Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Bờ Bên Kia - tiểu thuyết - ngôn ngữ và nỗi niềm của tác giả



Bắt đầu từ tuần này, tôi sẽ lần lượt đăng 17 chương của cuốn tiểu thuyết thriller Bờ Bên Kia:
Chương 1 Bóng tối ban mai
Chương 2 Phần mộng
Chương 3 Ngôi sao cô đơn
Chương 4 Phần sâu
Chương 5 Áo lụa Thượng Hải
Chương 6 Phần độc
Chương 7 Ánh mắt tử thi
Chương 8 Phần điên
Chương 9 Cảnh sát liên bang
Chương 10 Phần hủy
Chương 11 Đòn chân sát thủ
Chương 12 Phần diệt
Chương 13 Dặm đường truy sát
Chương 14 Phần tận
Chương 15 Hỏa lực miền Đông
Chương 16 Phần tàn
Chương 17 Chìa khóa rỉ sét
và không đăng:
Chương 18 Phần kết

*

Cuốn tiểu thuyết này số phận long đong quá. Tội nghiệp!
Tôi quyết định đăng nó ở đây để nó được sống (một cuộc sống yên lành) và tôi vẫn cứ tin rằng, giá trị văn chương thật sự của một tác phẩm không được đánh giá qua những mối quan hệ phi văn chương của con người.
Sắp tới tôi sẽ dành nhiều thời gian để đọc sách và có lẽ chỉ thong thả viết tiểu thuyết. Hiện nay thư viện đang có quá nhiều sách hay, thấy mê lắm mà không có thời gian. Dự định trong đầu: sẽ tiếp tục thể loại thriller. Cộng đồng người Việt - Berlin có nhiều đề tài phức tạp chưa được khai thác đúng chiều sâu:
- Mafia thuốc lá và những cuộc chiến đẫm máu.
- Hòa hợp hòa giải (!) giữa hai miền Đông - Tây.
- Tính hội nhập tự phát của tầng lớp nông dân nghèo miền Trung (VN) tại Đức...
Những truyện ngắn chạy đuổi theo thông tin tức thời chỉ giải quyết những bức xúc trước mắt của người đọc - người viết, cũng như thỏa hiệp với phong cách "mì ăn liền" của các trang mạng. Tự bản thân tôi, sau một thời gian dài nghiêm túc thử nghiệm, đã cảm thấy không còn vui thích mà những thứ xào nấu lộn xộn đó cứ xa rời dần ý nghĩa văn chương. Ừ thì, văn chương là ảo vọng! Nhưng phía sau cái ảo vọng đó vẫn là một giá trị tinh khiết.
"Tính phản động của truyện ngắn", sự đạp đổ tàn phá mang tâm lý giải thoát đến một lúc nào đó cũng phải chấm dứt. Nếu không tìm được một thứ bình ổn để tiếp nối, con đường văn chương của tôi sẽ chấm dứt ở đây.
Hơn sáu tháng đọc và nghiền ngẫm những tác phẩm của cha tôi, dần dà tôi mới hiểu ra được sự chọn lựa khốc liệt này.
Cha tôi là nhà giáo, giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Cha tôi không là nhà văn, và có lẽ, chưa bao giờ ông nghĩ mình phải là một nhà văn. Ông cầm bút vì ý thức hơn là vì văn chương, nhưng tiểu thuyết của ông mang một giá trị văn chương hiếm có trong văn đàn Việt Nam. Cả một cuộc đời oanh liệt, một quá khứ hào hùng của cha tôi giờ đã đã chôn vùi trong im lặng, đã hóa thành cát bụi, nhưng những dòng văn lặng lẽ - trong sáng và chuẩn mực - đã ghi lại một phần quá khứ bất tử của dân tộc.
Vào buổi sáng hôm nay, sau hai ngày đi cấp cứu nhà thương về, thấy sức khỏe và cuộc sống mình mong manh quá, tôi đâm sợ những thứ gia trị bèo bọt khác. Quyết định: tạm ngưng lang thang trên mấy trang mạng thời cuộc. Ở cõi yên lành này, lặng lẽ với công việc, tôi tin vào một ngày mai, một tương lai.
Có một điều nữa làm tôi phân vân dữ dội: Viết thriller bằng tiếng Việt hay tiếng Đức? Ngôn ngữ thriller là thứ ngôn ngữ đơn giản, không văn hoa, dễ sử dụng. Một người sống lâu ở Đức, hàng ngày sử dụng tiếng Đức nhiều hơn tiếng Việt, gần như chỉ đọc thriller bằng tiếng Đức - vẫn có thể học và thử qua thứ ngôn ngữ rất gần gũi với mình. Dĩ nhiên là việc viết lách sẽ chậm đi và vất vả trong nhiều năm, nhưng có cái gì mà khi quyết tâm mình không học được. Viết tiếng Đức: con đường văn chương của mình sẽ rẽ qua một lối khác. Văn chương không là thứ rẻ rúng, thứ cho không, thứ bị người đời lạm dụng bóc lột. Văn chương còn có chút hy vọng lành mạnh là nuôi được nhà văn để nhà văn đẻ ra văn chương.
Và như vậy tôi sẽ xa dần cuội nguồn của mình, xa dần những ước nguyện ái quốc thiêng liêng. Trong nỗi đau đó, sự khao khát tìm tòi cái mới vẫn cứ lớn dần.

Lưu Thủy Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét