Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

Lời nguyền mùa tang ma


Lệnh phong tỏa đã không thể cách ly gia đình cô Loan và gia đình ông Tung ra, mà đẩy họ lại gần nhau hơn. Giữa cơn hoạn nạn, đói khát và quẫn trí, lời nguyền của cô Loan đội mồ quay về, đòi từng mạng sống.
Những kẻ vô công rỗi nghề có quá nhiều thời gian để hóng chuyện bên nhà hàng xóm. Từ năm ngoái, rẻo đất rộng hai mét bên hông nhà của cô Loan đã biến thành dãy nhà bếp của quán nhậu Tung Hoành. Bây giờ, ngồi trong nhà cô cũng nghe được họ nói gì, nấu gì, ăn gì trên đất của cô. Nơi đó từng là lối đi sang trọng của cô từ cổng ra phía sau nhà. Dọc bên tường cô treo mấy giò phong lan và đặt mấy chậu bông sứ. Buổi chiều mát, cô còn nằm đó đong đưa trên võng, online tâm sự với bạn bè facebook. Nhờ nó mà căn nhà nhỏ xíu của cô thông thoáng hơn mấy căn nhà khác trong con hẻm chật chội, tù túng. Cô về Bến Tre làm đám giỗ cho má cô ba ngày, lúc quay trở lại, cái tường gạch mới xây đã lấn sang tới tận vách nhà.
 
Cô Loan đứng ở cổng nhìn sững cái tường gạch nham nhở, không dám tin đây là căn nhà của mình. Lối đi tráng xi măng bên hông nhà biến đâu mất. Mấy giò phong lan biến đâu mất. Năm chậu bông sứ biến đâu mất. Cô mở cửa, rón rén đi vô sân như tên ăn trộm. Cảm giác sợ hãi, cảm giác xa lạ làm cái đầu của cô quay u u như có chong chóng trong đó.
Ngay chân tường gạch, vôi vữa còn vương vãi. Kinh khủng hơn nữa, cửa sổ phòng ngủ của cô bị bít kín mít trở nên tối thui như nhà mồ. Bên ngoài hai tấm cửa kính hiện ra lớp gạch đỏ nham nhở. Cây mận buông bóng mát ngay cửa sổ bây giờ nằm phía bên kia tường. Cô Loan lập cập rút điện thoại ra gọi cho con gái. Nguyên tuần này nó trực ở bệnh viện.
“Má nói cái gì? Họ xây tường lấn mất lối đi của nhà mình?”
Từ bên quán nhậu Tung Hoành tiếng nhạc bolero não nề vọng sang. Tiếng người í ới gọi nhau đưa rau sống ra bàn nhậu. Tiếng dao chặt thịt bổ đồm độp xuống thớt. Tiếng đám chó sắp bị mang ra chọc tiết rên rỉ đau buồn. Trong căn nhà nhỏ tù túng, cô Loan uất hận ôm mặt khóc rống lên.
Giờ đây, mỗi khi đi chợ về, cô không còn thói quen men theo lối bên hông nhà, xuống phía sau rửa hai cái chân dính bùn đất. Cô phải xách dép, xách giỏ, đi băng qua phòng khách và phòng ngủ tối thui. Bức tường nham nhở gạch vữa không biến đi sau cơn ác mộng. Nó đứng đó sừng sững, phía sau là những cặp mắt hung tợn của cha con nhà Tung Hoành.
Suýt nữa cô bị họ chém chết khi sang bên đó đòi lại chủ quyền đất. Nước mắt ràn rụa, cô bỏ chạy khỏi nhà hàng xóm, vừa chạy vừa nguyền rủa: “Rồi mấy người chết không có đất mà chôn.”
Mùa dịch mà quán Tung Hoành vẫn nhộn nhịp cả đêm về sáng. Trong căn phòng nóng hầm hập, cô Loan không ngủ được. Tivi bật sáng cả đêm. Dịch bệnh bùng nổ khắp nơi trên thế giới, trên tivi người chết nhiều quá. Ở nơi này, bàn nhậu kê kín cả cổng nhà cô, người đông nườm nượp. Từ đó mùi rượu thịt bay ra tởm lợm. Con gái cô trực đêm trở về, sợ hãi len qua mấy cái bàn nhậu thịt chó, khó nhọc dẫn xe vô nhà.
Chiếc xe duy nhất làm cái chân chạy của nó bị đám dân nhậu dẫn đi. Con Hòa về nhà ăn miếng cơm tối với má. Chiếc xe khóa kỹ để ngoài sân biến mất sau ba mươi phút. Ai đó bẻ luôn khóa cổng.
Cô Loan tức tốc chạy sang quán Tung Hoàng kêu gào. Mấy thằng con côn đồ của ông Tung vác dao xông ra đe dọa:
“Mẹ con bà với con chó liệu hồn.”
Con chó của cô Loan là con Kiki. Nó hiền khô, có tội tình gì đâu mà đe dọa.
Những người này từ đâu đến, cô Loan không biết, nhưng họ hung hăng thao túng cả khu phố. Đám thanh niên mình mẩy xăm trổ, mắt long sòng sọc, ngôn từ lạ lẫm, họ sẵn sàng đập chết cô như đập một con muỗi, nếu cô gây phiền nhiễu.
Cô Loan co rúm người nhìn lần cuối vào quán nhậu. Rẻo đất nhà cô bây giờ là dãy nhà bếp cơi rộng ra. Mấy chậu bông sứ của cô đứng bên sàn rửa chén, thiếu nắng mà dư nước, đang úng vàng lá. Đám phong lan khô héo nằm ngổn ngang trên đống xà bần. Cây mận hồng đào ngon ngọt của cô bị cưa xuống sát gốc. Hai mét đất chạy từ phía trước ra phía sau có giá bằng hai chiếc xe hơi sang trọng.
Cô Loan trào nước mắt, chỉ tay về phía ông Tung, nghẹn ngào chửi:
“Cha con anh nghe. Mấy người ác quá nghe, rồi chết không có đất mà chôn.”
Ông Tung cười khành khạch:
“Để xem. Ai chết trước ai.”
Mấy thằng con cũng cười hô hố.
Tiếng vợ ông Tung từ trong bếp vọng ra khẽ khàng:
“Bố con chúng mày thôi đi. Đừng quấy nhiễu hàng xóm như thế. Cô ấy chỉ có một mình.”
Ông Tung và mấy thằng con lại cười hung tợn hơn.
Cô Loan hoảng quá, co cẳng chạy thiệt nhanh về nhà. Ngày hôm sau, cô sắm thêm một sợi dây xích thiệt to để khóa cổng.
Đã nhịn nhục tới nước đó mà tụi nó vẫn bắt mất con chó. Ba ngày sau, cô Loan mở cổng nhận thư, quay lại đã không thấy con Kiki đâu nữa. Từ ngày chồng cô quá cố, con Hòa đi chống dịch biền biệt ở bệnh viện dã chiến, cô chỉ còn con Kiki làm bầu bạn.
Suốt một tuần cô chạy lồng lên trong xóm, kêu gào, gọi tên con Kiki. Chỉ có tiếng cười hô hố, tiếng cụng ly từ quán nhậu đáp lời. Cứ nghĩ đến phần da thịt của con Kiki nằm trên bàn nhậu là cô ôm bụng muốn nôn mửa. “Tụi nó ác quá, rồi chết không có đất mà chôn. Kiki con ơi, con ở đâu. Hòa ơi, con ở đâu.”
Con Hòa gọi điện lúc nửa đêm:
“Con về bây giờ, đưa má đi chích ngừa.”
“Sao chích nửa đêm vầy?”
“Khoa của con có năm người không chịu chích. Con năn nỉ xin cho má một mũi. Nhưng phải chích liền, sợ sáng mai họ đổi ý.”
Cô Loan cằn nhằn:
“Việt Nam đâu có dịch. Tự nhiên chích bậy bạ mấy cái thứ gì đâu.”
Con Hòa về trong bóng tối, không nói không rằng, nó kéo cô lên xe. Cô nắm bàn tay gầy gò của nó, rưng rưng hỏi:
“Con kiếm đâu ra chiếc xe cũ rích này?”
“Của bác gác cổng. Con mượn.”
Nó làm y tá trong bệnh viện dã chiến. Mùa này nó gần như ở luôn trong đó. Từ hồi mất cái xe máy nó lại càng ít về nhà. Có lần nó khóc trong điện thoại:
“Con không dám về, sợ lây cho má.”
Cô ngơ ngác an ủi:
“Việt Nam chống dịch tốt mà. Chắc không sao đâu.”
“Họ nói láo. Dịch lan tràn khắp nơi. Tụi con hết sức rồi.”
Mỗi buổi tối cô cầu khẩn trước bàn thờ:
“Anh ơi, anh phù hộ cho nó.”
Con Hòa được chích đủ hai mũi theo tiêu chuẩn dành cho nhân viên y tế. Cô cũng chích chui một mũi. Cả xóm này chưa ai biết chích ngừa là gì. Bạn bè cô gửi cho nhiều tin tức rất khủng khiếp về hậu quả tiêm chủng. Con Hòa nói: “Má đừng nghe mấy cái thuyết âm mưu bậy bạ, người ta chê thì mình chích.”
Cô vẫn không tin một mũi thuốc chủng sẽ giúp ích được gì, nhưng khi xóm bên cạnh bắt đầu có ca nhiễm thì cô đâm ra hoảng hốt. Bà chủ tiệm phở ngoài đường lớn chết trong bệnh viện, con cái bị cách ly tứ tán, không ai lo tang ma.
Bỗng nhiên rồi mọi thứ thay đổi. Nhanh khủng khiếp. Một ngày hàng ngàn ca nhiễm, hàng trăm ca tử vong.
Kẽm gai bịt đầu ngõ. Dây nhựa giăng cuối ngõ. Không ai được phép đi đâu.
Sự im lặng bất thường bao phủ cả khu phố. Những tiếng gọi rau thịt bên quán nhậu đã biến mất. Tiếng cụng ly, hò reo cũng biến mất. Đám người hung tợn câm nín rút vô nhà. Buổi chiều, bốn cha con họ bày bàn nhậu với nhau.
Trước khi phong tỏa, từ trên gác xép cô Loan thường nhìn sang nhà ông Tung, nhưng chỉ thấy bạt xanh, bạt xám giăng hàng hàng lớp lớp. Bên dưới đó, nhốn nháo tiếng thực khách chuyện trò, la hét. Khi mấy tấm bạt của quán được gỡ xuống, cô Loan có thể nhin thấy cả khu nhà ông Tung. Bây giờ mỗi ngày cô thấy đám bông sứ trụi lá, đám phong lan cháy khô dưới nắng. Hai con chó dữ nhà ông Tung hướng mõm lên gác xép nhà cô sủa từng hồi hung tợn.
Bếp ăn bên nhà hàng xóm mùa phong tỏa cũng đạm bạc như nhà cô. Cả xóm, nhà nào cũng ăn uống như nhau, cũng rau cải của phường, cũng gạo mì của tổ chức từ thiện. Mùi thức ăn chay bên nhà ông Tung bay sang, hòa lẫn với mùi thức ăn chay của nhà cô Loan. Lẽ ra là an lành.
Dịch không chỉ tấn công vào con hẻm. Nó tiếp tục tấn công hung bạo vào từng gia đình.
Người đầu tiên trong hẻm bị cưỡng chế đưa đi là thằng Hoành, con cả của ông Tung. Nó là F1 của gia đình bạn gái. Không rõ nó tiếp xúc với bạn gái lần cuối khi nào, không ai quan tâm, nhưng nó có tên trong danh sách bị đưa đi cách ly tập trung. Thằng Hoành khỏe như trâu, phải có năm công an mới cưỡng chế được nó. Cả khu phố đang im lặng bỗng náo loạn vì những lời chửi rủa. Màn đấm đá của gia đình ông Tung chống lại người thi hành công vụ còn khốc liệt hơn phim võ hiệp Chung Tử Đơn.
Thằng Hoành bị đè nghiến trên đất, máu mũi máu miệng trào ra, vẫn gào thét hung tợn:
“Đ… mẹ bọn mày. Tao có bệnh tật đ… gì đâu mà bắt. Cả hơn tháng nay tao có sang nhà bên đấy đâu.”
Đó là lần cuối cô Loan nghe tiếng nó. Một tháng sau, nó lặng lẽ trở về trong cái hũ sành to bằng trái dừa. Cô Loan đứng trên gác nhìn sang. Mẹ thằng Hoành tóc xõa rũ rượi, ôm hũ tro quỳ trong sân. Bố nó và hai thằng em đứng quay quanh, gục đầu run rẩy. Lần đầu tiên cô thấy họ co rút, nhỏ nhoi. Nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng cô, một người to khỏe cỡ nào đi nữa rồi cũng chỉ còn một cái hũ nhỏ xíu trở về.
Buổi tối, thằng Hoành sang nhà cô. Nó đứng ở gốc cây mận, buồn bã trách:
“Tại sao bà nguyền rủa ác như vậy?”
Cô Loan run rẩy hỏi:
“Bây giờ cháu ở đâu?”
Nó trợn mắt thò đầu qua cửa sổ. Giữa tiếng ho, nó la lên giận dữ:
“Ở trong cái hũ chứ ở đâu? Tôi đâu có được chôn cất tử tế.”
Cô Loan hoảng hốt, la lên ú ớ. Bức tường gạch vẫn còn nguyên, nó chắn ngang cửa sổ. Đêm đó, cô để đèn cho đến sáng, không dám ngủ nữa. Từ bên nhà ông Tung vọng sang tiếng ho khàn khàn.
Thần chết đi từ nhà này sang nhà khác. Dăm ba hũ tro cốt đã quay về khu phố nhỏ. Những người hôm nào còn trò chuyện, thăm hỏi nhau, hôm nay đã ngồi im lặng trên bàn thờ.
Cô Loan nhận được mũi tiêm chủng thứ hai.
Gia đình ông Tung phải lên xe đi cách ly. Không ai rõ họ bị lây nhiễm từ đâu, cũng không ai quan tâm. Bây giờ virus ở khắp nơi trong hẻm. Họ không chống cự như lúc thằng Hoành bị bắt. Họ biết, có chống cự cũng vô ích thôi.
Cô Loan đứng trên gác xép nhìn bốn con người cúi đầu lủi thủi ra đi như tội phạm, lòng đầy lo sợ. Họ sinh hoạt sát bên vách, ăn ở đó, ho ở đó. Có khi mấy con virus của họ đã trèo tường qua nhà cô. Bỗng nhiên rồi ông Tung quay lại, ông đứng im một lúc nhìn lên gác xép nhà cô. Dường như ông biết, cô đứng ở đó mỗi buổi chiều nhìn sang nhà ông. Khoảng cách quá xa để cô có thể thấy được ánh mắt của ông Tung. Nhưng cô bàng hoàng lùi lại, thấy mình có tội.
Người đàn ông mặc áo bảo hộ màu xanh quát lên hung hăng: “Đi”. Ông Tung ho khúc khắc, nắm tay vợ đẩy lên xe.
Cô Loan quỳ thụp xuống khấn vái: “Xin Trời Phật tha tội cho con. Xin Trời Phật đưa họ mạnh khỏe quay về.”
Buổi tối, hai con chó bên nhà ông Tung tru từng hồi gọi chủ làm cô không ngủ được. Nỗi sợ trong lòng cô dâng lên như nước lũ. Cô bấm điện thoại gọi con Hòa. Giọng nó vang lên mệt mỏi:
“Má hả, có chuyện gì vậy?”
“Nhà ông Tung, bị đưa đi hết rồi.”
“Trời đất! Nhiễm hả?”
“Má không biết. Má nghe tiếng ổng ho từ một tuần nay.”
Rồi cô ngập ngừng, nói nhỏ:
“Con coi gia đình ổng ở khu nào. Con lo cho họ được không?”
Con Hòa thở dài:
“Bệnh viện dã chiến đang quá tải. Ai cũng cần được lo mà tụi con hết sức rồi. Chắc khó.”
Cô Loan nghẹn ngào năn nỉ:
“Con chỉ cần tìm ra ông Tung, nói ổng ráng mạnh khỏe quay về. Má cho chó mèo nhà ổng ăn mỗi ngày.”
Mỗi ngày cô bớt phần cơm ít ỏi của mình, bỏ trong túm giấy báo, thảy qua tường cho hai con chó. Phần của con mèo cô để ngay góc sân trước. Đó là con mèo mướp rất khôn ngoan, thận trọng, nó chỉ lén lút ra ăn khi không có cô ở đó. Hai con chó thì khác, tụi nó bắt đầu quen hơi của cô. Nghe tiếng chân cô đi bên này là hai đứa bên kia kêu la mừng rỡ. Nhưng cô không nhận được phần gạo cho hai con chó. Cán bộ phường không quan tâm đến chúng. Cô chỉ hy vọng tụi nó sống sót, cho đến ngày những người chủ trở về.
Gia đình ông Tung đi biền biệt. Con Hòa chỉ gặp được ông Tung một lần, thăm hỏi được vài ba câu. Rồi ông trở bệnh nặng, con Hòa nhờ bác sĩ chuyển gấp lên tuyến trên. Vợ con ông không biết ở đâu. Mỗi đêm cô Loan cầu nguyện cho con Hòa, cầu nguyện thêm cho gia đình ông Tung. Mỗi buổi chiều cô ra trước cửa, nhìn về phía đầu ngõ.
Mấy cái bàn gỗ nằm xếp lớp bên tường quán nhậu bắt đầu mốc meo.
Một buổi chiều, họ trở về. Ông Tung ốm nhom đi trước, cái đầu bạc trắng cúi gục. Phía sau ông, hai thằng con trai lếch thếch. Một đứa ôm trong lòng chiếc hũ sành màu đen.
Cô Loan đứng trên gác xép, đổ gục xuống.
*

Berlin 10.2021
Lưu Thủy Hương
*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét