Tôi rụt rè viết lên đây những
dòng thương tiếc ông, khi giờ này, hầu hết các trang
báo lớn từ quốc nội ra tới hải ngoại đều đã đăng
lời tưởng niệm. Trong muôn vàn vòng hoa rực rỡ của
những người từng là bạn vong niên của ông, của những
người từng là bạn văn chương cùng chia sẻ với ông
một mảnh quê hương tơi tả, của những nhà phê bình
từng bỏ công sức nghiên cứu tận tường tác phẩm của
ông, tôi chẳng có gì để đưa tiễn ông. Tôi chỉ thành
kính đặt bên thềm nhà ông một đóa hoa vô danh, và xin
cúi đầu gọi ông là "Thầy".
Đóa hoa vô danh này của một kẻ
chẳng có danh phận gì trong cõi văn chương, chỉ một
ngày tình cờ lang thang trên mạng, đọc được một
truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu mà cả cuộc đời
thay đổi. Thứ văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa
mười hai năm được (!) nhồi nhét kỹ lưỡng dưới mái
trường xã hội chủ nghĩa bỗng nhiên rồi tan xác, chỉ
còn lại trong đầu một lỗ trống kinh hoảng. Thằng
người trong Cũng Đành hiện ra đó không phải là một
con người bằng xương, bằng thịt, nhân danh giai cấp vô
sản đòi quyền làm chủ vận mệnh mình. Hắn không cần
được tôn trọng và ca tụng. Hắn không cần rạch ròi
kêu gọi cái thiện chống lại cái ác. Hắn không đanh
thép lên án xã hội bất công đẩy con người (tính bổn
thiện) vào kiếp khố rách lưu manh. Hắn không xác định
rõ ràng vị trí ta và địch - Không - "Ở ngoài"
hay "ở trong", cũng chẳng biết đâu là ta đâu là
địch. Thằng người bị xóa dần quá khứ và đánh mất
hiện tại. Hắn bị lột trần, phơi bày thân phận giun
dế, bản chất khiếp nhược hèn hạ. Hắn nhầy nhụa vô
liêm sỉ. Hắn bằng đất đá khô khốc trơ lì. Hắn
chẳng muốn đại diện cho ai nhưng hắn là chính bản
thân của mỗi người. Hắn là - tôi - trong nỗi nhục cúi
đầu triền miên. Lần đầu tiên trong đời, tôi xúc động
tự hỏi, có một thứ văn chương kỳ lạ như vậy sao?
Dương Nghiễm Mậu là ai?
Ở thời điểm đó, hơn mười năm trước,
tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu trên mạng không nhiều,
chỉ đôi ba truyện ngắn đăng trên Việt Nam thư quán.
Cho tới bây giờ cũng không đầy đủ. Nếu có ai hỏi,
đã đọc bao nhiêu tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu rồi,
tôi sẽ thong thả đưa mấy ngón tay của mình lên. Không
dối trá. Tôi chịu ảnh hưởng của ông không vì số
lượng, mà vì một tác động trực diện lên ý thức làm
người. Ở vị thế người đọc, tôi nhìn thấy trong tác
phẩm của ông thân phận bi thảm của chính bản thân
mình, của đồng bào Việt Nam, của một quê hương điêu
tàn. Ở vị thế người viết, tôi nhận ra trách nhiệm
cầm bút của mình, nhận ra con đường đưa cuộc sống
vào văn chương, đưa văn chương trở về với cuộc sống.
Con đường riêng của mỗi một người đi tới tự do.
Sau này, khi tiếng Đức tôi khá
lên, tôi gần như dọn nhà vô ở luôn trong thư viện. Đọc
nhiều, tiếp xúc nhiều thể loại văn chương, thích ông
này và mê bà nọ lung tung lang tang, nhưng cảm giác kỳ dị
(kinh hoảng) như khi bị Cũng Đành bắn vào đầu đã
không bao giờ trở lại. Cơn sốc đó chỉ đến một lần
trong đời, làm thức tỉnh, làm thay đổi, làm phá vỡ
gông xiềng.
Người miền Bắc chỉ nói về
ông như một tài năng lớn, vượt qua cái thời đại mà
ông đang sống để tác phẩm trở thành bất tử. Người
miền Nam thường nghĩ về ông vì một nhân cách lớn,
vượt qua những cám dỗ của thời cuộc để thanh danh
trở thành viên ngọc quý trong ngần. Là người đọc và
người viết, tôi kính trọng ông vì cả hai điều. Tôi
kính trọng ông vì những năm tháng cầm bút, ông đã
nghiêm túc lao động tạo ra những tác phẩm mang phong cách
của riêng ông, cần cù và kiên quyết tự khai phá cho
mình một con đường khác biệt, ngoan cường xây dựng
một chỗ đứng độc lập trên văn đàn. Tôi kính trọng
ông vì những năm tháng gác bút, ông giữ được cho mình
một sự im lặng kiêu hãnh. Nhưng về tình cảm, tôi vẫn
không ở bên ngoài cái chung, là một người miền Nam, sự
kính trọng của tôi dành cho phần thứ hai vẫn sâu nặng
hơn phần thứ nhất. Một nhân cách như vậy đòi hỏi
phải có một bản lãnh phi thường tránh xa những cám dỗ
danh vọng và vật chất, đòi hỏi một cái nhìn trầm
tĩnh sâu sắc về thời cuộc.
Một nhà văn lớn nhất thiết
phải có nhân cách lớn? Hay giá trị tự thân của tác
phẩm quyết định chỗ đứng của nó trên văn đàn? Điều
này cần những người đàn anh của tôi phân tích. Tôi
chỉ nói suy nghĩ của riêng tôi thôi, ở vị trí kẻ hậu
sinh. Trong thi ca, người yêu thơ như tôi vẫn mến mộ tên
tuổi Xuân Diệu qua những bài thơ tình trước 1945. Tôi
ít thấy ai quan tâm tới những thứ rác rưởi Xuân Diệu
tống ra trong "dòng thơ công dân". Ta chào Vôn-ga
Đông - Chào Liên Xô vĩ đại - Đồng chí Stalin - Mặt
trời soi nhân loại - Ta chào mừng Đại hội - Đảng
Bôn-sơ-vích thành công. Bàn tay nhớp nhúa của Xuân Diệu
trong phong trào nhân văn giai phẩm cũng không hề làm vẩn
đục những câu thơ tình ái run rẩy rung rinh lá. Thơ tình
Xuân Diệu trên thi đàn đủ sức tỏa ánh sáng phủ lên
thân phận lem luốc của tác giả, để người ta mặc
nhiên yêu mến Xuân Diệu mà bỏ qua hết thảy. Trong âm
nhạc chưa thấy có ai được như vậy. Tôi vẫn mê nhạc
Trịnh Công Sơn nhưng không có cảm tình với thái độ
thỏa hiệp vì hèn nhát, cách sống giả mù trong lạc thú
của ông. Người khác có thể mê nhạc Trịnh và chấp
nhận luôn con người của Trịnh, hay hơn nữa, hăng hái
tìm cách biện hộ cho ông ta. Tuy nhiên công bằng mà nói,
con người Trịnh Công Sơn và âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn
chỉ có thể là hai thứ tách biệt trong lòng người
thưởng thức.
Dương Nghiễm Mậu là một trường
hợp khác biệt. Con đường văn chương của Dương Nghiễm
Mậu bị cắt đứt đột ngột sau biến cố 75. Ông thôi
viết và chọn cho mình một thái độ sống độc lập.
Ông tự do trong khuôn khổ sống hạn hẹp mà một người
công dân dưới chế độ cộng sản có thể xoay xở được.
Ông tự do vì không phải cúi đầu nói ra những lời dối
trá, không phải quỳ gối đưa tác phẩm mình cho bọn đao
phủ băm chém. Ông tự do vì không phải thỏa hiệp với
tội ác để nhận bổng lộc phận hàng thần. Dương
Nghiễm Mậu lặng lẽ gác bút, lui về phía sau. Nhưng nhân
cách của ông đã thúc dục một thế hệ hậu sinh lên
đường, đi về phía trước.
Vâng. Tôi là một người thuộc
thế hệ hậu sinh của Dương Nghiễm Mậu. Tôi nói lên
điều này bao giờ cũng bằng tấm lòng thành kính dành
cho một nhân cách mà tôi ngưỡng mộ. Nếu không có ông,
không có những người đi trước như ông, thế hệ này,
dòng văn chương này chỉ là nô lệ, là khiếp nhược cúi
đầu, là một dàn đồng ca lem luốc phấn son. Nếu không
có ông, không có một thế hệ đi trước vẫn âm thầm
dấn thân, tôi sẽ không đủ sức cầm bút sau một ngày
làm việc tả tơi, sau một tuần mệt nhoài vì mưu sinh,
sau những lần phẫu thuật chết đi sống lại. Tôi sẽ
không đủ nghị lực gom góp thời gian nghỉ ngơi dành
hết cho văn chương, không đủ can trường dành dụm phần
sức khỏe èo ọt cho việc trao dồi kiến thức văn học.
Viết trong âm thầm, viết vô vụ lợi, viết khi thể xác
mình đã kiệt quệ, cần có một niềm tin, một nguồn
động viên để mà đi tới. Không có tấm gương trong
ngần như Dương Nghiễm Mậu, không có một thế hệ nhà
văn miền Nam bất khuất - không thỏa hiệp, tôi biết soi
mình vào đâu để tìm lấy ngày mai. Bây giờ, ông đã
vĩnh viễn lên đường đi về thế giới bên kia, những
người đồng niên với ông cũng lần lượt ra đi. Tôi
khóc cho ông, khóc cho một thế hệ tiền bối sinh ra trong
chiến tranh, bất hạnh trong hòa bình mà vẫn giữ tròn
khí tiết.
Cha tôi sanh trước Dương Nghiễm
Mậu một tháng, tháng mười năm 1936, cũng vừa mới qua
đời, để lại nhiều tác phẩm chưa một lần được
tới tay bạn đọc. Những năm cuối đời trên giường
bệnh, cha tôi viết miệt mài, viết như là trả nợ, viết
để được khóc cho thân phận mình cho quê hương, viết
để đừng phải âm thầm mang nỗi đau của thế hệ về
thế giới bên kia. Chế độ thâm thù tàn ác này chỉ có
thể bắt con người im lặng chứ không thể cấm con người
viết trong im lặng và càng không thể cấm người ta lên
đường trong im lặng. Hãy tin rằng, bên dưới tàn cây
đại thụ im lìm đó còn có một dòng sông đang âm thầm
chảy.
Tôi kính trọng tên tuổi những
người đàn anh dù chưa một lần gặp mặt họ. Cõi văn
chương mà tôi bước chân vào chỉ là thế giới ảo,
nhưng tôi trân trọng và yêu quý nó. Đó là nơi người
ta tìm đến tự do và tìm đến nhau vì một thứ văn
chương vô vụ lợi, phi thỏa hiệp. Dương Nghiễm Mậu
đối với tôi là con người kỳ vĩ của thế giới ảo
này, dù các bạn đồng niên của tôi (Phan Nhiên Hạo,
Trần Vũ, Thuận Nhiên...) không nghĩ vậy. Họ tìm đến
Dương Nghiễm Mậu trong thế giới thật, bước qua rào
cản của hai thế hệ để được chuyện trò với ông,
để được làm bạn văn chương với ông, để nuôi dưỡng
niềm tin. “Tôi tin người
tốt trên đời nhiều hơn kẻ xấu." Nhưng
họ cũng gián tiếp "cảnh báo" người đọc, "ông
Nghiễm" là người sống ẩn dật và rất ít giao
tiếp. Không sao. Tôi là người rất sợ giao tiếp, nhất
là những mối quen biết trong giới văn chương. Đôi lúc
tôi mường tượng ra chuyện cầm cuốn sách đầu tay tới
nhà ông để ra mắt, để lúng túng tự giới thiệu: "Con
cũng viết lách chút đỉnh. Dạ, một chút đỉnh thôi."
Nhưng đó chỉ là chuyện tưởng tượng. Nó đã không xảy
ra khi ông Nghiễm còn sống. Và cho tới bây giờ, tôi cũng
không có cuốn sách nào trên tay, vì tôi chủ trương không
in tác phẩm của mình ra giấy. Không có sách thì không là
nhà văn, biết tới nhà ông Nghiễm với tư cách gì đây.
Phan Nhiên Hạo động viên: "Chị muốn gặp ông Nghiễm
thì tôi để giới thiệu cho." Tôi lưỡng lự mãi,
không dám. Dẫu có sách, dẫu có là nhà văn thì thân phận
vô danh của mình cũng không nên làm phiền một người đã
ẩn dật như ông Nghiễm. Thật là buồn tủi. Nhưng lòng
kính trọng của tôi dành cho ông lớn hơn những mong muốn
xã giao bình thường.
Bây giờ ông đã ra đi. Trong
những người đưa tiễn ông trên cõi Da Màu hư ảo, có
một nhà văn thân phận nhỏ nhoi, rưng rưng nước mắt
rụt rè đặt xuống thềm nhà ông một đóa hoa mong manh.
Thưa Thầy, dù không có sách con
vẫn phải tự nhận mình là nhà văn. Nếu không can đảm
nhận lấy trách nhiệm, không đủ ý thức cầm bút, làm
sao con có thể theo Thầy lên đường?
Berlin, tháng 8. 2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét