Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Vùng đất Dracula - trích đoạn nhật ký của Harker




Ngày 3 tháng 5, Bistritz

Vùng đất mà tôi tìm thấy trên bản đồ nằm ở miền Đông xa thẳm, lưng chừng trong khoảng biên giới ba nước Transylnavia, Moldavia và Buconiva, giữa dãy Karpaten. Một vùng đất hoang dã ít được biết tới nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, không có một bản đồ hay cuốn sách nào giúp tôi xác định được vị trí chính xác của lâu đài Dracula.

(Jonathan Harker)


***

Ngày 5 tháng 7, Constanta

Tôi gấp cuốn nhật ký của Jonathan Haker lại, nghiêng đầu nhìn ra ô cửa sổ máy bay.

Mặt đất bên dưới hiện ra hình con dông lửa hung tợn từ đất liền trườn ra biển rộng. Nó đẹp và kỳ vĩ hơn tấm ảnh ở văn phòng mua bán bất động sản của cha tôi rất nhiều. Sau khi cha tôi tự quyên sinh, tôi đã bỏ nhiều ngày tháng để nghiên cứu những tấm hình lạ lùng mà ông chụp được trên máy bay trực thăng. Nhưng những thắc mắc bất tận về cái chết bí ẩn của Patrick Harker chỉ chồng chất thêm theo ngày tháng.

Chiếc airbus A318 đổi hướng, hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống phi trường. Tai tôi ù đặc khi máy bay vùn vụt đâm cánh xuống đầu con bò sát. Qua màn mây mỏng, con mắt đỏ rực độc ác của tên quái vật mở ra, nhìn xuyên qua cửa kính. Nó nhận ra tôi, bộ vây nhọn bên hông dựng đứng như đe doạ.

Máy bay dội ngược lên chạm chân vào mặt đất. Hệ thống thắng gào thét dữ dội khi con chim sắt vẫn lao ầm ầm về phía trước. Tôi rùng mình nhìn ra kè đá chắn biển. Sóng hung hãn tràn lên như muốn cướp lại phần đất biển bị con người tước đoạt. Từng mảng bọt trắng xoá tung mình qua kè tiến sát tới tận đường băng. Chiếc airbus dừng lại ngay cuối phi đạo ngắn, như một phép màu.

Tôi lấy hành lý và đi tìm chỗ ăn chiều. Lịch trình ghi rõ, sẽ có chuyến xe bus khởi hành về Bistritz lúc mười hai giờ đêm. Từ Bistritz sẽ có chuyến xe về Bucovina. Xe gì, số mấy thì không được ghi rõ. Thật ra, tôi cũng không nhất thiết phải tới Bucovina, bởi vì vùng mỏ quặng aluminium nằm trên dãy Karpaten. Lúc đầu tôi rất bực mình vì lịch trình luộm thuộm này. Lẽ ra tôi có thể đáp chuyến bay thẳng tới Bistritz hay Kraków. Từ đó thuê xe chạy về Karpaten. Bà thư ký trả lời tôi dè dặt, thưa ông, phí di chuyển do bên đối tác chi trả nên họ có quyền lên lịch trình.

Chỉ có ba người rời sân bay ra bến đợi xe bus vào giờ khắc oái oăm. Một người đàn ông Á Châu trạc ngũ tuần, đôi mắt đen u buồn, thân hình nhỏ thó lọt thỏm trong tấm áo khoác nhân viên Hồng Thập Tự. Một người đàn bà vóc dáng nông dân, bộ váy cổ truyền xứ Transylnavia bằng lanh trắng, khăn trùm đầu cũng màu trắng. Khi giúp bà ta khuân cái va li nặng trĩu lên xe đẩy, tôi thấy họ bà là Costin. Trên va li chỉ có họ, không có tên, không cả địa chỉ.

Trời đêm mùa hè u ám. Gió lạnh từ rừng thông thổi xuống ào ạt, đánh tốc những bụi cây khô quanh trạm xe. Tôi co mình trong tấm áo khoác thể thao mỏng, nóng lòng nhìn ra con đường đất độc đạo dẫn vào sân bay. Con đường ngoằn ngoèo chìm trong ánh đèn vàng heo hắt mang một nỗi cô liêu dữ dội. Tôi bắt chuyện với người đàn ông bên cạnh:

- Ông đi về đâu?

- Bistritz. Còn anh?

- À. Tôi cũng đi Bistritz.

Người đàn ông cười thân thiện, nhưng nụ cười của ông ta có vẻ gì đó rất miễn cưỡng và ủ đột.

- Từ Munich đáp máy bay xuống Constanta để đi đường bộ về Bistritz?

Kỳ lạ, tại sao ông ta biết tôi từ Munich tới. Tôi chột dạ nhìn xuống tấm thẻ hành lý đeo trên va li, trả lời dè dặt:

- Tôi đi theo lịch trình của công ty.

- Tôi cũng vậy, tới Bistritz để nhận công tác thiện nguyện - Người đàn ông mặc áo Hồng Thập Tự tiếp tục câu chuyện.

Tôi cố cười để xoá tan bầu không khí u ám đang vây phủ.

- Tôi chỉ sợ rằng, tới Bistritz rồi phải đi xe bò về Bucovina.

Ánh đèn đường buông một vùng héo úa trên khuôn mặt xám ngắt. Giọng người đàn ông lạc đi trong gió:

- Tại sao anh muốn tới Bucovina?

Tôi ngẩn người, không đáp ngay. Tại sao? Có gì bất thường khi tôi muốn tới Bucovina? Cách hỏi chuyện của người đàn ông này hơi kỳ quặc, dù dáng vẻ u buồn của ông ta trong tấm áo Hồng Thập Tự lại gợi nên một sự cảm thông và gần gũi.

- Tôi tới vì hợp đồng mua bán đất đai ở Karpaten.

Tôi nghe thiếng thở hắt của bà Costin phía sau. Người đàn ông Á Châu bỗng "à" lên một tiếng kiểu như, hoá ra là vậy, tên này đi mua đất ở Karpaten. Rồi không cần giấu giếm, ông ta nói vẻ khó chịu:

- Hy vọng anh nhanh chóng hoàn thành công việc.

"Và nhanh chóng ra đi." Tôi nghi rằng ông ta muốn nói thêm như vậy.

- Từ đây tới Bistritz mất bao nhiêu lâu?

- Một vài giờ.

- Thật là thú vị. Một vài giờ vượt qua năm trăm cây số đường núi rừng hiểm trở - Tôi ra vẻ nhã nhặn gật đầu.

Người đàn ông đáp lại bằng một thứ tiếng Đức rất chuẩn:

- Denn die Toten reiten schnell. Bọn người chết phóng ngựa rất nhanh.

Tôi ngạc nhiên tới nghẹn giọng. Không phải vì nghe một người Á Châu nói tiếng Đức trôi chảy. Ở Bistritz có hơn sáu mươi phần trăm dân số nói tiếng Đức. Tôi ngạc nhiên vì, câu nói này đã được ông cố tôi ghi lại trong nhật ký, khi đứng ở Bistritz chờ xe đưa về Bucovina. Nó mở đầu cho cuộc hành trình ma quái và chết chóc. Tôi cố gạt đi cảm nghĩ đó, nhưng dường như tôi đang bị cột chặt vào cuốn nhật ký của ông tôi.

Bà Costin gần như co rúm lại vì câu nói của người đàn ông. Tôi đồ rằng, bà ta cũng hiểu nghĩa nó, và hiểu bằng sự sợ hãi. Bà ta tiến tới gần tôi, cặp mắt để lộ con ngươi vàng khè giãn to. Khi đó, dưới ánh đèn đường, tôi mới nhận rõ những nếp nhăn dữ dội trên khuôn mặt lẩn khuất sau lớp vải trùm đầu màu trắng. Bà ta rất già. Có lẽ, tuổi một trăm đầy vất vả đã ở lại xa lắc phía sau lưng. Bà Costin mấp máy đôi môi mỏng trĩu cong thì thầm:

- Xin anh đừng tới đó, đừng tới đó vào tháng này, tháng bảy này.

Người đàn bà tội nghiệp đang ở trạng thái kích động. Những từ ngữ tuôn ra như bị dính chùm vào nhau. Tôi không tin vào truyền thuyết Dracula. Thế hệ của tôi không còn ai tin vào chuyện ma quỷ bịa đặt. Những kẻ vô công rỗi nghề đã sáng chế ra những câu chuyện thương tâm, để biện minh cho cố gắng đầy thất bại của họ trong cuộc sống. Luôn có một thế lực cản trở sự thăng tiến của họ, đó là thế lực u tối của ma quỷ. Không, tôi chẳng bao giờ tin vào những điều đó. Cuốn nhật ký của ông cố tôi chỉ thuần tuý là một tác phẩn văn chương, mà loại văn chương giải trí, hoàn toàn không có giá trị thực tế. Tôi tới đây theo lời mời của ngài thị trưởng, nhằm vào vùng đất hoang còn chưa được những nhà doanh nghiệp đánh giá cao. Mỏ quặng aluminium ở Karpaten là mối quan tâm hàng đầu của công ty chúng tôi.

Tôi lịch thiệp trả lời:

- Thưa bà, tôi vì công việc phải tới đó.

- Tháng bảy là tháng của oan hồn, tháng của những kẻ chết oan, tháng xẻ đất, xẻ thịt người ra bán.

Nỗi kích động của người đàn bà như những mũi tên, chúng ập vào cơ thể tôi bằng một đợt ớn lạnh. Điều này làm tôi khó chịu. Nhưng bà ta có vẻ như suy sụp hoàn toàn, nên tôi cũng không nỡ bỏ mặc bà trong sự sợ hãi. Tôi cố gắng dịu dàng tới mức mà một người đàn ông có thể nguỵ tạo được. Tôi nắm lấy cánh tay áo của bà Costin và nói nhỏ:

- Xin bà đừng lo, gia đình tôi đã có bốn thế hệ từng tới đó, và yên ổn trở về - Tôi không được phép nói cho bà ta biết, ông nội tôi Quincey Harker và cha tôi Patrick Harker đã chết bất đắc kỳ tử sau khi "yên ổn trở về".

- Gia đình ông?

- Tôi là Ray Harker.

- Dòng họ Harker?

Người đàn ông Á Châu bất ngờ kêu lên một tiếng giận dữ.

- Hoá ra là người của dòng họ Harker? Các anh muốn tìm gì ở vùng đất đó? Nỗi lầm than của người nông dân? Hay máu của kẻ vô tội? Hay một cuộc phiêu lưu ti tiện của bọn nhà giàu?

Tôi không hiểu vì sao giọng nói ông ta bỗng hoá ra cay nghiệt khi biết tôi mang họ Harker. Chế độ phong kiến Mihai đã bị làn sóng đỏ tiêu huỷ vào năm 1947. Những người lãnh đạo phong trào nông dân bị cộng sản xử tử. Đảng dân tộc dân chủ bị xoá sổ. Hình ảnh bá tước Dracula cũng bị những kẻ vô thần đẩy lùi vào bóng tối. Nhưng quá khứ máu me đó, bây giờ có liên quan gì tới tôi. Nỗi đau khổ lầm than của những con người thời tao loạn đó, liệu có dính líu gì tới hợp đồng mua bán sòng phẳng của công ty chúng tôi. Tôi vẫn nhã nhặn trả lời bà Costin, không phải vì lương tâm cắn rứt, mà tương lai của công việc. Hơn nữa, không khí buồn bã ảm đạm đang buông phủ vùng đất viễn du này làm tâm hồn tôi trở nên nhạy cảm bất thường.

- Thưa bà, tôi sẽ cố tránh xa nỗi đau của người khác.

Người đàn bà nông dân có vẻ xúc động vì câu trả lời của tôi, dù nó được nghĩ bằng một sự ích kỷ hơn là thiện chí. Bà lóng cóng cởi sợi dây tỏi tết đeo ở cổ, nhưng bàn tay cứ run lên bần bật làm sợi dây vướng ngang nút thắt khăn. Cái khăn bị kéo tuột ra khỏi mái tóc bạc trắng. Đôi mắt người đàn bà đẫm nước trên khuôn mặt đầy những vết đồi mồi nhăn nheo. Bà Costin trao cho tôi cây thánh giá đẽo bằng gỗ đeo trên sợi dây tỏi trắng. Mẹ tôi là người Đức, tôi sanh ra lớn lên ở Đức, không ăn tỏi, và rất sợ mùi tỏi. Biểu tượng linh thiêng đi cùng với thứ gia vị hôi hám làm tôi thêm bứt rứt.

- Xin anh hãy đeo nó trên ngực. Hãy luôn mang nó theo bên mình. Vì mẹ anh, vì những người thân yêu của anh, xin hãy luôn giữ nó bên mình.


Tôi nắm sợi dây trắng trong tay, không biết phải nói gì với người đàn bà xa lạ. Bà ta có cái vẻ tốt bụng và chân thật của một người nông dân chân lấm tay bùn. Giữa lúc đó, bốn cái đầu ngựa đen đủi đột nhiên hiện ra giữa vùng sáng u ám. Chúng lao thẳng tới chỗ tôi bằng một vận tốc kỳ quái, nhanh tới độ, tôi chưa kịp thở ra một hơi, cả cỗ xe đã đứng sờ sờ ngay bên cạnh. Tấm áo choàng đỏ tung phần phật che cả một khoảng trời đêm. Tôi giật mình lùi lại, bàn tay cầm sợi dây tỏi tự động đẩy vào túi áo.

Gã xà ích có nước da trắng xanh xao, khuôn mặt tối tăm. Hắn nói tiếng Đức theo kiểu biến âm u thành ue, âm a thành ae, lại rất nặng ở phần phụ âm. Hắn gọi tên tôi, ánh mắt xuyên qua lớp bụi đường quất thẳng gió lên mặt.

- Herr Harker? Ngài thị trưởng cho xe tới đón ông.

Cặp môi đỏ tươi và hàm răng trắng nhởn trên bộ mặt xanh xao, dưới ánh đèn đêm trông thật quái dị. Bà nông dân run lẩy bẩy, cố ngước cặp mắt ướt đẫm nhìn tôi. Đôi môi bà nhấp nháy không thành tiếng. Tôi đọc được ở đó lời van xin tuyệt vọng.

- Xin anh đừng bước lên chiếc xe ma quỷ đó.

Tôi quay sang gã xà ích, nói cho rõ:

- Theo lịch trình, tôi phải đi xe bus về Bistritz. Từ đó mới có xe đón về Bucovina.

Gã xà ích quét cặp mắt sắc lẻm lên hai người đồng hành của tôi. Cặp mắt gã xanh lè như mắt chó sói.

- Ngài thị trưởng không muốn ông bị bọn bất lương quấy nhiễu dọc đường.

Bà Costin gần như đổ sụp xuống vì hoảng sợ. Bàn tay bà run rẩy bám lấy cột đèn. Người đàn ông Á Châu cũng lùi về phía sau, đưa tay làm dấu thánh giá. Tôi thấy áy náy vì câu nói sỗ sàng của gã xà ích. Nhưng thật ra, không thể đòi hỏi một gã đánh xe vùng rừng núi phải ăn nói lễ độ hơn. Bà thư ký cũng đã nói rõ, phí di chuyển do bên đối tác chi trả nên họ có quyền lên lịch trình.

Sàn xe rất cao. Có lẽ đây là loại xe được thiết kế đặc biệt cho vùng đồi núi. Khó khăn lắm tôi mới đưa được thân mình hơn một trăm ký lô lên xe, cứ rủa thầm trong bụng, hy vọng chiếc xe ọp ẹp này không mất tới ba ngày lọc cọc bò về Bucovina. Gã xà ích bằng cử động của một bàn tay đã ném gọn chiếc va li to lớn của tôi lên khoang sau. Tôi ngẩn người nhìn bàn tay lông lá mạnh mẽ dị thường của gã, bỗng nhớ tới một đoạn trong nhật ký của ông tôi. "Người đàn ông này có một sức mạnh của ma quỷ." Ý nghĩ lạ lùng cũng kéo qua đầu, dường như gã thị trưởng bí ẩn đó biết tôi đứng trò chuyện với những người đợi xe về Bistritz.

Chiếc xe rung lên nhè nhẹ trước khi chuyển bánh. Cảm giác hối hận lần đầu tiên ập tới, nhưng tôi vội vã xua nó đi. Phía sau màn bụi, chiếc bóng của người đàn ông Á Châu và bà Costin hiện ra xiêu vẹo. Họ cuống cuồng làm dấu thánh giá và chìm dần trong vùng sáng ảm đạm. Mãi một lúc sau tôi mới có thể quên được đôi mắt đẫm nước và giọng nói thì thào đầy sợ hãi của bà Costin.

Chiếc xe ngựa phóng đi vùn vụt một lúc thì chậm dần lại. Con đường bắt đầu đâm vào những khe đá tối đen uốn khúc. Càng lên cao, không khí càng đặc quánh lại. Tôi với gã xà ích không nói với nhau câu nào. Tấm áo choàng đỏ trên đầu xe căng phồng, cuốn chiếc xe ngựa bay lên con đường dốc đá. Lạy Chúa. Có vẻ như chúng tôi không theo đường liên tỉnh đi về Bucovina như trên bản đồ. Những con ngựa theo đường chim bay, phóng thẳng qua vùng núi đá. Xe bẻ quặt qua một khúc quanh co thắt, mấy cái bánh trượt ra sát mép đường đổ đá lăn ào ào xuống vực. Tôi có cảm tưởng như cả chiếc xe đong đưa trên ghềnh vực thẳm. Thay cho sự hoảng hốt, tôi chỉ thấy mệt mỏi khủng khiếp. Nhắm mắt thiếp đi trong giấc ngủ u mê, tôi phó mặc sinh mạng mình cho gã đàn ông xa lạ.

Những tiếng gầm thét khủng khiếp từ bên ngoài vọng tới làm tôi tỉnh giấc. Nó giống như tiếng kêu của bầy thú dữ giữa cơn đói khát. Trong cơn mê muội, tôi đánh rơi quyển nhật ký của ông tôi trên đùi, lập cập hỏi:

- Tiếng gì vậy?

Người xà ích ngồi phía trước không nói gì, chỉ vung roi quất mạnh vào không khí. Chiếc roi da rít lên thành những tiếng thét hãi hùng. Tiếng thét của những người đàn bà. Nón trùm đầu của gã đánh xe bất ngờ bị gió giật bay, mái tóc bạc xác xơ như tẩm muối trắng dựng đứng dưới ánh trăng.

Tôi nghiêng người kéo tấm màn cửa, nhìn vào màn đêm mịt mùng. Xa xa, ánh trăng đổ lên những cây thập tự giá sơn trắng. Mịt mùng hoang mộ. Những ngôi mộ san sát kéo dài tới tận chân bóng đêm. Cứ như loài người dồn cả về đây để tìm cái chết. Những người đàn bà mặc áo trắng ôm bó hoa tang lễ đứng bên dãy hàng rào nghĩa trang xiêu vẹo, ngước mắt nhìn theo xe. Ánh mắt giận dữ và điên loạn của họ làm tôi rợn người. Giữa gã đánh xe và những người nông dân vùng này e có mối thâm thù truyền kiếp nào đó. Họ có lý do gì để ra viếng nghĩa trang vào lúc đêm hôm khuya khoắt? Hay họ đứng đó để chờ tôi, truyền đi thông điệp của lòng căm thù.

Từng đàn dơi đen từ rừng thông chấp cánh vùn vụt bay ra. Những cặp mắt trong đêm đỏ rực thèm khát lùng kiếm ánh mắt tôi. Trong một khoảnh khắc thần kinh tôi tê dại như bị thôi miên. Tay chân tôi cứng đờ. Đám dơi xông tới bên thành xe, chúng nhe hàm răng nhọn lểu cắn tới tấp lên lớp vải màn. Phía trước có tiếng hét:

- Bỏ tấm màn cửa xuống.

Tôi giật mình rụt tay lại, tấm màn cửa nặng nề rơi xuống. Hàng loạt tiếng va đập vào khung cửa kính như là mưa đá. Gã xà ích lại liên tục quất roi vào không khí giữa tiếng la rú đau đớn cuồng nộ của đám phụ nữ. Bàn tay tôi tướt mồ hôi lạnh lần chui vào túi áo. Tôi đụng phải sợi dây tỏi. Chiếc thánh giá gỗ nổi cộm giữa lòng bàn tay. Trong nỗi cô đơn hoảng loạn, tôi cuống cuồng tròng sợi dây tỏi qua đầu.

***

Đã quá nửa đêm vài phút. Điều này làm tôi thực sự hoảng hốt. Nỗi sợ hãi vào thời khắc nửa đêm đã liên tục bị những biến cố gần đây khuyếch đại lên. Bao tử tôi như căng ra vì thứ cảm giác chờ đợi tồi tệ.

Một con chó bắt đầu tru lên ở một ngôi nhà nông dân nào đó, từ trong chốn xa xăm huyền bí. Tiếng rú dài dằng dặc mang nỗi sợ hãi kinh khiếp. Tiếng gọi của nó liền được một con chó khác hưởng ứng, rồi con này tiếp theo con khác. Gió trên đường mang tiếng rú kinh hoàng lên đôi cánh, thổi lời điên dại vào hoang vu, thổi lên khắp cả vùng đất bao la bóng đêm mông tưởng.
(Jonathan Harker)

***

Ngày 7 tháng 7, Karpaten

Tòa thị sảnh nằm trên triền núi cao, nhìn xuống bình nguyên tối đen. Chúng tôi tới đây vào lúc cuối đêm. Phía Đông trời ửng một màu xám nhạt buồn thảm. Chiếc xe ngựa không còn phóng đi như vũ bão mà nặng nhọc bò lên dốc. Những con ngựa không biết vì kiệt sức hay vì sợ hãi, chúng cất bước chân nghiêng ngả trên nền đá lào xào.


Lâu đài hiện ra dưới ánh sáng mờ nhạt sừng sững như một pháo đài mang kiến trúc Bhangarh ma quái cổ kính. Mặt tiền phẳng phiu bằng đá tảng ngã màu rêu đen với những hàng cột đá lở lói. Những dãy cửa vòm sâu hun hút xen giữa những bờ tường đá đỏ kiểu Ả Rập đổ nát càng tạo thêm vẻ cô quạnh thiếu thân thiện. Vài hàng thông khô cằn cố vươn những cái đầu rắn độc lên trong gió dữ để phô bày vẻ ảm đạm thê lương của một vùng đất mang nặng lời nguyền chết chóc. Phần bên phải hướng về bờ tường núi dốc đứng trong tình trạng đổ vỡ tồi tệ. Mái nhà và tường đổ tạo thành những vệt răng cưa xấu xí in trên nền trời.

Xe lăn bánh qua cây cầu đá tiến vào cổng chính. Tôi nghiêng mình nhìn ra, con lạch rộng và sâu, phủ đầy cỏ dại viền quanh tường thành, càng tạo nên cảm giác về một pháo đài cố thủ. Trên vòm cổng đá đen không gắn một bảng hiệu nào ngoài mấy cụm cỏ khô trồi ra từ kẽ đất. Cánh cửa gỗ mốc trắng tự động mở ra khi chiếc xe tiến tới gần. Con đường dẫn vào pháo đài thẳng tắp giữa hai hàng cây đoan.

Xe dừng trước khoảng sân rộng. Gã đánh xe lùa ngựa đi rồi không thấy trở lại. Bên ngoài trời dần sáng. Tôi tự bắt mình ngồi im, ra vẻ chờ đợi theo đúng phép xã giao. Thật ra là tôi mệt mỏi rã rời, chân nhấc không lên, cứ như cả đêm chưa hề chợp giấc. Buổi sớm mai ở nơi này yên tĩnh lạ lùng. Đó không là không gian bắt đầu một ngày mới. Đó là sự im ắng của cái chết.

Gã xà ích vẫn không quay trở lại. Tôi há miệng ngáp một cái muốn sái quai hàm. Cố cưỡng lại cơn buồn ngủ, tôi leo ra khỏi xe. Toà thị sảnh vào buổi sáng vẫn u ám hoang phế như trong bóng đêm lờ mờ. Hôm nay là ngày thứ ba, nhưng có lẽ, còn quá sớm để nhân viên bắt đầu một ngày làm việc.

Tôi đứng trước cánh cửa gỗ nặng nề đang hé mở, thầm nghĩ tới cuốn nhật ký của ông tôi, đây là giờ phút mà lão bá tước ma cà rồng sẽ đẩy cánh cửa ra và mời tôi vào. "Ông ta cầm trong tay một ngọn đèn bạc cổ. Nó cháy sáng dù chẳng hề có một cái ống thông gió hay chao đèn nào. Bóng tối như run lên bởi tiếng kéo cửa lách cách của con người này." Nhưng bây giờ là buổi sáng. Đó chính là chi tiết khác biệt rất lớn so với phần nhật ký của ông tôi. Tự điều này làm tôi thấy bớt nghi ngại vì khung cảnh u đột và cách tiếp đãi kỳ dị. Tôi bình tĩnh đẩy cửa bước vào.

Khác với vẻ đổ nát bên ngoài, đại sảnh bên trong mang kiến trúc Hy Lạp với một vẻ xa hoa cổ kính. Tường trát vữa thô trắng kéo dài lên tới phần trần nhà chạm trổ thanh mảnh kiểu frieze. Sàn nhà lót đá tảng khắc hoạ, bàn gỗ quý mạ vàng với những chiếc bình đất hoa văn. Mặt tường phía sau để trống nhìn thẳng ra khoảng sân giữa vuông vức. Những dãy cột đá trắng peristyl thẳng tắp. Loáng thoáng vườn nho và bồn nước uống phun bọt trắng. Mọi thứ đều trắng trẻo, sạch sẽ và không đáng nghi ngờ. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bành êm ái thêu hoa cúc trắng. Chiếc ghế êm tới độ, tôi lún sâu vào lớp vải mềm mại và thiếp đi.

***

Ngày 10 tháng 7, Karpaten

Tôi tỉnh dậy trong căn phòng rộng cổ kính, màu đỏ. Ánh sáng xuyên qua tấm màn cửa dày hắt lên mảng tường đỏ một vùng sáng yếu ớt, quá yếu ớt để có thể đoán được thời khắc. Tôi nhìn đồng hồ, mười bảy giờ chiều, ngày 10 tháng 7. Không thể tưởng tượng nổi, tôi đã ngủ liền tù tì hai ngày rưỡi. Cảm giác mệt mỏi vật vờ sau giấc ngủ dài không rõ do đói khát hay do bị nhiễm cảm. Tôi rùng mình ớn lạnh. Bây giờ là tháng bảy, không hiểu sao đã lạnh lẽo như giữa mùa đông. Lò sưởi cháy đỏ trong góc phòng dường như không mang lại chút hơi ấm nào. Nơi này lạnh lẽo như đáy mộ.

Tôi loạng choạng đứng dậy, thấy mình rất yếu. Bàn tay tôi chống lên mép giường xanh lè trong ánh sáng mập mờ. Hành lý của tôi để gọn ở góc phòng. Tôi lục tìm tấm áo len. Đó là cái áo len duy nhất Kathi nhét thêm vô va li. Khi đó tôi đã càu nhàu, không ai đem áo len về miền nam vào tiết tháng bảy. Kathi cũng đang đi công tác sang Nhật, chắc là cô ấy không quá lo lắng vì từ hai ngày nay tôi không liên lạc. Tôi mở iphon, không có tin nhắn nào mới. Thùng email cũng chỉ có vài thư quảng cáo. Pin sắp hết. Tôi tìm quanh, không thấy ổ cắm nào. Thật là bất tiện khi phải ở trong căn phòng không có ổ cắm điện. Tôi để iphon lên đầu giường, đi tìm người hỏi cho ra lẽ.

Ngoài hành lang và tiền sảnh toà thị chính vắng ngắt. Những cánh cửa gỗ lớn nặng nề đóng im ỉm. Tôi đoán, giờ chiều này nhân viên công chánh đã nghỉ việc. Ánh sáng cuối ngày tắt dần, chỉ còn vài vệt héo úa đọng quanh mép màn cửa sổ. Bụng tôi đói cồn cào và tôi tưởng rằng mình đang lả đi vì đói. Bởi vậy, khi gã xà ích xuất hiện, tôi vui mừng kêu lên như gặp lại người thân.

- A. Chào anh. Tôi xuống đây hỏi chỗ cắm điện.

Gã đàn ông nhếch môi cười khó hiểu. Nụ cười để lộ hàm trăng trắng nhọn lại mang một vẻ độc ác buộc tôi phải ngưng ngay cách chào đón thân thiện của mình. Gã nói:

- Ngài thị trưởng mời ông sang phòng khách dùng cơm tối.

Tôi lẳng lặng đi theo gã qua một dãy hành lang lát đá. Hơi lạnh từ đá toả ra làm tôi run lẩy bẩy, suýt nữa thì tôi phải kêu lên. Bây giờ là tháng 7, giữa mùa hè, không lẽ gì ở vùng đất phía nam này lại lạnh lẽo như vậy. Gã xà ích cầm cây đèn bão vẫn bước đi vội vã. Tôi nhìn ánh đèn lung linh phản chiếu trên vách tường đá hoa cương bóng loáng, kinh hãi nhận ra một điều. Gã xà ích không có bóng.

Sự phát hiện này làm tôi choáng váng, nhưng thật tình, cho tới lúc này tôi cũng không thể tin vào những chuyện ma quỷ nhảm nhí. Tôi theo gã đi vào phòng ăn rộng rãi thắp nến dọc trên tường. Phòng ăn se lạnh dù bốn lò sưởi lớn ở bốn góc cháy đang hừng hực. Dường như chúng vừa được đốt lên vì đám củi phía trên còn chưa kịp bắt lửa. Dãy bàn lớn xếp theo chiều dài phòng phủ khăn trắng xoá, bày biện những đĩa hoa quả màu sắc rực rỡ tươi tốt. Gã xà ích đưa tôi vào chiếc bàn tròn riêng biệt cuối dãy, ở đó đã sắp sẵn những chiếc ly thuỷ tinh sáng bóng. Cảm giác xa hoa và sạch sẽ nơi này mang lại cho tôi một sự dễ chịu hơn là thèm ăn. Cho tới lúc thức ăn được dọn ra, tôi vẫn không tìm lại được cảm giác đói bụng như khi vừa thức dậy.

Những món thức ăn nấu theo kiểu Đức cổ truyền, do hai người đàn bà mặc áo trắng khéo léo bày ra bàn. Thịt giò heo hầm rục, bắp cải trắng muối chua. Xúc xích chiên vàng kiểu Bayern với khoai tây rang mỡ heo hung khói. Ragu bò hầm ớt tây và hành củ. Thức ăn được trình bày đẹp đẽ trong những cái dĩa pha lê trắng toát. Gã xà ích mang ra chai rượu đỏ. Bằng một cử động dị thường của hai ngón tay, gã giật văng nắp bần có đóng niềng kẽm. Tiếng nổ bục vang lên đánh động bầu không khí im ắng khó chịu, khi gã xà ích và những người hầu bàn cứ câm nín một cách thiếu lịch sự. Tôi nhấp một ngụm rượu lờ lợ chua, chẳng rõ là thứ rượu quái quỷ gì.

- Tôi muốn gặp ông thị trưởng ngay sáng sớm mai.

- Ngài thị trưởng đã rời khỏi Karpaten ngày hôm qua.

Tôi muốn nhảy nhổm lên. Thì ra, trong lúc tôi ngủ quên, ông ấy đã ra đi.

- Bao giờ ông ấy về?

- Không ai biết được.

Suýt nữa tôi hất luôn phần rượu còn lại vào bộ mặt xanh lè của gã đàn ông. Tôi theo lời mời của bên bán đất tới đây và hoàn toàn không có ý định ở lại chốn hoang vu hẻo lánh này lâu hơn hai mươi bốn giờ đồng hồ. Chuyện tôi ngủ quên, phần nào cũng là do lỗi của họ. Chính bọn người này đã đưa tôi lên phòng và không hề đánh thức tôi dậy. Tôi kìm nén sự giận dữ, cố nói cho ra lẽ:

- Tôi muốn liên lạc với ông thị trưởng.

- Ông ấy đã rời xa Bucovina một khoảng đường rất dài, không thể đuổi kịp. Mời ông dùng bữa tối.

Gã nói tới đó rối biến ra khỏi phòng. Tôi bị rơi vào một cảm giác nghi ngại tồi tệ. Thời buổi này chỉ cần nhấc di động lên là liên lạc được, thằng điên lại nói "không thể đuổi kịp" là cái quái quỷ gì. Rõ ràng trong chuyện kinh doanh đất đai bọn chúng có những vấn đề mờ ám phía sau. Tôi định ăn nhanh rồi về phòng gọi điện cho công ty. Bây giờ đã là bảy giờ tối, nhưng tôi vẫn có thể liên lạc riêng với Yanick Marrell. Gã làm việc bên phòng điều hành và thường sẵn sàng trả lời điện thoại ngoài giờ làm việc. Bữa ăn vì vậy mà mất ngon. Nhưng có lẽ còn vì lý do khác, thức ăn ở đây chỉ có hình thù mà hoàn toàn không có mùi vị gì. Cả rượu cũng không hề có mùi rượu.

Tôi nhìn ánh lửa đỏ, bỗng rợn người. Lửa không có mùi củi cháy. Ánh sáng dường như chỉ là ảo giác. Căn phòng vẫn lạnh căm.

Tôi trở về phòng. Cảm giác khó chịu ập tới. Có kẻ nào vừa ở đây. Tôi biết điều đó vì tấm màn cửa bị vén qua một bên. Gió đang lùa qua tấm kính hé mở. Tôi lao tới bên giường. Iphon của tôi đã biến mất.

Cánh cửa phía sau lưng tôi đột ngột đóng sập lại. Tôi nhào tới bên cửa vặn như điên nắm đấm.

***

Ngày 12 tháng 7, Karpaten

Tôi bị nhốt trong phòng, như một tù nhân. Thật không tưởng tượng nổi, ở thế kỷ này lại có chuyện bạo hành kỳ quái như vậy. Tôi không nghĩ ra được lý do tại sao mình bị bắt giam. Cuốn nhật ký của ông tôi cũng không giúp được gì, vì tôi chẳng tin những thứ ma quái nhảm nhí đó lại có liên quan gì tới hợp đồng mua bán của công ty, mà tôi là người đại diện.

Lão thị trưởng biến đi đằng nào, không một lần xuất hiện. Chỉ có hai người đàn bà nấu bếp tới phòng tôi để đưa thức ăn và dọn dẹp vệ sinh. Họ cũng chỉ tới vào ban đêm, nhưng họ hoàn toàn không giống đám thiếu nữ dâm đãng khát máu mà ông tôi miêu tả trong lâu đài của bá tước Dracula. Họ có vẻ nghèo khổ nhẫn nhục và đầy khiếp nhược. Tôi cố trò chuyện với họ bằng tất cả những ngôn ngữ tôi có thể sử dụng được. Họ đáp lại bằng sự im lặng sợ sệt, dù trong ánh mắt của họ, tôi đọc được sự cảm thông.

Tôi nói như là khóc:

- Tôi bị giữ ở đây đã năm ngày rồi, cô có hiểu không? Không biết vì lý do gì.

Người phụ nữ trẻ cúi đầu không đáp. Cô ta để mâm thức ăn lên bàn và lùi dần ra cửa. Trước khi bước ra, ánh mắt của cô ta nhìn một lần nghi ngại về phía tấm màn cửa sổ. Tôi phóng tới, giữ chặt tay áo người phụ nữ trẻ. Bàn tay tôi tưởng như chụp vào lớp vải mủn như bụi. Cả tấm áo trượt đi toàn toạt. Người đàn bà hét lên kinh khiếp, đưa bàn tay xanh xao lên che bờ ngực trần. Trong một phút chốc, tôi nhìn thấy hai vết tím đỏ trên cổ họng cô ta.

Cánh cửa phòng bật mở. Gã xà ích xông vào. Cú đấm kinh khủng phóng tới ngay giữa mặt làm trời đất nổ hoa tím. Tôi ngã vật xuống đất.

***

Ngày 13 tháng 7, ?

Bên ngoài trời đổ tuyết trắng xoá lên những hàng cây trụi lá. Cái đồng hồ đeo tay là người bạn duy nhất giữ tôi lại với khái niệm thời gian. Nhưng lúc này, tôi cũng không còn tin tưởng vào nó. Khung cảnh bên ngoài bảo với tôi rằng, bây giờ là cuối mùa đông. Tôi vẫn ghi ngày tháng lên nhật ký của mình, dù biết rằng nó rất vô nghĩa. Còn đây là đâu, tôi cũng không biết.

Hôm qua tôi thử xé ga giường bện dây thả qua cửa sổ. Nhưng đoạn dây chỉ được một phần ba đường. Từ đó xuống tới chân tường còn những hơn mười mét. Sợi dây vải cũng sẽ không chịu nổi thân hình quá tải của tôi. Bây giờ tôi lại tiếc là cả đời mình mình không bao giờ chú ý tới việc rèn luyện thể thao. Một tuần bị nhốt trong phòng, chỉ toàn ăn và ngủ, có vẻ như tôi tăng thêm vài chục ký. Không biết bọn chúng nhốt tôi lại để làm gì. Với iphon của tôi, tên thị trưởng khốn khiếp chắc chắn đã giả mạo email gửi về công ty, hoàn tất công việc mua bán. Kathi sau một tuần không nhận được tin tức của tôi, cô ấy sẽ đoạn tuyệt mối tình năm năm không đem lại điều gì vui thú.

Tôi tuyệt vọng đấm đá như điên vào cánh cửa phòng. Cánh cửa bật mở. Cú đấm khốc liệt của tên xà ích vào giữa mặt tôi khiến trời đất lại tối đen trong nỗi đau đớn hãi hùng.

***

Khi tôi hơi chồm người lên cửa sổ, ánh mắt tôi bắt gặp cái gì đó, nó đang chuyển động ở tầng bên trái phía dưới, nơi tôi đoán là phòng của bá tước. Tôi thu mình sau bức tường, thận trọng quan sát.

Tôi thấy cái đầu của bá tước thò bên ngoài. Bộ mặt lão ta tôi không thấy được, nhưng tôi vẫn nhận ra lão qua cái gáy, cách chuyển động của tấm lưng và cánh tay. Tôi biết chắc, không lầm lẫn vào đâu được, đúng là cánh tay đó, cái cánh tay mà tôi đã nhiều lần quan sát và nếm trải sức mạnh ghê ghớm của nó. Thoạt đầu tôi cảm thấy thú vị mà lại cứ buồn cười thế nào. Dù rằng, thật hiếm khi một tù nhân cảm thấy buồn cười. Nhưng rồi tim tôi sững lại như ngừng đập, tôi nhìn thấy lão già từ cửa sổ bò ra và trườn xuống bức tường thành, tấm áo choàng tung bay phấp phới. Thoạt tiên tôi không tin vào mắt mình. Tôi nghĩ đó là ảo giác của ánh trăng, là bóng đêm dị thường, hay một cái gì đó. Nhưng khi tiếp tục quan sát kỹ lưỡng, tôi biết rằng mình không hề lầm lẫn. Tôi thấy những ngón tay và ngón chân bám vào những ngạnh đá, những kẽ vữa nứt nẻ, tận dụng từng chỗ lồi lõm nhỏ nhất để di chuyển với một tốc độ đáng sợ. Như con rắn mối, lão bá tước bò ào ào xuống chân tường.
(Jonathan Harker)

***

Ngày 14 tháng 7, ?

Đó là sự thật. Cho dù tôi cương quyết không muốn tin vào cuốn nhật ký của ông tôi thì đó vẫn là sự thật. Tôi đang bị những con quỷ hút máu người cầm tù. Trong toà lâu đài này, trên cửa sổ này, tôi đã tận mắt nhìn thấy bọn chúng trườn xuống từng đàn đi kiếm ăn. Không phải là một tên bá tước như ông tôi miêu tả. Bọn chúng đã sinh sôi nảy nở thành một đàn quỷ đông nhung nhúc. Trong đám bò sát hằng đêm trườn xuống vách đá, tôi nhận ra gã xà ích trong tấm áo choàng đỏ trải rộng và mái tóc trắng xoá. Gã luôn bò ở giữa đàn và ra hiệu lệnh.

***

Ngày 15 tháng 7, ?

Bọn chúng trở về lâu đài vào lúc nửa đêm, mang theo những chiếc bao tải. Lạy Chúa. Tôi biết rất rõ, cái gì ngọ ngoạy liên hồi trong những cái túi đen đủi đó. Cuốn nhật ký của ông tôi đã kể lại chuyện hút máu ghê rợn của bọn ma cà rồng, nhưng khi đó, chỉ có một mình tên bá tước đi lùng bắt trẻ em. Giờ đây, cả một đàn quỷ dữ tràn xuống thôn xóm tìm mồi và chúng trở về với những cái bao tải nặng trĩu.

Những đứa trẻ bị bắt về đang nhảy múa, ca hát ầm ĩ ở bên ngoài. Kỳ lạ chưa, chúng hát những bài ca ngợi công đức ngài thị trưởng. Tôi tò mò nhìn qua ổ khóa, loáng thoáng nhận ra những khuôn mặt ngây thơ trong bộ áo quần nhà nông cũ rách. Có vẻ như, chúng hát vì tin rằng, chẳng mấy chốc sẽ được đưa về nhà. Càng hát hay sẽ càng sớm được về. Tôi khiếp hãi, ngồi bệt xuống nền nhà, lắng nghe tiếng dàn đồng ca cứ thưa thớt dần. Cuối cùng chỉ còn giọng hát của một đứa rất nhỏ. Nó nhỏ tới độ, giọng hát còn ngọng nghịu và không thuộc lời. Bất ngờ nó ngưng hát và thảng thốt gọi "mẹ ơi".

Tôi quỵ xuống sau cánh cửa, máu trong người đông đặc lại.

***

Ngày 16 tháng 7, ?

Đêm nay tôi phải xé khăn màn trám kín ổ khoá, trám kín tất cả các khe hở, nhưng tiếng hát của những đứa trẻ ngây thơ trước giờ bị hành quyết vẫn len lỏi tìm tới. Nước mắt tôi chảy đầm đìa trong lòng bàn tay.

***

Ngày 17 tháng 7, ?

Một toán nông dân vác cuốc xẻng tới dựng trại trước toà thị sảnh. Mấy chuyến xe bò theo sau chở đầy củi. Người ta bắt đầu đốt lửa lên và đổ vào đó từng thúng tỏi. Đa phần là phụ nữ và người già, dáng vóc nghèo khổ và kiệt quệ. Họ tới để kêu khóc đòi lại đứa con nhỏ đã bị bọn ma cà rồng bắt đi, đòi lại phần đất của ông bà tổ tiên đã bị cướp trắng. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn xuống. Trong ánh lửa cháy đỏ, những đôi mắt đẫm nước ngước lên nhìn tôi đầy thù hận. Tôi nhận ra khuôn mặt khắc khổ quen thuộc của bà Costin trong hình hài những người phụ nữ bên dưới. Bất giác tôi lùi lại, giấu mình sau bờ tường đá. Có lẽ bà Costin và người đàn ông Á Châu nhỏ bé đó không vô tình đứng chờ xe ở sân bay. Họ tới đó tìm tôi, cảnh báo một chuyến đi đầy bất trắc và tội lỗi.

Trong đêm tối, tôi lắng nghe tiếng khóc bi thảm của những người mẹ bất hạnh. Mùi tỏi cháy từ mặt đất xông lên nồng nặc. Toà thị sảnh trở nên im ắng bất thường. Bọn ma cà rồng trốn ở nơi nào, không thấy chúng bò ra tìm mồi.

***

Ngày 21 tháng 7, ?

Ở nơi này bóng đêm ngự trị miên viễn. Ban ngày tôi chìm vào giấc ngủ mộng mị và chỉ giật mình thức giấc khi ngày tàn trên cánh rừng trụi lá. Tôi nghi rằng thứ nước uống tên là Rakija chính là thủ phạm.

Đám người dựng trại bên ngoài đã cầm cự tới ngày thứ ba trong thời tiết giá lạnh dữ dội. Họ đốt lửa cả ngày lẫn đêm và không thôi kêu gào. Tiếng khóc bi thương của họ làm tôi không ngủ yên được. Màu đỏ trong căn phòng làm thần kinh tôi càng thêm căng thẳng. Huyết áp tôi tăng cao, đôi lúc tôi ngã vật ra giường và không thở được. Những giấc mộng ma quái lại càng thêm khủng khiếp. Đêm qua tôi mơ thấy bá tước Dracula, đôi môi đỏ máu của hắn mở nụ cười tự mãn, "làn sóng đỏ đã lan tới cùng trời cuối đất".

Tôi nghĩ tới cuốn nhật ký của ông tôi nhiều hơn bao giờ hết. Từ hôm qua tôi đã đổ bình nước Rakija xuống bồn cầu và chỉ ngậm tuyết để cầm hơi.

***

Tôi giở tấm nắp hòm lên. Một cảm giác rùng rợn tràn ngập tâm hồn tôi. Lão bá tước nằm đó, có vẻ như một nửa tuổi thanh xuân đã trở về. Đám râu tóc bạc trắng đã hoá màu xám sẫm, như màu kim loại. Gò má trở nên đầy đặn. Làn ra trắng bệch chuyển sang màu hồng ngọc. Miệng lão đỏ hơn bao giờ hết với đôi môi lấm máu, những giọt máu đỏ còn chảy ra từ khoé miệng lan xuống tận cằm và cổ. Thậm chí đôi mắt sâu bốc lửa cũng căng đầy thịt. Mí mắt và quầng mắt căng mọng. Có vẻ như toàn bộ cái hình hài khủng khiếp này chứa đầy máu. Lão nằm đó, như con đỉa bẩn thỉu, hoàn toàn kiệt sức sau khi hút no máu.

Chỉ cái ý nghĩ này thôi, cũng đủ làm tôi hoá điên. Lòng tôi dấy lên một ham muốn dữ dội, quét sạch loài ma quỷ này ra khỏi thế giới con người. Không có bất kỳ dụng cụ kim loại nào trong tay, tôi tóm lấy cái xẻng của những người phu huyệt, nâng cao nó lên, phóng mũi nhọn xuống bản mặt căm ghét kia. Nhưng tôi gần như không thể làm được chuyện đó. Khi tôi quay đầu lại, đôi mắt chết chóc chiếu thẳng vào tôi. Ánh mắt làm tôi tê liệt. Cái xẻng tuột khỏi tay tôi, trượt qua mặt lão, chẳng tạo nổi một vệt trầy sướt. Tôi hoảng hốt đánh rơi cái xẻng vắt ngang mặt hòm. Khi tôi cúi xuống nhấc nó lên, nắp hòm tự động bật ra, rơi đúng ngay vị trí cũ, cắt tầm nhìn của tôi ra khỏi cái thân thể rùng rợn đó. Thứ cuối cùng mà tôi thấy được là bộ mặt xanh lè nhớp máu với nụ cười nhạo báng, mà sự hung tợn chứa đựng trong đó chỉ tìm thấy được ở địa ngục của loài ma quỷ.
(Jonathan Harker)

***

Ngày 22 tháng 7,?

Phải khó khăn lắm tôi mới bám vào được sơi dây vải, đu xuống cửa sổ phòng dưới. Sợi dây đứt toạt ra khi tôi bám được vào thành cửa. Suýt nữa thì tôi rơi xuống bờ tường lở chởm đá ở độ cao hai mươi mét. Những người nông dân bên dưới sân cũng hồi hộp theo dõi màn đu dây táo tợn của tôi. Họ đứng lặng yên cùng chấp tay nguyện cầu. Thật ra, khi treo giữa ranh giới của cái chết, tôi chỉ thấy căm ghét họ. Những con người thụ động ngu xuẩn kia, lẽ ra phải tự làm điều gì đó để thay đổi số phận, họ lại tin rằng, một tên ngoại quốc xa lạ sẽ mang lại cho họ tuơng lai. Không, tôi chỉ tìm lối thoát cho riêng mình. Tôi chẳng muốn dây dưa gì với cái xứ sở ma quỷ này.

Tôi phát hiện ra con đường cầu thang bằng đá nằm phía sau cùng dãy phòng chứa bàn ghế cũ. Những bậc cầu thang trơn tuột bị thời gian mài mòn góc cạnh và phủ đầy đất mủn. Phải chật vật lắm, tôi mới có thể lần theo bờ tường đi xuống. Hy vọng con đường này dẫn ra một góc tường thành nào đó bên ngoài, và từ đó tôi có thể thoát đi.

Qua một khúc quanh đầy cát đá, tôi bước vào khu hầm leo lét ánh nến. Cảm giác rợn người tràn qua con tim làm tôi chỉ muốn thối lui. Nhưng bây giờ không phải là lúc để quay trở lại nữa.
Đây là khu hầm mộ rộng lớn, được soi sáng bằng bốn ngọn nến treo ở bốn góc. Ánh ánh sáng yếu ớt làm cho khung cảnh càng trở nên mông lung bất tận. Từng dãy quan tài xếp hàng, nối tiếp nhau vào tận chân bóng đêm. Tôi đưa tay lên ngực nắm chặt sợi dây tỏi, trong lúc này, đó là thứ duy nhất thuộc về thế giới loài người. Tôi len đi giữa dãy quan tài đóng kín, lần sâu về phía sau. Một bệ đá hoa cương nổi cao giữa gian hầm, mà tôi đoán, đâu đó phía sau đó ắt phải có đường ra. Khi tôi tiến tới gần bệ đá, trong ánh nến vàng vọt, tôi nhìn thấy hắn.

Chiếc quan tài bằng kính trong suốt, góc cạnh mạ vàng sáng loá. Hắn nằm đó, trong tấm áo liệm đỏ, thư thái chấp tay lên ngực. Bộ mặt hồng hào no nê và thoả mãn. Nụ cười nở trên đôi môi đỏ máu, kiêu hãnh giữa thế giới chết chóc do chính hắn tạo dựng nên. Bất giác tôi lùi lại. Nỗi sợ hãi truyền kiếp, nỗi sợ hãi truyền từ đời này sang đời khác khiến tôi tê liệt. Sức mạnh từ cái thây ma đó toả ra ngùn ngụt, dường như nó biết rằng tôi tới gần và muốn tiêu huỷ nó. Từ trong cõi chết, quyền lực bạo tàn vẫn bùng lên trấn áp niềm tin của kẻ đối diện. Tôi nguyền rủa hắn, nguyền rủa cái vùng đất xa lạ đang giam giữ mình. Thật ra tôi cũng không rõ, mình đang ở đâu. Có nơi nào trên thế giới, vào thế kỷ 21 này, vẫn còn câu chuyện ghê tởm, xác chết tiếp tục sống bằng máu người. Người chết là trở về với cát bụi, chỉ có ma quỷ mới duy trì thân xác cho thứ quyền lực tàn ác, phản bội lại con người. Tiếng hát tuyệt vọng của những đứa trẻ vô tội vang lên bên tai, tiếng khóc của những người dân oan mất con, mất đất, tôi tưởng như nước mắt mình đang trào ra. Trong cơn giận dữ, tôi tóm lấy cái cán cuốc gãy nằm dưới bệ đá, hăm hở leo lên, quyết đâm một nhát chí tử vào tim con ác quỷ. Hắn nằm đó, nhợt nhạt và chết chóc, đôi môi hung tợn lấm máu căng đầy ham muốn, đôi mắt đỏ rực lòng căm thù kinh rợn.

Ánh mắt của hắn mang một sức mạnh ma quái và khả năng thôi miên man dại của loài mãng xà. Tay chân tôi lại nhũn ra. Cái cán cuốc trượt dài lên mặt kính. Tôi đảo mắt nhìn quanh, hiểu rõ hơn hoàn cảnh tuyệt vọng của mình. Trong khung cảnh rùng rợn này, hàng trăm hàng nghìn quan tài nằm chen chúc nhau chỉ chờ bóng đêm đổ xuống là bật tung nắp. Bọn quỷ dữ đã trở thành một lực lượng hung hãn, sức mạnh bóng đêm của chúng đủ khống chế cả vùng đất nghèo đói kiệt quệ này.

Giữa lúc đó, tiếng động bên phía phải tầng hầm đột ngột vọng tới. Ánh sáng heo hắt cũng từ phía đó tràn xuống địa mộ. Tôi đoán, bọn chúng có con đường khác để xuống đây. Có lẽ tôi đã loay hoay trên các căn phòng của toà thị sảnh quá lâu, trước khi tìm được đường xuống hầm. Lúc này, ngày đã sắp tàn. Ý nghĩ đó làm tôi càng thêm hoảng hốt. Chỉ trong chốc lát, những cái thây ma sẽ sống lại và sẽ chẳng có bản hợp đồng mua bán đất đai nào giữ cho tôi mạng sống.

Tôi lùi nhanh lại về phía cánh cửa gỗ dẫn ra cầu thang. Ánh sáng phía bên kia đã soi rõ khu hầm mộ. Tôi phóng lên cầu thang chạy tháo mạng lên tầng trên. Phía sau lưng tôi, những tiếng động lục cục bắt đầu nổi lên. Ban đầu đơn lẻ, dần dà chúng trở thành tiếng vang động của hàng ngàn nắp quan tài nổ tung. Tôi phóng đi trong nỗi khiếp đảm, hy vọng sẽ tìm ra được cổng chính. Chẳng mấy chốc bọn chúng sẽ phát hiện ra sự vắng mặt của tôi, và trò mèo vờn chuột sẽ chấm dứt.

Cái bóng to lớn của gã xà ích hiện ra đầu dãy hành lang bên kia. Gã nhìn thấy tôi, liền thét lên một tiếng kêu lanh lảnh. Không kịp nghĩ ngợi gì, tôi chạy luôn lên những bậc tam cấp dẫn về phòng mình. Nhưng tôi cũng không nhớ rõ, phòng tôi nằm ở đâu. Trong lúc hoảng loạn, tôi chạy loanh quanh qua những hành lang rồi chạy lạc lên sân thượng. Nơi đây chắc đã là tầng cao nhất của toà nhà. Gã xà ích có thể đã chạy vào phòng tôi. Tôi vội vã đóng chốt cánh cửa gỗ chắc chắn. Khoảng sân gạch trên này phủ đầy tuyết, không một dấu chân người. Từ lan can nhìn xuống, cửa phòng tôi ở đâu đó ngay bên dưới. Tôi nhận ra điều này nhờ vào những đống lửa đang cháy đỏ dưới sân.

Tôi đưa tay vẫy gọi những người đốt lửa, nhưng lúc này trời đã mờ tối nên không ai nhìn thấy tôi. Trong lúc tuyệt vọng, tôi hốt từng nắm tuyết ném xuống đống lửa gần nhất. Một cục tuyết may mắn rớt trúng mục tiêu. Tôi thấy lửa bắn lên và đám ngươi ngồi vây quanh đột ngột đứng dậy. Họ chỉ chỏ, ra dấu đã nhận ra. Từ trên cao, tôi gào lên tuyệt vọng: "Tôi ở trên này".

Giữa lúc đó, tiếng chân dữ dội vang lên phía sau cầu thang. Những người nông dân dường như đoán được tình cảnh của tôi. Họ kéo tấm bạt lớn đến bên dưới chỗ tôi đứng. Mười người đàn bà cố căng rộng tấm bạt ra. Cả đám người la lên khẩn thiết: "Nhảy xuống. Hãy nhảy xuống đây". Lạy Chúa tôi, mấy mụ nông dân kia có hiểu gì không. Tôi đang ở độ cao ba mươi mét, với tấm thân hơn một trăm ký. Cái tấm bạt nhỏ bé mỏng manh và mười người đàn bà ốm yếu kia là một kết cuộc bi thảm.

Gã xà ích hét lên man rợ sau cánh cửa. Một tiếng động dữ dội vang lên. Mấy cái bản lề long ra, rung lên lẻng xẻng. Tôi biết rõ sức mạnh khủng khiếp của gã. Chẳng có cánh cửa nào chịu nổi hai cú đấm của thằng ác quỷ đó. Tôi nhìn xuống bên dưới. Tự do quá nhỏ bé và mong manh. Tôi nhìn lại phía sau. Cái chết đứng đó sừng sững.

***

Ngày 31 tháng 10, Berlin

Ghi chú: Nhật ký Jonathan Haker, in nghiêng, là thủ bút của Bram Stoker.

(Lưu Thuỷ Hương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét