Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần 1: Làng Thổ Phỉ


(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)

*

Trời mưa, mưa mãi. Lá cây trĩu nước dài oặt ra như những cánh tay người chết.

Mẹ đã mất bốn buổi chiều để rang muối ướp xác bố. Mẹ bảo, muối phải thật khô thì xác mới giữ được lâu, bố xứng đáng được khâm liệm như thế. Nhưng muối không thể nào khô được. Trời mưa, mưa mãi. Nước mưa theo những cọng tranh mục trên mái chảy từng dòng xuống bếp. Những lúc nước chảy vào nồi muối, nước nổ bùng lên thành những tiếng kêu gào đau đớn. Cái nồi đất như vòng tay kẻ sát nhân, còng queo, nứt nẻ, mỏng manh nhưng nung nấu một sức mạnh huỷ diệt bạo tàn. Nó lắc lư từng hồi trên bếp, siết chặt cổ bố cho đến khi cái lưỡi đỏ lửa dài ra và tiếng rên hấp hối xì nhẹ như khói.

Mẹ chỉ có một cái nồi duy nhất. Những ngày mưa đói thế này, nó nằm lăn lóc trong góc bếp. Nhờ bố chết, cái nồi mới được lôi ra dùng vào việc rang muối. Mẹ cứ thủng thẳng đợi muối khô, nhưng bố sốt ruột không chịu nổi. Cái xác trong góc nhà đợi được đến ngày thứ năm thì bắt đầu quậy phá. Nước mưa khi ấy đã tràn vào nhà, tràn vào tận mọi ngõ ngách, kéo rác rưởi trôi dập dềnh. Cái xác trương lên bằng nước mưa, cọt kẹt đẩy lớp ván mỏng cong vồng ra như vò rượu. Mẹ bảo gã chặt cây làm đòn tay, kê quan tài bố lên cao. Gã chặt mấy cành căm xe to bằng cổ chân, đóng đòn cao quá đầu gối. Cái xác vẫn tiếp tục hút hơi nước trong không khí, xì ra một mùi hôi thối ghê rợn. Bằng nước mưa, bằng sự đe doạ, bằng nỗ lực trốn thoát, bố đã thò được ngón tay cụt nham nhở máu khô ra khỏi khe ván hở. Gã nhận ra những vết răng người trên ngón tay trỏ. Chín ngón tay còn lại trong quan tài đều bị cô Xen gặm cụt như thế. Có cái còn sưng tấy, có cái đã khô thành sẹo.

Ngón tay thò qua khe ván chỉ ở bên ngoài được nửa ngày thì biến mất. Mẹ hồi hộp bảo:

“Nhanh đấy.”

Gã không ưa vẻ náo nức đê tiện của mẹ dù gã cũng đang mang một bộ mặt náo nức đê tiện y như thế. Sự căng thẳng làm mắt mẹ như hai con ốc lồi trên khuôn mặt mỏng như lá. Sự căng thẳng làm mắt gã trương to như hai con ruồi trên bãi phân quạ đen ướt.

Bao giờ mẹ ướp muối cho bố? Gã hồi hộp nhìn về phía bộ đòn.

Mẹ giấu ánh mắt đói khát sau mái tóc sũng nước, nhưng không nén được tiếng cười khùng khục. Mưa bụi tràn lớp lớp vào nhà. Bụi nước đông thành từng mảng ướt nhèm nhẹp. Tiếng cười của mẹ bị những mảng mưa ép lại, khùng khục trôi đi quanh nhà cùng đám rác ổ chuột.

Đêm, cái xác vùng vẫy dữ dội trên bộ đòn. Gã thò tay xuống nền nhà ngập nước, móc lên cục đất nhão, trám kín hai lỗ tai. Nhưng bố vẫn vùng vẫy, cắn xé, kêu gào sau mấy lần đất trám. Mẹ ngồi bất động, nhìn trừng trừng vào góc nhà. Trước quan tài, hai đốm lửa đỏ cũng trừng trừng nhìn lại mẹ. Nước mưa chảy từng dòng lạnh ngắt trên gáy, nhưng gã không đủ sức đưa tay lên vuốt. Cả người gã căng ra trong một nỗi phấn khích tởm lợm mà gã chưa nếm trải bao giờ.

Mẹ chậm rãi nâng bá súng lên ngang vai. Đoàng. Chít. Tiếng kêu đau đớn chết chóc vỡ toét ra rồi tắt lịm ở góc nhà. Hai đốm lửa đỏ chao vụt biến mất. Mẹ cũng kêu lên một tiếng nghèn nghẹn rồi thả cây súng xuống ngang đùi. Gã co rúm người lại, hai đầu gối nhọn lểu áp sát vào mang tai. Bên ngoài chỉ có tiếng đá tuột ngoài khe, tiếng côn trùng than khóc, tiếng mưa rả rích. Tiếng súng lạc lõng trong đêm đã biến mất trong màn mưa hiu quạnh.

Gã trườn đi như con rắn mối, đến bên mẹ thì thầm đồng loã:

“Ui.”

Mẹ thở hắt ra, bật thành tiếng chửi thề yếu ớt:

“Ui. Không ngờ nổ to thế. Mày nhóm lửa đi. Mẹ giấu súng.”

Gã bò vào góc bếp, kéo kín phên lá. Mẹ vạch mưa, ôm súng bố đi giấu ngoài chuồng bò. Nếu chuyện này lộ ra, mẹ sẽ bị toà án binh căn cứ theo luật sử dụng súng mà bắt tội ô hình. Súng chỉ để dành bắn người chứ không để bắn thú vật. Đấy lại là cây súng của bố. Mẹ lấy trộm súng, tội nặng gấp đôi.

Ánh lửa bập bùng soi lên chiếc bóng mỏng tanh của mẹ, soi lên mớ thịt bầy nhầy trên mặt nước loang đỏ. Đầu con chuột đeo theo đám ruột vướng ở tay đòn. Hai con mắt trắng dã.

Mẹ cần nồi để nấu cháo nên mẹ phải đổ muối ướt lên xác bố. Cái xác chờ đã lâu, gặp được muối là xẹp ngay xuống. Bố khoan khoái thở ra nằm yên như ngủ.

Gã gọi Vãn Thạch dậy ăn cháo. Đã hai tháng trôi qua, từ khi những cơn mưa đầu mùa chấm dứt, họ mới lại ăn cháo. Đấy là những cơn mưa đầu tiên dội xuống tàn cây, sau một mùa nắng sung mãn. Đám sâu bọ trên cây theo nước mưa lộp độp rụng xuống đất như bèo dâu. Gã và Vãn Thạch gom từng rổ sâu bọ, đổ tất cả vào nồi nước sôi của mẹ. Hai đứa không kịp chờ sâu chín nhừ, cứ cầm muôi dừa lao vào mà cướp. Cháo nóng toác cả miệng. Nóng đến độ chẳng còn biết thịt sâu thơm ngon ra sao. Đêm nay cũng thế, trong cái đói tận cùng của mùa mưa, gã và Vãn Thạch húp sì sụp nước cháo nóng bỏng. Mẹ nhai xương rau ráu trong góc bếp, thỉnh thoảng lại cười khùng khục.

Trời mưa, mưa mãi. Nước ngoài khe núi dâng cao đến mép vực. Đàn quạ đã bỏ trốn cả vào hang. Chỉ vài ngày nữa, xác cô Xen sẽ theo nước trồi lên bờ. Bố sẽ chui ra khỏi nhà tù bằng gỗ, lẻn mẹ xuống khe tình tự với cô Xen. Khi bố trở về, bố sẽ giấu bàn tay bị cắn nát vào vạt áo. Mẹ không ưa cô Xen. Cả làng này không ai ưa cô Xen.

Cô Xen theo Lâm tướng quân vào núi từ năm lên mười tuổi, được tướng quân sủng ái đưa lên làm áp trại phu nhân. Cô sanh được bốn thằng con trai. Ba đứa chết trận ở tuổi mười ba. Một đứa lên sởi chết ở tuổi lên năm. Khi nó sắp chết, nó cứ bảo thèm ăn. Cô Xen lấy trộm miếng thịt chồn khô trong kho dự trữ, bị quân hậu cần bắt được đưa ra tòa án binh. Những kẻ trong hàng ngũ phỉ quân phạm tội ăn cắp của công đều bị xử tùng xẻo. Nhưng cô Xen bỏ bùa mê làm Lâm tướng quân lú lẫn. Tướng quân ra lệnh ân xá, trả cô Xen về làng cải tạo lao động. Con gái của thím Vu, mười hai tuổi, được đưa lên thế vào chỗ cô Xen. Thím Vu được Lâm tướng quân cấp súng, phong chức đội trưởng lực lượng tự vệ của làng. Từ một người đàn bà nhút nhát chậm chạp, thím Vu bỗng biến thành một người hống hách hay rình rập chuyện người khác. Thím Vu ghét cô Xen ra mặt, chỉ mong cô Xen chết đi cho rảnh nợ. Cô Xen bị thím Vu đẩy ra ngoài mỏ muối, sống vất vưởng trong túp lều rách nát. Người trong làng luôn nhớ đến công đức vĩ đại của Lâm tướng quân, họ xem tội lỗi của cô Xen là nỗi nhục của cả làng, nên đều khinh bỉ xa lánh cô. Chỉ có bố, bị cô bỏ bùa mê cho lú lẫn, bảo là cô bị vu oan. Bố lẻn mẹ mang thức ăn đến cho cô. Khi cô Xen có bầu, bố âm mưu cùng cô trốn đi. Đứa trẻ trong bụng làm cô đói dữ dội. Những hôm không có gì cho cô ăn, bố trích máu mình để nuôi hai mẹ con cô. Mỗi buổi tối, bố trở về nhà với một ngón tay cụt nham nhở khô quắt máu. Mẹ ngồi trong góc nhà, mắt vằn lửa đỏ. Mẹ thì thầm vào tai gã:

“Mày giúp mẹ. Làm trót vụ này.”

Gã dửng dưng lắc đầu. Mẹ lại thúc giục:

“Họ bỏ đi, toà án binh giết ba mẹ con mình.”

“Ui, sì.”

Mẹ im được vài hôm rồi lại khóc lóc:

“Ông ấy có phải bố mày đâu. Chính ông ấy cũng nói thế.”

Cả làng này đều biết gã chẳng phải là con của bố, nhưng chỉ có mẹ dám nói toẹt ra như thế. Khuôn mặt gã co dúm vì sợ hãi. Vết thương trên đầu do Lâm tướng quân đánh lúc bé co thắt lại, xiết chặt hai màng tang. Gã dáo dác nhìn quanh rồi lắc đầu.

Đôi mắt khô quắt của mẹ rặn ra vài giọt nước mưa. Mẹ vừa kể vừa khóc khò khè. Khi còn trẻ, bố đã từng một lần bỏ làng ra đi. Bố là kẻ chăn bò cấn nợ cho nhà ông ngoại, bị đòn đau mà trốn đi, tha phương cầu thực nơi nào chẳng ai biết. Hai mươi năm sau, khi người làng tưởng đã quên mặt bố, thì bố trở về cùng với phỉ quân, cùng với bộ luật ô hình, cùng với bao nhiêu hận thù nung nấu. Bố ra lệnh cho quân lính treo cổ bà ngoại ngoài mỏ muối cho quạ mổ xác. Quạ móc mắt bà, hai mắt bà mù tịt. Quạ rút lưỡi bà, bà thôi kêu la chỉ còn những tiếng ú ớ đau đớn. Quạ banh ngực bà, mổ nát con tim. Những người có tội với bố cũng lần lượt được đưa ra mỏ muối cho quạ hành hình. Ông ngoại là người cuối cùng. Ông bị nhốt trong nhà kho ba ngày để nghe người khác ú ớ rên la trong cơn hấp hối. Khi ông bị bắt đưa ra bãi đá, đàn quạ đã no nê. Chúng không vội vã mổ mắt, rút lưỡi ông mà chậm rãi xé từng mẩu thịt nhỏ trên mặt, trên vai. Ông không chết ngay được, phải mở mắt thao láo nhìn cái chết chậm chạp của mình. Ông kêu gào than khóc suốt mấy ngày. Mẹ mới lên mười, ban ngày trốn trong đống củi bếp, ban đêm lẻn ra cho ông uống nước. Bố bắt được mẹ nhưng không giết đi mà ôm mẹ vào phòng. Bố vuốt ve mẹ, âu yếm bảo: “Cháu đừng sợ. Bác sẽ không làm cháu đau. Rồi cháu sẽ thích. Thích lắm cơ.” Mẹ tin lời bố. Mẹ thích khuôn mặt hiền từ của bố. Mẹ không lẻn ra cho ông uống nước nữa. Nhưng những lời tử tế đấy không dành cho mẹ. Chúng dành để khích thích cơn thèm khát hung tợn của bố. Mẹ ngất đi trong cơn đau xé thịt, giữa tiếng kêu rú thảm thiết của ông ngoại từ ngoài bãi đá vọng vào. Mẹ không bị hành hình như ông bà ngoại. Mẹ được phép sống. Mẹ sống để phụng sự và tôn thờ bố.

Gã nhìn xuống bàn tay có những cái ngón còng queo và những cái móng đen sứt.

Khi cô Xen chết, quạ trong mỏ muối cũng kéo ra, quây thành một vòm đen. Bố tìm thấy xác của mẹ con cô nằm dưới khe đá, da thịt tả tơi lòi cả xương trắng. Bố bò ra đất rú lên từng hồi. Dân làng biết tin nhưng không ai đến giúp kéo xác cô Xen lên. Bố suy sụp hoàn toàn, gần như thành người mất trí. Qua một ngày, râu tóc bố bạc trắng. Không phải bố xót thương cô Xen mà đâm quẫn, bố linh cảm được những điều sẽ đến. Cứ nghe tiếng quạ đói khát kêu mồi ngoài bãi là bố hãi. Khuôn mặt già nua co rúm lại như miếng nấm khô. Bố run rẩy nắm lấy tay gã cầu khẩn:

“Nếu bố chết, con nhớ chôn bố nhé.”

Gã im lặng không nói gì. Bố lại lập cập nắm tay gã nói như khóc:

“Bố van con đấy. Cho xác bố được trở về nằm yên trong lòng đất.”

Gã im lặng, lấy túi đá đi ra khe núi. Quạ đậu đen lố nhố trên vách đá. Mấy ngày hôm trước chúng còn đói trơ xương, bay từng đàn về làng kêu gào thảm thiết. Hôm nay chúng béo đẫy, lười biếng đứng trên mép đá cọ mỏ. Gã chọn con quạ to nhất, ném viên đá vào giữa ngực nó.

Buổi tối hôm đấy, bố giả bệnh không ăn cháo. Bố nằm bẹp dúm trong góc nhà, mãi đến cuối buổi mới thở hắt ra:

“Ngày trước ông bà ta không bao giờ ăn thịt quạ.”

Mẹ nghe thế, bỗng bật cười:

“Ngày mai mẹ thêm tí muối và vỏ cây vào, cho cháo đỡ nhạt.”

Vãn Thạch nhe răng cắn ngang cái cổ quạ trắng hếu. Nó nhai rau ráu chỗ xương sụn rồi lảm nhảm:

“Thịt ngon thế. Thịt ngon là.”

Bố lại thều thào:

“Bọn mọi rợ. Tao mà không nói ra thì chúng mày biến thành thú vật. Giống quạ tanh tưởi đấy, con người chẳng ai ăn.”

Gã húp miếng cháo, nghe mùi vị thịt thơm ngọt chảy từ từ vào bao tử rỗng không. Bố quẫn trí mất rồi. Gã găm cặp mắt quạ vào chiếc bóng già nua tiều tuỵ trong góc nhà. Những câu chuyện của bố, của mẹ về một quá khứ xa lạ nào đấy thường làm gã tức giận. Nó quẳng gã vào vùng sương mù dày đặc không có lối đi. Chỉ toàn là nước. Sương mù biến thành mưa sệt sệt. Đầu gã căng ra nặng chịch. Đám đất sét thối nhoét chực chảy ra hai bên tai.

Trời mưa, mưa mãi. Áo quần sũng nước bết dính vào thân thể thành những mảng nấm đen nhớt. Mây và nước che hết ánh sáng, cả làng tối âm u như chìm xuống đáy khe.

Thím Vu xách súng đến nhà vào lúc mẹ đang nấu cháo. Từ ngoài sân thím đã đánh hơi thấy mùi thịt, liền xộc ngay vào bếp. Đã ba tháng rồi, mẹ con thím chưa biết đến mùi thịt, chỉ toàn ăn vỏ cây. Cánh mũi thím Vu nở banh ra thèm thuồng, hít lấy hít để. Mẹ thấy bóng thím Vu thò ra sau màn mưa, liền ngưng tay quậy cháo nhảy chồm lên. Hai khuôn mặt đàn bà mảnh như bàn tay con nít dập vào nhau. Ánh lửa soi lên khuôn mặt thoáng chút hồng hào của mẹ. Thím Vu nuốt nước miếng, nghiến răng nói:

“Bác trai đâu?”

“Ông ấy chết rồi.”

“A hà. Tại sao chết?”

“Ông ấy đi săn rắn mối, ngã ngoài khe núi.”

“Sao không báo cho làng làm lễ an táng?”

Mẹ lùi lại, hạ giọng kính cẩn:

“Tôi ướp xác ông ấy chờ Lâm tướng quân về.”

Lời nhắc nhở của mẹ làm thím Vu dựng tóc gáy. Con gái thím chỉ là vợ mọn của Lâm tướng quân, còn bố là người cha tinh thần vĩ đại của Lâm tướng quân. Thím Vu gượng gạo nói:

“Tôi cũng muốn viếng ông ấy lần cuối.”

Mẹ nghiến răng chậm nước mắt, rón rén đưa thím Vu đến trước quan tài của bố. Khuôn mặt mẹ giờ tái xanh như khúc gỗ mục phủ địa y. Giọng mẹ cất lên trang nghiêm giữa làn mưa lạnh:

“Mày thắp cây đuốc cho mẹ.”

Hoá ra mẹ đã chuẩn bị sẵn đuốc từ bao giờ. Bốn cây đuốc quấn nhựa thông nằm ngay ngắn bên quan tài bố. Gã đốt lửa, bàn tay lại cứ run lập cập như tay bố khi sắp chết. Từ hôm bố chết đến nay, gã cũng chưa có dịp nhìn lại bố. Chỉ có mẹ lo việc ướp muối. Mẹ kính cẩn vái lạy, đọc một đoạn kinh dài gọi hồn bố về tiếp khách, rồi mẹ khẽ khàng mở tấm ván gỗ ra. Thím Vu nhón chân nhìn vào quan tài, bỗng bật lên tiếng kêu khiếp sợ. Thím quỳ mọp xuống mặt đất xấp nước, sì sụp lạy bố như tế trời. Gã cũng bước đến, nhìn vào quan tài. Dưới ánh đuốc chập chùng, bố nằm im như đang ngủ. Khuôn mặt ướp muối trắng xoá. Râu tóc cũng trắng lóng lánh. Chỉ có hai hố mắt bị chuột khoét là đen thẫm. Vẻ tương phản ấy lại làm khuôn mặt bố mang một vẻ huyền bí mê hoặc. Cổ họng gã bỗng đắng ngắt. Cảm giác lạ lùng chưa bao giờ có trong những ngày đói rã nhộn nhạo dâng lên ngang miệng. Bao tử gã thắt lại như bị bàn tay bố bóp chặt. Bên dưới bộ mặt trắng xoá đẹp đẽ đấy là phần thân thể đã bị đục khoét ruỗng toét. Phần lưng, phần ngực, phần bụng chẳng còn lại gì ngoài khung xương trắng. Hôm qua, mẹ đã phải giã vỏ cây độn thêm vào cho đầy đặn.

Thím Vu kính cẩn cúi đầu, lắp bắp những câu xưng tụng, rồi khom lưng xách súng ra cửa. Bây giờ mẹ con gã đã chẳng cần đến súng. Bọn chuột dạn dĩ đến độ cầm cây quật ầm ầm chúng cũng không bỏ chạy. Gã nhắm mắt nuốt phần chất nhờn đắng nghét xuống bụng. Vãn Thạch đang ngồi yên trong góc nhà đột ngột cất tiếng cười thanh thoát hiền hậu, như tiếng bố:

“Thịt ngon thế. Thịt ngon là.”

Thím Vu ra đến ngang bậc cửa, đứng sững lại. Đôi mắt vốn tối như hai cái hang chuột bỗng loé sáng. Thím phóng đến, chụp lấy vai Vãn Thạch, hỏi:

“Mày lép bép gì đấy. Ranh con. Bố mày tại sao chết?”

Vãn Thạch lắc đầu chế giễu:

“Thịt ngon thế.”

Thím Vu tức giận bấu mạnh hơn. Khớp xương tay của thím lồi ra trên vai Vãn Thạch. Nó trợn mắt nhìn thím, hai con mắt mang đầy thù hằn chết chóc. Thím Vu quay qua chĩa súng vào ngực gã, hằn học hỏi:

“Bố mày tại sao chết?”

Gã nghĩ đến cây cuốc đứng dựa vách tường, chỉ cần gã với tay ra là có thể chạm vào cán. Mẹ cũng nhìn chăm chăm vào cây cuốc. Xác thím Vu rồi sẽ nằm tênh hênh dưới khe núi. Quạ béo kéo ra đậu đen vách đá. Mũi súng của thím lại thúc mạnh hơn lên ngực gã. Hơi lạnh chết chóc toả ra tê dại một khoảng da thịt. Mẹ con gã chẳng ai biết được, súng của thím Vu có đạn hay không. Đôi lúc phỉ quân chỉ phát súng cho cán bộ mà không phát đạn. Gã đưa tay quẹt ngang mắt, sụt sịt:

“Bố ngã xuống khe núi. Buổi chiều không thấy bố về, cả ba mẹ con cháu đổ xô đi tìm bố. Mưa chẳng để lại dấu vết gì, trời lại tối mịt, nhưng nhờ có đàn quạ kêu mà mẹ nhận ra chỗ có người bị nạn. Em Vãn Thạch bị mẹ đuổi về nhà nên chỉ có hai người tìm cách leo xuống kéo bố lên. May mà bố vướng vào tàn cây không xa mép vực lắm, nên loay hoay mãi đến nửa đêm, mẹ con cháu cũng kéo được bố ra khỏi lòng vực. Thân hình bố xây xát, bầm dập cả… Bố gào la, chửi bới nghe thật là khủng khiếp…”

Gã tuôn một mạch đến đấy thì bắt đầu thấy mệt. Đầu óc lại căng cứng ra vì đất sét ướt. Mẹ đứng sau lưng Thím Vu, mắt long sòng sọc nhìn khuôn mặt gã đang trắng bệch ra dưới ánh đuốc. Mẹ nức nở tiếp lời:

“Ông ấy gọi tên Lâm tướng quân.”

Như có ai đập mạnh vào đầu gã, đất sét ướt tràn xuống miệng. Gã khạc ra một bãi nước sền sệt, lắp bắp:

“À a. Bố cháu trước lúc chết có hô to, to lắm cơ: “Lâm tướng quân vĩ đại. Lâm tướng quân muôn năm.” Bố còn muốn cháu đưa bố vào núi để gặp mặt Lâm tướng quân và phỉ quân lần cuối. À a, nhưng chưa có lệnh của tướng quân thì không được phép vào mật khu. Mẹ phải bảo bố, giữ xác bố lại đợi tướng quân về. Thế là bố an tâm, không gào la nữa… Bố an tâm chết mà không vùng vẫy chống cự…”

Thím Vu lắng nghe gã nói trơn tru như nước chảy thì há mồm ra thán phục. Phía quan tài, bốn cây đuốc vẫn còn cháy bập bùng trang nghiêm. Thím hạ giọng trịnh trọng nói:

“Thế là trước khi chết bác trai vẫn còn nghĩ đến công đức của Lâm tướng quân.”

Mẹ kính cẩn nhắc nhở:

“Thím đừng quên, ông ấy là người có công đưa tướng quân về làng. Ba thằng con trai đều hy sinh dưới ngọn cờ của tướng quân.”

Đấy là mẹ nhắc đến các anh của gã. Họ chết khi Vãn Thạch chưa ra đời. Anh cả, anh ba từng làm đến chức phó tướng quân. Thím Vu gật gù tán tụng thêm vài câu rồi lủi thủi bỏ về. Buổi tối, cả nhà gã lại có món cháo. Lần đầu tiên trong đời, gã bỏ ăn mà không hiểu vì sao. Cảm giác đắng ngắt nơi cổ họng đã chuyển sang chua nhờn. Lời bố vang lên bên tai như nguyền rủa: “Tao mà không nói ra thì chúng mày biến thành thú vật.” Trong giấc ngủ vật vã đêm đấy, gã mơ thấy khuôn mặt bố trang nghiêm như vị thánh, râu tóc trắng xoá. Bố ôm nghiến mẹ vào lòng âu yếm bảo: “Bác sẽ làm cho cháu thích.” Cả người gã căng cứng đau đớn rồi vỡ oà ra hụt hẫng. Gã rên rỉ trong bóng tối. Áo quần ướt dấp nước mưa cùng mồ hôi.

Cơn đau khủng khiếp ập đến trong giấc mơ cùng tiếng súng nổ. Gã bật người lên rồi lại rơi ngay xuống phản. Chân phải gã như đứt lìa ra. Mẹ đứng bên cạnh, lăm lăm khẩu súng của bố. Gã ngất đi trong cơn đau chết chóc.

Khi tỉnh dậy, chân gã đã được băng bó bằng vải bố. Phân và máu còn vương vãi trên phản, trên áo quần. Gã thử nhấc chân lên nhưng đau quá không sao chịu nổi, lại ngất đi.

Suốt năm ngày gã nằm bẹp trên phản, người hâm hấp sốt. Tấm chăn vải gai phủ trên người gã sũng nước. Hơi lạnh theo nước chảy vào tận gan ruột. Mẹ lặn lội vào núi sâu tìm củ sọ rừng nấu cháo. Củ sọ rừng ngâm nước suốt mùa mưa đã thối rữa. Gã bò dậy húp lấy húp để, quên cả cơn đau. Mẹ lại cẩn thận chùi rửa vết thương, thay băng mới. Đến ngày thứ tám, gã thử vịn mép phản lần mò leo xuống. Như có ai bắn thêm một phát vào chân, gã đau đớn kêu rú lên rồi ngã vật xuống đất.

Mẹ làm cho gã hai cái nạng chống. Gã tập kéo lê mình đi trên nạng. Qua vài tuần, vết thương nơi đầu gối đã liền kín miệng, những cơn đau cũng thưa thớt dần. Đầu gối gã lồi ra, cong quặt lại, cứng đờ. Chân bên phải hoá ngắn hơn chân bên trái. Gã làm một cái nạng gỗ mới, kẹp vào nách phải, lò cò nhảy đi quanh làng.

Trời bắt đầu ngưng mưa. Nước rút dần xuống. Những khe đá lộ ra thức ăn. Thoạt đầu là côn trùng, bò sát, sau đấy là rau cỏ tươi non. Gã cùng Vãn Thạch đi lùng bắt rắn mối. Những con rắn mối nấp lâu trong khe đá đã hoá trắng bợt, ngon béo vô cùng.

Lâm tướng quân cũng ở trong hang núi suốt mùa mưa, chỉ chờ ngày tạnh là mò ra. Tướng quân về làng vào một ngày trời đột ngột trở nắng. Gã và Vãn Thạch đang luẩn quẩn ngoài chân núi tìm rắn mối. Thoạt đầu, gió đưa mùi hôi thối ghê rợn bay đến. Mùi của giống dã thú, mùi của xác chết, mùi của ghẻ lở. Sau đấy là tiếng ngựa phi trên đường đá. Gã nắm tay Vãn Thạch la lên: “Phỉ về làng.” Hai anh em gã chạy xuống khe núi. Nước đã rút xuống, nhưng vẫn còn ngập đến nửa khe. Gã đẩy Vãn Thạch vào một kẽ đá nứt, lấy bụi cây khô phủ kín lại. Vãn Thạch đã quen với chuyện lẩn trốn, nó sẽ nằm im trong đấy đợi đến chiều.

Gã chống nạng chạy về làng tìm mẹ. Lẽ ra, ở độ tuổi này, gã phải trốn trong núi chờ phỉ quân rút đi mới được về làng. Nhưng gã bất kể, cứ chống nạng mà lao đi. Lâm tướng quân ở bên kia núi, phải đánh đường vòng qua khe mới đến được làng. Gã chạy đường tắt nên về đến làng vừa lúc tướng quân cỡi ngựa qua cổng. Đám đàn bà nghe tiếng ngựa hí bên kia khe, đã bỏ hết công việc chạy ra đầu làng nghênh đón phỉ quân.

Tướng quân cỡi ngựa oai vệ đi giữa tiếng hoan hô náo nhiệt.

“Lâm tướng quân vĩ đại.”

“Lâm tướng quân muôn năm.”

“Lâm tướng quân bách chiến bách thắng.”

Cả làng bốc mùi hôi thối rùng rợn của đám đàn ông và súc vật lâu ngày không tắm rửa. Lâm tướng quân dừng ngựa, lắc lư cái đầu đầy ghẻ, nhìn sững vào khoảng sân, nơi bố vẫn luôn nghiêm trang đứng đợi.

Mẹ từ trong đám đàn bà gạt nước mắt chạy ra:

“Ông ấy đã không chờ được đến ngày tướng quân về.”

Tướng quân cất giọng khàn khàn, vì miệng lưỡi đang phồng rộp lên:

“Mộ cha ta ở đâu?”

“Tôi giữ xác ông ấy lại để tướng quân về gặp mặt.”

Tướng quân nhăn nhó thúc ngựa, theo mẹ về nhà. Đám mụn dưới bẹn cọ vào yên ngựa đã vỡ tung ra, giờ bám cứng sệt vào lớp vải mốc. Gã cũng chống nạng chạy theo, nhưng gã chạy chậm quá, khi về đến nhà đã thấy mọi người bu kín trước cửa. Tiếng gào khóc của Lâm tướng quân lúc này nghe thật thảm thương đau đớn. Đám phỉ quân cận vệ bất kể đám mụn nhọt trong miệng cũng khóc rống lên. Lần đầu từ ngày bố chết, dân làng mới được phép công khai tỏ lòng thương tiếc. Đám đàn bà dúi vào nhau vừa khóc vừa ca tụng công ơn của bố và tướng quân.

Lâm tướng quân khóc xong, bước ra sân, rút súng bắn lên trời. Đoàng. Đoàng. Đoàng. Người làng ngơ ngác nhìn nhau, không rõ tướng quân bắn thế là có ý gì. Nhưng tiếng súng làm mọi người khiếp sợ, ngưng bặt tiếng khóc. Tướng quân khoát tay ra hiệu cho đám thuộc hạ, rồi túm tóc mẹ kéo vào chuồng bò. Đám phỉ quân chỉ chờ đến lúc này là xông vào đám đàn bà. Họ chạy túa đi, vừa chạy vừa la hét huyên náo. Tiếng la hét vang khắp làng khắp ngõ. Tướng quân trong chuồng cũng bò rống lên từng hồi đau đớn. Mẹ nằm bẹp trên nền đất như xác con chuột khô trơ hàm răng sức mẻ. Chuồng bò rất cũ, mái tranh mục nát, vách đất rệu rã rơi xuống từng mảng. Con bò cuối cùng của làng từng ở đấy khi Vãn Thạch chưa ra đời. Nhiều lần bố muốn phá cái chuồng đi cho đỡ bẩn mắt, nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo, ít ra cũng có cái chuồng để những đứa sanh sau như Vãn Thạch còn nghe đến chữ con bò. Nhưng thật ra, mẹ sợ mất cái chuồng rồi không còn nơi đón tiếp Lâm tướng quân. Bố ngồi trong góc nhà, cúi gục đầu giữa hai gối, mấy ngón tay bấu vào nhau đến trắng bệt ra. Gã ngồi sau vách bếp, ôm đầu cười. Giờ đây, bố nằm im trong quan tài, hai lỗ tai và hai con mắt bị chuột khoét đen thui, gã ngồi vào chỗ bố, lại ôm đầu cười.

Đến giữa trưa, phỉ quân gom hết chiến lợi phẩm ra giữa sân. Hai con gà mái già nua cuối cùng của làng. Vài bắp ngô giống mốc xanh. Mấy cuộn vải đay. Một đám trẻ con trốn không khéo bị bắt trói thành hàng dưới gốc cây chò. Gã cũng bị tướng quân lôi cổ kéo đi, cây nạng tuột khỏi tay. Tướng quân đạp gã ngã nhào vào đám trẻ. Gã vịn cây chò đứng dậy, đảo mắt tìm. Vãn Thạch không có ở đây. Thằng Tủn con thím Vu đứng bên cạnh gã, sụt sịt chùi mũi. Nó trốn trong hốc cây, cả người bị kiến đốt đỏ loét. Khi bị tóm cổ, nó không chui ra ngay mà còn giằng co giãy giụa cho cả tổ kiến bò ra. Tên phỉ bắt nó bị kiến đốt, tức giận đánh nó sưng cả mặt mày. Máu mũi chảy ra đã bắt đầu thâm tím lại, nhưng nó cứ đưa tay chùi mãi. Cái bớt đen to bằng nắm tay, chiếm trọn khoảng má bên trái làm khuôn mặt nhỏ choắt thêm teo tóp. Nó là đứa bé nhất trong đám, bằng tuổi Vãn Thạch nhưng rất còi cọc, chỉ nhỉnh hơn con chồn hôi một tí.

Đích thân tướng quân chọn tân binh. Đám con gái khoảng trên mười tuổi đều bị đẩy lên xe. Đám con trai bị trói tay cột thành hàng. Tướng quân chỉ tay vào gã, nhưng gã vừa nhấp chân đi một bước đã ngã lăn quay ra đất. Một tên thuộc hạ xông đến lôi gã ra giữa sân, cột tay gã vào yên ngựa. Gã biết chuyện gì sẽ xảy ra, cái đầu đất sét vì thế đặc sệt lại khiếp hãi. Hai phỉ quân xốc nách bắt gã đứng dậy. Cây roi của tướng quân vừa vụt xuống, con ngựa lồng lên kéo giật gã về phía trước. Đầu gối gã đau như đứt lìa. Thân hình gã đổ xấp xuống mặt đất. Ngực gã bị kéo lê đi trên cát rách toạt hết cả da thịt. Gã há miệng ra gọi mẹ, nhưng đất cát xộc vào bịt kín. Con ngựa chỉ chạy vài mét thì dừng lại, cơn đau ở đầu gối đã làm gã bất tỉnh.

Họ đổ nước lên đầu gã, thử đi thử lại vài lần cho đến khi gã chỉ còn là cái xác mềm oặt. Gã nằm xoải tay xoải chân bất động giữa sân, thân hình xây xát đầy máu trộn với đất. Mẹ đứng trong đám đông, hai bàn tay tướt mồ hôi run run đưa lên che miệng.

Tướng quân không tuyển đủ quân số và quân dụng, lại thêm đám mụn ghẻ dưới mông hành hạ nên nổi cơn tức giận. Mấy mụ đàn bà trong làng như đám gà mái già cuối lứa sợ hãi đứng nép vào nhau. Thằng Tủn là đứa cuối cùng bị lôi ra khỏi hàng. Nó lập cập bước ra giữa sân, miệng hô lí nhí: “Tướng quân vĩ đại…” Đầu nó chưa cao đến ngang bụng ngựa. Hai cẳng chân ốm yếu còng quèo như bị cột dính vào nhau. Tướng quân chán nản gật đầu rồi quay mặt đi.

Thím Vu ở trong đám đông bỗng kêu thét lên. Thím lao đến ôm choàng thằng Tủn như gà mái mẹ úm con. Đám đàn bà bị bất ngờ trước hành vi liều lĩnh bất thường của thím Vu, cũng nhốn nháo cất tiếng la. Hai phỉ quân sau phút bất ngờ, xông vào giằng lại thằng Tủn. Nhưng họ không sao dứt được thím Vu ra khỏi đứa con. Thằng Tủn như con chồn nhỏ bị ba người lớn xâu xé, nó không đủ sức vùng vẫy, chỉ biết há miệng kêu the thé. Tướng quân ngồi trên mình ngựa mặt đỏ kè. Không nói lời nào, tướng quân đưa súng lên nhằm vào đầu thím Vu bắn “đoàng” một phát. Thím ngã ngửa ra sau, đầu đập xuống mặt đất phọt ra một đống bầy nhầy. Thằng Tủn bị hai phỉ quân kéo trật cánh tay phải. Nó đứng chết sững nhìn cái xác còn thở hắt ra từng chập của thím Vu.

Đám đàn bà lại hò reo đưa tiễn Lâm tướng quân ra tận cổng làng. Gã với mẹ ở lại bên cái xác thím Vu. Mẹ chậm rãi vuốt đôi mắt vẫn còn đỏ ngầu nước:

“Thím đi an lành nhé.”

Ngay chiều hôm đấy, gã với mẹ mang xác thím Vu đi chôn ở gò đất cạnh rừng. Khi trở về nhà, trời đã tắt nắng. Mẹ vào nhà, giật mình gọi Vãn Thạch. Không có tiếng nó trả lời. Mẹ hoảng hốt hỏi gã:

“Em đâu?”

Gã chỉ tay ra khe núi. Mẹ thét lên:

“Ôi, giời ơi.”

Gã chống nạng phóng ra khe núi. Mẹ chạy ngược vào nhà.

Kẽ đá nơi gã đẩy Vãn Thạch vào trống trơn. Mấy cụm cây khô nằm vương vãi trên đất. Gã lần theo những dấu đá tróc lở, mới biết Vãn Thạch bị đuổi chạy lên vách đá. Ở đây là cuối đường, nếu nó không bị bắt về làng thì chắc đã rơi xuống vực. Mẹ cũng vừa ra đến nơi, vác cuộn dây thừng trên vai, chạy đi chạy lại trên bờ réo gọi tên Vãn Thạch.

Gã lần xuống mép vực. Trong bóng chiều muộn, mặt nước sâu đen thẫm đầy vẻ đe doạ. Xác cô Xen nằm bên dưới, đang chờ nước rút để phơi ra. Nhưng nước vẫn còn đầy nửa khe. Mẹ lùng xục trong đám bụi rậm, tuyệt vọng kêu réo Vãn Thạch. Gã chẳng nghĩ ngợi thêm nữa, nhảy ùm xuống nước.

Nước khe mùa này lạnh ghê hồn. Thoạt đầu gã ngỡ cả người mình bị cóng. Hơi thở nén lại trong lòng ngực thành một khối cứng ngắt. Gã cố vùng vẫy chân tay, bơi đi một vòng, dán mắt nhìn vào từng hốc đá dọc mép nước. Vãn Thạch chắc đang bám vào đâu đấy chờ gã. Vết thương trên đầu gối gặp lạnh đau thấu xương, nhưng gã cứ đạp nước mà trườn đi. Thình lình, có cái gì đấy níu chặt vào chân phải. Gã hụt hơi, bị kéo chìm xuống. Trong bóng nước đen thẳm, một bàn tay trắng nhởn xương xẩu vươn lên nắm chặt cổ chân, hung hãn kéo mạnh gã xuống đáy vực. Nước trào vào miệng làm gã lả đi, không sao cưỡng lại được. Chân trái gã tình cờ đạp trúng một nhành cây thò ra từ mép đá. Bằng một cố gắng cuối cùng, gã đạp mạnh lấy đà ngoi lên mặt nước. Vừa lên đến nơi, gã ho sặc sụa, hai chân đạp quẫy liên hồi. Bàn tay xương khô bên dưới vẫn nắm chặt chân gã ra sức kéo.

Tiếng mẹ hét lên trên bờ. Đầu sợi dây thừng mẹ ném xuống chệch khỏi chỗ gã hai mét. Nhưng mẹ không có thời gian để ném lại. Bàn tay dưới nước lần lên đầu gối gã, thọc mạnh vào vết thương, xiết chặt khớp xương. Gã đau muốn rú lên nhưng nước tràn ào ào vào cuống họng. Gã bươn mình bơi về phía sợi dây thừng, níu chặt lấy nó. Sợi dây kéo căng ra, cố đưa gã lên khỏi mặt nước. Mẹ quấn đầu dây vào bụi gai, rồi bò tới mép vực ra sức kéo. Mẹ gào lên gọi gã, nguyền rủa cô Xen, van xin Vãn Thạch. Gã bám vào sức mẹ lần được vào vách đá. Tay gã níu được mấy nhành cây khô, lấy thế trườn lên. Khi ra khỏi mặt nước, gã mới nhìn rõ. Bàn tay bám vào đầu gối chỉ là những khúc xương trắng hếu. Gã đá chân vào khoảng không. Những khớp xương ngâm lâu ngày trong nước rã ra. Cánh tay rơi lộp độp xuống nước vọng lên những tiếng cười đứt quãng.

Đêm đấy Vãn Thạch về gọi cửa. Nó ngồi xoã mái tóc ướt bên thềm nhà. Gã nghe tiếng em, liền bật dậy. Mẹ nằm ra dấu bảo im lặng. Gã muốn mở cửa cho em vào nhưng mẹ nắm tay gã níu lại. Vãn Thạch ở bên ngoài khóc được một lúc thì thất thểu bỏ đi. Đêm sau nó không về nữa.

Mẹ vẫn giữ xác bố lại cho Lâm tướng quân. Những ngày nắng, mẹ mang bố ra phơi muối, lấy vỏ cây trộn đất sét độn lại những chỗ teo tóp.

Cuối mùa nắng, mẹ vác bụng bầu nên đi đứng khó nhọc. Chuyện chăm sóc và ướp xác bố cứ lơi lỏng dần. Khi bụng đã to, mẹ bỏ mặc bố nằm yên trong góc nhà, quay sang đập đay dệt vải. Đám đàn bà trong làng cũng mang bầu ì ạch. Họ và bọn trẻ con len lỏi cả ngày bên mấy vách đá tìm thức ăn. Gã là người đàn ông duy nhất còn lại trong làng, không thể tranh chấp miếng ăn với đàn bà và trẻ nhỏ. Gã chống nạng lẻn vào núi săn mồi. Có những chuyến đi dài ngày, đến tận những vùng đất hoang vắng mà gã chắc là chưa người nào trong làng được phép đến. Gã đặt bẫy săn chồn, săn hoẵng, đào bới củ sọ rừng. Có lần, gã săn được cả lợn rừng, phải ở lại bên bờ suối ba ngày để xẻ thịt và phơi khô.

Một buổi chiều, có tiếng quạ kêu táo tác. Gã lần theo qua bên kia sườn núi. Quạ lượn từng đàn như mây đen. Phía dưới thung lũng xác xơ cỏ và xương rồng, lô nhô những thân người nằm bất động.

Gã chống nạng lần mò leo xuống. Khoảng hơn hai mươi cái xác đàn ông trần truồng nằm trên đất. Áo quần, binh trang, binh khí đã bị lột sạch. Trên mình họ là những vết thương khủng khiếp, ruồi nhặng bu xanh lè. Một số tử thi đã bị quạ mổ xé, thịt da tơi tả lòi cả xương trắng. Đàn quạ đói ăn kéo nhau xà xuống bỗng rồi nhớn nhác bay lên. Một người đàn ông nằm cạnh bụi gai sấu vừa chồm dậy ném đi viên đá. Nó chỉ bay xa được hơn ba bước chân. Hành động đe doạ yếu ớt đấy chỉ đủ làm đám quạ tạm thời lãng ra. Một vài con lì lợm vẫn rón rén đi trên đất tiến gần lại.

Gã giơ nạng khua mấy vòng đuổi quạ, lọt thọt tiến đến gần bụi gai sấu. Người đàn ông nằm ngửa, khuôn mặt tái sạm không sinh khí. Khoảng bụng dưới bị chém đổ cả ruột ra ngoài. Ông ta nghe được tiếng chân gã, đôi môi liền mấp máy. Gã nhìn sững khuôn mặt đầy mụn đỏ của kẻ sắp chết. Vết thương trên đầu lại đau nhức dữ dội. Cảm giác sợ hãi tràn ngập trong lòng thôi thúc gã bỏ chạy. Gã nhận ra cả đứa bé trần truồng nằm co quắp cách đấy hai bước chân. Nó nhỏ như con chồn hôi, ốm trơ xương sườn. Cổ nó bị cắt ngang làm cái đầu lệch hẳn ra khỏi bả vai. Máu đọng thành vũng đen đặc ruồi bọ, sâu kiến. Khuôn mặt có cái bớt đen vẫn còn co dúm lại vì đau đớn.

Trời đã sẫm màu. Quạ núi kéo về đông đen kêu thét giành giật thức ăn. Sự xuất hiện đột ngột của gã chỉ làm chúng nao núng phút chốc. Vòng tròn đen chết chóc cứ khép dần lại. Mấy cái xác quanh thằng Tủn và Lâm tướng quân đã bị quạ bu lố nhố. Mùi tử khí bốc lên rờn rợn thê lương như xua đuổi. Đôi môi khô quắt của Lâm tướng quân bỗng lắp bắp gọi. Gã ngồi bệt xuống bên thây người nửa sống nửa chết, ậm ừ móc ruột tượng đựng nước ra.

Lâm tướng quân uống ba ngụm nước, mở mắt thều thào đứt quãng. Bàn tay ông ta mở ra, trên đấy vẫn còn hai viên đá nhỏ. Gã nhặt thêm năm viên đá nữa, kính cẩn đặt lên tay tướng quân. Đôi môi tím tái liền hiện ra nụ cười độc ác. Gã lại đổ chỗ nước cuối cùng trong ruột tượng vào cái miệng đầy mụn nhọt. Nước chảy dần xuống phần bụng vỡ bên dưới. Từ đấy bốc ra mùi hôi thối ghê rợn. Lâm tướng quân ngất đi trên vũng nước. Gã ôm ruột tượng rỗng, lóc cóc chống nạn đứng dậy, đảo mắt nhìn quanh tìm nguồn nước. Hai con quạ đợi lúc gã không để ý, từ trên cao đâm bổ xuống. Xác thằng Tủn giật nảy lên như quỷ nhập tràng. Cái bớt đen trên mặt nó bị quạ xé toạt đi thành một mảng thủng đỏ lòm. Gã nhìn sững khuôn mặt biến dạng của thằng Tủn. Chỗ bị quạ xé lòi cả hàm răng. Thằng Tủn ngoác miệng cười đầy đe doạ. Nó không còn là thằng nhỏ hay chùi mũi khóc sụt sịt. Cái chết thê thảm ở tuổi lên mười biến nó thành quỷ dữ.

Tướng quân lại ngọ ngậy, mấp máy môi. Bàn tay tướng quân lần mò xuống phần bụng mở bên dưới. Nó do dự dừng lại trên đống ruột bầy nhầy trương thối một lúc, rồi lần vào trong. Cảm giác chua nhờn kỳ dị trào lên trong cổ họng gã, như lần nhìn thấy cái xác ướp muối của bố. Gã che mắt, bò ra đất há miệng nôn mửa. Bàn tay Lâm tướng quân chậm chạp thọc xuống hậu môn lôi ra cái túi da nhỏ. Ông ta định đưa cái vật nhầy nhụa đấy cho gã, nhưng kiệt sức ngất đi. Cái túi da rơi trên mặt đất. Gã cũng ngồi bất động cho đến lúc đủ sức lắp bắp hỏi:

“Ui sì?”

Tướng quân vừa tỉnh lại, như được giải thoát, ông hít vào nói một hơi:

“Mày chôn tao.”

Dường như ông ta cười nhỏ. Gã cầm cái túi nhớt nhờn vừa moi trong đám ruột già ra. Đấy là một cái túi da dê, được cột thắt kỹ lưỡng. Bên trong có ba viên đá bé bằng đầu ngón tay cái. Gã để ba viên đá lên lòng bàn tay, chúng sáng lấp lánh như giọt sương dưới nắng sớm.

Con quạ đen thui xà xuống, hung hãn đứng dạng chân trên ngực thằng Tủn. Gã dang tay ném vụt viên đá vào đầu nó. Con vật há miệng bật ra một tiếng éc chết chóc ghê rợn. Lâm tướng quân hung dữ chồm lên. Bàn tay nhằm vào mặt gã chỉ đi được nửa đường thì rơi xuống đất. Hai con mắt lóe lên ánh lửa thù hằn lần cuối rồi tắt ngấm trên khuôn mặt trắng bệch. Gã ném thêm hai viên đá vào đàn quạ, nhưng cả hai viên đều trượt hút vào khoảng không.

Mặt trời xuống ngang triền núi, màu tím phai dần trên cánh đồng lổn nhổn bóng đen. Gã lững thững chống nạng quay ngược ra đầu dốc. Cái xác quạ vỡ đầu đeo lủng lẳng trên thắt lưng.

*

Làng Thổ Phỉ nằm trong thung lũng, giữa hai dãy núi cao hiểm trở, cách ải Ma Lù Thàng một cánh rừng mộc miên. Mùa mưa làng Thổ Phỉ kéo dài dằng dặc, lá cây rừng trĩu nước mềm oặt như cánh tay người chết. Nước trên hai triền núi tràn xuống lòng vực. Nước dưới lòng vực dâng lên triền núi, chực kéo cả làng xuống khe đá. Mùa khô làng Thổ Phỉ chìm trong sương muối trắng đục, nhìn vào màn sương chỉ thấy óc quạ nổi lềnh bềnh. Óc quạ kêu rên rền rĩ, oa oa, như bị giam cầm trong cõi âm binh trăm năm không thể đầu thai.

Lão Què ngồi trên vách đá nhìn vào cõi mông lung. Lão sống dai nhách, không có ngày tử. Tên lão trong sổ Thiên Tào đã bị nhân viên thị thực Thiên Đình gạch bỏ cùng bốn mươi sáu người phụ nữ và trẻ em làng Thổ Phỉ trong đợt thảm sát năm Ất Dậu. Lão bị Thiên Đình và người đời quên lãng, sống âm thầm trên vách đá, ngày ngày nghe tiếng mìn phá núi, đêm đêm nghe oan hồn phỉ quân than khóc trong Khe Đá. Lão biết hết chuyện sinh chuyện tử, thấy hết chuyện xưa chuyện nay. Xác Lâm tướng quân nằm phơi giữa thung lũng cho diều quạ mổ xẻ. Làng Thổ Phỉ hừng hực trong biển lửa. Đại binh Hồ Lô kéo cờ ngang qua ải Ma Lù Thàng. Lão sống hơn một trăm năm trên vách đá, từng nhìn thấy Lâm tướng quân về làng cưỡng hiếp mẹ mình giết chết thím Vu, từng nhìn thấy ngôi làng nhiều lần chết rồi hồi sinh, từng nhìn thấy người Hồ Lô sang đốt phá đất Nam Qua.

Ải Ma Lù Thàng cao chót vót ẩn hiện trong tầm mắt lão Què. Từng đàn quạ từ nam ra bắc kiệt sức há mồm chết trước khi lên được đến cửa ải. Quạ từ bắc vào nam muốn vượt qua ải phải dừng lại ba lần thay lông đổi cánh, thay hình đổi dạng, đầu thai một kiếp.

Bên phía bắc ải Ma Lù Thàng là tỉnh Vân Nam của người Hồ Lô, đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi. Bên phía nam ải Ma Lù Thàng là đất Nam Qua của người Thái - Mèo. Nơi đây địa hình hiểm trở được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam, có đỉnh Pu Sa Leng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao tận mây xanh, xen kẽ nhiều thung lũng sâu hẹp. Từ Hồ Lô sang Nam Qua chỉ một con đường đá độc đạo cheo leo vượt qua ải. Eo núi hiểm trở này do Lâm tướng quân và thuộc hạ trấn giữ suốt hơn năm mươi năm. Thương nhân hai miền Hồ Lô và Nam Qua khi qua ải nếu không muốn nộp mạng sống thì phải cống nộp lương thực hay đồ tế nhuyễn. Phỉ quân người Thái - Mèo tuy không đông, nhưng đều là người địa phương thông thuộc địa hình núi non, di chuyển cực kỳ linh hoạt, lâm trận quyết tử, lại tàn ác vô song, hành thủ man rợ.

Từ nghìn năm trước, người Hồ Lô đã nuôi dưỡng tham vọng kéo quân xuống thôn tính Nam Qua mở mang giao thương ra vùng biển phía nam. Nhiều lần họ kéo quân qua ải, nhiều lần đại quân tan tác trở về.

*

Năm dân quốc thứ 16.

Tướng Long Vân lên làm thống đốc tỉnh Vân Nam, biến Vân Nam thành vùng tự trị nằm ngoài sự chỉ đạo của chính phủ Trung Ương. Long Vân là người gốc miền Bắc Vân Nam, thuộc giống dân Hồ Lô, dòng dõi quân phiệt làm nên sự nghiệp nhờ vào việc trồng á phiện và cướp bóc dọc theo con đường giao thông phong phú Tây Tạng - Miến Điện - Trung Quốc. Khi lên nắm chính quyền Vân Nam, Long Vân lập tức nghĩ đến việc mở rộng con đường buôn bán thuốc phiện từ Lào - Miến Điện ra đến vùng phía nam biển Đông. Ba lần xua binh qua ải Ma Lù Thàng, ba lần đại binh Hồ Lô bị Lâm tướng quân đánh cho tan tác phải lui về lại phương Bắc.

Suốt hơn mười năm sau đó, Long Vân chỉ lo củng cố lực lượng kiểm soát toàn bộ quãng đường biên giới dọc Miến Điện, cướp đoạt nhiều của cải cùng đồ viện trợ do Hoa Kỳ gửi cho quân đội Quốc dân Đảng. Chính quyền Vân Nam được Long Vân củng cố thành khu tự trị, có lực lượng quân sự, đường lối kinh tế và hệ thống chính trị độc lập. Long Vân tự xưng mình là hoàng đế Vân Nam, ngang ngược phủ nhận quyền lực của chính phủ Trung Ương, một mặt ra tay đàn áp các bộ phận dân tộc thiểu số khác, một mặt tập trung lực lượng quân sự vào việc cướp bóc và buôn bán á phiện. Khi ấy, Tưởng Giới Thạch nghĩ đến kế hoạch gạt bỏ Long Vân, đưa Lư Hán lên thay thế.

Lư Hán là cháu họ của Long Vân, nắm giữ gần hết các lực lượng quân sự ở Vân Nam. Lư Hán bản tính tham lam, hung ác nhưng là người đa mưu túc trí biết giấu mình chờ cơ hội. Vào năm dân quốc thứ mười lăm, Long Vân bị quân của Hồ Nhược Hắc bao vây, Lư Hán liều mình đưa toàn bộ Lữ đoàn 7 đi giải cứu Long Vân, giết chết Hồ Nhược Hắc. Cho nên sau đó Lư Hán được Long Vân hết sức tin cậy và nâng đỡ. Từ chức Lữ đoàn trưởng, Lư Hán được đưa lên làm Sư trưởng sư đoàn 98 và lần lượt nắm giữ những chức vụ quan trọng trong quân đội. Bề ngoài, Lư Hán luôn tỏ thái độ trung thành với Long Vân. Phía sau, Lư Hán ngấm ngầm nối liên lạc với chính phủ Trung Ương, thường xuyên báo về Trùng Khánh kế hoạch quân sự của Long Vân.

Năm dân quốc thứ ba mươi ba, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Từ Trùng Khánh, Tưởng Giới Thạch gửi công văn chỉ định Lư Hán làm Thống lĩnh lực lượng chiếm đóng Đông Dương. Đồng thời trao quyền cho Lư Hán làm người đại diện của Tưởng tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật ở bắc vĩ tuyến 16.

Quân đội Quốc Dân Đảng ở Vân Nam gồm hai mươi vạn quân chia làm hai nhánh tiến công về phía nam. Quân đoàn 62 và 53 từ Quảng Tây, dưới sự chỉ huy của phó tư lệnh Tiêu Văn, di chuyển về hướng đông chiếm đóng Cao Bằng, Lạng Sơn, rồi tiếp tục tấn công những vị trí quan trọng dọc theo bờ biển là Cẩm Phả và Hải Phòng.

Quân đoàn 93 và 60 của tổng tư lệnh Lư Hán từ phía tây vượt biên giới tiến vào Lào Cai, tấn công làng Thổ Phỉ. Khi đấy làng Thổ Phỉ chỉ còn phụ nữ, trẻ em cùng ba lứa vịt trời. Quân binh mười vạn người không cần đến một khắc đã đốt sạch, giết sạch, băm nát bốn mươi sáu nhân khẩu và hai mươi bốn con vịt non. Mùa mưa năm ấy, khi cuộc thảm sát diễn ra tại làng, thằng Què đang lang thang săn bắn trong núi sâu, nhờ vậy mà gã thoát chết. Năm ngày sau, thằng Què trở về làng chỉ thấy một vùng tro tàn hoang vu vắng lặng. Gã không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng gã tìm được ngọn giáo gãy của quân Hồ Lô cắm sâu trong đống xương thịt người đàn bà đã cháy đen trên nền nhà tro bụi. Gã chôn xác người đàn bà xuống ba tấc đất nhưng giữ lại ngọn giáo để ghi khắc trong lòng một mối thâm thù.

Đại binh của tướng Lư Hán tiếp tục kéo qua cửa ải Ma Lù Thàng thì gặp phải sự chống cự kiên cường của Lâm tướng quân cùng các phỉ binh người Thái - Mèo. Lâm tướng quân - người Thái hay gọi Lềm thủ lĩnh - là cháu họ của lãnh chúa của Khu tự trị Thái ở Liên bang Đông Dương, tức thủ lĩnh Đèo Văn Long. Dòng họ Đèo làm giàu nhờ vào việc kinh doanh và trung gian buôn bán á phiện giữa người Mèo và chính phủ Pháp, mà Đèo hưởng lợi chủ yếu từ việc dùng vũ lực để ép giá người Mèo một cách tàn tệ. Chính việc này đã nung nấu sự bất mãn trong hàng ngũ phỉ binh người Mèo. Khi đấy, ngoài việc cướp bóc và trấn giữ ải Ma Lù Thàng, phỉ binh Thái - Mèo dưới quyền Lâm tướng quân còn đảm trách nhiệm vụ thu mua á phiện và hộ tống hàng về xuôi.

Lâm tướng quân cùng một trăm bộ hạ thân tín trấn giữ cửa ải, dùng thế trận du kích chặn đứng đường tiến công của mười vạn quân Hồ Lô suốt một tháng ròng rã. Quân Hồ Lô tuy đông hơn phỉ binh một ngàn lần nhưng đó là loại quân ô hợp, đa phần là nông dân quen dùng dao rựa hơn là sử dụng binh khí. Giày dép áo mũ quân cụ chủ yếu do cướp bóc hàng viện trợ mà có, nên không đủ để trang bị trận mạc. Nhiều binh sĩ vẫn phải đi chân đất, mang dép vỏ xe khi xung trận.

Tư lệnh Lư Hán lợi dụng thế đông người, một mặt đốc quân lên ào ạt chiếm đóng những vị trí chiến lược trên sườn núi, một mặt đem tiền vàng mua chuộc đám dân binh bất mãn người Mèo hòng cắt đứt đường tiếp tế lương thực cho phỉ quân. Sau nhiều ngày bị đại binh Lư Hán vây đuổi từ sườn nùi Tà Bản sang sườn núi Nậm Khả, sức tàn lực kiệt, Lâm tướng quân phải kéo quân chạy về Mường Tòi. Khi ngang qua Khe Đá, họ Lâm và hai mươi thuộc hạ người Thái bị phục binh người Mèo bắn chết. Cái chết tức tưởi cùng thân xác không được chôn cất tử tế làm oan hồn Lâm tướng quân và hai mươi phỉ quân không siêu thoát được. Họ biến thành ma núi, ẩn náu trong Khe Đá, năm tháng nung nấu ý đồ trở về phục hận.

Đại quân Hồ Lô sau khi giết được Lâm tướng quân, rùng rùng kéo qua Ma Lù Thàng, theo dọc sông Hồng tiến về Hà Nội.

Tháng Tám năm Ất Dậu, đạo quân do Lư Hán thống lĩnh đến Hà Nội. Lực lượng chiếm đóng Đông Dương của Tưởng Giới Thạch chiếm cứ hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt - Trung đến vĩ tuyến 16. Ở Hà Nội, Lư Hán tự xem mình là đại diện của thiên triều, xem các thế lực chính trị ở Việt Nam là phận chư hầu. Một mặt Lư Hán cho phép quân lính hà hiếp dân chúng, cướp bóc cửa hàng, chiếm lĩnh nhà kho. Một mặt Lư Hán ra sức sách nhiễu chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, liên tục đòi cống nạp lương thực và vàng bạc. Mười vạn quân ô hợp, ăn bận lôi thôi lếch thếch của Lư Hán còn kèm theo đoàn tùy tùng là phu khuân vác, đàn bà, trẻ em. Chúng vừa đói rách, vừa bệnh tật, vừa ăn ở bẩn thỉu bầy hầy. Miền Bắc Việt Nam giữa nạn đói Ất Dậu phải gồng mình nuôi thêm đoàn quân trục lợi của Trung Hoa.

Tháng Mười, Lư Hán bí mật từ Hà Nội trở về Vân Nam. Theo mật định với Tưởng Giới Thạch, Lư Hán tạo cuộc đảo chánh ở Côn Minh, dùng vũ lực đoạt quyền thống đốc, bắt Long Vân giải về Trùng Khánh. Tưởng Giới Thạch vì không muốn làm rối loạn thêm tình hình chính trị ở Vân Nam, nên đưa Long Vân về Nam Kinh, giao cho một chức vụ không có quyền hành là Giám đốc Viện cố vấn quân sự. Lư Hán được Tưởng Giới Thạch cử lên làm thống đốc tỉnh và là tổng tư lệnh quân đội Vân Nam.

Lư Hán có bảy người con gái với ba người vợ, mãi đến năm ba mươi tuổi mới có được mụn con trai, đặt tên là Lư Triệu. Ngay từ nhỏ Lư Triệu đã được cha mẹ nuông chiều hết mực, mười bốn tuổi đã thành kẻ bê tha nghiện ngập. Năm mười lăm tuổi, Lư Triệu bị cha gửi vào học viện Thiếu Sinh Quân để rèn luyện kỷ luật, nhưng lần nào y cũng ở lại trường vài ba tháng rồi lại trốn ra ngoài kết bè kết đảng ăn chơi lêu lổng. Mãi đến năm ba mươi tuổi Lư Triệu mới tốt nghiệp được trường Lục Quân Vân Nam, nhưng nhờ thân thế lẫy lừng của cha khi ấy đang làm thống đốc Vân Nam, y được bổ nhiệm về làm chủ tịch châu Đại Lý - địa khu sầm uất nhất trong mười sáu địa khu của tỉnh Vân Nam. Về đến Đại Lý, Lư Triệu xem mình là ông Trời của một cõi, bắt mọi người gọi mình là Lư công. Y và bộ hạ mặc sức hà hiếp dân chúng, cưỡng bức gái nhà lành, thẳng tay cướp của giết người. Đơn tố cáo Lư Triệu của dân oan Đại Lý nườm nượp gửi về Côn Minh - thủ phủ Vân Nam - đều bị Lư Hán thủ tiêu.

Ăn chơi sa đọa từ nhỏ, đến hơn ba mươi tuổi Lư Triệu cũng không có mụn con nối dõi tông đường. Ngày ngày y cho binh lính lùng bắt gái tơ đem vào dinh phủ làm thú vui. Khi đấy, nhà nào ở Đại Lý có con gái đẹp đều bị bộ hạ của chủ tịch Lư dòm ngó, chờ khi trổ mã là bắt đi.

Ở Đại Lý có Đường gia gốc gác quý tộc người Bạch. Dòng họ Đường mấy đời làm nghề buôn lụa từ Tô Châu về Vân Nam, luôn biết cách luồn lót mua chuộc các đảng phái, các cấp chính quyền, các thế lực chính trị, nên qua mấy cuộc tao loạn, người họ Đường vẫn giữ được cơ ngơi. Đường Minh Khang có cô con gái tên Đường Thục Nhi tuổi vừa mười lăm, nhan sắc cực kỳ khả ái. Đường Thục Nhi giống mẹ, vốn là giai nhân gốc Tô Châu, vừa đẹp người vừa có tài đàn hát. Người Trung Hoa có câu: “Ăn Quảng Châu, chơi Hàng Châu, gái Tô Châu, rượu Quý Châu.” Bởi vậy mà nàng Thục Nhi vừa sanh ra đã bị cha giấu kín trong nhà. Đường gia ở Vân Nam, vùng đất quê mùa xa xôi, binh chiến nhiễu nhương liên miên nên trong lòng luôn lo ngại, gia chỉ chờ con gái mười lăm tuổi là đưa về nhà họ ngoại ở Tô Châu lánh nạn. Dẫu vậy, tiếng đồn về nhan sắc của Thục Nhi vẫn vượt bốn bức tường kín lan ra đến bên ngoài. Khắp hàng buôn, phố chợ thiên hạ đều biết con gái Đường gia có nước da mịn như lụa, cuối chân mày lá liễu có nốt ruồi son bé bằng hạt đỗ xanh, trên mái tóc mượt như nhung hay cài đóa hoa trà màu trắng.

Đường gia thấy con gái mau lớn và trở nên xinh đẹp bội phần thì càng thêm lo lắng, quyết định sớm đưa con về Tô Châu. Đêm rằm tháng giêng âm lịch, giữa lúc thành Đại Lý vui đón tết Nguyên Tiêu, chuyến hàng thường niên chở thuốc lá và các loại lương thực của Đường gia lăn bánh khởi hành. Ba chuyến xe tải vừa chuẩn bị ra khỏi đất Đại Lý tiến vào cổ thành Lệ Giang thì gặp quân mai phục. Toán cướp bịt mặt giết hết đám phu xe, lấy đi toàn bộ lương thực. Khi đấy, Đường Thục Nhi nằm trốn trong hòm gỗ ghép dưới gầm ghế tài xế cũng bị bọn cướp tìm ra và bắt mang theo.

Đường Thục Nhi bị đưa về dinh phủ Đại Lý vào thẳng phòng kín của Lư Triệu. Ba ngày ba đêm, đứa con gái nhỏ bị Lư Triệu cưỡng bức đến xuất huyết. Đêm thứ tư, Lư Triệu cho quân lính bẻ chân tay, liệng thân thể thoi thóp của Thục Nhi xuống giếng cạn nơi góc vườn, rồi lấp đất lại. Khi đấy đang mùa hoa trà nở, vườn hoa trà trắng quanh bờ giếng qua một đêm bỗng hóa màu đỏ ối.

Dinh thự người vợ thứ hai của Lư Triệu nằm cạnh vườn trà. Lục Nương thấy hoa trà đột nhiên hóa đỏ, đêm đêm nghe tiếng than khóc từ lòng giếng vọng lên thì đâm sợ hãi. Khi dò hỏi bọn người hầu cận, biết được cái chết thảm khốc của Đường Thục Nhi, Lục Nương vội vã cho lập đàn cầu siêu, gửi thầy cúng mang hương đèn đến nhà Đường Minh Khang khấn vái.

Lục Nương tuổi trên ba mươi, nhan sắc không mặn mà bằng đám vợ sau và tì thiếp của Lư Triệu, lại có cha là Lục Đới Hà tham gia Bát Lộ Quân. Thời kỳ Lư Hán còn làm thống đốc tỉnh Vân Nam dưới quyền Tưởng Giới Thạch, gia đình Lục Đới Hà bị xem là thành phần nông dân phản loạn đi theo Cộng Sản. Lục Nương bị cả nhà họ Lư ruồng bỏ, khinh khi, phải dọn ra ở nơi góc vườn dinh Đại Lý.

Bát Lộ Quân của Đảng Cộng Sản trong những năm kháng chiến chống Nhật là một đội dân quân ô hợp, trang phục lôi thôi lếch thếch, mình đầy chấy rận. Quân lính đều là nông dân, hôm trước còn mót lúa ngoài đồng, hôm sau đi hô khẩu hiệu giảm tô giảm tức, liên minh chống giặc. Tháng trước còn cầm xẻng xúc phân, tháng sau được cấp súng đi bắn nhau với Nhật. Phần lớn lực lượng Bát Lộ Quân sống bám vào dân, hoạt động ở vùng nông thôn. Ban ngày cướp lúa của dân, ban đêm đánh Nhật theo kiểu du kích.

Lục Đới Hà tham gia Bát Lộ Quân suốt bốn năm đầu chỉ làm đến chức huyện đội trưởng, tham gia những trận đánh bọc hậu lẻ tẻ tấn công quân đội Nhật. Khi ấy, bọn con nhà khá giả trong làng Tiểu Thanh của Lục Đới Hà đều theo quân Trung Ương. Thời kỳ Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản toan tính chuyện liên minh, liên thủ, Lục Đới Hà cũng được đến doanh trại của quân Trung Ương giao lưu. Lúc đấy hắn mới thấy rõ lực lượng quân Trung Ương có tổ chức rất quy mô, lính tráng kỷ luật thao luyện nghiêm minh. Sĩ quan quân Trung Ương đều mang ủng da, đeo tất trắng, cỡi ngựa ô. Lục Đới Hà vừa thèm thuồng vừa ghen ghét, đêm về thao thức không ngủ được, chấy rận cắn ngứa ngáy không chịu nổi. Hắn tiếc gia đình mình không khá giả để hắn được theo quân Trung Ương. Tỉnh dậy, hắn lại mong có ngày quân Trung Ương đại bại, bọn sĩ quan đấy sẽ phải chạy chân không theo sau đuôi ngựa của hắn.

Khi Lâm Bưu dẫn hồng quân tiến vào Mãn Châu thành lập đệ tứ lộ quân, một lực lượng quân đội mạnh nhất của Trung Quốc, Lục Đới Hà do là người họ xa cùng quê Hồ Bắc với nguyên soái Lâm Bưu, nên được điều sang phục vụ cho quân chính quy và lên dần đến chức hiệu quan rồi tướng quan.

Năm dân quốc cuối cùng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc suy yếu, Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu triển khai chiến lược phản công, đồng thời đổi tên lực lượng vũ trang của mình thành quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc. Sau ba chiến dịch lớn - Liêu Thẩm, Hoài Hải, Bình Tân - Đảng Cộng Sản Trung Quốc khống chế nhiều khu vực Đông Bắc và khu vực Hoa Bắc. Lục Đới Hà được Lâm Bưu giao nhiệm vụ đưa quân về giải phóng và tiếp quản Hồ Bắc. Sẵn lòng căm ghét quân Trung Ương, Lục Đới Hà kéo đại binh đến đâu cũng ra lệnh truy sát quân của chính phủ Dân Quốc rất dã man. Chiến dịch giải phóng Hồ Bắc thành công chớp nhoáng, từ Hồ Bắc, Lục Đới Hà được lệnh đưa quân tiến thẳng về phía Tây Nam, tấn công Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam.

Khi đấy, Lư Hán đang làm thống đốc tỉnh Vân Nam. Những năm dân quốc, chiến dịch triệt hạ các cơ sở Cộng Sản dưới quyền lãnh đạo của Lư Hán luôn diễn ra kiên quyết và tàn khốc. Các lực lượng Bát Lộ Quân cũng như Giải Phóng Quân liên tục bị quân đội Quốc Dân của Vân Nam truy bức đẩy lùi về Tứ Xuyên và Quý Châu. Nhiều cuộc thảm sát ghê rợn vào những vùng nông thôn nuôi dưỡng mầm mống Bát Lộ Quân, gây cảnh máu chảy đầu rơi suốt vùng phía đông bắc Vân Nam. Trong khi đấy, tình hình khu vực phía tây nam dọc biên giới Miến Điện vẫn tương đối bình ổn, giao thương buôn bán á phiện còn phát triển mạnh mẽ hơn thời Long Vân làm thống đốc.

Một năm trước khi chính phủ Dân Quốc sụp đổ, Lư Hán tính nước cờ tạo phản. Họ Lư bay sang Hương Cảng, mật ước với Đảng Cộng Sản ly khai Tưởng Giới Thạch. Một mặt, Lư Hán sẽ hỗ trợ Quân Giải Phóng ở mặt trận phía nam tấn công Quảng Tây -Quảng Đông, mặt khác, Quân Giải Phóng phải nhường đường cho Lư Hán mở rộng giao thương á phiện lên Tứ Xuyên và Thanh Hải. Sau mật ước Hương Cảng, Lư Hán trở về Côn Minh, ra sức đẩy mạnh giao thương á phiện lên phía bắc. Khi quân Giải Phóng của Lục Đới Hà kéo đến Quý Châu, Lư Hán theo đúng mật ước ra lệnh quân đội Vân Nam hợp sức cùng quân Giải Phóng, từ phía tây nam tiến đánh Quảng Tây - Quảng Đông. Chiếm được Quảng Đông, Lư Hán chuẩn bị yến tiệc chào mừng sui gia, không ngờ Lục Đới Hà vừa dẫn quân đến đã ra lệnh bắt giam Lư Hán vào ngục tối. Họ Lục cho tịch thu toàn bộ tài sản của thống đốc Vân Nam, chuẩn bị giải Lư Hán về Bắc Kinh chịu tội.

Cha ruột bị cha vợ bắt, Lư Triệu ở Đại Lý vô cùng sợ hãi, không biết số phận mình ra sao, liền ra sức lấy lòng Lục Nương. Từ chỗ bị gia đình chồng ruồng rẫy, khinh khi, Nương bỗng trở thành người có quyền lực nhất dinh phủ Đại Lý.

Vợ chồng Đường Minh Khang nghe tin Lục Đới Hà bắt giam Lư Hán, liền mang vàng bạc đút lót Lục Nương, viết thư nhờ cậy đòi công lý cho Đường Thục Nhi. Lục Nương xem thư xong thì xé bỏ, không nói lời nào. Đường gia nhiều lần xin gặp mặt Lục Nương cũng đều bị từ chối. Biết không thể nhờ cậy được vợ Lư Triệu, Đường Minh Khang tự thảo đơn xin tòa án tối cao ở Nam Kinh điều tra vụ cướp xe hàng ở cửa khẩu Đại Lý - Lệ Giang, khám xét dinh phủ Lư Triệu tìm thi thể của Đường Thục Nhi. Khi đấy, vào cuối năm dân quốc, tình hình chính trị Trung Hoa đang rơi vào cảnh hỗn loạn nhiễu nhương. Tưởng Giới Thạch vừa tuyên bố từ nhiệm, Lý Tông Nhân tạm thời đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Đàm phán giữa chính phủ Quốc Dân và Đảng Cộng Sản Trung Quốc tại Bắc Bình tan vỡ. Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc phát động chiến dịch vượt Trường Giang, chiếm lĩnh trung tâm kinh tế Thượng Hải và thủ đô Nam Kinh. Đường gia đem đơn tố cáo lên đến Nam Kinh bị kẹt lại đấy hết ba tháng trời mà không được việc gì, lại lặn lội trở về Vân Nam, nộp đơn lên tòa án Côn Minh. Chính quyền mới ở Côn Minh đang thời hỗn loạn, tòa án không giải quyết các vấn đề dân sự, nên lá đơn của Đường gia nằm ở Côn Minh suốt một năm.

Lư Hán bị Lục Đới Hà giam giữ ở Côn Minh suốt hai tháng, sống trong cảnh tù đày ngược đãi, sau đó mới bị giải về Bắc Kinh chịu tội. Chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân căn cứ vào việc Lư Hán đã ly khai với quân đội Tưởng Giới Thạch từ trước đấy, tự nguyện đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản, chỉ giam lỏng y chứ không xử tử. Một năm sau, Lư Hán được phục hồi danh dự, nhận chức vụ bù nhìn là phó chủ tịch uỷ ban quốc gia Thể Dục và Thể Thao. Tuy không có quyền hành gì, lại bị chính quyền Bắc Kinh quản thúc, Lư Hán vẫn ngấm ngầm kết nối các mối quan hệ sau chính trường. Vốn là người gian giảo, suốt hai cuộc chiến tranh Trung - Nhật và Quốc - Cộng, Lư Hán chỉ chăm chú vào việc buôn lậu, cướp bóc và tích lũy tài sản. Phần tài sản nổi của Lư Hán đã bị Lục Đới Hà tịch thu, giao nộp cho chính quyền Bắc Kinh. Phần tài sản chìm được Lư Hán chia ra chôn giấu ở nhiều nơi, không ai biết được. Vì lo sợ cho số phận của Lư Triệu ở Đại Lý, Lư Hán đem tiền của chạy chọt, đút lót cho tòa án ở Côn Minh và Bắc Kinh để dàn xếp các vụ tố cáo Lư Triệu. Nhờ vào đấy, Lư Triệu chỉ bị giáng chức xuống phó chủ tịch Đại Lý mà không bị tù tội cùng tịch thu tài sản. Lá đơn của Đường Minh Khang tố cáo Lư Triệu nằm ở Côn Minh một năm thì được bí mật chuyển về Bắc Kinh cho Lư Hán.

Đường Minh Khang sau khi nộp đơn tố cáo Lư Triệu cho tòa án tỉnh, quay về Đại Lý, đưa cả gia đình trốn sang Quý Châu. Một đêm mùa đông, Đường gia trang bỗng nhiên bị lực lượng vũ trang quân Giải Phóng Quý Châu bao vây và khám xét. Họ Đường bị kết tội làm nội gián cho Tưởng Giới Thạch. Vợ chồng Đường Minh Khang và cả gia đình gồm năm người bị quân Giải Phóng mang ra chợ chặt đầu làm gương cho dân chúng.

Tài sản của Đường Minh Khang bị quân Giải Phóng tịch thu toàn bộ. Họ mang theo cả bức tranh của Đường Thục Nhi. Bức tranh được vẽ hai ngày trước khi Đường Thục Nhi rời Đại Lý đi Tô Châu. Họa sĩ là nghệ nhân tài hoa của thành Tô Châu, tình cờ ngang qua Đại Lý, ghé thăm Đường gia. Như có điềm báo trước, gương mặt Đường Thục Nhi trong tranh rất buồn. Nỗi buồn ảm đạm toát ra trong ánh mắt, nụ cười làm người xem phải kinh động. Họa sĩ vẽ xong thì quẳng cọ đi, ôm mặt khóc. Đường Minh Khang cũng quá sợ hãi, định mang tranh đi đốt, nhưng Đường Thục Nhi cứ khư khư giữ lấy bức tranh.

Mùa hoa trà năm ấy, cả phủ Đại Lý đỏ rực, Lục Nương cấn thai. Lư Triệu mừng rỡ cho thắp đèn hoa toàn dinh phủ, mở yến tiệc suốt ba ngày ba đêm. Lư Hán ở Bắc Kinh cũng hoan hỉ gửi điện chúc mừng, bảo rằng, nếu Lục Nương sanh con trai thì đặt tên là Lư Hồng Kỳ.

Lục Nương đã lớn tuổi, mang thai lần đầu cứ thấy mệt mỏi rã rời, đêm đêm lại nghe tiếng khóc từ nơi nào vọng đến nên lòng vô cùng sợ hãi. Tháng thứ sáu, Lục Nương bị xuất huyết, thầy thuốc xem mạch bảo tình hình rất xấu, thai phụ cần rời xa Đại Lý để tránh khí âm hàn. Khi đấy, Lục Đới Hà đã về làm chủ tịch tỉnh Hồ Bắc. Lục Nương nghe thầy thuốc nói thế thì nằng nặc đòi về quê sanh nở. Lư Triệu cũng lo lắng, cấp tốc điều xe đưa Lục Nương về Hồ Bắc. Đoàn tùy tùng gồm sáu người kể cả vợ chồng Lư Triệu ngồi trên hai chuyến xe chở đầy hành lý và quà cáp. Vừa chuẩn bị ra khỏi đất Đại Lý tiến vào cổ thành Lệ Giang, chiếc xe chở vợ chồng Lư Triệu bị nổ lốp đâm đầu xuống vực.

Khi dân binh đến nơi, người tài xế đã bỏ mạng. Lư Triệu vẫn còn thoi thóp thở nhưng xương cốt nát bét. Y được đưa về Đại lý, sau hơn một tháng đau đớn gào khóc, một ngày trước khi Lục Nương hạ sanh Lư Hồng Kỳ, Lư Triệu tắt thở.

Lục Nương nhờ quấn trong đống vải bông và chăn mền nên không hề hấn gì, thai nhi cũng vẫn mạnh khỏe. Nương một mực bắt người nhà tiếp tục đưa mình về Hồ Bắc sanh con, chứ không theo chồng về lại Đại Lý. Cuối năm Tân Mão, Lục Nương sanh con trai, đặt tên con là Lư Hồng Kỳ. Thằng bé bị chứng thiếu nước ối sanh non, nên chỉ nhỏ như con mèo, không đủ sức cất tiếng khóc chào đời. Lần đầu tiên bồng thằng bé lên tay Nương suýt thét lên vì kinh hãi, không phải vì nó nhăn nheo còi cọc mà vì nó giống một người khác.

Cuối chân mày bên phải của Lư Hồng Kỳ có một nốt ruồi son bằng hạt đỗ xanh.

Sau khi Lư Triệu qua đời, cơ ngơi ở Đại Lý bị ba người vợ chính và bầy thê thiếp tranh giành phá nát. Lục Nương biết tin nên ở lại Hồ Bắc nuôi con. Thằng bé càng lớn lên càng yểu tướng, da dẻ trắng xanh, xương cốt nhỏ nhắn như phụ nữ. Lục Nương không yêu thằng bé, thường tìm cách xa lánh nó. Cứ mỗi lần nhìn thấy nốt ruồi son cuối chân mày Lư Hồng Kỳ, Nương lại rùng mình sợ hãi. Năm Lư Hồng Kỳ lên mười tuổi, một đêm khuya, Lục Nương bắt gặp nó ngồi dưới bóng trăng, trên tóc cài đóa hoa trà màu trắng. Quá khiếp hãi, Nương đem nó lên Bắc Kinh giao cho ông nội Lư Hán. Trở về Hồ Bắc, ba ngày sau Lục Nương thắt cổ tự tử chết.

Lư Hồng Kỳ lớn lên ở Bắc Kinh, bên cạnh ông nội, được ông hết lòng yêu thương, chìu chuộng. Thời gian đấy, Lư Hán vẫn bị giam lỏng ở Bắc Kinh, lòng luôn mong mỏi quay về Côn Minh xây dựng lại cơ đồ. Ở Côn Minh, Lư Hán vẫn còn nhiều thuộc hạ thân tín, còn một số của cải chôn giấu. Y đặt hết hy vọng vào thằng cháu đích tôn, nhưng nó càng lớn lên càng yểu nữ. Năm mười sáu tuổi, Lư Hồng Kỳ thường xuyên trốn nhà ban đêm vào những kỹ viện hóa trang thành gái hát. Suốt bốn năm trời Kỳ lê la khắp các kỹ viện lớn ở Bắc Kinh, trở thành kỹ nữ được đám phong lưu công tử mê thích, nhưng Lư Hán vẫn không hay biết gì. Năm Lư Hồng Kỳ được hai mươi tuổi, một buổi sớm say sưa trở về nhà, Kỳ quên chùi rửa son phấn trên mặt. Lư Hán vốn quen cách sống trong quân đội, thường thức dậy rất sớm nên tình cờ bắt gặp cháu nội trong bộ mặt đào hát. Vốn là con nhà võ, Lư Hán nổi trận lôi đình, cho người nhà lôi Lư Hồng Kỳ ra đánh hai mươi hèo.

Suốt một năm sau đó, Lư Hồng Kỳ bị ông nội nhốt trong nhà, muốn đi đâu cũng có người theo canh giữ. Cuộc sống bị giam cầm làm cho Kỳ trở nên bạc nhược, xanh xao, ẻo lả hơn. Lư Triệu sợ chốn đô hội làm đứa cháu đích tôn hư hỏng, yểu mạng nên nộp đơn xin quay về Côn Minh dưỡng già.

Khi được phép về lại Côn Minh, Lư Hán đã trên bảy mươi. Ở tuổi thất thập, y vẫn nuôi tham vọng dựng lại cơ đồ. Lư Hán tìm cách kết nối liên lạc với bè đảng cũ, nhưng người thân tín của Lư Hán không còn ai tại ngũ. Người quen trẻ nhất cũng đã bước qua tuổi lục tuần. Thấy không còn cơ hội chính trị, Lư Hán bỏ tiền giúp chính phủ Côn Minh mở nhà máy thuốc lá đầu tiên ở Tấn Ninh. Y trở thành giám đốc nhà máy và chủ tịch hội cựu quân nhân ở Côn Minh. Một năm sau đấy, Lư Hán lại giúp chính quyền mở thêm nhà máy thứ hai ở Nghi Lương. Y trở thành cố vấn kinh tế sở Công Thương tỉnh Vân Nam.

Từ trung tâm thủ phủ Côn Minh về nhà máy Nghi Lương khoảng mười lăm cây số. Mỗi ngày Lư Hồng Kỳ phải đạp xe mười lăm cây số đi và mười lăm cây số về để làm việc ở nhà máy. Cuộc sống nông thôn và lao động làm thể chất yếu đuối của Lư Hồng Kỳ tráng kiện được phần nào, nhưng tinh thần Kỳ càng ngày càng bạc nhược u ám. Một ngày Lư Hồng Kỳ không đạp xe về nhà nữa, người ta tìm thấy xác hắn nằm chết dưới một cái giếng hoang trên đường từ Nghi Lương về Côn Minh.

Sau cái chết của đứa cháu đích tôn, tinh thần và sức khỏe Lư Hán suy sụp. Từ một quân nhân già tráng kiện, nhiều hôm Lư Hán phải vất vả chống gậy đi xe hơi về thăm nhà máy. Những hôm ngồi bên bộ bàn đèn bằng vàng ròng do Việt Minh hối lộ năm Ất Dậu, Lư Hán bồi hồi nhớ lại những tháng ngày oanh liệt khi đưa quân sang Việt Nam. Giấc mộng nam tiến của Lư Hán ở tuổi bát tuần vẫn còn dang dở.

Một năm sau cái chết của Lư Thiếu Kỳ, có người phụ nữ trẻ đến gõ cửa nhà Lư Hán. Thoạt đầu gia nhân của Lư Hán không cho cô ta vào, nhưng thị cứ nhất định là có chuyện hệ trọng. Khi ấy là buổi chiều, Lư Hán đang chống gậy bách bộ trong sân, nghe tiếng xôn xao ngoài cửa thì lần mò ra xem. Người phụ nữ vừa nhìn thấy bóng dáng Lư Hán liền kêu to:

“Cháu xin cụ. Đây là giọt máu của nhà cụ, xin cụ nhận cho.”

Lư Hán thấy người phụ nữ đang ôm tấm chăn rất to trước bụng.

“Chị ta là ai?” Lư Hán bực bội hỏi gia nhân.

“Thị có bồng theo một thằng bé, cứ nhất quyết bảo nó là con của Lư công tử, thưa ông.”

Lư Hán phẩy tay định bỏ vào trong nhà, những chuyện lừa bịp thô thiển của bọn nông dân luôn làm y chán ngán, nhưng người đàn bà vẫn sấn qua cổng. Trong tấm chăn quấn trước bụng thị bỗng có tiếng khóc oa oa. Tiếng khóc níu chân Lư Hán lại, y chậm chạp tiến về phía cổng nhìn vào mớ chăn quấn. Thằng bé đang khóc mếu máo nhìn thấy ông già lại càng gào to lên như thách thức. Lư Hán sững người nhìn nó. Cuối chân mày bên phải của thằng bé có nốt ruồi son to bằng hạt đỗ.

“Cháu làm việc ở nhà máy thuốc lá, trong phân xưởng của Lư công tử.” Người phụ nữ đỏ mặt, ngập ngừng kể.

Lư Hán khoát tay ra hiệu im lặng, ông thọc tay vào chăn sờ mó thằng bé. Tay chân nó bụ bẫm rắn chắc, da dẻ nó trơn tru khỏe mạnh. Từ trong chăn bay ra mùi nước tiểu, mùi sữa chua. Thằng bé khoảng độ trên bốn tháng tuổi, nó hung tợn vùng vẫy trong chăn, ngoác miệng gào la giận dữ. Lư Hán quay sang bảo gia nhân:

“Đưa thằng bé vào nhà, kiểm tra nốt ruồi son của nó.”

Nốt ruồi son cuối chân mày thằng bé là thật. Mẹ nó được Lư Hán giao cho một số tiền hậu hĩnh kèm theo lời răn đe, thị phải lập tức rời khỏi nhà máy thuốc lá và không bao giờ quay lại Côn Minh. Thằng bé được Lư Hán đặt tên là Lư Khả.

Lư Khả là đứa trẻ mạnh khỏe và ngoan ngoãn. Tuy không được thông minh, nhưng Lư Khả chăm chỉ và biết cách lấy lòng người khác, nên ở trường học nó luôn được cô giáo tin cậy. Từ ngày nhận Lư Khả vào nhà, Lư Hán như hồi sinh. Y vứt bỏ cây gậy, xăm xăm lo việc kinh doanh, việc dạy dỗ Lư Khả. Bốn tuổi, Lư Khả đã có chế độ luyện tập thể thao và sống theo kỷ luật quân đội. Sáng dậy sớm, ăn ngủ đúng giờ, đi thưa về trình. Lư Khả chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của cụ cố, bề mặt ra vẻ hiền lành ngoan ngoãn nhưng phía sau, Lư Khả ngấm ngầm nuôi dưỡng ý định chống đối.

Năm lên sáu tuổi, Lư Khả bắt đầu lén lút làm nhiều việc ngỗ nghịch. Đầu tiên nó bắt con mèo cưng của cụ cố mang ra suối trấn nước. Sau đó, nó bỏ thuốc diệt chuột vào chuồng gà làm hàng loạt gà đẻ lăn quay ra chết. Khi người nhà phát hiện Lư Khả là thủ phạm, họ trình báo cho Lư Hán, không ngờ cụ cố tiếp nhận sự việc một cách hoan hỉ khác thường.

Lư Hán bảo người nhà trói Lư Khả lại, tự tay y đánh nó mười hèo đau lăn lộn. Đánh xong, y gọi nó vào phòng, xức thuốc cho nó và bảo:

“Tao đánh mày không vì mày làm ác. Tao đánh mày vì mày để lộ cái ác ra cho người khác biết.”

Lư Khả gạt nước mắt, kính cẩn trả lời:

“Vâng ạ.”

Những ngày sau đấy, Lư Khả càng tỏ ra hết sức ngoan ngoãn. Nó thôi làm những việc sai quấy, chỉ quanh quẩn trong nhà nghĩ cách giết cụ cố. Một buổi tối, nhân khi Lư Hán ngủ say, nó lén lấy cắp chùm chìa khóa của cụ cố. Gian phòng phía sau dãy nhà kho là nơi bọn mèo hay ẩn náu. Ban đêm, Lư Khả thường nghe có những tiếng kêu ngao ngao sau cánh cửa. Nó kể cho cụ cố nghe, không ngờ mặt Lư Hán tái hẳn đi vì sợ hãi, rồi cụ túm lấy bím tóc của nó lo lắng bảo:

“Nếu tao bắt gặp mày đến gần đấy, tao sẽ giết chết mày.”

Vẻ mặt sợ hãi của cụ cố giống như vẻ mặt của con mèo bị trấn nước. Con mèo cũng sợ hãi như thế và rồi nó chết với hai con mắt mở trừng trừng, miệng há to đầy dãi nhớt. Ở tuổi lên sáu, Lư Khả đinh ninh rằng, ở trong căn phòng đấy nó sẽ nhìn thấy cái chết của cụ cố.

Khi Lư Khả đến được căn phòng, bóng đêm mười hai giờ khuya đã phủ kín gian nhà. Một mình nó lọ mọ đi trong đêm, không đèn không đóm. Ánh sáng đỏ mỏng manh từ cuối hành lang cứ kéo nó đi. Đấy là ánh sáng xuyên qua khe cửa gian phòng cấm. Lư Khả dừng một lúc rất lâu trước cửa phòng, nó lắng nghe động tĩnh. Cả gian nhà chìm trong yên lặng, mơ hồ lắm, chỉ có những tiếng động nhỏ sau cánh cửa như tiếng mèo cào.

Lư Khả tra từng chìa khóa vào ổ, chỉ có một chiếc chìa mạ vàng rất nhỏ là vừa khớp. Nó vặn đúng hai vòng thì có thể xoay được tay cầm.

Bên trong leo lét hai ngọn đèn dầu có bóng màu đỏ rất lạ lùng. Phải một lúc sau, mắt Lư Khả mới nhìn được chiếc bàn đặt giữa gian phòng đầy bụi và màng nhện. Những dải bùa đỏ treo lủng lẳng, đong đưa, cọ vào nhau như tiếng mèo cào. Một bức tranh người thiếu nữ có đôi mắt rất buồn nhìn nó đăm đăm. Cuối chân mày bên trái của cô ta có nốt ruồi son bé bằng hạt đỗ xanh. Lư Khả tiến lại gần bức tranh, bỗng nhiên như có bàn tay ai đẩy nó về phía trước. Nụ cười của người thiếu nữ trong tranh thay đổi lạ lùng, vừa đau khổ, vừa tàn ác. Lư Khả còn quá bé để hiểu được nụ cười ấy, nhưng nó thấy khủng khiếp và sợ hãi.  Bàn tay ai phía sau cứ đẩy nó về phía trước. Bàn tay nào khác, bụm lấy miệng nó. Trong cơn hoảng loạn, Lư Khả dang tay hai tay múa máy điên cuồng, miệng nó cố la lên ú ớ. Bàn tay trái của Lư Khả chụp phải một tấm bùa, nó kéo bừa về phía mình rồi ngã ập xuống đất.

Lư Khả tỉnh dậy trên giường của cụ cố. Mắt nó bắt gặp ánh mắt lo âu quen thuộc, nó bật khóc mếu máo. Quai hàm nó cứng đờ. Cả người nó đau nhức như bị đánh, lại không sao cử động được. Hóa ra nó bị cột vào giường. Lư Hán vừa ứa nước mắt vừa vả vào mặt nó, mắng yêu:

“Thằng trời đánh.”

Rồi Lư Hán bật cười ha hả giữa hai hàng nước mắt.

“Mạng mày lớn lắm, con ạ. Tốt lắm.”

Hai ngày sau, Lư Khả có thể ngồi dậy, tự ăn cháo. Nó nhìn gian phòng treo đầy bùa, ngạc nhiên hỏi:

“Sao ông treo bùa ở đây?”

Lư Hán nhẹ nhàng vỗ vai thằng chắt:

“Bây giờ chẳng cần nữa, ông cho gỡ ngay thôi.”

Lư Khả sợ hãi hỏi:

“Trong gian phòng đấy có gì?”

Lư Hán cười gằn:

“Chẳng có gì cả. Chỉ một bức tranh cũ vô dụng.”

“Người trong bức tranh là ai?”

“Nó là Đường Thục Nhi. Nhưng không liên quan gì đến mày.”

Lư Khả nhớ lại khung cảnh rùng rợn ban đêm, nó mếu máo:

“Nhưng cô ta có nụ cười ghê rợn lắm.”

“Nó chỉ cười thế chứ có làm chó gì được đâu. Lư Khả, mạng mày to lắm, bây giờ chẳng việc gì phải sợ nữa.”

Năm Lư Khả lên bảy, cụ cố mang quà cáp dẫn thằng cháu đến trường, xin cô giáo cho nó gia nhập đội Thiếu Niên Tiên Phong Trung Quốc. Tự tay Lư Hán thắt chiếc khăn quàng đỏ đầu tiên lên cổ thằng bé. Buổi chiều, Lư Hán cho người nhà nấu cho Lư Khả một bữa ăn thật thịnh soạn. Sau bữa ăn, Lư Hán gọi nó vào phòng riêng, nghiêm khắc dặn dò:

“Năm mười lăm tuổi, mày phải vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản. Năm hai mươi lăm tuổi, mày phải thành đảng viên Cộng Sản.”

Thằng chắt không trả lời qua loa, nó nghiêm nghị nhìn cụ cố, hỏi:

“Thế thành đảng viên Cộng Sản có được phép giết chó mèo không?”

Lư Hán mỉm cười:

“Nếu mày biết cách, mày giết cả người.”

Lư Khả ngoan ngoãn cúi đầu vâng dạ, trong bụng lại nghĩ đến cách giết cụ cố.

Khi đấy, chiến tranh biên giới Việt - Trung diễn ra. Lư Hán cười khằng khặc, khoái trá cho Lư Khả xem những tấm hình chiến tranh tàn khốc bên kia biên giới.

“Hãy nhìn cho kỹ. Một ngày nào đấy, mày cũng phải đưa quân sang bên kia biên giới.”

Lư Khả háo hức xem từng tấm hình, nghiền ngẫm khuôn mặt đau đớn của những xác chết. Nó thôi nghĩ đến chuyện giết cụ cố mà mơ ngày nam tiến.

*

Năm Lư Khả lên mười bốn, chưa kịp gia nhập đoàn Thanh Niên Cộng Sản thì Lư Hán ngã bệnh nặng. Những ngày cuối cùng, Lư Hán mất hẳn trí nhớ, chìm trong cơn mộng mị. Thỉnh thoảng cụ cố mở mắt ra, thều thào: “Chiếc khăn quàng màu đỏ, Lư Khả, chiếc khăn màu đỏ.” Người nhà đưa cho Lư Hán chiếc khăn quàng đỏ của đội thiếu niên, Lư Hán gạt đi rồi lại thì thào: “Chiếc khăn… màu đỏ vắt trên núi.”

Lư Khả ngồi bên giữ tay cụ cố, khuôn mặt y lạnh tanh.

Sau khi Lư Hán qua đời, Lư Khả nộp đơn xin vào đoàn thanh niên, năm sau thì được kết nạp. Năm hai mươi lăm tuổi, Lư Khả trở thành đảng viên Cộng Sản. Lư Khả thấm nhuần những lời căn dặn của cụ cố, ngoài mặt ra sức phấn đấu hết mình trong công tác, trong lòng nuôi tham vọng đưa quân nam tiến.

Năm ba mươi tuổi, Lư Khả đã làm đến chức phó chủ tịch huyện Nghi Lương. Y giao du mở rộng quan hệ với nhân viên Bộ Kinh Tế ở Bắc Kinh, đem tiền bạc đút lót vận động chủ trương mua đất đặc khu kinh tế ở Nam Qua. Mùa xuân năm Tý, chính quyền nhân dân Trung Hoa ký hiệp ước tiếp nhận bốn đặc khu kinh tế ở Việt Nam. Lư Khả được đưa sang làm chủ tịch đặc khu mang tên Phong Thổ.

Ở tuổi ngoài ba mươi, Lư Khả chỉ có đứa con gái duy nhất tên là Lư Tố Nga, dung mạo xấu xí quê kệch. Khi Lư Khả sang làm chủ tịch Phong Thổ, Lư Tố Nga mới mười hai tuổi, vừa học xong lớp sáu. Hai mẹ con sang Nam Qua làm công tác quản lý nhân sự cho Lư Khả. Được hai năm, do không chịu nổi khí hậu rừng núi ở Nam Qua, người mẹ qua đời. Ở tuổi mười bốn, Lư Tố Nga trở thành người tin cậy duy nhất của Lư Khả.

Ba năm sau cái chết của mẹ, Tố Nga được mười bảy tuổi. Lư Triệu dàn xếp cho con gái về lại Côn Minh, làm quen với một thanh niên bảo vệ cho nhà máy Nghi Lương. Chàng thanh niên tuấn tú, mạnh khỏe này có tên là Tống Chính Thao. Đám cưới hai họ Lư - Tống được tổ chức ở Nghi Lương rất đạm bạc, chỉ có vài người quen bên gia đình chú rễ. Tống Chính Thao theo vợ sang Nam Qua nhận chức đội phó công an, rồi lên Đội trưởng công an. Năm ba mươi tuổi y trở thành Khu Trưởng công an Phong Thổ. Hai vợ chồng chỉ có được một đứa con trai đặt tên là Tống Tăng Hoàn ngoại hình rất giống mẹ. Tống Tăng Hoàn có dáng người xấu xí thô kệch, tư chất lại lười biếng hèn nhát. Nhưng Hoàn là con một nên rất được cha mẹ nuông chiều. Khi Tống Tăng Hoàn lên mười lăm tuổi, Lư Tố Nga mới sanh được đứa con thứ hai. Con gái tên Tống Yên Yên, không giống cha cũng không giống mẹ. Nó lại giống người phụ nữ trong bức tranh của cụ cố, dung nhan cực kỳ khả ái. Cuối chân mày bên phải của nó có nốt ruồi son bé tí bằng hạt vừng.

Năm lên mười hai tuổi, một lần Tống Yên Yên nhìn chăm chăm vào mặt Lư Khả. Ông ngoại nó kinh hãi suýt hét lên. Trong đáy mắt buồn thảm của Tống Yên Yên lửa căm thù bốc lên ngùn ngụt. Lư Khả sững sờ gọi:

“Đường Thục Nhi, mày đấy à?”

*

Năm tháng qua đi, bia đá bị cạo sửa, lịch sử Hồ Lô và Nam Qua được nhiều lần viết lại. Trên nền đất Nam Qua những ngôi làng mới lần lượt mọc lên, rồi lại bị người Hồ Lô xua quân qua thiêu hủy. Thôn xóm Nam Qua theo từng mùa binh đao lại chìm trong biển lửa, bia mộ vừa mọc lên đã bị bom đạn cày nát. Oan hồn không ma chay trốn vất vưởng vào khe núi chẳng thể nào siêu thoát được.

Lão Què biết rõ mọi chuyện tử sinh. Lão sống âm thầm trên vách đá Bạch Mộc Lương Tử, dửng dưng nhìn thời cuộc trôi như đám mây lưng chừng núi.

Cho đến ngày hôm qua, lão nhìn thấy thằng bé con cô Cấn lò dò tìm đường trở về nhà. Có nghiệp là sanh chướng. Thằng bé đi rồi còn quay lại ắc phải có nghiệp chướng. Quẻ gieo hai lần. Lần nào sao Thái Bạch cũng rơi vào cung Tật Ách. Đại hạn thứ hai của thằng bé ngay trong căn nhà của lão.

Lão Què chống gậy thần ma lần xuống núi đón đường thằng Cún.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét