Phiên tòa bắt đầu vào mùa xuân. Đến hôm nay, tuyết đã phủ mù trên con đường nối từ trại giam sang khu tòa án cổ kính.
Dãy hành lang trước phòng số 210 đông nghẹt phóng viên, một bầy quạ đen nhốn nháo lao xao. Khi chúng tôi đến, những chiếc ống kính đồng loạt giương lên, xô tràn về phía trước như những họng súng đen ngòm hung hãn. Một nòng đạn khẳng khiu xuyên qua đám đông, lao thẳng đến, chĩa sát vào mặt tôi. Vụt chói lòa. Người nhân viên an ninh đưa bàn tay thô bạo gạt ngang vật cản. Những người hộ tống khác vây kín tôi, cùng tiến nhanh lên phía trước mở đường. Thần kinh tôi đông cứng như thép nguội, không một cử động, không một phản ứng, không cả một thoáng nháy mắt. Tôi, một người mù.
Trong gian phòng xử, những ngày cuối cùng, bầu không khí càng trở nên ngột ngạt, nặng nề. Cuộc đua khốc liệt giữa luật sư Mayer và công tố viên đang vào giai đoạn nước rút. Những bằng chứng buộc tội tàn độc, những đòn tấn công hiểm ác của công tố viên như tấm lưới thép bủa vây bị cáo. Lưỡi đao sắc đang hạ dần trên đoạn đầu đài. Luật sư Mayer, khuôn mặt nhợt nhạt hốc hác, xin phép chánh án cho gọi bị cáo lên bục nhân chứng.
Người ta đẩy tôi trên chiếc xe lăn lọc cọc, chậm rãi tiến ra giữa gian phòng. Tôi ngước đôi mắt mù lòa nhìn bà chánh án, nhìn bồi thẩm đoàn bó kín trong những tấm áo choàng đen. Đôi mắt họ vô cảm, trong vắt như thuỷ tinh. Những con kên kên đen lưng gù, mỏ nhọn, ngồi vắt vẻo trên cành cây khô, bình thản chờ trận đấu kết thúc.
Tôi nhìn người đồng hương duy nhất của mình có mặt trong phiên tòa. Khuôn mặt người thông dịch viên hữu thệ dửng dưng xa cách. Một người Việt trí thức bên Tây liệu có được bao nhiêu cảm thông dành cho một người đồng hương lang bạt, cố cùng miền Đông. Anh ta đến đây chỉ để hoàn tất công việc thông dịch của mình – vì tiền. Nhưng tôi vẫn nhìn anh ta, để còn nhớ đến màu da của mình, nguồn gốc của mình, những điều tưởng đã mờ nhạt dần trong thân phận của kẻ tội đồ trước vành móng ngựa. Đừng buông xuôi. Đừng buông xuôi, còn có một miền quê xa hút, còn có yêu thương chờ đợi.
Linh mục Paolini ngồi bên dưới, thả dòng tư tưởng bay lơ lửng ở một nơi nào trên đất Chúa. Ông ấy vừa làm lễ cưới cho tôi sáng nay, trước khi phiên tòa chấm dứt phần biện hộ.
Xin Chúa lòng lành cứu vớt những linh hồn tội lỗi.
Tôi là con chiên ghẻ vừa được đưa vào gặm cỏ trên cánh đồng màu mỡ của Chúa. Linh mục Paolini vẫn cả quyết, chính bàn tay nhân từ của bề trên đã đưa tôi đi qua vùng lửa đỏ.
Lửa.
Lửa cháy lan tràn trên dãy nhà kho đổ nát.
Tôi nằm lả giữa vùng khói mù, thân thể nát nhừ tê liệt. Gã con trai tóc vàng nằm bên cạnh, khuôn mặt nó trở nên hiền hòa, thanh thản. Hồn nó hẳn đã thoát ra được bên ngoài vùng lửa, thoát ra khỏi thân xác bị giam hãm trong thế giới chứa đầy lòng hận thù. Thanh xà gỗ nghiến răng rắc đổ ập trên lối cửa ra. Tàn lửa bốc cao, điên loạn vây hãm bốn bề. Đôi cùi chỏ rách nát tuyệt vọng cố đẩy tôi nhích dần quanh tìm đường sống. Lớp tuyết dày trên mái nhà bắt đầu tan, từng mảng băng trôi tuột về hai bên. Nước nhỏ xuống nền rỉ rả. Khói đen tỏa những cụm mù mịt, cay xé khí quản. Tôi chúi mũi trên lớp đất ẩm, khó nhọc tìm làn không khí mong manh bên dưới, chỉ sợ mình ngất đi lúc này, một giây là mãi mãi. Cái chết đang đến gần, nó như kẻ đòi nợ bám theo cuộc đời tôi dai dẳng. Những hình ảnh yêu thương đã nhạt nhòa dần trong tâm trí. Những lời nguyền rủa số phận, oán hận Đất - Trời cũng đã buông xuôi.
Trong lớp khói mù, xuyên qua dòng nước đổ từ mái, một chiếc bóng đen cao lớn lưng còng hiện ra, ôm choàng lấy tôi. Tiếng người thảng thốt kêu cầu tên Chúa. Lửa bám khét trên tà áo chùng đen. Ánh mắt tôi rơi lần cuối trên chiếc thánh giá sáng bạc. Ngả đầu vào vùng sáng yên linh, tôi ngất đi trong vòng tay xa lạ của Đức Chúa Trời.
Tiếng xôn xao của những người dập lửa chập chờn gọi tôi tỉnh dậy. Bàn tay dịu dàng của một người đàn bà đang rưới lên đôi môi cháy bỏng nứt nẻ của tôi những giọt nước mát ngọt. Đôi mắt tôi đau buốt khôn cùng, thế giới chìm trong một vùng không gian tối đen bất tận. Tôi đưa bàn tay tê dại cứng ngắt sờ lên mặt mình, sờ lên khuôn mặt người đàn bà. Đôi mắt bà ấy đẫm nước. Trong cơn mơ, tôi thì thào mê muội: "Tôi phải đi. Tôi phải đi thôi...", rồi lại thiếp đi trong tiếng rúc văng vẳng của xe cứu thương.
Đôi mắt của tôi. Tối đen mờ mịt.
... Màu xanh...
Êm ả lẻ loi trong căn phòng xử án bịt bùng màu đen, vẫn mong manh một khoảng trời xanh hy vọng. Bertha Hermes trong tấm áo cưới giản dị màu xanh, vòng hoa cúc trắng, lặng lẽ ngồi bên linh mục Paolini. Người đàn bà xấu xí, thô kệch mang trái tim đẹp đẽ, nhân từ của một thiên thần. Tôi dịu dàng nhìn Bertha. Trong giây phút này, tôi thầm hứa, sẽ cố gắng mang hạnh phúc đến cho người đàn bà ấy. Hạnh phúc cho đến ngày Bertha hiểu được sự thật.
Bertha không hề hỏi, từ đâu, tại sao tôi trôi dạt về sống lẩn lút ở góc làng hẻo lánh này. Những ngày không tìm được việc ở thành phố, tôi thường ở lại làng giúp việc cho Bertha – như chút tình của kẻ tứ cố vô thân được tá túc trên lãnh địa nhà Hermes. Cả cánh rừng sồi bao la, khu nhà kho đổ nát, nơi tôi sống chui rúc, đều thuộc về bà ấy. Dãy hàng rào gỗ chạy dài vây hãm khuôn viên của dòng họ Hermes. Ngôi nhà màu xám âm u, khép kín. Cánh cửa gỗ sồi cũ kỹ, giam giữ một tâm hồn cô đơn. Một ngày, tôi bước qua cánh cửa nặng nề kia, bước qua hàng rào thành kiến trói buộc tình người, tìm thấy chiếc bóng ảm đạm mòn mỏi trong ngôi nhà phủ bóng chiều.
Đống gỗ vừa bào láng nằm chất đống bên hè. Mùi nhựa thơm hăng hắc. Từng lát dăm bào cuộn tròn rơi lả tả xuống chân tôi, vàng óng màu mật. Bertha đến từ bao giờ như chiếc bóng, âm thầm ngồi bên bờ cỏ, nghe tôi nhẩn nha hát theo nhịp bào đưa xoàn xoạt trên thân gỗ.
- Những lời hát ấy có nghĩa gì?
- Nó nói về cuộc đời của tôi.
- Âm điệu buồn bã quá – Bertha lặng lẽ thở dài.
Hoàng hôn về trên cánh rừng lá đỏ, những tàn cây sồi đan xiết vào nhau, thẫm dần, hoang tối. Con đường đất mịt mùng cỏ lá nhập nhoạng chìm hút dưới bóng chiều. Trong gian nhà bếp ấm áp của Bertha, tôi cúi đầu chậm rãi húp từng muỗng súp đậu, nghe hơi ấm lan tỏa vào lòng. Bertha đến ngồi bên tôi, mùi xà phòng thơm thoang thoảng. Chợt thấy ngậm ngùi, đã bao lâu rồi tôi mới lại được một bàn tay phụ nữ nấu cho bữa ăn, một người đàn bà ngồi bên mình trong một buổi chiều thanh thản. Dòng đời cuồng nộ đã cuốn tôi đi mãi – xa mãi những gì êm đềm thân yêu.
- Đêm nay anh cứ ở lại bên này, đừng về bên nhà kho lạnh lẽo lắm.
Bộ ngực đồ sộ của người đàn bà góa cô đơn phập phồng sau lần áo mỏng.
Lời thì thầm của Bertha thoang thoảng bên tai. Tôi lắng nghe những tiếng động mơ hồ từ xa vọng lại. Bắp cơ tôi căng ra như cánh cung kéo lút đầu tên. Tiếng chân bước. Tiếng lá xào xạc ngoài bờ rào xa. Bàn tay tôi nắm chặt cán dao cắt bánh mì, lưỡi dao nghiến vằn trên mép bàn gỗ. Bên khung lò sưởi cháy tí tách, con chó Axel khẽ nhấc đầu, nhúc nhích một vành tai, cánh mũi nó phập phồng giây lát. Tôi biết, bọn họ lại đến. Con Axel im lìm vùi đầu về vùng hơi ấm cũ, biếng nhác khép dần đôi mắt. Bọn bên ngoài hẳn là những người quen biết với con chó. Căn phòng vẫn ấm nồng mùi nhựa thông. Bertha thanh thản tựa đầu lên vai tôi. Con mèo Miusa ngoan ngoãn nằm cuộn tròn trong lòng chủ. Những tiếng động mong manh ấy thoắt xa dần, chìm khuất trong gió rừng sồi, cướp theo một buổi chiều êm đềm lẻ loi. Tôi vẫn ngồi im, cố cưỡng lại ham muốn liều lĩnh, chạy đuổi theo những bước chân vô hình kia. Để một lần – mặt đối mặt.
Đêm về rét buốt trên dãy nhà kho. Gió bão đập điên cuồng vào khung kính vỡ, xuyên qua những lần giấy carton đóng chằng chịt trên tường. Tôi tỉnh dậy trong góc nhà lạnh giá, lóng cóng nhóm lại vòm lò sưởi đã tắt ngấm từ khi nào. Trong bóng đêm, tôi ngồi bất động nhìn ánh lửa hắt hiu mòn mỏi giữa đám gạch vỡ, xốn xang khát khao hơi ấm, khát khao một ngày bình yên... Tôi ngồi mãi như thế trong bóng tối của những đêm mùa đông phiêu bạt trên đất người. Bài hát năm xưa bỗng đâu miên man vọng về, nghe cuộc đời mình trôi tuột theo mưa giông.
Làng Buchen!
Những kẻ chủ mưu của làng Buchen đang ngồi bên dưới.
Tôi bắt gặp trong đám cử tọa những khuôn mặt lầm lì bí hiểm của rừng sồi. Họ ngồi bên dưới, âm thầm theo dõi phần cuối của phiên tòa, cũng như đã từng âm thầm dung dưỡng những toan tính tội ác của bọn khủng bố trong làng.
Bọn chúng đứng đó, trên hàng ghế bị can, những kẻ khủng bố người ngoại quốc. Năm đứa con trai tóc vàng vừa bước vào tuổi mười tám, lạc lõng bên nhau, cúi gằm mặt trong hoang mang, sợ hãi. Đứa đầu lĩnh giờ nằm nơi nào dưới lớp đất đen, lòng cũng đã thôi hận thù. Tôi điềm tĩnh nhìn bọn chúng, những đôi mắt kia đóng đinh trên sàn gỗ không ngước lên một lần. Giờ đây, dưới ánh sáng ban ngày, con người đối mặt với con người, chúng sợ hãi cả một gã mù lòa, tàn tật. Đó chỉ là những quân cờ thí của làng, những kẻ tội đồ ở tuổi vị thành niên mà luật pháp không thể đánh thẳng tay. Tôi biết, bọn người đêm hôm ấy đông hơn, tàn nhẫn hơn. Họ – bọn họ đang ngồi bình yên bên dưới, bọc kín trong sự câm lặng đồng lõa của dân làng.
Chiều mùa đông, Bertha Hermes đợi tôi ở nhà ga. Chuyến tàu từ thành phố về làng đem theo tôi cùng sự mệt mỏi kiệt quệ sau một ngày bốc hàng thuê. Bertha hoảng loạn dúi vào tay tôi gói hành lý nhỏ, run rẩy thì thào:
- Linh mục Paolini bảo, đêm nay anh phải đi ngay ra khỏi làng. Đừng bao giờ quay lại nữa. Đừng bao giờ. Ôi lạy Chúa! Anh hãy đi đi.
Tôi ôm lấy Bertha, lòng nguyền rủa những cuộc chia ly, cay đắng hiểu rằng, những gì êm đềm vừa có đã lại vuột khỏi tầm tay. Bà ấy khóc nghẹn trong tay tôi. Cuộc khủng bố săn đuổi sắp đến hồi kết thúc. Linh mục Paolini biết, Bertha biết, tất cả người làng Buchen đều biết. Tôi bước lên tàu, nhìn ra bên ngoài, tuyết đổ dồn trắng mù mịt che lấp nghìn trùng. Tôi không thể quay lại thành phố, nơi đó dấu vết của tôi vương vãi. Những người đồng hương sẽ lại tìm đến, đòi lại món nợ xưa. Tôi cũng không còn một nơi nào để đi về. Không nhà cửa, không người thân thích, không giấy tờ, không tên, không tuổi.
... Màu xanh...
Êm ả lẻ loi trong căn phòng xử án bịt bùng màu đen, vẫn mong manh một khoảng trời xanh hy vọng. Bertha Hermes trong tấm áo cưới giản dị màu xanh, vòng hoa cúc trắng, lặng lẽ ngồi bên linh mục Paolini. Người đàn bà xấu xí, thô kệch mang trái tim đẹp đẽ, nhân từ của một thiên thần. Tôi dịu dàng nhìn Bertha. Trong giây phút này, tôi thầm hứa, sẽ cố gắng mang hạnh phúc đến cho người đàn bà ấy. Hạnh phúc cho đến ngày Bertha hiểu được sự thật.
Bertha không hề hỏi, từ đâu, tại sao tôi trôi dạt về sống lẩn lút ở góc làng hẻo lánh này. Những ngày không tìm được việc ở thành phố, tôi thường ở lại làng giúp việc cho Bertha – như chút tình của kẻ tứ cố vô thân được tá túc trên lãnh địa nhà Hermes. Cả cánh rừng sồi bao la, khu nhà kho đổ nát, nơi tôi sống chui rúc, đều thuộc về bà ấy. Dãy hàng rào gỗ chạy dài vây hãm khuôn viên của dòng họ Hermes. Ngôi nhà màu xám âm u, khép kín. Cánh cửa gỗ sồi cũ kỹ, giam giữ một tâm hồn cô đơn. Một ngày, tôi bước qua cánh cửa nặng nề kia, bước qua hàng rào thành kiến trói buộc tình người, tìm thấy chiếc bóng ảm đạm mòn mỏi trong ngôi nhà phủ bóng chiều.
Đống gỗ vừa bào láng nằm chất đống bên hè. Mùi nhựa thơm hăng hắc. Từng lát dăm bào cuộn tròn rơi lả tả xuống chân tôi, vàng óng màu mật. Bertha đến từ bao giờ như chiếc bóng, âm thầm ngồi bên bờ cỏ, nghe tôi nhẩn nha hát theo nhịp bào đưa xoàn xoạt trên thân gỗ.
- Những lời hát ấy có nghĩa gì?
- Nó nói về cuộc đời của tôi.
- Âm điệu buồn bã quá – Bertha lặng lẽ thở dài.
Hoàng hôn về trên cánh rừng lá đỏ, những tàn cây sồi đan xiết vào nhau, thẫm dần, hoang tối. Con đường đất mịt mùng cỏ lá nhập nhoạng chìm hút dưới bóng chiều. Trong gian nhà bếp ấm áp của Bertha, tôi cúi đầu chậm rãi húp từng muỗng súp đậu, nghe hơi ấm lan tỏa vào lòng. Bertha đến ngồi bên tôi, mùi xà phòng thơm thoang thoảng. Chợt thấy ngậm ngùi, đã bao lâu rồi tôi mới lại được một bàn tay phụ nữ nấu cho bữa ăn, một người đàn bà ngồi bên mình trong một buổi chiều thanh thản. Dòng đời cuồng nộ đã cuốn tôi đi mãi – xa mãi những gì êm đềm thân yêu.
- Đêm nay anh cứ ở lại bên này, đừng về bên nhà kho lạnh lẽo lắm.
Bộ ngực đồ sộ của người đàn bà góa cô đơn phập phồng sau lần áo mỏng.
Lời thì thầm của Bertha thoang thoảng bên tai. Tôi lắng nghe những tiếng động mơ hồ từ xa vọng lại. Bắp cơ tôi căng ra như cánh cung kéo lút đầu tên. Tiếng chân bước. Tiếng lá xào xạc ngoài bờ rào xa. Bàn tay tôi nắm chặt cán dao cắt bánh mì, lưỡi dao nghiến vằn trên mép bàn gỗ. Bên khung lò sưởi cháy tí tách, con chó Axel khẽ nhấc đầu, nhúc nhích một vành tai, cánh mũi nó phập phồng giây lát. Tôi biết, bọn họ lại đến. Con Axel im lìm vùi đầu về vùng hơi ấm cũ, biếng nhác khép dần đôi mắt. Bọn bên ngoài hẳn là những người quen biết với con chó. Căn phòng vẫn ấm nồng mùi nhựa thông. Bertha thanh thản tựa đầu lên vai tôi. Con mèo Miusa ngoan ngoãn nằm cuộn tròn trong lòng chủ. Những tiếng động mong manh ấy thoắt xa dần, chìm khuất trong gió rừng sồi, cướp theo một buổi chiều êm đềm lẻ loi. Tôi vẫn ngồi im, cố cưỡng lại ham muốn liều lĩnh, chạy đuổi theo những bước chân vô hình kia. Để một lần – mặt đối mặt.
Đêm về rét buốt trên dãy nhà kho. Gió bão đập điên cuồng vào khung kính vỡ, xuyên qua những lần giấy carton đóng chằng chịt trên tường. Tôi tỉnh dậy trong góc nhà lạnh giá, lóng cóng nhóm lại vòm lò sưởi đã tắt ngấm từ khi nào. Trong bóng đêm, tôi ngồi bất động nhìn ánh lửa hắt hiu mòn mỏi giữa đám gạch vỡ, xốn xang khát khao hơi ấm, khát khao một ngày bình yên... Tôi ngồi mãi như thế trong bóng tối của những đêm mùa đông phiêu bạt trên đất người. Bài hát năm xưa bỗng đâu miên man vọng về, nghe cuộc đời mình trôi tuột theo mưa giông.
Làng Buchen!
Những kẻ chủ mưu của làng Buchen đang ngồi bên dưới.
Tôi bắt gặp trong đám cử tọa những khuôn mặt lầm lì bí hiểm của rừng sồi. Họ ngồi bên dưới, âm thầm theo dõi phần cuối của phiên tòa, cũng như đã từng âm thầm dung dưỡng những toan tính tội ác của bọn khủng bố trong làng.
Bọn chúng đứng đó, trên hàng ghế bị can, những kẻ khủng bố người ngoại quốc. Năm đứa con trai tóc vàng vừa bước vào tuổi mười tám, lạc lõng bên nhau, cúi gằm mặt trong hoang mang, sợ hãi. Đứa đầu lĩnh giờ nằm nơi nào dưới lớp đất đen, lòng cũng đã thôi hận thù. Tôi điềm tĩnh nhìn bọn chúng, những đôi mắt kia đóng đinh trên sàn gỗ không ngước lên một lần. Giờ đây, dưới ánh sáng ban ngày, con người đối mặt với con người, chúng sợ hãi cả một gã mù lòa, tàn tật. Đó chỉ là những quân cờ thí của làng, những kẻ tội đồ ở tuổi vị thành niên mà luật pháp không thể đánh thẳng tay. Tôi biết, bọn người đêm hôm ấy đông hơn, tàn nhẫn hơn. Họ – bọn họ đang ngồi bình yên bên dưới, bọc kín trong sự câm lặng đồng lõa của dân làng.
Chiều mùa đông, Bertha Hermes đợi tôi ở nhà ga. Chuyến tàu từ thành phố về làng đem theo tôi cùng sự mệt mỏi kiệt quệ sau một ngày bốc hàng thuê. Bertha hoảng loạn dúi vào tay tôi gói hành lý nhỏ, run rẩy thì thào:
- Linh mục Paolini bảo, đêm nay anh phải đi ngay ra khỏi làng. Đừng bao giờ quay lại nữa. Đừng bao giờ. Ôi lạy Chúa! Anh hãy đi đi.
Tôi ôm lấy Bertha, lòng nguyền rủa những cuộc chia ly, cay đắng hiểu rằng, những gì êm đềm vừa có đã lại vuột khỏi tầm tay. Bà ấy khóc nghẹn trong tay tôi. Cuộc khủng bố săn đuổi sắp đến hồi kết thúc. Linh mục Paolini biết, Bertha biết, tất cả người làng Buchen đều biết. Tôi bước lên tàu, nhìn ra bên ngoài, tuyết đổ dồn trắng mù mịt che lấp nghìn trùng. Tôi không thể quay lại thành phố, nơi đó dấu vết của tôi vương vãi. Những người đồng hương sẽ lại tìm đến, đòi lại món nợ xưa. Tôi cũng không còn một nơi nào để đi về. Không nhà cửa, không người thân thích, không giấy tờ, không tên, không tuổi.
* |
Đêm về mịt mùng. Trong góc nhà kho ngổn ngang gạch đá, tôi ngồi co rút âm thầm chờ đợi. Sương xuống trên cánh rừng hoang, nhỏ lộp bộp từng giọt, đông thành đá, sáng lấp lánh trong đêm. Một mình tôi đơn côi, sao bỗng nhớ Tràm quay quắt, mong ước giờ phút này có nó bên mình như một người đồng đội. Tôi không là một người lính nằm bình tĩnh chờ đợi kẻ thù của mình. Tôi như con lợn độc trúng tên, bị dồn đến cùng đường, muốn chấm dứt một cuộc săn đuổi. Nó trở nên cuồng dại và liều lĩnh.
Trăng treo. Một vòng tròn lơ lửng trên cao như tấm bia trước nòng súng. Trăng dãy dụa sau lớp mây mù vây hãm. Chợt loang đỏ. Trôi vật vờ.
Giữa lúc ấy, tôi nhìn thấy chúng. Lần đầu tiên tôi nhìn tận mắt những kẻ giấu mặt săn đuổi mình. Ánh đuốc lập lòe trên con đường rừng u uất đưa đoàn người bước dần ra khỏi mù sương. Những đôi ủng đen nặng nề thô bạo dẫm lên mặt tuyết trắng. Tôi nhìn gã con trai cao lớn đi đầu, ngọn lửa soi mờ khuôn mặt trắng nhợt của nó. Linh cảm của một kẻ đã từng bao phen cận kề cái chết tàn nhẫn bảo rằng, giữa tôi và gã thủ lĩnh kia – chỉ một kẻ được quyền sống. Kẻ bạc phần chắc sẽ là tôi. Thân xác tôi rồi sẽ bị vùi lấp nơi nào trong rừng sồi, không còn ai biết đến. Linh hồn tôi rồi sẽ thành một bóng ma tha phương, vất vưởng trong ngôi làng u ám giam hãm hận thù. Tôi cắn chặt đôi môi khô khốc, rạp mình trên đám cỏ dại, âm thầm bò đi như con rắn mối trong bóng đêm. Sau tấm vách gỗ kia là tử địa.
Cánh đồng cỏ lau hướng tây cũng lập loè ánh lửa. Khoảng rừng sồi bên hướng đông lại im ắng bất thường. Trong bóng tối mù đặc, tôi trườn mình về bên đông, ngóc đầu lên đón hướng gió. Từ trong cánh rừng lặng câm, thoảng một mùi men lạ như mũi kim mong manh, run rẩy xuyên qua màn sương ẩm mục – mùi men rượu. Chiếc bẫy thô sơ đang giăng ra chờ con mồi. Con đường rút duy nhất của nó đã bị chặn đứng.
Bọn còn lại chia nhau vây kín đường vào nhà kho. Gã thủ lĩnh tiến dần đến khu nhà đổ, ném ngọn đuốc lên đống gỗ thông dưới hiên. Lửa chậm rãi bắt mồi dầu thông, nổ lách tách trong cơn khích động man rợ của bọn săn người. Tiếng đám đông hò hét lục tung những ngõ ngách. Tiếng đập phá loạn cuồng. Ánh lửa trong đêm man dại, bập bùng cháy.
Giữa lúc ấy, tôi bỗng bất ngờ nghe tiếng hát của Tràm, mênh mang như trong những đêm yên lành ngưng tiếng súng. Tràm lặng lẽ về bên tôi, sẵn sàng chia lửa như ngày nào. Không một sự lựa chọn, không một con đường rút lui. Nhưng tôi biết mình phải sống – sống hết một lời thề – sống để trả nốt món nợ cho Tràm.
Tiếng hát của Tràm đưa tôi về một miền quê xa hút. Theo ngọn gió mùa cằn cỗi thổi qua gian nhà tranh trống hoác, thổi qua cánh đồng xác xơ rơm rạ. Đất nứt toác, hừng hực xông hơi nóng, đốt cháy cây cỏ, đốt trụi cả dòng sông. Người đàn bà gầy còm còng lưng bổ cuốc. Đất tóe lửa. Lưỡi cuốc mẻ vằn. Thằng cu anh đen nhẻm ngồi bên bờ đất, hắn ôm thằng cu em, khóc sụt sịt: "Mạ ơi, em đói". Mạ hắn đưa cánh tay áo sờn rách lau khuôn mặt héo hon đã qua một thời xuân sắc. Gió Lào về rần rật đốt khô đi những giọt nước mắt, để lại trên da thịt những vết nhăn nứt nẻ bụi mù.
Mùa khô năm ấy, tôi và Tràm đào ngũ, trốn về Hà Nội bắt mối. Một đường dây chuyển hàng qua biên giới Đông Âu cần người hộ tống. Tôi với Tràm thế chấp ruộng nương, nhà cửa, sinh mạng người thân cho những kẻ xa lạ. Hai đứa lại lầm lũi lên đường, chia nhau những đêm rừng hoang lạnh, mịt mùng sương. Cảnh sát biên phòng Tiệp bắn chết Tràm. Nó ngã xuống giữa rừng, bàn tay chới với trên lớp lá thông. Lửa xuyên qua vai tôi, cày tung lá khô, xé toạc vòng thân cây trước mặt. Vỏ thông vải ra trắng xát. Tôi cắm đầu bỏ chạy. Giữa cơn mưa rừng buốt giá miền ôn đới, tôi phóng chạy trong cơn điên loạn, réo gọi Trời - Đất, kêu gào thần linh, nguyền rủa thế giới loài người. Tôi thề với lòng mình, thề với Tràm, nếu còn sống sót tôi sẽ phải thay Tràm nuôi đám con côi ăn học nên người. Tràm ở lại trên rừng biên giới. Đôi mắt nó mở trừng trừng theo mãi bước chân tôi, đôi mắt không một người thân vuốt khép.
Ánh đèn trong phòng xử án trắng xóa.
Luật sư Mayer vươn vai như con báo đen, chậm rãi đặt con chủ bài lên bàn Poker. Bộ móng vuốt giấu sau lớp nhung êm xòe ra, sắc nhọn. Trong ngày cuối cùng của vòng biện hộ, linh mục Paolini lần đầu tiên được gọi ra giữa phòng xử. Chiếc bóng đen cao lớn lưng còng gõ gót giày khoan thai trên sàn gỗ. Chiếc thánh giá bạc tỏa sáng lung linh trên tấm áo chùng. Ở nơi này, lời nói của ông sẽ phá vỡ sự im lặng, lời của ông là lời của Thiên Chúa. Chúa sẽ bảo vệ tôi, con chiên lạc loài thương tật trên chiếc xe lăn. Vòng dây gai oan nghiệt trên đầu tôi ứa máu. Đôi mắt tôi nhẫn nhục khép kín trong thế giới mù đen bất hạnh. Bờ vai tôi gập xuống, gánh chiếc thập giá nặng nề, gánh cả nỗi đau của loài người. Loài người mê muội trong lòng hận thù và phân chia.
Mặt trời sẽ ra khỏi tối tăm.
Mặt trăng sẽ trở thành máu,
trước ngày của Chúa xảy đến,
ngày trọng đại và vinh quang.
Và những người kêu cầu tên Chúa sẽ được cứu thoát.(*)
Dưới ánh đèn, khuôn mặt công tố viên nhợt nhạt như xác chết phủ tấm áo choàng trắng.
Trong ngày vinh danh Thiên Chúa, những chiếc bóng của làng Buchen lẩn khuất sau vùng âm u, hiện dần ra xám ngắt. Linh mục Paolini chậm rãi cất tiếng nói.
Trong góc tối của con tim tôi, một linh hồn gian dối, lạnh lẽo quan sát đám đông lố nhố giữa phiên tòa. Kẻ vô thần nở nụ cười đắc thắng, tán thưởng vai diễn mù loà hoàn hảo của mình. Màn kịch đã bước vào đoạn kết.
Trong một vùng ký ức yêu thương, bàn tay tôi đêm từ biệt ôm riết đôi bờ vai gầy gò. Đầu tôi vùi trên vùng ngực cằn cỗi nồng mùi cỏ dại, mặn mùi bùn đất... mùi của đêm hè vội vã chia tay. Đau đớn mãi, thêm một lần ra đi. Thằng cu anh, cu em nằm ôm nhau ngủ trên khoanh chiếu rách. Mấy cái xương sườn trơ ra theo nhịp thở, vàng vọt dưới ánh trăng. Tôi nghẹn ngào nhìn con, ao ước được hôn lên hai mái đầu khét nắng gió Lào, ôm chúng vào lòng để đừng bao giờ phải cất bước ra đi. Bên bờ ruộng khô, tôi đứng sững, nhìn lại lần cuối gian nhà tranh xiêu vẹo, mong manh trong màn đêm. Bóng vợ tôi đổ dài dưới vầng trăng khuya, chơi vơi bên hè, bờ vai gầy mòn mỏi buông xuôi. Tôi phải đi, tôi phải đi thôi.
Khi mô giấy tờ ổn định, anh sẽ đón em và các con sang.
Tràm đợi tôi bên giếng nước, dưới gốc đa đầu làng. Điếu thuốc trên môi nó cháy đỏ lập lòe, cô quạnh. Nó cũng đang đau, một nỗi đau khác. Nó không còn ai để chia tay. Vợ Tràm mất từ mùa đông năm trước, để lại bốn đứa con côi cút trên cánh đồng vàng đục váng phèn.
Tràm ơi, sau cuộc chiến ni, tau sẽ hát cho mi nghe, bài ca của bọn mình – những mảnh đời treo trên đầu súng. Nhắm mắt đi Tràm, ngủ yên.
Berlin, tháng 10. 2007
Lưu Thuỷ Hương
(*) Trích kinh Tân ước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét