(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch
hay sao chép lại.)
*
Làng Hạ chưa hết giờ giới nghiêm, trời vẫn
còn tối thăm thẳm. Ba đứa nấp sau lùm cây ven đường, lo lắng chờ nghe tiếng xe.
Không đứa nào dám thở mạnh. Không đứa nào dám quay đầu nhìn lại ngọn núi nơi họ
ẩn náu từ gần một tuần nay. Không đứa nào dám nghĩ đến chuyện xe không đến. Họ
không còn đường trở lui.
Ánh đèn xe đến trước tiếng máy xe. Một vùng
sáng vàng vọt hiện ra nơi khúc quanh vào làng. Nó lớn dần rồi biến thành hai ngọn
đèn tròn. Khi đấy mới có tiếng rì rì của chiếc xe cũ lẫn trong gió núi. Nen bất
giác nắm chặt tay Thạc, kéo lùi lại hai bước. Chỉ có Mân thận trọng tiến ra con
đường mòn. Chiếc bóng của Mân ngắn dần cho đến khi chiếc ô tô đến thật gần.
Khâm Bưu vẫn ngồi yên trên ghế, hấp tấp
khoát tay ra hiệu cho Mân. Bắt được ánh mắt thành thật của Khâm Bưu, Mân mới
quay lại gọi hai người bạn:
“Nhanh, lên xe.”
Nen vẫn giữ chặt khuỷu tay Thạc, cứ như gã
sợ Thạc bỏ chạy. Cả Mân và Nen cùng hối hả đẩy Thạc vào băng ghế phía sau. Khâm
Bưu chỉ liếc nhanh một lần qua kính chiếu hậu tìm khuôn mặt Thạc trong bóng tối.
"Xong cả chưa?"
Men hấp tấp trả lời:
"Rồi, đi thôi."
Khâm Bưu nhấn ga. Chiếc xe rì rầm lăn bánh
trên con đường đất, hướng về phía Làng Thượng.
*
Hai người từ cánh rừng bên kia đường đột ngột
bước ra. Họ như những chiếc bóng cây, đong đưa trong gió. Đôi mắt sáng rực kỳ dị
dõi theo ánh đèn ô tô xa dần rồi khuất dưới chân đèo. Người đàn ông xúc động
lên tiếng:
“Thằng bé. Nó đã lớn như thế rồi.”
Người đàn bà áp bàn tay lên ngực trái, nghẹn
ngào:
“Nó giống hệt như anh ngày xưa.”
“Nhưng thằng bé có vẻ xanh xao ốm yếu quá.”
“Vâng. Bao nhiêu đau khổ mình để lại cho
con.”
“Cái thằng nắm tay nó trông rất quen.”
“Vâng, hình như đấy là con trai của Giàng
Seo Núi, đội phó lực lượng Thanh Niên Tự Do.”
Hchay nắm lấy tay vợ:
“Nó có bộ mặt lầm lì, gan dạ của Seo Núi.
Mình đuổi theo bọn nó.”
Miên gật đầu, ánh mắt sáng rực trong đêm tối.
*
Xe chạy vào cổng sau của bệnh viện. Đây là
con đường dẫn thẳng từ “khoa xử lý y tế” về nhà ga vận chuyển hàng. Cánh cổng sắt
lớn luôn khóa kín, chỉ có Khâm Bưu và hai nhân viên áp tải hàng dưới quyền Tống
Chính Thao có chìa khóa. Nhưng thường ngày Khâm Bưu cũng không đi qua cổng này.
Hắn chạy xe theo lối cổng chính bệnh viện rồi dẫn tắt qua Khoa truyền nhiễm,
xuyên ngang một cánh rừng tùng hoang vắng. Khu vực làm việc của Bưu bị cách ly
khỏi nhà thương nên hoàn toàn không có người qua lại. Ngay trước lối vào rừng
tùng đã có dựng bảng cấm rất to. “Khu xử lý y tế - Không phận sự cấm vào”.
Khu xử lý y tế gồm có hai dãy nhà thông
nhau. Phía trước là nhà mổ xác, truyền huyết thanh cho người hấp hối và đóng
hàng vô trùng. Nối tiếp đằng sau là nhà đông lạnh chứa xác chết. Công việc
không quá nặng nhọc, nên chỉ có một mình Khâm Bưu đảm nhận. Mỗi tháng Bưu chỉ
phải xử lý đông lạnh khoảng mười cái xác chết và theo dõi mười ca hấp hối, đúng
số lượng của Tống Chính Thao giao phó. Công việc mổ xác và thanh lý nội tạng đã
có bác sĩ của đại lục đảm nhận. Vào ngày thứ Ba vận chuyển hàng, hai nhân viên
công an của Tống Chính Thao sẽ sang giám sát và trợ giúp.
Khâm Bưu xuống xe mở cửa cổng. Trong đêm vắng,
cánh cổng rên lên cót két thật não nùng rồi từ từ xoay ngang con đường tà vẹt.
Nen ngồi trong xe rùng mình nhìn ra bên ngoài. Mặt trời chưa lên, chỉ có một
vùng xám vàng vọt phía sau rặng cây tùng. Mùi tử khí nơi này làm gã nghẹt thở,
bứt rứt. Cái chết đang hiện diện ở khắp nơi.
Hai công ten nơ lớn nằm trên hai va gông
bánh sắt nối liền nhau, im lìm trong vùng cỏ dại rậm rạp. Từ mười năm nay, cỏ
cây nơi này chưa một lần được làm sạch. Nhiều lùm cây bụi đã mọc cao ngang nóc
công ten nơ rỉ sét, tạo nên một quang cảnh u ám, hoang tàn. Không ai muốn nhìn
thấy hình ảnh những chiếc thùng sắt chết chóc, nên người ta cứ để mặc cây cối
che phủ. Một lần vào ngày thứ Ba đầu tháng, hai va gông này được xe rờ mọt kéo
ra khỏi bãi, theo đường sắt về nhà ga. Sau một tuần, chúng sẽ từ bên kia biên
giới trở về, lặng lẽ nằm vào vị trí cũ.
Khâm Bưu cho xe chạy từ từ vào cửa nhà mổ
xác. Từ xa mười mét hắn đã ngửi được mùi thuốc sát trùng, mùi xác chết. Những
thứ mùi ám ảnh Bưu cả trong giấc ngủ. Đôi lúc buổi sáng tỉnh dậy, vừa mở ống
kem đánh răng ra hắn đã nôn thốc, nôn tháo. Ánh đèn vàng vọt hấp hối trên cánh
cửa ra vào báo hiệu một ngày ghê rợn. Bưu dừng xe, nặng nề bảo:
“Đến rồi. Bọn mày chờ tao mở cửa thì đi vào
nhà. Đừng sợ. Khu này vắng vẻ chẳng có ai.”
Ba thằng ngồi sau căng thẳng không nói được
tiếng nào, trong khi Khâm Bưu đã nhanh nhẹn chui ra khỏi xe. Hắn mở cánh cửa bằng
kim loại dày rồi đưa tay ngoắc. Mân là đứa đầu tiên cuống quýt chạy vào nhà.
Bên trong tối om, mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Thạc và Nen cũng vào đến. Cả ba
đứa đứng sát vào nhau sợ hãi, lo lắng. Khâm Bưu khóa cửa hai vòng rồi mới bật
đèn.
Cái đèn trứng vịt treo trên trần nhà soi rõ
gian phòng nhỏ khoảng mười mét vuông. Một cái tủ sắt có khóa, một cái bếp ga
đen thui, một cái bàn luộm thuộm giấy tờ, chai lọ, khẩu trang, một cái giá treo
quần áo y tế bê bết vết máu. Thạc nhìn mấy bộ đồ màu xanh đậm loang lổ vết đỏ
thẫm thì rùng mình, quay mặt đi. Khâm Bưu đứng cạnh chăm chú quan sát Thạc. Đôi
mắt họ trong một khoảnh khắc bắt gặp nhau. Nhưng Bưu không né tránh. Hắn mở to
mắt nhìn Thạc, thành khẩn nói:
“Cho tao xin lỗi mày.”
Thạc nghiến răng giận dữ. Khuôn mặt gã đỏ dần
lên, rồi không còn nhịn được, Thạc phun ra:
“Thằng khốn nạn. Tại sao Khoan chết?”
Nen và Mân đứng cạnh bên nhìn nhau lo lắng.
Nhưng họ biết chuyện này trước sau cũng xảy ra.
Bưu cúi đầu thở dài:
“Tao thực sự không biết. Đêm đấy tao đến để
chia tay Khoan. Sáng hôm sau mới nghe tin Khoan bị giết.”
Thạc hít một hơi dài rồi hỏi như khóc:
“Mày chia tay Khoan? Vì sao mày chia tay
Khoan?”
Khâm Bưu nhìn thẳng vào mắt Thạc nói rõ
ràng:
“Vì tao yêu Khoan. Tao bị mắc bệnh hiểm
nghèo, khó qua khỏi. Tao muốn Khoan có một cơ hội khác.”
Thạc sững sờ một thoáng. Sương mù đồi thuốc lá bủa vây đôi mắt gã. Rồi Thạc chậm chạp nói:
“Tao cũng yêu Khoan. Tao cũng chấp nhận
chia tay để Khoan có một cơ hội tốt hơn.”
“Mày tha thứ cho tao. Cái chết của Khoan đối
với tao là một sự trừng phạt khủng khiếp.”
Bưu rụt rè chìa tay về phía Thạc. Ánh mắt
hai đứa tìm được nhau trong một nỗi buồn chung thê thảm. Thạc cũng rụt rè nắm lấy
bàn tay Bưu. Gã nghẹn ngào:
“Thôi đừng nói chuyện tha thứ. Tao phải cảm
ơn mày.”
Khâm Bưu cười buồn:
“Bọn mày khỏi cảm ơn. Gian nan nguy hiểm
còn ở phía trước. Mẹ tao có chuẩn bị đồ ăn cho cả đám. Ăn cho no rồi bắt đầu
công việc.”
Hắn nói rồi moi từ trong túi vải ra, đặt
lên bàn một đống thức ăn. Xôi, gà, bánh bao, sắn luộc. Nen và Mân trố mắt nhìn
rồi cùng kêu lên:
“Sao nhiều thế?”
Khâm Bưu cười gượng gạo:
“Ăn cho có sức vượt hành trình. Hy vọng
không có chuyện gì bất trắc xảy ra.”
Mân lo sợ nhìn quanh. Căn phòng có hai cánh
cửa. Một cửa vào đã được Khâm Bưu khóa kỹ. Một cửa kính thông qua gian bên cạnh
cũng khép chặt. Khâm Bưu nói:
“Mày đừng lo. Trước hai giờ trưa tụi nhân
viên chuyển hàng mới đến kéo va gông đi. Từ đây đến lúc đấy chỉ có một mình
tao. Hôm nay là ngày chuyển hàng nên bên bệnh viện Trung Ương cũng không cho xe
đưa thêm xác qua.”
Nen nghe đến đấy thì đưa tay ôm đầu. Trong
đầu Nen như có lửa cháy. Những hình ảnh chết chóc trong giấc mơ lại kéo về
thiêu đốt gã.
Mân chỉ tay về phía cánh cửa kính:
“Cái gì bên đấy?”
Khâm Bưu lưỡng lự rồi buồn bã trả lời:
“Nhà mổ xác và phòng truyền huyết thanh.
Nhưng hiện giờ bên đó trống không. Hôm qua tao đã chuyển hết người hấp hối lên
công ten nơ. Bây giờ họ nằm ngoài đấy chờ tàu chuyển đi.”
Cả ba đứa nhìn sững nhau. Dẫu biết trước,
nhưng sự thật vẫn quá ghê rợn đối với họ. Thạc lên tiếng cảm thông:
“Một mình mày làm hết những công việc kinh
khủng như vậy?”
Khâm Bưu gật đầu mệt mỏi:
“Tao không có sự lựa chọn nào khác. Mạng
tao cũng sắp hết rồi. Thôi, bọn mày ráng ăn đi.”
Gian phòng chỉ có một cái ghế ọp ẹp, nên bốn
đứa đành đứng vây quanh nhau. Dù đang cơn đói, dù thức ăn mẹ Khâm Bưu cho như yến
tiệc, nhưng đứa nào cũng nhai nuốt khó khăn. Mân vừa trệu trạo bánh bao vừa sốt
ruột hỏi:
“Mày định nhét bọn tao vào đâu?”
Khâm Bưu nhìn sang Mân, trầm ngâm một lúc rồi
trả lời:
“Toa số bảy và số tám là hai công ten nơ
đang nằm ngoài sân. Chắc bọn bây cũng thấy rồi. Hai giờ trưa nay chúng sẽ được
kéo sang nhà ga. Đúng bốn giờ chiều thì tàu khởi hành. Tám giờ tối, trước khi
ra khỏi Phong Thổ, tàu sẽ hụ còi báo động cho lính biên phòng. Khi đấy là thời
điểm bọn bây chuẩn bị leo ra. Toa số bảy chứa xác chết là công ten
nơ đông lạnh, sau khi tao và bọn áp tải hàng niêm phong thì không ai kiểm tra nữa.
Toa này có mười sáu ngăn, thường chỉ chở trên mười xác chết. Nhưng đợt này có
nhiều vụ vượt biên và tra tấn nên số lượng tăng lên đột ngột. Hiện nay chỉ còn
đúng một ngăn.”
Khâm Bưu nói đến đây thì đột ngột dừng lại.
Không khí đặc sệt căng thẳng. Nen từ lúc lên xe vẫn cố giữ thái độ bình tĩnh,
bây giờ lo lắng lên tiếng:
“Nghĩa là, chỉ một đứa trong bọn tao có chỗ
đi an toàn.”
Khâm Bưu áy náy gật đầu:
“Tao không có cách nào khác. Hai đứa sẽ phải
vào toa số tám cùng những bệnh nhân hấp hối. Thủ tục giấy tờ tao đã lo sẵn, sẽ
không có việc gì xảy ra. Nhưng bọn bây phải rất bình tĩnh vì khi vào đến khu vực
nhà ga, toa này thường xuyên bị kiểm tra.”
Nen hỏi:
“Còn muốn lên toa số bảy thì phải làm gì?”
Khâm Bưu nói:
“Chẳng phải làm gì cả, chỉ nằm yên trong
ngăn tủ sắt đến tám giờ tối. Tao sẽ tiêm thuốc cho mày ngủ trong khoảng sáu tiếng,
cung cấp cho mày một bình dưỡng khí. Nhiệt độ trong toa thường là âm mười độ,
nhưng sau khi niêm phong, tao tắt máy đông lạnh. Nhiệt độ sẽ hạ xuống từ từ. Đến
biên giới, tàu sẽ dừng lại đổi nhân viên chuyển hàng. Khi đấy tao sẽ mở cửa, gõ
vào hòm hai tiếng liên tục, rồi hai tiếng rời rạc để báo hiệu. Hòm không khóa,
cửa không khóa, mày đợi khoảng mười phút sau thì tự chui ra, lén leo xuống đất.
Đi khoảng một cây số đường rừng là ải Ma Lù Thàng.”
Nen gật đầu:
“Còn biện pháp lên toa số tám?”
“Ở toa số tám tao không thể tiêm thuốc cho
bọn mày ngủ được, vì thuốc ngủ làm mất sự tỉnh táo cần thiết. Nếu gặp nguy hiểm
hay bị phát hiện, bọn mày vẫn có cơ hội nhảy khỏi tàu. Bọn công an ở nhà ga
lùng sục khắp các toa trong suốt chuyến đi. Ở toa số tám bọn chúng sẽ xem xét hồ
sơ bệnh nhân được chuyển đi. Mỗi giường bệnh đều có gắn một tập hồ sơ về các
thông tin cá nhân và thông số y khoa chung chung như tên tuổi, dân tộc, nhóm
máu, mức độ thương tật… Khi tàu đến biên giới, bọn mày cứ đợi tàu dừng khoảng
mười phút, để cho nhân viên Phong Thổ rút đi. Khi đấy, các toa gần như không
còn người bảo vệ nữa. Chờ cho tàu chuẩn bị chuyển bánh là leo bừa xuống.”
Nen nhìn Mân dò hỏi rồi cân nhắc nói:
“Mày nghĩ sao? Toa số bảy có vẻ an toàn.”
Mân gật đầu:
“Ừ. Tao muốn thằng Thạc đi toa đấy.”
Thạc lắng nghe Nen với Mân bàn tính thì bực
mình lên tiếng:
“Tao là con của bọn bây chắc? Hai đứa muốn
tính gì thì tính? Chỗ an toàn phải để cho thằng Mân vì nó bỏ nhiều công sức lo
cho chuyến đi này. Tao nằm toa số tám. Công an kiểm tra thì tao vẫn chịu được.“
Nen nói dứt khoát:
“Không. Tao chỉ hỏi ý kiến thằng Mân. Nó đã
đồng ý thì mày phải vào toa số bảy. Nếu có một đứa trong bọn mình thoát ra
ngoài thì đấy phải là mày.”
Thạc trợn mắt:
“Tại sao là tao? Bọn mình đã cắt máu ăn thề,
cùng sống cùng chết.”
Nen kiên quyết nói:
“Tao đã quyết định rồi. Vì đây là lời hứa với
bố tao, trước khi bố tao bị bắt.”
Mân run run hỏi:
“Bác Núi bắt mày hứa điều gì?”
“Bố tao muốn thằng Thạc phải ra được vùng tự
do, vì nó là đứa duy nhất sẽ tìm được cách cứu Phong Thổ. Khi đấy tao chỉ mới
mười một tuổi, nhưng tao đã hứa với bố.”
Mân cũng sững sờ nói:
“Trước khi bị bắt, bố tao cũng bắt hứa như
thế. Phải tìm mọi cách đưa thằng Thạc ra khỏi Phong Thổ.”
Bên ngoài cánh cửa khóa kín đột nhiên có tiếng
thở dài. Nó chỉ thoảng qua như gió, nhưng cả bốn đứa cùng giật mình thảng thốt.
Nen trợn mắt hỏi ngay:
“Ai đấy?”
Khâm Bưu thất sắc nói khẽ khàng:
“Bọn mày cũng nghe thấy à? Thời gian đầu mới
về đây, tao cứ nghe những tiếng động lạ lùng. Lúc ban đầu tao rất sợ hãi. Nhưng
rồi tự nhủ là mình chỉ tưởng tượng ra thôi.”
Thạc nói:
“Tao nghe rõ ràng sau lưng có tiếng thở dài
rất buồn. Hình như…” Thạc dừng một lúc rồi bâng khuâng nói. “Hình như là tiếng
thở dài của một người phụ nữ.”
Khâm Bưu lắc đầu:
“Thôi đừng nói chuyện đấy nữa. Tao ở đây một
mình cả ngày chỉ muốn hóa điên. Bây giờ còn chưa sáng hẳn, tao đưa bọn mày ra
xem công ten nơ.”
Khi đấy bỗng có tiếng bàn ghế đổ trong gian
phòng bên cạnh. Cả Thạc, Mân, Nen đều giật mình nhảy dựng lên. Thạc hốt hoảng
thì thầm:
“Ai? Ai ở bên đấy?”
Khâm Bưu nhìn sững vào cánh cửa kính, khuôn
mặt tái xanh:
“Bọn mày cũng nghe tiếng động à?”
Mân trợn mắt:
“Điếc hay sao mà không nghe. Có tiếng bàn
ghế đổ bên đấy.”
Khâm Bưu nói nhỏ:
“Nhưng bên đấy chẳng có ai. Tao đã chuyển hết
lên công ten nơ.”
“Mày chuyển ai lên công ten nơ?” Thạc hỏi
ngớ ngẩn.
“Tất cả người chết và hấp hối bên đấy.”
Cả ba đứa lại ngơ ngác nhìn nhau. Bọn họ vẫn
chưa ý thức được rõ ràng mình đang ở đâu. Khâm Bưu cũng nhận ra điều đấy, hắn bực
bội hỏi:
“Bọn mày chưa tỉnh ngủ hay sao? Đây là nhà
xác bệnh viện Trung Ương. Tao chuyển xác và người hấp hối sang Trung Quốc.”
Đến lượt
Khâm Bưu giật mình vì chính những lời vừa tuôn ra từ miệng hắn. Từ ngày
bị đẩy vào đây hắn chỉ khổ sở, vật vã với công việc mà chưa có dịp nói với ai sự
thật. Bây giờ được nói huỵch toẹt ra, hắn thấy lòng thanh thản. Bỗng nhiên rồi
nước mắt Bưu trào ra:
“Bọn mày biết công việc của tao rồi đấy.
Nhưng bọn mày có biết nó kinh khủng ra sao không? Mỗi ngày, mỗi ngày nhìn thấy
xác chết. Nhiều lúc tao chỉ mong được làm công nhân đập đá, công nhân xẻ gỗ.”
Bưu ôm đầu gục xuống. Ba đứa lặng lẽ nhìn
nhau rồi Nen tiến tới vỗ tay lên vai Bưu:
“Ê, thằng Khâm Bưu không biết khóc bao giờ.
Mày đi với bọn tao. Bên ngoài là cuộc sống khác.”
“Tao còn bà già ở đây, đi không đành lòng.
Nhưng mẹ tao cũng kiên quyết nói tao đừng trở lại. Nếu tao quay lại Phong Thổ mẹ
tao sẽ tự tử chết.”
Thạc với Mân cũng tiến tới vây chặt Khâm
Bưu. Thạc cảm động nói:
“Mày đi với bọn tao. Sống chết có nhau.”
Bưu đưa tay chùi nước mắt, nhìn lãng ra cửa.
Hắn gượng gạo nói:
“Bây giờ là sáng sớm, khu này cực kỳ vắng vẻ.
Không ai dám lai vãng đến đây. Bọn mày theo tao ra công ten nơ, quan sát thật kỹ
tình tình. Một giờ trưa ba đứa mày mới phải lên nằm ở đấy. Hai giờ bọn nhân
viên chuyển hàng đến để kéo va gông đi.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét