Báo Süddeutsche Zeitung giải thích:
CÁC CHỈ SỐ THỐNG KÊ HỮU ÍCH TRONG CHIẾN DỊCH CHỐNG CORONA CỦA ĐỨC
17. April 2020, 16:10 Uhr
Link
*
Tỷ số lây nhiễm dưới 1,0 có nghĩa là gì⚡️
Tin tức tốt nhất trong ngày là, tỉ số lây nhiễm đã có một con số 0
trước dấu thập phân. Viện Robert Koch (RKI) vừa công bố trong bản báo
cáo thời sự, tỉ số lây nhiễm hiện nay đã giảm xuống còn 0,7. Con số các
ca nhiễm mới đang giảm nhẹ. Nhưng con số này thực sự có ý nghĩa gì? Chỉ
tiêu quan trọng “Khoảng thời gian nhân đôi” (Verdoppelungszeit) đã biến
đi đâu? Và tại sao RKI với tư cách là cơ quan hàng đầu của Đức trong
việc theo dõi các bệnh truyền nhiễm không phát đi tín hiệu an toàn? Báo
Süddeutsche Zeitung giải thích, các chỉ số thống kê nào hữu ích để theo
dõi sự lây lan của Sars-CoV-2.
°
Reproduktionszahl, tỉ số lây nhiễm và cách tính⚡️
Việc xác định tỉ số lây nhiễm (Reproduktionszahl), thông thường cũng
được gọi là tỷ lệ lây nhiễm (Ansteckungsrate), chỉ là một công cụ thống
kê để đánh giá sự lây lan của dịch corona. Nó dựa trên số lượng nhiễm
trùng mới, nhưng có nhiều điều không chắc chắn. Do đó, Viện Robert Koch
nói rằng tỉ số lây nhiễm chỉ là "ước tính". Tuy nhiên, tỉ số lây nhiễm
trong giai đoạn hiện tại của dịch là một thông số rất hữu ích. Bởi vì nó
nói có bao nhiêu người bị lây nhiễm từ một người bệnh.
Tỷ lệ lây
nhiễm trong tự nhiên là tỉ số lây nhiễm cơ bản R0. Con số này cho biết
có bao nhiêu người bị nhiễm từ mỗi bệnh nhân, nếu virus được phát tán tự
do và chưa có ai miễn dịch với nó. Đối với Sars-CoV-2, con số này nằm
trong khoảng từ 2,4 đến 3,3 dựa trên nghiên cứu mới nhất. Một người
nhiễm bệnh thường truyền virus cho hai đến ba người, so với các bệnh
truyền nhiễm khác tỉ lệ này không nhỏ, nhưng cũng không lớn lắm. Với
việc hạn chế ra đường, đóng cửa kinh doanh và đóng cửa trường học, các
chính phủ trên thế giới đã cố gắng trong những tuần gần đây để làm chậm
quá trình tự nhiên này và làm giảm tỉ số lây nhiễm xuống. Một người
nhiễm bệnh sẽ không còn tiếp xúc với nhiều người nữa.
Bây giờ nước
Đức đã đạt đến điểm mốc. Theo tính toán của RKI, tỉ số lây nhiễm, còn
được gọi là tỉ số R, hiện tại là khoảng 0,7. Một người nhiễm bệnh hiện
đang truyền virus cho ít hơn một người khác, vì vậy, số ca nhiễm mới
đang thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu tỉ số lây nhiễm tăng trở lại do sự nới
lỏng các biện pháp chống dịch, thì có nghĩa là, mầm bệnh đang phát tán
dữ dội trở lại. Với tỉ số lây nhiễm luôn bằng 1, sự phát tán mần bệnh sẽ
ổn định. Với giá trị lớn hơn 1, sự phát tán mầm bệnh gia tăng. Con số
càng cao, tốc độ lây càng nhanh. Ở tỉ số 1,3 các bệnh viện sẽ bị đẩy đến
giới hạn quá tải vào tháng 6, Thủ tướng Merkel nói.
Sự khác biệt
tuy nhỏ về tỉ số lây nhiễm nhưng lại có thể mang một tác động rất lớn.
Do đó, điều quan trọng là phải biết rằng, việc tính toán tỉ số lây nhiễm
cũng dễ bị sai sót. Ngoài ra, nó có thể được xác định theo nhiều cách
khác nhau. Một cách tính đơn giản, các nhà khoa học tại Viện Robert Koch
tính con số này bằng cách giả sử rằng một người nhiễm bệnh lây cho
người khác trung bình bốn ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Do đó, họ so sánh
các trường hợp nhiễm mới được báo cáo trong một ngày với số ca nhiễm mới
được báo cáo bốn ngày trước để xác định tỉ số lây nhiễm. Ngay cả khi
con số vừa rồi chỉ là kết quả của thủ thuật thống kê, thì sự tăng trưởng
của con số được tính toán mỗi ngày vẫn cho thấy xu hướng của sự lây
lan.
°
Verdoppelungszeit, số thời gian nhân đôi số ca nhiễm⚡️
Cho đến gần đây, “thời gian nhân đôi” được coi là chỉ số quan trọng
đánh dấu tình hình lây nhiễm. Süddeutsche Zeitung cũng đã đưa giá trị
này vào các biểu đồ của diễn tiến đại dịch. Chỉ tiêu này cho biết, sau
bao nhiêu ngày thì số người nhiễm bệnh sẽ tăng gấp đôi. Nhưng việc tính
toán thời gian nhân đôi không phải là không có vấn đề, có nhiều cách
tính khác nhau.
Tuy nhiên, trên hết, sự lây lan của virus càng được
kiểm soát, thì tầm quan trọng của giá trị này càng giảm đi. Bởi vì thời
gian nhân đôi chỉ phù hợp để mô tả các quá trình tăng trưởng theo cấp số
nhân; nếu virus lây lan chậm hơn, nó không còn khả năng đánh giá hữu
hiệu. Do các biện pháp đa dạng chống lại dịch corona ở Đức và ở nhiều
quốc gia khác, virus này không còn có thể được phát triển theo cấp số
nhân. Đây là tin tốt và chỉ ra rằng các biện pháp được thực hiện đang có
hiệu lực. Bởi vậy thời gian nhân đôi không còn là một chỉ số đánh giá
tối ưu nữa.
(Lời người dịch: Trước lễ Phục Sinh, Verdoppelungszeit
từng là chỉ số quan trọng hàng thứ ba trong chiến dịch chống corona. Nó
được công bố hàng đêm trên đài truyền hình, ngay sau con số ca nhiễm và
ca tử vong. Thời gian ban đầu, con số này dao động trong khoảng 3-4
ngày. Đó là khoảng thời gian con số ca nhiễm tăng vùn vụt. Cứ sau 3-4
ngày là con số nhân lên gấp đôi. Cùng với các biện pháp chống dịch, số
ngày cần thiết tăng dần lên. Sau lễ Phục Sinh, Verdoppelungszeit tăng
lên trên 30 ngày. Ở mức độ an toàn này, chính quyền Đức ngưng tính
Verdoppelungszeit mà tập trung vào chỉ số Reproduktionszahl. Những chỉ
số này nói lên từng bước chống dịch theo kế hoạch của các nhà khoa học
Đức.)
°
Neuinfektionen, số ca nhiễm mới⚡️
Con số này mang lại một ấn tượng rất thuyết phục về sự lây lan của
virus. Nó chỉ ra có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh mỗi ngày. Nếu nó tiếp
tục giảm hoặc ít nhất là không thay đổi, virus có phần bị kiểm soát. Nếu
số ca nhiễm mới tăng trở lại, sẽ có nguy cơ trở lại thời kỳ tăng trưởng
theo cấp số nhân.
Vấn đề là, không ai biết được số lượng nhiễm
trùng mới thực sự là bao nhiêu. "Theo quy luật tự nhiên, không ai có thể
biết hoặc xác định chính xác số lượng nhiễm trùng trên thực tế", Viện
Robert Koch viết. So với các quốc gia khác, ở Đức có rất nhiều người
được xét nghiệm để xem họ có nhiễm virus corona hay không. Nhưng nhiều
trường hợp vẫn ở trong bóng tối vì không phải tất cả mọi người đều có
triệu chứng và không phải tất cả những người có triệu chứng đều đi khám.
Ngoài ra, có một khoảng thời gian chậm trễ tính từ khi nhiễm trùng đến
khi phát hiện nhiễm trùng. Các nhà khoa học tin rằng mọi người chỉ xuất
hiện các triệu chứng năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh, nhưng lại truyền
nhiễm cho người khác hai ngày trước khi phát bệnh. Tuy nhiên, không có
hệ thống khảo sát nào tốt đến độ, có thể đưa ra một công bố về tiến
trình lây nhiễm hiện tại mà không cần các giả định và tính toán bổ sung.
°
Số người miễn dịch⚡️
Về lâu dài, tỉ số lây nhiễm cũng sẽ tự giảm. Bởi vì càng nhiều người
miễn dịch với Sars-CoV-2, thì càng ít người bị lây nhiễm, sự phát tán
của virus càng giảm. Để số lượng nhiễm trùng mới giảm mà không cần biện
pháp gì thêm, khoảng 2/3 dân số phải miễn dịch với virus corona chủng
mới, tức là họ phải trải qua bệnh hoặc được bảo vệ bằng vaccine, tuy
nhiên vaccine thì chưa có. Sau đó, cái gọi là miễn dịch cộng đồng sẽ đạt
được, thông qua đó virus được cầm giữ một cách tự nhiên. Trong trường
hợp này, một người bị nhiễm bệnh chỉ có thể lây nhiễm rất ít người khác.
Do đó, để ước tính mối nguy hiểm hiện tại từ virus corona mới, sẽ tốt
hơn nếu biết khả năng miễn dịch trong dân số hiện tại là bao nhiêu. Tuy
nhiên, điều này vẫn còn hoàn toàn chưa thể biết vào lúc này. Một số
nghiên cứu đang cố gắng làm rõ điều này bằng cách tìm kiếm kháng thể với
Sars-CoV-2 qua việc thử máu của người dân.
Ở thị trấn Gangelt thuộc
quận Heinsberg - Bayern, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, các nhà
khoa học từ Bệnh viện Đại học Bonn gần đây đã báo cáo rằng 15% dân số
có thể miễn dịch, nhưng ý nghĩa của kết quả này vẫn còn gây tranh cãi.
Ngoài ra, giá trị này không thể chuyển sang các khu vực khác của Đức,
nơi bị nhiễm trùng ít nghiêm trọng hơn, ở đây khả năng miễn dịch của dân
số sẽ thấp hơn điểm nóng Heinsberg.
°
Số giường chăm sóc đặc biệt⚡️
Mục tiêu đặc biệt quan trọng của các biện pháp chống lại coronavirus là
không làm quá tải hệ thống y tế. Chừng nào người bệnh có được sự trợ
giúp y tế tốt nhất, số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và tử vong do
Sars-CoV-2 sẽ bị hạn chế. Do đó, số lượng người nhập viện và tỷ lệ sử
dụng giường chăm sóc đặc biệt sẽ là những chỉ số tốt để theo dõi diễn
tiến dịch bệnh.
Tuy nhiên, hiện tại, số lượng giường chăm sóc đặc
biệt còn trống ở Đức không được thống kê cụ thể. Cũng có một yêu cầu
đăng ký sát sao hơn, nhưng cho đến nay không phải tất cả các nhà thương
đều tham gia và các báo cáo thường bị trì hoãn. Bộ trưởng Y tế Jens
Spahn (CDU) gần đây đã ra lệnh rằng tất cả các bệnh viện nên báo cáo số
giường trống cho cơ quan đăng ký để có thể chủ đạo theo dõi tình hình ở
các nhà thương.
🔸
Đăng trên f, 21.04.2020
https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/672767760192315
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét