(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch
hay sao chép lại.)
*
Thằng bé đi men theo con đường đá dẫn về
Làng Hạ. Mỗi khi có chuyến xe tải ầm ì ngang qua, nó lại sợ hãi nép sâu vào những
gốc cây bên lề đường. Ánh mắt hoảng loạn dõi theo chiếc xe chở đá mang nỗi chết
chóc xám ngắt. Cho đến khi con quái vật khổng lồ khuất sau khoảng đường rừng,
nó mới rón rén đặt bàn chân bé xíu lên mép đá rồi lại lầm lũi bước. Trong bộ áo
quần học sinh cũ kỹ mang huy hiệu trường tiểu học Làng Hạ, tấm khăn quàng đỏ phất
phơ theo gió, nhìn từ xa nó giống như mọi đứa trẻ khác trong làng. Chỉ có ánh mắt
xám xịt của nó già hơn tuổi tác và giữa trưa nắng gắt chiếc bóng của nó không đọng
trên mặt đường.
Nhà cô giáo Cấn ở cuối rừng tre Làng Hạ.
Cánh cổng tre xiêu vẹo được cột bằng dây lói, quấn ba vòng. Thằng bé không đi
qua cổng chính, nó xăm xăm vạch bụi tầm xuân mọc rậm rì bên hàng giậu. Ở đấy có
một khe nhỏ vừa đủ cho thân hình ốm o lách đi mà không để lại dấu vết gì. Nó vừa
trườn qua, bụi tầm xuân lại đâm chen vào nhau rũ hoa xanh biếc.
Thằng bé thè lưỡi hít hà mùi hương bảng lảng. Mùi hương dành riêng cho nó, gọi hồn quay về. Nó vòng sang bên hè phải, đi thẳng
vào gian nhà bếp cuối vườn. Cô giáo Cấn không khóa cửa bếp. Thói quen từ ba năm
nay, cô vẫn còn giữ như thế, để thằng bé con chỉ gạt cái chốt sau đống củi là
có thể đẩy cửa vào. Ở trong cùng gian nhà đất có một cái chõng tre bám bụi và bồ
hóng. Nhiều lần thầy Cấn muốn tháo nó ra làm chuồng gà, nhưng cô Cấn lại rơi nước
mắt. Cô sợ cái ngày bước vào bếp không nhìn thấy cái chõng tre, không thể cất
lên câu hỏi yêu thương tự đáy lòng: “Cún đã ăn khoai luộc chưa?” Mé cuối chân chõng
bây giờ cô chất một đống củi khô, cho đỡ đi cảm giác lạc lõng.
Thằng Cún không đẩy củi khô xuống đất. Nó
khẽ khàng leo lên phần còn trống của chõng, nằm co ro. Cặp mắt xám ngắt của nó
mở trừng trừng nhìn lên nóc bếp, bên kia mái lá là bầu trời xanh. Ba năm trước
phải có người vuốt mắt nó mới nhắm lại được, bây giờ giấc ngủ hóa thừa thãi. Nó
cứ mở mắt trừng trừng nhìn lên bầu trời, không biết phải bắt đầu từ đâu, không
thể nhớ mình là ai. Mùi khói bếp, mùi phân gà trong bếp bảng lảng vây quanh, cảm
giác thân thuộc ngày xưa nhẹ nhàng tìm đến. Nó thở hắt ra nhúm bụi đất, khoan
khoái nhắm mắt lại, từ từ chìm vào giấc ngủ.
Mọi chuyện diễn ra tự nhiên như ba năm trước.
Thằng Cún ở trường học về, vẫn vào nhà như thế và ngủ co chân trên chõng như thế.
Chỉ một điều khác trước, vì điều này mà thằng Cún còn biết đường quay về. Trong góc bếp,
bát hương và chén nước mưa đặt trên nền đất để gọi ma xó.
*
Cô Cấn đẩy cánh cửa tre đi vào nhà. Cảm
giác kỳ lạ tràn qua lòng làm cô thảng thốt dừng lại đưa mắt nhìn quanh. Làng Hạ
buổi trưa đứng bóng quang vắng im lìm như cõi âm ty. Chỉ khi có gió thổi qua,
người ta mới nghe tiếng tre nứa xào xạc. Cô vừa từ nhà trẻ của đội Đập Đá về,
thằng cu Puốn đang ngủ ngon trên đấy cùng mấy đứa trẻ khác. Buổi trưa cô vẫn
thường hay tranh thủ chạy về nhà, thói quen thừa thãi này từ ba năm nay cô vẫn
giữ.
Sự im lặng bất thường của dãy chuồng gà sau
nhà bếp làm cô lo lắng. Bao giờ bọn gà mái cũng mừng rỡ tíu tít khi nghe tiếng
cánh cửa tre kéo cọt kẹt. “Sao hôm nay im ắng thế nhỉ”. Cô Cấn tất tả đi về phía
chuồng gà sau vườn. Trong góc chuồng, mấy con gà mái nép mình vào nhau run rẩy.
Ánh mắt hoảng loạn của chúng làm cô bất giác rùng mình.
“Sao bọn chúng lại sợ hãi thế này?”
“Cúc, cúc”.
Đàn gà nghe tiếng gọi quen thuộc của chủ bỗng
bừng tỉnh. Chúng lúc túc chạy ra cửa chuồng, lơ láo chờ ăn. Cô Cấn đếm đủ hai
mươi con gà, vừa mừng vừa lo:
“Tiên sư bọn bây, làm tao sợ thế. Mấy hôm
nay cáo lại về, cẩn thận đấy”.
Mùa này cáo hay về bắt gà và có dịch gia cầm
nên cô Cấn phải nhốt kỹ bọn gà mái lại. Tuy tốn kém thức ăn nhưng đảm bảo an
toàn. Cô đập đập tay cho đàn gà bắt hơi chủ, rồi tất tả đi sang gian nhà bếp lấy
cám cho gà. Cánh cửa bếp khép hờ làm cô giật mình. Trước khi đi ra khỏi nhà bao
giờ cô cũng chốt cái khóa bên đống củi. Trái tim cô tràn ngập cảm giác kinh
hãi, nó phồng to lên rồi thắt lại đột ngột. Cô Cấn đưa tay lên ôm ngực, loạng
choạng bám vào đống củi. Phải mất vài phút cô mới trấn tỉnh, linh tính báo một
điềm kỳ lạ, cô Cấn run rẩy xô cửa đi vào bếp.
Cảnh tượng trong bếp lại đột ngột làm cô
nín thở. Cái dáng nhỏ nhoi nằm trên chõng tre không lẫn vào đâu được, đó là
hình ảnh của ba năm về trước mà cô vẫn khắc sâu trong tim mình. Như người mộng
du, cô rón rén đi về cuối bếp, chỉ sợ một tiếng động nhỏ là ảo giác kia tan vỡ.
Thằng Cún vẫn nằm co chân trên chõng, khuôn mặt hiền lành của nó ngửa lên trên,
ánh mắt khép kín.
Cô Cấn khẽ khàng ngồi xuống bên con, mắt cô
dán chặt vào khuôn mặt thằng bé. Bàn tay của cô nhiều lần đưa lên định vuốt tóc
nó rồi lại buông xuống. Cô biết mùi hăng hăng của mái tóc khét nắng đấy ra sao,
biết cái cách nó dụi đầu vào ngực cô mỗi khi đói ra sao. Nhưng cô sợ, chỉ chạm
tay vào là giấc mơ biến mất, vĩnh viễn rời xa gian nhà này, vĩnh viễn nằm lại
bên kia cánh rừng. Nước mắt cô chảy dài trên má, nhỏ xuống vạt áo vải sờn cũ,
loang thành một khoảng thâm đen.
Thằng bé bỗng trở mình, quay sang bên trái.
Bàn tay nó chạm vào đầu gối cô, dừng ở đấy, rồi mân mê thật nhẹ nhàng. Cô Cấn lặng
người đi vì sự tiếp xúc. Nó thật quá, quen thuộc quá.
“Cún đã ăn khoai luộc chưa?” Cô thì thào
trong giấc mơ.
Thằng bé mỉm cười lắp bắp:
“Con ứ ăn khoai luộc”.
Suýt nữa cô Cấn bật dậy và hét lên. Nhưng
cô ngồi bất động nhìn sững vào khuôn mặt thương yêu của thằng bé. Nó vẫn như ba
năm về trước, nó vẫn là đứa trẻ lên sáu, nó không lớn lên tẹo nào. Tại sao thế
nhỉ, lẽ ra bây giờ nó đã lên chín. Trong góc bếp, bát hương ma xó nằm quạnh quẽ.
Theo phong tục người Thái, lẽ ra thằng Cún phải được thờ trong nhà vì nó là con
trai. Nhưng cô Cấn mang bát hương ra bếp, chỗ thằng Cún thích nhất vẫn là gian
bếp cạnh chuồng gà.
“Lạy Trời, phù hộ độ trì. Con về với mẹ đấy
à?”
Thằng bé thôi mỉm cười, nó từ từ mở mắt ra.
Ánh mắt xám ngắt hận thù của nó làm người mẹ hoảng hốt đứng bật dậy.
*
Cả buổi trưa trong nhà trẻ cô Cấn cứ lạc
vào trạng thái ngơ ngẩn không rõ mình mê hay tỉnh. Thỉnh thoảng, cô giật mình,
chạy sang phòng trẻ số 1, tìm thằng Puốn. Thằng bé vừa đến tháng biết bò, đang
lổm ngổm trên sàn đất cùng mươi đứa trẻ khác. Một số lớn trong nhóm đã bắt đầu
chập chững biết đi, chúng rượt đuổi nhau từng bước ngắn rồi lại ngã lăn quay ra
sàn. Đứa nào cũng rách rưới, lem luốc, trầy sướt, trơ lì. Hai mươi đứa trẻ chen
chúc trong gian nhà tranh chật chội, toàn là con cái của công nhân xí nghiệp
khai thác đá.
Thằng Puốn thôi bò, nó vịn cạnh bàn dợm đứng
dậy. Ánh mắt nó đảo quanh tìm kiếm và rồi nó phát hiện ra cái vật thể còm cõi
ngồi lù lù trong góc phòng. Đấy là thằng cu Tuẩn con của cô Quách, công nhân đội
đẩy đá vừa bị tử nạn tuần vừa rồi. Đám ma nghèo nàn buồn tẻ của mười người công
nhân chết thảm vì bị núi lở làm cả xóm đau quặn lòng. Nhiều quan tài ọp ẹp đóng bằng
gỗ tạp bên trong trống rỗng. Bài vị ở đấy, tên tuổi ở đấy, nhưng thi thể người
chết còn bị chôn vùi dưới những tảng đá khổng lồ. Mấy đêm nay thằng cu Tuẩn đói
sữa mẹ cứ khóc ngằn ngặt, tiếng khóc nó vọng sang tận bên nhà cô Cấn làm cô
không ngủ được. Đêm đầu tiên, không chịu nổi, cô Cấn phải chạy sang nhà hàng
xóm, tha thằng Tuẩn về cho nó ngậm ti. Thằng Tuẩn chưa kịp quen hơi cô thì thằng
Puốn đã hục hặc tỉnh giấc. Trong đêm tối nó mở mắt nhìn dáo dác, thấy mình bị
nhốt vào cũi, vậy là nó gào lên giận dữ. Cô Cấn suỵt vài tiếng nho nhỏ, nhưng
thằng Puốn đã bò dậy tìm cách tấn công, đạp phá thành cũi. Cho đến lúc nó húc
vào song gỗ toác cả da đầu thì cô Cấn khóc thút thít, mang thằng Tuẩn sang trả
lại cho bố nó. Trước bài vị của Quách, cô sụt sịt vái lạy Quách tha tội cho cô
vì không cưu mang được thằng bé. Cô nhớ nụ cười nửa ngượng ngập, nửa vui mừng của
Quách khi đứng bên hàng rào báo tin: „Em cấn thai, chị ạ“. Quách là bạn cùng
trang lứa với Thạc. Khi còn bé hai đứa thân nhau đến độ, làng xóm cứ tưởng khi
lớn lên rồi chúng sẽ lấy nhau. Mười ba tuổi, Quách bị gia đình bán lên Làng Thượng
làm thê thiếp cho phó ban hình sự Tống Tăng Hoàn. Ba năm sau, vì không thể sanh
con, Quách phải trở về làng tàn tạ xơ xác, nhưng Quách có ít tiền xây gian nhà
ngói cho cha mẹ. Mười sáu tuổi, Quách đi làm công nhân đẩy đá, lấy Diễn cũng là
công nhân đẩy đá.
Hương khói bên cỗ quan tài Quách tỏa lan
man buồn thảm. Thân xác Quách còn nằm đâu đó trên công trường đá. Buổi chiều nhập
quan, Thạc có đến. Nó chỉ đứng ngoài cổng rào nhìn cảnh người ta cho nhập quan
bộ quần áo cũ của Quách. Ánh mắt Thạc tóe lửa, hàm răng nghiến chặt. Nó đứng một
lúc, lẩm bẩm điều gì rồi bỏ đi lên núi.
Thằng Tuẩn mất mẹ một tuần mà gầy rộc đi,
ánh mắt mờ dại. Nó thôi chơi trò vật lộn với đám bạn trong nhà trẻ, âm thầm lủi
vào góc nhà như con gà ốm. Nhưng thằng Puốn không quên mối thù với kẻ cướp sữa,
nó tìm thấy thằng Tuẩn ngồi co ro trong góc. Như con trâu dữ nó hằm hè bò đến,
lao đầu vào bụng thằng Tuẩn, hất đối thủ lăn quay ra sàn. Thằng Tuẩn lăn vào
vách nhà cất tiếng khóc khàn đặc, những đứa trẻ lem luốc khác cũng gào lên,
không rõ vì sợ hãi hay vì thích thú. Bên bàn nước, cô bảo mẫu vẫn lặng lẽ bận bịu
với công việc đan giỏ tranh. Cô Cấn bụm miệng sợ hãi nhìn sững thằng con, trong
mắt cô, nó không có tí hình ảnh nào của thằng Cún cách đây tám năm. Thằng Cún
cũng đang tuổi biết bò, nhưng nó luôn ngồi bên chân cô bảo mẫu, tránh né những
cuộc va chạm. Nó luôn mừng rỡ mỗi khi thấy mẹ đi ngang qua phòng. Giữa những đứa
trẻ chai lì hung tợn, nụ cười rạng rỡ và ánh mắt bừng sáng của thằng Cún bao giờ
cũng khác lạ. Tim cô Cấn thắt lại, cô kêu lên một tiếng đau đớn rồi bỏ chạy về
nhà bếp. Trong cơn hoảng loạn, cô vục đầu vào thùng nước lạnh. Vẫn không rõ
mình mê hay tỉnh.
Buổi chiều, cô Cấn địu thằng Puốn về nhà, cảm
giác đau đớn sợ hãi bỗng lại tràn về bóp nghẹt hơi thở. Bàn tay cô đặt lên cánh
cửa tre, lưỡng lự, tần ngần mãi. Cô không rõ chuyện gì xảy ra trong gian nhà
tranh kia. Trên lưng cô là thằng Puốn đang ngủ ngon sau một ngày vật lộn trong
nhà trẻ. Tiếng thở của nó nhịp nhàng, hơi thở của nó tỏa ấm trên gáy cô là sự
thật quá hiển nhiên. Nhưng giấc mơ về thằng Cún sống động lạ lùng, cứ như nó
chưa từng ra đi. Và giờ đây, như ba năm về trước, nó vẫn đang ngồi trong bếp cặm
cụi học bài và chờ cô về nấu bữa cơm chiều.
Thằng Puốn phía sau bỗng tỉnh giấc, nó bực
bội thúc chân kêu a a, làm cô giật mình. Ừ thì thằng Puốn, cô chỉ có một đứa
con là thằng Puốn. Nó ra đời cách đây hơn một năm, sau tai nạn thảm thương của
thằng Cún. Cảm xúc yêu thương của cô dành cho nó lặng lẽ, một thứ cảm xúc vừa đủ
lấp đầy nỗi đau, không hề vồ vập hân hoan như lần đầu làm mẹ. Nhưng cô và thầy
Bâng đều mừng vì Trời Đất còn thương tình cho vợ chồng mụn con thứ hai.
Cô ngơ ngẩn địu thằng Puốn vào nhà, tự nhủ,
mọi chuyện đã qua đi, giờ đây cô đã có một đứa trẻ thế vào chỗ thằng con đã mất.
*
Thằng Cún ngồi thu lu trên chõng tre chờ mẹ
về. Ánh mắt nó nhìn sững vào góc thờ ma xó, cố tìm lại khoảng ký ức đã mất, bỗng
rồi nó nhớ đến cái ba lô chứa sách đi học. Nó sung sướng mỉm cười với suy nghĩ
mới mẻ.
“Cún phải học bài cho ngày mai.”
Nó lại nhớ đến cô giáo Các, cô nói rất to
và hay trừng phạt. Cô không giống mẹ và những người đàn bà nhút nhát trong Làng
Hạ. Mẹ nó bảo, cô Các là người Làng Thượng, cô dạy tiếng Hoa cho trẻ con Làng Hạ
để chúng quên gốc gác của mình đi. Thằng Cún lại nhớ đến thằng Đóng và thằng Củ
Mì, nó mỉm cười.
”Bọn mình chơi đánh đáo nhé.”
Ký ức tràn về từng đợt sóng nhỏ, xóa tan dần
màu xám chết chóc trong đôi mắt thằng bé. Nó cứ ngồi im trên chõng tre lần hồi
nhớ lại, sung sướng thích thú với thực tại. Cho đến lúc cánh cửa bếp xịch mở,
người đàn bà xuất hiện. Cả nó và người đàn bà cùng giật mình.
“Cún?” Cô Cấn bàng hoàng.
“Mẹ ạ?” Thằng Cún ngập ngừng cười.
Cô Cấn bước lại gần chõng tre. Ánh mắt thằng
bé không còn xám ngắt hận thù như cơn ác mộng trưa nay. Nó ngồi đấy, ngước đôi
mắt ngây thơ lên nhìn mẹ, và rồi nó lại mỉm cười. Nụ cười hân hoan kỳ lạ mà
không đứa trẻ Làng Hạ nào có được. Cô Cấn khẽ khàng ôm lấy thằng con rồi khóc nức
nở. Trong vòng tay cô, thằng bé vẫn ngơ ngẩn mỉm cười. Nó cười mãi không thôi.
Cười như để đền bù ba năm bị vùi lấp.
*
Khi thầy Bâng từ trường tiểu học về, căn
nhà lá vẫn chưa lên đèn. Bóng hoàng hôn đỏ tía tỏa tràn trên đỉnh núi.
Vợ thầy như thường lệ, ngồi lặng lẽ khâu vá
bên bàn cơm dọn sẵn. Thằng Puốn đã ăn no, nằm ngủ ngon trong cái cũi gỗ. Thầy
Bâng nhìn vợ loay hoay khâu vá trong bóng chiều nhập nhoạng, thầy lên giọng tằng
hắng một tiếng. Không thấy cô Cấn trả lời, thầy cũng không lấy làm lạ lùng. Từ
ngày thằng Cún mất đi, cô vẫn hay có những khoảnh khắc câm lặng như vậy. Khi thằng
Puốn sanh ra, thầy cứ tưởng, thằng bé thứ hai sẽ thế vào khoảng trống đã mất
trong lòng cô. Nhưng dường như khoảng trống đó vĩnh viễn không bao giờ được lấp
đầy.
Thầy Bâng không nói gì thêm, lui cui bật lửa
châm vào ngọn đèn dầu. Ánh sáng vừa lóe lên, cô Cấn lao vụt đến bên thầy, chụp
mảnh vải lên chiếc đèn. Hành động của cô nhanh nhẹn bất ngờ làm thầy đâm hoảng.
“Mẹ nó, có chuyện gì vậy?”
Cô nhìn sững vào khuôn mặt thầy. Ánh mắt
xám xịt giận dữ của cô trong bóng hoàng hôn làm thầy bất giác sợ hãi.
“Anh đừng đốt đèn lên.” Cô nghiến răng nói
nhỏ.
“Chuyện gì thế?” Thầy cũng nhỏ giọng hoang
mang.
“Thằng Cún về.”
Cảm nghĩ đầu tiên của thầy là cô hóa điên.
Thầy biết rõ, thằng Cún đã chết cách đây ba năm trên đường đi học. Nó bị xe chở
đá Làng Thượng cán qua, thân hình tan nát hết. Mỗi năm không biết có bao nhiêu
trẻ em Làng Hạ bị xe chở đá cán chết. Người Làng Thượng chỉ đến lập biên bản, kết
luận lỗi do trẻ em bất cẩn. Từ Làng Hạ đến trường tiểu học chỉ có một con đường
duy nhất là con đường xe tải chở đá từ công trường Bạch Mộc Lương Tử về Làng
Thượng. Thảm họa đổ xuống từng gia đình Làng Hạ rồi một ngày, nó cũng đổ xuống
gia đình thầy, đánh gục hai vợ chồng.
Suốt hai năm đầu, sau khi thằng Cún mất,
chiều nào từ trường về thầy cũng ghé ngang mộ thằng Cún thắp nén nhang. Mộ của
đám trẻ Làng Hạ chết oan vì xe công trường nằm riêng trong khu nghĩa trang bên
bờ rừng. Những ngôi mộ nhỏ lấp xấp trên triền cỏ dại, chiều nào cũng nghi ngút
khói hương. Khói mang nỗi đau cùng cực của người Làng Hạ không bay lên được, cứ
lan tỏa trên những ngọn cỏ buồn hiu hắt. Từ khi thằng Puốn ra đời, nỗi đau của
thầy cũng vơi dần, buổi chiều thầy không ghé thắp nhang cho thằng Cún nữa mà vội
vã về nhà chơi với thằng Puốn. Cho đến ngày hôm qua, giáo viên trong trường hoảng
hốt báo tin cho nhau: “Xe máy ủi của Làng Thượng đã càn ngang khu nghĩa trang
Trẻ Oan.”
Ủy ban nhân dân Phong Thổ dự định xây nhà
máy xay đá ngay trên nghĩa trang Trẻ Oan của Làng Hạ để dập tắt sự căm phẫn cứ
đang lớn dần, để xóa đi tội ác cứ kéo rộng theo ngày tháng. Quyết định từ Làng
Thượng là quyết định tối cao, người Làng Hạ không được phép phản đối hay kiến
nghị gì. Chiều hôm qua, khi nghe tin nghĩa trang bị ủi lấp, thầy Bâng đã bật khóc
mà không dám kể cho vợ nghe. Thầy đau đớn nghĩ đến nấm mộ nhỏ xíu của thằng
Cún, nằm bên thằng Đóng và thằng Củ Mì, rồi sẽ mất dấu. Từ trường học, thầy ngẩng
đầu lên nhìn ngọn núi bị đục phá ngày đêm, trên thân thể của nó lộ ra một vết
thương toang hoác. Nước mắt thầy chảy tràn trên má, hai nắm tay bất giác nắm chặt
lại giữ kín mối căm thù.
Chiều nay, thầy định tìm cách nhẹ nhàng báo
tin cho vợ, nấm mộ thằng Cún không còn nữa. Nhưng vợ thầy chắc đã biết tin và
đang hóa điên. Thầy nắm lấy tay cô, rưng rưng nước mắt.
“Ba năm cũng đủ để siêu thoát rồi, ngôi…
ngôi mộ của nó...”
“Không, nó về rồi, anh ạ. Anh vào đây mà
xem.”
Thầy Bâng sững người nhìn vợ, khuôn mặt tàn
tạ của cô trong bóng chiều dường như sáng lên một niềm vui kỳ dị, ma quỷ. Cảm
giác đó chỉ thoáng qua nhưng vẫn đủ làm thầy thấy bất an. Âm khí luẩn quản đâu
đây, mùi xác chết thối rữa đâu đây. Thầy Bâng rùng mình kinh sợ nghĩ đến cái
nghĩa trang bị ủi tung bên bờ rừng. Ở đấy còn có những xác người chưa qua ba
tháng chôn cất. Ở đấy có cả thằng Cún, con thầy.
Tiếng khóc đột ngột của cô Cấn làm thầy sợ
hãi. Cô Cấn vùng dậy, nắm kéo tay thầy kéo đi.
“Anh đi theo em.”
Thầy Bâng ngơ ngẩn theo sau. Bàn tay gầy guộc
xương xẩu của cô, nắm chặt lấy cổ tay thầy, như sợ thầy tuột lại.
Nắng chiều đỏ ối đang tắt dần sau ngọn núi.
Sao ráng chiều nay đỏ như máu thế này. Bỗng nhiên thầy giật mình nghĩ đến Thạc.
Thằng Thạc nhỏ hơn thầy mười hai tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được gia đình thầy
mang về nuôi dưỡng, xem như con ruột. Thầy thương nó như máu thịt của mình,
chén cơm thầy đơm cho Thạc bao giờ cũng đầy đặn hơn chén cơm của những người
trong gia đình, đồ chơi thầy đẽo gọt cho Thạc bao giờ cũng đẹp hơn đồ chơi của
những đứa trẻ trong làng. Nhưng Thạc chưa kịp lớn đã già đi, nó trầm lặng và
khó hiểu. Từ ngày thầy lấy vợ ra ở riêng, Thạc hay bỏ nhà đi suốt đêm. Bố mẹ thầy
sợ hãi bảo, không khéo nó lại vướng vào những chuyện nguy hiểm như bố mẹ nó
ngày trước.
Đêm hôm trước ngày đưa tang thằng Cún, Thạc
bỏ đi đâu mất. Buổi sáng động quan, nó đột ngột trở về, đứng gục đầu bên quan
tài thằng cháu. Ánh mắt lạnh toát của nó nhìn lên di ảnh đứa cháu làm thầy Bâng
hoảng sợ nghĩ, nó quyết trả mối thù cho thằng Cún.
Hai ngày sau, người Làng Thượng tìm thấy
chiếc xe tải đá nát bét nằm dưới thung lũng. Tài xế người Hoa chết bẹp dí trong
ca bin xe nồng nặc mùi cồn. Nguyên nhân tai nạn đã quá rõ, cảnh sát Làng Thượng
không nghi ngờ gì. Cánh lái xe người Hoa này đêm nào cũng rượu chè be bét. Trưởng
ban hình sự Tiểu Bá Thỉ ra lệnh đưa xác tài xế sang bệnh viện Trung Ương. Nhưng
linh tính thầy Bâng bảo rằng, Thạc có liên quan đến vụ xử án này.
Cô Cấn giật mạnh tay chồng. Thầy Bâng ngơ
ngác nhìn vào gian bếp tối om nằm bên nương sắn sau dãy chuồng gà, vẫn không hiểu
chuyện gì xảy ra. Cô Cấn thì thào: “Thằng Cún ở trong bếp.” Giữa lúc đấy, thầy
nhận ra một chiếc bóng nhỏ xíu đứng chơ vơ trước cánh cửa tre. Cảm giác hãi
hùng làm chân tay thầy lạnh toát. Bất giác thầy lùi lại lẩm bẩm:
“Trời Phật phù hộ độ trì cho con siêu
thoát, xin con đừng vế quấy rối bố mẹ.”
Chiếc bóng nhỏ bé chao nghiêng, nó lùi dần
vào bóng tối ô cửa bếp, tưởng như là tan biến. Cô Cấn bật tiếng khóc:
“Con đừng đi. Bố đấy.”
Thầy Bâng cũng bật khóc, tiếng nói dồn nén
trong lòng ngực thầy từ bao năm bỗng thoát ra nghẹn ngào cùng với những giọt nước
mắt:
“Con đừng đi. Cho bố chia tay con đã.”
Thầy đã kịp chia tay nó đâu. Nó ra đi đột ngột
quá. Buổi sáng sớm thầy phải lên nương bẻ ngô, thằng Cún tự đeo ba lô đến trường.
Từ nương ngô về, thầy thấy người làng bu kín trước cổng.
Bàn tay thầy hoảng loạn níu lấy bàn tay cô
như trong ngày đi nhận xác thằng Cún. Cả hai cùng xiêu vẹo tiến dần về phía thằng
bé. Nó vẫn đứng trong vùng bóng tối, ngơ ngác, không sao chấp nối được câu chuyện,
không nhớ được người đàn ông ấy là ai. Bỗng nhiên nó mỉm cười, lời nói buột ra
trên môi:
“Bố ơi, cái ba lô đi học của Cún đâu?”
Thầy Bâng đổ ập xuống đất, bật khóc nức nở.
*
Thằng Cún ở lại trong nhà bếp. Nó nằm trên
chõng ôm ba lô đựng sách vở, vẫn lơ ngơ không biết mình đang ở đâu. Trong bóng đêm
gian nhà bếp thật xa lạ, những đốm sáng mờ nhạt xuyên qua mái tranh thủng lỗ
làm nó phân vân. Dường như chưa bao giờ nó ở đây ban đêm. Mùi phân gà, mùi máu
gà phảng phất càng làm cho nó thêm bứt rứt.
Thoảng trong gió là tiếng gọi mơ hồ: “Cún
ơi!”
Thằng Cún bò dậy, nó nhận ra tiếng gọi của
thằng Đóng và thằng Củ Mì.
“Cún ơi!” Tiếng thằng Đóng hoang mang vọng
đến.
Thằng Cún leo ra khỏi chõng, nó khẽ khàng mở
chốt cửa cửa bếp, tiến ra sân. Bên ngoài trăng non mờ ảo, sáng lung linh trên
những cành lá đọng sương. Mấy con gà sợ hãi nép mình vào vách chuồng run lập cập.
Thằng Cún vạch rào, phóng chạy về phía bìa rừng. Bên con đường trải đá, hai cái
bóng nhỏ xíu xiêu vẹo tựa vào nhau đang chờ nó.
Ánh trăng xám ngắt hắt lên bộ lông đỏ quạch
của con cáo thành những tia lửa ma trơi. Con vật ranh mãnh đang muốn tiến về
chuồng gà, một linh cảm bất an mơ hồ giữ nó lại bên nương sắn. Nó sợ hãi giương
mắt nhìn về phía ba cái bóng đen, chúng đang chúi đầu vào nhau bàn tính chuyện
gì. Lông con cáo dựng đứng lên vì khiếp hãi.
*
Đã 11 giờ đêm mà cô Cấn còn nằm trằn trọc
chưa ngủ được. Chưa bao giờ cô để thằng Cún ngủ trong bếp. Chỗ của nó luôn ở
trên chiếc giường này, giữa bố và mẹ. Bây giờ thằng Puốn nằm ở đây. Cô biết chắc
chắn, thằng Puốn sẽ không bao giờ chấp nhận kẻ thứ hai muốn chia sẻ chỗ ấm và
tình thương của bố mẹ.
Thằng Cún đã thật sự trở về. Trời Đất đã thấu
hiểu nỗi đau và chấp nhận lời cầu xin của cô nên cho thằng Cún quay về. Cô sẽ
làm mọi thứ để giữ nó lại, không cho nó ra đi lần nữa. Cô sẽ phải tìm cách giấu
nó để chính quyền Làng Thượng không bắt nó đi. Sao cả buổi chiều nay nó không
ăn gì nhỉ? Ngày mai mình sẽ nấu cháo gà cho nó, nhất định phải bắt một con gà
mái nấu cháo cho thằng bé. Cô nhắm mắt cố tìm giấc ngủ, nhưng lại thấy khó chịu
vì tay chân cứ thừa thãi.
Bên kia, thầy Bâng vừa trở mình. Những giọt
mưa tí tách đầu tiên rơi bên vách lá. Thầy không nhắm mắt lại được. Hai con mắt
cứ mở trừng trừng nhìn lên mái nhà. Tiếng thở nhè nhẹ quen thuộc của đứa con,
tiếng thở khó nhọc của vợ làm thầy thêm lo lắng. Linh cảm không lành đang phủ
bóng xuống xuống ngôi nhà. Câu chuyện quá phi lý, thầy không thể lý giải được
đã đành, thầy còn một nỗi sợ hãi khác. Làng xóm sẽ không bao giờ chấp nhận một
đứa trẻ đã chết ba năm quay trở về sống cùng người dương thế. Những người từng
chứng kiến cái xác bẹp dúm máu me của thằng Cún nằm dưới bánh xe tải, sẽ không
bao giờ tin rằng nó vẫn sống lành lặn. Bão táp của Làng Thượng cũng sẽ tràn xuống
đây. Thầy Bâng trở mình, gọi nhỏ:
“Cấn này.”
Cô Cấn giật mình thở hắt ra. Lâu lắm rồi thầy
mới gọi tên vợ. Từ ngày thằng Cún ra đời, thầy cứ gọi vợ là “mẹ nó”.
“Thằng bé không ở lại đây được đâu.” Thầy
Bâng thì thào.
“Sao cơ?” Cô Cún quay phắt qua.
“Còn sao nữa. Nó phải đi về…” Thầy Bâng nói
đến đấy thì nghẹn lại, thầy không biết nó phải đi về đâu. Ngôi mộ nó trên rừng
đã bị ủi từ chiều hôm qua.
“Em sẽ không để cho nó ra đi lần nữa. Em đã
mất nó một lần rồi.” Nước mắt cô bắt đầu trào ra. Ý nghĩ phải xa thằng Cún thêm
một lần nữa làm cô đau thắt cả tim gan. Sẽ không bao giờ cô được nắm lấy bàn
tay bé nhỏ của nó. Sẽ không bao giờ cô được nghe nó gọi “mẹ ơi”.
“Nhưng chuyện này… chuyện này không bình
thường. Nó không còn là con mình nữa.”
“Không, nó mãi mãi là con của em. Dù hình
hài nó có thế nào đi nữa, nó vẫn là con của em.”
“Anh không nói đến hình hài”. Thầy Bâng nói
đến đây thì im bặt.
Có tiếng động nhỏ ngoài cửa sau, cô Cấn định
ngồi dậy, nhưng bàn tay thầy Bâng đã kéo cô xuống. Giữa lúc này cả cô và thầy
đều không lường trước điều gì sẽ xảy ra. Nỗi sợ hãi, lo âu đè nặng trên ngực
hai vợ chồng. Hồi chiều thầy Bâng thấy vợ lén gạt chốt cửa sau lên, nhưng thầy
không biết phải nói gì. Giờ đây, khi nằm trên giường, lắng nghe tiếng động lạ
lùng bên ngoài thầy cũng không xác định được, thằng bé trong nhà bếp có thưc sự
là thằng Cún, đứa con của thầy ba năm về trước hay không. Bàn tay thầy chậm rãi
lần sang bên trái mép giường. Cái cán rựa trơn nhẵn vẫn nằm nguyên vị trí đầu
hôm. Đêm nào thầy cũng để cây rựa dưới chân giường phòng khi bất trắc, nhưng
đêm nay trong một nỗi lo sợ mơ hồ, thầy kéo nó vào sát bên mình.
Cái bóng nhỏ thận trọng đẩy cánh cửa sau, cố
không gây ra tiếng động nào. Nó vật vờ tiến dần về phía chiếc giường, nơi có ba
mạng người đang thở phập phồng.
*
Thằng Cún đứng bên mép giường bâng khuâng
nhìn vào khoảng giữa bố và mẹ. Ở đấy có một thằng bé xa lạ đang ngủ say. Nó nhận
ra chỗ nằm quen thuộc, nơi có làn hơi ấm tỏa ra từ nách mẹ, có mùi mồ hôi chua
chua của bố. Nhưng nó không biết đứa trẻ kia là ai.
Ánh trăng yếu ớt xuyên qua khung cửa, soi
lên khuôn mặt tái mét của thằng Cún. Cả thân người nó đang run lẩy bẩy. Bóng
đêm bên ngoài vẫn tĩnh lặng im lìm. “Ở đây không có mưa, không có lũ côn trùng
ghê tởm.” Ý nghĩ loáng thoáng qua đầu làm đôi môi nó nhếch lên thành nụ cười kỳ
quặc. “Đúng rồi, ở đây không ướt át, lạnh lẽo.” Thằng Cún thì thầm rồi rón rén
leo lên giường. Nó khẽ khàng trườn qua thằng Puốn, rúc đầu vào nách mẹ. Nước mắt
cô Cấn tuôn dài hai bên má, nhưng cô vẫn nằm yên như thế. Bàn tay thầy Bâng nắm
chặt cán rựa bỗng nhớp mồ hôi. Thầy cũng cố nằm yên không dám trở mình.
*
Thằng Puốn đột nhiên thức giấc, bàn tay nó
đưa sang tìm mẹ chạm nhằm một bàn tay xa lạ. Nó giữ bàn tay đó một lúc, cảm nhận
hơi lạnh từ bàn tay không quen, nó chồm dậy và gầm lên hung tợn. Trước khi cô Cấn
kịp thời ngăn cản, thằng Puốn đã trườn lên thằng Cún, ngoạm chặt lấy cánh tay
thằng anh.
Thầy Cấn cũng bật dậy một tay ôm lấy thằng
Cún, một tay đẩy thằng Puốn ra. Phải khó khăn lắm hai vợ chồng mới lôi được thằng
em trong cơn giận dữ hung tợn ra khỏi thằng anh. Thằng Puốn gào la thất thanh
tìm mọi cách tấn công trong khi thằng người lạ lùi mãi vào lòng bố. Nó thấy ánh
mắt giận dữ của thằng Puốn, đôi mắt nó bám vào cơn giận dữ rồi dần dần trở nên
xám xịt. Tiếng la của thằng Puốn phá vỡ bóng đêm yên tĩnh, nó lan đi như hồi
chuông báo động. Cô Cấn hoảng sợ, dí cả bầu ti vào lấp miệng thằng bé, cô ôm nó
chạy trốn vào góc nhà. Thằng Puốn ngạt thở mệt lử, khóc nhỏ dần rồi ngủ thiếp
trong lòng mẹ.
Trên giường, thằng Cún vẫn rúc sâu vào lòng
bố, ánh mắt nó từ từ trở nên trong trẻo. Mái tóc ngắn của nó đâm vào cổ thầy,
bàn tay nhỏ của nó bám chặt cánh tay thầy. Cảm xúc quen thuộc gần gũi bỗng tràn
về, thầy Bâng ôm chặt thân hình đang run rẩy vào lòng, bất giác buột miệng: “Bố
đây, Cún đừng sợ. Bố không để cho Cún sợ đâu.”
Buổi tối hôm ấy thầy ra sau nhà bếp ngủ
chung với thằng Cún. Trong giấc ngủ say, thầy vẫn ôm choàng đứa con, tựa cằm
lên mái tóc nó.
Bên ngoài trời đổ mưa, thằng Cún thì thào
trong bóng đêm: “Bố ơi, Cún sợ mưa.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét