Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Khi những kẻ chuyên quyền chống lại virus

Đây là một bài báo đăng trên Spiegel vào ngày 31.03. Tôi vẫn chọn dịch vì tính khái quát của nó. Những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Philippine hiện đang có những bài phân tích mới rất sát sườn mà tôi rất muốn lần lượt dịch qua (hy vọng cuối tuần này). Ở một khía cạnh khác, chỉ sau hơn ba tuần bùng nổ dịch bệnh, những nước từng dùng chính sách chống dịch bằng “đàn áp” này đang ở vào top lây nhiễm.
Thổ Nhĩ Kỳ hàng 7 thế giới, Nga hàng 10 thế giới, Philippine hàng 3 Đông Nam Á, nhưng họ chưa đạt được điểm dừng và chính quyền không hề có một kế sách chống dịch cụ thể nào ngoài việc nhốt dân và đàn áp bạo tàn.
Giới thiệu với các bạn, bản tin của Christina Hebel, Katrin Kuntz và Maximilian Popp:
Dịch từ bản gốc: Link
💥
Những kẻ chuyên quyền chống lại virus bằng cách: PHỦ NHẬN, CHỐI BỎ, ĐÀN ÁP
Trong cuộc khủng hoảng corona này các nhà cai trị độc đoán đang ra sức đàn áp những người phê phán. Họ muốn hạn chế quyền tự do ngôn luận hơn là cho người dân biết thông tin về virus.
31.03.2020, 18:45 Uhr
*
Ở Thái Lan, người nào phê phán chuyện Corona sẽ phải vào tù: Danai Ussama, một nghệ sĩ người Thái, đã bay từ Barcelona đến Bangkok vào giữa tháng ba. Anh ta rất ngạc nhiên khi không được kiểm tra Covid-19 tại sân bay. Vào ngày 16 tháng 3, anh đã đăng quan sát của mình lên Facebook. Một tuần sau, cảnh sát Thái Lan bắt giữ anh ta trên đảo du lịch Phuket.
Nhà điều hành sân bay cáo buộc người nghệ sĩ cố ý gây ra "sự hoảng loạn trong dân chúng" với thông tin sai lệch. Bài đăng của anh tạo cảm giác như ở sân bay Bangkok người dân không được kiểm tra tử tế. Nếu nghệ sĩ này bị kết tội, anh có thể phải ngồi tù tới năm năm.
Các nhà cai trị độc tài - dù ở Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga - trước khi có cuộc khủng hoảng corona vốn đã không quan tâm đến quyền tự do ngôn luận. Tình hình hiện nay càng làm trầm trọng thêm thực tại này.
Ở một số quốc gia, cuộc khủng hoảng corona đã dẫn đến những hạn chế nặng nề quyền tự do ngôn luận và hướng đến sự vi phạm nhân quyền. Các đạo luật khẩn cấp là để bảo vệ người dân khỏi Covid-19 lại đang được sử dụng để đàn áp. Như thủ tướng Hungary Viktor Orbán, kẻ đang xây dựng chế độ độc tài ở giữa châu Âu, lại được Quốc hội Hungary chuyển giao cho toàn bộ thẩm quyền đặc biệt để chống lại đại dịch corona
*
Người tố giác ở Thái Lan bị đe dọa⚡️
Chính phủ thống trị quân sự ở Thái Lan, nơi có 1524 ca nhiễm corona được thống kê, từ lâu đã nổi tiếng là đàn áp các những người chỉ trích. Trong cuộc khủng hoảng corona, chính phủ của Thủ tướng Prayut đã vươn dài cánh tay quyền lực.
Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, những người tố giác đang làm việc trong hệ thống y tế và các nhà báo phê bình đang bị nhà cầm quyền uy hiếp, nếu họ chỉ trích phản ứng của chính quyền đối với Covid-19. Chính quyền cũng đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên y tế hoặc thu hồi giấy phép nếu họ phàn nàn rằng nhà thương thiếu trang thiết bị.
*
Ở nước láng giềng Campuchia⚡️
Lãnh đạo Hun Sen đang sử dụng cuộc khủng hoảng corona để tăng cường đàn áp các nhà bất đồng chính kiến. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ghi nhận việc bắt giữ 17 người đã chia sẻ thông tin về Covid-19 kể từ tháng 1 năm 2020.
Trong số những người bị bắt có bốn người ủng hộ Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP), một đảng đối lập đã bị giải tán vào năm 2017, và bị Hun Sen không ngừng bức hại tàn nhẫn. Một bé gái 14 tuổi đã bình luận trên Facebook về các trường hợp nhiễm corona có thể xảy ra ở trường và địa phương của cô, đã bị bắt và phải xin lỗi công khai.
"Chính phủ Campuchia dường như quan tâm nhiều đến việc bịt miệng các nhà phê bình Online hơn là khởi động một chiến dịch thông tin công khai, mạnh mẽ chống lại Covid-19," Phil Roberts, phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng. Chính phủ Hun Sens đang lo ngại về tiếng tăm của họ. Quốc gia Đông Nam Á này với 103 trường hợp nhiễm corona được ghi nhận, hiện vẫn chưa có được một chiến dịch y tế.
Tại Philippines, nơi có 1418 ca nhiễm được biết đến, Tổng thống Rodrigo Duterte đang đàn áp những người vi phạm các biện pháp Covid 19. Duterte đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ba tháng và bảo đảm các quyền đặc biệt cho phép bắt giữ tùy tiện. Hàng trăm người đã bị nhốt lại. Một số bị giam giữ dưới ánh mặt trời trong những cái chuồng chó, thậm chí bị tống vào quan tài(*). Những người khác bị nhồi nhét vào các trại giam đông đúc qua đêm.
*
Tin nhạy cảm bị đàn áp ở Thổ Nhĩ Kỳ⚡️
Trong một thời gian dài, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng corona là vấn đề của tất cả các quốc gia khác. Trong khi số ca nhiễm tại các quốc gia láng giềng như Iran, Iraq và Hy Lạp, đã gia tăng từ lâu, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 3 vẫn giả vờ rằng đất nước của ông đã loại bỏ được virus một cách kỳ diệu.
Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca đảm bảo với người dân rằng “căn bệnh“ sẽ tự khỏi sau tối đa hai tháng. Truyền thông do chính phủ tuyên bố rằng người Thổ Nhĩ Kỳ miễn dịch với loại bệnh này do gen của họ.
Rồi tới lúc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không còn có thể bỏ qua quy mô của đại dịch. Theo các nhà chức trách, gần 8.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiễm virus và hơn 100 người đã chết (**). Số lượng các trường hợp không báo cáo có khả năng cao hơn đáng kể.
Tuy nhiên, Ankara sợ phải đối mặt một cách minh bạch với những vấn đề:
- Tổng thống Erdogan, người trước đây thường có mặt ở khắp nơi, bây giờ khó thấy mặt.
- Ông ta gửi bộ trưởng y tế của mình ra tuyến đầu, một kẻ rõ ràng đang choáng váng vì tình hình.
- Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế từ nhiều tháng.
-Erdogan rõ ràng lo ngại rằng sự suy giảm kinh tế sẽ càng tăng tốc nếu vì đại dịch corona, mùa hè không thu hút được khách du lịch.
Chính phủ do đó đang đàn áp những tin tức không mong muốn. Ngay trước cuộc khủng hoảng corona, Erdogan đã hạn chế thảm thương quyền tự do ngôn luận ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà báo đã bị bức hại như những kẻ khủng bố trong nhiều năm. Chiến lược này giờ được tổng thống thúc đẩy thêm.
Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đã bắt giữ 410 người trong vài tuần qua - với cáo buộc các đăng bài corona "khiêu khích" hoặc "gây hiểu lầm" trên phương tiện truyền thông xã hội. Trong số những người bị giam giữ này có nhiều nhà báo.
*
Nga: chiến dịch dập tắt, phạt tiền, phạt tù⚡️
Ở Nga cũng vậy, cơ quan giám sát truyền thông và công tố viên nhà nước đang hành động nghiêm ngặt - với việc chặn nội dung trực tuyến, xóa bài, phạt tiền và trong tương lai còn là án tù. Truyền bá tin giả và những gì chính quyền coi đó là hành vi vi phạm hành chính giờ trở thành vấn đề hình sự. Hạ viện Nga sẽ phê chuẩn tăng thêm hình phạt vào thứ Ba.
Bản tin ngắn gọn, với dòng chữ: "Một bệnh nhân nghi ngờ bị nhiễm corona đã chết trong bệnh viện ở vùng Magadan". Nó được xuất bản trên trang web "Goworit Magadan", tại một thành phố cảng ở Viễn Đông của Nga.
Thông tin chỉ trực tuyến trong vài ngày rồi Tatiana Brajs phải xóa bỏ nó. Cơ quan quản lý truyền thông cáo buộc bản tin của Brajs là truyền bá "tin vịt". "Điều đó không đúng. Chúng tôi đã đưa tin cùng với đường links cho nguồn tin của chúng tôi trong bệnh viện và Bộ Y tế", nhà báo nói trên điện thoại. "Chúng tôi không khẳng định rằng, bệnh nhân ấy đã chết vì Corona."
Nhưng các nhà chức trách không quan tâm đến những chi tiết như vậy - "Hiện tại họ đang rất lo lắng", Brajs nói. Hệ thống đưa tin của anh thậm chí còn gặp áp lực lớn hơn, nó là hệ thống độc lập duy nhất trong khu vực, nơi các phương tiện truyền thông đều bị nhà nước thống trị, như tất cả mọi nơi trong nước. Cho đến thứ ba, chính thức không có người nhiễm bệnh trong khu vực, người đàn ông trong bệnh viện được cho là chỉ chết vì chứng viêm phổi.
Ở Nga con số ca nhiễm đã ở mức thấp đáng kể trong một thời gian dài, mặc dù bây giờ nó đang tăng nhanh hơn, nhưng chính thức không có bất kỳ trường hợp tử vong nào - cho đến khi có bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin vào giữa tuần trước.
Theo thời gian, các nghi vấn càng trở nên lớn hơn trước tin tức mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân ở nước ngoài được tìm thấy, điều này đặt ra nhiều câu hỏi. Ví dụ: Tại sao con số bệnh viêm phổi ở Moscow tăng 37% trong tháng 1 so với cùng tháng này năm trước, theo cơ quan thống kê? Tại sao cơ quan y tế địa phương phủ nhận con số này?
Nhà khoa học chính trị Valery Solovey đã nói chuyện vào giữa tháng 3 trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh đối lập với điện Kremlin về hơn một nghìn cái chết của corona. Một thông tin mà anh ta cho là có từ "các quan chức cấp cao trong các tổ chức chính phủ khác nhau", "những người ngại tiết lộ thân thế". Đài phát thanh sau đó đã phải xóa cuộc phỏng vấn trên trang của mình.
Cơ quan giám sát có thẩm quyền nói rằng một số phương tiện truyền thông đã công bố "thông tin sai lệch" về virus corona và do đó gây nguy hiểm cho "trật tự và an ninh công cộng". Theo "Điều luật đưa tin giả", giờ đây người ta phải đối mặt với mức phạt lên tới 500.000 rúp, khoảng 5.700 euro. Thủ tục tố tụng đã được bắt đầu chống lại tờ báo "Goworit Magadan".
Điện Kremlin vẫn tiếp tục nói rằng: Chúng ta không có dịch.
*
🌸
Đăng trên f, 24.04.2020
https://www.facebook.com/thuphuong.vo.75436/posts/674855809983510

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét