Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

Bờ Bên Kia - Chương 8: Phần điên



"Kẻ đần độn là kẻ không bao giờ có tài sản tri thức, hắn sinh ra đã nghèo và sẽ nghèo mãi. Kẻ điên dại là một kẻ trước có tài sản, nhưng đã mất đi, và hắn trở lại tình trạng kẻ đần độn." Jean-Étienne Esquirol.

 

Natalia Kuchkova là cô người mẫu trẻ gốc Nga, xinh đẹp và đần độn. Thông thường người ta vẫn nghĩ, người mẫu không cần đến tri thức, cô ta chỉ cần trẻ đẹp, kiên nhẫn và chịu cởi bỏ áo quần. Nhưng giữa hàng ngàn đứa con gái tuyệt đẹp, phải có những yếu tố khác thường mới tách được mình ra khỏi đám đông mà trở thành cái bánh ngọt. Natalia không hề có những yếu tố khác thường. Cô ta có một mẫu số chung của cái đẹp và mẫu số riêng của sự may mắn. Một thân hình tuyệt hảo, một khuôn mặt kiều diễm, một sự kiên nhẫn của loài cừu và là người tình mới nhất của Chefredakteur. Lẽ ra bao nhiêu đó cũng đủ cho một sự khởi đầu, nhưng sự ngu đần của cô ta làm mọi người trong ê kíp hoá điên. Nhiều lần tôi định túm lấy mái tóc xịt đầy keo, đá cô ta văng qua cửa sổ, hay ít nhất cũng chụp nguyên thùng rác lên cái đầu mít đặc. Nhưng đó không phải là việc của tôi. Bao giờ gã Chefredakteur chán cô ta thì chuyện thô bỉ đó sẽ xảy ra. Tôi nhã nhặn mỉm cười:

"Natalia, bây giờ cô hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng…"

Những kẻ đần độn thường không có trí tưởng tượng, bởi vì họ không có khả năng tạo lập ra những hình ảnh khác với thực tại. Cô ta nằm ngửa trên tấm khăn giường màu da báo, có những đốm đen điểm trên nền vàng sáng. Tấm áo ngủ bằng voan cực mỏng phủ nhẹ trên thân hình tuyệt hảo. Nước da trắng như ngà voi và những đường cong mềm mại ẩn hiện dưới làn vải đỏ. Một chân buông thõng bên cạnh giường. Một chân duỗi nhẹ trên tấm da báo. Đôi chân dài mỹ miều không một chút tì vết.

Tôi lịch sự nói:

"Natlia, hơi co chân phải lại một tí, dạng chân trái ra một tí…"

Cô ta ngước cặp mắt nâu thẫm tuyệt đẹp nhìn tôi và mỉm cười mời mọc.

Verdammt! Tôi nén tiếng chửi thề, con ngu đần này, sao cứ nằm dạng chân như một con đ… Mà Chúa ơi, hình như cô ta cũng không biết chân nào là chân trái, chân nào là chân phải. Tôi sắp hét lên đây. Nếu tôi hét lên thì cô ta sẽ lại sụt sịt khóc, sẽ chớp đôi mắt lem nhem thuốc kẻ nhìn tôi giận dỗi trách móc. Sẽ lại mất gần nửa giờ hoá trang để mọi việc bắt đầu từ con số không. Verdammt! Tôi cố tìm một tiếng chửi thề thích hợp với hoàn cảnh, nhưng tuyệt vọng. Vi hay chửi "Murks" mỗi khi nàng nổi giận. Nhưng cả tiếng Murks và Verdammt đều mang một ý nghĩa hiền lành và quá sạch sẽ, không đủ để giảm bớt sự bực tức lúc này. Verdammt! Chẳng còn tiếng chửi nào khác. Verdammt! Verdammt! Tại sao tôi phải làm cho đứa con gái ngu xuẩn này nổi tiếng. Ai vừa nói điều gì sau lưng tôi. Khuôn mặt đứa nào khuất sau ống kính to đùng vừa ló ra làm tôi giật mình.

"Robert."

Tôi nhìn lên giường, hai cái chân trắng như ngà voi, giống hệt nhau. Chân nào là chân phải, chân nào là chân trái. Tôi bước tới một bước. Chân phải của tôi là chân trái của cô ta. Chân trái của cô ta… là cái phía bên kia. Tôi nhìn xuống chân mình và đổ mồ hôi.

"Làm ơn khép chân lại giùm tôi một tí, vừa phải thôi, không, không…"

Tôi vặn hai cái chân của cô ta cho đúng vị trí mình mong muốn, kéo mảnh áo nơi vùng ngực trái của cô ta xuống. Một khoảng đồi nõn nà cao vồng lên, mép vải dừng ngay nơi mà thằng người nào cũng sẽ hình dung có một khoảng núm hồng tươi. Bàn tay phải của cô ta cầm con dao răng cưa nhọn chĩa vào bên dưới khoảng màu hồng tươi đó. Điều gì sẽ xảy ra khi con dao đâm vào vùng thịt mềm mại mịn màng. Tôi mệt nhọc lắc đầu, mặc kệ trí tưởng tượng của mỗi người. Điều quan trọng là chiếc đồng hồ Rolex sáng lóng lánh trên cườm tay. Sợi dây thanh mảnh mang một trái tim nạm kim cương nhỏ bằng cái móng tay. Con dao kim loại và chiếc đồng hồ sáng loá dưới ánh đèn flash, sáng loá trên nền voan đỏ.

Tất cả đều rực rỡ theo khuôn mẫu. Cả đôi mắt lim dim, đôi môi cong cớn cũng nhàm nhàm một kiểu gợi tình. Một người mẫu loại trung bình khá luôn biết làm gì với con dao nhọn. Chỉ cần dúi con dao vào tay cô ta, đẩy cô ta lên giường, tự cô ta sẽ nghĩ ra đủ tư thế phô trương nhan sắc giết người của mình, tự khuôn mặt cô ta sẽ diễn tả mọi cảm xúc chết chóc. Khoảng mười phút là xong một loạt ảnh. Tôi chỉ vào mái tóc đen đang xõa thành một vòng tròn vây quanh khuôn mặt thon thả có đôi gò má cao, đôi môi mọng đỏ. Cái dáng vẻ nàng Bạch Tuyết đang chờ được hôn thật lộ liễu. Lộ liễu tới mức lố bịch. Chỉ cần thế trái táo vào chỗ con dao là có một nàng công chúa ngu ngốc.

"Katja đâu?" Tôi lớn tiếng gọi cô chuyên viên hoá trang.

Cô gái nhỏ nhắn tóc nâu từ phòng bên cạnh chạy sang, nhìn tôi ngỡ ngàng. Hình như tên cô ấy là Saskia, hay Matilda gì đó.

"Robert. Mày lại gọi nhầm tên người ta rồi. Đồ đần độn." Ai đó lải nhải bên tai tôi.

Tôi dịu giọng nói:

"Anica. Cô làm rối mái tóc dùm tôi, nhìn nó cứ chải chuốt giả tạo gì đâu."

Lẽ ra tôi có thể tự làm điều đó, nhưng sự mệt mỏi đang lấn sâu vào từng thớ thịt làm tôi mất tự chủ. Tôi sợ sẽ vò đầu cô ta như một túm giẻ lau nhà vệ sinh. Cô ta đã nằm như vậy rất lâu, tôi cũng không muốn nói cho cô ta biết bao giờ cực hình sẽ chấm dứt. Bàn tay cô ta cầm con dao đã mỏi đến độ tôi thấy nó run rẩy, mũi dao chực chúi xuống, đâm vào vùng ngực mềm. Nếu cô ta mất tự chủ lúc này thì con dao là thứ để cô ta chấm dứt mọi chuyện. Cứ để cô ta tự quyết định, sự nổi tiếng hay là cái chết. Những ngọn đèn sáng loá dị thường. Có tiếng ai đó xì xầm bực tức sau lưng tôi.

Nhưng trong phòng này chỉ có hai người, tôi và tay nhiếp ảnh.

Tôi mềm mỏng lên tiếng:

"Bây giờ nghe đây, Matilda… Anica… Natalia. Nắm chặt con dao. Cô khép dần mắt lại… Verdammt, đừng nhắm tịt lại như vậy. OK! Bây giờ hãy cố tưởng tượng cái cảm giác mê hoặc và hoan lạc khi có một thứ gì đó đâm vào người cô…"

Mẹ kiếp, chẳng lẽ nó không hiểu. Tôi điên lên, muốn giật phắt con dao trong tay con đần, đâm luôn một phát vào ngực nó. Sự kiềm chế làm mồ hôi túa ra sau lưng áo. Tôi che miệng rên. Khoan đã, hình như còn thiếu một thứ – phải rồi, thiếu một con mèo – một con mèo đen xảo quyệt nằm trên giường – đôi mắt trong suốt như thủy tinh. Mọi vật trước mắt tôi nhoà đi và tôi sợ mình sẽ tuôn ra những câu điên loạn. Mồ hôi chảy dài trên lưng – gai gai cảm giác ớn lạnh – tại sao lại lạnh – bây giờ là tháng mấy – mẹ, con muốn có một con chó. Nước mắt tôi trào ra. Tôi đưa bàn tay lên dụi mắt. Đứa nào vừa than phiền, trong phòng nóng quá.

"Được rồi. Tất cả chuẩn bị. Natalia, hít sâu vào rồi thả lỏng. Tuyệt lắm. Nên nhớ là cô đang đê mê sung sướng. OK! Đâm con dao xuống!"

Ánh đèn flash loé lên. Những âm thanh "rắc rắc" nhảy liên tục bên tai. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong mắt tôi là con dao nhọn trắng loáng đâm xuống lớp vải đỏ.

Tôi đá cánh cửa bước ra ngoài, kiệt quệ đến độ không rõ mình đang bò lết đi đâu. Có lẽ, mùi cà phê kéo tôi về hướng căng tin. Tôi nhắm mắt uống hai tách espresso không đường, gần như ngã gục trong chiếc ghế bành. Cô bé bán căng tin hỏi điều gì đó, tôi đờ đẫn lắc đầu. Một màn sương xám đặc từ đâu tràn tới bủa vây. Tôi tìm cách nối kết những suy nghĩ của mình, nhưng chúng như một đống mì thiu rời rạc mềm nhũn. Bốn tháng làm việc liên tục, những đêm trằn trọc vật vã, sức khoẻ và tinh thần tôi suy sụp. Con dao – con dao trắng loá trên nền vải đỏ. Tấm ảnh này sẽ là một trong những tấm ảnh thành công cho đơn đặt hàng Rolex. Tôi không cần xem lại loạt ảnh. Bất kỳ cô người mẫu tập sự nào cũng có thể thành công trong hoạt cảnh đó. Tiên sư thằng Chefredakteur. Người tôi hâm hấp sốt, mọi thứ trước mắt lơ lửng mập mờ trong màn sương. Mình cần phải nghỉ phép – phải đi ngay đến một nơi thật xa, thật yên tĩnh, thiếu vắng bóng người – một ngôi nhà nhỏ ở Norwegen, nằm cheo leo cô quạnh trên sườn núi – một túp lều giữa hoang mạc Úc Châu – lạy Chúa, hay ít nhất cũng có một giấc ngủ trưa thanh thản không mộng mị.




Bên ngoài cửa kính, những vệt nước mưa chậm rãi trôi dài. Mẹ kiếp! Suốt mấy tháng trời nay tôi không hề biết ngày nắng hay mưa, lạnh hay nóng. Bản năng đưa tôi lầm lũi đi về. Thành phố này sao mưa mãi suốt bốn mùa, chỉ trong những ngày lạnh giá mưa mới biến thành tuyết trắng. Suy nghĩ của tôi chỉ đi xa được đến bờ cửa sổ đó rồi lơ mơ chìm vào một vùng trống vắng. Tôi co rúm người lại trong chiếc ghế bành, nếu đi qua khỏi vùng trống vắng này, cảm xúc của tôi sẽ bị những nỗi ám ảnh kinh hoàng níu lấy.

Tách cà phê thứ tư là thứ nước cống ngai ngái, bao tử tôi quặn thắt – mình cần phải ăn một thứ gì đó.

Bàn tay tôi run rẩy cho vào túi áo, lần tìm điện thoại di động. Tôi dò tìm số phôn của Vi, những con số nhảy múa trên màn hình nhỏ, bỗng lại sợ mình không lưu lại số của Vi. Cách đây vài ngày tôi đã xóa những cuộc gọi cũ, xóa dấu vết của Vi. Mà cũng chưa bao giờ tôi gọi cho Vi, chỉ toàn là Vi gọi cho tôi, chỉ toàn để Vi tự tìm đến. Chuông reo thật lâu. Chắc là Vi đã đổi số khác. Chắc là cô ấy đã… Tôi cũng không rõ chúng tôi gặp nhau lần cuối vào khi nào. Có lẽ là lâu lắm. Một năm – hai năm xa cách – thời gian chưa đủ dài để mà quên nhau – nhưng chắc đủ dài để cho Vi không còn nghĩ đến chuyện gặp tôi.

"Chào anh, Nils." Giọng Vi đột ngột vang lên từ một cõi nào đó, đầy hoang mang.

"Chào em. Thật là tuyệt." Tôi ngã người ra sau, khoan khoái nghĩ đến chữ Nils vừa thoát ra khỏi đôi môi mọng đỏ như dâu chín.

"Cái gì tuyệt?" Vi hoang mang hỏi lại. Sự tử tế bất ngờ của tôi làm cô ấy nghi ngại.

"Giọng nói của em."

"Anh có bình thường không vậy? Nhức đầu sổ mũi gì không? Sao tự nhiên gọi tới đây? Mà, anh đang ở đâu?" Vi vừa cười vừa tuôn ra một mớ câu hỏi.

"Vi, chiều nay mình gặp nhau, được không?"

"OK. Ở đâu? Mấy giờ?"

"Quán Buchwald. 17 giờ?"

"OK."

Cô ấy sẽ cúp máy ngay bây giờ. Chẳng còn gì để nói thêm. Tôi kêu lên hoảng hốt.

"Vi, khoan đã. Nhớ mang theo bánh mì."

Tiếng cười khẽ khàng của Vi đột ngột lặn vào vùng trống rỗng.

Dù tôi không nhắc, Vi cũng sẽ mang theo bánh mì cho lũ chim dại. Tôi nằm vật ra ghế bành chìm vào giấc ngủ, tiếng cười khẽ khàng của Vi kéo tôi vào một vùng sóng nước êm đềm. Tôi ngủ li bì hai tiếng đồng hồ trên ghế căng tin, một giấc ngủ hiếm hoi không mộng mị.

*

Mười sáu giờ ba mươi tôi có mặt ở quán Buchwald, quận Tiergarten. Đó là quán bánh ngọt thanh lịch nằm bên góc uốn cong của dòng sông Spree – một khoảng sân nhỏ có những bụi hoa hồng trắng và hoa tú cầu tím nhạt, mấy bộ bàn ghế gỗ dọc bên bờ tường, bụi trúc đào đơm hoa đỏ lả lơi – căn phòng nhỏ phía bên trong treo tranh màu nước – tàn cây dẻ già phủ bóng xuống con đường lót đá cuội – Vi nói, không nơi nào có món bánh kem ngon tuyệt như ở đây – bánh kem dâu, kem cam, kem chocolade – tôi uống cà phê và nhìn Vi ăn bánh. Sẽ có một lúc nào đó Vi rời ánh mắt khỏi đĩa bánh, bất chợt nhìn tôi và mỉm cười. Nụ cười thật lạ, bao giờ nó cũng đến đột ngột không rào đón trước, không vì một lý do gì, nó làm kẻ đối diện choáng ngợp mất phương hướng. Cứ như mình đang lái xe trên con đường dốc đá khô cằn chênh vênh, ở một khúc quanh nào đó biển bỗng đột ngột hiện ra trước mặt – mặn mà và thênh thang.

Chắc là Vi sẽ bật cười nếu tôi nói với cô ấy điều đó. Vi thích những cái gì đơn giản, dễ hiểu và không màu mè, một loại "cô bé quàng khăn đỏ", chỉ nhìn thấy hoa mà không thấy sói.

Những hôm trời nắng đẹp như vầy, tôi thường đến sớm, đứng bên đầu cầu đá thơ thẩn nhìn những chiếc du thuyền xuôi ngược trên sông. Vi gọi cây cầu đá này là cầu Con Gấu và nhất định không bao giờ chịu gọi đúng tên là cầu Moabiter. Bốn góc cầu có bốn con gấu vĩ đại canh giữ. Tôi bảo là bầy gấu đực, Vi bảo là bầy gấu cái, chẳng làm sao kiểm tra được, nhưng vẫn lằng nhằng cãi nhau. Berlin là thành phố gấu cái và người làm ra bức tượng này là một tên lái buôn ma lanh, hắn cố tình tạc ra cái đuôi ngắn ngủn tròn quay nhằm che kín phần sau của con gấu. Thoạt nhìn qua người ta cứ ngỡ cái núm tròn đó là cái đuôi, nhìn kỹ mới biết là hòn dái. Mỗi khi cãi nhau với Vi tôi đều bị thôi thúc vì ý nghĩ, mình sẽ nói thẳng cho Vi biết hòn dái gấu rất giống hòn dái người. Đã từ lâu, rất lâu, những lời tục tĩu đó không còn vang lên trong tai tôi cùng với những tiếng cười say khướt ngặt nghẽo. Ánh sáng trưởng giả của Moni đã đẩy lùi bóng tối bần cùng của thằng nhỏ Robert về phía sau. Nhưng ngôn từ thô tục là một con vật nguy hiểm. Nó không biến đi hẳn, nó ẩn nấp trong cổ họng. Nó rình mò tìm cách thoát khỏi tấm lưới nhung lụa của nhà giam.

Vi thường đi bộ từ bến xe buýt cạnh nhà thờ, theo dọc con đường băng qua tòa án để đến chỗ hẹn. Thân hình mảnh mai với mái tóc đen thẫm của Vi sẽ hiện ra giữa những hàng cây, hiện ra giữa dòng người xuôi ngược không lẫn vào đâu được. Lối ăn mặc giản đơn mà thanh lịch của Vi cũng không lẫn vào đâu được. Bao giờ tôi cũng nhận ra nàng từ xa, nghe tim mình thắt lại êm đềm. Bao giờ tôi cũng chuẩn bị cho Vi một nụ cười, nhưng nụ cười đó thường biến mất đột ngột khi chạm phải ánh mắt nàng. Ánh mắt đầu tiên dành cho tôi thường ngỡ ngàng dò hỏi, cứ như là mấy tháng không gặp nhau đủ để hai đứa thành kẻ xa lạ. Vi không mừng rỡ vì gặp lại tôi, không mừng rỡ, không vồ vập. Như cô bé quàng khăn đỏ nhìn thấy con sói, cô bé cười ngây thơ: "Em mang bánh tới cho bà. Anh là ai?"

Vi luôn mang theo bánh mì cho lũ chim dại. Chỉ cần ném ra mấy miếng bánh là chim chóc kéo đến hàng đàn. Chúng bay trắng một góc sông, cất những tiếng kêu lan dài trên mặt nước. Vi đưa cho tôi một miếng bánh mì. Tôi giữ nó rất lâu trong lòng bàn tay, rồi ném mạnh ra giữa lòng sông. Mấy con hải âu xoải cánh lao về phía đó. Bầy vịt trời kinh hãi dạt ra hai bên kêu lên quàng quạc. Nắng xôn xao nhảy múa trên mặt nước loang loang. Vi cười nho nhỏ, dường như cô ấy rất vui. Tôi không thích chim, chúng gợi nhớ những kỷ niệm u buồn của tuổi thơ. Thà liệng bánh dư vô thùng rác còn hơn là thơ thẩn mang bánh ra bờ sông cho chim ăn. Nhưng tôi làm điều này vì Vi, lúc đó tôi bỗng nhìn Vi như một đứa con nít. Một đứa nhỏ đang hạnh phúc vì có được điều mà nó muốn. Hết bánh mì rồi, mấy con chim cũng đảo cánh bay đi. Đàn vịt trời lười biếng thả mình theo dòng nước, trôi xa dần. Chúng tôi đứng dưới tàn liễu rũ, nhìn sang bên kia bờ sông. Hai toà nhà kính của Bộ Nội Vụ như hai cây cột sừng sững phản chiếu màu trời xanh thẫm. Chiếc tàu giả dựng trên bờ cát đầy những đứa con nít. Tụi nó vọc cát bên mạn tàu, đánh đu trên dây thừng, trèo lên tận cột buồm và la hét inh ỏi như những tên cướp biển. Bỗng nhiên rồi Vi nắm lấy tay tôi, tiếng thở dài của cô ấy như làn sương mỏng, nhưng nó không dễ dàng tan loãng trong gió chiều. Nó mang một tâm tư quá lộ liễu để một người đàn ông cảm nhận được tình cảnh hiện tại. Nếu tôi vòng tay sang, chắc chắn Vi sẽ ngoan ngoãn ngả đầu lên ngực tôi. Đôi mắt đen long lanh của nàng lại ngước lên tìm kiếm.

Thôi em, một buổi chiều êm đềm tĩnh lặng như vầy, thanh thản biết bao nhiêu.

Tôi đứng trên đầu cầu chờ Vi, đã hơn 18 giờ, không rõ cô ấy có đến hay không.

"Robert. Vi sẽ không đến. Mày mất cô ấy rồi."

Vi sẽ không đến? Mà… tôi cũng không nhớ rõ mình có gọi điện cho cô ấy hay không. Có thể đó là cú điện thoại trong giấc mơ, khi tỉnh giấc tôi lại cứ tin rằng, Vi hẹn tôi đến đây. Lẽ ra tôi có thể mở lại di động để kiểm tra  cuộc gọi đi, nhưng tôi chỉ đứng trên cầu nhìn sững dòng nước chảy. Sự thật chẳng có ý nghĩa gì đâu. Tiếng nước vỗ miên man trên bờ hồ, tiếng đập cánh của lũ vịt trời, mùi hương hoa thủy thảo. Những hình ảnh lẫn lộn lại chao đảo, sương tím về phủ kín bờ cầu. Bàn tay tôi lục lọi trong túi quần tìm điện thoại, lại chỉ tìm thấy chùm chìa khoá, cái điện thoại biến mất đi đằng nào.

"Robert. Mày làm mất mẹ cái điện thoại rồi. Mày đánh mất mọi thứ. Đồ điên loạn."

Verdammt! Tôi không kìm được chỉ muốn chửi thật to. Người đàn bà đi ngang qua trố mắt nhìn tôi bực dọc. Bà già nghiêm nghị có mái tóc hớt ngắn lốm đốm bạc, mặc một cái áo khoác rộng màu đỏ cà chua. Con chó già nua đang chạy lon ton phía trước, bỗng dừng lại khịt khịt đánh hơi mấy cái rồi khụy chân đái. Cái chân trước hơi bị thọt nhấc lên khỏi mặt đất, đong đưa trong cơn khoái cảm xả nước. Đám lông trên lưng nó xác xơ, từng mảng rụng trụi để lại khoảng da nhăn nheo. Một con chó xấu xí.

Tôi lần mò lôi chùm chìa khoá trong túi quần ra, những cái chìa khoá xa lạ nằm trong lòng bàn tay. Cách đây mấy tháng tôi làm mất chùm chìa khoá, cũng chẳng rõ mất ở đâu, vào lúc nào và tại làm sao. Thật là khủng khiếp, bao nhiêu thứ rắc rối kéo đến khi người ta đánh mất chìa khoá. Verdammt! Tôi lại buột miệng chửi, cố nhét chùm chìa khoá thật sâu vào túi quần. Túi quần tôi đầy giấy. Tôi lôi nùi giấy lộn ra, cẩn thận lật từng cái và không dám tin vào mắt mình. Bốn cái hóa đơn quần áo lót Hunkermöller. Một cái hóa đơn áo nịt thể thao Ergee. Ba hóa đơn dầu thơm và mỹ phẩm KaDeWe. Một hóa đơn áo khoác PC Cloppenburg. Tổng cộng gần một ngàn năm trăm euro. Toàn là đồ phụ nữ mắc tiền. Chẳng lẽ tôi mua đồ phụ nữ cho chính mình. Vậy nó nằm ở đâu? Trong căn hộ của tôi ngoài hai cái áo ngủ của Vi và vài thỏi son đỏ, chẳng còn thứ áo quần và mỹ phẩm nào của phụ nữ. Hay tôi mua tặng ai? Không. Người ta không thể tặng nhau áo lót. Thứ đó phải tự thử, đám người mẫu của tôi thường phải thử tới thử lui, không có bộ ngực nào giống bộ ngực nào. Tôi nhét mớ giấy kỳ lạ vô thùng rác công cộng rồi gập mình nôn mửa.

Trời đổ mưa. Chiếc xe đậu ở khoảng nào tìm mãi không ra. Mưa ào ạt.

Tôi lầm lũi bước dọc theo con đường đá lấp xấp nước. Mưa đổ màu trắng bạc, thả những quầng nước loang loang chập chùng trên sông. Ở ngã ba cầu sắt, con đường Calvin nằm về phía tay phải. Những hàng cây hạt dẻ vàng vọt, sầu trĩu trong mưa lạnh. Phía trước kia là nhà tù Moabit. Bức tượng thằng đàn ông giấu mặt đứng sau lần song sắt hiện lên trên bờ tường trắng – gã đàn ông giấu mặt – cánh cổng sắt đen đúa khép kín – khung cửa kính của những tháp canh lấp lánh trên cao. Tôi không quen gã, tôi không biết gã là ai.

Nước mưa chảy dài trên mặt, tôi mệt mỏi áp đầu lên thân cây dẻ. Người tôi trống rỗng, sức lực mất dần đi, tri thức cạn kiệt nghèo đói. Thằng nhỏ gầy gò đang gặm mấy cái móng tay cáu bẩn, lải nhải khóc.

"Im đi." Tôi la lên.

Thằng nhỏ đệt mặt nhìn tôi, ngớ ngẩn hỏi:

"Sự đần độn có trước hay sự điên dại có trước?"

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét