Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Bắc Kinh cung cấp vaccine cho nhiều nơi trên thế giới – và tận dụng chuyện này.

 

Giới thiệu một bài rất chi tiết và trung lập về chính sách và hiệu quả vaccine của Trung Quốc, đăng trên “Tạp chí thương mại” của Đức.
*
💥Bắc Kinh cung cấp vaccine cho nhiều nơi trên thế giới – và tận dụng chuyện này.
04.06.2021
Đối với nhiều quốc gia, vaccine từ Cộng hòa Nhân dân là lựa chọn duy nhất trong cuộc chiến chống lại Corona. Điều này làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới - và tạo ra các mối quan hệ đối tác mới.
Bangkok, Salvador, Cape Town - Khi Trung Quốc gửi một lượng lớn vaccine đến Philippines, thì chính phủ Bắc Kinh tin tưởng rằng Tổng thống Philippines sẽ ủng hộ họ. Gần đây, một trong những thành viên nội các Philippine lên tiếng chỉ trích nặng nề các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, Rodrigo Duterte đã đích thân bảo vệ nước Cộng hòa Nhân dân: "Trung Quốc là ân nhân của chúng ta". Ông ta tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình, bất chấp sự khác biệt về quan điểm, cư xử thô lỗ với Trung Quốc là không phù hợp. Trước đó vài ngày, Duterte đã xác định rằng Philippines mắc nợ Trung Quốc – từ lòng biết ơn về sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng corona.
Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã nhận được khoảng 8 triệu liều vaccine corona - phần lớn trong số đó đến từ Trung Quốc. Philippines không phải là trường hợp duy nhất rơi vào tình cảnh này: Trong khi việc phân phối vaccine của chương trình quốc tế Covax gặp khó khăn nghiêm trọng, thì vaccine của Trung Quốc là lựa chọn duy nhất cho nhiều quốc gia mới thoát nghèo trên thế giới.
Tính đến tuần này, bên cạnh nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm, Sinovac cũng đã nhận được sự chấp thuận khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính phủ ở Bắc Kinh biết cách tận dụng nhu cầu đang cao: Với sự hỗ trợ của vaccine, họ ban thưởng cho các đồng minh cũ và tạo dựng mối quan hệ đối tác mới.
Tại Philippines, Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không yêu cầu đánh đổi bất cứ điều gì từ vaccine và Duterte cũng sẽ không từ bỏ các yêu sách lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà quan sát chắc chắn rằng Bắc Kinh muốn lạm dụng tính chính trị của trò ngoại giao tiêm chủng. Nhà nghiên cứu chính trị học Ardhitya Eduard Yeremia, giảng viên tại Đại học Indonesia ở Jakarta, cho biết quan điểm về vấn đề Philippines: “Rõ ràng có mối liên hệ giữa vaccine và tranh chấp Biển Đông“.
*
⚡️Các nước mới thoát nghèo phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc
Quê hương của Ardhitya cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc xuất khẩu vaccine của Trung Quốc: Indonesia đã nhận được số hàng hơn 90 triệu liều từ Trung Quốc - nếu không có số vaccine này, chiến dịch tiêm chủng cho đất nước với dân số 270 triệu sẽ khó rải đều.
Sự phụ thuộc dẫn đến lo ngại rằng chính quyền Bắc Kinh có thể mở rộng ảnh hưởng. Ông Ardhitya đòi hỏi: “Hợp tác về tiêm chủng không được dẫn đến việc bắt một quốc gia phải im lặng, trong trường hợp cần yêu cầu Trung Quốc hành xử hợp pháp trên Biển Đông.”
Giống như nhiều quốc gia mới thoát nghèo, Indonesia có thể sẽ phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc trong một thời gian dài sắp tới - vì hầu như không có bất kỳ lựa chọn nào khác. Nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp hoặc trung bình hy vọng có được nguồn cung cấp thông qua chương trình Covax.
Tuy nhiên, theo Liên hợp quốc (LHQ), chương trình đã được lên kế hoạch chắc chắn vào cuối tháng 6 sẽ thiếu 190 triệu liều vaccine. Lý do của chuyện này là việc ngừng xuất khẩu ở Ấn Độ, quốc gia theo kế hoạch lẽ ra phải giao hàng trăm triệu liều Astra-Zeneca được sản xuất ở đó. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng corona ngày càng trầm trọng trong nước, chính phủ New Delhi tự động đưa số vaccine này vào sử dụng. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ giải quyết khoảng thiếu hụt này.
Campuchia - một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á và là đồng minh thân cận của Cộng hòa Nhân dân - đã có thể tiêm chủng cho 16% dân số ít nhất một mũi nhờ nguồn cung cấp từ Bắc Kinh. Cách đây vài tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng đã hứa với các nước ở Nam Á phụ thuộc vào Ấn Độ, sẽ cung cấp liều tiêm chủng cho họ. Bước tiến ngoại giao đã được thực hiện cùng ngày với các cuộc đàm phán về hợp tác quân sự.
Ở Nam Mỹ cũng vậy, do tiêm chủng mà sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang gia tăng. Tại Brazil, một ủy ban điều tra tại Thượng viện tiết lộ rằng, vào năm ngoái chính quyền của tổng thống Jair Bolsonaro đã không hồi đáp lại 9 điều khoản của Pfizer đối với hàng triệu liều vaccine. Cho đến hai tháng trước đây, tổng thống mới tự mình soạn thảo hợp đồng với Pfizer - nhưng điều đó có nghĩa là Brazil sẽ tuột xuống cuối bảng chờ giao hàng.
*
⚡️Hàng giao cho Brazil bị trì hoãn
Điều này đặc biệt gây khó chịu cho Bolsonaro, một người luôn xem thường dịch corona, vì hiện nay ông hầu như chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc để tạo nguồn vaccine riêng. Brazil cần các sản phẩm sơ chế từ Trung Quốc để sản xuất vaccine cho riêng họ. Bởi vì Astra-Zeneca cung cấp ít hơn mong đợi. Các cơ quan y tế thì không chấp thuận Sputnik của Nga.
Trong nhiều tháng, vì lý do ý thức hệ Bolsonaro đã ngưng hợp tác với Trung Quốc, vì cho rằng nguyên nhân gây ra đại dịch là “Comunavirus”, tức là “virus cộng sản”. Bolsonaro cho biết vào tháng 10, chính phủ của ông sẽ không bao giờ mua vaccine Coronavac từ nhà sản xuất Sinovac. Bolsonaro thậm chí còn tạm dừng quá trình đăng ký vaccine này với cơ quan thanh tra y tế bang. Con trai Bolsonaro, Eduardo, là ngoại trưởng cũng đã lên tiếng chửi rủa Trung Quốc.
Nhưng giờ đây, họ trở nên dè dặt hơn với tuyên bố của mình: vì kể từ tháng 2, Sinovac cứ luôn trì hoãn việc giao hàng để sản xuất huyết thanh ở São Paulo, mỗi khi có một người nào đó trong chính phủ lên tiếng chửi rủa Trung Quốc. Chiến dịch „tiêm chủng muộn mà nhanh“, do đó cứ bị trì hoãn.
Có 21 phần trăm người Brazil được tiêm chủng ít nhất một mũi. 80 phần trăm muốn được tiêm chủng. Với 460.000 người chết và tỷ lệ lây nhiễm cao, Brazil tiếp tục là một trong những điểm nóng của đại dịch. Các bệnh viện đang quá tải, thiếu oxy và việc xử lý khủng hoảng rất tệ hại. Và bây giờ một làn sóng thứ ba đang đe dọa đất nước. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến sự thỏa hiệp của Bolsonaro.
Đây là lý do vì sao ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở Brazil lớn hơn bao giờ hết: Bolsonaro phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc nếu ông ta muốn chống đỡ nền kinh tế đất nước.
Cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong một năm rưỡi. Thể chế chính trị của Bolsonaro có tồn tại hay không là do Bắc Kinh quyết định.
*
⚡️Trung Quốc đóng vai một cường quốc có trách nhiệm
Cùng lúc với sự chấp thuận của WHO, vẫn có những câu hỏi về tính hiệu quả của vaccine Trung Quốc được đặt ra. Chile đã tiêm phòng cho 55% dân số ít nhất một mũi. 90% tất cả các liều vaccine là của Sinovac.
Kết quả cho đến nay đáng gây thất vọng: Chile gần đây đã ghi nhận tỉ lệ Inzidenz (*) hơn 250 ca nhiễm mới / 100.000 nhân khẩu, trong vòng bảy ngày - và do đó tỷ lệ lây nhiễm tương đối cao.
Tình hình tương tự ở Uruguay. Ở đó, hơn một nửa dân số đã được tiêm chủng – hầu hết là với vaccine Sinovac. Tuy nhiên, số ca nhiễm ở đó lại rất cao: Với tỷ lệ Inzidenz trong bảy ngày là hơn 700 ca/100.000 nhân khẩu, đất nước này là một điểm nóng của corona.
Tuy nhiên, các cuộc khảo sát tại một thị trấn nhỏ của Brazil ở bang São Paulo, nơi 3/4 trong số 45.000 cư dân đã được chủng ngừa hai lần, cho phép đưa ra một kết luận khác: Ở đó, vaccine của Trung Quốc đã được chứng minh là có hiệu quả cao.
Những báo cáo về thành công như vậy có ý nghĩa quan trọng đối với chính phủ Bắc Kinh, nó mang lại tham vọng đạt được danh tiếng lâu dài thông qua ngoại giao tiêm chủng. Nước này đã sử dụng xuất khẩu để thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm – họ không giống như Hoa Kỳ, chỉ lo tích trữ vaccine cho người dân của mình.
Vở tuồng diễn ra hoàn hảo: Cho đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 320 triệu liều vaccine, nhiều hơn gấp đôi so với EU, theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ Airfinity cho thấy. Tính đến ngày 1 tháng 6, Hoa Kỳ đã gửi ít hơn 8 triệu liều vaccine cho các quốc gia khác.
*
⚡️Chú thích:
Inzidenz, tiếng Latinh incidere. Trong dịch corona, đây là tỉ lệ lây nhiễm được tính bằng số ca nhiễm mới trong ngày/100.000 nhân khẩu, được ghi nhận trong 7 ngày liên tục. Đây là con số được các chính phủ ở châu Âu áp dụng để đề ra các biện pháp chặn dịch.
Ở Đức, Inzidenz 50 thì lệnh lockdown bắt đầu được dỡ bỏ từng phần. Inzidenz 20 là chỉ số an toàn, lockdown sẽ được dỡ bỏ nhiều phần. Chỉ số Inzidenz ở Đức đang sắp giảm đến mức an toàn 20.
*
Link trên F:

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét