà nuôi được giống đa hệ ăn tạp, to kén như ri. Hai con tằm ni phải khoẻ lắm mới leo tuốt lên trên đó mà kéo kén. E hắn là dòng ngài chúa sanh ra. Chị Thuần chẳng lạ chi đời sống bọn tằm, sớm mai chưa tan sương là hắn vũ hoá. Chờ bọn hắn xà xuống cỏ giao nhau, chị sẽ vớt mang về nhà làm giống. Ừ, rứa, chịu khó chăm vài lứa cho lai với giống nhà. Mình chăm sóc hắn tử tế, thuần hoá hắn thì hắn ở lại với mình chứ có chi. Rứa, rứa, chẳng mấy chốc mà giàu to.
Ông Thời ra bờ sông, đau đáu nhìn hai cái kén. Ông sống tới tuổi tri thiên mệnh, con muỗi bay qua đoán được muỗi đực muỗi cái. Hai cái kén kia là cặp đực cái, căng óng như rứa, độ đầu hôm ni là cắn kén. Cứ nhập nhoạng tối trời, ông chờ sẵn dưới gốc cây ni. Bọn hắn vừa chui ra thì lùa ngay lên rừng, để hắn sinh con đẻ cái. Cả dãy núi thăm thẳm kia, rừng xanh bát ngát kia, cứ mặc sức thả bọn hắn ra làm giàu. Thả ra trước làm giàu đã, chuyện bắt lại tính sau. Ông Thời mơ màng nhìn lên núi Tàm Túc, nhìn xa ra khoảng núi rừng trùng trùng điệp điệp. Những cái vô tri nớ, rồi sẽ thành tiền. Những cái không của ai nớ, rồi sẽ của ông. Ông Thời hăm hở về nhà mài cây mác, mài thiệt sắc. E đêm ni có chuyện sinh sát.
Đứa mô cản đường cứ lấy mác mà khử hắn.
Cứ lấy Mác mà diệt trừ.

05. 2009
Lưu Thuỷ Hương 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét