(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch
hay sao chép lại.)
*
Từ ngày con gái nhà họ Tống chết bất đắc kỳ
tử, trách nhiệm đổ lên đầu Tiểu Bá Thỉ làm hắn mất ăn mất ngủ. Bây giờ lại còn
món nợ đi cúng đầy năm. Tuy thằng lính gác dinh thự, thủ phạm xiết cổ Yên Yên,
đã lãnh ngay tại trận hai viên đạn đồng của Lư Khả, nhưng Tống Chính Thao vẫn
không một lúc nào thôi nghi ngờ về cái chết oan khuất của con gái. Thao lập hồ
sơ của của tên giết người, tra khảo tất cả các mối quan hệ, bắt hàng loạt những
kẻ có liên quan lên hỏi cung. Thậm chí Thao còn nghi ngờ Tiểu Bá Thỉ thông đồng
với thằng lính gác để giết chết con gái hắn. Hàng loạt câu hỏi của Thao làm Thỉ
muốn nổi điên.
“Khi đấy mày ở đâu?”
“Ai tuyển thằng lính gác vào dinh thự?”
“Tại sao mày không gọi tao về mà tự giải quyết
mọi chuyện?”
“Tại sao mày phải chuyển xác thằng lính gác
đi ngay sang bệnh viện Trung Ương?”
“Mày thấy vết thương trên mắt Lư Khả có gì
bất thường không?”
…
“Tiểu Bá Thỉ, lại gần đây.”
Tiểu Bá Thỉ tiến lại gần nó, chỉ cách một
bước chân, con bé thì thào:
“Anh phải giết chết lão ta đi”.
“Giết ai?”
“Bố anh.”
Tiểu Bá Thỉ bực mình mắng:
“Mày biết bố tao là ai mà nói nhảm.”
Con bé cười độc ác:
“Biết. Nếu anh không giết lão ấy thì lão ấy
sẽ giết anh.”
“Không nói như con bò nữa. Đi ngay vào
nhà.“
Tiểu Bá Thỉ vừa quát vừa quất báng súng vào
mông con bé. Không ngờ nó chồm người sang, một tay giằng lấy cây súng, một tay
chĩa thẳng vào mắt Thỉ. Nó giằng mạnh bất ngờ đến nỗi, Thỉ ngã nhào về phía trước
vừa vặn hai ngón tay nhọn lểu của nó thọc đến. Suýt nữa nó móc được con mắt Thỉ.
Trong giây phút nguy hiểm, hắn phải dùng ngón võ độc, giật ngược khuỷu tay vào
yết hầu con bé khiến nó ngã gục xuống đất. Thật không ngờ, một tiểu thư ẻo lả lại
có sức mạnh kinh khủng và cách hành xử hung hãn như vậy. Chuyện xảy ra ban đêm
không ai biết, nhưng từ hôm đấy, Tiểu Bá Thỉ nghi là con bé không bị đãng trí
mà đang phát bệnh dại.
Khi sanh ra nó rất bình thường, cho đến năm
mười lăm tuổi thì có những biểu hiện kỳ lạ. Đêm trăng, nó cài hoa trà đỏ lên
tóc rồi đi lang thang. Nếu người khác cài hoa trà đỏ trên tóc thì Tiểu Bá Thỉ
thấy không có vấn đề gì, nhưng màu hoa đỏ trên đầu con bé này cứ như một cái lỗ
thủng túa máu ra. Thỉ đã từng bắn vào đầu không biết bao nhiêu người, cái lỗ thủng
trên đầu Yên Yên chẳng khác gì đám nạn nhân của Thỉ. Người đầu tiên nói với Thỉ
điều đấy là mẹ hắn. Có một lần Tiểu Lý chép miệng bảo:
“Con bé cài hoa trông không hay chút nào.”
Tiểu Bá Thỉ liền gật đầu:
“Giá nó cài hoa màu trắng thì trông đỡ gớm
hơn.”
“Hoa
màu trắng cũng thế. Mẹ thấy nó yểu tướng quá.”
“Sao mà yểu tướng? Con bé chỉ hơi gầy.”
“Nó giống bức tranh chủ tịch treo trong
phòng.”
“Bức tranh nào chứ?”
“Bức tranh một cô gái trẻ có cài hoa trà trắng
trên tóc.”
Tiểu Bá Thỉ ngạc nhiên kêu lên:
“Mẹ làm gì mà vào được phòng ngủ của Lư chủ
tịch?”
Tiểu Lý trợn mắt mắng:
“Tao làm thợ giặt chứ làm gì. Thời ở trại
lính trên đấy, tao phải giặt giũ cho cả nhà Lư Khả và Tống Chính Thao.”
“Thế bức tranh thì sao?”
“Bức tranh treo ngay cạnh giường ngủ của
hai vợ chồng. Có khi vì thế mà vợ chủ tịch sớm vong mạng.”
“Chẳng ai vì bức tranh mà vong mạng bao giờ.”
Tiểu Lý lắc đầu sợ sệt:
“Mày chưa nhìn thấy bức tranh đấy. Ánh mắt
người trong tranh có chứa hồn ma. Nó quan sát từng cử động của mày rồi nó nguyền
rủa rất độc ác.”
Tiểu Bá Thỉ cười xòa:
“Mẹ nghĩ vớ vẩn thật. Có khi là tranh bà vợ
của chủ tịch đấy.”
“Không phải. Tao biết mặt vợ chủ tịch mà.
Bà ấy sang đây hai năm thì mất. Bức tranh này cũ lắm. Người trong bức tranh rất
đẹp, chỉ tiếc cặp mắt u ám chết chóc. Cô ta có nốt ruồi son ở cuối chân mày,
trông như nốt ruồi của Lư Khả.”
“Thế ạ, chắc là tổ tiên. Con bé Tống Yên
Yên cũng có nốt ruồi son đấy.”
Tiểu Lý hạ giọng thì thào:
“Tranh này do cụ cố của Lư chủ tịch để lại. Người thiếu nữ ấy tầm mười lăm tuổi thôi. Lư chủ tịch có
bảo, cô ta chết năm mười lăm tuổi, vài ngày sau khi được họa chân dung, nên oan hồn còn vương vấn trong tranh. Trước khi mất, cụ cố có bảo gia nhân phải hủy bức
tranh đi. Nhưng Lư Khả vẫn giữ nó, đem sang tận đây.”
Tiểu Bá Thỉ thấy cũng lạ kỳ. Tống Yên Yên
phát điên ở tuổi mười lăm rồi chết bất đắc kỳ tử. Nó chết mà không siêu thoát
được. Những đêm có trăng, lính gác vẫn thấy nó về đi lững thững trong rừng
tùng. Không phải bóng ma mà là con người bằng xương bằng thịt hẳn hoi. Có tên
lính gác còn thề, nó nắm được cổ tay con bé. Cổ tay mềm mại, không ấm không lạnh.
Đêm xảy ra án mạng, Tiểu Bá Thỉ có mặt ở hiện
trường rất sớm. Khi Thỉ bắt mạch, cổ tay Yên Yên cũng chưa lạnh hẳn. Người nó vẫn
còn mềm và ấm. Tiểu Bá Thỉ đang đi tuần tra khu vực nội thành, nghe chủ tịch gọi
điện là vội vã phóng xe đến ngay. Chính Thỉ cho nhân viên chuyển xác thằng lính
gác qua bệnh viện Trung Ương. Nó bị bắn hai phát thủng đầu, chết ngay tại chỗ.
Mắt trái của Lư Khả bị nó cào toạc một bên, may mà không thủng đến tròng. Lư Khả
bảo, phải vật lộn mười phút với thằng lính gác rồi mới bắn được nó. Tiểu Bá Thỉ
cho khám nghiệm hiện trường, ngoài hai cái ghế gãy chân, bọn hắn không thấy có
dấu vết vật lộn dữ dội, nhưng Tiểu Bá Thỉ cũng chặc lưỡi cho qua. Lư Khả cũng cần
lấy lại uy tín của mình sau cái chết thảm thương của cháu gái.
Ngay trong đêm ấy, Lư Khả tự khâm liệm
cháu. Y bảo, phải làm theo phong tục cổ truyền của Trung Hoa để oan hồn Tống
Yên Yên được trở về cố hương. Chỉ có một mình Lư Khả trong phòng khâm liệm. Y
xõa tóc, mặc áo đạo sĩ, bắt quẻ, đốt bùa.
Lư Tố Nga bị nhốt trong phòng riêng, có
lính của Lư Khả canh giữ.
Tống Chính Thao ngủ nhà vợ bé, say sưa bét
nhè, đến quá nửa đêm mới lò mò trở về. Biết tin con chết, hắn đổ vật ra đất, vừa
ói mửa vừa lè nhè chửi. Chỉ đến khi Lư Khả điều hai chiếc xe đưa linh cữu Tống
Yên Yên lên chôn ở Bạch Mộc Lương Tử, Tống Chính Thao mới ngơ ngác tỉnh lại, bắt
đầu kêu khóc.
“Yên Yên đâu? Con tao đâu?”
Hai lính canh được lệnh của Lư Khả giữ Tống
Chính Thao ở lại trong nhà, phải vật lộn để hắn đừng xông ra ngoài. Thao múa
may được năm phút thì tỉnh cả rượu. Hắn rút súng bắn nát bả vai một tên lính.
Tên còn lại sợ quá bỏ chạy ra cửa sau, trốn mất. Khi đấy, bên ngoài sân chầu,
Lư Khả đã cho tắt hết đèn điện. Gia nhân được lệnh thắp đuốc dọc hai bên xe
tang. Bốn mươi cây đuốc cháy đỏ trong đêm tối mang lại cảm giác tang ma rất dễ
sợ.
“Yên Yên ơi. Con ở đâu?”
Tống Chính Thao la lên trong bóng tối chập
chùng, hắn lần theo ánh lửa cầm súng chạy ra sân chầu. Khi phát hiện linh cữu của
con gái đã quàng trên xe đòn, Tống Chính Thao liền nổi điên. Đám gia nhân chưa
kịp có phản ứng gì, Thao đã lao tới sau xe, đập nát bộ hương đèn của Lư Khả, miệng
gào lên:
“Ai cho phép bọn bây khâm liệm con tao? Thằng
nào giăng bùa trên quan tài? Tại sao không gọi pháp y?”
Đám gia nhân cầm đuốc vây lấy hắn, định
ngăn cản. Thao rút súng ra bắn chỉ thiên hai phát, lớn giọng hăm dọa:
“Thằng nào cản, tao bắn chết tại đây.”
Tiểu Bá Thỉ đã định về ủy ban, nghe tiếng
súng nổ cũng phải quay lại. Nhưng hắn chỉ đứng nhìn chứ quyết không can thiệp
chuyện nhà Lư - Tống.
Lư Khả đã lên xe phía trước rồi, nghe náo động
phải quay ngược lại xe đòn. Khi đấy, Thao đã leo lên cạnh quan tài, bắt đầu giật
phá đám bùa chú. Lư Khả liền xông đến, cầm gậy chỉ vào mặt hắn, dõng dạc hỏi:
“Mày làm khu trưởng công an, mà mày lang bạt
cả đêm ở đâu? Mày muốn khám nghiệm pháp y làm gì?”
Thao tức giận nhảy xuống xe, hùng hổ xông đến
trước mặt Lư Khả:
“Ông muốn qua mặt tôi hả? Đưa ngay xác con
bé trở vào nhà.”
Lư Khả đứng thẳng lưng, trợn mắt ra lệnh:
“Tống Chính Thao. Mày tránh ra!”
Không ngờ Tống Chính Thao càng thêm điên tiết,
hắn chĩa súng vào ngực cha vợ, rống lên:
“Tôi bắn ông đấy. Tôi bắn ông chết ngay tại
đây.”
Tiểu Bá Thỉ đứng cách đấy năm bước, cũng phải
rút súng ra nhắm vào Tống Chính Thao, quát lớn:
“Tống Chính Thao! Bỏ súng xuống.”
Bốn nhân viên thân tín của Thỉ trên xe hộ tống
nghe tiếng quát của thủ trưởng cũng phóng ra, đồng loạt chĩa súng về phía Thao.
Tống Chính Thao cười gằn:
“Khá lắm, Tiểu Bá Thỉ. Tao không quên vụ
này đâu.”
Thỉ im lặng rê nòng súng vào thái dương
Thao. Cả Phong Thổ này ai cũng biết, Tiểu Bá Thỉ là tay súng cừ khôi nhất ngành
công an và quân đội. Hắn bắn con ruồi cũng không trật. Nhưng Tống Chính Thao
còn biết rõ hơn, Tiểu Bá Thỉ không bao giờ dám nổ súng trước hắn. Cho nên Thao
vẫn cứ dí súng vào ngực Lư Khả, nghiến răng đe dọa:
“Ông mang xác nó đi, tôi bắn chết ông ngay
tại đây.”
Lư Khả ưỡn ngực về phía nòng súng, cười ha
hả:
“Mày bắn chết tao đi rồi kêu pháp y. Họ đến
đưa xác con gái mày sang bệnh viện Trung Ương.”
Tống Chính Thao vừa nghe đến bốn chữ bệnh
viện Trung Ương thì sững sờ. Ngày nào, tuần nào, tháng nào Thao cũng đưa xác
người chết sang bệnh viên Trung Ương. Thao biết chuyện gì xảy ra ở đấy, biết
người ta làm gì với mấy cái xác chết. Nhưng chưa bao giờ hắn nghĩ, sẽ có ngày
con gái hắn phải sang bệnh viện. Con gái hắn sẽ chết không toàn thây, chết tan
nát như lợn ở lò mổ. Nòng súng trong tay Thao chùng xuống.
Ánh đuốc chập chùng soi lên ba khuôn mặt đầu
sỏ của Phong Thổ. Khuôn mặt Tiểu Bá Thỉ đen đúa xấu xí như lợn lòi. Khuôn mặt
Lư Khả hồng hào, râu tóc trắng xóa, tiên phong đạo cốt. Khuôn mặt Tống Chính
Thao xanh xao hãi hùng. Cặp mắt Thao từ từ hướng về cỗ quan tài. Hắn thấy Yên
Yên mặc áo đầm màu trắng, chập chững tập đi trên trên hành lang Cố Cung. Yên
Yên trong ngày sinh nhật năm tuổi, mặc áo đầm màu hồng chạy trên đồi hoa mơ.
Yên Yên khi lên tám tuổi đứng bên hồ cá đọc bài thơ Ánh Trăng Suối Vàng.
Tống Chính Thao thả rơi cây súng. Hắn nhìn
xuống đôi bàn tay của mình. Hai bàn tay của hắn hiện ra xanh xao run rẩy dưới
ánh đuốc. Thao đưa tay về phía trước, chiếc bóng xinh tươi của Yên Yên chao đảo
trong bóng đêm rồi tan biến mất. Nước mắt chảy tràn trên mặt Thao. Hắn lập cập lê
từng bước đến bên linh cửu con gái, nghẹn ngào nói:
“Thế là bố không nắm được tay con một lần
cuối. Thế là bố không vuốt tóc con được nữa rồi.”
Đêm hôm ấy Thao phải gạt nước mắt cho Lư Khả
cấp tốc mang xác cháu lên giấu ở Bạch Mộc Lương Tử. Hắn cũng thỏa thuận với cha
vợ, không gửi giấy báo tử về cho chính quyền Hoa Lục. Lư Khả cùng đoàn tùy
tùng bốn người đưa xác Tống Yên Yên lên núi. Khi trở về, bốn nhân viên của Tiểu
Bá Thỉ bị Tống Chính Thao xử tử rồi đưa xác đưa qua bệnh viện Trung Ương. Bọn
chúng vừa bước ra khỏi xe hộ tống là có lệnh hành quyết. Súng nổ dồn dập, máu
nhuộm đỏ ngay trong sân ủy ban.
Bốn nhân chứng chết đi nên ngoài Lư Khả ra,
không ai biết chính xác mộ Tống Yên Yên chôn ở đâu.
Tiểu Bá Thỉ đi tuần ở khu vực biên giới,
khi trở về, biết tin bốn nhân viên của mình bị bắn chết ngay trong sân ủy ban
thì giận dữ lắm. Hắn biết Thao muốn trả thù hắn và cảnh cáo những người có mặt
đêm hôm qua ở hiện trường. Xưa nay hắn không bao giờ dám xen vào chuyện nhà Lư
- Tống, nhưng chuyện phiền toái của bọn họ cứ dây vào hắn. Thỉ tuy giết người bừa
bãi, nhưng nhân viên thân tín luôn được hắn quý trọng như anh em. Vì chuyện phiền
toái này mà hắn bị chặt mất tay chân nên vô cùng căm phẫn. Yên Yên chết đúng một
năm mà trong lòng Tiểu Bá Thỉ vẫn còn chưa thôi thù hận. Không ngờ Lư Khả lại
muốn đích thân hắn hộ tống, mang hoa quả lên núi cúng tế linh tinh, thật là quá
đáng. Chẳng hiểu Lư Khả khâm liệm kiểu gì mà con bé cứ về nhà mãi rồi còn vẽ lắm
chuyện. Lư Khả già rồi, lú lẫn thật rồi, sắp đi theo ma quỷ.
Lư Khả đăm đăm nhìn Tiểu Bá Thỉ, dò xét phản
ứng của hắn. Thỉ mà nghĩ cái gì, trên mặt hắn hiện ra cái đấy. Lư Khả biết, Thỉ
đang nghĩ đến cái chết của Tống Yên Yên và bốn nhân viên thân tín, bây giờ hắn
không muốn đi lên Bạch Mộc Lương Tử. Lư Khả cười ngọt ngào:
“Mẹ mày dạo này có khỏe không?”
Thỉ đang bực dọc mà nghe nhắc đến mẹ, thì
thay đổi ngay thái độ. Hắn cười gượng gạo:
“Mẹ cháu khỏe.”
“Mày vào nhà bếp lấy năm cân thịt bò, mười
cân bột mì mang về cho mẹ. Xuống kho lấy cả một bộ áo lông cừu cho bà ấy nữa
nhé.”
Thỉ nghe giọng nói ân cần của Lư Khả, từ chỗ
đang bực tức chuyển sang cảm động. Tháng nào chủ tịch cũng nhớ đến việc gửi biếu
mẹ Thỉ năm cân thịt bò, mười cân bột mì. Những khi Thỉ không ghé thăm, chủ tịch
vẫn cho lính mang thịt và bột xuống cho mẹ Thỉ. Thời nghèo đói, chỗ lương thực
đấy không chỉ nuôi Thỉ khôn lớn mà giúp cả làng xóm, láng giềng xung quanh. Bây
giờ Thỉ đã có mức lương cao nhất nhì ngành công an, mẹ Thỉ vẫn nhận thịt và bột
để phân phát cho người nghèo.
Thỉ đứng lên, vâng dạ xin phép ra về. Trong
lòng hắn lại tự nhủ, lần này phải đi cùng Lư Khả lên núi. Nếu Thỉ đem quà về
cho mẹ, thế nào mẹ hắn cũng bảo, chỉ có việc của chủ tịch là hệ trọng nhất, những
việc khác để cho bọn nhân viên lo.
Hắn vừa đi bộ ra khỏi dinh, năm phút sau
Khâm Bưu phóng xe đến.
*
Khâm Bưu đến bắt mạch, bốc thuốc cho Lư Khả.
Từ ngày Khâm Cần nhiễm dịch tả qua đời, Bưu xem Lư Khả như cha, thường xuyên
qua lại chăm sóc sức khỏe cho y.
Đêm qua, Yên Yên lại xuất hiện, suýt nữa Lư
Khả bị đột quỵ. Lư Khả thấy cháu gái đứng bên khung cửa sổ, mái tóc đen dài xõa
kín vai. Nó giận dữ hỏi:
“Sao ông cho phá hết nghĩa trang Làng Hạ, rồi
cho nổ mìn đường vào Khe Đá?”
Lư Khả lơ mơ nói:
“Nổ mìn đường vào Khe Đá thì sao?”
“Ông mở cửa bọn quỷ dữ trở lại. Rồi cháu
cũng chẳng được yên.”
“Bọn quỷ nào cơ?”
“Bọn Thổ binh.”
“Mặc kệ bọn chúng. Yên Yên bảo cho ông biết,
cái đấy nằm ở đâu?”
“Không.”
Lư Khả cố vùng dậy. Tảng đá đè trên lồng ngực
trái làm y khó thở.
“Yên Yên ngoan nào, nói cho ông biết, lối
vào nằm ở đâu. Ông sẽ cúng vong giải oan cho cháu.”
“Không.”
“Ngày mai ông đưa mẹ lên núi thăm cháu đấy.
Nhớ chỉ cho mẹ biết nhé.”
Yên Yên đột ngột dí mặt vào ô cửa kính. Bộ
mặt xung huyết tím ngắt, lưỡi thè dài ra.
“Không”, Yên Yên vùng vẫy, cố thều thào lần cuối.
“Không”.
“Mày đừng bướng, mày đừng có bướng. Bướng
này.” Lư Khả lảm nhảm giận dữ.
Cái bóng trắng thôi vùng vẫy, nó tìm cách mở
cửa sổ. Lư Khả vớ lấy cây súng trên đầu giường, quát lên:
“Tao cho mày cơ hội siêu thoát mà mày còn
chưa hiểu à.”
Bóng ma ngoài cửa sổ đổi sắc mặt, đôi mắt nó
trở nên hung ác tàn độc. Nó gầm gừ vượt qua khung cửa sổ, thoắt cái đã vào đến
trong phòng. Lư Khả hét lên:
“Đường Thục Nhi, mày có vất vưởng cả trăm
năm cũng không trả được thù.”
Nòng súng trong tay Lư Khả khạc lửa. Tiếng
kính vỡ xoang xoảng trong bóng đêm âm u. Lư Khả ngã vật ra giường.
Buổi sáng trôi qua trong rã rời, Lư Khả có
cảm giác như cái chết đang kề cận bên mình. Bức tranh Đường Thục Nhi treo trên
tường bị bắn thủng hai lỗ. Hai con mắt trống toang hoác. Lư Khả bần thần nhớ lại
lời nói của Yên Yên: “Sao ông cho phá hết nghĩa trang Làng Hạ, rồi phá đường
vào Khe Đá?”
Lư Khả chỉ ra lệnh phá bỏ nghĩa trang Làng
Hạ chứ không bao giờ cho phép phá Khe Đá. Bản thân Lư Khả cũng không biết Khe
Đá nằm ở đâu. Cụ cố Lư Hán từng bảo:
“Lư Khả, mày sang nước Nam thì tránh xa khu
vực Khe Đá.”
“Có gì ở đấy?”
“Kẻ thù của tao.”
“Ông sợ họ à?”
“Không. Nhưng có những loại kẻ thù không
nên gặp lần thứ hai. Mà mày không phải là đối thủ của chúng.”
“Bọn họ hung ác lắm sao?”
“Hung ác lắm. Khi người dữ thành quỷ, sự hung
ác nhân lên một trăm lần, một ngàn lần. Còn nữa, bao giờ tao chết, mày cũng phải
đốt cả bức tranh Đường Thục Nhi.”
Lư Khả luôn nhớ kỹ từng lời của cụ cố,
nhưng y không tin vào những chuyện hoang đường mà tin vào chính sức mạnh của
mình. Bức tranh Đường Thục Nhi y không đốt mà mang theo. Lư Khả nghĩ mình mạnh
hơn ma quỷ. Y sẽ khống chế được Đường Thục Nhi, bắt Đường Thục Nhi làm kẻ dẫn đường. Tuy nhiên khi phát triển đặc
khu Phong Thổ, Lư Khả vẫn để mé bên tây bắc nằm trong tình trạng hoang vu. Thậm
chí, Lư Khả còn đặt bảng cấm dân chúng hai làng không ai được bén mảng vào khu
vực nguy hiểm.
Thực ra, không ai biết Khe Đá ở đâu, người Làng Hạ thường sợ hãi chỉ tay mù mờ về phía tây bắc, gọi đấy là hướng Khe Đá. Lần đầu theo đoàn thanh tra của chính phủ đi khảo sát tình hình Phong Thổ, Lư Khả chỉ vào được đến bãi Đá Khèn. Không khí ẩm ướt mù sương ở đây làm y thấy khó chịu. Cả tiếng gió âm u từ rừng Quỷ Tiên Mộc thổi ra, tiếng quạ kêu rền rĩ, đều tạo ra cảm giác bất an tồi tệ. Tồi tệ đến mức người ta chỉ muốn rút súng bắn vào một cái gì đấy.
Bây giờ, lời báo mộng của Yên Yên và tin tức
của Tiểu Bá Thỉ làm Lư Khả thực sự lo sợ. Linh cảm mơ hồ rất xấu. Ở tuổi gần bảy
mươi, y chỉ mong giải quyết nhanh chóng công việc của mình rồi rời xa Phong Thổ.
Vĩnh viễn không quay lại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét