Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Phần 2 Đặc Khu Phong Thổ - Mỹ nữ lầu Liễu Liên

(Tác giả giữ bản quyền. Xin đừng trích dịch hay sao chép lại.)

Lầu Liễu Liên nằm giữa khuôn viên hồ sen bán nguyệt rộng hai hec ta, là điểm nóng của Làng Thượng. Ban ngày, dãy nhà ngang với bốn từng lầu giữa vườn trúc đều kéo rèm che im ỉm. Ban đêm, lầu Liễu Liên thắp đèn lồng sáng rực mặt nước hồ, đàn sáo náo nhiệt vô cùng.

Theo lệnh của Tống Chính Thao, các địa điểm ăn chơi của Phong Thổ đều phải đóng cửa trước 12 giờ đêm, nhưng Tống Tăng Hoàn luôn dàn xếp cho lầu Liễu Liên mở cửa đến hơn 4 giờ sáng. Tống Chính Thao biết nhưng lờ đi, vì nguồn lợi béo bở thu được từ Liễu Liên đủ để nuôi cả quân đội Phong Thổ.

Tầng trệt của Liễu Liên thường được gọi là lầu Mậu. Đây là khu bán rượu rẻ tiền cho bọn nhập cư đã tiêu hết số tiền hỗ trợ “di dân dời đất” của chính phủ Trung Hoa, bọn phu khuân vác, bọn trốn việc ở nông trường về phố sống lây lất. Tầng một gọi là lầu Xám, dành cho dân lao động Làng Thượng và bọn nhập cư mới từ Hồ Lô sang trong túi còn rủng rẻng tiền hỗ trợ. Tầng hai là lầu Sảnh, khu vực cho khách trung lưu, dân chơi bên kia ải Ma Lù Thàng có thị thực ra vào Phong Thổ, dân Làng Thượng có thu nhập ổn định. Tầng ba là lầu Thùng phục vụ cho khách du lịch Đằng Xung, quan chức và thương nhân Làng Thượng. Tầng bốn có tên lầu Cù, quán rượu tây và khu sòng bạc cao cấp.

Khách du lịch lần đầu bước chân vào lầu Cù của Liễu Liên sẽ thấy choáng váng. Không ai có thể ngờ rằng, ở chốn thâm sơn cùng cốc này lại có những mỹ nhân sắc nước khuynh thành như thế. Một bầy con gái tuổi mười tám đôi mươi, mặc sườn xám xẻ tà cao, nụ cười lả lơi mời gọi. Mỹ nữ lầu Liễu Liên không từ chối khách làng chơi bất cứ điều gì, từ hầu rượu, châm đèn, chơi bài đến ngủ qua đêm.

Ngã Hi Viên, 26 tuổi, dung mạo cực kỳ khả ái luôn mặc áo nhung màu xanh ngọc thạch. Án tù mười năm tội lường gạt, buôn bán ma túy và vũ khí.

Lý Tào Hoa, 19 tuổi, nhan sắc chim sa cá lặn luôn mặc áo lụa màu hồng quân. Án tù chung thân, tội cướp nhà băng có vũ khí, gây ra ba án mạng.

Trương Hồng Mẫn, 27 tuổi, hoa hậu Thượng Hải luôn mặc áo gấm hoàng yến. Án tù mười năm, tội hủ hóa cán bộ lãnh đạo, tổ chức đường dây mãi dâm xuyên quốc gia.

Từ Yến, 23 tuổi, đẹp liêu trai sương khói luôn mặt áo lụa màu tím dạ yên thảo. Án tù mười năm tội âm mưu giết người, đốt nhà, hỏa táng thân thể.

Dương Huệ Huệ, 22 tuổi, người mẫu công ty La Lanell, luôn mặc áo lụa màu lá thủy trúc. Án tù chung thân, tội giết người vì ghen tuông thù hận.

Ngụy Như Châu, 26 tuổi, hoa hậu Tô Giang luôn mặc áo nhung màu ngọc trai. Án tù chung thân, tội buôn ma túy và bắn chết người thi hành công vụ.

Bạch Lý Ly, 21 tuổi, đẹp như Chung Tử Di luôn mặc áo gấm thiên thanh. Hai án tù chung thân, tội cướp của giết người có vũ trang.

Điền Đình, 18 tuổi, dung nhan tuyệt mỹ luôn mặc áo lụa màu hoa anh túc. Án tù chung thân, tội bắt cóc, tống tiền, buôn bán trẻ em và bắn chết cảnh sát.

Hứa Ngải Kỳ, 20 tuổi, đẹp như hằng nga luôn mặc áo gấm màu xanh đen. Một án tử hình, một án tù chung thân, tội giết người, cướp của, sử dụng vũ khí trái phép, vượt ngục có án mạng.

Chỉ có Tống Chính Thao và Lư Khả nắm được lý lịch của các mỹ nhân, ngày họ đến Phong Thổ và ngày họ được phép rời khỏi Phong Thổ.

Năm người trong số này được gọi là “Ngũ đại mỹ nhân” của lầu Cù. Người đẹp nhất trong ngũ đại mỹ nhân lại là người có bản án phức tạp và nguy hiểm nhất. Hồ sơ của Hứa Ngải Kỳ được xếp riêng trong tủ “tội phạm nghiêm trọng” của công an đặc khu Phong Thổ. Tống Chính Thao đặc biệt chú ý đến tình tiết Hứa Ngải Kỳ từng tổ chức vượt ngục hai lần, tự tay giết giám thị nhà giam. Thủ đoạn giết người của Kỳ tàn nhẫn và lạnh lùng. Tất cả các nạn nhân đều bị ả cắt đứt cuống họng bằng dao cạo râu.

Hai lần vượt ngục của Kỳ đều có đồng đảng và tổ chức yểm trợ bên ngoài. Hai lần Kỳ trốn thoát rồi bị bắt lại ngay sau đó vì không cởi được xiềng điện tử đeo chân. Lần này, Tống Chính Thao đoán, việc chạy án đưa Kỳ về Phong Thổ chỉ là một bước hoàn thiện kế hoạch vượt ngục lần thứ ba. Bởi vậy, Tống Chính Thao luôn cho nhân viên giám sát mọi hành động bất thường và các mối quan hệ của Hứa Ngải Kỳ. Thư từ liên lạc, quà cáp, hàng hóa từ bên ngoài gửi đến Hứa Ngải Kỳ đều bị công an Phong Thổ tịch thu. Ba tháng đầu ở Phong Thổ, Hứa Ngải Kỳ bị cấm cố trong xà lim đặc biệt của Tống Chính Thao, chịu đựng mọi sự trừng phạt tàn khốc. Gọi là thời gian huấn nhục. Từ tháng thứ ba, Hứa Ngải Kỳ được phép mang xiềng chân điện tử ra lầu Liễu Liên làm việc, buổi tối Kỳ phải về lại khu nhà giam riêng biệt dành cho gái Liễu Liên, ở đường Tào Hoa.

Hứa Ngải Kỳ luôn tỏ ra là một phạm nhân ngoan ngoãn, tuân thủ mọi kỷ luật. Nhưng chính sự phục tùng quá nhũn nhặn, quá hoàn hảo của ả làm Tống Chính Thao đâm ra ngờ vực. Mọi báo cáo về Hứa Ngải Kỳ đặt trên bàn làm việc của Tống Chính Thao luôn được xếp riêng qua một bên. Mối lo ngại lớn của Tống Chính Thao là thằng con Tống Tăng Hoàn. Mặc dù nuông chìu con mù quáng, tạo mọi cơ hội cho nó ngoi lên, Tống Chính Thao vẫn nhận ra, Tống Tăng Hoàn là đứa lười biếng, thực dụng, chỉ lo hưởng thụ trác táng. Các mối quan hệ lằng nhằng giữa Hoàn và bọn con gái lầu Liễu Liên luôn làm Thao lo lắng. Nhiều lần hắn căn dặn thằng con, phải tập trung chuyện phát triển kinh tế, tránh xa bọn con gái nguy hiểm đấy ra, nhưng Hoàn chỉ vâng dạ rồi chứng nào tật nấy. Những báo cáo gần đây của bên an ninh cho biết, Tống Tăng Hoàn bắt đầu đi lại với Hứa Ngải Kỳ. Tống Chính Thao có thể cho khử ngay Hứa Ngải Kỳ, nhưng Kỳ đang là nguồn lợi lớn của lầu Liễu Liên. Doanh thu của Kỳ mỗi tháng, không mỹ nữ nào ở lầu Cù kiếm được. Kỳ quyến rũ, sành sỏi và cao giá trong mọi lĩnh vực từ đi khách, tiếp rượu, xoa bài, hầu bàn đèn đến bán thuốc phiện.

Mặc dù ý thức được hiểm họa, Thao cũng không thể can ngăn con trai đắm đuối với đám con gái lầu Liễu Liên. Cuộc sống tù túng hà khắc nơi Phong Thổ chẳng đem lại cho Tống Tăng Hoàn điều gì tốt đẹp hơn, thú vị hơn. Lẽ ra hắn phải gửi đứa con trai duy nhất về đại lục cho nó sống một cuộc sống của người bình thường, được thoải mái đi nam về bắc, được biết xã hội loài người phong phú, nhộn nhịp ra sao. Vậy mà hắn giữ con trai lại đây làm người thân tín mưu đồ chuyện đại sự, để rồi thất vọng nhìn thấy đứa con hư thối, mục ruỗng từng ngày.

Một tháng sau khi Tống Tăng Hoàn đi lại với Hứa Ngải Kỳ, Thao yêu cầu nhà tù Thâm Quyến gửi sang một loại xiềng điện tử đặc biệt dành riêng cho loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm. Xiềng này có thể đo được vị trí lưu trú của phạm nhân, mạch đập, nhiệt độ cơ thể, các chuyển động cổ chân. Mã số mở xiềng chỉ có Tống Chính Thao nắm giữ. Hắn dự định, chỉ để Hứa Ngải Kỳ phục vụ cho Tống Tăng Hoàn, kiếm tiền cho lầu Liễu Liên vài tháng rồi đưa Kỳ sang bệnh viện Trung Ương. Bên đấy người ta đang cần phụ nữ trẻ.

Tuy Phong Thổ bị cô lập giữa vùng rừng núi hiểm trở, có lính biên phòng tuần tra canh gác các ngả đường, tuy Tống Chính Thao từng tự tin tuyên bố, "một con ruồi vào Phong Thổ, đến ba đời con cháu cũng không bay trở ra được", nhưng từ vài ba năm nay, tình hình an ninh của Phong Thổ trở nên xáo trộn. Lượng khách du lịch và nhân viên phục vụ thường xuyên ra vào Đằng Xung nằm ngoài quyền kiểm soát của công an đặc khu. Số tội phạm mỗi tháng từ đại lục đưa sang Phong Thổ đã lên cao hơn con số nhân viên an ninh. Những gì Tống Chính Thao không nắm được, Hứa Ngải Kỳ lại biết rất rõ. Ả biết, mỗi ngày có bao nhiêu chuyến xe ra vào Đằng Xung, bao nhiêu thằng tội phạm từ Trung Hoa sang Phong Thổ chạy án, bao nhiêu thằng nuôi dưỡng âm mưu vượt biên trở về lại đại lục. Ả sang Phong Thổ đã được một năm, mặc dù bị kiểm soát chặc chẽ, bị giam lỏng trong lầu Liễu Liên và trong khu nhà giam nữ số 42 đường Tào Hoa, Hứa Ngải Kỳ vẫn âm thầm mở rộng các mối quen biết bên sòng bạc và cả những mối quan hệ với các đại ca thủ lĩnh ở khu Nhập Cư.

Bọn đại ca sừng sỏ lầu Mậu, lầu Xám cũng đều biết tên mỹ nhân Hứa Ngải Kỳ, cho dù các mỹ nhân lầu Cù không bao giờ phải xuống phục vụ các tầng bên dưới.

Mỗi buổi tối đầu tuần, lầu Mậu luôn hiện diện đầy đủ khuôn mặt các đại ca của ba bang hội chính trong khu nhập cư: Tam Đao, Bạch Cốt và Huyết Thù. Chúng chia làm ba bàn, ngồi ở ba góc nhà hàng.

Từ tám giờ tối, bốn cửa ra vào lầu Mậu đều có nhân viên an ninh của Tống Chính Thao lăm lăm cầm súng canh gác. Bọn này có lệnh “khai hỏa khẩn cấp” của khu trưởng công an. Nếu côn đồ giữa ba bàn lớn xông vào đánh nhau, công an được phép nổ súng tức thời. Trong vòng chưa đầy hai năm, một trăm sáu mươi bảy kẻ tham gia ẩu đả đã bị bắn tại tầng trệt, từ chết đến bị thương. Ba lần máu chảy lênh láng sàn rượu. Ba lần người ta phải thay các tấm rèm cửa loang lổ đỏ.

Vụ thảm sát đầu tiên xảy ra vào mùa xuân, khi hoa đào nở dọc bên thềm đá Liễu Liên, in màu hồng lả lơi trên bóng nước. Chu Lệnh Khang vừa đến Phong Thổ được ba tháng.

Chuyện cãi vã trong lầu Mậu bắt đầu từ vấn đề tranh chấp dãy nhà trọ ở khu Nhập Cư. Hội Tam Đao cậy mình trẻ tuổi, đông người, muốn dành dãy nhà trọ quanh lò mổ lợn của hội Bạch Cốt, thực chất là muốn độc quyền dịch vụ mổ lợn cung cấp cho toàn bộ khu vực phía nam của Làng Thượng, bao gồm đội Khai Thác Đá và đội Mỏ Muối. Hội Bạch Cốt tuy ít người, nhưng toàn là những anh chị đầu gấu trong các nhà tù của Hoa Lục, giết người như giết lợn. Họ kiên quyết không để cho bọn trẻ trâu chiếm mất nguồn lợi. Sự hiềm khích giữa hai băng đảng kéo dài từ nhiều tháng, các dãy nhà trọ quanh lò mổ lợn bị bọn Tam Đao phá hủy nghiêm trọng. Các chuồng lợn của hội Bạch Cốt cũng liên tục bị tấn công bằng gạch đá.

Những buổi tối ở lầu Liễu Liên, không khí giữa các bàn căng thẳng tột độ. Cho đến khi bạo động xảy ra.

Chu Lệnh Khang còn nhớ như in những hình ảnh của đợt thảm sát đầu tiên. Hắn ngồi trong góc khuất của bàn Huyết Thù, nấp phía sau lưng Dị Quán. Chu Lệnh Khang ăn mặc như một tên đàn em nghèo mạt hạng, cóm róm sau lưng thủ lãnh Huyết Thù để chờ uống rượu thừa, nhưng mọi động thái trong quán đều không thoát khỏi cặp mắt của hắn.

Một thằng đệ tử trong hội Tam Đao vừa búng sang bàn bên mẩu tàn thuốc lá. Hành động khiêu khích đấy lập tức được đáp trả. Từ bên bàn Bạch Cốt, một chai bia được ném sang, nó rơi ngay giữa bàn của thủ lãnh Tam Đao. Sau tiếng vỡ của vỏ chai là những tiếng gầm hung tợn của hai băng đảng. Hơn bốn mươi thằng côn đồ nhất loạt đạp ghế đứng dậy, lao vào nhau. Hai đại ca cũng rút dao nhảy vào giữa vòng chiến.

Khi những nhát dao đầu tiên đâm tới, khi những giọt máu đầu tiên nhỏ xuống nền nhà, cảnh sát ở bốn cửa ra vào bắt đầu khai hỏa.

Loạt súng đầu tiên nhằm thẳng vào hai đại ca của Tam Đao và Bạch Cốt. Một đứa bị đạn bắn toác đầu. Một đứa thủng bụng. Khoảng mười kẻ vây quanh cũng ngã gục xuống sàn nhà. Tiếng gào thét vang lên náo động cả tầng trệt. Chu Lệnh Khang ngồi lặng thinh trong góc phòng, bình thản uống rượu. Tám sát thủ ngồi quanh Dị Quán cũng không biến đổi sắc mặt, họ tiếp tục chia bài và xì tố. Loạt súng thứ hai khai hỏa liền ngay sau đấy, khi đám côn đồ tấn công ra cửa, tìm đường thoát thân. Ba tên đàn em cắc ké của Huyết Thù do hoảng sợ, phóng chạy ra cửa cũng lãnh đạn của công an.

Bên ngoài vườn đào súng cũng nổ vang. Công an tuần tra bắn vào những kẻ vừa leo cửa sổ nhảy ra ngoài.

„Nằm xuống. Tất cả nằm xuống.“

„Để tay lên đầu.“

Những tiếng quát tháo vang lên hung tợn giữa những tiếng gào thét đau đớn kinh hãi.

Hơn mười lăm nhân viên an ninh và công an chi viện cầm súng xông vào tầng trệt. Những nòng súng đen đúa còn nóng rực lại chực bốc lửa.

Tám sát thủ Huyết Thù đưa mắt nhìn thủ lãnh. Dị Quán gật đầu. Cả hội gồm ba mươi người im lặng, trật tự nằm xuống nền nhà, vòng tay lên gáy.

Ba mươi tay anh chị của Huyết Thù và những kẻ còn lành lặn khác bị công an còng tay, giải về đồn.

Hai đại ca của hội Tam Đao, Bạch Cốt và mười sáu đứa khác chết ngay trên sàn nhà. Mười hai đứa bị thương nặng được đưa vào bệnh viện, sau đấy loáng thoáng có tin tử vong. Hai mươi lăm kẻ bị thương nhẹ khác được đưa vào bệnh viện cũng không trở về lại khu Nhập Cư.

Một ngày sau vụ nổ súng, đám người vô can được trả về lại khu Nhập Cư. Sàn nhà quán rượu được chùi rửa sạch vết máu. Rèm cửa mới màu hồng nhạt lại được kéo lên. Chu Lệnh Khang thoát chết và hiểu rõ hơn luật sinh tồn ở Phong Thổ. “Đừng bao giờ để bị thương”. Những kẻ bị thương trong vụ nổ súng đã biến mất vào cõi mông lung nào. Chỉ có Chu Lệnh Khang là người duy nhất trong khu Nhập Cư biết rõ, bọn bị bắn chết và và cả bọn bị bắn mà chưa chết được chuyển đi đâu. Cha mẹ Chu Lệnh Khang là quan chức hàng đầu trong chính phủ Trung Hoa, họ từng nghe phổ biến kế hoạch phát triển đặc khu ở Đông Nam Á. Khi đưa Chu Lệnh Khang sang Phong Thổ, cha mẹ hắn cũng đã mật báo những điều cần thiết. “Đừng bao giờ để bị thương”. Chỉ cần bước chân vào bệnh viện Trung Ương là đời hắn bị xóa sổ.

Biên bản cuộc thảm sát, danh sách thương vong và năm mươi ba cái xác tươi được Tống Chính Thao gửi về Hoa Lục. Suốt một tuần sau đấy, Tống Chính Thao và Tống Tăng Hoàn phải lo sốt vó. Hai cha con tìm cách sắp xếp lại hiện trường, thu thập nhân chứng và mớm cung để chuẩn bị đón đoàn thanh tra chính phủ sang thị sát. Không ngờ, chính phủ chỉ đáp lại bằng sự im lặng đáng sợ. Một tháng sau, Tống Chính Thao nhận được một chuyến hàng viện trợ vũ khí dồi dào, kèm theo lời hứa hẹn của chính phủ “sẽ chi viện cho Phong Thổ một ngàn lính chuyên nghiệp”. Khi đấy, Thao mới vỡ lẽ ra rằng, chính phủ đã ngấm ngầm thông qua chủ trương giết người và đàn áp tàn bạo của Thao. Những tội phạm hình sự được đưa sang Phong Thổ chính là để thay thế án chung thân thành án tử hình. Hoa Lục đang đói xác tươi và nội tạng.

Từ sau vụ thảm sát lầu Mậu, hai bang hội Tam Đao và Bạch Cốt nhiều lần thay đổi người cầm đầu. Mấy thằng oắt con vừa chân ướt chân ráo sang Phong Thổ lên làm thủ lãnh vài tháng thì vướng vào những cuộc ẩu đả ngu xuẩn. Những cái xác tươi lại được chuyển sang bệnh viện Trung Ương.

Chu Lệnh Khang sống sót sau nhiều vụ thảm sát, tận mắt chứng kiến cảnh những đại ca mang án chung thân bị súng đạn Phong Thổ tử hình tại chỗ ra sao. Lẽ ra, Huyết Thù đã có nhiều cơ hội thống lĩnh tất cả các băng đảng, nhưng Chu Lệnh Khang càng giấu mình kỹ hơn. Hắn ngấm ngầm bảo Dị Quán:

“Đừng dính vào những vụ tranh chấp vớ vẩn. Mày nên tập trung vào kế hoạch vượt biên.“

Dị Quán gập đầu vâng dạ.

Chỉ có Dị Quán và Hứa Ngải Kỳ biết rõ Chu Lệnh Khang là ai, biết vì sao hắn hết sức thận trọng trong mọi hoạt động.

Bốn năm trước ở nhà tù Huệ Châu, Chu Lệnh Khang từng bị giam cùng phòng với Dị Quán. Chu Lệnh Khang khi đấy có tên là Khổng Tiết. Tên tuổi tướng cướp Khổng Tiết lừng lẫy khắp Quảng Đông, còn Dị Quán chỉ là một người làm nghề bốc vác thuê vì say rượu mà lỡ tay giết một mạng người. Phòng giam gồm có sáu phạm nhân, bốn tên kia đều là đàn em thân tín của Khổng Tiết. Bọn chúng phải hối lộ một số tiền cực lớn cho ban giám thị để được ở chung phòng với nhau. Dị Quán là phạm nhân mang tội giết người được xếp vào chung phòng chỉ để đánh lừa thanh tra trại giam.

Tuy ở tù nhưng bọn Khổng Tiết có liên hệ chặt chẽ với bên ngoài, nên được cung cấp đầy đủ lương thực, các loại hàng xa xỉ khác như ma túy, thiết bị điện tử và cả vũ khí. Khổng Tiết là người giao du phóng khoáng lại rất hào hiệp nên Dị Quán luôn được đối xử như anh em, được chia sẻ đầy đủ vật chất. Có lần Dị Quán bị ốm nặng, trong cơn mê sảng hắn lảm nhảm:

“Tao sanh ra lớn lên ở Quảng Đông mà cả đời tao chưa biết mùi há cảo Thuận Đức, chỉ sợ chưa được ăn mà chết đi thì phí cả kiếp này.”

Khổng Tiết liền đặt bọn cai ngục mua cho sáu rế bánh há cảo Thuận Đức, mỗi rế một ngàn nhân dân tệ. Khi bánh mang vào trại giam, cả rế bánh vẫn còn nóng hôi hổi. Những chiếc há cảo có vỏ hai màu đen trắng thơm mùi mực biển, nhân ngậy mùi tôm thẻ và rau củ. Dị Quán vừa ăn vừa khóc, nước mắt nước mũi ràn rụa. Hắn mồ côi cha mẹ, sống lây lất đầu đường xó chợ nên xem chuyện bỏ ra số tiền lớn chăm sóc bạn bè của Khổng Tiết là vĩ đại lắm. Không ngờ, ngày hôm sau, Khổng Tiết lại bỏ tiền mua cho Dị Quán tô mì trứng Quảng Đông. Hắn dặn đi dặn lại bọn lính nhà giam:

“Tao muốn có bằng được loại mì cán bằng ống tre. Dị Quán phải ăn một lần cho biết.”

Tô mì cán bằng ống tre mang vào trại giam còn nóng hổi, bốc mùi thơm của bột của trứng. Dị Quán lại vừa ăn vừa khóc.

Buổi đêm Khổng Tiết vượt ngục, hắn bỏ thuốc mê cho Dị Quán ngủ say li bì. Cả bọn trốn qua nhà bếp tập thể, chui vào nhà chứa rác thải thì bị máy thu hình phát hiện. Bọn lính trại giam không ngờ đồng bọn của Khổng Tiết có trang bị vũ khí, nên đợt đầu tiên xông vào nhà bếp bị bắn chết ba mạng. Cuộc đọ súng diễn ra gần một giờ, đám tù vượt ngục bị hạ gục. Khi kiểm tra thi thể, quản lý trại giam mới hốt hoảng phát hiện ra, chỉ có bốn tên đàn em của Khổng Tiết trong nhà bếp, còn Khổng Tiết đã theo đường ra vườn rau trốn đi từ trước.

Dị Quán say thuốc mê, ngủ li bì trong phòng giam cho đến khi bị công an bắt đi tra khảo. Dù Dị Quán không biết gì về kế hoạch vượt ngục của Khổng Tiết, hắn vẫn bị đánh đập tàn nhẫn và bị nhốt vào xà lim cầm cố ba tháng. Khi được trở lại phòng giam, uy tín của Dị Quán đã tăng vượt bực. Với bản án giết người cộng thành tích cùng Khổng Tiết tổ chức vượt ngục, Dị Quán trở thành đại ca có máu mặt ở Huệ Châu. Trong đợt khám sức khỏe của sở y tế, Dị Quán và hai mươi phạm nhân cường tráng khác của trại trúng tuyển “thực hiện nghĩa vụ lao động”. Họ được chuyển sang đặc khu Phong Thổ để làm việc trong trại chăn nuôi.

Khi đấy, Khổng Tiết thoát ra bên ngoài, tiếp tục cướp bóc và gây án. Một năm sau, hắn bị bắt khi cầm đầu vụ cướp nhà băng vô cùng dã man ở Quảng Đông làm mười hai cảnh sát và nhân viên bảo vệ tử nạn. Khổng Tiết bị kết án tử hình, đưa đến nhà tù kiên cố Thâm Quyến chờ ngày thi hành án. Tại đây Khổng Tiết gặp Hứa Ngải Kỳ, cả hai cùng lên chương trình vượt ngục. Lẽ ra Hứa Ngải Kỳ chỉ là nhân tố bị Khổng Tiết lợi dụng để tạo náo loạn bên trại nữ cho nhân viên trại giam tập trung hỏa lực về phía bên đấy. Nhưng Khổng Tiết không ngờ Hứa Ngải Kỳ vô cùng lợi hại. Ả chỉ hoạt động một mình, tuyệt đối giữ bí mật lại cực kỳ thông minh.

Vào giờ vượt ngục, kế hoạch bên trại đàn ông bị bể, do một tên đàn em của Khổng Tiết sơ hở để lộ vũ khí khi vào nhà vệ sinh. Một phạm nhân trong trại nhìn thấy, biết có chuyện vượt ngục nên quyết bám theo. Cuộc đào thoát trở nên lằng nhằng, cả bọn chậm mất hai phút trên đoạn đường ra cổng thoát. Cánh cổng trại giam do gia đình Khổng Tiết bỏ tiền mua chuộc đóng sập trước mặt hắn. Trong cơn giận dữ, Khổng Tiết nổ súng giết chết hai giám thị và ba lính canh nhưng vẫn không thể chạy ra bên ngoài.

Trong khi đấy, Hứa Ngải Kỳ cố tình dời giờ khởi hành lại mười lăm phút. Ả ngồi điềm tĩnh trong nhà vệ sinh nữ, chờ đến khi còi báo động bên trại giam đàn ông kêu inh ỏi, súng bắt đầu nổ, Hứa Ngải Kỳ mới lẻn lên văn phòng. Tại đây, ả cắt cổ giám thị nhà giam, phá hoại hệ thống báo động của trại nữ, rồi thay áo nhân viên trại, chạy xuống phòng cấp cứu. Ở phòng cấp cứu, Hứa Ngải Kỳ giết chết y tá trực lấy giấy tờ và quần áo, cướp xe cứu thương. Ả cho xe hụ còi khẩn cấp rồi lái ra cửa. Khi đấy, ở ngoài đường và phía bên trại đàn ông, xe cảnh sát và xe cứu thương cũng đang hụ còi inh ỏi, tạo nên một bầu không khí náo loạn vô cùng căng thẳng.

Tình hình hỗn độn bên trong và bên ngoài làm nhân viên gác cửa mất cảnh giác, họ để Hứa Ngải Kỳ lái xe cứu thương đi trót lọt. Ả chỉ bị bắt lại tám giờ sau đấy ở đường cao tốc cách Thâm Quyến sáu trăm cây số, trên một chiếc Porsche 911. Hứa Ngải kỳ đã không tháo được xiềng điện tử. Sau cuộc vượt ngục đẫm máu bất thành, cả Khổng Tiết và Hứa Ngải Kỳ đều bị tăng thêm một án tử hình. Kỳ bị đưa sang những trại giam khác nhau rồi được gia đình chạy án sang Phong Thổ.

Khổng Tiết bị mang đi hành quyết. Khi đưa hắn sang trại xử án, đội hành quyết đã đánh tráo tử tù, một phạm nhân vô danh phải lãnh thay cho Khổng Tiết mũi tiêm thuốc độc. Khổng Tiết thật được đưa sang Phong Thổ với một cái tên hoàn toàn mới là Chu Lệnh Khang. Tống Chính Thao chỉ biết đến Chu Lệnh Khang như một tên tội phạm vặt vãnh, chuyên trộm cắp các cửa hàng rau cải, nên Chu Lệnh Khang được tự do đi lại trong Phong Thổ và cư ngụ trong khu Nhập Cư mà không chịu bất kỳ biện pháp giám sát nào.

Kế hoạch vượt biên của Chu Lệnh Khang và Hứa Ngải Kỳ đã vào giai đoạn cuối. Ra khỏi Phong Thổ, Khang sẽ được đưa về hướng nam, đến Hà Nội. Từ Hà Nội hắn sẽ có đường dây đưa sang Đông Âu. Lẽ ra Khang ra đi từ tuần trước với Dị Quán, nhưng hắn nói dối là còn phải chờ Hứa Ngải Kỳ. Thật ra, Chu Lệnh Khang chẳng dại gì theo đường rừng vượt qua những bãi mìn dày đặc, luôn có lực lượng lính biên phòng hung tợn của Hà Hãn Mưu tuần tra nghiêm ngặt. Nhưng hắn vẫn tạo mọi điều kiện cho Dị Quán ra đi. Chuyến vượt biên của Dị Quán bất thành, toàn bộ đồng bọn của Dị Quán gồm mười một người trong hội Huyết Thù vướng vào bãi mìn và bị lính biên phòng bắn chết. Một ngày sau, lực lượng công an bố ráp khu Nhập Cư, bắt đi năm thằng đàn em của Huyết Thù. Chu Lệnh Khang thoát chết vì hai ngày trước đấy hắn đã giả bệnh dịch tả nằm thiêm thiếp trong trạm xá.

Nghe tin Dị Quán bị bắn chết, Chu Lệnh Khang thấy khoan khoái trong lòng. Những kẻ biết quá nhiều về Khổng Tiết - Chu Lệnh Khang không nên tồn tại trên cõi đời này.

Hứa Ngải Kỳ là một đối tượng ngoại lệ. Trước khi Chu Lệnh Khang ra khỏi Phong Thổ thì Hứa Ngải Kỳ vẫn là một đối tượng đáng sống.

Cuộc vượt biên của Chu Lệnh Khang và Hứa Ngải Kỳ theo đúng kế hoạch sẽ mật khởi vào ngày mai. Thứ Ba.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét