Ba mạ tôi và những người đồng hương của họ không bao giờ biết được công việc thực sự của tôi sau những bức tường trắng. Họ chỉ biết tôi là bác sĩ, một bác sĩ theo nghĩa, luôn trả lời suôn sẻ những câu hỏi về bệnh xổ mũi, đau răng, táo bón…
Chỉ có Chấn biết rõ tôi là ai.
Thật lạ lùng. Một kẻ không nói được câu tiếng Đức hoàn chỉnh, không sao gọi đúng tên con đường mình ở, lại có một đống kiến thức đầy đặn về ngành pháp y. Lúc đầu những câu hỏi bất chợt của Chấn làm tôi ngạc nhiên, thú vị. Dần dà mối quan tâm của Chấn khiến tôi cảm thấy bất an và khó thở.
Chấn hẹn đến nhà đưa tôi đi chơi vào sáng chúa nhật. Như những lần hẹn hò trước, tôi ngồi trên ghế salon vừa ngáp vừa nhìn đồng hồ. Sau hơn nửa giờ chờ đợi, sự kiên nhẫn đã biến thành sự căm ghét. Tôi thẳng thừng gạch ngang cái hẹn của Chấn trên lịch làm việc. Vết chì đen đủi vào đúng ngày chúa nhật.
Ấm trà thảo mộc Tây Ban Nha, ướp vỏ cam và trái xương rồng, luôn là liều thuốc an thần xua tan sự bực tức. Dù rằng công dụng của nó chỉ nằm trong sự tưởng tượng, nhưng tôi vẫn cương quyết bắt mình tin rằng, sau hai tách trà và vài trang sách thư giãn là tôi có thể bắt đầu làm việc. Tôi vớ cuốn sách nằm lẻ loi trên kệ bếp, một cuốn thriller không nằm trong bất cứ danh sách bestseller nào. Tôi mua nó không vì thị hiếu của người khác, mà vì bức tranh bìa và những dòng chữ đầu tiên gợi lên trong lòng tôi một nỗi cô đơn bất tuyệt. Cuốn tiểu thuyết nằm từ một năm nay trên kệ bếp, bắt đầu phủ bụi dầu. Tôi luẩn quẩn mãi ở mười trang đầu và luôn lơ mơ không sao nắm bắt được những gì đã xảy ra ở đó. Những chi tiết nào nao của thế giới trong câu chuyện cứ trôi tuột đi. Cái duy nhất mà tôi tiếp nhận được là cảm giác lạnh lẽo vào một buổi sáng mù sương trên phố cảng Bắc Âu. Cảm giác đó luôn dừng lại khi bóng người đàn ông cô độc lầm lũi hiện ra bên cây cầu đóng băng, phía sau lưng anh ta là một vùng quá khứ xám mịt mùng. Hình ảnh trong trang sách đó gần gũi đến độ, tôi tưởng chừng như nghe được hơi thở dài thê lương của kẻ chạy trốn, nghe được tiếng hải âu bất chợt thảng thốt trên từng không. Gió lạnh mang theo mùi muối ẩm len qua những hàng thông cỗi, thổi vào căn nhà bếp cô quạnh. Chưa bao giờ tôi đủ sức đi cùng người đàn ông qua hết nhịp cầu. Khi quá khứ kéo anh ta về với những ký ức tội lỗi, trên từng bước chân gõ lên tấm ván cũ kỹ, thì tôi uống hết ngụm trà cuối cùng. Tôi bỏ anh ta lại bên bờ cảng Alta mù sương. Người đàn ông đó có một cây cầu để đưa qua khứ sang sông. Nhưng tôi thì không. Không có một cây cầu nào để tôi tống quá khứ của mình sang bờ bên kia rồi chặt bỏ luôn cây cầu.
Tôi gấp những trang sách đầu tiên lại để quay trở về với công việc của mình. Hình ảnh cái chết giờ đây hiện diện khắp nơi trong căn phòng bề bộn sách vở, trong đống hồ sơ giải phẫu, trong những vết thương toang hoác.
Tiếng chuông cửa vang lên lảnh lót liên hồi như xe cấp cứu, nó đột ngột kéo tôi khỏi vùng không gian xám đen bên dưới những lằn dao mổ. Đồng hồ chỉ mười hai giờ mười lăm. Chấn đến trễ hơn một giờ hai mươi lăm phút. Tôi bịt tai lại để tiếp tục công việc. Nhưng dường như Chấn biết rõ tôi đang làm gì, gã nhấn chuông thật lâu để những tiếng reng kết dính vào nhau như tiếng còi xe chữa cháy.
Ba mạ tôi vẫn thường nguyền rủa kiểu bấm chuông như vậy của những người đồng hương bên kia bức tường. Bao giờ họ cũng đến trễ và bao giờ họ cũng tấn công gia chủ bằng hàng loạt âm thanh khủng bố. "Reng reng reng reng… Mở cửa ra ngay, những nhân vật quan trọng đã đến. Reng reng reng reng…" Những nhân vật quan trọng đó luôn ý thức được rằng, tiếng chuông thô bạo và dai dẳng sẽ tạo ra một hiệu ứng đảo lộn. Khi gia chủ chuyển từ sự căm ghét này qua căm ghét khác thì họ đã quên đi cái tội trễ hẹn của kẻ bấm chuông.
Khi tôi mở cửa cho Chấn, tôi chỉ muốn bảo gã, từ nay hãy thôi đi kiểu bấm chuông nhà người điếc như vậy. Nhưng bộ dạng gã sau cánh cửa làm những lời nguyền rủa của tôi nghẹn lại trên môi. Suýt nữa tôi để rơi chìa khóa cửa.
Chấn đứng đó, trong bộ quần áo ngủ bằng lụa mỡ gà. Trên đầu gã, cái nón phớt đội lệch. Cặp mắt kính đen thui choán nửa khuôn mặt. Đôi giày da nâu ló ra sau lai quần lụng thụng, dài như hai lỗ tai lừa. Tôi bỗng nghĩ đến hai đứa con gái nhà hàng xóm. Nếu chúng nhìn thấy Chấn trong bộ dạng kỳ quặc này, chúng sẽ tưởng nhà tôi mở pyjama party. Chấn cười toe toét, đưa tay lên mắt giả làm động tác chụp hình. Tôi lúng túng nhìn lại mình trong gương: quần jean xanh, áo thun hoa tím, hoàn toàn bình thường. Chấn lợi dụng tình thế bị động của chủ nhà, nhanh nhẹn lách qua cửa. Bó hoa hồng nhung khổng lồ gã bất ngờ dúi vào tay tôi, đẩy sự ngạc nhiên rơi tòm xuống giếng đen.
"Hoa hồng tình yêu cho những người đang yêu."
"?"
Chấn loay hoay cởi giày, cẩn thận vuốt lại lớp quần lụa mỏng.
"Anh bảo họ bó loại đắt tiền nhất đấy. Người đẹp như em phải tặng bó hoa hoành tráng thế mới xứng."
Hoành tráng. Sắc đẹp thì có liên quan gì đến sự hoành tráng. Tôi luôn bất lực trước hàng đống ngôn từ lạ lẫm của Chấn. Tiếng mẹ đẻ của tôi chỉ gồm những từ căn bản, đủ để chuyện trò với ba mạ, đủ để tư vấn y khoa cho quý đồng hương. Sau giây phút choáng váng vì ngôn ngữ hoành tráng, tôi lại phải nặn óc để tìm ra một cái bình hoa xứng đáng với tầm cỡ của bó hoa. Căn phòng độc thân của tôi không có vật dụng nào to lớn, từ nồi niêu cho đến thau chậu. Tôi loay hoay hơn mười phút, cuối cùng chỉ tìm được cái thùng rác bằng nhựa màu xanh chói chang đựng giấy thải. Thùng rác này mạ mua giùm ở chợ Aldi, giá bốn euro. Tôi miễn cưỡng mang nó về nhà, chỉ để cho mạ vui lòng. Nó nằm lẫn trong đám đồ đạc màu trắng của phòng làm việc, cần mẫn làm nhiệm vụ của mình và cố gắng không gây sự chú ý. Bây giờ nó bị lôi ra làm chuyện khác, một chuyện trái với chuyên ngành xử lý rác thải. Nó liền chưng bộ mặt xanh lè giận dữ ra bên cạnh đám hoa hồng đỏ chói. Sự kết hợp tiêu trừ nghệ thuật này làm tôi thấy xấu hổ hơn là thất vọng. Cũng may là Chấn chẳng quan tâm đến chuyện màu sắc hay nghệ thuật. Gã ngồi dựa ngửa trên salon, khoan khoái quan sát mọi góc cạnh của căn phòng. Người vô tâm như gã sẽ chẳng phân biệt được cái bình hoa với cái thùng rác. Tôi rủa thầm.
Đây là lần thứ năm Chấn tặng tôi hoa hồng. Bao giờ cũng là những đóa hồng loại thượng hạng, to khỏe và rực rỡ. Tôi treo chúng lên tường bếp để làm hoa khô. Nhưng kiểu trang trí này cứ tạo cảm giác tàn nhẫn, nó tước đi của tôi sự bình an trong căn phòng vốn đã lạnh lẽo. Tôi buộc phải gỡ bó hoa chết treo trên tường xuống sau một tuần, khi nỗi day dứt đã sẫm màu và khô cứng. Cái thùng rác màu xanh kệch cỡm này không ngờ lại là một cách giải thoát. Sau mười phút được chùi rửa sạch sẽ, nó giúp tôi nhận quà của Chấn mà không đau khổ. Tôi không muốn nghĩ rằng, nếu mối quan hệ với Chấn kéo dài thêm, tôi cần phải mua một bình hoa thật lớn. Chuyện hoa hoè này sẽ kết thúc một ngày nào đó. Đàn ông Việt Nam không có thói quen chiều chuộng phụ nữ và họ cũng không có đủ kiên nhẫn để đóng một vở kịch quá lâu. Tôi nói như hạ màn:
"Lần sau anh khỏi đi mua hoa cho mất thời gian. Cứ đến đúng hẹn là được rồi."
"Tiệm hoa ngay đầu đường chứ có xa xăm gì. Họ chỉ còn có mười bốn đóa. Anh lấy tất. Lẽ ra anh định mua cho em những năm mươi đóa."
Trời hỡi, sao lại năm mươi. Tôi đâu đã già như vậy.
"Nhưng anh biết, em không thích hoa hồng, nhất là hoa hồng đỏ."
Chấn cười cười thật dễ ghét:
"Vậy mà anh thấy em lại chịu khó bận rộn với cái thứ mà em không thích, và chịu khó tìm cách giải quyết cái vấn đề không thích."
Tôi há miệng nhìn cái thùng rác, ngượng nghịu nói:
"Lẽ ra anh chỉ cần tặng em một đoá hoa là đủ."
Chấn hiểu sai ý tôi, ánh mắt gã ấm lại trên khuôn mặt góc cạnh. Tôi vẫn bực dọc không biết phải tiếp tục phân bua ra sao cho phải phép lịch sự, chẳng lẽ hứa với Chấn, ngày mai chạy đi mua một cái bình hoa thật lớn. Ngày mai tôi làm việc tới mười giờ tối. Ngày mốt cũng vậy. Ngày kia cũng vậy. Cả tuần sau cũng vậy. Cả tháng sau cũng vậy. Tôi chỉ trở về nhà khi chợ búa đã đóng cửa.
Tôi đứng tựa lên mép bàn, khi cảm xúc buồn tủi qua đi, tôi mới nhận ra, ánh mắt Chấn từ bao giờ bao phủ khuôn mặt mình. Lẽ ra, phải gầm gừ với Chấn thêm vài câu, nhưng tôi thấy mình mệt mỏi và yếu đuối. Ừ, thì chỉ có một ngày chúa nhật để nghỉ ngơi, lại mất hơn hai mươi phút vì bó hoa và cái thùng rác. Tôi đứng im, để mặc cho ánh mắt Chấn tìm tòi vuốt ve.
Ừ, thì Chấn có cặp mắt đen thẫm và khuôn mặt kiểu Á Châu rất đẹp. Gã nhìn tôi cười, bất chợt tôi cũng cười đáp lại. Nụ cười của Chấn rất điệu đàng, hao hao như nụ cười của mấy nam tài tử Hồng Kông hay Hàn Quốc gì đó. Những khuôn mặt hay xuất hiện trên màn ảnh DVD nhà mạ, tôi cố nghĩ như vậy. Mép môi bên trái của Chấn hơi trễ xuống mang một chút mỉa mai giễu cợt rất điện ảnh. Mà tôi thì không thích ai đóng phim giễu cợt mình.
Chấn tiến về phía tôi. Ánh mắt gã không còn bông lơn mà mang cả một miền nắng ấm hoang trải. Không, nhất định là tôi đang quá mệt mỏi với công việc. Cả buổi tối hôm qua tôi trằn trọc trong những giấc mơ quái đản. Tôi mơ thấy một người đàn ông không rõ mặt, gã cầm dao cắt cà chua đuổi theo tôi qua những đoạn bờ sông tối thăm thẳm. Tôi mơ thấy Chấn gục chết trên xe đua, thân thể cháy đen. Không, Chấn rất ma mãnh với phụ nữ. Gã đứng trước mặt tôi, đặt tay lên eo tôi, chậm rãi kéo thân mình tôi áp sát vào thân mình gã. Sự gần gũi khít khao như muốn chia sẻ lấp đầy, như mời gọi tôi trở về với thực tại. Tôi chớp mắt tự nhủ, chỉ cần tôi thả tay ra là thế giới cô đơn lâu nay mình vẫn níu giữ sẽ trôi tuột đi. Một phút, một giờ, một ngày cuối tuần thôi. Từ bao giờ tôi không còn thấy ham muốn lùng tìm hình bóng mình trong đôi mắt của một người đàn ông. Tôi mặc kệ anh ta là ai. Tôi mặc kệ mình là ai. Tôi nhắm mắt lại chờ đợi Chấn hôn mình, nhưng đôi môi thô ráp của gã chỉ lướt qua vành tai rồi lần xuống bả vai. Lớp ria mép cọ lên da mang lại cảm giác nhột nhạt khiêu khích. Chấn kéo tôi thật sát vào thân mình gã, bàn tay ấm áp chà lên sống lưng. Tôi thả lỏng đầu, xoè những chiếc ngón cuồng dại bám vào vai Chấn để thân xác mình theo sóng cuốn trôi. Mấy ngón tay tôi cào vào lớp tóc đen cứng như cào vào đám rong khô. Chúng đột nhiên co quắp lại. Trong bóng đêm mù mịt, tôi nghe tiếng nước vỗ ào ạt. Quá khứ từ phía sau tràn đến cùng những âm thanh cũ kỹ. Tôi mở mắt trừng trừng nhìn vào khoảng tường trước mặt. Bức tranh của Chanel Simon cháy rực màu hoàng hôn. Một bóng cây cô độc trên cánh đồng Châu Phi hoang dã. Một màu vàng cam nóng rực. Nils tặng nó cho tôi vào dịp lễ Phục Sinh, bởi lẽ, căn phòng tôi quá lạnh lẽo, thiếu vắng màu sắc. Trừ cái thùng rác của mạ ra, căn phòng này gần như chỉ có màu trắng. Thay cho lời cảm ơn, tôi lại chế giễu, nỗi buồn của Chanel luôn thiếu vắng nụ cười của mấy con sư tử. Giờ đây, khuôn mặt Chấn hiện lên giữa cánh đồng hoang dã. Đó là khuôn mặt của gã thợ săn đang lăm lăm tay súng chĩa vào con sư tử cái mình mang đầy thương tích.
Tôi đẩy Chấn ra, cố gắng đừng đấm quá mạnh vào vai gã. Chưa bao giờ tôi để mình đi quá xa với một người đàn ông đồng hương. Ánh mắt Chấn sầm tối. Ở trong đó, mưa giông xám xịt phủ lên hình ảnh người phụ nữ cô độc.
"Đủ rồi."
Tôi buột miệng nói cộc lốc. Chấn mím môi, nụ cười đến nhanh không ngờ:
"OK."
Dường như tôi đã gặp nụ cười như vậy ở đâu. Trong đám hồ sơ bề bộn sáng nay. Hay trong lần giải phẫu tử thi nào đó. Chấn lại lên tiếng, thong dong điềm tĩnh như chưa hề có chuyện gì xảy ra:
"Mình đi thôi."
"Đi đâu?" Tôi vẫn chưa kịp thay đổi giọng nói của mình cho mềm mại hơn.
"Bọn chúng nó hẹn ở bãi đua xe."
Tôi không rõ "bọn chúng nó" là ai. Thế giới của Chấn hỗn độn và xô bồ với hàng tá người quen. Chấn lấy đám đông làm nguồn vui, không phải vì sợ cô đơn mà vì gã chẳng biết đến khái niệm cô đơn là gì. Căn hộ bốn phòng của Chấn ở khu phố sang trọng Unter den Linden, bao giờ cũng có năm bảy người trông giữ. Chấn tự phụ gọi họ là "bọn đàn em" hay "đám bảo vệ". Kiểu gọi này bao giờ cũng làm tôi phì cười, chẳng biết Chấn sợ gì mà cần đến một đống bảo vệ.
Tôi lựa đôi giày mùa hè thấp đế. Đi với người Việt, tôi thường mang giày trẹt. Cái thời ngổ ngáo, khiêu khích đã qua, giờ đây tôi chỉ muốn thu mình lại. Chấn cao bằng tôi, hơn một mét bảy. Một đôi giày cao gót sẽ làm gã mất tự tin. Lớp vải áo lụa của Chấn chạm nhẹ lên cánh tay tôi, trơn và mát. Chấn ngộ nghĩnh trong bộ đồ ngủ, làm tôi nghĩ đến gã học trò nhỏ rụt rè trong những buổi tối pyjama party. Ký ức xốn xang của một tuổi thơ không hề có chợt tìm về. Mấy đứa học sinh tiểu học tụ tập qua đêm trong những bộ đồ ngủ dài luộm thuộm, những trò chơi vui nhộn, những đĩa bánh ngọt phết đầy kem tươi và những câu chuyện ma quái ngô nghê…
Chấn đặt tay lên vai tôi hỏi nhỏ:
"Em nghĩ gì vậy, cô bé lạc loài?"
Giọng của Chấn nhỏ bất thường vậy mà vẫn làm tôi giật mình. Thỉnh thoảng Chấn kêu tôi là cô bé lạc loài, nhưng khi tôi hỏi cô bé lạc loài là gì, Chấn chỉ cười cười rất dễ ghét. Tôi hỏi mạ, mạ càu nhàu:
"Hắn nói như rứa vì thấy mi là loài sống trên cung trăng. Bếp nhà mạ hư hỏng ba năm nay vẫn không thấy mi kêu người sửa. Bởi vậy mà thằng Chấn hứa với mạ, qua Tết nó sửa bếp cho mạ. Thằng nớ được cả người lẫn nết. Mi tính khi mô thì cưới hỏi, lớn tuổi rồi. Cô Khanh mới vô nhà thương mổ sỏi thận, mi đã gọi qua bên nớ gửi gắm bác sĩ chưa? Thằng Cường định sang Mỹ học hai năm master, chưa thấy mi nói trợ giúp ra sao. Cuối tuần này chú Cần sang chơi hỏi chuyện làm khớp gối nhân tạo, mi nhớ mà về thăm mạ…"
Rõ ràng, làm cô bé lạc loài không sung sướng gì, thành ra tôi rất ghét nghe Chấn nhắc tới mấy từ đó. Bởi vậy mà tôi nói luôn:
"Anh còn bộ áo quần nào khác trong xe không?"
Chấn thong thả vuốt tay lên vạt áo láng bóng, cười kiêu hãnh. Khi đó tôi nhận ra lớp lụa mỡ gà có dệt chìm những đường hoa văn rất cầu kỳ tinh xảo.
"Chỉ có một bộ trên người. Thằng em từ Hà Nội vừa mang sang cho bốn bộ. Mốt áo đại gia Thượng Hải may đúng lụa Thượng Hải. Loại hàng này lùng khắp biên giới cũng đừng hòng tìm ra được nửa mét."
Tôi biết Thượng Hải là Shanghai. Tôi có qua Shanghai một lần, nhưng đại gia Shanghai ăn mặc ra sao thì tôi mù tịt. Chắc là mạ biết, vì mạ hay xem phim xã hội đen Thượng Hải. Lẽ ra Chấn phải mang khuôn mặt tự mãn khi kể với tôi điều đó. Lẽ ra Chấn phải thừa dịp tuôn ra những câu tống tình trơ trẽn như vẫn dành cho đám phụ nữ vây quanh mình: "Đừng hòng lột bộ quần áo đắt tiền này ra khỏi người anh, trừ khi cùng anh lên giường." Đằng này, mặt Chấn hiền khô như bông bụp.
"Bộ áo quần của anh làm em nhớ tới thời còn ở tiểu học. Mấy đứa nhóc hay tổ chức chơi qua đêm ở nhà nhau gọi là slumber party. Nhìn đám bạn mình lụng thụng mặc đồ ngủ nhảy nhót có lẽ buồn cười lắm."
"Có lẽ? Tại sao lại có lẽ?"
"Vì em chưa được tới đó bao giờ. Nhưng, nhưng em biết về nó rất rõ qua lời kể của bạn bè và qua trí tưởng tượng."
"Tại sao không được đến? Chẳng ai mời em à?" Chấn đột nhiên chăm chú nhìn tôi, giọng gã thật gần gũi và ấm áp.
"Không, ba mạ không cho con gái đi ngủ lang nhà bạn. À, con nhà tử tế thì không được đi chơi đêm. Em tuy ở nhà, nhưng vẫn biết cách thả giấc mơ mình tới đó." Tôi cười nhỏ, thấy mắt mình cay cay. "Những giấc mơ phải kết thúc vào buổi sáng sớm, khi… tiếng khóc của thằng Cường the thé vang lên trong phòng khách."
"Hóa ra là vậy." Giọng Chấn chậm rãi, gần như tan loãng ra.
Hai đứa đứng im lặng bên nhau trong khoảnh khắc. Dường như Chấn muốn hỏi thêm điều gì đó, nhưng gã lại khẽ lắc đầu. Dường như một khoảnh khắc đáng tiếc đã trôi vụt qua khi mà tôi không bao giờ muốn nó xảy ra. Tôi không thích tâm sự với ai. Tôi sợ phải chia sẻ cảm xúc của mình với người khác, thứ cảm xúc vớ vẩn tầm thường mà ai cũng có thể dẫm chân lên để bước về phía trước.
Tôi lạnh nhạt nói:
"Mình đi thôi."
Chấn cũng trả lời gọn ghẽ:
"Ừ, mình đi."
Cách cư xử tự nhiên của gã làm tôi thấy dễ chịu.
Tôi khoá cánh cửa phía sau lưng mình. Hành lang ngày chúa nhật hoàn toàn yên ắng. Bãi đậu xe sau sân nhà cũng vắng bóng người. Từ sau hàng cây dẻ, tiếng cười đùa của mấy đứa nhỏ trong sân chơi vọng tới. Tôi nghĩ tới hai đứa con gái nhỏ nhà bà Tanne. Tụi nó rất lém lỉnh. Chắc chắn bộ dạng kỳ quái của Chấn trong sân chơi sẽ làm tụi nhỏ khoái chí la ré lên. Tiếc quá, nếu Chấn hoá trang làm tên mọi da đỏ, thì tôi và gã sẽ chơi trò rượt đuổi mấy đứa nhỏ ở đây.
Chiếc BMW đời mới của Chấn đồ sộ như xe tăng, đậu ngang ngược chắn ngang cửa chính của cả nhà. Tôi muốn ôm bụng cười. Bà Gobert chắc đã có dịp dẫn chó chạy loanh quanh để bày tỏ ý thức công dân của mình. Bà không gọi cảnh sát đến câu xe, mà đích thân đi gõ cửa từng nhà hàng xóm để hỏi cho ra chủ nhân chiếc xe. Nếu may mắn gặp người rảnh rỗi, bà sẽ đứng hàng giờ ta thán đủ chuyện trên trời dưới đất, và không quên thỉnh thoảng thêm vào câu nói, bọn người ở trong nhà này chẳng biết luật lệ là gì.
Chấn nghiêng mình mở cửa xe cho tôi, cười rất điệu:
"Sáng nay anh vừa bảo thằng đệ tử mang xe đi rửa để đón người đẹp."
Gã học được cả phép lịch sự Tây phương mà ít người đàn ông Việt Nam nào học nổi: mở cửa xe cho phụ nữ. Chẳng trách gì mà cô Diễm cứ kêu Chấn là "đệ nhất hào hoa lãng tử".
Tôi ngồi trong xe nhìn Chấn loay hoay bên ngoài cửa. Anh chàng đang tìm cách vén ống quần lụa để leo vào. Bộ đồ lụa tha thướt thật bất tiện cho mọi cử động. Tôi không nín cười được, hỏi luôn:
" Tại sao anh lái xe mà ăn mặc kỳ quái như vậy?"
"Vì anh muốn em cười."
Như có ai đập mạnh lên ngực bên trái, tôi lặng người đi. Nhưng tôi không muốn tin là Chấn nói thật. Những lời tán tỉnh bao giờ cũng dễ dàng tuôn ra từ cái miệng bôi mỡ của Chấn. Khi Chấn từ miền Đông sang, tìm đến những cuộc vui của cộng đồng người Việt bên Tây này, gã như một ngọn lửa cuồng nộ sẵn sàng đốt cháy những ham muốn bị kiềm toả bên trong những bức tường đạo đức. Trong vòng tay của gã, những người đàn bà ở tuổi xế chiều sống lại thời thanh xuân rộn rã của mình, những tiểu thư nhu mì lễ giáo hoá thành đệ nhất vũ nữ. Lời tán tỉnh dễ dãi và rỗng toét của gã làm những bản mặt đạo đức khoan khoái nhận ra rằng, đạo đức chỉ là thứ rỗng toét. Nhưng Chấn đi tìm một cái gì khác. Gã không cần tiền, không cần tình. Hầu bao của gã lúc nào cũng đầy ắp, thế giới của gã lúc nào cũng chứa một tá nhân tình trẻ đẹp và một bầy đệ tử tận tụy. Đưa tôi vào thế giới của gã, Chấn luôn dành sẵn cho tôi một chiếc ngai vàng loè loẹt:
"Hoa hậu Tây Berlin. Tiến sĩ y khoa chuyên ngành giải phẫu học. Giáo sư trưởng khoa ngoại, bệnh viện Trung Ương."
Cả một cụm từ rổn rảng dài thườn thượt của Chấn làm tôi muốn phì cười. Nhưng tôi không biết làm sao đính chính. Ánh mắt của những người đối diện đã nhất quyết tin như vậy. Có một cái bệnh viện Trung Ương nào đó ở Tây Berlin và một cô hoa hậu giáo sư mặc áo choàng trắng ngồi chuốt móng tay bên bàn điện thoại.
Ừ, thì tôi là bác sĩ giải phẫu. Nhưng tôi chỉ mổ tanh banh mọi thứ mà chẳng cần khâu lại tử tế. Tôi cắt xẻo gan ruột người ta mà chẳng cần trả lại chỗ cũ. Cô hoa hậu tiến sĩ có một cái nghề ghê rợn mà quý bà lịch sự nào nghe qua cũng phải kêu thét lên.
Tôi quen Chấn ở một buổi dạ vũ mừng sinh nhật cô Diễm, có lẽ, khi đó Chấn đã biết rất rõ về tôi. Một buổi tối ngồi bên nhau không phải tình cờ mà do sự xếp đặt của Chấn với cô Diễm. Gã săn đón tôi và ba hoa. Khi đó tôi lại cứ dễ dãi nghĩ rằng, Chấn chỉ là cái thùng rỗng toét. Mà tôi đang cần một thứ như vậy để trút nỗi cô đơn vô đó. Sự ngộ nhận trong cuộc chơi tình ái kéo tôi đi, không cưỡng lại được.
Chấn biết rõ tôi là ai, còn tôi lại không biết gì về gã.
Bản nhạc Đức từ kênh Radio Paradiso vọng ra nhạt nhẽo, Andreas Bourani, "trái tim em đập nhanh hơn trái tim anh". Những bản nhạc xào đi nấu lại từ sáng tới chiều, từ ngày này qua ngày khác chẳng ai để ý, trong một khoảnh khắc nào bỗng nói trúng tâm trạng người nghe. Con tim tôi không cùng nhịp đập với Chấn, vậy mà lại chấp nhận đi cùng nhau. Sáu tháng, rồi một năm xa Nils đâu phải quá kinh khủng để tôi lao đầu vào bất cứ cuộc tình nào.
Chấn đang tập trung cầm lái ở đoạn đâm ra đường cao tốc. Gã im lặng. Nhờ vậy mà đỡ thấy xa lạ. Nếu bây giờ gã mở miệng nói, chẳng ai đoán nổi, khoảng cách giữa hai đứa sẽ đột ngột biến thành hố sâu, hay thành một cây cầu mây nước chưa kịp bước qua đã tan tành. Ừ, thì Chấn khác với những người đàn ông đã đi qua đời tôi. Gã chẳng hứa hẹn bất cứ điều gì và cũng chẳng làm cho tôi phải hy vọng chờ đợi bất cứ điều gì. Giữa tôi và gã không có một điểm nào tương đồng để ngay từ đầu có thể thanh thản tin rằng, mọi cố gắng hòa hợp với nhau đều dư thừa.
Bên ngoài cửa kính những hàng cây lãng đãng trôi đi. Những chiếc xe cùng chiều bị Chấn bỏ lại phía sau. Chấn chạy quá nhanh, nhưng tôi mặc kệ. Gã đang nổi hứng trước trò đua xe ở bãi.
"Hôm nay bọn chúng cược năm ngàn eu cho thằng Trung."
Chữ eu của Chấn có nghĩa là euro. Cũng như xe mercedes được gọi là mẹc. Giấy phép cư trú unbefristet (vô thời hạn) gọi là giấy un. Người Việt bên Đông, chính xác là người miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thường có thói quen gọi tắt các chữ tiếng nước ngoài. Có thể vì lười biếng nhếch nhác, có thể vì xem thường ngôn ngữ giao tiếp, có thể vì họ không đủ khả năng phát âm một chữ nguyên vẹn và chính xác.
Tôi không thích thứ ngôn ngữ cụt què này, nó phơi bày đẳng cấp và sự cố gắng của một người ngoại quốc trong xã hội. Nhưng tôi vẫn hỏi cho ra vẻ quan tâm:
"Trung là ai?" Những người quen của Chấn thường chẳng là ai cả.
"Thằng đấy là dân chạy "gô" có máu mặt mới từ Tiệp sang." Chấn hào hứng trả lời.
Tôi không hỏi tiếp nữa. Đây là lần thứ ba tôi theo Chấn đi xem những cuộc đua xe Go Card bất hợp pháp. Chấn khoe mình mua cả trường đua cho bọn đàn em tỉ thí với nhau. Có một thời tôi cũng mê Go Card, tôi biết rõ luật đua xe, nhưng bây giờ tôi giữ im lặng. Chẳng lẽ lại nói toẹt cho Chấn biết, kiểu đua cá cược của Chấn và bạn bè không chỉ mất trật tự mà còn man rợ.
Chấn đột nhiên hỏi:
"Công việc của em dạo này vất vả không?"
"Cũng bình thường thôi."
"Bệnh viện nào ở Berlin tiến hành giám định pháp y cho các vụ tai nạn giao thông, em nhỉ?"
"Hả?" Tôi giật mình hỏi lại.
"Bệnh viện nào giám định pháp y cho các trường hợp chết vì tai nạn giao thông."
Tôi miễn cưỡng đáp:
"Để làm rõ nguyên nhân tử vong hay cách thức tử vong, công tố viện Berlin sẽ yêu cầu viện Pháp Y Charité tiến hành khám nghiệm tử thi. Gia đình thân nhân sẽ không nhận được bất kỳ thông tin nào từ viện Pháp Y mà phải liên hệ với công tố viên có thẩm quyền."
"Địa chỉ?"
"Tòa án hình sự Moabit, Turmstrasse 91."
"Trong trường hợp xác định danh tính của xác chết?"
Tôi mím môi nhìn ra bên ngoài. Chấn vừa lách ra đường băng bên trái, qua mặt hai chiếc xe màu đen. Khuôn mặt hai người đàn ông lái xe hiện ra loang loáng sau lớp cửa kính. Xác định danh tính người chết trong các trường hợp: xác vô thừa nhận, xác bị cháy thui hay xác bị tổn thương toàn bộ hình dạng, hay… Tại sao Chấn lại quan tâm đến chuyện này? Tại sao Chấn lại hỏi thủ tục pháp y trước khi bước vào cuộc đua xe?
Điện thoại di động của Chấn bỗng kêu re re. Gã bấm máy, chỉ cầm lái một tay. Tôi rủa thầm, cái loại người đi đâu cũng rủng rẻng di động này thật khó ưa. Tiếng Chấn cố hét to hơn tiếng xe đường cao tốc:
"Cái gì? Thằng nào tố?"
Tôi căm ghét nhìn lảng ra bên ngoài.
"Thằng nào đánh quả đấy? Mày bảo bọn thằng Tâm đến vây kín quán, không cho đứa nào thoát ra. Tao đến ngay."
Chấn quăng điện thoại vô hộc xe, khuôn mặt đanh lại.
"Anh đưa em về nhé. Có việc phải lo gấp."
"Việc gì?"
"Bọn đàn em rách việc."
"À". Nếu tôi lỡ tay đấm một cái vào mặt Chấn thì cả hai đứa và chiếc xe này sẽ bay sang mấy gốc cây bên đường. Khi đó, chắc chắn hai cái xác bẹp dúm sẽ được chuyển đến viện Pháp Y. "Murks!" Tôi buột miệng chửi một từ tiếng Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét