Lễ động quan kẻ bị hành quyết luôn bắt đầu vào buổi chiều tàn, khi ánh nắng cuối ngày lịm dần trên những cánh đồng thuốc phiện. Bốn người phu nhà đòn tất tả gánh cỗ quan tài ra bãi tha ma. Những bàn chân nứt nẻ dẫm ào qua bờ ruộng nhấp nhô, bất kể chuyện làm kinh động thân xác người đã khuất. Họ phải trở về nhà trước khi bóng đêm dày đặc tràn xuống mang theo lệnh giới nghiêm. Lá triệu vàng tua riềm ngũ sắc trống trơn phần tên tuổi, phất phơ trên đầu linh cửu như tấm giấy khai tử tuyệt vọng gửi vào cõi trời đất mông lung. Không kèn chiền, không hương án, không thân bằng quyến thuộc, cái xác không đầu nằm lạc lõng giữa tám tấm ván thô, chân tay vẫn còn co quắp vì khiếp sợ.
Giữa đêm hôm trước, đội cận vệ vào nhà chú Bĩ, bịt khăn rằn lên mắt chú và dẫn đi. Rạng sáng, người ta mới nghe tiếng khóc của thím Bĩ. Tiếng khóc của thím bò trên đường làng, không lớn hơn tiếng côn trùng, nhưng nhọn hoắt. Cả xóm chết lặng trong sợ hãi, tội lỗi không chừa một ai. Sương đọng trên những cặp mắt vốn đã lạc thần, chúng trắng dã màu men rượu. Không người nào đủ can đảm đi ngang con ngõ nhà chú Bĩ. Người ta lấm lét đánh đường vòng ra bãi đong rượu, qua sân phơi anh túc, càng xa càng tốt. Chiếc khăn rằn treo trên cổng tre nhà người xấu số cứ chờ gió qua là phần phật nổi lời đe dọa.
Suốt ba ngày trời không ai nhìn thấy thím Bĩ, chỉ thỉnh thoảng từ căn nhà vách đất vọng ra tiếng rên la rùng rợn. Những tiếng động đấy rồi cũng khô dần và biến mất. Người bị bắt đi, nghĩa là đã bị kết tội chết, nhưng người ở lại cũng không rõ sẽ còn sống được bao lâu. Khi chiếc khăn rằn trên cổng tre được đội cận vệ đến gỡ đi thì làng xóm mới biết, thím Bĩ chưa chết hẳn. Buổi sáng, thím bò ra khỏi nhà, ngồi ủ rũ giữa sân phơi thóc. Mái tóc đen mượt sau ba đêm hóa bạc trắng rối bù. Thím nhìn làng lạc vào cõi xa xăm nào đó, chậm chạp cất tiếng kêu như con vịt trời bị trúng tên.
Bố là người đầu tiên rón rén sang nhà chú Bĩ. Thoạt đầu, bố ngồi thụp ở bờ dậu, đảo mắt mười lượt nhìn về phía cổng tre. Dù tấm khăn rằn đã được gỡ đi, nhưng từ ba ngày nay nó đã in sâu vào mắt bố. Giờ đây nó như vẫn còn nguyên đấy, thay cho tiếng gió đong đưa doạ nạt là tiếng rên khàn khàn của thím Bĩ. Dáng bố lom khom trên sân nhà chú Bĩ nom như đứa trẻ con năm tuổi. Mà dường như bố cũng muốn như thế. Bố lóng cóng đổ chậu nước lạnh lên cái đầu bù xù của người đàn bà điên loạn, nhưng thím Bĩ không còn phản ứng gì. Thím cứ ngồi im trên sân gạch, để mặc những dòng nước chảy dài. Nước đỏ quạch đọng thành vũng quanh chỗ thím ngồi. Bố quay mặt đi để không phải nhìn thấy những khoảng da bầm dập đã bắt đầu lở loét. Mẹ cũng rón rén chạy sang, mang theo tấm vải gai phủ lên thân thể rách rưới bốc mùi men rượu và nước tiểu.
Chú Đán đến sau bố mẹ, chú nhìn vào vũng nước đỏ loẹt trên sân, bụm miệng kêu lên một tiếng khô khốc. Thím Bĩ từng là người phụ nữ đẹp nhất làng mà chú Đán thầm thương trộm nhớ.
Xác tử tội được trả về làng vào buổi sáng hạ khăn rằn. Mấy người đàn ông lom khom kéo nhau đi tìm xác như mấy con dê đen lẫm chẫm trên đường làng. Không gian buổi sớm mai lặng vắng, một tiếng vạc kêu cũng làm mấy cái bóng chững lại. Họ ra đến bãi Luống thì tìm được cái xác nằm vùi trong đám cỏ trấu. Ruồi nhặng đã kéo đến từng đàn vo ve. Thoạt đầu, không ai dám lại gần, cả nhóm rúm lại, xô vào nhau như đàn dê lạc mẹ. Chú Bĩ vốn nhỏ con, mất đi cái đầu thân hình hóa ra dị dạng kinh khiếp. Bố mở nắp chai nốc liên tục mấy ngụm rồi chuyền cái chai sang người bên cạnh. Giờ đây mùi men rượu lẫn vào mùi máu tươi. Nhiều người không chịu nổi, bò ra đất nôn hết chỗ rượu vừa nuốt vào.
Bố lảo đảo cởi tấm áo nâu quấn ngang phần cổ vẫn còn tươm máu. Bàn tay bố run run mằn lên mấy ngón tay co quắp của chú Bĩ, cố kéo chúng giãn ra mà không sao kéo được. Chú Đán mang võng tới sau lưng bố, định mở miệng nói một câu gì đấy, nhưng chú quỵ xuống bờ ruộng. Hai người đàn ông lao đến, bụm chặt miệng chú để chú đừng gào rống lên.
Sau ngày đưa đám, chú Đán muốn cùng bố trtốn đi. Tháng năm, cuối mùa khô, họ hy vọng có thể men theo những gốc thuỷ sếu để vượt qua đầm lầy. Chưa có ai trốn thoát khỏi làng bằng cách ấy. Cuối mùa khô bọn sấu đầu lửa trở nên đói khát và bạo động hơn bất cứ lúc nào. Đôi khi chúng đi từng cặp vào tận rìa làng, tấn công trâu bò. Buổi sáng, trên nền đất bị cày nát, loang lổ máu me là những rãnh sâu mang dấu tích loài bò sát khổng lồ.
"Đằng nào cũng phải chết." Chú Đán vặn cái khăn ướt đắp lên ống chưng rượu, nghẹn ngào nói trong hơi men.
Bố lấm lét nhìn mẹ đứng bên cối giã bột anh túc. Cái bụng bầu lùm lùm ló ra khỏi tà áo dấp ướt. Bố nhìn nó cởi trần trùng trục gánh hèm đổ vào máng lợn. Bắp tay thằng con trai mười tuổi đã bắt đầu vồng lên hình củ khoai. Bố co rúm người lại:
"Đằng nào cũng phải chết, nhưng tôi chết rồi họ cũng vẫn đến. Họ sẽ bắt thằng Sậu, hay họ mổ bụng Tuế bắt đứa nhỏ."
Đấy là luật của giáo hội, tru di tam tộc.
Chú Đán không đợi đến mùa khô tháng năm, chú trốn đi một mình giữa mùa mưa bão. Buổi sáng đong rượu ngoài bãi, tên chú được xướng lên vài lần mà không có ai đáp trả. Đám người làng kinh khiếp cúi gầm đầu xuống nghe tiếng súng nổ ba phát trên trời. Ba vệ binh phóng lên ngựa cấp tốc phi về làng. Nó nằm phủ phục bên bố, giữa đám bao bì căng đầy rượu. Đám người làng cũng nằm co rút trên sân, lổm nhổm như những đụm rơm khô. Sự căng thẳng không làm nó sợ hãi mà chỉ khích thích sự tò mò. Nó biết rằng, chú Đán đã thực sự trốn vào đầm lầy. Chỉ có bố và nó biết được điều này và dám nghĩ như thế. Đầm lầy là cõi chết. Ở đấy không chỉ có từng đàn dã sấu. Ở đấy còn có hàng vạn con rắn độc và những bãi lầy bất tận sẵn sàng nuốt chửng cả đàn bò. Chưa ai vào đấy mà quay được trở về. Trâu bò chạy lạc vào đầm lầy cũng không bao giờ quay trở lại.
Nó len lén ngóc đầu lên, khi tiếng vó ngựa gõ dồn dập trên mặt đất. Những người vệ binh trở về hiện ra giữa màng bụi mưa.
"Thằng Đán không ở trong nhà."
"Lùng soát các xe hàng."
"Kiểm tra tuyến đường lộ."
Tiếng tù và rúc lên vội vã. Chỉ có một con đường lộ duy nhất nối vào làng do các vệ binh thay nhau canh giữ nghiêm mật. Đấy cũng là tuyến độc đạo để chuyển rượu anh túc từ làng ra ngoài.
Đám người đong rượu bị lùa hết vào hội trường để thẩm tra. Bố bị giữ lại rất lâu, khi được thả ra ngoài, khuôn mặt bố trắng nhợt như xác chết. Cả làng ai cũng biết, chiều nào chú Đán cũng đánh xe hèm sang cho trại lợn của bố. Đêm về trong nỗi sợ hãi. Tội lỗi sẵn sàng đổ xuống mọi mái nhà. Người ta không ngủ, thót tim lại lắng nghe tiếng gió thổi qua tấm phên cửa.
Không ai được phép khóa cửa vào ban đêm. Tấm phên tre khép hờ trên khung gỗ có thể bị đạp tung bất cứ lúc nào. Những cái bóng đen sẽ tràn vào nhà cùng với bụi nước và mùi tử khí.
Đội cận vệ gồm có tám người, quyền phép dị thường. Họ luôn khoác áo choàng đen và bịt mặt bằng khăn rằn. Người trong làng không biết gì về họ, ngoài tám cái tên kết nối thành một câu thơ rất đẹp. Người trong làng cũng không biết rõ mặt mũi họ. Những người đàn ông bị đội cận vệ đến bắt đi đều bị chặt mất đầu. Đám đàn bà và trẻ nhỏ ở lại hoá điên loạn. Đội cận vệ chỉ đến làng vào ban đêm, khi pháp thuật phù thuỷ của họ hoà trong bóng tối thành sức mạnh vô biên.
Nó nằm thao thức trong bóng đen, không sao chịu nổi sự căng thẳng. Ở góc nhà bên kia, tiếng bố khe khẽ trở mình, tiếng mẹ thở đều đặn. Nó giở tấm chăn rơm, len lén bò sang. Bàn tay nó tìm bàn tay bố. Bàn tay bố đang nắm chặt bàn tay mẹ. Bố xoay người kéo nó lên đệm rơm, thì thào trong hơi thở:
"Ngủ!"
"Chú Đán có thoát được không?" Tim nó thắt lại vì phấn khích, khi câu hỏi tuột ra khỏi cửa miệng.
Bàn tay bố đưa nhanh lên ngang miệng nó, thay cho câu trả lời. Nó nằm yên trong vòng tay bố, mơ màng nghĩ đến những điều bí ẩn trong đầm lầy rồi thiếp đi lúc nào không hay. Buổi sáng đến trong yên bình, không có tiếng khóc la. Tấm phên cửa được đẩy sang một bên cho nắng mai lùa vào. Nó lắng nghe những tiếng động quen thuộc bên ngoài. Tiếng cối xay lúa kẽo kẹt. Tiếng đàn lợn ủn ỉn thức giấc.
Nỗi sợ hãi từ chuyện chú Đán trốn đi tan biến dần, khi đội cận vệ không trở lại làng. Mọi người tin rằng, chú Đán đã bị bắt ở một nơi nào đấy trên con đường lộ và đã bị xử tử. Những người lưng gù lại cất tiếng chào nhau trên con đường hẹp dẫn ngang nhà chú Đán. Một buổi chiều, con Bồng Bồng phá chuồng chạy mất. Nó là con bê trắng mạnh khỏe hiếu động vừa cai sữa mẹ. Bố thổi kèn dọc bờ lau sậy, gọi mãi vẫn không thấy con bê trở về.
Hai ngày sau, bố cùng nó đi vào đầm lầy tìm con Bồng Bồng. Đoạn đường từ làng vượt qua luỹ tre, ra đến bờ thuỷ sếu cỏ dại mịt mùng, nhiều chỗ lau sậy cao quá đầu người. Nó giữ chặt cái liềm cỏ trên tay, bám sát theo sau chân bố để đừng mất dấu. Ánh nắng mặt trời lơ lửng xuyên qua đám bông sậy trên cao, rọi lên cái lưng khòm của bố. Khi lớp đất dưới chân hóa mềm nhão, những gốc cây thuỷ sếu đầu tiên hiện ra trong mắt nó. Chúng khẳng khiu và đen đủi lạ lùng. Rễ cây cắm từng chùm xuống mặt đất như muốn đủn gốc cây trồi lên. Lưỡi liềm của bố chợt vung lên hai lượt. Nó hoảng hốt ngồi thụp xuống. Cái xác con rắn không đầu xanh lè vừa rớt xuống ngay chân nó đã vội vã chuồi vào đám lá mục. Bố lau sạch lưỡi liềm, dùng chân vùi mấy giọt máu rắn xuống đám lá mục. Cái đầu rắn rơi vào chỗ nào, bố tìm không ra.
Bố vẫn lặng im không nói năng gì, đưa tay kéo nó lên gốc thuỷ sếu. Bàn tay tướp mồ hôi của nó chạm vào bàn tay lạnh ngắt của bố. Hai bố con chuyền theo những cái rễ trơn tuột vào đến vùng nước trũng. Bên trên, từng lớp lá thuỷ sếu xanh ngắt đan vào nhau thành chiếc vòm che kín bầu trời. Mặt nước xám lợ yên tĩnh lạ lùng, chỉ có vài cụm bong bóng sủi bọt len giữa đám lá mục nổi lều bều. Bố đưa tay chỉ vào đám bọt xám rồi ra dấu im lặng. Nó hiểu rằng, có những thứ rất kinh khủng đang nấp bên dưới đấy. Ở một cụm ba cây sếu già, bố dừng lại, loay hoay tìm gì đấy giữa đám rễ. Từ đây những gốc sếu đã thưa thớt dần, đầm nước phía trước hiện ra ngút ngàn. Nó trương mắt nhìn ra khoảng không gian mênh mang. Bờ bên kia là những vệt xám mờ xa lắc. Từng đàn vịt trời từ bên đấy bay về bên này cất tiếng kêu quàng quạc váng vất mặt nước.
Bố tìm được cái ống trúc phủ lớp bùn khô nằm kẹt giữa hai cái rễ xoắn vào nhau. Ống trúc mảnh mai có gắn kín nắp bần, bên trong là mảnh giấy mỏng dính. Bố cau mày đọc rồi bỏ miếng giấy vào miệng nhai nát. Ánh mắt bố nhìn ra đầm lầy khắc khoải, dường như bố thì thầm một lời gì đấy. Trong một khoảnh khắc, nó kinh ngạc nhận ra con người khác của bố. Không phải là người đàn ông gù lưng luôn cúi đầu lầm lét đi trên đường đất, không phải là kẻ say mèm mỗi buổi chiều trong góc bếp.
Con vịt trời vụt xuyên qua tàn lá, đậu xuống gốc thuỷ sếu bên cạnh. Nó có cái mỏ dài đỏ chói và bộ lông xanh mượt. Loại vịt này rất hiếm gặp trong làng, thỉnh thoảng mới có một con về bơi trên ao súng. Trong chớp mắt, bóng đen khổng lồ từ dưới nước phóng lên. Một cột nước lớn đột ngột dựng trên mặt đầm. Con vịt biến vào đấy không một tiếng kêu.
Chỗ con vịt đứng chỉ cách thằng Sậu có vài bước chận. Đám bọt nước bắn ra dội ướt cả đầu tóc hai bố con. Họ đứng chết sững để cho những dòng nước tanh tưởi chảy đầm đìa xuống mặt. Phải một lúc sau, hai bố con mới dám rón rén đu theo những cụm rễ sếu trở lại đất liền. Những cặp mắt bí ẩn bên dưới làn nước đang theo dõi họ. Có thể chúng đã no mồi, có thể chúng còn lưỡng lự. Nó cầm chặt cái liềm cỏ vung lên mấy lần đe dọa.
Khi hai bố con trở lại bờ lau sậy, nó vẫn còn lịm người trong một nỗi phấn khích lạ lùng. Thân thể nó căng ra như không thể chịu đựng cảm xúc quá to lớn. Nó dừng lại khi bàn chân vừa đạp lên lớp đất cứng. Bàn tay nó chộp lấy bàn tay bố:
"Chú Đán có thoát được không?"
Bố ngồi thụp xuống:
"Phải giữ kín chuyện này."
Từ hôm đấy, bố bắt nó vào ngủ trong góc bếp sau nhà. Cũng từ hôm đấy, nó nhìn bố bằng cặp mắt khác. Buổi chiều, nó ở lại trong bếp nấu rượu cùng bố. Ở làng này, mười tuổi mới bắt đầu uống đã là trễ. Nó đưa chung rượu lên miệng, ánh mắt bố hiện ra đau đớn sau làn khói bếp. Bố quay đi đắp cám gạo ướt lên những đoạn ống hở. Hơi rượu từ đấy xì ra đê mê hương thuốc phiện. Nó ngây ngây hỏi:
"Người ta mang rượu đi đâu hở bố?"
"Bố không biết, làng mình chỉ có bổn phận nấu rượu." Bố đảo mắt nhìn ra bên ngoài chái bếp.
"Làng mình? Thế những làng khác họ làm gì?"
Rượu tràn ra vòi lẫn với bọt nước kêu rồn rột. Bố vội rút bớt củi ra khỏi bếp:
"Con cẩn thận chứ. Lửa to thế này thì hèm trào lên mất."
"Bố đã được ra ngoài bao giờ chưa?"
Bố lặng người đi rất lâu. Cặp lông mày ngã dúi vào nhau.
"Bố không nhớ lắm. Hình như khi còn rất bé, bố hay theo ông sang những làng khác. Bây giờ không sao nhớ lại được nữa."
"Nếu bố có đi đến đấy thì bố phải nhớ chứ."
Bố ném cây củi khô vào góc nhà, ôm đầu rên rỉ:
"Con đừng hỏi loanh quanh nữa. Rượu và thuốc phiện ngấm sâu vào máu bố rồi."
Nó đưa chung rượu lên miệng, ánh mắt bố lại hiện ra đau đớn bên mép rượu sóng sánh. Một cảm giác kinh hãi tràn đến, nó sững sờ đặt chung rượu xuống, đăm đăm nhìn bố.
Không đúng. Bố không bao giờ uống rượu. Người bố luôn nồng nặc hơi men, nhưng không bao giờ bố uống. Chung rượu bố vừa đưa lên miệng đổ ướt một vùng ngực.
Hai tuần sau, chuyện bố không uống rượu bị phát giác. Đấy là buổi sáng đi nộp công ngoài bãi. Cỗ xe chất đầy rượu tuột dốc lao thẳng vào mẹ. Bố chỉ vừa đủ thời gian quất ngựa lao đến. Từ trên lưng ngựa bố phóng xuống, dúi cả thân mình vào chắn ngang bánh xe. Người ta phải khuân nửa số bì rượu trên xe xuống mới lôi được tấm thân lực lưỡng của bố ra khỏi gầm. Bố nằm co quắp trên mặt đất sình lầy, cố ngóc đầu lên tìm mẹ. Ánh mắt bố bắt gặp ánh mắt độc ác của tên vệ binh.
Hai bác hàng xóm xốc vai bố đưa về nhà. Có lẽ bố chỉ bị nứt xương sườn, nhưng tinh thần bố hoàn toàn suy sụp. Bản án tử hình trong mắt tên vệ binh nặng gấp nghìn lần cỗ xe rượu. Chỉ có mẹ và nó là không hay biết gì. Mẹ lếch thếch đi phía sau, sụt sùi khóc vì may mắn. Cái bụng bầu gần ngày sanh làm mẹ trở nên chậm chạp và yếu ớt.
Giữa đêm, nó choàng tỉnh giấc khi nghe tiếng kêu la của mẹ. Trong ánh sáng trăng vàng vọt, nó kinh hoàng nhận ra mấy bóng người đứng giữa gian nhà. Họ mặc áo đen và bịt mặt bằng khăn rằn. Nó lùi sâu vào góc bếp, ghé mắt nhìn qua khe hở tấm phên tre. Bố bị trói quỳ trên nền nhà, khăn rằn bịt ngang mắt. Cả người bố gồng lên từng đợt theo tiếng kêu khóc của mẹ. Trong góc nhà, mẹ nằm phơi cái bụng trắng gần ngày sanh. Một người đàn ông giữ chặt chân mẹ, một người ngồi phía trên. Nó quơ quào tìm được cây củi, đưa lên nhét ngang miệng, cố đừng kêu thét lên. Trong đầu nó hiện ra hình ảnh cái liềm cắt cỏ treo ở chái bếp.
Tiếng kêu cứu ngẹn ngào bỗng hoá thành tiếng thét rùng rợn. Bố đổ sụp trên nền nhà.
"Được. Tôi chấp thuận. Hãy để mẹ con cô ấy yên."
Một giọng nói âm u như từ cõi ma quỷ vọng về:
"Dẫn hắn đi."
Nó gục mặt giữa lòng bàn tay, nước mắt trào ra ướt đẫm. Họ cột dây, dẫn bố ra khỏi nhà. Nó nằm co ro trong bếp lắng nghe tiếng bước chân xa dần. Họ đi về phía đầm lầy. Ánh trăng lạnh lẽo soi lên tàn lá chuối khô bên hiên nhà. Nó bò dậy lần ra cổng. Chiếc khăn rằn treo đong đưa trên khung tre như con cú xoải cánh bay.
Đám cận vệ dẫn bố đi rất nhanh. Họ như những bóng ma chân lướt đi trên mặt đất. Nó lẩn vào đám lau cỏ bên đường, đánh hơi mùi máu đuổi bám theo cho đến bờ thuỷ sếu. Từ đấy, họ men theo doi đất cao dẫn vào rừng song re. Những tấm khăn rằn thỉnh thoảng lại hiện ra giữa những bụi song re như những con cú khoang. Khi gà gáy canh ba, họ đến được đầm hoa súng. Nó nhận ra bên kia vạt hoa trắng là đầm nước mênh mông. Hai chiếc thuyền nan neo sẵn trong vùng sậy. Đám cận vệ đẩy bố ngã sấp lên sàn, rồi ra tay chèo. Sương đột nhiên kéo qua đầm từng lớp. Trong thoáng chốc, hai chiếc thuyền nan biến thành khói tan vào màn đêm.
Nó băng bừa qua những lùm lau sậy, tìm đường trở về nhà khi trời vẫn còn mờ mịt âm u. Căn nhà nó vắng lặng như tờ. Chiếc khăn rằn phất phơ trên cổng tre. Mẹ nằm co quắp trên vũng máu đen. Trong tay mẹ, đứa bé như con mèo nhỏ đã lạnh ngắt. Nó lay gọi mẹ, nhưng tấm thân đầy máu đấy đã bất động.
Gà eo ót cất tiếng gáy ngoài chái bếp. Nó đắp áo lên hai tấm thân trần truồng tím tái, lầm lũi vác cuốc ra đồng, đào hai cái huyệt. Một cái lớn và một cái bé. Buổi trưa nó trở về nhà, mẹ bắt đầu thoi thóp thở lại. Từ tấm thân tả tơi bốc lên mùi rượu, mùi nước tiểu, mùi phân, mùi máu. Nó run run nhỏ từng giọt nước vào đôi môi nứt nẻ, sưng vù. Hai giọt nước mắt lăn ra chậm rãi từ hai hố mắt tím đen. Nó ôm lấy thân hình nhỏ nhắn của mẹ khóc rống lên. Đám lợn bò bị bỏ đói ngoài chuồng cũng đồng loạt kêu lên từng đợt.
Mẹ nằm mê man ba ngày trong nhà, chỉ có nó mang hương đèn ra mở cửa mả cho em. Khi tấm khăn rằn được gỡ khỏi cổng nhà, nó vác bao tải ra đồng tìm bố. Mấy người đàn ông hàng xóm tụ tập sẵn ở bờ tre. Nó nhận ra chú Bốn, chú Tài Lớn, chú Thỉnh và bác Dầu Lửa. Họ không nói gì, chỉ chờ nó đến rồi cúi đầu lùi lũi kéo nhau ra bãi Luống. Bốn người chia đi bốn hướng trên bãi cỏ trấu um tùm. Chú Thỉnh đi chung với nó, trong lúc bất ngờ chú Thỉnh bỗng nắm lấy tay nó. Cái nắm rất chặt và nhanh, vừa đủ cho nó nhận ra sự cảm thông. Nó ngước lên, đôi mắt chú Thỉnh ươn ướt nhìn lảng ra đồng.
Bác Dầu Lửa là người đầu tiên tìm ra bố. Bác chỉ thét lên một tiếng "ơ này" rồi đứng đấy, như trời trồng, mắt trợn trừng nhìn vào đụm cỏ khô. Bốn người đổ xô chạy đến. Chú Tài Lớn và chú Bốn đến trước nó, nhưng họ cũng vẫn đứng sững ra đấy.
Nó nhận ra bố, nằm co ro trong đám cỏ trấu. Bố mặt bộ đồ bà ba đen, đầu quấn khăn rằn. Chú Thỉnh quay sang nhìn nó. Trong mắt chú bây giờ là sự thù hận. Nó gục xuống bên bố, khóc òa. Bàn tay nó đặt lên tấm lưng còng của bố, bên dưới sự sống thoi thóp theo từng nhịp thở.
Sự sợ hãi nghi kỵ giờ đây bao phủ cả làng. Mọi người rút cả vào sau những tấm phên tre, chỉ lấm lét mò ra khi lợn bò khản tiếng kêu la.
Hai ngày sau khi bố trở về, chú Thỉnh treo cổ tự vẫn sau vườn nhà. Bác Dầu Lửa cũng ôm đá nhảy xuống khe nước nhưng rồi không chết. Bác bò trở về nhà. Một tuần sau, đội cận vệ đến nhà bác treo chiếc khăn rằn lên cổng. Xác bác Dầu Lửa bị trả về, cụt đầu nằm ngoài bãi Luống, chẳng ai dám mang đi chôn. Cái xác cứ nằm đấy chương sình theo mưa nắng.
Bố ngồi co ro trong góc nhà đôi mắt vô hồn nhìn vào một điểm bất định. Mẹ gượng bò dậy, ra chuồng lợn nấu cám. Nó đánh xe chở rượu ra bãi chấm công thay cho bố. Ánh mắt người làng cụp xuống khi nó đánh xe ngang qua. Nó nghiến răng khuân từng bì rượu xuống xe. Bản chấm công vẫn còn ghi tên bố, nhưng người ta bắt đầu gọi tên nó vào đong rượu.
Mùa mưa đến, bụi chuối tàn lụi bên hiên lại đâm chồi non. Nó câm lặng lớn lên bên cối xay lúa và đàn lợn. Trong những giấc mơ của nó, hình ảnh sông nước ngút ngàn cứ khao khát hiện ra. Nhiều lần nó trở ra đồng lau sậy, nhưng con đường dẫn vào rừng song re đã biến mất không tăm tích. Làng này chỉ có vài cây song re mọc rải rác bên bàu nưóc. Mùa đông người ta hái hạt song re phơi khô làm thuốc tẩy giun sán cho lợn bò và trẻ em. Không ai biết rừng song re ở đâu, chỉ có những ánh mắt nghi kỵ nguyền rủa nhìn theo nó.
Đội cận vệ thường xuyên trở lại làng. Mỗi cái xác không đầu tìm được trên bãi Luống là bản kết tội của dân làng dành cho bố. Tóc bố bạc trắng dài phủ qua đôi vai xệ. Bố ngồi co rút trong góc nhà, cả tuần ăn không hết một bát cơm. Nước mắt chảy mãi xuống hai gò má nhăn nheo, cuối cùng rồi cũng khô cạn. Mẹ hoá thành cái bóng già nua còm cõi, sống lây lất ngoài chuồng lợn. Mẹ ăn ngủ cùng với lợn, không bao giờ bước chân vào nhà. Một tiếng động bất chợt cũng làm mẹ kinh hoảng. Những khi đấy mẹ lủi vào bầy gia súc, như con lợn con tìm sự che chở. Nó vẫn lặng lẽ lớn lên. Áo quần của bố căng nứt ra trên thân thể nó. Đôi tay vạm vỡ giờ đây đủ sức vật đổ con bò mộng hoá điên trong xóm.
Cuộc sống trong làng trở nên ngột ngạt không thở được. Nó không sợ sự nghi kỵ của người làng, không sợ đám cận vệ luôn lăm lăm tay súng chĩa vào xã viên. Nó chỉ thấy ngột ngạt trong vũng đất chật chội bao quanh luỹ tre. Giấc mơ sông nước mênh mông trở về thường trực trong đêm vắng, nó lại nhớ đến chú Đán. Tiếng mẹ ho rũ rượi ngoài chuồng lợn kéo nó về lại trong gian bếp tù hẹp. Nó bò dậy, tìm con dao găm giấu dưới đống tro bếp. Con dao ấm hơi than, cọ lên lớp da tay sắc lẻm. Bên ngoài ánh trăng trải bát ngát.
Đội cận vệ trở lại nhà nó vào một đêm mùa đông lạnh mướt. Mưa bụi tràn qua khung cửa trống, lùa xuống tận bếp. Bốn gã đàn ông bịt khăn rằn lôi bố ra giữa nhà. Bố quỳ trên đôi đầu gối run lẩy bẩy. Lằn roi da đầu tiên quật xuống làm thân hình bố rướn lên một chút, nhưng rồi nó thẳng đơ ra bất động. Những lượt roi sau đổ xuống, thân hình mỏng manh như lá khô vẫn thẳng đơ như không còn biết đau đớn.
Tên cầm roi điên tiết đạp lên lưng bố:
"Thằng cứng đầu, mày đừng tưởng lừa được bọn tao mà sống mãi."
Bố ngã gục xuống đất. Cái bóng phủ phục đấy bỗng cất tiếng nói từ sau bao nhiêu ngày câm nín. Giọng bố khàn đặc:
"Tôi chỉ mong được chết đi."
Nó nấp sau khe bếp, đổ mồ hôi lạnh. Ngoài chuồng lợn, dường như mẹ vẫn ngủ yên. Nó quặn lòng nghĩ đến mẹ khi bàn tay lần vào đống tro tìm con dao găm. Hơi ấm kim loại áp lên lớp da bắp chân đầy tin cậy.
Đội cận vệ quấn khăn rằn ngang mắt bố. Vừa lúc họ tròng dây thừng lôi bố ra cửa, nó đạp vách bếp xông ra. Bàn tay nó như con rắn hổ mang phóng đến, chộp ngang cổ tay của tên đội trưởng. Sự xuất hiện bất ngờ của nó làm bốn gã đàn ông hoảng hốt. Nó cũng hoảng hốt nhận ra, cổ tay khẳng khiu gã đàn ông bây giờ nằm lọt thỏm trong nắm tay của nó. Nó chờ đợi cánh tay của gã phù thuỷ biến thành thanh lửa đỏ nung cháy bàn tay nó, nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra. Những người còn lại cũng không biến thành sương khói tan vào không khí.
Dưới ánh trăng nó nhận ra sự hoang mang bất ngờ hiện ra trong đôi mắt ngầu đục. Nó kéo mạnh cổ tay xương xẩu về phía mình. Thân hình gã đàn ông dường như chao đi vì đau đớn. Đấy là một người đàn ông già nua vào tuổi bát tuần, chùm râu bạc lưa thưa ló ra sau lớp khăn rằn. Nó thả tay gã ra, hạ giọng nói:
"Hãy để cho họ được yên."
Khi tấm khăn rằn bịt ngang mắt nó, hình ảnh chiếc tàu lá chuối non bên hiên hiện ra xanh mượt. Nó xiết chặt nắm tay vạm vỡ, cất bước đi vào bóng đêm.
Berlin, 07. 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét