Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

Xanh như lá



*
Cô Hương! Cô ở lại dùng với tôi bát nước chè, cô nhé. Những buổi chiều tắt nắng như thế này, quạnh quẽ quá.

Ôi, cô nhấc hộ tôi ấm nước. Ôi, đau chết mất. Ôi, vẫn còn đau lắm, cô ạ. Đêm qua ngất đi mấy lần đấy. Cứ sợ chết một mình ở trong nhà thì cả tháng sau người ta mới phát hiện ra xác. Tôi nói quá một tí cho đỡ tủi thân thôi. Đêm đau như thế mà sáng vừa mở mắt là phải lết ngay ra đường. Đóng cửa hàng một ngày, quàng hết nợ nần lên cổ. Thôi chớ, xin cô, tôi ngại đến bác sĩ lắm. Họ cứ xí xa xí xồ gì đấy mà mình đứng trơ mắt ếch ra, thế là bị quát ngay vào mặt. Người chứ có phải gỗ đá đâu hở, cô. Nhục chứ. Với lại cũng chẳng có thời gian. Đấy là do tôi tham việc quá mà dại. Tuổi này cứ thong thả chia việc ra mà làm, khuân vác một lần thế sao mà không gãy sống lưng. Lại nỗi, cả ngày trần mình ngoài trời gió rét, sức lực nó cứ cạn dần đi. Không chết ngay được nhưng cứ bệnh này bệnh nọ vật vã mãi. Mà năm nay rét đậm thế.


Ơ, ai bấm chuông giờ này thế nhỉ? Cô cứ ngồi trong này dùng nước. Tôi ngó ra cửa xem thử.

Ông Lạc đấy à? Lại say be bét ra rồi bò về đây. Đẹp mặt nhỉ. Này, đứng im đấy! Bước thêm một bước vào nhà là tôi gọi cảnh sát ngay. Đừng hòng giở thói vũ phu ra nữa nhé. Ở xứ này có luật lệ cả, ông mà đánh tôi nữa là họ tống cổ ổng về nước. Đem cả con ranh kia về quê mà cạp đất ăn. Tôi không ký giấy ly dị đâu, đừng hòng. Tôi cứ treo niêu đấy. Ông cũng chẳng cưới được con nhãi nào, cũng chẳng chạy được giấy tờ cho ai. Tôi đóng cửa lại đây, cứ đứng đấy mà đá vào tường. Thế, đá mạnh vào, đá cho què chân đi. Láng giềng nó đang bốc máy gọi cảnh sát đấy. Đã say sưa còn hung hăng cho lắm vào. À, không đá vào tường mà cứ đấm vào cửa đùng đùng thế kia. Gớm nhỉ. Khủng bố à? Cửa gỗ sồi hẳn hoi nhé, không phải ván ép đâu, cứ đấm, đấm đến mai cũng chẳng thủng.

Khổ quá, cô ạ. Lão Lạc! Cứ vài ba bữa lại về đòi làm giấy ly dị. Vợ chồng chung lưng kéo cày từ ngày ở lại tị nạn, bây giờ lão trở mặt theo gái, ôm cả vốn liếng mà đi. Tôi chỉ còn hai bàn tay trắng, cả một đời mất đứt. Cô khuyên thế là sao? Cái gì không còn giữ được thì níu kéo làm chi. Ơ, cái cô này, người ngoài cuộc như cô nói năng nghe hay nhỉ. Tôi không giữ được thì tôi cũng phá cho nó tanh bành ra chứ.

Lạ thật, lại có ai bấm chuông nữa? Cô cứ ngồi yên trong này dùng nước. Tôi ngó ra cửa xem thử.

Ơ! Thím Tiêu đấy à? Thím sang Đức khi nào? Không biết mà ghé sang thăm thím. Chú Tiêu có khoẻ không? Cả chú cũng sang đây à? Cháu cũng thường thôi, buôn bán vừa đủ sống. Sao cơ ạ? Ai bảo thím cháu vừa ly dị? Bọn vô công rồi nghề chuyên lê đôi mách, chúng đồn thế à? Khắp các hàng quán người ta đồn thế à? Vâng, có giá lắm, mấy mươi nghìn euro một tờ hôn thú đấy. Nhưng cháu có cần tiền đâu, buôn bán đủ sống cần quái gì phải bán thân. Thím đùa hay sao? Cháu giúp chú thím thế nào được. Bao nhiêu vốn liếng thằng Lạc thuỗm đi cả rồi. Chú thím cứ nắm áo nó mà vòi. Cái gì cơ? Làm hôn thú cho chú à? Ôi, giời cao đất dày, cháu dâu mà lấy chú chồng à? Cái họ nhà này lắm phước nhỉ. Thím nói nghe trơn tru nhỉ. Làm giấy tờ thôi, tiền nong sòng phẳng? Dễ thường chú cháu ôm hoa dắt tay nhau ra phòng hộ tịch không ngượng hay sao. Tôi là vợ chú thì thím là cái thứ gì. Thôi thím ạ, còn để chút tình mà nhìn mặt nhau. Vâng, chào thím. Tôi nói thế là cạn lời rồi. Không phải cò kè chuyện tiền nong đâu. Giúp được chú thím thì tôi cũng cố giúp, không lấy đồng nào, nhưng chuyện này nó cứ tơm tởm vô đạo kiểu gì. Vâng, thím về nhé.

Khổ quá, cô ạ. Thím Tiêu đấy! Ngày tôi theo Lạc về thăm quê chồng. Chú Tiêu mặc quần thủng đáy, ngồi vắt chân trên phản mốc, nói như mắng vào mặt tôi.

“ Họ nhà tôi danh giá nhất làng này. Chị là phường tha phương cầu thực ở đâu về mà không tốn một đồng trầu cau.”

Tôi phải dúi tiền cho mẹ Lạc mổ lợn, vật bò. Mâm cỗ linh đình, chiếu trải kín sân. Chú Lạc đủng đỉnh sang nhà, ngồi chễm chệ mâm giữa, oang oang lên giọng bảo ban.

“Cô là dâu trưởng phải hiểu việc họ hàng. Sống phải có trên, có dưới, có cội, có rễ.”

Thím Tiêu kéo tôi vào buồng trong thẽ thọt. Tôi lại dúi tiền cho thím.

Ngoài mâm chú Tiêu lại vẫn oang oang.

“Chết cha thì còn chú. Tôi tiếc không mang được trầu cau sang bên Tây để hỏi vợ cho thằng cháu côi cút. Xin họ hàng xá cho tôi chung rượu phạt, cho đúng cái lễ, cái nghĩa họ nhà mình.”

Tôi thấy chú ngửa cổ, trút tồng tộc cả ly rượu vào mồm. Lại còn khà ra một tiếng, đến hả hê. Tức không chịu được.

Bây giờ nhìn nhau ngượng lắm, cô ạ. Bà ấy lại vừa bảo, chỗ quen biết, nên ưu tiên cho vợ chồng chú, giá cả phải chăng thôi. Tội tình gì tôi phải làm hôn thú với chú ấy. Sao thím không đòi làm hôn thú với thằng Lạc. Sao mặt cô cứ nhăn nhăn nhó nhó thế? Chè đắng à? Thêm tí đường nhé.

Ơ này, lại có tiếng chuông gọi cửa nữa hay sao. Bọn người ở đây buồn cười lắm, cô ạ. Cứ như ở nhà quê ấy, lẹt xẹt đi ngang nhà là bấm chuông lên chơi. Bên Tây, hình như phải gọi điện báo trước, cô nhể. Văn minh lịch sự thế đấy. Ôi, cứ đứng lên là đau ê ẩm. Người sao cứng đơ ra như khúc gỗ thế này. Cô ngồi yên trong này dùng nước. Cứ ngồi yên đấy. Tôi ngó ra cửa xem thử.

Thằng Hoàng đấy à? Mày trốn đi đâu mất tăm bây giờ mới mò về? Giày dép bùn sình ghớm ghiếc thế kia? Để ngoài hành lang, đừng tha vào mà bẩn cả nhà. Mày đi đâu cả năm nay? Nghe nói buôn lậu, cướp giật gì đấy, đúng không? Mày đừng chối nhé. Bố mẹ viết thư bảo tao đuổi cổ mày về quê. Cơ ngơi bố mẹ lớp trong lớp ngoài, không về đấy mà hưởng, lê lết ở đây mãi làm gì. Mày bảo ở nhà mất tự do. Tự do bừa bãi như mày mà được tự do, tự tung, tự tác chỉ thêm hại. Mày còn ở đây ngày nào là tao còn lo ngay ngáy ngày đấy. Tao cứ trông cảnh sát tóm được mày, tống cổ về quê cho yên. Sao cơ? Chị lo giấy tờ cho em. Tao làm gì có tiền mà chạy giấy cho mày? Sao cơ? Ai bảo mày tao vừa ly dị? Thằng nào bảo mày chuyện ấy? Chúng nó đồn ầm lên. Nhưng tao có ly dị đâu. Ôi, ông bà ơi! Mày có điên không đấy? Chị em ruột thịt mà kéo nhau đi đăng ký kết hôn à. Mày xéo ra khỏi nhà tao ngay, cuốn xéo ngay. Đừng hòng, tao lấy đứa khác kiếm vài chục nghìn, tội gì làm chuyện thất đức với mày. Đi ngay! Này, nếu không vì chuyện giấy tờ liệu mày có ló mặt về thăm nom chị không hở? Khổ quá đi mất, máu mủ ruột rà mà bạc bẽo thế. Khoan đi đã, vào đây chị nấu bát mì cho mà ăn. Ở lại chơi với chị một tối. Chẳng mấy khi mà mày ghé thăm chị. Đây, cho em ít tiền hút thuốc đây. Sao mà gầy gò tiều tuỵ thế hở, em. Nhưng… Tao đã bảo rồi, chuyện đấy dứt khoát là không. Tao không lấy mày. Hôn thú giả cũng thế. Mày đi đấy à? Này… Hoàng ơi. Em ơi…

Khổ lắm, cô ạ. Thằng em trai tôi đấy. Cô nhìn xuống cửa sổ mà xem. Nó đi có ngay thẳng đâu, cứ lẩn lút nép bờ tường như trộm cắp thế kia. Cảnh sát tống cổ nó về quê lại may đấy, ở đây lăn lóc thế này lại hỏng cả đời người. Cô đừng về, ở lại chơi với tôi chút nữa. Buồn lắm, cô ạ. Cô đơn vò võ thế này mà thiên hạ còn đồn tiếng bấc tiếng chì. Cô đói chưa, nấu bát mì tôm hai chị em mình ăn nhé. Vâng, cô bắt hộ ấm nước. Bát đũa trong chạn cả đấy. Tôi cứ xoay người tí lại đau, ngồi nghiêng ngồi thẳng kiểu nào cũng đau.

Ơ, hình như có tiếng chuông, phải không cô? Thôi, cứ để bát mì đấy, mềm mềm tí lại dễ nuốt. Cô ngồi trong này thong thả mà ăn. Tôi ngó ra cửa xem thử.

Vâng nhà số 6 đây. Anh tìm ai ? Anh… anh… ôi giời ơi, anh Đỗ đấy à? Làm sao mà đến được đây? Cứ ngỡ anh đang ở bên Nga. Anh qua Đức khi nào? Anh vào đây uống bát nước chè. Dễ có đến mấy mươi năm rồi, anh nhỉ. À không, em chạy vào bếp bắc ấm nước thôi. Vâng, vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như thời con gái ấy mà.

Cô xem hộ tôi với. Tí son, tí phấn, cô quen tay giúp hộ. Đừng tô loè loẹt quá, nhố nhăng chẳng ra làm sao. Trông được không cô? Trẻ ra à? Hay thế. Không, hết đau lưng rồi. Bây giờ có đấm vào cũng chẳng đau.

Anh uống với em bát nước chè. Anh có… có khoẻ không? Sao chẳng thấy thay đổi gì mấy. Vẫn như ngày xưa… Anh… dạo sang Nga lấy vợ mà không báo với em câu nào. Em chờ mãi. Buồn lắm, tủi lắm. Vâng, bao nhiêu năm rồi mà cứ nhắc đến là trào hết nước mắt ra. Ừ thì vợ Tây, lấy để làm giấy tờ ở lại Nga, đã đành không yêu thương gì họ. Nhưng nhẽ ra… nhẽ ra… Vâng, anh cho em miếng giấy lau. Xin anh. Nhẽ ra anh cứ bảo em một câu, mười năm, hai mươi năm em cũng chờ. Cứ im lặng để người ta đau khổ cả một đời. Người đâu mà tệ thế. Gớm, trông anh vẫn trẻ trung đỏm dáng như ngày còn đi học. Em vẫn nhớ chứ, những ngày cuối cùng đầy kỷ niệm, hoa phượng nở đỏ rực cả con đường. Không, em già đi nhiều rồi anh ạ, cuộc sống xứ người vất vả bạc bẽo lắm.

Anh bảo sao cơ? Nghe tin em vừa ly dị? Thế à? Bọn nào đồn đãi hăng thế? Thì… ly dị. Sống mà không yêu thương nhau cứ ràng buộc mãi làm gì cho khổ. Gặp lại anh mừng thật đấy. Dạo về quê, em có ghé qua thăm bố mẹ anh. Nghe bảo anh đã có hai ba đứa con với người ta rồi. Nghe thế mà trào hết nước mắt ra. Khoan đã. Để em nói hết đã, bao nhiêu đau khổ chất chứa trong lòng. Anh bảo sao cơ ạ? Vâng. Không ngờ mình còn gặp lại nhau, tại số kiếp cả, anh nhỉ. Anh hỏi gì cơ? Ơ này, anh đến thăm em sao cứ hỏi những chuyện vớ vẩn thế. Mà… mà thôi. Chuyện xưa bây giờ cũng lạc lõng chấp vá thế nào. Để em suy nghĩ lại. Vâng, anh về nhé.

Cô ơi, tôi òa khóc lên đây. Xin cô cho bát nước. Bụng dạ nào mà ăn nữa. Mà chắc đám sợi mì cũng nở toèn toẹt ra rồi. Giá mà khóc được thì nhẹ người, cô ạ. Ngày trước tôi cứ khóc mãi, người ta thề non hẹn biển với mình bao nhiêu rồi phụ rẫy. Nhẽ ra tôi phải căm hận Đỗ ghê lắm, vậy mà, gặp lại nhau rồi bao yêu thương vẫn cứ ngồn ngộn ra đấy. Cô bảo làm sao chứ? Có tha thứ mà đến với nhau được không? Mà này, nếu không túng quẫn cùng đường có khi nó chẳng tìm đến níu áo mình. Đàn ông là phường bội bạc như nhau. Trông nó cứ khả nghi thế nào đấy, cô ạ. Xa bao nhiêu năm gặp lại mà cứ hỏi chuyện giấy tờ, chuyện thu nhập, chuyện buôn bán. Mà cái thằng này cũng đểu cáng lắm nhé, dạo đang yêu tôi mà nó vẫn cặp bồ nhăng nhít với hai ba con bé trường khác. Hỏi đến là chối bay biến. Lần nào nghe nó nói bùi tai mình cũng tha cho. Ôi, cô vào phòng lấy hộ tôi lọ dầu. Đau như cắt thế này. Tuổi già sồng sộc kéo đến chẳng buông tha ai. Không xưng tên xưng họ thì cũng chẳng còn nhận ra nhau nữa. Ừ, già thế rồi, đầu hói hết ra, chẳng còn là Đỗ ngày xưa.

Ơ, chuông cửa lại reo nữa à. Ai đến giờ này? Lạ nhỉ. Cô ngồi yên trong này, cô nhé. Tôi ngó ra cửa xem thử.

Anh là ai? Tên Bông, quê ở Hải Phòng? Tôi chẳng quen ai ở Hải Phòng. Ôi giời, ai đồn ra đến tận ngoài đấy? Gia đình tôi yên ấm, làm gì có chuyện đưa nhau ra toà. Dịch vụ báo anh à? Cái bọn dịch vụ này láo thật, chúng nó săn lùng bán tin đấy. Anh bị chúng lừa rồi, cứ đến đấy mà đòi tiền lại. Tôi đóng cửa đây. Rõ khổ. Sống không yên nổi, thiên hạ cứ đồn đãi lung tung như thế. Mà, này, quê anh ở Hải Phòng thật à? Ông bà nội tôi cũng là người ở đấy. Vâng. Tôi sang Đức ngót nghét hơn hai mươi năm rồi anh ạ. Chuyện gia cảnh anh cũng đáng thương nhỉ. Bị dồn vào bước đường cùng như thế thì khổ thật đấy. Tôi cũng khổ lắm, anh ạ. Tha phương cầu thực cả một đời mà vẫn trắng tay. Tôi chỉ hơn anh cái chỗ giấy tờ ổn định thôi chứ tình duyên cũng lận đận lắm, anh ạ. Hay thế này, anh nhé. Trông anh cũng là người tử tế. Đằng nào tôi cũng phải dứt khoát chuyện mình, lại cũng cần tí vốn. Tuần sau anh ghé lại xem sao. Vâng, chào anh. Vâng, tuần sau anh ghé, mình thong thả bàn lại. Vâng. Anh về.

Trông tử tế lắm, cô ạ. Gớm, mình đã khổ thế, lại cứ gặp những kẻ khổ hơn. Người điềm đạm, nhã nhặn thế kia, sao số phận lại long đong gặp toàn loại đàn bà bạc ác. Vâng. Nghe kể thế chứ cũng chẳng biết thế nào. Đôi lúc vợ con đùm đề ra đấy, lấy nhằm chồng người ta rồi è cổ ra mà kéo cả đoàn tàu. Nhưng biết đâu duyên số, cô nhỉ. Cứ thử xem sao, biết đâu người tử tế thật. Trông hiền lành tử tế lắm, cô ạ.

Cô về đấy à? Ở lại chơi với tôi tí nữa. Cô đơn vò võ, buồn lắm, cô ạ. Hay xơi thêm bát mì nữa nhé, ăn với tôi cho vui. Tôi cũng đã ăn gì đâu, một thân một mình thế này chẳng còn thiết tha gì. Còn cả chạn mì kia, cô cứ ăn thoải mái.

Ơ, có tiếng chuông cửa nữa rồi. Bây giờ không có ai ghé bấm chuông lại buồn đấy. Mà ai thế nhỉ?

04. 2009
Lưu Thuỷ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét