Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Vương quốc Bỉ: Tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới

Tuần này, báo chí Đức xoay vòng quanh các vấn đề ở vương quốc Bỉ. Một quốc gia nhỏ xíu với 11 triệu dân, là nơi tập trung quyền lực của cả châu Âu: Ủy ban châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và nhiều tổ chức quốc tế lớn khác. Đột nhiên, nó tạo nên một sự chú ý ngoài ý muốn: tỉ số tử vong vì corona ở Bỉ tăng vọt lên, dẫn đầu thế giới.
Những bài báo nói về thực trạng đau buồn của nước Bỉ trở thành những bản tin nóng mà người đọc phải trả tiền. Tôi có đọc qua, nhưng vì là báo trả tiền nên tôi không dám dịch cho bạn bè đọc chùa. Ở đây tôi chọn ba tờ báo khác, hợp lại cũng đầy đủ thông tin. Đặc biệt là bài của Focus “Höchste Todesrate weltweit: Belgien steht vor Corona-Rätsel“. Focus, Spiegel, Stern là 3 tạp chí hàng tuần uy tín ở Đức, có tầm nhìn bao quát và có số lượng bản in lớn nhất.
Theo các bài báo, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ số tử vong cao đặc biệt của Bỉ là “họa vô đơn chí“. Cuối năm 2019, Bỉ tiêu hủy sáu triệu khẩu trang FFP2 và trang bị bảo hộ từ đợt cúm heo năm ngoái vì hết hạn sử dụng. Đầu năm 2020, Bỉ thực hiện kế hoạch mua lại khẩu trang và trang bị dự phòng thì gặp khó khăn với Trung Quốc. Tháng hai, đại dịch bùng nổ ở châu Âu, Bỉ hết cơ hội thu mua. Suốt thời gian từ đầu đại dịch đến nay, nhân viên y tế và nhân viên làm việc trong trại chăm sóc, viện dưỡng lão ở Bỉ phải làm việc trong điều kiện không có khẩu trang và quần áo bảo vệ. Mặc dù y tế Bỉ rất mạnh, số giường bệnh dồi dào, con số tử vong vẫn tăng vùn vụt từ các viện dưỡng lão.
Những nguyên nhân khác, các bạn có thể tìm thấy trong bản dịch bên dưới.
💥
“Höchste Todesrate weltweit: Belgien steht vor Corona-Rätsel“
Mehr als 5800 Tote hat das Coronavirus in Belgien bereits gefordert – gemessen im Verhältnis zur Einwohnerzahl so viele Menschen wie in keinem anderen Land der Welt. Was ist die Ursache?
*
Tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới: Bỉ phải đối mặt với câu đố Corona
Virus corona đã gây ra hơn 5.800 ca tử vong ở Bỉ - nếu chia cho số lượng cư dân thì tỉ lệ này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nguyên nhân là gì?
*
Một tuần trước, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès tuyên bố rằng việc hạn chế đi lại đang rất nghiêm ngặt ở đất nước 11 triệu dân này sẽ được kéo dài thêm hai tuần nữa - cho đến ngày 3/5. Ngay cả khi tốc độ lan truyền virus chậm lại, thì cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, Wilmès nói. Ở Bỉ, người ta chỉ có thể rời khỏi nhà với một vài ngoại lệ - ví dụ như để mua sắm, đi bộ hoặc chạy bộ.
Nhưng đồng thời, hội đồng an ninh của đất nước cũng ban hành một số biện pháp nới lỏng. Vậy là cửa hàng vật liệu xây dựng, dụng cụ làm vườn có thể mở cửa trở lại trong cùng điều kiện như cửa hàng thực phẩm. Những người sống trong nhà chăm sóc và viện dưỡng lão cũng như những người già độc thân có thể được tiếp một người thăm nom trong những điều kiện nhất định.
*
Tình hình trong các khâu chăm sóc vẫn còn khó khăn ⚡️
Hơn hết, biện pháp nới lỏng cho các trung tâm chăm sóc và viện dưỡng lão bây giờ mang nặng vấn đề: Theo Đại học John Hopkins, 5828 người ở Bỉ hiện đã chết vì vi rút corona (tính đến sáng thứ ba) - con số tử vong này nhiều hơn cả Đức. Bỉ thậm chí đứng hàng đầu thế giới về tỉ lệ tử vong tính trên đầu dân số. Hơn một nửa số ca tử vong đã được ghi nhận ở viện dưỡng lão và nhà chăm sóc.
Ngoài ra, một kỷ lục đáng buồn đã được báo cáo vào thứ Sáu tuần trước: Như các cơ quan y tế của Bỉ đã công bố vào thứ Sáu, có tới 313 người khác đã chết trong vòng 24 giờ. Tổng cộng, gần 40.000 người trong nước hiện đã bị nhiễm loại virus mới này.
Benoît Ramacker, phát ngôn viên của trung tâm khủng hoảng quốc gia cho biết: "Sức tấn công của virus đang suy giảm, nhưng tình hình trong lĩnh vực chăm sóc vẫn còn khó khăn".
*
Các trường hợp nghi ngờ trong viện dưỡng lão cũng được đưa vào thống kê ⚡️
Nhưng tại sao số người chết do corona ở Bỉ lại cao hơn nhiều so với các nước láng giềng châu Âu? Theo tuyên bố của chính phủ Bỉ, họ đang tuân thủ "sự minh bạch tối đa": trong 1.500 viện dưỡng lão của quốc gia, mọi cái chết được cho là có liên quan đến coronavirus đều được đếm, mà không nhất thiết phải có xét nghiệm chứng minh.
Ở các nước láng giềng châu Âu thì khác. Pháp và Anh chỉ mới bắt đầu đưa người chết vì corona trong viện dưỡng lão vào thống kê của họ. Ví dụ, ở Anh chỉ có trường hợp tử vong tại các nhà thương là được ghi nhận. Bất cứ ai chết vì Covid-19 tại nhà hoặc tại nhà chăm sóc đều không được tính vào sổ. Tỷ lệ tử vong của Đức cũng được các nhà nghiên cứu mang ra thảo luận. Bỏ ra ngoài việc nước Đức có nền y tế hoàn hảo, việc định nghĩa nguyên nhân cái chết ở mỗi nước, mỗi tiểu bang cũng góp phần mang đến những giá trị tỉ lệ tử vong khác nhau. Viện Robert Koch (RKI) của Đức đếm tất cả các trường hợp tử vong trong đó Sars-Cov-2 được xác minh. Thành phố Hamburg thì lại khắc khe hơn. Ở đó, những người đã chết được khám nghiệm tử thi để xác định xem Covid-19 có thực sự là nguyên nhân gây tử vong hay không.
Trong nhiều tuần, các nhà phê bình đã chỉ trích thực tế rằng các số liệu thống kê ở Vương quốc Anh cho đến nay hầu như không ghi nhận bất kỳ cái chết nào trong viện dưỡng lão. Rosalind Altmann, một thành viên của Hạ viện Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn của BBC rằng cô rất chú ý vấn đề này. Cư dân trong các viện dưỡng lão đã nói với cô rằng họ cảm thấy "giống như những con cừu nằm ở lò mổ".
*
Các điều dưỡng làm việc trong nhiều tuần không có thiết bị bảo vệ⚡️
Ở Bỉ, tỷ lệ tử vong cao trong viện dưỡng lão, ngoài những điều khác ra, có lẽ là do thực tế là các y tá và nhân viên làm việc trong nhiều tuần không có trang thiết bị bảo vệ phù hợp. Như tờ nhật báo "Le Soir" đưa tin, số lượng nhiễm bệnh cao trong các nhân viên điều dưỡng đã dẫn đến việc virus lây lan sang người được chăm sóc. Cho đến hôm nay, trang thiết bị bảo vệ vẫn còn thiếu ở nhiều nơi.
Đáng chú ý là, cuối năm 2019 Bỉ tiêu hủy sáu triệu khẩu trang FFP2 và trang bị bảo hộ từ đợt cúm heo năm ngoái vì đã hết hạn sử dụng. Thiết bị bảo vệ này sau đó không kịp mua lại và hiện vẫn đang thiếu.
*
Vô số người Bỉ từng sang Ischgl du lịch⚡️
Vô số khách du lịch Bỉ đi trượt tuyết ở điểm nóng Corona Ischgl của Áo đã trở về nhà và mang theo virus.
Ngoài ra còn có một số lý do: Mật độ dân số nước này quá cao. Bỉ cũng là tâm điểm thông thương của hệ thống giao thông châu Âu.
Tờ báo Spiegel cũng nêu quan điểm, ô nhiễm không khí cao ở nhiều thành phố có thể là một lý do song song để biến thành phố này thành điểm nóng corona, ví dụ như ở Lobardei, Madrid và New York. Tuy nhiên, điều này không được chứng minh.
*
Các chính trị gia lúc ban đầu đã đánh giá thấp virus⚡️
Những người có trách nhiệm ở Bỉ rõ ràng đã phản ứng rất chậm. Nhà virus học Steven Van Gucht ban đầu chỉ nói về "loại cúm mùa nghiêm trọng". Bộ trưởng Y tế Maggie de Block thậm chí còn tuyên bố khi bắt đầu các biện pháp Lockdown rằng các quán ăn yêu thích của Pháp sẽ vẫn mở. Mãi sau đó họ mới chịu đóng cửa giống như các nhà hàng khác trong nước.
"Lúc đầu họ đánh giá thấp virus corona và chờ đợi một thời gian tương đối dài để có biện pháp đối phó", báo "Spiegel" trích lời Dirk Rochtus, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Công giáo Löwen. Một lý do chờ đợi: khó tìm được sự đồng thuận trong chính phủ. Chỉ sau vài tuần, người đứng đầu chính phủ mới có đa số phiếu thuận trong quốc hội.
Có còn hơn không, sự lây lan corona trong toàn dân đã giảm do các biện pháp phòng chống được thực hiện. Cũng may, Bỉ không thiếu hụt máy thở và giường chăm sóc đặc biệt.
⚡️
Đăng trên f, 22.04.2020
https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/673404333461991

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét