Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Chưng hoa hay trưng hoa

1. Chưng hoa, trưng hoa là tiếng Hán-Việt?
Ở đây tôi sử dụng 5 cuốn từ điển của Đào Duy Anh, Nguyễn Tôn Nhan, Võ Phá, Thiều Chửu, Lôi Hàng (người Trung Quốc) và cuốn Học chữ Hán của Lưu Khôn (có dẫn giải đầy đủ các bộ chữ Hán).

CHƯNG (bộ hỏa) có nghĩa là: Làm cho khí lửa bốc lên, chưng thử (nắng chang chang), chưng lưu, chưng cất, chưng tuất (cứu viện), chưng uất (khí uất bốc lên)… Hoàn toàn không có nghĩa “chưng hoa” ở đây. 
TRƯNG (bộ xích) có nghĩa là: Vời đến, chứng cứ, thu thuế - như trưng binh, trưng cầu, trưng chứng, trưng dẫn (đem ra làm chứng), trưng thuế, trưng dụng (mời đến mà dùng), trưng thư (giấy giao cho người đi mời), trưng tập (mời và gom nhóm lại), trưng văn (mời người ra làm văn), trưng thi (mời người làm thơ hay họa thơ)… Ở đây, chữ TRƯNG có nhiều nghĩa nhưng không có nghĩa “trưng hoa”. 

 
Riêng trong từ điển Trần Văn Chánh, chữ TRƯNG còn có thêm nghĩa: Điềm, chứng cớ, triệu chứng, dấu hiệu. Cuốn này tôi không có bản in, phải tra trên mạng. 
Như vậy, chưng hoa hay trưng hoa đều không là tiếng Hán-Việt.
 
2. Chưng hoa, trưng hoa là tiếng Nôm?
Tiếng Quốc Ngữ còn được gọi là Quốc Âm. Từ thời tiền Lê đến thời Pháp thuộc, chữ Quốc Ngữ được phát triển và viết bằng chữ Nôm (mẫu tự Hán). Ở thời Pháp thuộc chữ Quốc Ngữ được latin hóa sang mẫu tự alphabet. Về sau này, chúng ta bỏ chữ Nôm, chỉ còn chữ Quốc Ngữ với mẫu tự alphabet.
Tác phẩm Quốc Ngữ đầu tiên bằng chữ Nôm là Quốc Âm Thi Tập do Nguyễn Trãi viết vào thế kỷ 15, được vua Lê Thánh Tông sưu tầm và biên soạn lại. Sau này được hai ông Phạm Trọng Điềm và Trần Văn Giáp phiên dịch ra chữ Quốc Ngữ với mẫu tự alphabet.

Đến thế kỷ 16, ông Nguyễn Bỉnh Khiêm viết tác phẩm Bạch Vân Quốc Ngữ Thi Tập bằng chữ Nôm, khẳng định chữ Nôm là Quốc Ngữ.
Tôi tham khảo 254 bài thơ trong bộ Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi thì tôi tìm được hàng loạt những chữ CHƯNG sau đây (với nhiều nghĩa khác nhau):
- Vì chưng đời có chúa Đường Ngu.
- Cật chưng hồ hải đặt chưa an.
- Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa,
- Ngầm hay mùi đạo cực chưng ngon,
- Phần ấy chưng ta đã có thừa.
- Nghĩa ấy bền chưng đá vàng.
- Thêu cùng gấm mặc chưng đời.
- Lòng người một sự yêm chưng một,
- Xanh bạc dầu chưng mặt chúng ngươi.
- Sự thế chưng ta dầu đạm bạc,
- Được dưỡng vì chưng có thửa dùng.
- Hiềm kẻ say chưng bề tửu sắc,
- Ở chưng trần thế mấy phen cười.
- Than lửa hoài chưng, thương vật nấu,
- Đã ngoài chưng thế dầu hơn thiệt,
- Khỏi quyền đã kẻo luỵ chưng danh.
- Bởi chưng hệ chúa Đông quân.
- Kham cười anh vũ mắc chưng lồng.
- Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày.
*
Lạ lùng thay, tôi chỉ tìm được hai chữ TRƯNG, nhưng đều là tên riêng. Đó là bà Trưng và Ngụy Trưng.
Riêng câu thơ:
“Muối liễn dưa dầu đủ bữa,
Thêu cùng gấm mặc chưng đời.” (Tự thán bài 34, Quốc Âm Thi Tập)
Cho thấy chữ “chưng đời” đã có từ rất xưa. Nó có nghĩa là cho đời hay mang ra với đời.
Tìm thêm trong một số bài thơ Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập (vua Lê Thánh Tông), tôi có được các chữ CHƯNG như sau:
- Nết na nhận khẩn khác chưng loài
- Quá Lỗ, vì chưng chút đãi buôi
- Hơn chưng bạn khải hoa vương
Nhưng tôi không tìm thấy chữ TRƯNG. Ai có nguyên bộ gốc Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, xin tìm và kiểm tra giúp.

Chữ TRƯNG không hề có mặt trong các bài thơ bằng chữ Nôm cổ xưa nhất của Quốc Âm Thi Tập! Có thể hiểu rằng: chữ chưng theo thời gian đã bị viết thành chữ trưng, do cách nói hai âm CH và TR giống nhau của người miền Bắc?

3. Chưng hoa, trưng hoa là tiếng thuần Việt?

Nhiều người cho rằng chưng hoa hay trưng hoa có nghĩa từ chữ chưng bày hay trưng bày. Nhưng tôi nghi ngờ quan điểm này.

Trong chữ TRƯNG BÀY thì chữ “bày” là tiếng thuần Việt nên khó có thể khẳng định là nó được ghép với chữ “trưng” tiếng Hán-Việt. Cho nên “trưng bày” (theo nghi vấn trong tiếng Nôm cổ không hề có chữ trưng) chỉ có thể hiểu là một cách ghép chữ tùy tiện của người bình dân sau này.

Ở đây ta nên xác định đang nói chữ chưng nào và trưng nào? Tiếng Hán Việt hay tiếng Nôm.

Khi cho rằng TRƯNG mang hàm ý "bày ra" thì đó là tiếng Trưng của tiếng Hán Việt. Nó có nghĩa là "mời mọc". Trưng dụng (mời đến mà dùng), trưng tập (mời và họp nhóm lại), trưng văn (mời người ra làm văn), trưng thi (mời người làm thơ hay họa thơ).

Khi ghép vào tiếng Việt (dù là ghép không đúng quy tắc) thì TRƯNG BÀY mang nghĩa bày ra, phơi ra chỗ công khai, chỗ công cộng cho mọi người xem, như: Nhà Trưng Bày Hoàng Sa, Nhà Trưng Bày Bát Tràng... Người ta không gọi là “nhà chưng bày” là vì vậy. Vì trưng có nghĩa gốc là “mời” nên trong kinh doanh, phô diễn, “trưng bày” thường được dùng hơn là “chưng bày”.

Nhưng CHƯNG BÀY thì sao? Theo tôi, về ngữ pháp thì chữ “chưng bày” chuẩn hơn, vì cả chữ “chưng” và “bày” đều thuần Việt nên có thể ghép chung với nhau. Nhưng theo ý nghĩa và theo cách dùng trong xã hội thì “chưng bày” mang tính cá nhân hay riêng tư. Người ta chưng diện cho chính mình, chưng bày vật dụng trong phòng khách.

4. Như vậy, chưng hoa hay trưng hoa?
Theo tôi, viết đúng Quốc Ngữ phải là CHƯNG HOA.
Người miền Nam xưa nay đều viết chưng hoa. Bạn bè và người thân của tôi, những người miền Bắc chính gốc, những người trân trọng và kỹ lưỡng với chữ nghĩa cũng cho rằng: họ viết chưng hoa - Chưng hoa đào.
 
5. Nên khảo sát lại vấn đề.
Tôi sống ở nước ngoài, sách vở tài liệu rất hạn chế, thời gian cũng eo hẹp. Cho nên tôi hy vọng những người có khả năng, có tâm với tiếng Việt xem xét lại hai chữ “chưng hoa” và “trưng hoa” để có một cách viết thống nhất và bảo tồn (cũng như trân trọng) tài sản văn hóa của cha ông.
°
🟢🔻🟡🔸🟣

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét