Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Sống

***
Ngọn đèn dầu phọng leo lét trên cái dĩa trẹt.
Con gái tôi xoã tóc ngồi đó. Từ sau tấm vách đóng bằng ván ép tiếng vợ tôi thở khò khè từng chập khó nhọc. Cú đấm tàn khốc để lại một vết bầm đen trên bộ ngực khô đét. Vết bầm tròn trịa to bằng trái cam sành. Vợ tôi chậm chạp trở mình. Lẫn trong tiếng thở khò khè là tiếng ho nặng nề tức tưởi, tiếng vạt giường gỗ kọt kẹt, tiếng nấc đứt nghẹn ngay chỗ vết bầm. Tôi đoán là nước mắt vợ tôi đang chảy đầm đìa. Ho hay không ho gì nước mắt cũng chảy đầm đìa.
Tôi nghĩ tới những giọt nước mắt đó mà thèm được vô phòng để khóc chung với vợ tôi, thèm được nhìn nhau một lần, thèm được nói với nhau một câu cho trọn tình trọn nghĩa. Nhưng tôi ngồi lặng thinh cúi gục đầu, mắt ráo hoảnh khô.

Ngọn đèn dầu phọng leo lét trên cái dĩa trẹt.
Con gái tôi xoã tóc ngồi trong góc nhà. Tôi muốn nói với con, vô trong ngồi canh chừng má, đi con. Nhưng tôi lặng thinh, mắt ráo hoảnh khô. Con gái tôi ngồi đó, cũng lặng thinh. Tôi quay đi, sợ thấy nước mắt của con mình.
Tiếng máy may xè xè xạch xạch của tổ hợp gia công bên kia đường vọng qua xè xè xạch xạch.
Tiếng khóc nức nở bên nhà chị Ba hàng xóm vọng qua. Chiều nay chị Ba phải mở ti vi to hơn mọi ngày.
Bao Cáp, anh yêu em.
Tiếng đứa con gái thổn thức đáp lời.
Tung Xen, em yêu cũng anh. Em cũng yêu anh. Yêu anh trọn kiếp.
Chiều nào mấy đứa này cũng khóc sướt mướt. Con Bao Cáp với thằng Tung Xen yêu nhau mà không lấy được nhau. Tôi hình dung ra cảnh chị Ba vừa lặt rau, vừa dán mắt vô màn hình, vừa đưa cùi chỏ quẹt nước mắt. Tôi hình dung ra cảnh thằng con trai Hàn Quốc tóc nhuộm vàng khè, đứng trên bong tàu đưa tay vẫy vẫy. Bàn tay trắng trẻo của nó đeo cái cà rá to tướng. Đứa con gái mặc cái áo khoác dài thiệt đẹp, mang giày cao gót màu trắng tinh, đứng dưới bến tàu khóc mùi mẫn. Nỗi đau chia ly xứ người sao hoành tráng rạng rỡ và lâm ly quá. Nỗi đau xa lắc ở đâu mà chạy tới tận xứ mình, làm cả xóm này khóc nức nở. Chiều hôm kia vợ tôi cũng vừa ăn cơm, vừa khóc sụt sùi. Bao Cáp túng tiền phải lấy Chít Chu. Tung Xen bị gia đình ép cưới Chang Túc. Con gái tôi vừa múc cơm cho tôi, vừa thút thít. Chắc trời đất không để cho lấy ác nhơn vậy đâu, phim còn bốn mươi tập nữa mà. Bốn mươi tập, bao nhiêu là thay đổi, bao nhiêu là chuyện buồn vui may rủi, đủ hết tham sân si. Vợ con tôi sẽ được coi tiếp bốn mươi tập cuối, biết đâu rồi Tung Xen lấy được Bao Cáp. Biết đâu nhờ vậy mà xóm này bớt đi hỉ nộ ái ố. Ý nghĩ đó làm tôi thanh thản, mắt ráo hoảnh khô.
Bên nhà anh Hưng hàng xóm, tiếng xoong nồi khua xoang xoảng. Chiều giờ này họ mới bắt đầu nấu cơm. Anh Hưng vừa về tới, đang đẩy cái xe ba gác tấp vô hiên nhà. Tôi nghe tiếng cái xe tông rầm vô cột xi măng. Tôi nghe tiếng anh Hưng say bết lảm nhảm khóc như đưa ma. Cuộc đời chó má này. Con Hoa đâu, ra dò lại mấy tấm vé số. Sao cứ trật lất trật lơ.
Chiều nay anh Hưng phải uống say, uống một mình mà say hơn mọi ngày.
Ngọn đèn dầu phọng leo lét trong căn phòng nhỏ.
Tấm hình con trai tôi im lìm trong bóng chiều tà. Bên ngoài đổ mưa từ hồi nào. Tiếng nước trên mái tôn thấp tè nhỏ xuống hiên từng giọt, từng giọt tí tách không ngưng. Con gái tôi xoã tóc ngồi đó. Hồi nhỏ nó hay cột hai cái nơ hai bên, buổi chiều nó hay ngồi co ro trước cửa nhà chờ ba má về. Tôi xách xô hồ về tới đầu ngõ là nghe tiếng nó la mừng. Nó lớn lên chút nữa, buổi chiều tôi phải ra đứng đầu ngõ chờ nó về. Con gái tôi cúi gằm mặt đi qua mấy quán nhậu. Cô hồn các đảng tứ xứ kéo tới ngồi ngang dọc trên lề đường. Tiếng cụng ly, tiếng huýt sáo, tiếng chửi thề tục tĩu đuổi theo con gái tôi. Con gái tôi hiền khô. Đi ra đường nó học cách cúi đầu, không khi nào dám ngẩng lên ngó ngang ngó dọc. Con trai tôi cũng hiền khô, nó học cách nhẫn nhục mà bước tới. Nó học cách giả đui giả mù mà bước đi. Chỉ tại con nhỏ học trò đứng khóc bên đường giống em gái nó quá. Khi con trai tôi đạp thắng xe, tôi hét vô lỗ tai nó. Thây kệ người ta. Khi con trai tôi quay đầu xe lại, tôi nghẹn ngào nói. Thây kệ người ta. Con cúi đầu ngó lơ chạy tiếp được mà.
Nhưng nó không nỡ ngó lơ. Nó nghiến răng đánh vòng xe lại. Tôi ngồi phía sau thấy hai quai hàm nó bạnh ra tè bè. Tôi biết là nó hết nhịn nổi, tôi biết là nó đang nổi khùng. Tại con nhỏ học trò đó giống em gái nó quá. Tóc con nhỏ cũng dài, xoã ngang vai. Nó nép vô bờ tường cúi đầu, đưa hai tay che mặt. Người đi đường đều giả đui giả mù ngó lơ mà đi. Bốn thằng cô hồn vây quanh, tụi nó nắm tay con nhỏ trửng giỡn níu kéo. Nó ngước mắt lên nhìn cha con tôi, nước mắt cầu xin chảy vòng quanh. Tôi nhìn con nhỏ, trời ơi, nó giống con gái tôi y chang, mặt mày nó cũng hiền khô. Con trai tôi liệng xe xông vô đám cô hồn, nó không kịp lựa chọn, hay nó đã lựa chọn, hay nó không hề có sự lựa chọn. Tôi không biết. Mấy thằng cô hồn bị lãnh mấy cú đá dữ dội đành phải thối lui, tụi nó chỉ mặt cha con tôi đe doạ. Hai thằng bây nhớ nhé. Rồi bọn ông sẽ đến tận nhà thanh toán chúng mày.
Tụi nó tới thiệt. Không phải bốn thằng mà mười sáu thằng, mình trần trùng trục, khắp người xăm xanh xăm đỏ. Mã tấu dao phay sáng ngót.
Tiếng mưa rơi chậm rãi tí tách bên hiên nhà.
Ai ăn hột vịt lộn hôn? Hộn vịt nóng đây.
Tiếng rao thánh thót an bình như tiếng mưa rơi. Chị Tám gánh hột vịt đi lẹp bẹp trên con đường sình lầy. Lò than phía sau bốc hơi nóng. Hơi nóng mập mờ như sương bay lên giữa làn mưa. Mấy quán nhậu đầu đường cũng có hột vịt lộn nhưng không ngon, không rẻ bằng hột vịt chị Tám. Con vịt không già không non, đầy đặn mà chưa cứng xương. Ăn một cái trứng là giết một sinh mạng non nớt nhỏ nhoi. Không biết tôi đã giết đi bao nhiêu con vịt non. Tôi thấy ớn lạnh. Chiều nào con gái tôi cũng mua cho cha nó hai cái hột vịt để sang bên nhà anh Hưng nhâm nhi. Hai hột vịt lộn, một chung rượu đế, khề khà chuyện nhân nghĩa ở đời.
Chị Tám đi hết ngõ này thì vòng ra ngõ phía sau. Mấy chú trong đồn công an phường bên đó cũng mê hột vịt lộn. Chú Chiến đội phó hay khen.Hột vịt lộn của dì Tám bắt bia quá xá.
Ai ăn hột vịt…
Tiếng rao của chị Tám dừng lại ở đầu ngõ rồi tắt lịm. Chiều nay ngõ này có chuyện sanh sát, không ai đủ can đảm ăn hột vịt lộn. Chắc chị Tám biết vậy nên gánh hàng qua ngõ sau. Bên đó có chú Chiến đội phó mê hột vịt lộn. Chú Chiến hay khề khà lý sự, hột vịt lộn là thứ khó bán mà dễ bể.
Tôi nhìn lên mặt ván kê giữa nhà, chén cơm trắng với cái trứng gà luộc bóc vỏ, chung nước lã lạnh tanh.
Tiếng la huyên náo bên ngõ này át mất tiếng rao thánh thót của chị Tám bên ngõ kia.
Còn thằng già nữa đâu? Mau ra khỏi nhà nộp mạng cho bọn ông.
Ngọn đèn dầu phọng leo lét trong căn phòng nhỏ phủ bóng chiều.
Con trai tôi nằm im đó. Khuôn mặt hiền như đất của nó bây giờ thanh thản. Nó đã đi rồi. Có lẽ, đó là sự lựa chọn không có lựa chọn. Lưỡi mã tấu chém nhằm sau gáy, xả dài xuống sống lưng. Nó té xuống giữa sân. Máu loang đỏ thẫm mấy vũng nước mưa. Mấy đứa con nít hàng xóm ướt loi ngoi, đứng bên bờ tường vỗ tay thán phục, lơ lớ theo kiểu Hồng Kông. Ầy, anh Hai ngon thiệt à nghe, mãnh hổ địch quần hồ, chiến đấu hơn bốn giờ mới gục ngã.
Tiếng hét của mấy thằng thanh niên vọng từng hồi vô nhà. Lò rèn sắt cuối đường nện búa chan chát. Tôi nhắm mắt lại, tiếng búa đóng ván lộp cộp hồi ban sáng vẫn còn vang lên nhức nhối trong đầu.
Tiếng đám chó bên nhà anh Đăng sủa dồn dập. Một con chó cò. Một con mực. Một con vàng.
Tôi không ngó ra, nhưng tôi biết, mười sáu thằng ngồi lố nhố trước cửa nhà, mã tấu sáng ngót. Tụi nó vừa uống bia, vừa khạc nhổ, vừa chửi thề. Mấy thằng con trai da dẻ mốc đen, ốm nhom ốm nhách, chắc từ một làng quê nghèo khổ nào đó kéo vô đây làm vương làm tướng. Trước sau gì tôi cũng phải ra. Con đường cụt này không có lối thoát. Tụi nó biết vậy nên cứ lầm lũi ngồi chờ, thỉnh thoảng la lên vài câu thị oai với xóm giềng cho sướng miệng.
Ngọn đèn dầu phọng leo lét dưới bộ đòn.
Con trai tôi mặt đắp khăn trắng nằm im đó. Nó nghiến răng cắn chặt cây đũa tre ngáng ngang miệng. Vợ tôi gắn cây đũa tre ngang miệng con, để hơi thở uất ức còn có chỗ thoát ra lần cuối. Để cho con nhẹ lòng ra đi. Tôi vuốt tóc nó, mái tóc cắt ngắn tôi vừa tẩn mẩn gội cho con. Con gái tôi xoã tóc ngồi im bên cạnh, không nỡ xa anh, không nỡ xa cha. Ngày mai nó sẽ phải đốt thêm cho cha một ngọn đèn dầu phọng, đặt thêm cho cha một cỗ linh sa. Tôi sẽ lên nằm kế con trai tôi. Con gái tôi sẽ kiếm cho cha một tấm hình đặt ngay ngắn bên bài vị. Đặng Văn Tâm, sanh ngày 24 tháng 3 năm 1952. Con gái tôi đốt cho cha cây nhang bên này, đốt cho anh cây nhang bên kia. Vợ tôi quỳ lạy chồng bên này, quỳ vái con bên kia. Vợ tôi nằm im thin thít trong phòng. Không biết đã đỡ đau chưa. Không rên rỉ không có nghĩa là đã đỡ đau. Có nhiều lý do để người ta đau mà không rên. Vì sợ hãi, vì chết giấc, vì không muốn người khác đau theo. Để cuộc phân ly này đừng quá… bi… thương. Tôi nghe câu vọng cổ ngọt lừ từ bên phường đội vọng qua mà không nhớ nổi là tuồng gì. Tự dưng rồi tôi thèm nghe lại tuồng Lục Vân Tiên, thèm tiếng vọng cổ ân tình đưa mình đi. Meo meo. Con mèo mướp cạ dưới ống quần. Con mèo của vợ tôi kêu meo meo, nó nhắc mọi người bữa ăn chiều. Nó hỏi, tại sao chiều nay nhà mình quên nấu cơm. Tôi xoa đầu nó, nói nhỏ. Vô phòng thăm má, ngồi với má chút xíu, đi con. Nó vùng vằng ngoe nguẩy leo tường sang nhà anh Hưng. Bên đó, chiều nay thơm lừng mùi cá rô chiên.
Ngọn đèn dầu phọng leo lét dưới quan tài.
Tôi nhìn tấm hình thằng con trai trên bàn thờ vong. Hoa cúng còn chưa kịp tàn. Nải chuối còn chưa kịp thâm kim.
Tôi nhìn mấy lớp bằng khen treo thẳng thớm trên tường. Có nhiều bằng khen quá. Lẽ ra chừng đó đủ để một con người ngẩng đầu lên mà sống. Cái cũ nhất là bằng khen học sinh giỏi lớp một. Hồi đó, con trai tôi để tóc muỗng dùa, vì tôi chỉ biết cắt tóc kiểu muỗng dùa. Nó đeo khăn quàng đỏ, ôm cặp sách chạy băng băng qua con đường ngập sình. Đôi mắt nó rạng rỡ long lanh, miệng nó la bai bải. Ba ơi, ba ơi. Ba coi nè. Tấm khăn quàng đỏ bay phất phới. Tôi làm rớt cái bay trét hồ, hai tay lập cập cầm tấm bằng khen đầu tiên của con. Bàn tay lem luốc để lại mấy vệt xi măng trên mép giấy trắng. Mấy vệt xi măng còn nằm nguyên đó. Cái mới nhất là tấm bằng tốt nghiệp đại học Bách Khoa. Nó đứng chờ tôi trước cổng trường, dắt tôi vô giảng đường đầy cờ hoa và áo dài. Tôi chùi bàn tay lem luốc lên cái áo lem luốc. Nó cười tươi rói, trịnh trọng đưa cho tôi tấm bằng thủ khoa màu đỏ. Tôi ứa nước mắt nhìn con, ứa nước mắt nhìn tấm bằng mà không dám đụng tay vô. Tấm bằng sáng trưng. Cặp mắt con trai tôi sáng trưng. Cái to nhất là bằng võ sư đệ tam đẳng huyền đai Thái Cực Đạo. Nhờ có nó mà con trai tôi cầm cự được hơn bốn tiếng đồng hồ. Nó trúng nhát mã tấu, hét lên một tiếng cuối cùng rồi té xấp giữa sân. Tiếng hét của nó làm vợ tôi hoá liều, bả tông cửa chạy ào ra. Nếu vợ tôi không liều mạng chạy ra lãnh nguyên nắm đấm trên ngực, thì mặt con trai tôi đã bị chém nát. Con trai tôi nằm trong quan tài, khuôn mặt nguyên vẹn đắp khăn trắng của nó hiền như cục đất. Vợ tôi vừa gục đầu ho vừa tần mần lấy vạt áo lau mặt cho con.
Thằng già trốn trong đấy lâu thế? Mày không ra thì bọn ông đốt nhà. Cho chúng mày chết cả ổ.
Tiếng đám chó bên nhà anh Đăng sủa ran ran. Tiếng bầy chó trong xóm sủa ran ran.
Mấy cây đuốc tẩm xăng tụi nó liệng vô sân bốc cháy phừng phừng. Lửa soi lên mấy bức tường nhà hàng xóm, lửa soi đám mã tấu sáng ngót. Lửa soi vô góc phòng. Con gái tôi xoã tóc ngồi đó. Đầu nó cúi thấp tới ngang gối. Con, ba đi nghen. Tới lúc rồi.
Tôi dặn dò con gái tôi lần cuối. Dù có chuyện gì, bất cứ chuyện gì, bất cứ chuyện gì xảy ra, má con bây cũng phải ngồi yên trong nhà. Hai má con bây ngồi yên trong nhà, bịt kín tai lại, không được chộn rộn chạy ra ngoài. Cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nghe chưa, con? Thôi, ba đi. Ba đi… nghen con. Con gái tôi xoã tóc cúi gục đầu. Người nó gãy gập như cái kẹp than. Người nó co rúm như đứa con nít, nhỏ xíu như cái hồi còn thắt nơ hai bên, nhỏ xíu như cái hồi nó ngồi bên cửa nhà chờ ba má đi làm về. Con… ừ, ba đi nghen. Con… dù có chuyện gì, bất cứ chuyện gì xảy ra, hai má con cũng phải ngồi yên trong nhà, không được chạy ra ngoài.
Tôi đặt tay lên nắm cửa, bỗng nhiên rồi hơ hải nghĩ. Không biết lúc con trai tôi đặt tay lên nắm cửa như vầy, nó nghĩ gì. Chắc là nó mong ba má và em gái ở lại an bình. Tôi quay lại nhìn lần cuối căn nhà nhỏ, nơi tôi xếp từng cục gạch xây lên. Con gái tôi ngồi trong góc cúi gục đầu, bàn tay nhỏ của nó bấu chặt ống quần. Con trai tôi cũng quay lại nhìn lần cuối căn nhà, nơi nó sanh ra và lớn lên. Tôi ngồi trong góc cúi gục đầu, bàn tay khô đét bấu lên bắp chân khô đét. Mười cái móng để lại mười vết máu bầm sâu hoắm. Con trai tôi nghiến răng mở cửa bước ra sân.
Tôi cúi đầu mở cửa bước ra sân. Bên ngoài còn mưa lất phất. Tôi từ từ nhắm mắt lại, cầu mong cho vợ và con gái tôi ở lại an bình.
Khoảng sân trước nhà nước đọng lênh láng. Tôi nhìn mấy vũng nước, thấy rùng mình ớn lạnh. Mấy cây đuốc ngấm nước mưa tắt ngúm đang nhả khói đen heo hắt như nhang thờ. Tôi cẩn thận bỏ dép ra, xếp lại ngay ngắn bên hiên nhà. Vợ tôi cũng hay xếp đôi dép tôi nằm ngay ngắn như vầy. Tôi nhìn đôi dép mòn trơ mòn điếc tự nhắc mình, cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, có bất cứ chuyện gì xảy ra đi nữa, cũng phải im lặng. Có nhiều lý do để người ta im lặng, vì sợ hãi, vì cam phận, vì hết hy vọng… vì không muốn làm người thân đau đớn mà liều lĩnh.
Mấy đứa nhỏ hàng xóm ướt loi ngoi, náo nức chờ bên bờ tường. Thôi, tụi bây im lặng về đi, chứ lỡ coi rồi lại thất vọng. Ngắn ngủi thôi mà. Đâu có gì để chia sẻ, đâu có gì để vỗ tay ca tụng.
Tôi bước qua mấy vũng nước đọng, hai bàn chân trần dẫm bì bọp lên mảnh đất tráng bằng mồ hôi và hơi thở.

10. 2009
Gửi hàng nước mắt tiễn đưa

Lưu Thuỷ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét