Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Bên bờ cỏ

Vợ chồng tôi đều là Phật tử.

Nỗi nhớ Phật, nhớ mùi hương nơi cửa chùa trong lòng tôi thường rất lớn. Nhưng theo thời gian, nó trở thành nỗi nhớ âm ỉ chôn sâu trong đáy lòng, mà mỗi khi nghĩ đến, tôi đành tự nhủ: ráng đừng làm gì bậy bạ, ráng sống cho lương thiện vậy là gần với Phật rồi.

Bầu không khí thanh tịnh nơi cửa chùa, như ngày xưa còn nhỏ, như trong những nỗi hoài niệm, tôi không sao tìm lại được. Nhiều lúc muốn lên chùa để thấy mình chỉ là cỏ dại, mọc lan man dưới chân thềm đá. Nhưng chùa chiềng bây giờ chỉ toàn người là người, toàn hoa chăm, cỏ xén, lối hẹp, cây kiểng. Tượng Phật sơn son thếp vàng nhìn rất xa lạ. Người tu hành thì cờ quạt, lọng phướn như hát bội.
Những chuyện lùm lùm của nhà nước - nhà chùa tranh nhau món lợi khổng lồ từ tiền cúng dường, cuộc sống xa xỉ thiếu đạo hạnh của người tu hành cũng góp phần hủy hoại nỗi nhớ nhung.
*
Chùa ở Berlin cũng không khác gì ở Việt Nam. Phía ngoài ầm ĩ người, phía trong mâu thuẫn nội bộ, hơn thua, tranh chấp.
Tôi đi chùa, có nhiều kỷ niệm không vui và những kỷ niệm đó thường gây cho tôi sự sợ hãi. Một sự sợ hãi dù là mông lung nhưng cứ thường trực quay về, nó như dòng nước đục âm thầm xâm lấn dòng nước thanh khiết. Bạn biết đó, chỉ một giọt nước bẩn thôi cũng đủ hủy hoại ấm trà tinh sạch rồi.
Những người tự nhận mình là Phật tử, chăm chăm níu áo người thăm viếng “đề nghị” đóng tiền công đức, đã không còn là chuyện lạ lùng. Có hôm, vừa vào đến chính điện lễ Phật, đã có chị mặc áo lam kéo ra góc đề nghị cúng dường, sau một hồi kể lể là các thầy, các sư không có trợ cấp, họ cần tiền ăn uống… Tôi không rõ, trong chùa có bao nhiêu sư thầy, một buổi cơm rau tốn bao nhiêu tiền. Có thật không chuyện nhà nước Đức bỏ đói người tu hành trên xứ Đức? Tại sao cá nhân các chị lại kể chuyện để vòi tiền người viếng chùa như vậy?
Ngay cả sư thầy cũng đăng đàn đề nghị ủng hộ tiền xây chùa. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm ở chùa Berlin. Có một thầy còn trẻ “vận động” tiền xây chùa. Thầy nói, thầy đã cắt đứt ngón tay, với tâm nguyện là phải xây được cái chùa cho Phật.
Phật không ở trong chùa. Chùa càng lớn, càng không có Phật.
Nhưng cái ngón tay cụt thầy đưa ra cho mọi người nhìn thấy đức tin của thầy, nó ám ảnh tôi cả chục năm trời. Nó không chỉ là hình ảnh thương tật khủng khiếp. Mà nó là con đường sai lệch, tôi xin phép ngại ngần nói: gần với ma giáo. Đạo Phật không cho phép người ta tự hủy hoại thân thể của mình, vì bất cứ lý do gì. Hình ảnh đó thật khủng khiếp, ám ảnh đến độ nhiều năm sau tôi không dám lên chùa.
Sau này, tôi phải lên chùa cầu siêu cho người bạn của chồng. Một lần cầu siêu như vậy, danh sách người mất được xướng lên dài dằng dặc. Người thân bạn bè cũng ngồi đầy trong chính điện. Sau đó, mỗi người bạn được “đề nghị” đóng 20€ (tôi nhớ vậy) tiền tham gia cầu siêu. Em trai của người quá cố cho biết, anh ta phải đóng 100€, vì là ruột thịt. Chùa có giá sao? Và tại sao?
Tại sao các anh chị mang tham sân si vào cửa Phật? 😢
*
Những kỷ niệm như vậy luôn là nỗi đau mà tôi không sao vượt qua được. Đôi lúc nhớ Phật, tôi chỉ mong có chỗ nào thật thanh tịnh để tôi được đến ngồi bên bờ cỏ năm ba phút. Chỉ để rưng rưng nước mắt nói rằng: “Con rất nhớ thương Phật”.
Và tôi tin rằng, Phật không ở trong chùa. Phật ở trong lòng nhớ thương của mình thôi.
☘️

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét