Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014
Cường toan thần giáo
Có một thế giới thần tiên diễm tuyệt ngự trị trong niềm tin bất tử của dân làng. Không ai biết chính xác nó ở đâu, nhưng mọi người đều quả quyết rằng nó ở rất gần. Trong trường học, các thầy cô giáo dạy rằng, thế giới thần tiên nằm ngay trên triền núi. Ở các buổi họp, cấp lãnh đạo cũng kiên quyết khẳng định, chỉ cần vượt qua bên kia sông là tới bồng lai.
Năm lên mười bốn tuổi, tôi có dịp làm quen với chủ tịch Chung, từ đó thấu hiểu thêm nhiều điều mê hoặc về cõi thần tiên. Vào một buổi sáng sớm, khi ở bãi sông trở về, tôi gặp ông chủ tịch từ nhà thím Cải Cúc đi ra. Thím Cải Cúc goá chồng từ hai năm nay. Chủ tịch Chung lại không có vợ. Chuyện hai người qua lại với nhau làng xóm chẳng ai lạ lùng gì, tôi cũng không mấy quan tâm. Như thường lệ, tôi phải có mặt ở bãi sông lúc tờ mờ sáng để làm nhiệm vụ. Đó là thời điểm may mắn nhất trong ngày để săn bắt cá. Sau một đêm ngủ ngon nơi nguồn nước, vào buổi sáng mát lạnh, cá bơi từng đàn xuống gềnh đá tìm ăn trùng chỉ. Nhưng tôi không bắt loại cá tầm thường bày bán ở chợ cổng đình. Đối tượng công tác của tôi là giống cá vàng cường toan, chuyên dành cho viện nghiên cứu Tinh Thần Dân Tộc. Các nhà khoa học của viện đang thiết lập phương án trích vàng từ cá cường toan, dựa trên giả thuyết: chất cường toan trong thân thể con cá đã hòa tan một số lượng vàng rất lớn dưới đáy sông. Mà quả thật, ai cầm con cá cường toan trong tay cũng nghĩ vậy. Cả thân mình nó là khối vàng ròng rực rỡ. Từ con mắt tới từng cái vảy nhỏ đều toàn là vàng. Bởi vậy mà mỗi năm viện Tinh Thần Dân Tộc nhận được số kinh phí khổng lồ, dùng để nghiên cứu việc trích vàng từ cá. Số kinh phí mỗi năm đó đủ để tái kiến thiết ngôi làng xập xệ này thành một thành phố khang trang. Tự điều này đã cho thấy, chuyện nghiên cứu cá cường toan vô cùng quan trọng. Tin rò rỉ từ viện ra ngoài cho người ta biết, khó khăn nằm ở chỗ, cá cường toan rất dễ chết. Dưới bất kỳ tác động nào của con người cá cũng lăn quay ra chết. Ngay sau khi chết thân thể nó nhanh chóng mất màu và chỉ vài ba phút sau là trở nên trắng bệch. Trong báo cáo mỗi năm của viện cũng có câu mà mọi người dân trong làng đều thuộc lòng. Khi cá chết, hỗn hợp vàng trong người cá bị chất cường toan hóa giải vĩnh viễn.
Bởi vậy mà mỗi khi bắt được cá, tôi đều phải phóng chạy như bay về nhà. Mẹ tôi nhanh chóng bỏ cá vô chậu sành đựng nước mưa trong suốt. Cha tôi ôm chậu nước ba chân bốn cẳng chạy lên viện. Hôm gặp chủ tịch Chung đi từ nhà thím Cải Cúc ra, mọi chuyện đã không diễn ra theo đúng trình tự đó.
Chủ tịch Chung vừa nhìn quanh, vừa sửa sang lại áo quần, đúng lúc tôi đang từ dưới sông hớt hải chạy lên. Tôi bận bịu với con cá trong tay, không muốn dây dưa với bất kỳ người nào. Lẽ ra chủ tịch Chung có thể đường hoàng băng qua bãi cỏ mật đi về làng, nhưng ông bị con cá vàng rực rỡ trên tay tôi hớp hồn. Con cá nằm trong mớ rong biển ẩm ướt ve vẩy cặp mang đầy thân thiện. Nó đáng yêu đến độ, tôi luôn luôn tin rằng, dù không lấy được vàng từ thân thể nó ra, người ta vẫn dành cho nó một sự trìu mến. Nhưng hành động của chủ tịch Chung thật là quá quắt. Ông ta xông đến trước mặt tôi, thọc cả ngón tay đen thui xuống đám rong bên dưới. Con cá bị nhấc lên ngang bụng, vùng vẫy tuyệt vọng.
“Chắc là một trăm gờ ram. Có khi hơn cả một trăm.”
Chủ tịch vừa rên rỉ vừa đong đưa ngón tay cân cá. Khi đó, con cá cường toan trong mắt chủ tịch đã trở thành một khối vàng thực sự. Tôi lùi lại, giấu con cá ra sau lưng, lễ phép nói:
“Đây là cá của viện nghiên cứu, kính thưa bác chủ tịch.”
“Không, cá của thế giới thần tiên, cháu à.”
Chữ thế giới thần tiên từ miệng ông Chung tuôn ra mang một uy lực khôn tả. Suýt nữa tôi quỳ mọp xuống đất mà khóc rống lên như đám phụ nữ trong làng vẫn thường làm những khi nghe ông Chung diễn thuyết. Cha ông Chung là người duy nhất trong làng đã từng đến được xứ xở thần tiên, đem niềm tin về cho dân chúng. Bởi vậy mà khi ông Chung cha chết đi, ông Chung con đã nghiễm nhiên ngồi vô ghế chủ tịch và trở thành người có thẩm quyền định hướng tư tưởng tối cao. Năm nay ông Chung con gần sáu mươi tuổi, thâm niên lãnh đạo đã hơn ba mươi năm. Ghế chủ tịch của ông Chung rất vững chắc do ông luôn biết cách định hướng niềm tin của dân chúng. Mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào thế giới thần tiên.
“Ở thế giới thần tiên cũng có cá sao?” Tôi hân hoan hỏi.
“Dĩ nhiên là có cá. Nhưng chỉ là những loài cá bạc, cá vàng hay cá kim cương.”
“Cá kim cương?” Tôi chưa thấy kim cương bao giờ. Trong làng tôi cũng không ai có kim cương. Nhưng tôi đã từng nghe qua, đó là thứ trang sức rất quý sáng lấp lánh. “Có ai bắt cá kim cương mang đi nghiên cứu không?”
“Ai mà làm chuyện vớ vẩn đó. Mọi người đều no đủ, sung sướng. Vàng bạc kim cương đã có đầy trong nhà. Trên cánh đồng những con gà đẻ trứng vàng chạy tung tăng. Dưới ao hồ đàn vịt đẻ kim cương bơi lội nhởn nhơ.”
Tôi phấn khích như phát rồ. Đôi chân tự động nhảy nhót theo điệu nhạc thần tiên du dương trong đầu.
“Có gì khác nữa không? Có gì cho trẻ em không?”
“Có những chiếc đu quay bay bổng lên trời xanh. Có những cây táo, cây đào sai trĩu quả cho mọi người tự do hái.”
“Ôi. Trời.” Đu quay thì tôi không thích. Tôi là một đứa trẻ không ưa những cử động quá mạnh bạo. “Cháu rất thích đào và táo.”
“Cứ thà hồ mà hái, cháu à.” Ông Chung chợt hạ giọng. “Mà nè, đừng nói cho ai biết, cháu gặp bác ở đây, nghe chưa.”
“Cháu không nói. Bao giờ lớn lên, cháu sẽ đi tìm thế giới thần tiên.”
“Còn bây giờ thì đi ngay về nhà và giữ im lặng.”
Ông Chung thân thiện xoa đầu tôi rồi quay lưng đi về làng. Mái tóc màu đỏ cánh gián của ông hiện lên bầu trời mờ sương như đốm lửa. Lần đầu tiên tôi nhận ra, mái tóc đó không quá xấu xí. Ở tuổi năm mươi, tóc ông Chung bắt đầu bạc. Lẽ ra ông nên để nó trắng phơ ra như thần tiên, đằng này ông lại tìm cách nhuộm đen. Ông Chung có thói quen kỳ dị là luôn tìm cách nhuộm đen mọi thứ. Ông nhuộm tuốt luốt từ cái chổi quét sân tới cái nón lá, rồi phù phép luôn cả vạt giường, mùng mền, chiếu gối. Nhưng bất hạnh làm sao, trong chuyện nhuộm đen chính bản thân ông đã thất bại thê thảm. Mái tóc ông không sao có được màu đen mơ ước. Sai lầm khởi đi từ sáng kiến dùng thuốc nhuộm răng để nhuộm tóc. Ở công đoạn thứ nhất, dùng bột cánh gián nhuộm đỏ mái tóc ông đã thành công. Cái đầu ông hóa đỏ rực như tổ gián. Đến công đoạn thứ hai, dùng lá phèn trộn với vỏ lựu để nhuộm đen, ông lại nhận lấy thảm bại. Mái tóc qua bao thử thách cứ lì lì trơ ra một màu đỏ quạch. Người trong làng than thở, nếu như chuyện nhuộm đen này ngay từ đầu đã thất bại thì thật may mắn cho ông và dân làng. Đằng này ông đi được nửa đoạn đường có được cái đầu đỏ như quỷ sứ rồi đâm vô ngõ cụt. Tai hại hơn nữa, bột cánh gián đỏ thấm sâu vô tận chân tóc, vô tận trong óc não khiến cho phần tóc mới mọc ra cũng đỏ quành quạch. Bây giờ, người trong làng phải cố gắng nghĩ ông Chung là thần tiên dù mái tóc ông cứ trông như quỷ sứ.
Tôi mơ màng nhìn theo mái tóc kỳ quặc của ông Chung, bỗng giật mình nhớ đến công việc quan trọng mà viện giao phó. Khi tôi đưa con cá giấu sau lưng ra trước mặt, thân thể nó đã mất đi màu vàng rực rỡ. Con cá cường toan nằm giữa đám rong ráo nước đang đổi sang màu xám xịt. Nước mắt tôi tuôn ra ràn rụa. Tôi khóc rống lên, gào gọi ông Chung:
“Con cá của cháu chết rồi. Bác Chung ơi, con cá chết rồi. Cứu cháu với.”
Ông Chung đã đi đến bờ cỏ. Nghe tiếng tôi khóc ông chẳng những không dừng lại mà bỏ chạy luôn một mạch vô rừng dương. Rõ ràng ông Chung đã giết chết con cá. Cả làng này, cả viện nghiên cứu đều biết, cá cường toan rất yếu ớt và kỵ hơi người. Bởi vậy mà ngoài tôi ra không ai có thể bắt được chúng. Tôi phải ngồi hàng giờ trên khe đá, chờ đợi ngày này qua ngày khác một con cá lạc đàn bơi vô lùm rong dày đặc. Khi đó, tôi phải nhanh tay túm cả đám rong cùng con cá, chạy như bay về nhà. Chuyện ông Chung vô cớ thò ngón tay đen thui vô đám rong, đụng nhằm con cá đã gây nên hậu quả đáng buồn cho gia đình tôi và cả viện nghiên cứu. Nhưng ông Chung là người đáng kính trọng bậc nhất trong làng, vị trí chỉ sau ông Chung cha, không ai được phép bảo rằng ông có lỗi. Những giấc mơ về thế giới thần tiên cũng đã dạy bảo tôi rằng, quyền lực của ông Chung là bất khả xâm phạm. Nên khi ông Chung biến vô rừng dương thì tôi cũng phải nín khóc.
Từ hôm đó, tôi thận trọng tìm cách tránh mặt ông Chung. Vì sứ mệnh vinh quang của viện giao phó, tôi không được phép làm chết thêm con cá nào. Ông Chung vẫn ra khỏi nhà thím Cải Cúc vào mỗi buổi sáng tờ mờ. Còn tôi thì trốn ra ghềnh đá thật xa khuất trong hàng liễu rũ. Vậy mà ông Chung vẫn lần mò tìm tới. Sự thèm muốn của ông ban đầu làm tôi sợ hãi, nhưng rồi ông cứ nhất mực thề thốt nên tôi nguôi ngoai dần.
“Bác chỉ nhìn thôi, không đụng vô đâu. Cho bác nhìn một xíu. Một xíu thôi.”
Những khi ông nhìn vô con cá vàng rực giữa đám rong, cặp mắt ông dại đi như người điên, miệng ông lẩm bẩm những lời thèm khát quái gở. Tôi bụm con cá trong đám rong đẫm nước, lùi lại một khoảng cần thiết rồi bảo:
“Cháu phải chạy về nhà đây, thưa bác chủ tịch.”
“Ừ chạy đi. Chạy nhanh đi.” Ông Chung chợt tỉnh giấc hối thúc.
Không phải hôm nào tôi cũng tìm được cá. May mắn lắm, một tuần tôi mới bắt được hai con. Công việc bắt cá đòi hỏi sự kiên nhẫn tuyệt đối mà không người nào trong làng có được. Cũng có nhiều người nghĩ rằng, đây là công việc nhàn nhã và danh giá hơn những việc đồng áng khác. Họ ra bờ sông ngồi được vài hôm thì phát rồ lên chạy trốn về làng. Ông Chung nói:
“Họ thất bại vì không chịu nghĩ đây là công việc nghiêm túc. Theo chủ thuyết thần tiên, chúng ta thất bại vì cứ thích ăn không ngồi rồi và suy nghĩ vớ vẩn.”
“Ơ, cháu lại tưởng, ở thế giới thần tiên chẳng ai phải làm việc.”
“Đứa nào nói vậy? Thật là bậy bạ. Thần tiên cũng làm việc, nhưng họ xem công việc là nghĩa vụ vinh quang và cao quý nên họ làm việc rất có hiệu quả.”
Tôi hơi chán. Cứ tưởng rằng, ở thế giới thần tiên chẳng ai phải làm việc. Nhưng những bức tranh ông Chung vẽ ra sau đó càng lúc càng đẹp lộng lẫy làm tôi tiếp tục bị mê hoặc. Thế giới thần tiên không chỉ có những cây đào cây táo trĩu quả. Thế giới thần tiên còn có những loại bánh mức ngọt ngào làm từ mật ong và hương hoa hồng. Bây giờ mỗi buổi sáng tôi lại vui vẻ mong ông Chung đến để nghe ông thuyết trình về hạnh phúc và ấm no. Dần dà tôi và ông hoá ra thân thiết, đến độ tôi để cho ông dí mắt nhìn vô con cá đến vài ba phút, miễn là đừng chạm tay lên người nó. Ông Chung say sưa nói:
“Bao giờ bác chết đi, chức chủ tịch sẽ thuộc về cháu. Nhất định bác sẽ viết di chúc để nó lại cho cháu.”
Ông Chung chẳng có vợ con gì. Dù trên thực tế, ông lang thang qua đêm ở khắp nơi và có hàng tá con hoang. Nhưng người trong làng vẫn kính nể xem ông là người thần tiên thoát tục. Cũng như ông Chung cha, từ bỏ bồng lai trở về hạ giới lấy vợ sanh con đẻ cái, ông vẫn được xem là người thần tiên. Ông Chung con thì không thể lấy vợ vì đám đàn bà trong làng quá nhếch nhác. Họ không xứng đáng với địa vị cao cả của người chăm sóc niềm tin cho dân chúng. Giờ đây ông Chung muốn nhận tôi làm người kế vị. Đó là một sự lựa chọn hợp lý, vì trong làng này cũng chỉ có tôi xứng đáng. Sự kiên nhẫn và may mắn trong công việc của tôi thường xuyên được viện nghiên cứu tuyên dương. Chuyện này mang lại vinh dự cho cả làng. Nhưng tôi không quá rạo rực nghĩ đến chức chủ tịch. Tôi mơ ngày rời bỏ ngôi làng này để đi tìm xứ sở thần tiên. Tôi nói ý nghĩ này cho ông Chung nghe. Không ngờ ông hoảng hốt la lên:
“Cháu không thể bỏ đi một mình được. Chúng ta còn có nhiệm vụ đưa cả làng tiến lên cõi thần tiên.” Ông cau có một lúc rồi trịnh trọng nói tiếp. "Công tác bắt cá rất khẩn thiết mà không có người thay thế. Cháu cần phải tiếp tục trọng trách cao quý mà viện đã đặc cách giao phó. Cháu yêu quý ơi, lao động nghiêm túc là cách tiếp cận thế giới thần tiên nhanh chóng và hữu hiệu nhất."
Tôi biết, công tác bắt cá cho viện rất quan trọng và khẩn thiết. Bốn năm trước, khi hai ông già bắt cá cho viện nối gót nhau qua đời, tôi chỉ là một đứa trẻ ham chơi lêu lổng hay trốn học lang thang ngoài ghềnh đá. Một ông lão do ăn lá khoai mì mà bị co thắt bao tử dẫn đến đột tử. Một ông lão bại liệt té vỡ sọ dưới khe đá khi vồ hụt con cá. Viện nghiên cứu Tinh Thần Dân Tộc đứng trước nguy cơ bị đóng cửa, người ta phải gấp rút lên chương trình chuyển sang nghiên cứu cải tạo phèn cho ruộng lúa. Mà kinh phí cải tạo phèn lại rất thấp, không đủ trang trải cho số nhân lực dày đặc của viện. Trong lúc tình hình đang khủng hoảng, đùng một cái, tôi bắt được con cá cường toan đầu tiên.
Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đẹp đẽ đó. Ba mẹ tôi nhảy nhót từ nhà ra sân, từ sân vô nhà vì quá sung sướng. Buổi chiều, xe hơi của giám đốc Sanh chạy bon bon xuống tận làng thăm gia đình tôi. Cha tôi được ông Sanh tặng cho cái chậu sành màu xanh ngọc thạch bọc trong lớp giấy bóng kính vàng rực. Mẹ tôi được dặn dò kỹ lưỡng: “Bà Tồn, cái chậu này chỉ được sử dụng vào việc vận chuyển cá”.
Công việc bắt cá cường toan cho viện nghiên cứu đã làm thay đổi danh phận của gia đình tôi. Cha tôi được người làng kính cẩn gọi là ông Tồn, thay cho cách gọi trước đây chỉ đơn giản là lão Đốt Than. Cha tôi làm nghề đốt than. Như những người lao động khác trong làng, như chú Lò Rèn, như thím Nồi Đất, cha tôi gần như không còn biết đến tên thật của mình. Mẹ tôi cũng vậy. Lần đầu tiên mẹ tôi nghe người ta gọi mình là bà Tồn, mẹ đã khóc rống lên vì hãnh diện. Đó là cách gọi tên chỉ dành cho những người danh giá như ông Sanh, ông Chung.
Ông Chung xoa đầu tôi, tiếp tục khuyên nhủ:
“Cháu phải lưu ý, chớ dây dưa với bọn đàn bà, rồi lại chẳng bắt được con cá nào. Cá thần tiên là loài sạch sẽ chỉ ưa trai tân.”
Chuyện cá cường toan ghét phụ nữ có lẽ chỉ do ông Chung tự nghĩ ra. Hai ông lão bắt cá trước tôi đều có vợ con đàng hoàng, nhưng vợ con họ do đau ốm mà yểu mệnh. Ngay cả viện nghiên cứu cũng vẫn có những bà cán bộ cao quý, thỉnh thoảng họ tha thướt theo xe du lịch ra tận bờ sông để quan sát môi trường thủy sinh của cá.
Ông Chung khom lưng nhìn xuống mặt nước, lại bật rật đưa bàn tay lên miệng cắn ngấu nghiến mấy cái móng tay. Ông vẫn thường làm như vậy mỗi khi nhìn thấy đàn cá vàng lượn lờ bên ngoài đám rong tảo. Cá lượn bên ngoài thì nhiều, nhưng chẳng mấy con chịu chui vô đám rong. Tôi nhìn ngón tay có dính mực đen thui của ông Chung, ngờ ngợ nghĩ ra một điều. Lúc này, tình cảm của tôi với ông Chung đã gần gũi lắm nên tôi đủ can đảm để nói ra:
“Bác Chung, tay bác dính mực đen thui.”
Ông Chung lùi phắt lại, giấu bàn tay lem nhem ra sau lưng. Nụ cười thân thiện của ông biến mất, thay vào đó là kiểu phùng mang trợn mắt rất xấu xí. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy ông Chung hung dữ như vậy. Bộ mặt đỏ ửng cộng với mái tóc màu cánh gián càng khiến ông giống quỷ sứ hơn. Tôi nghĩ tới đó thì đâm ra sợ hãi. Ông Chung là người của cõi thần tiên, tôi không được phép so sánh ông với quỷ sứ. Ông Chung nhận ra điệu bộ lúng túng của tôi, liền hỏi dồn:
“Cháu có biết điều lệ của làng không? Cháu có học thuộc lòng điều lệ đó chưa?”
Tôi cúi đầu vâng dạ lí nhí. Dĩ nhiên tôi biết rõ điều lệ của làng. Ở trường học, thầy cô giáo vẫn nghiêm khắc bắt học trò thuộc lòng câu thần chú đó. Nhưng tôi nghĩ, ở mức độ tình cảm thân thiết, tôi có thể hỏi thêm ông Chung những điều khác nằm ngoài thế giới thần tiên, như bàn tay luôn dính mực đen của ông.
“Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào thế giới thần tiên. Niềm tin đó là bất tử.” Tôi đứng thẳng người, đọc rành rọt.
Ở trong làng có những người vi phạm điều lệ do cõi thần tiên ban phát. Họ phát biểu linh tinh những khi quá chén. Một đêm bất chợt, kẻ phản bội sẽ bị cạo trọc đầu, mặt phết mực đen và treo tòng teng trên cây sung. Hình phạt này luôn có hiệu quả. Những kẻ bị thần tiên trừng phạt sau đó luôn tin rằng, nếu họ không tin tưởng tuyệt đối vào thế giới thần tiên, thì họ sẽ bị đày đọa suốt đời trong cõi tối đen.
*
Năm tôi bốn mươi tuổi, viện nghiên cứu Tinh Thần Dân Tộc đã phát triển thành khu nhà cao tầng nguy nga. Từ bãi sông, người ta có thể nhìn thấy những bức tường khảm đá đồ sộ và những khung cửa kính sáng loáng. Công việc bắt cá của tôi vẫn không tìm được người kế tục, nên tôi cứ phải dời lại ý nguyện đi tìm thế giới thần tiên. Người làng này rất thiếu sự kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm. Viện nghiên cứu Tinh Thần Dân Tộc đã kiên quyết đề ra mục tiêu: chuyên môn hóa việc trích vàng từ cá cường toan để xây dựng nền tảng vững chắc cho công cuộc đi lên thế giới thần tiên. Khẩu hiệu kẻ chữ to rõ ràng giăng ngang cổng làng, nhưng mọi người cứ lơ là không muốn chung tay chia sẻ sứ mệnh trọng đại đó. Tệ hơn nữa, một vài đứa trẻ trong làng bắt đầu thoát ly ra đi.
*
Năm tôi năm mươi tuổi, hàng loạt thanh niên bỏ làng đi tìm cuộc sống mới. Tụi nó không đi tìm thế giới thần tiên. Thời buổi này chẳng còn mấy đứa chịu tin tưởng vào tương lai. Bọn chúng lục tục ra đi rồi lục tục trở về, mang theo những vật dụng quý giá cùng một đống tệ nạn. Tôi biết được điều đó qua lời kể của ông Chung. Cuộc sống của tôi, từ khi cha mẹ mất đi, chỉ đóng khung trong khoảng ghềnh đá ở bãi sông. Tôi không vô làng, không biết những chuyện đau lòng đang xảy ra ở đó. Chủ tịch Chung chép đôi môi móm mém:
"Chưa bao giờ đám đàn bà trong làng trở nên mất phẩm giá như bây giờ."
Thím Cải Cúc tử tế đã qua đời từ hai mươi năm trước. Chị Đũa Tre tốt bụng cũng ngã bệnh rồi mất từ nhiều năm nay. Ông Chung bị bọn phụ nữ thế giới hư hỏng bắt phải trả tiền qua đêm. Ông vò mái tóc đỏ xơ xác kêu than, bọn trẻ ngày nay đã mất đi sự tôn kính dành cho người lớn tuổi, chỉ nghĩ đến đồng tiền dơ bẩn. Tôi cũng thấy bọn trẻ ranh kia thật là quá đáng. Ông Chung là người thần tiên, tuổi đã xấp xỉ một trăm, không hiểu tại sao bọn chúng lại vì đồng tiền mà đối xử với ông ti tiện như vậy. Từ bao lâu nay, tôi với ông Chung đã trở thành đôi bạn thân. Chuyện vết mực trên tay ông ngày đó đã là kỷ niệm vui vẻ. Hóa ra, cả làng đều biết ông Chung dính mực trên tay, nhưng do lòng kính trọng dành cho ông, mọi người đều im lặng.
Vào mỗi buổi sáng khi từ khu nhà thổ bước ra, ông Chung vẫn chống gậy lên ghềnh đá để xem cá và khích lệ tinh thần tôi. Nghe lời ông khuyên nhủ, tôi không lấy vợ, sống đời thoát tục chờ ngày kế thừa chức chủ tịch. Giấc mơ đi tìm thế giới thần tiên vẫn mang một sức hấp dẫn mê hồn, nhưng bây giờ tôi không còn sức đi xa. Bốn mươi năm ngồi lỳ trên ghềnh đá xương cốt tôi đã thoái hóa. Tay chân tôi bắt đầu co cứng và phù nề. Công việc bắt cá trở nên khó khăn hơn. Có hôm tôi vụng về đến nỗi trượt chân rơi tòm xuống khe nước. Viện Tinh Thần Dân Tộc đã phát triển lớn bằng một khu công nghiệp. Người ta rất cần mẫu cá cường toan để đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu. Tôi gần như phải ngủ luôn ngoài ghềnh. Trên nền nhà cũ của thím Cải Cúc, viện cất cho tôi căn nhà lá, vừa kê được một cái giường và một cái bếp. Bên cạnh nhà là hồ nước tráng men sứ màu ngọc thạch để thả cá. Nhờ sự quan tâm tận tình của ban giám đốc, tôi chẳng còn lo chuyện ôm chậu sành ba chân bốn cẳng chạy lên viện.
*
Năm tôi năm mươi lăm tuổi, dòng sông bị ô nhiễm trầm trọng. Nước thải từ viện nghiên cứu, từ khu dân cư xả xuống sông ào ạt làm nguồn nước trở nên đen đủi. Nhiều tuần tôi chẳng bắt được con cá nào. Khẩu phần lương thực của tôi bị cắt bớt do không hoàn thành trách nhiệm. Tôi phải ăn lá khoai mì trừ cơm, cả người cứ nôn nao váng vất, nhìn xuống nước chỉ thấy những vòng quay. Làng tôi nhận hàng loạt công văn khiển trách của viện.
Ông Chung thất thểu ôm mớ công văn mò ra tận gềnh đá.
"Dĩ nhiên đây là lỗi của cháu, nhưng bác chẳng trách mắng cháu làm gì. Nếu bác trẻ ra năm mươi tuổi, có khi bác còn lội xuống sông bắt cá phụ cháu nữa. Bao nhiêu năm phục vụ nhân dân, bây giờ sức khỏe bác xuống lắm." Ông Chung nói tới đây thì đổi giọng khóc tồ tồ. "Sức khỏe bác xuống lắm, cháu à. Bác trả tiền sòng phẳng rồi mà bọn khốn nạn vẫn đạp bác văng ra khỏi giường."
Tôi lặng người đi vì ân hận. Thời cuộc nhiễu nhương tới mức này, có ai mà ngờ được. Vậy mà bọn trẻ kia vẫn vô tư đứng trước sự huỷ diệt. Chiều nào tụi nó cũng kéo xuống ghềnh đá, tụm năm tụm bảy toé nước ầm ĩ trên dòng sông đen đủi. Tôi không biết làm cách nào để cảnh báo chúng. Một phần ngôn ngữ của thế giới con người tôi đã quên mất. Giờ đây tôi chỉ tự trò chuyện và tưởng tượng bằng ngôn ngữ thế giới thần tiên. Vượt ra bên ngoài cuộc sống hủ bại này, bồng lai trong niềm tin tuyệt đối của tôi còn rực rỡ, tráng lệ ngàn lần hơn lời kể của ông Chung.
Mấy đứa nhỏ phát hiện ra tôi ngồi trên ghềnh đá. Tụi nó cười hỗn hào:
“Ông lão đánh cá.”
Tôi đưa tay xua đuổi chúng đi. Bọn trẻ đạp nước tung tóe rồi lại la rú lên:
“Và con cá vàng chết tiệt.”
Tôi bàng hoàng nhìn xuống mặt nước rong rêu tan nát, bỗng dưng thấy sợ hãi. Còn đâu nữa những ngày yên bình nhu thuận khi con người tin tưởng tuyệt đối vào thế giới thần tiên.
Dưới kia đám trẻ vẫn hùng hục té nước vô nhau. Cả một đoạn sông đục ngầu rác rưởi và bùn sình. Đôi chân xanh xao vón cục của tôi lại nổi cơn đau quặn thắt. Nước mắt tôi lặng lẽ nhỏ xuống dòng sông tuổi thơ trong trẻo. Nếu tôi có cặp chân dẻo dai như những đứa trẻ kia, tôi sẽ lập tức khăn gói lên đường.
Thế giới thần tiên ở rất gần đây.
Tháng 10. 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét