Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

Dấu ngoặc kép - Tưởng dễ mà khó

CÁCH VIẾT DẤU NGOẶC KÉP

*

Dấu ngoặc kép là ký tự xuất hiện ở đầu và cuối lời nói trực tiếp, ở đoạn trích dẫn trực tiếp hoặc ở tựa đề, tên tác phẩm được trích dẫn.

Dấu ngoặc kép có thể được sử dụng để nhấn mạnh các từ, nhóm từ hoặc các phần của văn bản mà người viết muốn nêu bật quan điểm.

Dấu ngoặc kép cũng có thể được dùng để nhấn mạnh một tuyên bố, hoặc đánh dấu một từ - ngữ mang nghĩa đen, mang ẩn ý - ví dụ như mỉa mai, hoặc gán ghép vào một ý nghĩa khác.

*

🟥 NGUỒN GỐC

Đánh dấu các trích dẫn là chuyện đã có từ rất lâu, bắt nguồn từ các bài bình luận văn học cổ xưa.

Trong một bản thảo của người Montekassinian về lời bình luận của Pseudo-Ambrose về các Thư tín của Phao-lô, được viết trước năm 570, có đánh dấu kép trước mỗi trích dẫn. Phong tục này có lẽ đã được thực hiện trong truyền thống bình luận của các nhà ngữ văn của Thư viện Alexandria, được thành lập vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên.

Trong ấn bản về Aristotle của nhà nhân văn thời Phục hưng Milan Francesco Filelfo, xuất hiện vào năm 1483 hoặc 1484, các trích dẫn trực tiếp được xác định bằng các đường gạch đôi nghiêng ở cạnh trái của mỗi dòng. Cho đến lúc đó, việc trích dẫn trực tiếp có được nhấn mạnh hay không là do quyết định của tác giả. Sau khi ấn bản của Filelfo được xuất bản, dấu ngoặc kép cho những lời trích dẫn trực tiếp đã trở nên phổ biến.

*

🟥 DẤU NGOẶC KÉP TRONG TIẾNG ĐỨC

🔵 Quy tắc

Việc sử dụng dấu ngoặc kép được quy định cụ thể trong bộ quy tắc chính tả tiếng Đức mới, năm 2006.

🔹 Dấu ngoặc kép được dùng để xác định một nội dung nào đó được sao chép nguyên văn (§ 89), trong các trường hợp:

1. Các phát biểu được sao chép nguyên văn (lời nói trực tiếp):

“Lúc nào cũng có việc để làm!”, cô ấy than thở.

2. Đoạn văn bản được sao chép nguyên văn (trích dẫn).

🔹 Dấu ngoặc kép được dùng để nhấn mạnh các từ - ngữ trong văn bản, hoặc để làm rõ quan điểm của người viết khi sử dụng các từ - ngữ này (§ 94). Các trường hợp:

1. Tiêu đề, tên tác phẩm (ví dụ: sách và vở kịch), tên tờ báo và những thứ tương tự:

VD:

Cô ấy đọc bài “Cơ hội cho một giải pháp ngoại giao” trên tờ “Wochenpost”.

Cô ấy đọc cuốn tiểu thuyết ngắn “Cái chết ở Venice” của Thomas Mann.

2. Những câu tục ngữ, câu nói và những thứ tương tự được đưa ra trong một nhận xét:

VD:

Anh đúng là “Khôn nhà dại chợ”.

Lời phê bình “Rượu có vị chua như giấm” của anh ấy khiến người phục vụ khó chịu.

Tin nhắn của cô ấy “Ngày mai anh có đến không?” đã làm tôi xúc động.

Lời bào chữa “Tôi không có thời gian!” của anh không đáng tin lắm.

(Ở đây, các phần trong câu không được phân tách bằng dấu phẩy § 90 - § 92.)

3. Những từ hoặc nhóm từ mà người viết muốn đề cập:

VD:

Ngày nay, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện sinh” được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.

Tất cả bạn bè đều gọi anh ta là “chàng hề”.

4. Những từ hoặc nhóm từ mà người viết muốn được hiểu khác với nghĩa thông thường - ví dụ như theo nghĩa mỉa mai hoặc nghĩa bóng:

VD:

Bạn đã “cảm” anh ấy rồi.

Cô ta đã “câu” được ông chủ tịch.

🔵 Dấu ngoặc kép với các dấu chấm câu khác

1. Khi dấu hỏi hoặc dấu chấm than đi cùng với dấu ngoặc kép, thì ký tự này (dấu hỏi hoặc dấu chấm than) sẽ xuất hiện TRƯỚC dấu ngoặc kép, nếu chúng THUỘC VỀ VĂN BẢN ĐƯỢC SAO CHÉP nguyên văn (§ 90):

VD:

Cô hỏi: “Anh khỏe không?”

Anh ta hét lên: “Dừng lại ngay!”

2. Nếu có mệnh đề tiếp theo sau câu trích nguyên văn thì người ta đặt dấu phẩy sau ký tự cuối cùng (§ 93):

“Cô về nhà ngay lập tức!”, anh ra lệnh.

Khi anh ấy nói: “Em thật là xinh!”, thì tôi rất xúc động.

3. Nếu dấu chấm, dấu hỏi hoặc dấu chấm than đi kèm với dấu ngoặc kép, thì ký tự này (dấu chấm, dấu hỏi hoặc dấu chấm than) sẽ xuất hiện SAU ký tự cuối cùng - nếu chúng THUỘC MỆNH ĐỀ ĐI KÈM (§ 90):

VD:

Anh có biết tác phẩm “Zauberberg”?

Tôi đã nói rồi, “không ai nhìn thấy bị cáo tại hiện trường vụ án”!

4. Đôi khi, cả văn bản được trích dẫn và mệnh đề đi kèm đều có thể kết thúc bằng dấu chấm hỏi hoặc dấu chấm than (§ 91):

Bạn có thích tiểu thuyết “Quo Vadis?”?

Hãy dẹp ngay cái câu “Tôi không thích!”!

5. Nếu mệnh đề đi kèm tiếp nối vào câu trích dẫn thì dấu phẩy nằm SAU dấu ngoặc kép (§ 92):

VD:

“Chúng mình đi xem phim nhé”, cô gợi ý.

“Sau khi đọc xong, cháu sẽ hiểu ý ta”, ông nội nói.

6. Mệnh đề đi kèm có thể bị kẹp giữa hai dấu phẩy(§ 93):

VD:

“Sáng mai”, anh hứa, “anh sẽ quay lại.”

“Dù sao đi nữa”, cô khóc, “em cũng vẫn yêu anh.”

7. Nếu câu trích dẫn viết tiếp theo sau mệnh đề đi kèm thì KHÔNG còn dấu chấm sau ký tự cuối cùng (§ 92):

VD:

Anh ấy nói: “Mọi người phải tự quyết định.”

Người qua đường hét lên: “Coi chừng!”

*

🟥 KINH NGHIỆM CÁ NHÂN

Quy tắc chính tả tiếng Đức này được phổ biến cho tất cả các vùng sử dụng tiếng Đức trên thế giới như: Đức, Thụy Sĩ, Áo, Liechtenstein, Luxemburg, Đông - Bỉ, Südtirol, Elsass, Lothringen, Nordschleswig, Rumania, Nam Phi, Namibia...

Bạn biết rồi đó, luật lệ của Đức rất khắt khe và rõ ràng. Đọc thì rối ren, nhưng thật ra trong nghề viết người ta chỉ gặp khó khăn về dấu chấm câu. Nó sẽ phải đứng TRƯỚC hay SAU dấu ngoặc kép?

Khi đó bạn chỉ cần đặt ra câu hỏi: Dấu chấm câu đó thuộc về phần trích dẫn nguyên văn, hay là nó thuộc về người viết (tác giả).

- Nếu dấu chấm câu thuộc về trích dẫn nguyên văn, lời nói của ai đó (nhân vật trong tác phẩm), thì dấu chấm câu đó bắt buộc phải nằm trong phần được trích dẫn, nghĩa là nằm TRƯỚC dấu ngoặc kép cuối.

VD:

Cô ấy nói: “Em tin anh.”

Cô ấy nói: “Em tin anh!”

Cô ấy nói: “Em còn có thể tin anh sao?”

Ở đây, các dấu chấm câu là của cô ấy.

- Nếu dấu chấm câu của người viết, thì nó thuộc về tác giả, không mắc mớ gì phải đưa nó vào trong ngoặc kép. Nghĩa là dấu chấm đó được tự do, nó đứng SAU ngoặc kép.

VD:

Chàng muốn quên đi cái câu nói “em tin anh”. Nó chỉ nhắc lại một kỷ niệm đã chết.

Ở đây, dấu chấm câu là của người viết (cũng có thể xem là của "chàng"), nó không thuộc phần được trích dẫn.

*

🟥 QUY TẮC TRONG TIẾNG VIỆT

Tôi nhận thấy là trong tiếng Việt không có quy tắc cụ thể nào cho dấu ngoặc kép, hồi đi học tôi cũng không được dạy kỹ lưỡng về chuyện này. Người Việt Nam thường phải sử dụng dấu ngoặc kép theo quan điểm riêng hay theo thói quen được hình thành từ đâu đó.

Quy tắc dấu ngoặc kép cho tiếng Việt không chỉ cần mà rất cần! Tiếng Việt sử dụng ký tự Latinh thì không thể đứng ngoài những quy tắc viết của phương Tây được. Không có sự đồng nhất, các văn bản tiếng Việt khi hội nhập vào thế giới sẽ gặp trở ngại trong thi cử, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, thương mại, văn chương, dịch thuật, in ấn…

Ở đây, với sự thận trọng cần thiết, tôi chỉ viết về quy tắc sử dụng dấu ngoặc kép trong tiếng Đức dù rằng quy tắc này cũng được áp dụng cho các ngôn ngữ khác.

Rất mong bạn bè thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp cùng lên tiếng, cùng chung tay làm sáng đẹp ngôn ngữ của chúng ta.

*

Berlin, 29. 01. 2024

Lưu Thủy Hương

*

Hình: Các ký hiệu “dấu ngoặc kép” khác nhau trong các ngôn ngữ. H2, H3: Ký hiệu đầu tiên dùng cho câu chỉ có 1 dấu ngoặc kép. Ký hiệu thứ hai là dấu ngoặc kép phụ nằm trong dấu ngoặc kép chính.

Xem hình ở:

Lưu Thủy Hương - CÁCH VIẾT DẤU NGOẶC KÉP * Dấu ngoặc kép là ký tự... | Facebook


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét