Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Hội thi hương

http://www.gardnerian.de/pflanzen/loewenzahn1.jpg
*
Tôi tỉnh giấc. Đêm, không có mùi của đất, không có mùi của cỏ cây, rơm rạ. Đêm, vắng tiếng côn trùng, vắng tiếng chó sủa thảng thốt đầu thôn. Đêm yên bình, thăm thẳm bất an. Những tiếng gõ lộp bộp trên khung cửa kính như nhịp mưa rào rơi xuống mái nhà tôn. Hòe đứng ngoài ban công, nụ cười đăm đắm chìm trong nửa vùng bóng tối. Tôi khẽ khàng mở cánh cửa sổ cho Hòe leo vào. Bàn tay lùa vào tóc Hòe ẩm ướt sương khuya. Nụ hôn theo gió lạnh ập đến, chìm sâu hun hút.
Hai đứa nằm sõng sượt bên nhau, ngọn lửa cuồng dại tàn dần, hiu hắt. Ánh trăng vàng vọt thấm qua lớp màn cửa màu xanh cũ kỹ đọng thành vùng xám nhạt nhòa. Tôi lắng nghe tiếng thở của Hòe, tiếng xe đêm muộn màng, cô đơn trôi trên đường. Từng mảng âm thanh lẻ loi, rạo rực khấy động màn đêm rồi lịm tắt dần nơi cuối phố.

Hòe ngồi bật dậy, phun một bãi nước bọt xuống chân giường, làu bàu bảo: "Nhạt mồm cóc chịu được". Đốm lửa gaz xanh xao trên đầu thuốc lá rọi vào bộ mặt hốc hác râu ria tua tủa, hắt xuống bộ ngực trần gầy gò. Giọng Hòe khàn đặc:
– Bọn nhà hàng kháo nhau, em đi thi hoa hậu.
– Có tên trong danh sách thí sinh rồi đấy.
– Hay nhỉ. Trúng hoa hậu thì khối tiền thưởng.
– Để dành tiền cưới nhau nhé?
– Vớ vẩn! Nghèo thế này cưới nhau làm gì. Vừa trút cả vốn vào bắt độ thằng Schalke 04. Trúng được cả mùa bóng này thì giàu to. Em có vài chục cho anh giật tạm tuần này. Tuần sau hoàn lại.
Tôi dúi đám áo quần bèo nhèo, bê bết dầu mỡ nhà hàng vào tay Hòe.
– Về nhanh đi, kẻo nhỡ chuyến tàu cuối. Leo xuống cẩn thận đấy.
Trong bóng tối lặng thinh, tôi nằm thao thức. Mùi thuốc lá của Hòe vất vưởng trong gian phòng. Tiếng ngáy ồm ồm của dượng Thorsten đột ngột vang lên đầy đe dọa, xuyên qua màn đêm mong manh, hậm hực đập vào lần cửa khóa kín. Tôi kéo chăn trùm kín đầu, co rút như con cuốn chiếu, lùi mãi, lùi mãi vào góc tường. Chiếc giường lạnh lẽo. Gian phòng trống trải chông chênh. Mẹ làm ca đêm tuần này vẫn chưa về. Bao giờ mẹ về, sẽ có tiếng ho xù xụ lẫn vào tiếng ổ khóa xoay lọc cọc. Chuyến xe Bus đầu tiên của buổi sớm lạo xạo chuyển bánh trên đường. Ánh ban mai tím nhợt nhạt ngoài hiên.

*
Trong phòng thay quần áo, một đám con gái hớ hênh xô vào nhau cười nghiêng ngả.
– Cái vòng xoay ấy là thế nào, chúng mày?
– Xem kỹ nhé. Bước, một, hai, ba... Xoay. Chân chéo thế này. Ngực ưỡn lên.
– Ôi giời! Người cứng đơ như đi gánh phân thế kia.
– Con nhà quê này thối lắm! Đi thi hoa hậu mà đầu nó vẫn nghĩ đến chuyện gánh phân.
Con bé Điệp im lặng mang giày, vội vã quàng túi áo quần đi ra cửa. Tôi đuổi theo nó. Chiếc mercedes bóng loáng của chị Hoàng Anh bệ vệ đậu bên đường. Nắng chiều vàng ngợp. Ngày hè phương Bắc dài thênh thang. Tôi chia với Điệp đoạn đường dài trải đá dẫn ra bến tàu. Đôi chân dài của nó sải nhanh những bước mềm mại. Hai bím tóc dày, đen thẫm, đong đưa. Một đám con trai tóc vàng hái táo bên vườn, huýt sáo khe khẽ. Tôi với Điệp cúi đầu cười vu vơ.
– Sao hôm nay Điệp không mặc áo dài diễn thử?
– Em bận đi làm suốt, chưa tìm ra áo. Tiệm thuê áo cưới chị Vi, có một cái áo mặc vừa nhưng tay hơi ngắn, lại cũng hơi... hơi cũ.
– Đưa sang chị chữa hộ cho. Tay ngắn thì nối ren xòe vào, đẹp lắm đấy. Áo cũ, để chị giặt, kết hoa mới lại.
– Chị chữa cho em được à?
Con bé dừng hẳn lại, tròn xoe mắt nhìn. Đôi mắt thơ trẻ trong xanh như hồ thu. Nụ cười ngập ngừng của nó hé nở một lúm đồng tiền bên trái. Tôi âu yếm bảo:
– Chiều mai đưa áo sang nhà hàng cho chị.
– Thế chị đã thấy áo dài của chị Hoàng Anh chưa?
– Áo đỏ khi chiều à? Đẹp nhỉ.
– Không, áo kim tuyến cơ. Lấp lánh như giát bạc ấy. Chị ấy về Việt Nam, vào tận Sài Gòn đặt may. Vừa thin thít.
– Mặc kệ chị ấy. Họ là con quan quyền. Mình so thế nào được. Điệp này, em đừng kể ai việc mượn giấy tờ, khai gian tuổi nhé. Đừng tin ai cả. Bây giờ thì còn bạn bè đấy, khi ra thi thì lại giết lẫn nhau.
Con bé cúi đầu, chân dẫm lên đám bồ công anh lúp xúp trong kẽ đá. Bàn tay bứt rứt xoắn vào nhau, những chiếc ngón trắng bệt. Đôi mắt trong trẻo của nó kéo mờ mịt làn nước.
– Em sợ lắm. Mẹ ở quê ốm nặng, em cần tiền nên phải đâm liều. Giá mà em được một phần sung sướng của chị Hoàng Anh, thì đã chẳng phải đi thi. Chị ấy sung sướng thế kia, gia đình quyền quý giàu có, được học hành tử tế. Nhảy vào tranh miếng ăn với bọn nghèo khổ chúng mình làm gì?

*
Mẹ tập bới tóc cho tôi. Chiếc lược kéo đi, kéo lại trên tóc. Cái kẹp tăm trượt tới, trượt lui, đâm cả vào da đầu. Bàn tay thô kệch của mẹ quen lau chùi dầu máy, dọn rửa nhà vệ sinh cứ lúng túng với những việc nhỏ nhặt. Tôi ngồi yên, để mẹ nghịch tóc mình, nhột nhạt, hạnh phúc muộn màng. Mẹ thủ thỉ:
– Chỉ cần bước lên sân khấu là đã có giá rồi, con ạ. Đánh tiếng lên thì lắm mối mà chọn. Con sang đây đã gần một năm rồi, chẳng nhẽ đi rửa chén nhà hàng mãi, lem nhem với bọn làm công kia lại phí cả nhan sắc.
Mẹ có biết không nhỉ? Mẹ có biết gì về Hòe, biết gì về cuộc sống trong nhà, khi mẹ cứ phải làm ca đêm mãi. Mẹ là đàn bà chắc phải có linh cảm. Mẹ muốn tôi đi, ra khỏi ngôi nhà này. Tuổi thơ của tôi đã phải thiếu vắng mẹ, đến bây giờ mới có được một năm gần gũi. Nhưng là một năm sống trong sợ hãi, tuyệt vọng, không lối thoát. Tối qua, dượng Thorsten xông được vào phòng. Tôi phải đập nát cả lọ hoa vào mặt dượng. Dù gì, dượng cũng là chồng mẹ.
– Mẹ, chiều nay con có gọi điện về cho bố.
Chiếc lược dừng lại trên tóc. Bàn tay mẹ trĩu nặng trên vai.
– Bố nói gì?
– Bố hỏi, con sống thế nào, mẹ đã đỡ ho chưa.
Mẹ lặng im, tưởng như đổ cả thân mình vào thành ghế. Đã bao nhiêu năm rồi, tại sao bố mẹ vẫn còn khổ sở khi nhắc đến nhau. Mẹ bỏ bố lấy Tây, để ở lại Đức, hối lỗi đã đành. Sao bố cũng còn day dứt mãi. Tôi mặc tấm áo dài mới chữa lại, cho mẹ xem. Bàn tay thô ráp của mẹ xoa xuýt những đường may, vuốt ve làn áo mỏng. Mẹ chậm nước mắt, cười sung sướng, tự hào:
– Bọn con gái Việt Nam trước sau đều lép như cá khô, chẳng đứa nào được như con. Như thế này bước lên sân khấu thì cả đám đàn ông kia, chúng nó rồ lên.

*
Trời tháng tám trong vắt không gợn bóng mây. Ánh mặt trời đổ lửa xuống con đường mù bụi. Tấm bảng carton đặt trên mặt đất lúp xúp cỏ, nhòe nhoẹt hàng chữ đỏ "Miss Vietnam". Sân khấu thô sơ dựng vội, chênh vênh giữa đám người hỗn độn. Tiếng la hét nhốn nháo, mùi rượu bia bay vào tận lều. Một đám con gái vận áo dài đứng ngồi hoang mang, cố chịu đựng hơi nóng đặc sệt giam hãm dưới lớp vải lều bịt bùng. Những bài diễn văn tán dương, ca tụng vẫn dài lê thê không dứt. Mấy đứa mệt nhoài, hốc hác nhìn nhau ngớ ngẩn.
Đám nhạc công túm tụm nơi cửa lều vừa được gọi lên sân khấu, tiếng nhạc đã nổi lên dồn dập, kích động. Người ta hối hả đưa chúng tôi bước ra sàn diễn. Những tà áo dài muôn sắc, ẻo lả tung bay giữa trời Âu. Con gái Việt Nam thon thả, dịu dàng. Hương phấn son nồng nàn. Mùi rượu bia nồng nặc. Đám đông bên dưới hét hò xô đẩy nhau, tràn sát vào khu vực trình diễn. Mấy gã trật tự người Đức to lớn dang tay dùng sức mạnh đẩy dạt bọn đàn ông Việt Nam nhỏ bé còi cọc về phía sau. Tiếng quát nạt miệt thị vang lên hậm hực dưới bầu không khí nóng hổi. Trên những hàng ghế danh dự, quý ông da trắng, quý khách đại gia, quý ngài cán bộ ngoại giao nụ cười nhễ nhại mồ hôi. Bọn tôi bốc hơi, lảo lảo bám vào nhau quay trở về lều.
Con bé Điệp ngồi khóc sụt sịt ở góc. Tôi thay vội vàng tấm áo dài, chuẩn bị cho vòng trình diễn thứ nhì. Bộ bikini chỉ vừa đủ che hai chỗ cần thiết lại thích hợp với cái nóng mùa hè hừng hực. Mẹ đã tan ca chưa? Sao mẹ vẫn chưa đến? Điệp khóc sụt sịt mãi, nó ngồi co rúm ở góc, cánh tay vòng che phía trước. Dường như nó lạnh.
– Em sao thế? – Tôi hỏi.
– Cái sẹo... không giấu được – Điệp khóc òa.
– Sẹo nào?
– Đây này, dạo em chăn trâu ngã ở bờ ao, cái cọc tre đâm suýt thủng ruột.
Tôi lôi nó đứng dậy. Chiếc quần bé tẹo kéo vừa ngang đến vết sẹo. Một vệt dài bóng loáng, ửng đỏ trên lớp da trẻ con mịn màng của nó. Tôi gỡ mảnh hoa giấy in số báo danh, cài lên cạp quần con bé. Mảnh giấy che vừa vặn vết sẹo. Cái Điệp thôi khóc. Nó nhón gót bước đi, xoay vòng. Vết cắt đỏ nằm ngoan ngoãn im lặng sau lớp giấy. Nó ngập ngừng cười, bỗng rồi nhăn mặt.
– Việc gì nữa?
– Đau chân quá.
Đôi giày giả da, rẻ tiền, khô cứng của nó cứa đỏ cả gót chân. Thân thể mảnh mai khẳng khiu của Điệp chao đảo trên gót giày cao.
– Khổ quá. Cố lên! Không nghĩ đến cái chân đau nữa. Rõ chưa?
– Rõ ạ – Điệp mếu máo.
Chị Hoàng Anh ngồi ngay ngắn trên ghế tựa. Mẹ chị tay quạt lăng xăng, tay líu ríu chậm cho con lớp mồ hôi đang xuyên qua làn kem bôi mặt dày đặc. Chị Hoàng Anh dịu dàng gọi với qua:
– Điệp sang đây nào. Chị thoa lại son môi cho em nhé.
Mẹ chị Hoàng Anh cau mặt, làu bàu khó chịu. Giọng chị Hoàng Anh êm ái:
– Cười tươi lên chứ. Đấy, cười thế là ăn đứt các chị rồi. Không ngờ họ tổ chức luộm thuộm quá. Lẽ ra phải có hội trường, sân khấu, đèn đêm hẳn hoi. Trời nắng chang chang, nhốn nháo thế này mà phải khoe da thịt ra, sợ lắm.
Ở góc bên, chị nào thét lên lanh lảnh rùng rợn:
– Ôi giời ơi, mấy thằng nhòm trộm.
Cái lỗ vạch ra trên vách lều vải to bằng quả cam. Mấy đôi mắt đàn ông loang loáng. Tiếng cười khằng khặc hoang dã. Cả bọn con gái hoảng loạn xô dúi vào nhau. Mấy bà mẹ bên ngoài nghe động cũng xông cả vào lều tru tréo. "Bảo vệ đâu? Bắt bọn kẻ cướp, bọn nhòm trộm. Ôi, con ơi". Bảo vệ chẳng đến. Tiếng đàn ông xì xồ xa dần. Con bé Điệp ngồi chết cứng, mặt nó tái nhợt như xác chết. Chị Hoàng Anh run rẩy thì thào:
– Bọn ngoại quốc. Chắc là bọn đàn ông Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếng nhạc bên ngoài trổi lên du dương, xao xuyến. "Đất nước tôi thon thả giọt đàn... nghe dịu nỗi đau của mẹ...". Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Sao mẹ vẫn chưa đến? Ban tổ chức trịnh trọng tuyên bố, vòng thi áo tắm bắt đầu. Cái Điệp gần như ngã khuỵ xuống đất. Nó lải nhải mê rồ:
– Em hãi lắm. Em bỏ cuộc thôi.
Tôi cắn môi, xốc nách nó lôi ra cửa lều, nghiến răng quát vào tai con nỡm:
– Không vớ vẩn nữa. Tiền thưởng trong tay em đấy. Vòng áo dài là em nhất rồi. Tiền thưởng đấy! Rõ chưa?
Người nó trĩu nặng trên tay tôi.
– Em hãi lắm. Cả đời em chưa cởi áo quần đứng trước đàn ông bao giờ.
– Cứ xem như không có ai cả. Đừng nhìn vào họ. Nhìn chếch lên ngọn cây kia, bầu trời xanh kia. Cũng không nghĩ đến họ. Nghĩ đến cái gì đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất.
– Thế thì nghĩ đến cái gì?
Tôi muốn òa lên khóc.
– Nghĩ đến những ngày chăn trâu trên ruộng ấy. Đầu trâu, mắt trâu cả. Có gì mà sợ.
Tôi quàng tay ôm lấy nó. Con bé nép sát vào, người nó như ngây ngây sốt. Mạch máu tôi căng cứng, lỗ tai chỉ còn những tiếng lùng bùng. Tôi lôi Điệp qua cánh gà, đẩy nó lên sân khấu. Ánh mặt trời rọi xuống thân hình mảnh dẻ, thanh tao như cọng ngó sen trắng. Khuôn mặt vô hồn tạc bằng thạch cao, lạc lõng giữa những bộ mặt đỏ au, ngây độn. Nó không cười. Bờ môi khẽ run rẩy.
Đôi chân dài tuyệt đẹp xoay một vòng chuẩn mực. Nó bước lên bục chào, bỗng rồi vấp ngã sóng soài. Bàn tay cào lên lớp cỏ. Tiếng đám đông thét lên hả hê, khoái trá:
– Ô hô, con bé này có sẹo.
– Hoa hậu sẹo. A ha.
Điệp lồm cồm bò dậy, hai bàn tay cuống cuồng che bụng. Nó lao khỏi sân khấu, xô cả vào tôi, ngã gục ở góc lều. Nó nằm co quắp im lìm. Tôi nghĩ, nó đã chết ở tuổi mười lăm. Chiếc giày đen gãy gót nằm trơ trẽn trên bãi cỏ. Người ta nhặt nhanh thứ đồ phế thải ném vào thùng rác.
Tôi cắn nát chiếc khăn tay.
Mẹ đang cố chen qua đám đông hỗn độn. Khuôn mặt mẹ nhễ nhại mồ hôi. Mái tóc rối bù xù. Tấm áo lao động bạc phếch, nhem nhuốc dầu máy. Tôi tưởng như nghe tiếng mẹ kêu nài, van vỉ: "Xin cho tôi vào. Con gái tôi đứng kia, con bé quấn khăn voan màu xanh đấy. Xin cho tôi vào với con". Gã giữ trật tự cao lớn dang tay chắn ngang trước mặt mẹ, đầu tóc vàng của hắn hung hãn lắc lư. Mẹ lùi lại ôm lấy bộ ngực lép kẹp, ho khúc khắc. Trên sân khấu, người ta vừa gọi số báo danh kế tiếp. Ai đấy đẩy tôi về phía trước. Tôi kiễng chân, cuống quýt tìm ánh mắt mẹ. Đôi môi mẹ lắp bắp, chìm lấp giữa đám đông. "Cố lên con nhé. Ưỡn ngực lên nhé, con". Tôi mỉm cười với mẹ, ưỡn ngực bước lên sân khấu.
Hòe ở nơi nào trong đám đông thèm khát bên dưới. Chồng tương lai của tôi là ai trong đám đàn ông đa chủng háu mồi kia. Tôi khép mắt lại, nghĩ đến những phút giây đam mê bên Hòe. Đôi môi tôi hé mở, nồng nàn mời gọi. Tấm khăn voan màu xanh thả rơi trên lớp cỏ nhàu nát dấu chân người. Thân hình tôi bốc lửa dưới ánh mặt trời. Tôi đốt cháy tuổi mười tám của mình.
Đám đông òa vỡ dưới chân tôi.

Berlin, tháng 10. 2007 
Lưu Thuỷ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét