Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Ra giêng cưới nhau



*

tùy bút

*

Nhà thằng Quỳ ở trong một con đường hẻm lụp xụp, nơi dân nghèo tứ xứ từ đâu đâu đổ về sống vất vưởng. Những dãy nhà mái tôn ọp ẹp nằm san sát nép vô nhau, còng lưng chịu mưa gió, nắng đốt. Buổi chiều ở xóm nghèo không bao giờ trôi qua nhạt nhẽo. Tiếng máy dệt thun xạch xạch, rình rình, tiếng cưa sắt roang roang, xét xét đệm thêm vô những tiếng chửi rủa nhéo nhéo, tiếng say rượu nhè nhè, tiếng karaoke nhựa nhựa… “Ra giêng anh cưới em, ra giêng ta cưới nhau”…

Thằng Quỳ không thích ở lại trong căn nhà nhỏ xẹp, lọt thỏm giữa những tiếng ồn ào bất tận để trở thành nguồn cảm hứng cho má nó ca mãi bài “gà mái nuôi con”. Nó ra đầu đường ngồi vật vựa với đám bạn lêu lổng trố mắt nhìn người ta qua lại. Buồn buồn, tụi nó rủ nhau chơi trò ném đá, tấm bảng sắt “Viễn Thú Y" rung lên loảng xoảng. Thầy Viễn hùng dũng xông ra, cả đám con nít cười ré lên bụm quần bỏ chạy. Nhưng thầy Viễn ít khi ở nhà để canh chừng tấm bảng quảng cáo, thầy xách bộ dao thú y đi mãi sang mấy xóm bên, đi tới đâu heo bò la thất thanh tới đó.

Thầy Viễn học chung trường với Hương, ngành Chăn Nuôi Thú Y, nhưng thầy ra trường lâu lắm rồi, không rõ từ năm nào. Khi Hương vào trường học ngành Trồng Trọt, thầy đã là bác sĩ thú y có tiếng trong vùng.

Chán chuyện phá nhà thầy Viễn, tụi nhỏ ra đường lớn ngồi chờ Hương đi học về.

Chiếc xe đạp mini vừa lọc cọc qua được con đường đầy bùn sình ổ gà, thằng Quỳ ngồi vắt vẻo trên bờ rào đã hát rống lên.

Chiếc xe mini

Dài hai chục thước

Một anh ngồi trước

Chị Hương ngồi sau

Hai người hun nhau

Bánh xe xẹp lép…

Bao giờ Hương cũng phải nín cười, đạp xe cho lẹ. Tụi nhỏ thì cười to khặc khặc, thấy khoái chí quá xá vì bắt nạt được chị Hương, mà chị Hương chẳng bao giờ trả treo cãi lại. Nhàm nhàm, tụi nhỏ quay qua trêu ghẹo lẫn nhau, kết cuộc thường có một đứa u đầu, sứt môi.

Thằng Quỳ không có cha, nó cũng không biết gì về cha của nó. Má nó là thợ dệt thuê lang thang trong xóm làm việc bất kể giờ giấc. Buổi chiều xui xẻo nào cả hai má con cùng hội ngộ dưới một mái nhà tôn, hàng xóm sẽ được xem màn múa kiếm. Má thằng Quỳ múa ỷ thiên kiếm rượt thằng con chạy cùng đường.

Chiều nay, không hiểu má nó luyện nội công theo bí kíp gì mà chỉ xuất ra toàn những chiêu hiểm độc. Thằng Quỳ vừa chạy vừa la ầm ĩ, bay qua đám xoong nồi, thau rổ lủ khủ ngổn ngang trong hẻm, giật tung mớ áo quần, tã lót hàng xóm treo tòn teng dọc đường. Má nó vác chổi ào ào thi triển khinh công đuổi sát phía sau quyết bắt được thằng nghịch tử. Bếp cá kho nhà ai đổ sấp ở chân tường, nước màu cháy xèo xèo, thơm nức. Thằng Quỳ từ ngõ hẻm phóng luôn ra đường, lao thẳng vô đầu xe đạp của Hương, té lăn quay ra đất. Hương lảo đảo lủi xe xuống vũng sình hét lên kinh hoảng. Má thằng Quỳ cũng hét lên. Người đi đường cũng hét lên. Thằng Quỳ nằm thiêm thiếp trên đất hé mắt nhìn, cái cán chổi đã lăm lăm tới bên cạnh, nó hét lên kinh hoảng hơn ai hết.

Nhưng má nó liệng chổi bò ra đất sờ soạng khắp người thằng quý tử, vừa sờ vừa khóc, vừa kể con cà con kê. Hóa ra chiều nay thằng Quỳ lãnh học bạ. Hoá ra suốt ba năm nay thằng Quỳ bị đòn vì suốt ba năm nay nó chỉ học một lớp.

Trong khi những đứa nhỏ khác toe toe hát bài “Em yêu trường em“ thì thằng Quỳ chỉ yêu cái chỗ ngồi của nó. Mặc kệ lũ bạn cuối năm lên lớp mới, thằng Quỳ chỉ muốn ở lại lớp cũ, ngồi đúng cái bàn đầy dẫy vết mực, vết cào sướt mà nó đã tốn công lưu dấu bao năm. Thằng Quỳ lại còn một tình yêu đặc biệt khác nữa. Nó yêu gia cầm, chuyên sưu tầm trứng vịt. Tuần nào nó cũng khệ nệ mang về cho má một rổ trứng, liệng ra bàn cho má chăm sóc rồi chạy ra ngõ chơi nhơn nhơn. Đủ loại trứng, trứng lịch sử, trứng chính tả, trứng tập đọc, trứng tập viết, trứng làm toán… Trứng nào cũng tròn. Má nó không ưa ăn hoài hoài món trứng vịt lạt của thằng nghịch tử, nhưng cũng không biết làm gì hơn ngoài chuyện vác chổi đập nó.

Hai má con ôm nhau khóc giữa đường, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt lẫn với bụi đất. Hương bò từ vũng bùn lên cũng lết tới ngồi xẹp kế bên, thủ phạm tông xe bất đắc dĩ biến thành khán giả, ngập ngừng phát biểu ý kiến:

– Hay… hay là dì cho thằng Quỳ qua học với con?

Má thằng Quỳ lật đật quay qua nắm chặt tay Hương, như sợ vị cứu tinh bay mất, khuôn mặt tàn tạ héo úa run run nở một nụ cười. Thằng Quỳ đang nằm im dưới đất bỗng lại òa lên khóc thảm thiết, không phải vì đau mà vì sợ học.

Thằng Quỳ không dốt, nó chỉ lười. Lười suy nghĩ, lười ngồi một chỗ quá lâu, lười tập trung vô chuyện học khi đầu nó chỉ nghĩ tới chuyện chơi. Giờ học của nó thường phải kèm theo những lời hứa bất tận. “Học xong rồi chị cho Quỳ tắm con Lu Lu“. “Chút nữa chị làm đồ chơi cho Quỳ“. “Tuần sau chị cho Quỳ lên trường xem chị đấu bóng chuyền“.Thằng Quỳ mơ màng nghĩ tới chuyện được lên trường chị Hương xem thi đấu bóng chuyền. Hương phải mang banh về nhà, dạy cho nó vài chiêu. Hàng xóm thấy Hương đập banh ầm ầm với thằng Quý thì ngạc nhiên lắm. Xứ này con gái không ai chơi thể thao, các cô chỉ làm lụng vất vả rồi lấy chồng sớm.

Thiệt tình, Hương với nó chơi nhiều hơn học. Nhưng má thằng Quỳ chiều nào đi ngang qua nhà Hương cũng lén lén đứng nép ở cổng nhìn vô lặng lẽ.

Thằng Quỳ học hết một học kỳ, nó là học sinh tiên tiến, chuẩn bị lên lớp ba. Má nó mừng tưởng như con đỗ trạng nguyên, trịnh trọng mang tặng “cô giáo của thằng Quỳ“ một bịch táo. Mấy trái táo Mỹ đỏ au bóng loáng thơm nức. Hương gọt táo cho thằng học trò ăn, thủ thỉ:

– Ăn hết mới được về nghen. Tội nghiệp, má Quỳ mua táo làm gì tốn tiền.

Quỳ cắn miếng táo, nhẩn nha nói:

– Má lúc này ít khóc, thấy cười nhiều hơn.

– Thì Quỳ ráng học cho má cười hoài.

Nó nằm bò ra sàn nhà tự nhiên lếu láo nhìn Hương cười khúc khích:

– Chị Hương chẳng giống cô giáo tí nào, cô gì trẻ vậy?

– Quỳ chẳng giống học trò tí nào, học trò gì già vậy?

Hai chị em cùng cười đồng lõa. Cả hai đều biết, không phải nhờ Hương kèm cặp, không phải vì những lời chửi mắng thường xuyên của má nó, cũng không phải vì Quỳ hết yêu cái chỗ ngồi cũ kỹ của lớp hai mà tình hình biến chuyển. Mà, tất cả chỉ vì câu nói phũ phàng của Hương: “Quỳ già rồi sao còn chơi chung với mấy đứa nhỏ xíu?” Thằng Quỳ đau điếng. Lần đầu tiên nó ý thức được rằng mình đã già ngắt so với mấy đứa bạn cùng lớp. Nó chơi chung với đám lóc nhóc, lè nhè đó không còn thấy hứng thú. Mà đám con ranh hỉ mũi chưa sạch đó cũng không thích chơi với một thằng sồn sồn hay múa máy tay chân như nó.

Nếu tình hình này không được cải thiện, một lúc nào đó bạn bè trong lớp sẽ gọi nó là chú xưng cháu, cô giáo sẽ gọi nó là anh xưng em. Trước viễn cảnh éo le, Quỳ giác ngộ. Nó quyết tâm làm cuộc cách mạng thay đổi quan điểm xưa “cả đời chỉ cần học một lớp là đủ”.

Tin thằng Quỳ lên lớp lan ra khắp con hẻm chẳng hấp dẫn gì bọn trẻ nghèo lêu lổng. Nhưng buổi chiều Hương đi học về đã có thêm mấy đệ tử hì hụi đẩy xe cho Hương qua con đường đất bùn sình. Mấy đứa nhỏ tay cắp mấy quyển tập rách bìa cong mép, lòng chỉ nghĩ tới chuyện vui chơi. Dù gì, chơi với chị Hương cũng vui hơn ngồi đầu ngõ lơ láo nhìn người qua đường. Dù gì, học với chị Hương cũng đỡ chán hơn cãi nhau chí tử rồi phải ghé thầy Viễn xin bông băng thuốc đỏ, để nghe thầy rầy la. Hương mất mấy buổi chiều bọc lại tập sách cho tụi nhỏ, mấy buổi chiều chăm sóc những phần bài tập lem nhem và những buổi tối cặm cụi làm đồ chơi chung.


Một buổi trưa, trời nắng chang chang, thằng Quỳ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa, tay nó nhịp nhịp cành cây ắc ó còn nguyên lá xanh, miệng hò “nhong nhong“ vui sướng. Con ngựa của thằng Quỳ cao to vạm vỡ, đầu đinh lởm chởm tóc, đồ hôi đổ ra thấm ướt tấm áo sờn cũ. Trước cổng nhà Hương, Quỳ tụt khỏi lưng ngựa, hất hàm hỏi hách dịch:

– Ngọc! Tao dặn gì nhớ chưa?

– Nhớ!

– Nói lại nghe coi.

– Gặp ba má chị Hương phải khoanh tay cúi đầu, thưa hai bác con mới tới.

– Được rồi, đi theo sau.

Thằng Quỳ sỏn sỏn đi trước, tay nắm lưng quần thằng kia lôi theo. Hương đang ở nhà một mình, cặm cụi may hàng gia công. Vải vụn vây đầy nhà. Quỳ bước vô, cười giả lả: “Chị Hương! Hì hì“. Rồi không đợi ai mời , nó đã nhảy a vô hì hụi xếp vải, cắt chỉ, mắt nó liếc ra sân nháy lia nháy lịa.

– Thưa hai bác con mới tới.

Đứa bạn của thằng Quỳ hai tay khoanh trước ngực, lễ phép cúi đầu, giọng nó oang oang như gõ trống. Hương giật mình ngơ ngác nhìn nó, nhà đâu có ai khác mà nó chào “hai bác”. Nó nhìn Hương nhe răng cười. Quỳ vò đầu, bứt tóc:

– Chị cho nó vô chơi chung nghen.

– Chị cho em vô chơi chung nghen – Hắn vẫn nhe răng cười, lặp lại lời thằng Quỳ.

Thằng Quỳ bực bội xua tay bảo im.

– Nó tên là Ngọc mát.

Ngọc khoanh tay ngoan ngoãn cúi đầu chờ. Hương lúng túng nhìn Quỳ, thằng cò mồi phân bua:

– Nó lớn con vậy chứ khờ lắm.

Ngọc nghe chữ “khờ“ không hề giận mà còn gật gù cười khoái chí, cứ như người ta đang khen nó khờ. Nhà Ngọc ở khu gò mả, mấy cái nhà lá xập xệ nằm heo hút bên hàng dương liễu làm nghề tráng bánh. Những hôm trời nắng, khu gò mả không thấy mả, chỉ thấy trắng rợp những vỉ bánh tráng. Bánh xếp lớp lớp phơi vắt vẻo qua những dãy bia đá, hơi nóng từ dưới mả bốc lên, bánh nổ lách tách. Ngọc vừa phơi bánh tráng cho má nó, vừa xẻ gỗ phụ mộc cho ba. Cả đời nó chưa một lần bước chân tới cổng trường. Cả tuổi thơ chưa từng có được một món đồ chơi. Nó đứng khoanh tay nghe thằng Quỳ kể khổ mà hiu hiu tự đắc gật đầu phụ họa.

Ngọc chỉ mơ ước một cái ná thun như của thằng Quỳ. Hương làm cho nó ná thun bằng gỗ ổi. Trên mặt cán mài bóng loáng, tỉ mỉ hàng chữ khắc: “Bảo Ngọc“. Ngọc nhìn món quà đầu tiên trong đời, mừng tới nghẹn thở. Mặc dù không biết đọc nhưng thằng Quỳ cũng bép xép nói cho nó hiểu, hàng chữ ngay ngắn kia không phải là Ngọc mát dây, mà là cái tên đẹp đẽ cha mẹ nó đặt cho nhưng cả xóm không ai chịu gọi. Hương không cho đám con nít gọi Ngọc là mát dây nữa mà phải gọi là “anh Ngọc”.

Hương cũng bắt Ngọc phải học thuộc lòng điều lệ sử dụng vũ khí, “không được bắn vô bất cứ thứ gì không phải của mình“. Những thứ không phải của nó là chim chóc bay trên trời, cây trái hay gà vịt của hàng xóm, xoong nồi lu hũ của má nó, mấy tấm mộ bia nhản nhản quanh nhà… Sau khi đã tin chắc, trên đời này chẳng còn thứ gì cho Ngọc gây án, Hương cho nó mang vũ khí về nhà.

Ngọc cảm động ôm chiếc ná thun vô lòng, cả buổi chiều ngẩn ngơ vui sướng. Buổi tối, bà Tám ngồi lui cui lựa bánh, xấp bánh, buộc dây nilon. Ngọc ôm đồ chơi len lét ra ngồi chò hỏ cạnh bên, tần ngần thủ thỉ:

– Má, tui ngủ không được.

– Ra sau phụ ba mày đánh vẹc ni mấy cái tủ.

– Má, má cưới vợ cho tui được không?

Má nó đánh rớt nguyên xấp bánh tráng, luýnh quýnh quay qua chụp tay thằng con. Đội ơn ông bà phù hộ cho nó hết mát. Bà Tám hỏi kỹ lại một lần cho chắc ăn:

– Ờ, con cưới vợ làm gì?

Nó không trả lời cụ thể mà chìa cái ná thun ra.

Má thằng Ngọc chưng hửng, giận muốn rớt nước mắt, sẵn cây chổi quét nhà bên cạnh phang luôn cho thằng con một phát vô mông. Cộng thêm buồn tủi bao năm, má phang thêm cho con một cái vô chân. Nó nhảy nhổm lên khóc bù lu bà la:

– Tại chị Hương! Chị Hương cho ná thun mà không cho bắn đâu hết.

Bà Tám bỏ đống bánh tráng te tái chạy ra sau hè tìm ông Tám. Hai ông bà xì xào bàn tính, chi bằng nhân cơ hội này kiếm gấp vợ cho thằng con, để lâu sợ nó đổi ý. Thằng Quỳ là đứa biết tin đầu tiên, biết trước cả Ngọc, vì nó chơi thân với bà Tám. Nó hay qua nhà phụ bà cân bánh, đếm bánh, để được nghe khen “cái thằng sáng dạ“. Quỳ hí hửng tìm Hương kể lể đầu đuôi câu chuyện, thật hư cỡ nào thì Hương không biết nổi, nhưng nó kể xong rồi khoái chí kết luận luôn:

– Ra giêng anh Ngọc lấy vợ.

– Thiệt không đó?

– Thiệt mà. Lấy chị Tím bán rau muống ngoài chợ.

Hương nhận thêm hàng gia công may buổi tối, để kiếm tiền mua quà cưới cho Ngọc. Thằng Quỳ cũng qua phụ xếp vải, cắt chỉ tới khuya. Hai chị em vừa làm vừa ngáp, nhìn nhau cười chảy nước mắt.

Đám cưới Ngọc một ngày đầu xuân, trời đổ nắng vàng như mật mía. Vài người của hai bên họ hàng, không khăn, không quả, đưa nhau đi trên con đường mù bụi. Ngọc mặc áo màu xanh nhạt, lần đầu tiên Hương thấy nó mặc sơ mi tử tế. Tím gầy gò, lam lũ trong bộ đồ soa thêu màu tím, đi tất tả phía trước. Ngọc thơ thẩn đi sau lơ láo nhìn trời đất. Con đường dẫn vô khu gò mả mùa mưa sình lầy tới đầu gối, mùa nắng cát ngập lút bắp chân. Tím bước trệu trạo, trợt chân chúi nhủi vô hố cát. Ngọc đi ngang, sẵn nắm tay Tím lôi tuột theo. Hai đứa nắm tay nhau, kéo đi xiêu vẹo. Thằng Quỳ kêu lên kinh ngạc:

– Trời! Tụi nó nắm tay nhau.

Người lớn chuẩn bị hương đèn giữa gian nhà lá. Ngọc đứng xớ rớ không biết làm gì bỗng phát hiện ra Hương với thằng Quỳ đứng ngoài bụi đậu ma. Nó mừng quá bỏ luôn bàn hương te te chạy ra. Hương trịnh trọng đưa nó món quà cưới thắt nơ đỏ. Ngọc lột luôn cái nơ lùm xùm liệng xuống đất, nó nhìn trân trối cái đồng hồ treo tường có con gà mái đang mổ lóc tóc. Ngọc không biết coi đồng hồ, thời gian là sáng trưa chiều tối, nó chỉ thích con gà mái đang gật gù theo nhịp. Nhận quà cũng không biết phải nói gì, nó ôm luôn đồng hồ chạy qua đống củi ngồi, đầu gật lóc tóc theo con gà, miệng kêu cúc cúc âu yếm. Tím cũng chạy từ đâu ra tới ngồi xà xuống bên Ngọc, hai đứa xô vô nhau cười rúc rích với con gà. Trong nhà, ông bà Tám gọi í ới:

– Hai đứa đâu, vô thắp hương.

Ngọc phóng tuốt ra sau nhà, Tím cũng ôm đồng hồ đuổi theo. Nắng đổ hanh hanh trên khu gò mả soi chiếc bóng Ngọc xấp xải chạy ngược ra. Nó nhảy qua bụi đậu ma ngượng ngập đưa trả Hương món quà đầu tiên:

– Trả chị Hương ná thun nè. Tui không muốn bắn con Tím nữa.

Tím đứng đợi bên hiên, miệng gọi gà cúc cúc đầy âu yếm. Trong nhà, người lớn lại kêu réo.

– Hai đứa đâu, vô thắp hương.

– Đi vô, Tím. Mình vô đốt nhang chơi.

Ngọc nắm tay Tím kéo vô nhà. Hương nắm tay thằng Quỳ lôi đi. Thằng Quỳ vùng vằng bám lấy bụi đậu hoa vàng, nó muốn xem hết đoạn cuối. Hương la: “Đi về. Nó có bạn rồi, không chơi với chị em mình nữa đâu“.

Thằng Quỳ bật cười khúc khích. Không biết ở tuổi nó, cười chuyện gì.

*

Hương lấy chồng xa, lâu lắm mới về thăm lại xóm nhỏ. Buổi sáng đi Hương theo mẹ ra chợ, hai bên đường bạn cũ gọi ríu rít: “Chị Hương, chị mới về hả?” Có đứa còn lôi Hương vô hàng bánh cuốn, đẩy dĩa bánh ăn dở lem nhem sang cho Hương, nhìn háo hức: "Chị ăn tiếp đi!" Thử hỏi, trên đường đời gió bụi, có những người cũng gọi mình là bạn nhưng đã mấy ai thật tình chia sẻ với mình dĩa bánh duy nhất mà họ có.

Những người bạn nhỏ đó rồi cũng già đi, lang bạt phương trời nào, có đứa đã an giấc ngàn thu. Bây giờ Hương về lại xóm cũ, không còn mấy ai nhận ra mình. Ngày xưa đã xa lắc, xa lơ.


2008
Lưu Thuỷ Hương


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét